VỌNG RA BIỂN
Hồi sinh
15:10 | 21/06/2016

TRẦN CHÂU LONG
          Truyện ngắn

Người ta nói rằng vào một lúc nào đấy đại dương sẽ nổi giận một lần nữa và nó sẽ trả thù bằng cách nhấn chìm mọi thứ như nó đã từng làm trên trái đất. Nhưng trong tôi, trong lòng của một đứa trẻ dân chài này, biển cả chính là ngôi nhà của chúng tôi. Biển là nơi bắt đầu cho cuộc sống của chúng tôi.

Hồi sinh
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Chiều, tôi và ông tôi lại bước đi trên những đụn cát nóng sau một ngày hè nắng gắt. Những đụn cát nóng phủ lấy đôi chân gầy và đen đúa của ông tôi. Cát bám vào những ngón chân của ông. Và tôi biết, những hạt cát ấy đang cất lên những bản nhạc của chúng trong những chiếc móng chân đen đúa.

“Ông ơi, sao chúng ta không nhìn thấy phía bờ bên kia của biển hả ông?” Tôi hỏi nhưng ông tôi không trả lời, ông nhìn ra phía xa khơi, mắt ông ứa lệ. Có lẽ ông tôi đang tìm kiếm hay chờ đợi một điều gì đó đến từ biển cả. Phía xa khơi, biển đen đặc, đen như những tiếng thở dài của dân chài chúng tôi. Có lẽ, ông đang muốn xua đi những mảng màu đen đang trùm lên phía ngoài xa khơi ấy. Nhưng đó là một điều bất khả. “Đau.” Ông tôi nói. “Đau quá.” Ông tôi ôm lấy ngực, quỳ xuống trên cát. Rồi ông tôi khóc. Lần đầu tiên tôi thấy ông khóc, ông khóc như một đứa trẻ, ông khóc nức lên trong khi mười ngón tay của ông đang cấu xuống cát trắng.

“Biển có linh hồn của nó.” Ông nói. “Linh hồn của biển màu xanh.” Ông tôi nói. “Linh hồn của biển được dệt nên bởi những đàn cá. Những đàn cá với muôn màu sắc làm nên linh hồn của biển. Đau, Hải ơi, ông đau trong ngực...”. Ông tôi vẫn quỳ và cấu mười ngón tay xuống cát nóng trong khi mắt không ngớt nhìn ra khơi. “Có ai không? Có ai xua được màn đêm đang trùm xuống màu xanh của nước không?”. Ông tôi vẫn khóc. Tôi quỳ xuống bên ông, cát nóng như than khóc dưới hai đầu gối của tôi. Tôi nghe thấy những hơi thở của cát trắng. Cát trắng như đang muốn thì thầm với tôi về những vết thương của nó. Và trong cát, có những vật nhọn đâm vào hai đầu gối của tôi. Tôi tưởng đó là những chiếc gai nhỏ nhưng khi nhổ chúng ra khỏi thịt da của mình thì tôi mới biết đó là xương của cá. “Ông ơi, xương cá đâm vào chân cháu, máu cháu chảy rồi...”. Tôi nói. “Không sao đâu, đó chỉ là một vết thương nhỏ, lấy hết xương cá ra khỏi chân đi.” Ông tôi nói. Tôi không biết có bao nhiêu xương cá trong cát đã đâm vào chân mình, trên đầu gối, dưới hai bàn chân của tôi đầy xương cá đâm vào. Tôi ngồi bệt xuống cát và bắt đầu nhổ xương cá ra khỏi da thịt. “Một, hai, ba...”. Tôi vừa nhổ vừa đếm nhưng không tài nào đếm hết số xương cá đã đâm vào chân tôi. Tôi nhìn máu của tôi trên những chiếc xương nhỏ bé. Nhưng tôi không thấy đau, hay nói đúng hơn có một nỗi đau nào đó lớn hơn gấp vạn lần nỗi đau trên da thịt tôi.

Và trên đầu gối, dưới hai bàn chân đen cháy của ông tôi cũng đầy những chiếc xương cá đâm vào. “Nhổ chúng ra đi ông ơi.” Tôi nói khi nhìn thấy máu trên chân ông tôi đang nhỏ xuống cát. Máu ông tôi nhỏ xuống và ngấm vào cát. Tôi không biết máu ông ngấm vào cát hay cát nóng ôm lấy những giọt máu của ông tôi vào lòng. “Ông ơi, nhổ những chiếc xương cá ra khỏi chân đi. Đau lắm đấy.” Tôi nói nhưng ông tôi dường như không nghe thấy lời tôi. Tiếng gào thét của sóng biển cuốn lấy những lời nói của tôi nhấn chìm xuống đáy đại dương thẳm sâu vô tận.

Bây giờ thì ông và tôi đứng dậy rồi chậm rãi bước đi. Chúng tôi bước đi và để lại những dấu chân đầy máu trên cát. Tôi đã nhổ hết những chiếc xương cá dưới hai bàn chân nhưng những chiếc xương cá khác dưới cát lại bắt đầu đâm tiếp vào chân tôi. Tôi đau nhưng tôi không khóc. Ông tôi nói đúng, có một nỗi đau vô hình nào đó lớn hơn gấp vạn lần so với nỗi đau của chúng tôi. Tôi và ông tôi bước đi mặc xác những chiếc xương cá không ngớt đâm vào dưới chân. Tôi đi sau ông và nhìn trọn hình hài thất thểu của ông dưới nắng chiều biển vắng. Chiếc bóng gầy guộc của ông tôi trải dài trên bờ biển, một chiếc bóng gầy gò và khắc khổ, một chiếc bóng đơn độc và đau thương của một người đàn ông dân chài đã từng ngạo nghễ trên biển trời quê hương, một chiếc bóng như đang muốn lún sâu vào cát để kêu gọi những huyền thoại về biển cả đã bị vùi lấp sống lại. Chiếc bóng của ông tôi đang đè lên những dấu chân đầy máu của ông, chiếc bóng yếu ớt như muốn lấy lại những giọt máu trên cát.

Gió biển phả vào mặt chúng tôi cùng hơi muối mặn chát đến từ lòng trắc ẩn của những vị thần ẩn mặt đã rời bỏ thế gian. Ngoài khơi kia không còn những con thuyền nữa. Những con thuyền đã vào bờ và nằm dưới những hàng phi lao gầy đét khô khan. Bọn trẻ con đang nằm phơi mình trên những con thuyền đã yên nghỉ. Những người đàn bà và những người đàn ông ngồi bất động nhìn ra khơi như để đợi chờ một điều huyền nhiệm nào đó sẽ đến. Một điều huyền nhiệm đến từ những vị thần linh ngay giữa cuộc sống hiện đại lắm bất an. Về chiều, trong gió biển mùi muối nặng hơn. Những người đàn bà nhìn về phía hai ông cháu tôi rồi thì thầm với nhau điều gì đấy tôi nghe không rõ. Họ nhìn chúng tôi rồi họ tự nhìn vào mắt nhau và sau đó họ nhìn ra biển. Biển đen đặc như bắt đầu cho một cơn thịnh nộ của nó. Một vài đứa trẻ khác đi theo hai ông cháu tôi và chúng cũng để lại những dấu chân nhỏ bé trên cát nóng. Những dấu chân nối tiếp nhau dường như kéo dài vô tận. Những dấu chân nối tiếp những dấu chân kéo dài như chính những huyền thoại bi tráng về đại dương được tổ tiên tôi kể lại từ đời này sang đời khác.

Và trên cát, những dấu chân lấm máu của ông tôi đang kể cho những dấu chân của bọn trẻ về những huyền thoại trên biển cả quê hương. Những dấu chân của ông tôi đang nói về những trang lịch sử được viết lên bởi sự thất bại của quân thù xâm lăng bờ cõi. Những dấu chân của ông tôi nói rằng huyền thoại sẽ tiếp tục dệt nên những huyền thoại... Lời của những dấu chân của chúng tôi sẽ in trên cát trắng. Ngày hôm nay những lời thì thầm ấy có thể bị chôn vùi nhưng về sau chúng sẽ đội cát lên để hồi sinh và viết tiếp những trang lịch sử tiến hóa của giống nòi. Những dấu chân nhuốm máu của chúng tôi hôm nay sẽ ngủ dưới cát để đợi chờ ngày những ngọn lửa hợp nhất trong tiếng reo ca của biển cả quê hương. Và ngày ấy, tôi sẽ đặt tên cho những dấu chân ấy và những lời hát ấy. Những bản nhạc về biển sẽ không bao giờ tắt:

Biển ơi
Đau đi
Đau để ngày sau khôn lớn
Những ngọn sóng ơi
Đừng gào thét nữa
Để loài cá được ngủ im trong lòng muối mặn
Bây giờ thì hãy ngủ đi
Ngủ đi biển ơi
Ngủ đi và những vết thương sẽ lành bằng chính những giấc mơ màu xanh ấy.
Hãy nhắm mắt và hãy thở
Mắt biển chính là những vì sao
Hãy nhắm mắt và ngủ một giấc dài để ngày sau bừng tỉnh
Xác cá ơi hay nằm im dưới những rặng san hô nhẫn nhục
Để điêu tàn không nối tiếp điêu tàn
Biển ơi
Ta ôm biển nhé
Ngủ nào
Ngủ ngoan nào
Và đừng gào thét nữa
sóng ơi...


Trên cát nóng, ông và tôi vẫn đi, đi như thể muốn đi hết bờ biển quê hương, đi như thể muốn biển cả ôm lấy thân phận mình. Xa kia, những người đàn bà, những người đàn ông và bọn trẻ vẫn ngồi bất động nhìn ra khơi xa. Trong biển chiều nay chỉ có tiếng gió và tiếng rên rỉ của những con sóng mệt nhoài lăn vào bờ rồi tắt ngấm khi chạm vào cát nóng. Ông và tôi đi mãi, đi mãi, chúng tôi đi và để trên cát những dấu chân nhỏ bé như những dấu hỏi đợi câu trả lời.

Mỗi khi thấm mệt ông tôi dừng lại nhìn vào bóng mình trải dài trên cát. Ông tôi ngồi xuống trên cát và lấy tay sờ lên chiếc bóng nhỏ bé của ông. “Xin chào.” Ông nói. “Mệt nhoài rồi đúng không?” Ông tôi vừa nói vừa xoa tay lên chiếc bóng của ông. Không một ai bước tới chỗ chúng tôi và tôi biết ông tôi đang trò chuyện với chiếc bóng của mình. “Bóng à, thoát đi, thoát khỏi tao đi.” Ông tôi nói với bóng mình trên cát nhưng chiếc bóng của ông tôi vẫn câm lặng như suốt đời nay nó im lặng. “Thoát khỏi lão già khốn khổ này đi. Hãy đi theo đàn cá ngoài khơi xa tít ấy đi, hãy thoát khỏi lão già dân chài đã mệt mỏi này đi”. Ông tôi vẫn nói với chiếc bóng của mình cho đến khi tôi cảm thấy sợ hãi. Tôi nhìn vào mắt ông, mắt ông tôi bây giờ chỉ còn màu, màu trắng đục của thân phận ông. “Bóng à. Sao những lúc theo tao ra khơi xa mày không bỏ tao để ở lại ngoài khơi kia đi, ngoài kia rộng lớn hơn ở đây. Bây giờ thì mày hãy đi đi, bóng à.” Có lẽ do quá mỏi mệt với những ngày qua nên ông tôi không còn tỉnh táo nữa. Xa kia, tôi thấy những người đàn bà rũ tóc trong gió và đứng chờ trên biển chiều hoang:

Chờ đi
Chờ ngày tươi sáng
Đàn cá sẽ về
Mang theo muối mặn
Muối mặn hơn nước mắt mặn
Chờ đi
Chờ ngày hoan ca
Xóa hết điêu tàn
Đàn cá lại về
Mang theo tiếng hát
Chờ đi
Chờ đi


Khi tiếng hát của những người đàn bà tan đi trong gió thì ông tôi gào khóc. Trời càng về chiều chiếc bóng của ông và tôi càng trải dài hơn, càng yếu ớt hơn. Hai chiếc bóng của chúng tôi đung đưa trong gió và trong sóng thủy triều mệt lả. Trước khi mặt trời lặn, dường như lo sợ chiếc bóng của mình sẽ bỏ rơi mình, ông tôi nằm xuống trên cát và đè lên chiếc bóng khốn khổ của ông. Ông cấu tay vào bóng mình nhưng ông không thể ôm được nó, bây giờ tay ông tôi đã thọc sâu xuống cát. Dù có cố ôm lấy chiếc bóng của mình bao nhiêu đi nữa thì ông tôi cũng bất khả. Rồi khi mặt trời biến mất, chiếc bóng đã bỏ ông tôi mà đi. Ông tôi cố đứng thẳng lên, mắt nhìn ra biển, rồi khóc, rồi cười: “Đi đi, đáng ra mày phải bỏ tao từ lâu lắm rồi, bây giờ thì hãy bay trên những ngọn sóng ấy, hãy bay ra ngoài khơi xa bóng nhé.” Nói xong, ông tôi cười ré lên những tràng dài ma quái.

Đêm, đêm tới rồi. Đêm nuốt trọn hai ông cháu tôi. Những người đàn bà xõa tóc trên biển cũng đã biến mất. Những người đàn ông, những đứa trẻ ngồi bên những chiếc thuyền nan cũng không còn đó nữa. Tất cả đã biến mất chỉ còn lại sóng biển và đêm. Ông tôi vẫn cười những tràng dài. Tiếng cười của ông làm tôi sợ hãi. Tôi bắt đầu thấy lạnh, gió đã ngấm vào da thịt tôi. Rồi tôi khóc, tôi khóc vì sợ hãi. “Về, ông ơi, về thôi.” Tôi níu lấy áo ông nhưng dường như ông không còn biết tôi là ai nữa. Ông vẫn đứng trước biển và cười. “Nó đi rồi, nó thoát khỏi tao rồi. Bóng ơi, bay thật xa nhé, ngoài kia có những con sóng khổng lồ, hãy cưỡi lên đầu chúng mà hát, tiếng hát của mày sẽ vang rất xa. Hát nào, bóng ơi...”. Ông tôi nói, rồi khóc, rồi cười.

Cưỡi lên đầu những ngọn sóng
Những ngọn sóng kia chính là đàn cá bạc
Hãy hát cho chúng nghe về căn nguyên nỗi đau này
Sóng lớn là cá bạc
Sóng nhỏ là cá hồng
Muối là nước mắt của biển
Mồ hôi là nước mắt của người
Hãy bay đi
Cưỡi lên đầu những con sóng lớn...


Tôi cảm thấy đêm đang nhìn vào chúng tôi. Tôi không biết tôi và ông đang đứng ở đâu nữa. Ông tôi vẫn cười trong gió. Tiếng cười của ông tôi mỗi lúc mỗi nhỏ hơn. Ông tôi cười rũ rượi hơn khi đêm ào tới phủ lấy chúng tôi. Tiếng cười của ông tôi làm tôi nghĩ rằng ông tôi không còn là người nữa. Ông đã thuộc về một thế giới khác, có lẽ đó là thế giới của hoang tưởng, thế giới của huyễn ma.

Rồi bất ngờ trong đêm hai con mắt ông tôi sáng xanh lên như hai tinh tú. Ông ngoái nhìn về phía chúng tôi đã đi qua. Sau lưng chúng tôi, những dấu chân lấm máu của ông và tôi đang phát sáng. Thật diệu kỳ, trong đêm, những dấu chân của hai ông cháu tôi phát sáng, một thứ ánh sáng màu xanh hiền hòa nhưng mạnh mẽ. “Những dấu chân của chúng ta phát sáng. Ông ơi, những dấu chân phát sáng.” Tôi hét lên vui sướng nắm lấy tay ông và cùng ông chạy tới bên những dấu chân phát sáng. Một, hai... ba... Không thể đếm xuể, tôi và ông không thể đếm xuể có bao nhiêu dấu chân của chúng tôi phát sáng. Rồi ông tôi quỳ xuống để nhìn rõ hơn vào những dấu chân phát sáng của mình. Ánh sáng từ những dấu chân chiếu lên làm khuôn mặt ông tôi trở nên rạng rỡ trong tiếng hò reo của sóng biển. “Cá, có những con cá khỏe mạnh trong những dấu chân phát sáng, đàn cá đã hồi sinh, cháu ơi, đàn cá hồi sinh.” Ông tôi reo hò như sóng biển rồi chạy tới quỳ xuống bên những dấu chân phát sáng khác. Bây giờ, trên bãi biển, những dấu chân của chúng tôi phát sáng kéo dài như một dãy ngân hà huy hoàng lộng lẫy. Trong từng dấu chân phát sáng của chúng tôi, đàn cá đã hồi sinh trong ấy, chúng khỏe mạnh và khoe mình trên cát, chúng cuộn tròn trong những dấu chân nhỏ bé của chúng tôi. Những dấu chân lấm máu của ông cháu tôi giờ đây đã phát sáng, những dấu chân nhỏ bé của chúng tôi là nơi để đàn cá hồi sinh.

Rồi từng con cá một trườn ra khỏi những dấu chân phát sáng, chúng trườn trên cát rồi lao thẳng xuống biển. Biển cả như lòng mẹ chào đón đàn cá trở về. “Về đi, cá ơi, về với biển đi...”. Ông tôi vẫn không ngừng hò hét chạy theo những dấu chân phát sáng. Tôi giúp những con cá vừa hồi sinh trở về với biển cả nhanh hơn bằng cách túm lấy chúng và thả chúng xuống biển. Rồi đàn cá tung mình lên khỏi mặt nước như thể chào tôi trước khi chúng lặn xuống trong lòng đại dương ẩn chứa nhiều bí mật. Rồi những người đàn ông, những người đàn bà, những đứa trẻ cũng chạy tới bên những dấu chân phát sáng của hai ông cháu tôi để giúp những con cá vừa mới hồi sinh trở về với biển. Chưa bao giờ chúng tôi vui sướng như thế. Chúng tôi giúp đàn cá trở về với biển cho tới khi không còn một con cá nào trong những dấu chân.

Mặt trời chiếu vào mắt tôi. Tôi bừng tỉnh dậy. Thế là đêm qua, ông cháu tôi đã ôm nhau ngủ lại trên bờ biển. Một giấc mơ đẹp đã đến với chúng tôi. Ông tôi, vì quá mệt mỏi đang ngủ thiếp đi nhưng khóe miệng của ông vẫn cười, có lẽ ông đang đuổi theo những giấc mơ hồi sinh tuyệt diệu như đuổi theo tiếng hát của loài cá dưới lòng đại dương sâu thẳm không cùng.

T.C.L  
(TCSH328/06-2016)

>> Lời nguyện cầu cho đại dương - LÊ ĐẶNG YÊN



 

Các bài mới
Các bài đã đăng