ĐINH PHƯƠNG
Nếu tôi trượt tay buông mình ra khỏi cơn mưa. Cơn mưa sẽ không còn là tôi nữa. Tôi hoặc cơn mưa lẫn vào nhau bay trong nền trời xám. Sự đứt đoạn nằm rất rõ ở giữa tôi và cơn mưa nhưng trên phố chẳng ai nhận ra…
Một ngày rất cũ ở tháng chín. Khi chớm thu nhạt, lạnh về, ùa trên các cành phượng tôi sẽ nghĩ mình phải ra đi. Đến một nơi nào đó chính tôi cũng không biết rõ. Chỉ chắc chắn một điều tôi phải bỏ trốn khỏi cuộc sống tôi đang có.
Công việc chuẩn bị diễn ra nhanh hơn vẫn tưởng. Vài bộ quần áo dài, hai bộ quần áo ngủ, một vài cuốn sách đang đọc dở, bàn chải, khăn mặt, vài chai nước khoáng vì nghĩ mình sẽ khát. Chiếc thìa nhôm (với ý nghĩa lá bùa). Trước khi khóa cửa tôi nhìn lại căn phòng.
Nền nhà vương vãi hạt đỏ, thức ăn cho cá từ sáng sớm. Chúng rơi ra khi tôi lấy chiếc bấm móng tay từ ngăn kéo. Con chuột nào đó đã gặm nham nhở góc túi, ăn hết phần lớn, số hạt còn lại trong túi bung ra. Con cá chưa kịp ăn một hạt nào trong đống hạt kia. Lúc tôi ra ngoài mua túi hạt con mèo tam thể hàng xóm đã sang và kết thúc tất cả. Khi về con cá chỉ còn lại nửa cái đầu. Nền nhà sũng nước. Con mèo ngủ trên bàn viết cạnh cửa sổ. Chân trước chạm vào Lolita của Nabokov. Những chiếc râu khẽ rung. Nắng chiếu qua giàn thiên lý chiếu xuống. Một lớp màng nắng vây quanh. Con cá tiếp tục bơi trong không gian khác ngột ngạt hơn. Tội ác của con mèo có gì đấy rất quen.
Tôi trở về với sự lặp lại ở góc khác trong quá khứ. Rơi trên một nền phẳng lớn, màu ghi để tìm một góc lõm nhỏ. Tội ác, con mèo ở đâu trong cái mớ hỗn độn sự kiện hằng ngày đã bị vùi lấp? Hoặc sẽ phải bỏ cuộc. Hình vuông lởn vởn. Tôi đi tìm trong hình vuông. Bốn cạnh bằng nhau, góc nối góc. Mê cung chạm vào đáy ký ức thành một mê cung khác. Hai mê cung xen nhau. Khu rừng tôi lạc vào lớn hơn khu rừng trong mơ của P, nơi chỉ có loài cây tên P’’ không ngủ. Loài cây P” thức, đợi, để được ăn thịt P khi P ngủ. Nhưng P sẽ không ngủ. Niềm tin trong tôi giữ cho P thức dai dẳng. Bỏ thời gian sang phía khác, P và tôi cùng đi lạc. Khu rừng tôi lạc vào chỉ có loài cây ngủ triền miên. Chúng đợi tôi thức để biến tôi thành món gỏi. Nhưng tôi chẳng bao giờ thức. Vẫn đi mãi giữa nhiều trạng thái.
Tội ác trong khu rừng ngủ từ sự kinh tởm biến thành khoái cảm. Từ khoái cảm biến thành sự thèm muốn, rồi bực bội. Tôi muốn giết con mèo. Muốn thấy máu trong, đỏ, giống nhiều viên ngọc ruby nhỏ, cong cong bay theo hình mái vòm. Giữa vết cắt đầu tiên và cuối cùng là tiếng kêu dấy lên tuyệt vọng thoát ra từ sâu cuống họng. Độ ngân ở hai quãng hoàn toàn khác nhau tuyệt đối. Lên tận cùng, xuống tận đáy sâu của sự đau đớn. Quãng giữa là sự quẫy đạp không ngừng của một thể xác nặng chưa đầy ki lô gam. Ánh mắt con mèo nhuộm xanh thẫm quãng tường trước mặt. Màu xanh luân chuyển từ xanh nhạt sang xanh đậm. Giây phút vĩnh biệt cuộc sống của một sinh linh phải đẹp như một loài hoa ở thượng giới.
Tôi nhẹ nhàng tiến đến. Hình bóng P bên cạnh ngăn cản. Bàn tay với mười ngón xanh gầy buông ra, thõng xuống vô vọng. Nét mặt đượm buồn. Tóc buông xòa trước trán. Lọn tóc bên trái dài, lạc, rủ xuống chạm mắt. Mười năm rồi vẫn là lọn tóc ấy. Nhưng mười năm rồi từ tận sâu tội ác với tôi là một liều thuốc chữa trị nhiều thứ. Cô đơn đến tận cùng. Xa ngái cộng mưa là một mùi vị không dễ chịu. Vậy mà mười năm tôi sống trong một mùi vị chưa bao giờ kết thúc.
Vậy nên. Mặc sự ngăn cản nơi P. Tôi phải giết con mèo. Giết chết sự ồn ào của mùi vị quẫy đạp. Tội ác vốn gieo trong con người từ trước khi ý niệm về mưa đầu tiên ùa đến. P vội vã hóa thân thành cơn mưa. Nước mắt của P chỉ làm thành phố ướt lên tích tắc rồi khô. Nhiều người bảo mưa bóng mây. Nắng chang chang giữa mười hai giờ. Da trời xanh ngắt. Gió im lìm. Nhiều người nữa không biết có mưa. Chỉ riêng tôi biết mưa bóng mây là P hóa thân. Song không phải lần đầu tiên. Có gì đấy rất gượng.
Khi tôi gần đến nơi thì con mèo giật mình mở mắt, chờm dậy, xù lông. Nó đánh hơi thấy mùi của cái chết. Móng vuốt bật ra cắm xuống mặt bàn. Tiếng gừ gừ đung đưa. Mắt con mèo hàng xóm chưa bao giờ màu đen. Nó màu hổ phách. Tôi giật mình quay đi, trở lại với mục đích đầu tiên của mình.
Chiếc ba lô nằm dựa vào cánh cửa.
Bức ảnh người đàn ông trẻ vẫn gắn chặt trên tường. Nụ cười ngượng nghịu, méo mó vượt qua khoảng không gian ngắn ngủi. Người đàn ông ấy mang hình dáng của P nhưng không phải P. Anh ta khổ sở khi mang một khuôn mặt của người khác, ở trong ngôi nhà người quen của người khác ấy. Tôi cũng khổ sở không kém. Khi vẫn dành tình yêu của mình cho một người không quen ở trong hình dáng rất quen. Chúng tôi cùng chia cho nhau mê cung mà P đã dày công chẻ nhỏ. Ở góc này rẽ trái. Ở góc kia rẽ phải. Đi thẳng. Quay lại. Mê cung P đưa ra thay đổi theo ngày. Hai mươi tư giờ đủ để cái hình dáng của P đập tan cái mê cung ấy và mong chờ một cái mê cung khác. Cho đến một ngày anh ta chán mê cung. Ngấy tôi và muốn thoát ra. Anh ta hỏi P làm cách nào để anh ta được trở về làm chính anh ta. Nhưng P không có đấy. P đã đi được mười năm. Bất cứ vật nào trong căn nhà cũng biết. Từ chiếc cốc uống nước mới mua đến chiếc quần lót màu cam bỏ đi trong tủ. Anh ta điên tiết đập mê cung của P ra, dùng chính nó tìm cách lắp mê cung của riêng mình. Lần đầu thất bại, mê cung của P khó chấp nhận chủ mới. Quay vòng vòng, hòa vào trần nhà biến mất. Anh ta quay sang hỏi tôi. Tôi mân mê chiếc thìa nhôm và nghĩ chuyện tình tứ. Chiều xuống thoải phía ngoài. Tiếng rao bánh mì lẫn với tiếng quảng cáo bột giặt từ ti vi nhà hàng xóm. Mặt trời soi thẳng xuống nhà qua khe nối hai ngôi nhà phía trước. Cái giờ phút mặt trời hoàn hảo nhất. Tôi nhìn mặt trời, gã nhân tình mang màu vàng lửa. Gã chưa kịp ôm tôi đã bỏ đi sang một ngôi nhà khác. Anh ta ngồi bên cạnh bảo nếu cần có thể giúp. Tôi nói không cần. Anh ta bảo gặp P sẽ chọn cho P một cái chết mà P không nghĩ ra. Nhưng P là nhà văn. Chết với P là định mệnh thường trực. Anh ta im lặng quay sang ngày hôm sau. Lần thứ hai mê cung của P bị đập ra thành mê cung của anh ta. Cách làm là anh ta biến thành nhà văn. Tôi bị nhốt trong mê cung chữ. Đi hết lớp này đến lớp khác. Nơi ấy không có chiều, chỉ có trưa chạm trưa. Nắng gay gắt. P biến mất sự hiện diện mê cung trong căn nhà sau mười năm. Nhưng anh ta cũng không thể gột rửa được cái hình dáng mà P đã xây lên. Bức ảnh vẫn gắn chặt trên tường với hình dáng của P.
“Tôi phải đi đây…”
Tôi nói với bức ảnh. Âm đây được kéo dài hơn thường lệ. Hơn lúc nào hết tôi muốn được nằm trong vòng tay của anh ta. Nhịp rung của khoảnh khắc cuối chạm vào gió phía ngoài mang đi tứ tán. Cái cười rơi nhẹ bẫng xuống chân. Cửa gỗ từ từ khép. Tầm mắt thu lại. Nhịp chậm chạp kéo dài khoảnh khắc dời bỏ.
Hay là ở lại?
Trong một vài phút tôi nghĩ mình sẽ ở đây mãi mãi. Bên bức ảnh người đàn ông mang hình dáng P và hồi ức. Chiếc giầy chân trái vừa đi vào chuẩn bị được tháo bỏ. Dây buộc toòng teng hờ hững lê trên nền gạch từ ngoài hiên vào lại bên cửa. Nhịp thở chậm chạp. Chùm chìa khóa trên tay rơi xuống nền khô khốc. Tiếng của loài chim sâu vút một khúc nhanh, lanh lảnh rồi chìm mãi vào chân trời trắng muốt. Tiếc nuối bảng lảng dâng. Cây bàng lặng im không gió.
Cuối cùng ổ khóa làm đúng nhiệm vụ của mình. Chiếc chìa khóa rơi tõm xuống mương nước trước nhà. Kim loại chạm nước vọng lên một âm thanh buốt. Tôi vơ vội âm thanh mang đi nhưng chỉ được gió.
Tôi nhốt một người trong phòng. Bầu trời thu từ xanh ngắt chuyển vàng nhạt. Khung ảnh vỡ tan. Nó không còn đủ rộng để chứa hình ảnh người đàn ông trẻ sau mười năm. Bốn mảnh gỗ ghép rơi xuống văng về bốn phía khác nhau. Kính vuốt nhọn cứa vào ký ức rịn máu. Người đàn ông khe khẽ lắc đầu chui ra từ khung ảnh. Bộ quần áo màu tím than. Ánh sáng nhạt xuyên qua lỗ thoáng sát trần ùa xuống. Người đàn ông chưa quen sáng dụi mắt. Mắt nâu nhìn sâu khoảng tối trước mặt. Anh ta bước từng bước chệch choạc về phía cảnh cửa. Chạm bàn uống nước, hai chiếc cốc vỡ tan. Một cốc đựng nước cam, cốc kia đựng cà phê sữa.
Chân dẫm lên thủy tinh…
Tôi tin mình đã bị nhìn thấy.
Buổi sáng, một ngày rất cũ ở tháng chín. Con cá vàng bơi lượn trong tủ kính. Chiếc thìa nhôm quẫy đạp trong túi quần. Đằng đông có cơn mưa. Tôi bước vội vào cửa hàng sinh vật cảnh.
Đ.P
(TCSH329/07-2016)