Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-16)
Ký ức Hoàng Sa
09:04 | 09/08/2016

PHI TÂN

Trong một lần đi tác nghiệp ở xã Điền Môn, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), qua câu chuyện hàn huyên với anh Phạm Do - Chủ tịch UBND xã Điền Môn mới biết anh là cựu lính Hải quân từng ở quần đảo Trường Sa.

Ký ức Hoàng Sa
Ông Nguyễn Văn Tấn (trái) và con trai Nguyễn Văn Vũ tại một cuộc triển lãm về biển đảo ở Đà Nẵng

Chúng tôi bắt đầu say sưa về chuyện biển đảo từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, chuyện cuộc sống của những người lính đảo và chuyện những loài cá biển vô cùng phong phú ở Trường Sa. Sau nhiều câu chuyện về Trường Sa, anh Do cung cấp một thông tin thật bất ngờ: “Ở làng Vĩnh Xương - xã Điền Môn của mình có một người từng ở đảo Hoàng Sa trong những ngày cuối cùng trước khi quần đảo này bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, đó là ông Nguyễn Văn Tấn.

- Có phải bác Tấn ông già của bạn Nguyễn Văn Vũ không anh?

- Đúng rồi! anh Do trả lời.


Nguyễn Văn Vũ là bạn thân những năm học cấp 3 của tôi. Vũ học giỏi mấy môn tự nhiên, rất am tường về văn chương và nhiều lĩnh vực xã hội. Nhớ hồi đi học ở trường cấp III Tam Giang có nhiều chuyện về văn chương hay âm nhạc mà thế hệ học trò vùng sâu vùng xa chúng tôi mù tịt hoặc chỉ biết lơ tơ mơ thì hắn biết rất rành rẽ. Ví dụ như chuyện nữ ca sĩ Thái Thanh hát nhạc Phạm Duy, Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn. Trong lúc mấy đứa trong lớp thường ngâm nga mấy câu hát của ca sĩ Tuấn Vũ “Trang thư xanh anh lén trao em - Viết bằng mực tím tím bông hoa cà” thì Vũ lại thi thoảng cất lên “Mưa có rơi và nắng có phai - Trên cuộc tình yêu em ngày nào” mà sau này mình mới biết là của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên... hay đêm văn nghệ cắm trại 26/3 Vũ mượn chiếc áo dài màu xanh nước biển của cô giáo, độn ngực giả gái hát “Chuyện đời xưa, chuyện đời nay” làm cả trường cười ngất.

Mỗi lần cuối tuần Vũ từ nhà trọ ở xã Điền Hải (trường THPT Tam Giang) đạp xe cùng đường với tôi về nhà thường nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Tôi hay nghe radio biết đôi ba thứ để múa võ mồm với hắn thì hắn chịu nghe và khen “mi nói đúng, mi nói đúng!” Mùa hè năm 1991, sau khi học hết cấp 3, tôi đã lên ở lại nhà Vũ ở làng Vĩnh Xương mấy ngày nghe bác gái nói chuyện đời xưa, nghe Vũ nói với mạ là “Mai mốt con lấy vợ là con nớ... mạ có chịu không?”, thấy bác gái cười hiền lành ra vẻ đồng tình. Trời gió lào nóng ngồi với Vũ nghe Bảo Yến ngân nga rồi chứng kiến cả cảnh nhà chị Thảo bị cháy rừng rực như bó đuốc khổng lồ... Vậy mà tuyệt nhiên chưa bao giờ nghe Vũ nói về chuyện ông già nó từng ở đảo Hoàng Sa.

Nguyễn Văn Vũ bây giờ đang sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh. Sự nghiệp thành đạt, vợ đẹp con ngoan và là sếp của một công ty nước ngoài. Có điều Vũ luôn giữ cái tâm tính luôn yêu thương và trân trọng bạn cũ. Ra Huế, tôi là đứa đầu tiên Vũ gọi để gặp mặt. Tính Vũ xưa sao nay cũng vậy, thẳng thắn và tinh tế; đặc biệt luôn thương nhớ đồng quê nhất là cái làng Vĩnh Xương của Vũ. Sau chuyến đi Điền Môn về, tôi gọi điện ngay cho Vũ hỏi về chuyện anh Do kể về Hoàng Sa mà bác nhà là một trong những nhân chứng lịch sử. Vũ thủng thẳng: “Vậy tau chưa kể chuyện về ông già cho mi nghe à? Mấy chục năm qua rồi mà ông già tau thì ít thích nói về mình và quá khứ, mấy kỷ vật của ông về những ngày tháng ở đảo như chiếc radio, mấy con ốc biển cũng mất hết”. Tôi nói với Vũ: “Thôi thì mai mốt động viên bác trai kể lại chuyện Hoàng Sa đi. Nói chi thì nói đó vẫn là những câu chuyện của lịch sử mà bác trai là nhân chứng sống”. Nói vậy nhưng tôi cũng ít hy vọng sẽ nghe được chuyện của một trong những người Việt Nam cuối cùng có mặt ở quần đảo Hoàng Sa những năm của thập kỷ 70 thế kỷ trước. Bỗng cách đây mấy hôm, Vũ gọi điện cho mình giọng rất vui: “Thuyết phục mãi ông cụ mới kể lại chuyện Hoàng Sa. Chuyến ni tau bay ra cùng mi về nhà nghe ông kể hí”.

Đường về làng Vĩnh Xương vào những ngày chớm thu hai bên lúa còn xanh chỉ lốm đốm vài mảng vàng. Vừa tới nhà, Vũ hỏi ngay ông già: Con nhớ thường rằm tháng bảy lúa đã gặt vì “tháng bảy nước nhảy lên bờ” mà. Ông già xác nhận: Con nhớ đúng rồi đó nhưng năm nay do nhuận vào tháng chín âm nên gieo trễ vì sợ hạn và phải tháng tám lũ mới về. Hỏi xong chuyện đồng áng Vũ liền quay sang chủ đề chính của chuyến về quê lần này khi chỉ qua tôi: “Ba còn nhớ thằng ni không?” Ông già nheo nheo mắt cười: “Nhớ chơ nhưng nhớ mặt thôi, tên thì quên rồi, đã hơn tám chục rồi lúc nhớ lúc quên”. “Nhưng chuyện về những ngày ở Hoàng Sa thì ôn không được quên nghe!”. Nghe nhắc đến hai từ Hoàng Sa, gương mặt của người đàn ông đã qua tuổi bát thập bỗng nhiên tư lự hẳn. Ông nhấp chén trà rồi nói thủng thẳng: “Thôi chuẩn bị mà cơm nước đi hai đứa, mạ thằng Vũ đã nấu nước xong rồi. Ăn cơm xong tau kể lại chuyện những ngày ở Hoàng Sa...”.

Và đây là chuyện về những ngày cuối cùng ở quần đảo Hoàng Sa của ông Nguyễn Văn Tấn:

Năm 1971, gia đình ông Nguyễn Văn Tấn sơ tán từ Huế vào Đà Nẵng. Tại thành phố biển miền Trung này, ông Tấn đã gặp ông Chỉ một người đồng hương đang làm việc ở Nha Khí tượng Đà Nẵng và được ông Chỉ giới thiệu vào làm việc tại đây. Sau một năm ở Nha Khí tượng Đà Nẵng, mùa hè năm 1972 ông Tấn nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa làm việc; cùng làm việc với ông còn có 2 đồng nghiệp ở Sài Gòn và 1 đồng nghiệp ở Đà Nẵng. Vào một ngày mùa hè trời trong xanh, chuyến tàu chở những nhân viên Nha khí tượng xuất phát từ cảng Đà Nẵng đúng 5 giờ chiều, đến 8 giờ sáng hôm sau thì cập đảo Hoàng Sa.

“Đây cũng là lần đầu tiên tui đi tàu biển, hồi hộp lắm nhưng đã là nhiệm vụ nên không thể thoái thác. Hơn nữa nghe đến chuyện ra đảo Hoàng Sa làm việc cũng rất hấp dẫn. Cứ đi coi thử ra răng”. Hòn đảo mà đơn vị ông Tấn làm việc có diện tích 4km2, sóng biển vỗ bốn bề, gió hun hút từ sáng đến tối. Khi còn chiếm đóng Việt Nam, người Pháp đã đưa quân đội đến đây trồng cây, xây dựng nhà cửa, đào giếng nước ngọt... Để chống chọi với phong ba bão táp, họ đã cho trồng nhiều cây phi lao chắn gió, xây dựng những căn nhà rất thấp, sâu nửa mét dưới mặt đất và cao nửa mét tính từ mặt đất. Riêng cái giếng nước ngọt thì xây dựng rất bề thế, rộng đến 2m và sâu 4m. Ở hòn đảo này còn có 3 hố bom của chính người Pháp để lại với độ sâu đến 3m, rộng gần 10m... Ở quần đảo Hoàng Sa có một loài cây tự nhiên mọc thành từng khu rừng nhỏ, thân rất dẻo, có thể xuôi ngược theo chiều gió mà không hề hấn gì. Nhưng hai di tích ấn tượng nhất mà ông Tấn còn nhớ rất rõ đó là: thứ nhất là tấm Bia đá khắc chữ Nho có bề ngang bằng một sải tay người, cao 2,5m (tiếc là ông Tấn cũng như các đồng sự của ông không đọc được chữ Nho trên bia đá ghi những gì); thứ hai là ngôi miếu thờ một nữ thần giống Phật Bà Quan Âm, khi sống ở đảo, cứ đến đêm rằm và mồng một âm lịch ông Tấn và mấy anh em đều nấu chè, xôi để cúng ở ngôi miếu này một cách thành kính. Sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, dưới thời Ngô Đình Diệm, người Việt tiếp tục xây dựng đường ray xe lửa và khi ông Tấn đến còn thấy cả một toa xe lửa đã bị hư hỏng ở đó.

Khi ra làm việc ở đảo, công việc chính của ông Tấn là thả bong bóng để đo tọa độ trong khi hai đồng sự của ông thì nghiên cứu về thiên văn. Mỗi chuyến ra đảo của họ kéo dài 3 tháng. Trước khi đi họ được Nha khí tượng cấp 100 đồng để mua lương thực, thực phẩm và nhiều thứ nhu yếu phẩm khác đủ dùng trong 3 tháng. Là gốc nông dân, ông Tấn vốn quen trồng trọt nên ông mang theo cả những thứ giống rau như cải, ngò... ra gieo ở đảo để cải thiện bữa ăn. Giữa mênh mang sóng, gió và cát trắng nhưng thật lạ là những giống rau này đều đâm chồi, xanh lá rất tốt. Ông Tấn nói: “Khi mấy đám cải, ngò đâm chồi lên xanh tui mừng chảy nước mắt không chỉ vì có rau xanh cải thiện bữa ăn mà vì mấy cái giống rau đó làm tui thấy quê nhà như đang ở bên cạnh...”.

Những thế hệ người Việt Nam đã đến sống và làm việc trên vùng đảo này, trong số đó có những người đã mãi mãi nằm lại trên đảo. Theo trí nhớ của ông Tấn thì có đến gần 30 ngôi mộ trên đảo mà ông và các đồng sự vẫn thường hương khói. Ông Tấn nói: “Không biết họ mất từ năm nào? Những tấm bia bằng đá cũng không ghi rõ họ tên của người mất. Có lẽ họ đã mất trong những chuyến đi đánh cá ngoài khơi rồi được đồng bạn mang vào đảo chôn cất.”

Ông Nguyễn Văn Tấn ra đảo từ năm 1972 và đến đầu năm 1974 là lần thứ 3 ông ra làm việc ở đảo Hoàng Sa. Ông nhớ lại: “Từ năm 1972 thì tàu Trung Quốc đã nhăm nhe nhòm ngó đảo Hoàng Sa. Tàu của Trung Quốc vẫn luôn đi lại ở vùng biển này”. Một buổi sáng thứ bảy đầu năm 1974, mấy anh em đang ngủ ngon bỗng bị đánh thức bởi ba phát pháo từ ngoài khơi. Tất cả choàng tỉnh dậy. Mới 6 giờ sáng hàng trăm chiếc tàu lớn, tàu nhỏ của Trung Quốc đã vây quanh đảo Duy Mộng. 8 giờ sáng, quân đội và cả người dân thường của Trung Quốc đã đồng loạt đổ bộ lên đảo. “Chúng tôi điện thoại về Đà Nẵng để báo cáo tình hình trên đảo, Nha khí tượng Đà Nẵng trả lời sẽ có máy bay ra chi viện. Nhưng khi đó anh em chúng tôi đều hiểu rằng họ nói là nói vậy chớ ở Hoàng Sa làm chi có sân bay mà ra cứu trợ... Lính Trung Quốc bắt chúng tôi rồi họ lục lọi hồ sơ của chúng tôi. Đúng 11 giờ trưa hôm đó họ bắt và đưa chúng tôi xuống tàu. Còn người dân nước họ dựng nhà cửa, rồi mang ngư lưới cụ ra đánh cá...”. Ông Tấn cùng 3 đồng sự làm việc ở tổ khí tượng cùng với một đại đội Địa không quân của Quân đội Sài Gòn đã bị đưa lên tàu và đưa qua đảo Hải Nam khi trời vừa sập tối.

3 giờ sáng ngày hôm sau, tàu đến đảo Hải Nam và đến 8 giờ sáng những người Việt Nam trên đảo Hoàng Sa đã bị đưa đến Quảng Châu. Ở đây, Trung Quốc đã xây dựng sẵn một nhà giam mà theo lời ông Tấn thì dây thép gai rào xung quanh còn mới tinh. Những người Việt Nam đến đây được đưa đi hớt tóc, khám sức khỏe. Ông Tấn kể: “Bị đưa sang đất lạ xứ người quá bất ngờ, tui cứ nghĩ thầm trong bụng chắc họ bắt mình ở lại đây luôn. Khi nớ tui không sợ chi cả chỉ nghĩ thương vợ và mấy đứa con nhỏ. 28 ngày ở Trung Quốc mà dài đằng đẵng như cả mấy năm trời. Sống mòn mỏi và chờ đợi, đến một ngày một người lính Trung Quốc nói tiếng Việt rất sõi báo tin: “Mấy ông chuẩn bị được trả về Việt Nam, tui nghe như thể được đi trên mây. Sau đó đoàn chúng tôi được đưa sang Hồng Kông và được thủ tướng của chế độ Sài Gòn lúc đó là ông Trần Văn Hương sang tận Hồng Kông để đón về”.

Chỉ gần một tháng bị Trung Quốc bắt ở đảo Hoàng Sa và đưa sang tận bên nước họ, gia đình ông Tấn lúc đó thất kinh hồn vía. Nghe lời khuyên của một người bà con, vợ ông Tấn đã thờ vọng ông. Vũ lúc đó chỉ mấy tháng tuổi không biết mô tê gì là chắc rồi, chỉ khổ cho bác gái. Ông Tấn được máy bay đưa từ Hồng Kông về Sài Gòn, được giám đốc Nha khí tượng Sài Gòn ra đón và đưa về. Ông ghé nhà một người bà con ở đường Đinh Tiên Hoàng gần Cầu Bông - Sài Gòn sau đó ông bay ra luôn Đà Nẵng trong nước mắt chan hòa niềm vui vô bờ bến của gia đình.

Ký ức về những ngày tháng ở quần đảo Hoàng Sa của ông già đã bước qua tuổi 80 Nguyễn Văn Tấn thỉnh thoảng lại hiện về trong câu chuyện với con cháu và cả trong những giấc mơ. Ông nói: “Mình già rồi, chuyện về Hoàng Sa cũng đã 40 năm trôi qua. Những người bạn ở Sài Gòn cùng làm nghề thiên văn khí tượng ở đảo ngày nào giờ đã mất cả, chỉ còn ông Miễn ở đường Hoàng Diệu - Đà Nẵng thì nghe vẫn còn sống...”. Nói đến đó mắt ông bỗng dưng đỏ hoe. Những ký ức của đảo, của biển, của những ngày lưu lạc lại hiện về trong ông.

P.T  
(SHSDB21/06-2016)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng