Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-16)
Tôn Thất Đào họa sĩ bậc thầy của Huế - tranh đậm đà tình núi Ngự sông Hương
09:35 | 29/07/2016

ĐINH CƯỜNG 

Dạ thưa xứ Huế bây giờ
vẫn còn Núi Ngự bên bờ Sông Hương

                                    (Bùi Giáng)

Tôn Thất Đào họa sĩ bậc thầy của Huế - tranh đậm đà tình núi Ngự sông Hương
Họa sĩ Tôn Thất Đào (1910 - 1979)

Tôi muốn viết một bài về người thầy của tôi - họa sĩ Tôn Thất Đào - đã lâu mà chưa viết được(1). Có lẽ vì buồn quá khi nghĩ về một họa sĩ của Huế tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Đông Dương, có nhiều công lao đóng góp cho nền giáo dục mỹ thuật Huế mà không được đãi ngộ xứng đáng. Bao nhiêu bài báo gần đây loan tin và viết về các tác phẩm còn lại của thầy đã bị hư hỏng gần hết. Thương nhất và quý nhất là người con dâu bây giờ lo toan mọi chuyện từ chăm sóc các bức tranh còn lại trong nhà cho tới chuyện gia đình. Hình như thầy cô có hai trai một gái. Người con trai đầu, Tôn Thất Lục, có vào học mỹ thuật dở dang, sau đó bị tai biến nằm liệt cho đến nay, là chồng của Liên Phương, người con dâu hiếm có kể trên. Tôn Thất Điều, người con trai út thì đã mất và nghe nói cô con gái Tôn Nữ Như Hồng, giáo viên, thì đang ở Mỹ. Những người bà con bên phía thầy ở Mỹ cũng nhiều. Ở Mỹ còn có nhiều học trò xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, thời thầy là vị Giám đốc khả kính đầu tiên, lúc trường còn nằm ở dãy nhà số 15 đường Phan Đình Phùng bên bờ sông Bến Ngự. Thời 1957 trường còn trực thuộc Viện Đại Học Huế do linh mục Cao Văn Luận làm Viện trưởng. Sau 3 năm ở đó trường mới dời qua Đại Nội. Và hình ảnh của thầy lại luôn hiện ra trong tôi: thầy đi chiếc xe gắn máy màu đen hiệu Bridgestone luôn dừng lại trước hai cánh cổng sắt hẹp trước sân trường, vốn là Lầu Diên binh vệ, nằm sát cửa Hiển Nhơn, khoan thai đẩy bộ vào. Hình như sáng nào cũng đều đặn như vậy. Bóng dáng vị Giám đốc thật phúc hậu hiền lành, là con nhà hoàng tộc...

Tôn Thất Đào sinh ngày 15 tháng 10 năm 1910 (Canh Tuất) tại phủ Ô Hồ, làng Phú Cát - Huế. Sau năm 1975, trải qua một tuổi già nhiều khó khăn, sức yếu, mất ngày 2 tháng 9 năm 1979 (Kỷ Mùi) tại Gia Hội - Huế, thọ chưa đến 70 tuổi. Ngôi mộ chôn gần chùa Sư Nữ, An Cựu - Huế. Thân phụ: cụ Tôn Thất Tu, quan chức Nam triều, tước Hồng Lê Tự Khanh dưới triều vua Thành Thái. Thân mẫu: bà Lê Thị Liên. Hiền thê: bà Lê Khắc Ngọc Đại (1918 - 2002) em gái ông Lê Khắc Tưởng, thân sinh của giáo sư Lê Khắc Phò và Lê Khắc Cầm. Nhớ năm 2000 tôi về thăm thắp cây nhang cho thầy, còn ngồi trò chuyện cùng cô trong căn nhà xưa cũ ở số 17 đường Mạc Đĩnh Chi - Gia Hội (số nhà mới hiện nay là 53 Mạc Đĩnh Chi) nay xem như Phủ Thờ Ô Hồ. Bàn thờ thầy và một số ít tranh hiếm hoi còn lại treo từ trên cao xuống… bị xuống màu vì ẩm mốc và chất lụa bị mục. Bà Trần Thị Liên Phương - con dâu trưởng - cho biết hàng năm bà có đem tranh ra phơi. Lựa ngày nắng vừa phải, bà đưa ra hiên, lật úp tranh lại trong vài chục phút rồi lại đưa tranh vào. Cách làm này do một người quen bày cho và bà không còn nhớ người đó là ai. “Có mấy bức cứ thỉnh thoảng rớt ra một mảng màu, rồi mục ra mà tui không biết cách chi để bảo vệ được”. (Thái Lộc - Bộ tranh Tôn Thất Đào đang nguy cấp - Tuổi Trẻ, 1/4/2014). Đọc xong mà thấy nao lòng. Đem tranh ra phơi. Nhớ sao những ngày sau mưa lụt ở Huế, có chút nắng lên…

Thử nhớ lại một thời sinh hoạt mỹ thuật ở Huế trước và cùng thời Tôn Thất Đào

Nhớ là trước năm 1975, tôi thường được cụ Nguyễn Khoa Phẩm đưa về thăm chùa Ba La của dòng họ Nguyễn Khoa ở Vỹ Dạ, ở đó tôi đã say mê nhìn ngắm hai bức chân dung thờ vẽ bằng bột màu - trông như sơn dầu - màu sắc cổ điển chín chắn, chi tiết tỉ mỉ, sau này mới biết là của họa sĩ Lê Huy Miến (1874 - 1943), vẽ chân dung ông bà Nguyễn Khoa Luận, và biết thêm ông là rể của dòng họ Nguyễn Khoa. Lê Huy Miến, nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật viết Lê Văn Miến (khi gặp họa sĩ Lê Huy Tiếp là cháu ông lần qua Mỹ ghé Virginia thăm, tôi có hỏi thì được biết những người trong gia đình đều lót chữ Huy), vốn gốc Nghệ An, theo thân phụ lúc ấy vào làm quan dưới triều Đồng Khánh. Ông được chọn gởi sang Pháp học trường thuộc địa (École Coloniale), học xong xin thi tiếp vào trường Mỹ Thuật Quốc Gia Paris (L’École Nationale des Beaux Arts de Paris), ông về nước năm 1895 vừa mới 21 tuổi. Được xem là họa sĩ Tây học đầu tiên với những tác phẩm vẽ sơn dầu xưa nhất của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, như các bức Chân dung cụ Tú Mền (1896), Bình Văn (1905) hiện treo tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam.

Nhắc dòng họ Nguyễn Khoa lại nhớ đến họa sĩ Nguyễn Khoa Toàn, ông sinh năm 1899 tại Huế, không nhớ mất năm nào ở đâu, là một nhà ngoại giao và một họa sĩ tài hoa. Sống ở Pháp nhiều năm, là môn đệ của họa sĩ Jean Despujols, Giám đốc trường Fontainebleau, từng được giải thưởng về nghệ thuật trang trí ở Paris. Thời Ngô Đình Diệm ông làm Đại sứ ở Thái Lan. Ông vẽ nhiều tranh trong mọi chất liệu. Nhà phê bình mỹ thuật Pierre Faucon trong tờ báo tiếng Pháp ở Sài Gòn, Le Courrier d’ Extrême - Orient, đã gọi Nguyễn Khoa Toàn, một thi sĩ tinh tế của ánh sáng…

Một hình ảnh khác mà tôi còn may mắn được gặp vào những năm 60, 70 ở Huế là cụ Tôn Thất Sa (1882 - 1980) vốn được xem như một họa sĩ cung đình, với bao nhiêu đóng góp về các mẫu họa trang trí Long Lân Quy Phụng trên các lăng tẩm, đền chùa. Bức bình phong đối diện với cổng trường Quốc Học vẫn mãi còn đó, là đồ án trang trí kiến trúc của ông đã đoạt giải nhất năm 1920. Và bao nhiêu hình vẽ rồng độc đáo của ông. Tên tuổi ông gần như gắn liền với tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hué) trong L’ Art à Hué (L’ Association des Amis du Vieux Hué, 1919) với bài mở đầu, L. Cadière, đã ghi lời cám ơn đến Tôn Thất Sa - giáo sư Trường Kỹ Nghệ Huế (Professeur de dessin à l’Ecole professionnelle de Hué), một trong những học trò ông là Lê Văn Tùng và Trần Văn Phềnh, cựu học sinh trường Bảo Hộ Hà Nội đã đóng góp phần minh họa cho B-A-V-H.

Ông người làng Kim Long. Năm 1894, TTS lên 12 tuổi, cụ thân sinh là Tôn Thất Du qua đời, gửi gắm ông cho linh mục Dangelzer, Cha Sở giáo xứ Kim Long, để được hướng dẫn học hành. Thấy TTS thông minh đặc biệt lại có năng khiếu hội họa, linh mục Dangelzer giới thiệu TTS với linh mục Renaud, Giám đốc chủng viện Phú Xuân Huế để được chỉ dẫn về nghệ thuật hội họa và nặn tượng. Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của linh mục Renaud, tài hoa của TTS ngày càng phát triển… (Bùi Oanh Hằng - Nét Huế trong tác phẩm của họa sĩ Tôn Thất Sa - Thế Kỷ 21- California - số 175 - 176, năm 2003).

Cũng nên nhắc đến phòng vẽ của họa sĩ Mộng Hoa ở cửa Thượng Tứ. Bà tên thật Nguyễn Thị Phi Phụng, sinh năm 1913 tại Quảng Trị, sau năm 1975 vào Đà Nẵng và mất ở đó. Sinh trưởng trong một gia đình hội họa, ba người anh đều là họa sĩ, nhớ nhất họa sĩ Phi Hùng với tranh bìa các bản nhạc thời đó đầy chất sương khói Huế. Hình ảnh họa sĩ Maria Mộng Hoa, tóc búi cao, áo dài lụa trắng, kính trắng ngồi trước chiếc giá vẽ cũng khích lệ không ít những thanh thiếu nữ ngang qua dừng lại và mơ mộng… biết đâu mình cũng thành họa sĩ…
 

Ban Giám đốc, giáo sư, sinh viên Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế - 1959
Hs Mai Trung Thứ, Viễn Đệ, Tôn Thất Đào (Huế, 1960)
Hs Đinh Cường thắp nhang bàn thờ thầy Tôn Thất Đào (Huế, 2000)

Và những họa sĩ từ trường Mỹ Thuật Đông Dương ở Huế, như họa sĩ Lê Yên, tốt nghiệp cùng khóa 8 (1932 - 1937) với Tôn Thất Đào. Sinh năm 1913 tại Hà Nội, mất ở Long Hải - Sài Gòn sau năm 1975. Là thầy dạy chính thức của tôi môn vẽ hình họa và sơn dầu ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế những năm 1960. Thầy vào Nam năm 1953, trước đó dạy hội họa tại trường Khải Định, Đồng Khánh và trường Trung Học Kỹ Thuật Huế. Nhiều tác phẩm của Lê Yên đã được in trong tập sách Les Ecoles d’Art de l’Indochine (Hanoi - Imprimerie d’Extrême-Orient - 1937) như bức bình phong sơn mài thếp vàng lớn: Lên đường - Le depart và Người bán đồ chơi cho trẻ em - La marchande de jouets - cùng với các tác phẩm của Trần Văn Cẩn và Lương Xuân Nhị…

Họa sĩ Phạm Đăng Trí cũng học qua trường Mỹ Thuật Đông Dương (1937 - 1942). Sinh năm 1921 tại Huế, nguyên quán Gò Công, mất tháng 6 năm 1987 tại Huế. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm với ông khi cùng dạy Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế thời Vĩnh Phối làm giám đốc từ năm 1967. Trong phân khoa lụa cùng Tôn Thất Văn, ông là giáo sư được sinh viên nể trọng, ở sự nghiêm túc và chu đáo trong việc hướng dẫn sáng tác. Bảng màu của họa sĩ được nghiên cứu rất công phu. Ông còn nghiên cứu về tỉ lệ vàng (nombre d’or) và màu pháp lam Huế. Ông đã vận dụng thành công đĩa màu ngũ sắc Huế vào các tác phẩm lụa của mình. Được giải thưởng của Quan Toàn Quyền (Le Gouverneur General) tại Salon de 1944 cùng với Nguyễn Tư Nghiêm (hiện vẫn còn sống tại Hà Nội). Sau đó bức Người Suối Bạc (lụa, 1945) là một bức tranh nổi tiếng của ông, một bảng màu rất mới cho tranh lụa vốn đạm bạc, cũng được một giải thưởng lớn.

Họa sĩ Tôn Thất Đào, một tên tuổi trong bộ mặt Văn Hóa Huế cần được trân trọng

Qua những sinh hoạt mỹ thuật và những tên tuổi họa sĩ kể trên, nghiệm lại chỉ thấy Tôn Thất Đào là họa sĩ của Huế duy nhất tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Đông Dương, khóa 8 (1932 - 1937), cùng với Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Khánh, Đỗ Đình Hiệp, Nguyễn Văn Thâu, Nguyễn Văn Thiện, Lê Yên và Nguyễn Thị Nhung. Các thầy giáo giảng dạy: Victor Tardieu (hình họa cơ bản), Nam Sơn (trang trí), Menard (lịch sử mỹ thuật), Inguimberty (trang trí), L. Goger (điêu khắc), De Fenix (giải phẫu cơ thể người). Năm Tôn Thất Đào ra trường cũng là năm Victor Tardieu (1870 - 1937) mất. Tardieu học cùng thầy với Rouault và Matisse, một họa sĩ giỏi, ông là vị giám đốc có công lớn đã gần gũi giúp đỡ để đào tạo những họa sĩ danh tiếng Việt Nam góp mặt những tác phẩm sơn dầu, lụa, sơn mài ra thế giới, càng ngày càng đắt giá cho tới ngày nay. Theo nhà phê bình, nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Thái Bá Vân: Cuộc triển lãm của thế hệ học sinh đầu tiên vào năm 1931 ở Hà Nội và sau đó ở Paris, đã gồm những tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Công Văn Chung, và tên tuổi họ đã lọt hết vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam (Thái Bá Vân - Tiếp Xúc Với Nghệ Thuật - Viện Mỹ Thuật Việt Nam 1977, trang 67), với họa sĩ Lê Văn Đệ thì: Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội ra đời đã mở một kỷ nguyên mới cho nền mỹ thuật Việt Nam.

Huế là nơi ghé đến của bao văn nhân nghệ sĩ nổi tiếng thời ấy, tác phẩm Bến thuyền sông Hương của Tô Ngọc Vân, những tác phẩm của Nguyễn Đỗ Cung… Nguyễn Đỗ Cung còn là giáo sư dạy hội họa ở Huế rất sớm, đã từng sống ở đường Âm Hồn trong Thành Nội từ năm 1942 đến 1944. Mai Trung Thứ (1906 - 1980) - sau này đổi thành Mai Thứ - sinh ra và lớn lên tại Huế, ra Hà Nội học khóa đầu tiên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, năm 1937 ông qua Pháp và định cư tại đó cho đến khi mất (1980). Nhớ nhất là năm 1960 ông về thăm Huế, ghé thăm bạn là Tôn Thất Đào đang làm giám đốc trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế và thầy Đào có nhờ ông hướng dẫn một lớp vẽ tranh lụa khô (theo kỹ thuật vẽ lụa của ông khác với lụa rửa theo truyền thống) và ông cũng đã tặng Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam tranh Thiếu nữ Huế, tác phẩm sơn dầu vẽ năm 1934 thật quý.

Họa sĩ danh tiếng về sơn mài Nguyễn Gia Trí cũng đã ra thăm trường, thăm bạn là Tôn Thất Đào và Lê Yên. Hình ảnh với vóc dáng nhỏ nhắn của người họa sĩ bậc thầy về sơn mài tài hoa ấy vẫn mãi đậm dấu trong tôi với câu nói: Nghệ thuật là phương tiện để mình đi vào thế giới chưa từng biết…

Sau khi tốt nghiệp, năm 1939 họa sĩ Tôn Thất Đào được bổ nhiệm về dạy ở Lycée Khải Định và Collège Đồng Khánh với ngạch Professeur de 4ème classe. Từ đó ông đã sinh hoạt vào những chương trình văn hóa ở Huế có giá trị, như đã tham gia vẽ phụ bản, lúc ấy gọi họa bản, nhan đề Trầm bay nhạt khói, gió đưa lay rèm trong Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du do hội Quảng Tri xuất bản năm 1942, với sự ủng hộ của các hội: Khai Trí Tiến Đức, Khuyến Học, Sampic và Trí Tri. Một tập sách được chăm sóc thật kỹ từ hình thức đến nội dung, việc biên tập do Đào Duy Anh, trình bày do họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung.
 

Đàn Thập Lục
Ca Huế
Đại Nội
Cá Về

Những tranh lụa sáng tác những năm vừa ra trường như các bức Cá về, Chân dung, Đàn thập lục, Nhà bè đầy tính cách Huế, đài các, thơ mộng. Năm 1941, dưới thời vua Bảo Đại ông đã được đề cử vào Đại Nội dạy cho Thái tử Bảo Long vẽ. Tham gia nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước: Hà Nội (1939), Sài Gòn (1945), Cao Miên (1939), Nhật Bản (1940) và Vatican (1950)… đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý như huy chương Long Bội Tinh (1942), huy chương Kim Khánh (1943); thời gian sau này cũng nhận được nhiều bằng khen của Bộ Giáo Dục và Nha Mỹ Thuật về những đóng góp xây dựng trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, giáo dục, đào tạo sinh viên ngành mỹ thuật cho miền Nam.

Ngoài tranh lụa, ông còn vẽ tranh sơn dầu, sơn mài, phấn tiên. Theo ước tính của gia đình lên tới vài trăm bức, nay còn lại khoảng 30 bức tại nhà đang bị mục rã kể trên. Một số cho Hà Nội mượn triển lãm bị thất lạc, một số bị trận lụt năm 1999 làm hư hỏng hết, và sau này một số bán cho các gallery ở Singapore… có những thân hữu trong Hội Cố đô Huế tại Pháp cũng về tìm sưu tập, lưu giữ tranh ông…

Một họa sĩ tài ba vốn bị thiệt thòi. Trong “Các Họa Sĩ Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương” do nhà xuất bản Mỹ Thuật Hà Nội in năm 1993, tác giả Nguyễn Quang Phòng đã không công bằng khi “quên nhắc” đến các họa sĩ tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương ở Miền Nam, nhất là hai vị giám đốc của hai trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định và Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế: Lê Văn Đệ và Tôn Thất Đào, chỉ nhắc qua vài dòng về Lê Văn Đệ, không thấy in tranh của hai ông. Còn nhiều họa sĩ, giáo sư khác như Nguyễn Văn Long, Lưu Đình Khải, Lê Yên, U Văn An… ở miền Nam đều tốt nghiệp ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương thì… xem như bị quên.

Ngoài dạy sinh viên mỹ thuật, ông còn rất tâm huyết với việc phát hiện năng khiếu mỹ thuật ở lứa tuổi nhỏ. Trong phòng Truyền Thống của Trường Đại Học Nghệ Thuật vẫn còn lưu giữ nhiều bài viết của ông về điều này với văn phong giản dị, chữ đẹp, với sự giãi bày sâu sắc về năng khiếu mỹ thuật cũng như mong muốn đưa mỹ thuật vào nhà trường… (Phan Thanh Bình - Họa sĩ Tôn Thất Đào - Tạp chí Sông Hương online).

Nhìn lại tranh Tôn Thất Đào ta thấy luôn bàng bạc màu sắc, linh hồn Huế, từ những bức sơn dầu vẽ phong cảnh trong Đại Nội cho đến những con ngựa đá trên lăng tẩm, đến những tranh lụa với những phác thảo nghiên cứu tỉ mỉ từng nhóm người trên các phiên chợ, trên các bến sông Gia Hội, trước cửa Đông Ba, cả những lũy tre làng quê… đều hiền hòa làm sao một tâm hồn nhân ái. Giai đoạn sau với vài bức sơn mài, bức vẽ những thiếu nữ trong vườn chuối là một bức đẹp. Và hình như họa sĩ đã có nhiều tâm sự, nhiều nghĩ suy dàn trải khi vẽ tác phẩm Ngự Bình, đây không phải là tác phẩm hay của ông về mặt nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật khác với văn chương, không là kể truyện. Nhưng lại mang nhiều ẩn chứa trong ông về một tình yêu Huế thiết tha… Tác phẩm Ngự Bình là một trong những tranh ông đã vượt ra khỏi cách nhìn hiện thực theo trường phái Mỹ Thuật Đông Dương để tạo nên một hình tượng mang tính tượng trưng, ẩn dụ qua hình núi mang dáng hình thiếu nữ, tóc người con gái trải dài thành sông núi bao la, xứ Huế hiện ra không phải ở góc nhìn tĩnh lặng mà hoành tráng và phóng khoáng hơn, ý nghĩa của Sông Hương - Núi Ngự đã được sáng tỏ và mang đậm sắc thái u hoài, cổ kính… (Phan Thanh Bình - Họa sĩ Tôn Thất Đào - Tạp chí Sông Hương online).

Những ý nghĩ rời thả trôi theo điệu ca Nam Ai

Thử đọc lại vài dòng về Cảnh Sắc Văn Hóa Mỹ Thuật Huế của Huỳnh Hữu Ủy, một tác giả nổi tiếng, người viết tiểu luận, nhận định về mỹ thuật có lòng nhất, là người con của Huế: Trước tiên phải nói đến sông Hương. Bởi vì chính trên dòng nước trong veo ấy, Cựu Kinh đã soi bóng mình qua nhiều thế kỷ thăng trầm, rồi từ đó đã dựng nên một nền văn hóa riêng: văn hóa Huế… (Huỳnh Hữu Ủy - Mỹ Thuật Việt Nam Ngày Xưa - Văn Mới 2013). Về mặt mỹ thuật, hiện Huế có trường Đại học Nghệ thuật, chưa có Bảo Tàng Mỹ Thuật chung của Huế, chỉ có Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị và Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng; mong sao sẽ có một Viện Bảo tàng Mỹ thuật Huế và chắc chắn phần tranh Tôn Thất Đào sẽ chiếm một gian. Từ đó trên phương diện chính thức của tỉnh và của Quốc gia mới có thể nói chuyện tu sửa và bảo quản tranh qua sự kêu gọi giúp đỡ của các Viện Bảo tàng trên thế giới, gởi chuyên viên hoặc mở lớp hướng dẫn phục chế tranh theo tiêu chuẩn bảo tàng, như UNESCO đã giúp tu sửa phục chế những di tích Cố đô Huế. Chuyện đó lại là do một bộ trưởng văn hóa có tấm lòng và lưu tâm đề xuất… chuyện còn lại là ai có quyền ban ra quyết định?

Trong khi chờ đợi những điều ước trên, hằng hai năm Huế đều tổ chức Festival đồ sộ, có thể bớt chăng một dàn đèn chiếu sáng xanh đỏ tím vàng để giúp cho căn nhà cổ xưa của họa sĩ Tôn Thất Đào, nay là Phủ Thờ chung của dòng họ, có thể trở thành khang trang hơn với số tranh dù hư hao còn lại, cũng là nơi lưu niệm, địa điểm đến viếng một họa sĩ tài ba của Huế ở vùng Gia Hội, chưa mong gì sẽ có một con đường nhỏ được đặt tên Tôn Thất Đào.

Virginia, August 8, 2014
Đ.C  
(SHSDB21/06-2016)

---------------
(1) Cảm ơn anh Nguyễn Cúc - Tạp chí Tiếng Sông Hương tại Dallas, Texas đã gởi cho tài liệu để viết về họa sĩ Tôn Thất Đào từ năm 1995.
 





 

Các bài mới
Ký ức Hoàng Sa (09/08/2016)
Các bài đã đăng