Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-16)
Những bước trưởng thành và trở lực của Hội Mỹ thuật
14:34 | 29/08/2016

NGUYỄN THIỆN ĐỨC  

Bàn về Mỹ thuật Huế ngày nay, tất yếu phải nói đến Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, là tổ chức trung tâm - có tính lịch sử với chức năng đặc thù mang tính phổ quát và tiêu biểu cho hoạt động mỹ thuật trên vùng đất này.

Những bước trưởng thành và trở lực của Hội Mỹ thuật
"Kịch bản số 2" của HS Nguyễn Thiện Đức

Từ mốc lịch sử đầu tiên 18/09/1945, ngày ra đời Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên - tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế, Ban Hội họa Thừa Thiên (tiền thân Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế ngày nay) cũng đã được thành lập 71 năm thăng trầm với nhiều biến thiên lịch sử. Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế đã có những đóng góp tích cực tạo nên diện mạo mỹ thuật cũng như bản sắc văn hóa vùng miền cho xứ Huế giàu truyền thống nghệ thuật. Từ sự kiện triển lãm tranh đầu tiên tại Viện Dân biểu Trung kỳ được tổ chức vào chiều chủ nhật ngày 23/09/1945 được xem là một dấu mốc quan trọng cho hoạt động mỹ thuật đầu tiên tại Huế; sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế 1957 (tiền thân của trường Đại học Nghệ thuật ngày nay); những đóng góp tích cực của Ban Chấp hành Hội các khóa, với tên tuổi các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc gắn liền với những giai đoạn lịch sử được cả nước biết đến; tất cả đã tạo nên nền tảng vững chắc, thúc đẩy Mỹ thuật Thừa Thiên Huế không ngừng phát triển, để Huế luôn xứng đáng là một trong ba trung tâm Mỹ thuật lớn trong cả nước.
 

Không gian vũ trụ nhân bản - Hs Vĩnh Phối
Dòng chảy sự sống - Hs Trương Bé
Chạng vạng nàng - Hs Đặng Mậu Tựu
Biển xô - Hs Nguyễn Thiện Đức
Chứng tích - Hs Ngô Tâm

Trong những năm qua, chúng ta có thể thấy tiềm lực mỹ thuật của Cố đô Huế đang ngày càng lớn mạnh - Hội Mỹ thuật vẫn luôn thể hiện vai trò là “khuôn mặt” tiêu biểu của mỹ thuật Huế, là trung tâm quy tụ, thu hút người “làm nghề” mỹ thuật và thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn sôi động và đều đặn hằng năm. Hiện nay, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế là một hội chuyên ngành mạnh về số lượng lẫn chất lượng. Với trên 130 hội viên, trong đó có 48 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, chiếm tỷ lệ 29%, là đội ngũ nòng cốt, dày dặn kinh nghiệm với những họa sĩ, nhà điêu khắc đã có nhiều đóng góp cho nền Mỹ thuật Việt Nam và khu vực, được giới mỹ thuật cả nước biết đến như: Vĩnh Phối, Trương Bé, Đặng Mậu Tựu, Phạm Đại, Lê Thừa Tiến, Lê Văn Nhường, Võ Xuân Huy, CHTN Tuyết Mai, Đặng Mậu Triết, Phan Thanh Bình, Nguyễn Thị Hải Hòa, Phan Hải Bằng, Phạm Hoàng Anh, Tô Trần Bích Thúy, Hà Văn Chước… Họ là những hội viên “đầu đàn” có sức sáng tạo bền bỉ, định hình phong cách, luôn tạo được ảnh hưởng lan tỏa và sự kết nối lớn trong các hoạt động sáng tác, triển lãm đối với đội ngũ sáng tác trẻ. Trong 10 năm gần đây, Hội Mỹ thuật đã thu hút được một lực lượng hội viên trẻ có tiềm năng, với tỷ lệ đông đảo, chiếm trên 60% số hội viên. Lực lượng trẻ luôn dồi dào sức sáng tạo, đa năng trong thể nghiệm, năng động trong tiếp nhận cái mới, luôn dấn thân trong việc khai phá tìm tòi con đường riêng trong lao động nghệ thuật. Nhiều tên tuổi trở thành quen thuộc trong các bảng thành tích hằng năm như: Lê Phan Quốc, Đặng Thị Thu An, Phan Hoài Niệm, Nguyễn Đăng Sơn, Trần Ngọc Bảy, Vũ Duy Tâm, Trương Thế Linh, Nguyễn Văn Hè, Trần Hữu Nhật, Lê Bá Cang, Nguyễn Thị Huệ, Trần Ánh Phi, Nguyễn Thị Hoàng Trang, Lê Việt Trung, Nguyễn Ánh Dương, Lê Quốc Hoàn, Phạm Văn Anh… Họ dần khẳng định vị trí của mình bằng sự chuyên nghiệp và hiệu quả sáng tạo. Với độ chín của tuổi nghề và tuổi đời nhất định, họ sẽ là lớp kế tục tiếp bước các thế hệ đàn anh của Mỹ thuật Thừa Thiên Huế trong tương lai.

Điều đáng ghi nhận là hầu hết đội ngũ Mỹ thuật Huế đều có ý thức không ngừng đầu tư học tập, nâng cao trình độ chuyên môn - tay nghề cũng như khả năng nghiên cứu lý luận chuyên ngành. Trong số tỷ lệ 90% hội viên có trình độ cử nhân, thì có đến 25% có trình độ thạc sĩ, và 3,1% tỷ lệ làm nghiên cứu sinh (4 người), 1 PGS. TS, 1 PGS, 1 nhà giáo ưu tú. Một số lượng lớn 40% hội viên là giảng viên của Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh và các trường phổ thông trung học trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Bên cạnh lực lượng “chính quy” của Hội, Mỹ thuật Huế còn có sự góp mặt của đội ngũ giáo viên mỹ thuật các trường phổ thông, đông đảo lực lượng sinh viên, học sinh và giới trẻ yêu mỹ thuật trong địa bàn tỉnh.

Ngoài sự bảo trợ trực tiếp của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, sự phối hợp hỗ trợ từ Hội Mỹ thuật Việt Nam và các đơn vị đào tạo như Trường Đại học Nghệ thuật Huế, còn có sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị nhà nước và tư nhân khác như: Bảo tàng Văn hóa Huế, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Tạp chí Sông Hương, Newspace Arts Foundation, Công Ty sách Phương Nam, Sông Như Gallery, Son Gallery… Chỉ trong 5 năm gần đây, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế đã tổ chức được hơn 28 cuộc triển lãm thường niên, nhiều cuộc triển lãm chuyên đề, phối hợp tổ chức 2 workshop đồ họa in ấn quốc tế tại Huế, nhiều triển lãm dành riêng cho các nữ họa sĩ, 4 cuộc triển lãm tranh cổ động, 6 triển lãm giao lưu với Hội địa phương khác và các vùng Kinh đô xưa và nay, 7 triển lãm phục vụ sự kiện văn hóa chính trị, phối hợp tổ chức 2 triển lãm kỷ niệm hội viên đã mất, 1 Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc, 1 Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung… hơn 12 lượt hội viên tham gia các trại sáng tác và giới thiệu kết quả sáng tác của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, của Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh, của Ủy ban Toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam, của Bộ đội Biên phòng tỉnh, của các Hội VHNT 5 vùng Kinh đô và của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Ngoài ra, Hội còn bảo trợ cho nhiều triển lãm cá nhân và nhóm hội viên, nhóm tác giả trong và ngoài tỉnh và cả họa sĩ nước ngoài triển lãm tại Huế. Nhiều hội viên thường xuyên tham gia các workshop chuyên đề và triển lãm quốc tế hay triển lãm tại nước ngoài bằng những dự án cá nhân. Trong quá trình giao lưu học hỏi, các hình thức nghệ thuật mới của thế giới cũng đã được các nghệ sĩ trẻ Huế đón nhận và thực hành như một quy luật của sự hội nhập và phát triển. Các loại hình như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật video, nghệ thuật trình diễn đến nay không còn xa lạ với giới mỹ thuật và công chúng Thừa Thiên Huế. Tính chất phong trào đã dần được thay thế bằng tính chuyên nghiệp, do đó chất lượng và kết quả nghệ thuật ngày càng được nâng cao và các chủ đề thường gần gũi gắn kết hơn với đời sống xã hội cũng như môi trường văn hóa. Mỗi thể loại nghệ thuật mới gắn liền với một số tên tuổi nghệ sĩ cụ thể hơn bởi tính chuyên sâu, từ đó đã tạo được hiệu ứng tốt cho người xem và trong đánh giá của giới chuyên môn.

Một điều đáng ghi nhận là những đóng góp âm thầm nhưng to lớn của một vài hội viên rất ít xuất hiện trong các hoạt động chung, nhưng thường xuyên tham gia các dự án nghệ thuật đương đại trong khu vực và quốc tế như họa sĩ Lê Thừa Tiến, nghệ sĩ Trần Tuấn, anh em nghệ sĩ Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải, là những hội viên đã mang tên tuổi, tác phẩm và nghệ thuật đương đại của Huế, của Việt Nam vượt qua biên giới quốc gia đến với công chúng thế giới.

Bên cạnh mảng sáng tác, trong thời gian gần đây hoạt động nghiên cứu lý luận và phê bình nghệ thuật của Hội cũng có những khởi sắc. Mặc dù chưa có một đội ngũ đông đảo, nhưng lĩnh vực phê bình lý luận của Hội đã có mũi nhọn, đóng góp tích cực bằng những công trình nghiên cứu, các bài phê bình lý luận, các bài báo khoa học, bài viết đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành và các tham luận cho các hội thảo, hội nghị khoa học trong và ngoài nước. Ngày càng nhiều hội viên là giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế tham gia tích cực hoạt động nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp Đại học Huế, cấp tỉnh và cấp bộ với các đề tài nghiên cứu liên quan đến đào tạo mỹ thuật, các giá trị mỹ thuật cổ, những giá trị di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn Thừa Thiên Huế, miền Trung và Tây Nguyên. Một vài hội viên trở thành cộng tác viên của các báo, đài thường xuyên tham gia tư vấn hoặc đóng góp những bài viết có giá trị liên quan đến mỹ thuật, góp phần đáng kể thúc đẩy sự nghiệp văn hóa nghệ thuật chung của tỉnh nhà và khu vực miền Trung.

Nhiều hoạt động hội thảo, tọa đàm được phối hợp tổ chức đã làm đa dạng hơn các hoạt động nghiên cứu lý luận như: Hội thảo Mỹ thuật Bắc miền Trung do Hội Mỹ thuật VN tổ chức tại Huế; sự kiện Kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 35 năm ngày mất của danh họa Nguyễn Đỗ Cung tại Huế; sự kiện Kỷ niệm 10 năm ngày mất của Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn tại Huế; tọa đàm kỷ niệm ngày mất “họa sĩ Đinh Cường” hay Hội thảo “Vai trò Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế trong dòng chảy Văn hóa Huế nhìn lại và phát triển” do Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế tổ chức. Một số hội viên tham dự hội thảo “Hợp tác Việt Nam - Đan Mạch về văn hóa và nghệ thuật sau năm 2015” tại Hà Nội, và hội thảo “Xây dựng chính sách phát triển thị trường Mỹ thuật Việt Nam” tại Hà Nội do Cục Hợp tác quốc tế và Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức; hay Hội thảo “Mỹ thuật Ứng dụng trên con đường tìm về Bản sắc Việt” tại Tp. Hồ Chí Minh và nhiều hội thảo khác về khoa học đào tạo tại Đại học Nghệ thuật Huế trong chương trình đào tạo thạc sĩ với Đại học Mahasarakham Thái Lan.

Với những đóng góp thông qua các hoạt động chuyên môn trên, 5 năm gần đây, Hội Mỹ thuật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ bằng những thành tích như: 3 giải thưởng mỹ thuật Quốc tế tại Triển lãm khu vực Sông Mê Kông - Thái Lan; 2 giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, 1 giải khuyến khích tại triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015; 13 giải thưởng Mỹ thuật tại triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung; 5 giải thưởng tại Festival Mỹ thuật Trẻ Toàn quốc lần thứ I và II; 15 giải thưởng xuất sắc thường niên của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế; 3 giải thưởng Mỹ thuật trẻ lần thứ I - Huế 2016; 1 giải thưởng Mỹ thuật Bửu Chỉ; 11 giải thưởng VHNT hằng năm của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế; 5 giải thưởng VHNT Cố đô của tỉnh; 2 giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam; 2 tặng thưởng của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về thành tích tổng kết 3 năm “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; 1 Giải thưởng Quốc gia về vận động sáng tác VHNT “Học tập làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”. Đặc biệt có 1 tác giả được Bảo tàng Mỹ thuật nước ngoài sưu tập, 3 tác giả có tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập và 5 tác giả có tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sưu tập.

Những thành tích chuyên môn dày dặn trong những năm qua, là minh chứng cho sự nỗ lực hết mình trong lao động nghệ thuật của từng hội viên, và là sự đồng lòng của tập thể hội viên trong ngôi nhà chung của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế thể hiện trách nhiệm nghệ sĩ, trách nhiệm công dân đối với xã hội, với đất nước và với sự phát triển chung của mỹ thuật Thừa Thiên Huế.

Nếu chỉ nhìn vào kết quả trên thì chắc hẳn chúng ta sẽ cảm thấy yên tâm và tự tin về sự vững mạnh mỹ thuật Huế; nhưng nếu nhìn rộng hơn trên bình diện chung của môi trường mỹ thuật Việt Nam, mỹ thuật thế giới và sự suy xét sâu hơn về yếu tố nội tại của từng năng lực sáng tạo thì Hội Mỹ thuật vẫn đang còn gặp nhiều trở lực, nó trở thành những chướng ngại căn bản cần vượt qua để mỹ thuật Huế có thể “cất cánh” và có những đóng góp xứng tầm hơn, bởi lẽ:

So với 2 đầu Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, Huế chưa phải là một thị trường mỹ thuật sinh động. Thế mạnh Du lịch và Văn hóa của Huế chưa được tác động mạnh để tạo nên một thị trường thu hút đầu tư, kinh doanh hay tạo ra môi trường hoạt động giao lưu nghệ thuật có lợi nhuận. Hệ thống gallery tư nhân nhỏ lẻ, rời rạc thiếu chuyên nghiệp… Người sưu tập, mạnh thường quân nghệ thuật, các giám tuyển nghệ thuật hầu như vắng bóng hoặc rất ít hiện diện ở Huế. Mỹ thuật Huế gần như đang thiếu môi trường sống và “dưỡng khí” trầm trọng, như một cái ao nhỏ không lưu thông dòng nước! Tác phẩm mỹ thuật chỉ “tồn tại” hoặc được nuôi sống “lây lất” bằng kinh phí kiếm được từ những nghề khác của các tác giả chứ không phải từ một thị trường đúng nghĩa.

Bên cạnh đó, đội ngũ phê bình lý luận của Mỹ thuật Huế đang rất mỏng, mặc dù đã có nhiều đóng góp nhưng vẫn chưa tạo lập được vai trò thúc đẩy, định hướng, đánh giá, dự báo kịp thời các xu hướng phát triển của mỹ thuật hiện nay; vai trò đồng hành với quá trình sáng tạo của nghệ sĩ đang còn mờ nhạt, do đó thiếu sự tìm kiếm nhằm phát hiện hay mở đường hướng đến kích thích hoạt động mỹ thuật phát triển.

Mặc dù Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế là tổ chức trung tâm, đại diện tiêu biểu cho những hoạt động mỹ thuật tại địa bàn tỉnh nhưng tính chất và khả năng tổ chức điều hành của Hội chỉ đáp ứng được những hoạt động mang màu sắc phong trào, quy tụ được số đông trên diện rộng nhưng lại không sâu. Do đó, việc tìm kiếm, thu hút hay nuôi dưỡng, phát triển tài năng sáng tạo đích thực thì cơ chế của Hội khó lòng đáp ứng. Hơn nữa, tài năng nghệ thuật thường ít đồng hành với tập thể mà lại là những cá thể sáng tạo độc lập, ít bị chi phối bởi ngoại cảnh hay số đông phong trào. Thêm vào đó cơ chế làm việc kiêm nhiệm, không ăn lương, chỉ có nhiệt tình và trách nhiệm của bộ phận lãnh đạo Hội cũng tác động không nhỏ đến ý thức trách nhiệm từng cá nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động chung.

Đối với lực lượng sáng tạo của Mỹ thuật Huế, mặc dù sôi động, đa dạng nhưng tính chất phong trào vẫn còn đậm nét, như “con dao 2 lưỡi” mong manh giữa lợi và hại. Số đông nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc Huế hoạt động sáng tạo theo hình thức bán chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp. Bởi không mấy ai trong số họ sống được bằng tác phẩm của mình, họ phải vừa nuôi nghề và vừa nuôi mình bằng những công việc khác, bởi họ không thể đánh đổi sự tồn tại của bản thân và gia đình bằng sự dấn thân trọn vẹn cho nghệ thuật. Việc tham gia những hoạt động định kỳ theo kiểu “đến hẹn lại lên” tạo nên một “quán tính bất lợi” cho tính chuyên nghiệp. Làm việc theo “thời vụ” hay giới thiệu những tác phẩm “tròn trịa”, “đèm đẹp” theo kiểu nửa nghệ thuật - nửa thị trường, thỏa mãn thị giác số đông, góp đầy không gian triển lãm là xu hướng phổ biến; khá hiếm hoi để có và để thấy những giá trị khai phá bền vững ghi dấu cá nhân trong hình thức lẫn những tuyên ngôn nghệ thuật. Do đó có thể nói, gần như mỹ thuật Huế hiện nay đang ít “tác giả” tên tuổi mà chỉ có những “tác phẩm” của số đông.

Kinh phí hoạt động của Hội Mỹ thuật chủ yếu theo kế hoạch định mức rất hạn hẹp hằng năm từ Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh. Khả năng huy động sự đóng góp, hỗ trợ từ nguồn kinh phí xã hội hóa cho hoạt động mỹ thuật là hết sức khó khăn từ nhiều lý do. Lý do dễ thấy nhất là các hoạt động mỹ thuật chưa tạo được sự đồng cảm hay thật sự hấp dẫn để lôi kéo được các nhà tài trợ - đầu tư, hay xã hội đang thờ ơ với nghệ thuật? Chúng ta chỉ biết không có nguồn kinh phí hợp lý, mỹ thuật Huế khó lòng tạo nên đột phá, hay sáng tạo mà chỉ dừng lại ở những hoạt động mang tính thường niên, kéo theo những hạn chế sáng tạo trong tổ chức hoạt động, ảnh hưởng đến tâm lý nghệ sĩ và cả chất lượng nghệ thuật chung. Thêm nữa nguồn hội phí ít ỏi hằng năm từ đóng góp của hội viên, không đủ để Hội chủ động tổ chức một hoạt động nào khác ngoài công tác thăm viếng hội viên ốm đau, tang tế hay chúc mừng triển lãm.

Mỹ thuật Huế đang cần sự quan tâm kịp thời của các cấp quản lý để có được một không gian trưng bày triển lãm đúng nghĩa và để tổ chức các sinh hoạt nghệ thuật cần thiết. Hơn bao giờ hết 130 hội viên Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế đang “tha thiết” có một không gian chuyên nghiệp để giới thiệu nghệ thuật đến với công chúng. Bởi lâu nay các cuộc triển lãm đều chịu cảnh “chắp vá” hay “gói ghém” trong những không gian “nhờ vả” không đúng tiêu chuẩn. Điều này sẽ được giải quyết nếu lãnh đạo tỉnh sớm hiện thực hóa không gian Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Bảo tàng sẽ là không gian lưu giữ các tác phẩm giá trị và là nơi có thể tổ chức các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Hơn nữa, việc xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Huế hiện nay là cấp bách và hết sức cần thiết, để xứng đáng với bề dày lịch sử, văn hóa và mỹ thuật của vùng đất này, xứng tầm với một thành phố Văn hóa Asean, một thành phố Festival của Việt Nam. Và sâu xa hơn là thể hiện trách nhiệm đối với quá khứ, đối với hiện tại và cả tương lai mỹ thuật lâu dài.

Không có Bảo tàng Mỹ thuật, truyền thống và lịch sử mỹ thuật Huế như bị đứt đoạn là có lỗi với quá khứ. Hiện tượng “thiên hoại” và “chảy máu nghệ thuật” đã và đang diễn ra khi chúng ta chậm trễ, trì hoãn việc lưu danh những tác giả, tác phẩm có đóng góp lớn cho mỹ thuật Huế cũng như cho đất nước. Những cái tên như: Lê Văn Miến, Lê Quang Duyệt, Tôn Thất Sa, Nguyễn Khoa Toàn, Lê Văn Tùng, Nguyễn Văn Nhơn, Trần Văn Phần… sẽ bị quên lãng bởi dấu tích sáng tạo của họ dần bị thời gian tàn phá nghiêm trọng hoặc thất lạc bởi sự thờ ơ, thiếu quan tâm…, rồi đến các tác phẩm vẽ về Huế của bậc thầy như Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Đức Nùng, Phạm Viết Song, Tôn Thất Đào, Nguyễn Tiến Chung cũng đang lưu lạc hay bị hư hại mà chưa có một giải pháp nào cụ thể…; rồi 70 năm qua nhiều thế hệ họa sĩ tiền bối khác còn ai nhắc tên hay sẽ được thấy tác phẩm của họ nếu không kịp thời có bảo tàng. Và thực tế gần đây, nhiều tác phẩm tốt của các nghệ sĩ đương thời đang dần bị sưu tập bởi những nơi khác.

Tóm lại, việc đánh giá những thành tựu và nhìn nhận nghiêm túc những trở lực từ nhiều phía của Mỹ thuật Huế, để xác định hướng đi đúng là rất cần thiết. Để luôn xứng đáng với vị trí là một trong ba trung tâm của cả nước, Mỹ thuật Huế cần nỗ lực để vượt qua chính mình, cần sự tác động tích cực của ngoại lực từ sự đồng cảm, hỗ trợ của toàn xã hội và của các nhà lãnh đạo có trách nhiệm, tâm huyết với mỹ thuật của vùng đất này.

Huế, ngày 23/5/2016
N.T.Đ  
(SHSDB21/06-2016)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ký ức Hoàng Sa (09/08/2016)