Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.4-16)
Dấu ấn “Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ 1 - Huế 2016.”
15:30 | 13/05/2016

TUỆ NGỌC

Hội họa nói riêng và nghệ thuật thị giác nói chung của Huế đã có một thời kỳ rực rỡ với những tên tuổi cống hiến cho mảnh đất giàu văn hóa này như Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Bửu Chỉ, Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng, Đinh Cường, Hoàng Đăng Nhuận, Vĩnh Phối, Nguyễn Văn Tuyên…

Dấu ấn “Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ 1 - Huế 2016.”
Độc thoại (acrylic) của Vũ Duy Tâm

Đây là một thế hệ mà nghệ thuật của họ được khởi từ chính những tháng năm thăng trầm của lịch sử, một màu sắc lịch sử bi hùng và giàu tính huyền thoại.

Ngày nay, nhiều người thường đem vào thế so sánh giữa tài năng và sự lối sống của các họa sĩ trẻ ở Huế với thế hệ đi trước. Thiết nghĩ, rất khó có thể đem đến một sự đối sánh bởi mỗi thế hệ đều mang một tâm thức sáng tạo khác nhau, đứng trước một thế giới khách quan khác và quan niệm nghệ thuật, tiếng nói nghệ thuật của mỗi thế hệ cũng có những dị biệt.

Quan sát những chuyển biến của hội họa trẻ Huế những năm vừa qua và đặc biệt là qua cuộc triển lãm mang tên: Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ 1 - Huế 2016 (tại NewSpace Arts Foundation - Làng nghề Huế, Trung tâm Văn hóa Phương Nam, triển lãm diễn ra từ ngày 26/3 tới ngày 02/4/ 2016) người xem thấy rằng giờ đây, các họa sĩ trẻ đã thực sự có những đột phá trong quan niệm hoàn toàn mới về cách định nghĩa như thế nào là một tác phẩm nghệ thuật.

Tất nhiên, để nhìn rõ hơn những quan niệm có tính đột phá của giới trẻ về nghệ thuật, chúng ta cần nhìn lại những nét tương đồng, những sắc màu tương cận trong quan niệm nghệ thuật của các bậc tiền bối. Nhìn chung, hội họa Huế trong truyền thống luôn dung chứa một không khí lãng mạn, hoài cổ và u buồn... gợi nhắc những huyền thoại thuộc về cái đẹp quá vãng. Điều đó hiện lên qua những tác phẩm nghiêng về tính chất biểu hình như: Người suối bạc của Phạm Đăng Trí; Bến thuyền của Tôn Thất Đào; loạt tranh không đề của Nguyễn Văn Tuyên; Theo em về Huế của Đinh Cường… Thậm chí ngay cả những tác phẩm nghiêng về hội họa diễn ý như: Sự phi lý của cuộc sống của Bửu Chỉ, Chiến sĩ ra trận vác vợ theo (điêu khắc) của Điềm Phùng Thị… thì người ta vẫn thấy được cái đẹp lãng mạn trong hình tượng và tính thi ca trong ý tưởng.

Lớp họa sĩ trẻ hiện nay ít chịu sự níu kéo của ký ức như lớp họa sĩ trước. Họ mạnh dạn hơn trong cách phá vỡ những hình tượng cũ, hướng đến diễn tả một tâm thức đương đại mới mẻ, hướng tới biểu tả những ý niệm không dễ lý giải. Họ không còn bị gò ép trong công thức mô phỏng, họ hướng tới những hình tượng hàm ý thách thức quan niệm thẩm mỹ truyền thống. Bằng sự bóp méo hình thể, họ phản ứng cuộc sống hiện bằng những thái độ dứt khoát, phản ánh cuộc sống của những con người bé mọn bằng những hình ảnh, họa tiết đôi khi khắc khổ, u trầm, đôi khi mỉa mai, chua chát và giễu cợt…

The end - Tác phẩm sắp đặt của Trần Hữu Nhật


Tại cuộc triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ 1 - Huế 2016, trò chuyện với chúng tôi, họa sĩ Trần Hữu Nhật đã bày tỏ những quan niệm khác biệt của tuổi trẻ về cái được gọi là nghệ thuật. The end là tác phẩm sắp đặt của Trần Hữu Nhật tại cuộc triển lãm lần này. Tác phẩm không những đưa tới sự phản ánh một thái độ của nghệ sĩ trước thực tại cuộc sống bức bí mà còn là sự sáng tạo về chất liệu cấu nên tác phẩm. Chất liệu của tác phẩm là Than cục, gương phản chiếu và một chiếc ly thủy tinh trống rỗng. Với sự va đập giữa các chất liệu khác nhau, cộng hưởng với sự sắp đặt có ý đồ của tác giả, ngay lập tức đem đến những diễn giải khác nhau đối với người xem. Mỗi người đứng trước tác phẩm này đều có cách hiểu tác phẩm riêng biệt, tùy thuộc vào căn nền văn hóa, trình độ thẩm mỹ, quan niệm thẩm mỹ của mỗi người. Riêng tác giả Trần Hữu Nhật thì diễn giải rằng: Cuộc sống đang đi đến hủy diệt, chúng ta chính là những chủ thể đưa cuộc sống tới bờ vực thẳm bằng chính thái độ sống của chúng ta. Bạn hãy tới bên tác phẩm, gương phản chiếu sẽ in hằn khuôn mặt của bạn và bạn sẽ nhận ra chính bạn (dù không trực tiếp can dự) nhưng cũng đã góp phần đưa cuộc sống này đi đến hồi kết…

Trò chơi - Tác phẩm sắp đặt của Nguyễn Văn Hè


Tại Triển lãm này, một tác phẩm thuộc nghệ thuật sắp đặt không kém phần thú vị khác là tác phẩm Trò chơi của Nguyễn Văn Hè, chưa nói về ý tưởng, chỉ xét riêng về cách sắp đặt, chất liệu tác phẩm cũng đã nói lên được những nỗ lực đem tới một quan niệm khác về cái đẹp của người nghệ sĩ có nhiều tìm tòi này. Chất liệu của tác phẩm là phế liệu chiến tranh, bao gồm: Mảnh vở bom, đạn, quân phục người lính… đây là phế liệu chiến tranh Việt Nam tại Huế. Những mảnh vụn từ bom, đạn, sắt máy bay… tưởng như đã ngủ vùi trong lòng đất nhưng với Nguyễn Văn Hè đó chính là nơi khởi đi cho những ý tưởng. Tác phẩm Trò chơi là một hình nhân bằng sắt vụn, đầu là một chiếc mũ sắt đựng nước chứa hai chú cá nhỏ đang sống rượt đuổi nhau, tất cả nằm trên mảnh vụn của bom, đạn… Phế liệu đó tạo nên những hình ảnh đầy ám ảnh và gợi nên những cặp phạm trù đối lấp trong ý nghĩ của người xem như: Chiến tranh - hòa bình; Sự sống - cái chết; Tạo sinh - hủy diệt; Thiện - ác; Vô hạn - giới hạn; Được chơi/ bị chơi… Về tác phẩm này, họa sĩ Nguyễn Văn Hè cho rằng: “Chất liệu: mảnh bom, đạn, cũ kĩ, rỉ sét… (đang trong quá trình chuyển hóa thành đất) ở giữa một sự sống mong manh hiện hình qua tính chất trò chơi “chọi cá” của con trẻ, trong chiếc mũ quân đội làm chậu nước. Chiến tranh: trò chơi của người lớn, “chọi cá”: trò chơi của con trẻ. Hai trò chơi, có kẻ thắng người thua, sinh và tử, chính và tà? Liệu hai chữ Hòa Bình có là câu trả lời?”

Bên cạnh những tác phẩm sắp đặt, hội họa cũng là lĩnh vực đáng chú ý trong cuộc triển lãm lần này. Nếu như trước đây hội họa biểu hình là thế mạnh của các họa sĩ Huế thì nhìn chung, thế hệ họa sĩ trẻ hiện tại thường tìm cách diễn ý trong tác phẩm. Đứng trước một thế giới quan có nhiều chiều hướng biến đổi, trước những rạn nứt của các giá trị tưởng như vĩnh cửu, sự xáo trộn trong cuộc sống hiện đại không ngừng va đập vào sự tri nhận của người trẻ, áp lực và sự hoang mang đến từ những điều không thể lẫn tránh… những điều đó đã tạo nên một tâm thức khác, đòi hỏi người họa sĩ trẻ phải nói lên tiếng nói của mình, đó cũng là cách họ giải phóng đi những xung năng ở nội tại.

Đứa trẻ (sơn dầu) của Nguyễn Văn Trung


Đứa trẻ (sơn dầu) của Nguyễn Văn Trung là một tác phẩm hội họa hoàn toàn thuộc về nghệ thuật hiện đại, thậm chí không khí trong tác phẩm là không khí của nghệ thuật Hậu hiện đại. Tác phẩm không hướng tới cái đẹp nằm trong thế cân bằng để làm thỏa mãn thị giác, mà không khí của tác phẩm đến từ hình ảnh, hình họa của tác phẩm khiến chúng ta đứng trước một xúc cảm khó gọi thành tên. Đó có thể là sự hoang mang, nỗi hoài nghi, sự sợ hãi, ý thức gây hấn… Tác phẩm Độc thoại (acrylic) của Vũ Duy Tâm (tác phẩm này đạt Giải thưởng Bửu Chỉ - 2016) cũng là tác phẩm dung chứa cảm trạng, tâm thức và ngôn ngữ mới.

Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ 1 - Huế 2016 trưng bày 57 tác phẩm của 52 tác giả trẻ. Với nhiều chất liệu thể hiện như sơn dầu, màu nước, bút sắt, gò nhôm, lụa, acrylic, phế liệu… cùng với đó là sự đa dạng thể loại như hội họa, video art, sắp đặt, điêu khắc… Đây là cuộc triển lãm để người xem thấy rõ hơn sự bùng nổ trong quan niệm về cái đẹp và những chất liệu có thể cấu nên nghệ thuật hiện tại đã khác xa truyền thống. Triển lãm Mỹ thuật trẻ sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm và dĩ nhiên chúng ta có quyền hi vọng cho một sân chơi có thể làm nảy mầm những tác phẩm lớn.

T.N
(SHSDB20/04-2016)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trang sổ bị xé (13/05/2016)