Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-16)
Lịch sử xây dựng Kinh thành Huế qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới
09:40 | 18/08/2016

CAO THỊ THƠM QUANG

Kinh thành Huế là tòa thành ở Cố đô Huế, nơi đóng đô của vương triều Nguyễn trong suốt 140 năm từ 1805 đến 1945. Hiện nay Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 29 tháng 3 năm 1993.

Lịch sử xây dựng Kinh thành Huế qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới

Kinh thành Huế qua Mộc bản triều Nguyễn

Với quan điểm: “Bậc vương giả dựng nước đặt Kinh đô, tất lấy thành trì làm chắc”. Vì vậy, sau khi thống nhất thiên hạ, năm 1803 vua Gia Long đã sai người đi khảo sát, chọn địa điểm để xây dựng mở rộng Kinh thành làm nơi bốn phương về chầu hội: “Sai giám thành là Nguyễn Văn Yến ra bốn mặt ngoài đô thành cũ Phú Xuân đo cắm để mở rộng thêm”. Trước khi vua Gia Long cho xây thành mới, ở Phú Xuân đã có thành cũ của các chúa Nguyễn để lại, rồi thành của Tây Sơn dựng lên. Nhưng thấy các thành cũ kia quá nhỏ hẹp, nên nhà vua đã nghiên cứu địa bàn để mở rộng phạm vi cho kiến trúc mới.

Trước đó, để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng Kinh thành, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn đã phái quân mở đường sá, làm đất cát, sai Phạm Văn Nhân, Lê Chất và Nguyễn Văn Khiêm đốc trách, trông coi công việc. Việc mở rộng Kinh thành có ảnh hưởng đến đất ở và đất ruộng của nhân dân nên nhà vua đã phải thực hiện chính sách: “Dân cư tám xã Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, An Bảo và Thế Lại, có ruộng đất bị mở vào thì theo giá văn tự trả tiền lại, nhà cửa thì mỗi hộ cấp 3 quan, uynh mộ thì mỗi ngôi 2 quan, còn nhân dân thì được miễn lao dịch. Lại thấy rằng một xã Phú Xuân, ruộng đất gần hết, dời dân xã ấy sang xã Vạn Xuân, cấp ruộng công đất công cho ở (đất công 3 khoảnh, ruộng công hơn 30 mẫu), lại cho vay tiền 1.000 quan để giúp cho việc chuyển dời”. Như vậy, vua Gia Long đã nghĩ đến việc đền bù nhà cửa, ruộng vườn chu đáo, giữ yên lòng dân để bắt tay xây dựng Kinh thành.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục khắc về quy mô xây dựng của Kinh thành


Tháng 4 năm Ất Sửu (1805), sau khi sắc cho bộ Lễ chọn ngày tốt làm lễ tế trời đất và nhận thấy mọi sự chuẩn bị đã xong, vua Gia Long đã  cho khởi công xây đắp Kinh thành. Hơn 3 vạn lính và dân phu chủ yếu đến từ các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quy Nhơn đã được huy động đến Huế làm việc. Theo Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 23, mặt khắc 13 thì Kinh thành Huế được xây dựng với quy mô như sau:

“Ngày Quý Mùi, xây đắp Kinh thành. Suốt bốn mặt thành dài 2.487 trượng 4 thước 7 tấc, suốt bốn mặt hào dài 2.503 trượng, 4 thước 7 tấc; có 10 cửa, mặt trước là cửa Thể Nguyên, cửa Quảng Ðức, cửa Chính Nam, cửa Ðông Nam, bên tả là cửa Chính Ðông, cửa Ðông Bắc, bên hữu là cửa Chính Tây, cửa Tây Nam, phía sau là cửa Chính Bắc, cửa Tây Bắc; ở góc đông bắc đắp đài Thái Bình, thành (của đài) mở một cửa gọi là cửa Thái Bình, cửa đài gọi là cửa Trường Ðịnh; thân thành đài dài suốt 246 trượng 7 thước 4 tấc. Kỳ đài cao 4 trượng, 4 thước. Cửa Thể Nguyên sau đổi làm cửa Thể Nhân, cửa Thái Bình sau đổi làm cửa Trấn Bình”.

Mới đầu thành được đắp bằng đất, bằng gỗ ván bọc mặt ngoài nên từ tháng 4 đến tháng 8, đã hoàn tất. Đến năm 1818, nhà vua mới bắt đầu cho xây gạch: “Xây gạch Kinh thành. Vua sai bọn Hoàng Công Lý, Trương Phúc Đặng, Nguyễn Đức Sĩ, trông coi công việc. Làm 24 đài ở trên thành, phía trước là các đài Nam Minh, Nam Hưng, Nam Thắng, Nam Chính, Nam Xương và Nam Hanh; ở bên tả là các đài Đông Thái, Đông Trương, Đông Hoa (nay là Đông Gia), Đông Phụ, Đông Vĩnh, Đông Bình; phía sau là các đài Bắc Cung (nay là Bắc Định), Bắc Hòa, Bắc Thanh, Bắc Trung, Bắc Thuận, Bắc Điện; bên hữu là các đài Tây Thành, Tây Tuy, Tây Tĩnh, Tây Dực, Tây An và Tây Trinh”.

Nhận thấy công việc xây dựng Kinh thành hết sức vất vả và nặng nhọc nên ngay từ những ngày đầu mới bắt tay vào làm, vua Gia Long đã trả công cho binh lính rất rộng rãi: “Mỗi người mỗi tháng cấp tiền 1 quan 5, gạo 1 phương 15 bát”. Hay như: “Giảm 5 phần 10 tiền thuế thân và tiền đầu quan năm nay cho Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Thuế ruộng các dinh thì đã tha giảm hồi đầu xuân. Vua thấy việc sửa đắp Kinh thành nhân dân đến làm như con đến làm cho cha, nên lại gia ơn ấy”. Ngoài ra, nhà vua còn hạ lệnh quy định giờ làm việc để tiện cho binh dân: Mỗi ngày buổi sáng làm đến giờ Ngọ thì nghỉ, buổi chiều làm đến giờ Dậu thì thôi”. Nhưng khi đến mùa hè, khí trời đã bắt đầu nóng dữ, nhà vua đã cho đổi lại thời gian làm việc, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe binh dân: “Khắc đầu giờ Tỵ thì nghỉ, khắc đầu giờ Mùi lại làm. Hạ lệnh cho Thái y viện chia đóng nhiều nơi ở công trường để điều trị quân sĩ trong khi có bệnh hoạn”.

Đối với việc xây dựng Kinh thành, vua Gia Long cũng rất sát sao, nghiêm khắc: “Sắc sai cứ mỗi tháng hai lần vào ngày mồng một và ngày rằm, vệ thì Quản vệ, đội thì Suất đội, đều chiếu theo xem xét suốt một lượt, hễ thấy chỗ nào hơi lở một chút vôi hoặc đất sứt mẻ hay là cây cỏ mọc lên, tức thì bắt lính sửa sang dẫy cắt ngay, cốt để cho hết thảy mọi chỗ đều được chỉnh đốn sạch sẽ. Đề đốc Kinh thành cũng phải cứ 3 tháng một lần, phân phái người đi khám xét, nếu chỗ nào không được sạch sẽ chỉnh đốn thì vạch ra tham hặc để trừng trị”.

Vua Gia Long thực hiện công việc xây dựng Kinh thành dở thì lâm bệnh nặng mà mất, vua Minh Mạng lên nối ngôi tiếp tục sứ mệnh mà vua cha để lại. Vua dụ với bầy tôi: “Kinh sư là nơi căn bản của đất nước. Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta khi võ công cả định thì bắt đầu dựng đô thành, dần dần xây đắp thêm mãi, cho nên uy thanh trấn áp mọi nơi, để lại cơ nghiệp muôn đời cho con cháu ta. Duy về mặt tả còn là thành đất chưa xây gạch đá. Trẫm kính noi theo nghiệp lớn, rất để tâm làm sáng tỏ công nghiệp tiền nhân. Nay nước nhà đang rỗi, chính là lúc nên sửa sang việc ấy để làm nơi căn bản vững nước, bảo dân. Vậy hạ lệnh theo đúng quy thức mà xây đắp”. Ông cho tiến hành xây dựng và hoàn chỉnh thêm các hạng mục lớn nhỏ trong ngoài Kinh thành. Năm 1831, cho tu sửa lại kỳ đài. Trên đài đường rãnh nước, bốn bên xung quanh chỗ nào thấm nước nứt vỡ thì tu bổ lại, hai bên bậc cửa xây thêm lan can, mặt nền tầng trên thì lát gạch vuông. Rồi sau, xây gạch tầng thành thứ ba phía trong và mặt trước. Đồng thời, vua Minh Mạng cũng cho xây bó phía mặt trong bên hữu, phía sau Kinh thành.

Vị vua thứ hai của triều Nguyễn cũng rất kỹ lưỡng trong việc xây dựng Kinh thành: “Phàm làm việc gì cũng chọn vật liệu cho tốt, làm cho vững bền, mong không hư phí của công, khó nhọc một lần mà được an nhàn lâu dài mãi”.
 

Mộc bản khắc việc Kinh thành Huế được xây xong và vua Minh Mạng ban thưởng cho người có liên quan đến việc xây dựng Kinh thành

Đến năm 1832, công việc xây đắp Kinh thành đã xong. Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 80 có chép về việc này:

“Vua bảo Nội các rằng: Kinh sư là nơi khởi đầu giáo hóa mà Kinh thành lại càng quan trọng. Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta, sau khi bình định được cả nước, sửa sang gây dựng, quy mô rộng mở, ta kính nối nghiệp trước để chí noi theo. Ta nghĩ đi nghĩ lại mãi: có khó nhọc một lần mới được nhàn rỗi lâu, bèn để ý xếp đặt mưu tính lần lượt, đem hết thảy công trình xây dựng Kinh thành, đều sửa sang xây đắp lại cho thêm mới. Từ tiền công đến vật liệu trước sau đã chi đến hơn trăm nghìn vạn. Số tiền tiêu ấy thực không hạn lượng được. Nay toàn cục đã xong, công việc đã hoàn thành cả, thành trì bền vững, truyền lại hàng ức muôn năm, lòng Trẫm thực rất vui mừng”.

Nhân đó, vua Minh Mạng ra lệnh ban thưởng cho các biền binh: “Công trình to lớn, bọn quan văn, quan võ và quân lính đều biết sốt sắng làm việc công. Đã đành tôi con phục dịch dẫu không dám ngại khó nhọc, nhưng quân vương thì để tâm đến, có phần chỉ thương hơn mãi. Vậy nên rộng ra ơn lớn, để an ủi công lao tốt. Các viên đổng lý về mặt hữu là Trần Văn Năng, Tống Phúc Lương, Phan Văn Thúy, Nguyễn Văn Xuân, về mặt sau là Nguyễn Văn Trọng, Phạm Văn Lý, Đỗ Quý, Tôn Thất Bằng mỗi người được thưởng 2 tấm sa. Những chưởng cơ quản vệ kiêm coi 2 mặt về phía sau và phía hữu, cũng thưởng mỗi người 2 tấm sa. Và từ đổng lý đến suất đội, cộng hơn 130 người, đều thưởng kỷ lục 1 thứ, còn 9.500 biền binh, đều thưởng tiền lương 2 tháng. Lại sai những người phần việc dựng nhà rạp, bày yến tiệc 3 ngày ở phía đông ngoài thành, từ đổng lý đến suất đội chia làm 3 ban, theo ngày đến dự đông đủ. Đường quan bộ Binh lần lượt đi tuyên chỉ, ban yến và xem tuồng 3 ngày. Biền binh cũng ban cơm rượu, để được cùng vui. Còn biền binh xây đắp sông Ngự, dẫu không khó nhọc như thợ xây thành, nhưng cũng có chút công lao, vậy chuẩn cho ăn một bữa”.

Như vậy, công cuộc xây dựng Kinh thành được bắt đầu từ mùa hè năm 1805 và hoàn thành cơ bản vào năm 1832; trải dài suốt gần 30 năm, có năm làm, có năm nghỉ, có năm tu bổ vì bị lũ lụt phá hỏng. Cuối cùng thì bên trong và bên ngoài Kinh thành là hàng trăm công trình kiến trúc lớn 200 năm, khu Kinh thành hiện nay hầu như vẫn còn nguyên vẹn.

Có thể nói, trong lịch sử Việt Nam thời cận đại công trình xây dựng Kinh thành Huế có lẽ là một công trình đồ sộ, bề thế và quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu khối mét đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ đắp thành; ngay cả vua Gia Long cũng thừa nhận rằng: “Việc xây thành là quan trọng lớn lao, của công tiêu tốn rất nhiều”.

Kinh thành Huế là công trình kiến trúc quan trọng nhất của nhà Nguyễn, là chứng tích tiêu biểu cho sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của mỹ thuật Nguyễn trên mảnh đất Cố đô trong thế kỷ XIX.

C.T.T.Q  
(SHSDB21/06-2016)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ký ức Hoàng Sa (09/08/2016)