Tạp chí Sông Hương - Số 328 (T.06-16)
Lời nguyện cầu cho đại dương
08:41 | 17/06/2016

bút ký của Lê Vũ Trường Giang

Nhìn trên bản đồ, vùng bờ biển của Huế là một dải đất mỏng như lưỡi liềm, những đường cong với nhiều bãi tắm đẹp thu hút du khách cùng những làng nghề chế biến muối và nước mắm nổi tiếng.

Lời nguyện cầu cho đại dương
Biển Thuận An - Ảnh Nguyên Quân

Bao lần tôi ước về biển đứng trước sự rộng lớn trùng trùng và để được mặc sức vẫy vùng trong biển sóng. Nhưng mùa hè này cả nước đau đáu nhìn về phía biển, nhìn về dải đất miền Trung nhỏ hẹp, nghèo khó. Nỗi đau của biển bắt đầu thấm trong suy nghĩ, trong nỗi lo của những người con Việt sống trên dải đất đầy nắng gió. Chưa bao giờ biển nghẹn thở từ chính những người từng vui buồn cùng biển.

Sự cố cá chết bất thường dọc biển miền Trung với số lượng lớn đã gây ra chuỗi thiệt hại kép về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động nuôi trồng, khai thác, chế biến và kinh doanh thủy - hải sản. Cá chết hàng loạt không chỉ tạo nên khó khăn nhọc nhằn miếng cơm manh áo của những người dân chài miền Trung quanh năm bám biển mà còn khiến nhiều người lo xa hơn nữa là câu chuyện làm sao để giữ cảnh quan thiên nhiên. Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề toàn cầu nóng bỏng. Ô nhiễm biển với việc tồn tại nhiều chất độc hại trong môi sinh đã khiến nhiều sinh vật không thể sinh sống, phát sinh những vấn đề xấu đối với con người.

Nghỉ lễ Giỗ Tổ, tôi lang thang về Cảnh Dương (Phú Lộc) vào giữa tháng 4, nghe người dân bảo bữa nay khó kiếm sống ở biển rồi. Chiều đó, tôi lội dọc bờ biển. Thông tin biển bị nhiễm độc ám ảnh những bước chân. Đến sáng đón bình minh, thấy xác một con cá to nằm sóng xoài trên cát tôi đã thấy điều gì bất thường. Mùi cá chết xộc tanh cả một đoạn bờ biển ám ảnh tâm trí tôi. Đó là con cá vẩu nặng gần 35kg, ít khi xuất hiện, đã chết dạt vào bờ. Cuộc du ngoạn Cảnh Dương tự dưng chững lại, đầy muộn phiền. Sớm đó, gió thổi mạnh, Cảnh Dương vốn nổi tiếng biển đẹp, sóng nhỏ, giờ lớp lớp sóng bạc tấp vào, mùi tanh nặng nề lan trong gió.

Và rồi vài ngày sau, thông tin cá chết được đưa tin trên các phương tiện truyền thông. Huế có đến 3 đợt cá chết. Đợt 1 từ 15/4 đến 24/4, xuất hiện cá chết bất thường từ vùng ven bờ biển của huyện Phong Điền đến Phú Lộc. Đợt thứ 2 từ ngày 26/4 đến 29/4, cá và nhiều sinh vật biển khác chết bất thường ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) và cửa Chu Mới (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc). Đợt thứ 3 từ ngày 2/5 xuất hiện cá biển và cá nuôi lồng chết tại vùng biển Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền) và các xã Phú Thuận, Phú Hải, Thuận An (huyện Phú Vang), Hải Dương (thị xã Hương Trà). Tình hình cá chết bất thường đã gây hoang mang, lo âu cho người dân. Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh đã khảo sát, lấy 9 mẫu nước mặt và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lập An, huyện Phú Lộc, vùng ven bờ xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) và các xã Điền Hương, Điền Hải (huyện Phong Điền) để phân tích, đánh giá các thông số về môi trường theo Quy chuẩn Việt Nam. Kết quả bước đầu cho thấy các thông số về tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặn. Bước đầu có kết luận: “Nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước dẫn đến sự cố cá chết hàng loạt”. Kết quả này công bố được cho là sớm nhất trong 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi cá chết bất thường. Trong đợt 3, lúc cá lồng bị nhiễm nguồn nước ngoài biển vào gây thiệt hại nặng cho các hộ nuôi trồng thủy hải sản dọc phá Tam Giang, sông Hương; thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty TNHH NN MTV Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế tiến hành xả nước sông Hương qua đập Thảo Long để đẩy mặn và cải thiện nguồn oxy trong nước góp phần làm sạch phá Tam Giang. Đơn vị đã xả nước ngọt từ ngày 3/5 qua đập dâng Thảo Long để đẩy nước về vùng đầm phá Tam Giang nhằm điều tiết môi trường nước. Trước đó tại vùng này, cá lồng đã chết nhiều tại các vùng ven biển Thuận An (huyện Phú Vang) và Hải Dương (thị xã Hương Trà), nhận định do thiếu oxy. Trong 3 ngày đầu, lượng nước xả đẩy mạnh khoảng 15 triệu m3. Đến những ngày sau, lượng nước xả giảm dần từ 3 - 5 tiếng đồng hồ/ ngày. Tổng lượng nước xả qua 6 ngày là 35 triệu m3. Đây là lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại từ khi đập dâng Thảo Long hoàn thành, đơn vị xả nước về vùng hạ lưu đầm phá lớn nhất nhằm làm sạch môi trường nước ở phía dưới. Ngoài ra phương án tham mưu của chính quyền là nâng lồng nuôi lên 1m cũng làm giảm thiểu số lượng cá chết.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có phương án chỉ đạo các địa phương ven biển tiếp tục rà soát, thống kê báo cáo chính xác tình hình thiệt hại; đồng thời tổ chức tuyên truyền để người dân yên tâm, không thu gom cá chết để tiêu thụ trên thị trường gây ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển xa và cá trong vùng đầm phá; hướng dẫn người dân tạm thời chưa thả giống, không lấy nước vào ao nuôi ven biển, vùng bị thiệt hại trong khi chờ xác định nguyên nhân. Tỉnh đã kịp thời hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng do cá chết. Từ ngày 12/5, tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 36.000 nhân khẩu và 3.080 tàu thuyền đánh cá thiệt hại nặng từ hiện tượng hải sản chết bất thường; gồm mức 3,5 triệu đồng/chiếc đối với ghe, thuyền không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 20CV; mức 5 triệu đồng/chiếc đối với ghe, thuyền lắp máy có công suất từ 20CV đến dưới 90CV. Tỉnh cũng tiến hành tạm cấp 9,4 tỷ đồng bổ sung kinh phí cho các địa phương thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cho các ngư dân bị ảnh hưởng do hiện tượng cá chết bất thường gồm: huyện Phú Lộc - 3,5 tỷ đồng, thị xã Hương Trà - 500 triệu đồng, huyện Phú Vang - 4,1 tỷ đồng; huyện Quảng Điền - 800 triệu đồng; Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền - 500 triệu đồng. Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng một cách kịp thời, đúng đối tượng. Tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp nhu yếu phẩm thiết thực đến ngư dân bị ảnh hưởng nặng. Bên cạnh đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cũng hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng; trong đó có 3 tỷ đồng để hỗ trợ cho những hộ dân nuôi cá trên lồng, bè trên đầm phá bị thiệt hại. Nhiều doanh nghiệp cũng đã vào cuộc…

*

Những ngày cá chết, biển ô nhiễm, nhiều người không dám ăn cá biển, không dám tắm biển. Ngư dân bám biển giờ bán cá không ai mua, đến các ngành dịch vụ du lịch, khách sạn, resort ở ven biển thưa thớt khách. Nghề nuôi trồng, chế biến thủy hải sản gặp nhiều khó khăn... Hàng triệu người đang đối mặt với vấn đề kinh tế và sức khỏe. Một bộ phận người dân đổ xô đi mua nước mắm, muối vì sợ bị nhiễm độc từ nguồn nước biển.

Giữa tháng 5, biển Quảng Công (Quảng Điền) vẫn chìm vào yên lặng. Cả làng chài Cương Gián dường như ngủ yên trong cái nắng hè rạo rực trên cát và những hàng dương xanh ngút ngát. Tháng 5 đương mùa cá trích, cá hố, cá cơm bạc nhưng hàng chục chiếc thuyền nan của ngư dân Cương Gián nằm xếp hàng trên cát. Một sự đổi thay kì lạ khi đa phần thuyền nan đều được gánh lên xa trên bờ. Bà con ngư dân chưa biết đến khi nào mới ra khơi lại nên phải gánh thuyền lên cao cho đỡ sóng tấp. Anh Cu, một ngư dân trẻ đang ôm một đống chiếu, bạt ra biển. Tôi hỏi anh đi đâu sao đem chiếu nhiều thế. Anh bảo mang chiếu ra đậy lưới, không thì nắng, muối làm hư lưới cả. Chiếc thuyền nan của anh được gánh lên bờ cả mấy chục ngày nay. Đáng lẽ ra, chiều chiều thế này anh đã đi bủa quạng, đến 8 - 9 giờ tối lại vào nhưng giờ chịu rồi. Anh Cu đi biển gần chục năm trời. Thuyền anh mới đóng được vài năm, chung vốn làm ăn với mấy người bạn, lênh đênh trên biển mấy mùa nhưng nay chỉ biết ngồi chờ biển yên, biển sạch trở lại. Tôi hỏi, sao anh không đi đánh bắt cá, anh bảo cũng đã đi nhưng mang cá lên chẳng ai mua, mấy lần như thế sinh nản nên giờ chỉ biết ngồi chờ.

Biển Quảng Công chỉ lao xao một lúc vào buổi chiều, khi những ngư dân có thuyền đều đi ra biển, người che đậy lưới như anh Cu, một số ngư dân mang gàu, thùng ra múc nước xối lên thuyền để giữ ẩm tránh mục nát thuyền khi không được ra khơi. Khi đã xong việc, ngư dân Lê Văn Quảng ngồi trên cát, mắt đắm đăm nhìn ra biển lộng. Thỉnh thoảng, ông lấy thuốc ra châm, hít vài hơi rồi thở dài.

Ngày những đàn cá chết theo con sóng tấp vào bãi biển Quảng Công, bà con ngư dân đã khóc cùng biển. Họ than trách cho số phận đắng cay, cho thảm họa. Cá nằm phơi bụng trắng xóa trên bãi cát, vùi mình trong cát sóng. Người dân chưa bao giờ chứng kiến hàng nghìn con cá dạt vào bờ, từ cá đuối, cá nghẹn, cá gống, cá đối, cá liệt, cá lệt, cá đỏng… cơ man họ nhà cá chết tấp vào bờ. Những đôi mắt cá vỡ tung hy vọng của đại dương xanh thẳm. Cả làng Cương Gián cùng chính quyền, bộ đội biên phòng đi nhặt cá rồi chôn lấp. Biển xanh bị nhiễm độc, mái nhà của cá bị phá hoại.

Ngư dân Lê Văn Quảng nhớ lại những ngày đầu cá chết, mùi tanh tưởi xộc lên khắp làng. Ông chỉ cho tôi dọc bãi cát, đáng lẽ giờ này còng trong tổ đã chạy ra biển hàng đoàn nhưng giờ không thấy nữa. Nguyên do, còng ăn xác cá chết nên cũng chung số phận. Mấy ngày đầu, ông cùng một số thuyền trong làng ra đánh lộng nhưng chẳng có cá nhiều. Cứ kéo lưới lên là thấy lưới đóng cặn trắng như xi măng chết, lỡ dính vào da là cả người mẩn đỏ, ngứa ngáy không chịu nổi. Biển đã bị nhiễm độc, chất gì không rõ nhưng thấy nó nổi lờ mờ trong nước là kéo thuyền vào. Có ngày đánh được cá thì cũng chẳng ai mua. Giọng ông buồn buồn, trầm xuống mỗi lần nhắc đến cá.

Trong những ngày không ra khơi được, chiều chiều ông xuống biển, cho đỡ nhớ. Để có công việc gọi là, phụ giúp thêm cho miếng ăn của gia đình 6 người, ông và vợ hằng ngày phải lấy ruốc cũ và nước mắm cất trong chum mang đi bán. 4 đứa con của ông thường ngày phụ thuyền giờ trở nên lông bông. Siêng thì theo mẹ đi bán, không thì đi loanh quanh trong làng cho đỡ buồn chân. Bữa cơm làng Cương Gián giờ đây không còn các món hải sản nữa. Chính quyền địa phương cũng tuyên truyền về sự ô nhiễm, và trong khi chưa có kết luận cuối cùng thì người dân đành chờ và… nhịn để bảo toàn tất cả.

Ánh trăng thượng tuần bắt đầu sáng về phía biển. Mảnh trăng non, chưa thành khuôn rạng. Trăng tưởng vỡ như mắt cá vỡ, hụt hẫng trước đại dương. Một hình ảnh mộng mị dâng lên trong tôi, về từng dòng người kéo nhau trên cát, kéo theo những đàn cá. Họ đi khuất trong sương đêm rồi tan ra như sóng, trôi đi trong cơn bĩ cực của đại dương. Còn đâu vẻ tươi mát xanh thẳm của biển, cái rạng rỡ nắng hạ vui đùa trên sóng cát, những bước chân trẻ con bé xíu dẫm lên màu nước, in khuôn trên vệt cát dài. Trong cơn sóng Cương Gián lặng lẽ, tôi chợt nhớ những câu thơ của Như Quỳnh de Prelle:

ánh trăng tan vào biển sáng như đêm đêm như tối mù
từng dòng người kéo nhau trên cát, kéo theo những đàn cá lặng im
lặng im lặng im
hay ồn ào như biển
rồi tan như sóng
tan đi trôi đi


Động viên ông Lê Văn Quảng rằng tình hình sẽ được cải thiện, cá thôi chết và bà con sẽ ra khơi một ngày không xa. Ông vẫn ngồi trên cát, im lặng nhìn ra biển.

*

 


Theo chân anh Đặng Thận bạn tôi ở làng Thai Dương Hạ (Hải Dương, Hương Trà), tôi ghé nhà người bạn anh là chị Trần Thị Tâm bên cồn Đâu cùng làng. Ở vùng này có khoảng 40 hộ dân nuôi cá lồng và hộ nào cũng bị thiệt hại, gia đình chị Tâm là hộ bị thiệt hại nặng trong lần độc tính xâm nhập cửa biển vừa rồi. Chị Tâm nhớ lại, cá lồng nhà chị chết trong những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5/2016. Trước đó, chị đã thấy vùng lạch có hiện tượng lạ. Trước đây, đi bỏ lừ, nhà chị bắt không được nhiều cá lắm, vậy mà đêm trước khi biển bị nhiễm độc, lừ nào của chị cũng đầy cá đục, cá hanh, cá đối là những loại ít vào lừ, có lừ bắt được 7kg cá, là điều chưa từng xảy ra. Mừng chưa được bao lâu, sáng ra thấy cá trong lồng của chị bắt đầu chết. Gia đình nuôi cá dự định xuất lồng kiếm lời nào ngờ trong hai ngày 1/5 và 2/5, cá trong lồng nổi trắng bụng. Các loại cá nâu, dìa, vẩu, chẻm thay nhau nổi lên. Hàng trăm con cá đến kỳ thu hoạch của nhà chị Tâm phải đem đi tiêu hủy, thiệt hại 25 triệu đồng, là số tiền không nhỏ của một gia đình lam lũ bên cồn Đâu. Giờ số cá còn lại cũng không bán được, không thương lái nào chịu mua cá lồng Thai Dương nữa. Nguyện vọng của chị Tâm không gì hơn là sự mong mỏi ngày chính quyền công bố nguyên nhân cá chết, xác định tính an toàn cho số cá còn lại để dễ bề mua bán; đồng thời mong chính quyền hỗ trợ thiệt hại và hỗ trợ nguồn vốn để tái tạo lại nghề nuôi cá lồng.

Trong cơn nắng hè, hàng trăm người dân đổ về biển Thai Dương Hạ, họ về thuê chòi hóng gió biển nhưng tuyệt không một ai đặt chân xuống biển chơi, tắm. Cảnh tượng giống như một bữa cơm được dọn ra, ai cũng đói nhưng chỉ ngồi nhìn. Biển Thai Dương Hạ được cải tạo tu bổ rất đẹp và khoa học, có đê chắn sóng và bãi cát mịn màng, ngày càng được du khách gần xa lui tới nhiều. Nhưng sự cố biển nhiễm độc khiến kinh doanh nơi đây gặp không ít khó khăn.

Tình hình này tương tự như bãi tắm Thuận An vừa mới đầu tư xây dựng lại và hàng chục khách sạn, resort ở Lăng Cô rơi vào hoàn cảnh long đong, vắng khách. Một chị mới mở nhà hàng ở Thuận An bảo tôi “Tụi tui ở đây thiệt hại ghê lắm chú ơi”. Thế rồi trong tháng 5 vừa rồi, ở thị trấn Thuận An rộ lên hải sâm trôi dạt trên biển chỉ cách bờ chừng vài trăm mét. Hải sâm (tên gọi dân gian là đỉa biển), là nhóm động vật biển thuộc lớp Holothuroidea, thân dài và da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da, sống trong lòng biển trên khắp thế giới. Đây là loài hải sản có giá trị kinh tế cao, trên 500 ngàn đồng/ kg, còn nếu phơi khô thì giá cao hơn. Hàng trăm người dân đổ xô đưa thuyền ra biển để vớt, kiếm tiền sống qua ngày.

Gần  chiều, hàng đoàn ghe gắn máy đi câu mực rồ ra cửa biển Thuận An. Sự khí thế của đoàn ghe làm tôi thoáng mừng.

*

Ngày trước, ngồi bên biển với nhà thơ Hoàng Phụng Cầm, ông nói với tôi, sóng chạy lên trên những giấc mơ của ông, ve vuốt và ám vào đó bao nhiêu là triền miên kêu gào, rên xiết. Lẽ chăng, sóng đau xót ngàn đời, cái đau của một kẻ chỉ muốn bốc hơi rời cõi tạm. Cái đau của sóng hòa tan trong ông, trong nỗi đau của một cựu chiến binh, ám ảnh với cuộc sinh tồn trong bom đạn. Giờ tôi trước biển, sóng đang gào thét với nỗi đớn đau của những đối xử tàn hại môi trường. Đứng trước biển, rồi hòa mình với biển mà ngụm một hớp nước mặn kì cùng để thấy được những đặc tính lớn lao từ vô thủy vô chung của biển.

Biển tiếp nhận tất cả, một sự bao dung vô bờ bến có thể để muôn dòng sông đổ về, muôn ngàn giọt nước hòa mình vào trong biển bất kể là thứ nước gì đi chăng nữa. Vậy mà con người chúng ta đang tâm thải vào lòng biển những thứ nước bẩn đầy hóa chất độc hại, cả những tiếng nổ kinh thiên để bao loài thủy sinh tầm tan xác.

Biển gồng mình chịu đựng, làm hết chức trách để chuyển hóa hết thảy thứ nước tạp lai thành một thứ nước thuần khiết mặn nồng. Biển tự làm trong sạch chính mình, một nghị lực mà không phải sinh giới nào cũng có thể thực hiện. Biển luôn làm tròn bổn phận của mình là giữ gìn và bảo toàn mọi nguồn nước, cân bằng sự sống trên hành tinh xanh. Biển luôn dang rộng mình để che chở, lưu giữ những nguồn nước quý giá. Nước bốc hơi tạo thành mưa, lại rơi xuống mặt đất đến với mọi loài. Chúng ta, mỗi khi có những vấn đề về bệnh tật hoặc là lên chốn non xanh hoặc là về với biển để thanh lọc bớt những mầm căn tật bệnh đó. Cái cảm giác để những tràn gió biển hồng hộc xô vào mình mát rượi, rũ xả đi mọi buồn lo mới thật thú vị biết bao. Giá như mỗi chúng ta, biết cách tự làm trong sạch chính mình, để tâm trí luôn thanh thản để mỗi khi đứng trước biển hòa mình vào biển, ta là biển mà biển cũng là ta. Tính đồng nhất của biển chính là sự hằng định trong tính chất của nước. Mọi nguồn nước đổ về biển đều trở nên có vị mặn, biển là nơi bình đẳng nhất cho triệu triệu giọt nước đến từ khắp nơi trên thế giới.

Còn nhớ, trong hội nghị quốc tế về đại dương với chủ đề “Đại dương, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”, diễn ra tại New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định mọi hành động của con người đối với các đại dương phải được thực hiện trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về luật biển, được coi là “hiến pháp về các đại dương.” Nhân loại cần nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của đại dương đối với sự tồn tại của con người, về tác động của đại dương đến khí hậu, thời tiết và nguồn nước sinh hoạt. Mọi ưu tiên cần được dành cho các chương trình quản lý ven biển và đại dương.

Đứng trước biển, ta nhỏ bé trước sự bao la vô bờ bến của biển và hổ thẹn cho cái lương tri bé mọn, ích kỉ. Đức hạnh của biển tiếp nhận, chuyển hóa, đồng nhất và giữ gìn. Chúng ta học biển, học thấu đáo, có chăng mới đừng làm hoen ố mặt bể vời vợi kia...

bút ký của Lê Vũ Trường Giang


L.V.T.G
(TCSH328/06-2016)

>> Hồi sinh - TRẦN CHÂU LONG

 

 

 

 

Các bài mới