Tạp chí Sông Hương - Số 330 (T.08-16)
Thơ Việt, thế hệ hậu hiện đại mới
09:19 | 18/08/2016


INRASARA

Thơ Việt, thế hệ hậu hiện đại mới
Ảnh: internet

1. Sau trào lưu hậu hiện đại

Ngoảnh lại non thập kỉ qua - về thơ hậu đổi mới - thời điểm văn chương mạng ra đời (2002), thơ Việt Nam(1) đi theo năm dòng chính: Thơ “cổ truyền”, thơ cách tân nửa vời, thơ tân hình thức (new formalism poetry), thơ nữ quyền, thơ thị giác (visual poetry) trong đó thơ trình diễn (poetry performance) là một nhánh nổi bật. Cuối cùng, vào đầu thiên niên kỉ, từ giữa lòng nền thơ nhiều biến động ấy đột ngột nảy sinh một biến cố, biến cố mang trong mình khả tính cách mạng. Đó là trào lưu thơ hậu hiện đại. Đây chắc chắn là trào lưu khởi phát sớm nhất và được [người đọc cấp tiến] kì vọng hơn cả trong thời kì hậu đổi mới. Nó khai sinh đồng thời với văn chương mạng tiếng Việt. Hậu hiện đại chấp nhận tồn tại bên lề sinh hoạt văn học dòng chính qua hình thức mạng internet và cả ở dạng in photocopy(2). Và nó đã làm nên cuộc thay đổi lớn.

Cắt đứt hoàn toàn với mọi hệ mĩ học thơ cũ, cả những khai phá và thành tựu mới nhất của thơ đổi mới, dù họ vẫn có thể xài lại vài thủ pháp truyền thống nhưng hậu hiện đại nhìn truyền thống bằng con mắt khác, cảm thức khác. Cảm thức chủ yếu của hậu hiện đại là lối cảm nhận về thế giới như là một hỗn độn, con người bất tín nhận thức từ đó dẫn đến sự khủng hoảng niềm tin vào đại tự sự; hành động cốt tủy của hậu hiện đại là giải trung tâm; lối viết đặc trưng là giễu nhại; và cuối cùng tinh thần văn phong của nó là tính phi nghiêm cẩn.

Không còn gì mới dưới ánh mặt trời. Mỗi văn bản là một liên văn bản. Thức nhận sâu thẳm điều đó, nhà thơ hậu hiện đại thoải mái nhại thơ cũ hay mới của nhà thơ nổi tiếng hoặc khuyết danh, dùng lại tin cắt từ báo ngày, tạp chí như thứ chất liệu để làm ra bài thơ. Họ bóp méo lịch sử một cách có chủ ý, hòa lẫn lịch sử với huyền sử, sự kiện thật với giả tưởng, xáo trộn trật tự thời gian quá khứ nhằm phá vỡ tính mạch lạc của lối kể truyền thống để tạo nên thủ pháp siêu hư cấu sử kí historiographic metafiction - một đặc trưng của lối viết hậu hiện đại. Thơ thị giác visual poetry, thơ phụ âm, thơ động tác, thơ cụ thể concrete poetry, thơ graphic, rồi “thơ phân thân”… được vận dụng vào cuộc. Nhà thơ hậu hiện đại không từ chối hay chống lại mà tận dụng mọi lợi thế của khoa học kĩ thuật, để làm thơ. Họ xài đủ thể thơ có trong tay, vô phân biệt truyền thống hay hiện đại. Giải khu biệt hóa và phi tâm hóa ngay trong các thể loại, họ thích thú kết hợp và trộn lẫn các thể loại để tạo nên một thể loại văn chương khác, mới(3).

“Thà làm thơ mới dở còn hơn làm thơ cũ hay” là tuyên ngôn lặp đi lặp lại nhiều lần trong tạp chí Thơ ở Hoa Kỳ. Ở ngoài nước, Nguyễn Hoàng Nam đòi “quyền làm thơ dở”, thì sáu năm sau trong nước, nhóm Mở Miệng tuyên bố “chúng tôi không làm thơ”. Lý Đợi ném bỏ quan niệm thơ hay/ dở cũ kĩ ở sau lưng, mà nhấn vào thơ thực/ giả. Thơ rác cũng được, miễn là thực; thơ “dở” cũng xong, miễn là mới. Thế là bao nhiêu thơ “rác”, thơ nghĩa địa, thơ hàng tiêu dùng, thơ “dở” được các nhà thơ xả vào nền thơ Việt Nam. Năm năm, họ đã để lại cả đống hoang tàn đổ nát - hủy phá, sáng tạo và tái tạo, vàng và thau, rác rưởi trộn lẫn với mỏ quặng… - sau lưng họ. Các người làm thơ đi sau, sẽ làm gì, và làm thơ như thế nào?

2. Thế hệ thơ hậu hiện đại mới

Hậu hiện đại khai sinh và nở rộ liên tục trong năm năm (2002 - 2006), từ cuối năm 2006, cao trào đi xuống và lắng lại.

Giai đoạn bột phát và phản ứng quyết liệt, đối kháng và chối bỏ quyết liệt - cả với cơ chế xã hội, với hệ mĩ học cũ kĩ lẫn lối thơ giả, mòn, xơ cứng.. - đã qua. Đó chính là giai đoạn đầu của sự tự thức, một hậu hiện đại sơ kì bùng khởi cần thiết và cấp thiết. Trước cơ chế đóng của xã hội, hậu hiện đại Việt Nam mạnh bạo đập liên hồi kì trận vào cánh cửa kia. Trong khí hậu “hiện đại” của văn chương Việt Nam đương thời, khi các nhà thơ mãi mê mơ ngủ trong tiếp nối truyền thống với cách tân “gãi ngứa”, hậu hiện đại chống lại truyền thống và đánh sập tinh thần cách tân nửa vời kia; khi các nhà thơ cổ truyền còn say mê trò lựa chữ đẫm chất văn chương, chọn hình ảnh đẹp đầy thi tính thì hậu hiện đại cố ý sử dụng tràn lan ngôn từ thô tục của đời thường, đùn cơ man hình ảnh sinh hoạt chợ búa hay đường phố vào thơ; khi các nhà thơ “hiện đại” Việt Nam chỉ xem ngôn từ là chất liệu duy nhất làm nên bài thơ thì hậu hiện đại quyết làm ngược lại: không ít bài thơ ở đó ngôn từ chỉ là chất phụ gia chú thích cho ảnh; khi cả người viết lẫn người đọc đều xem văn chương như một cõi đầy nghiêm trang, ghế cao ngồi tót sang trọng và nghiêm trọng cùng cơ man “tính” thì hậu hiện đại quyết biến văn chương thành trò cười để bởn cợt, cười nhạo vào chính văn chương. Cuối cùng, trong khi hầu hết nhà văn, nhà thơ đương thời xem hoạt động và tác phẩm dòng chính lưu mới là văn chương thì tác giả hậu hiện đại chọn đứng ngoài lề. Như là cách thế hủy trung tâm và giải trung tâm quyết liệt nhất.

Nhưng rồi giai đoạn bột phát đã qua, ít ra nó đang chuyển sang hướng khác. Các nhà thơ thế hệ mới, khi xuất hiện, đã ở trong khí hậu văn chương giải trung tâm rồi. Họ hầu như không còn quan tâm hay quan tâm rất ít đến nơi hay cách xuất hiện. Họ cũng không nhất thiết phải dồn sức phá bỏ truyền thống hay “hiện đại” nữa. Đây là thế hệ nhà thơ hậu hiện đại mới.

Gọi họ là các khuôn mặt thơ mới bởi, dù họ viết khá sớm nhưng xuất hiện muộn hoặc tác phẩm chỉ nổi bật sau trào lưu sáng tác hậu hiện đại. Các người này ngoài số ít xấp xỉ ngũ thập, như Lê Hải (sinh 1959), Lê Anh Hoài (1966), Phan Thị Vàng Anh (1968) chẳng hạn, hay thấp hơn: Phan Trung Thành (1973), Jalau Anưk (1975); còn lại đa phần tuổi còn rất trẻ. Lê Hưng Tiến sinh 1981 ra tập thơ đầu tay Chân dung ảo (Nxb. Hội Nhà văn) khi vừa 28 tuổi. Lam Hạnh (1983) in xuất hiện qua Ngực cỏ (Nxb. Hội Nhà văn) năm 2008. Tuệ Nguyên (1982) cho in chính thống Những giấc mơ đa chiều (2009), khi trước đó nhà thơ này cũng đã thử nghiệm tập thơ in photocopy: Khúc tấu rối bù (2007) và ba tập in chung khác qua hình thức này. Có thi sĩ mới toanh chọn sự có mặt trên website Vanchuongviet chưa đầy năm nhưng đã có giọng riêng biệt: Tiểu Anh; hoặc mới hơn nữa: Lưu Mêlan.

Thế hệ thi sĩ này hưởng lợi rất nhiều từ thành quả mở đường của trào lưu hậu hiện đại. Nếu hậu hiện đại bỏ bao nhiêu tâm lực giải trung tâm bằng nhiều hình thức khác nhau thì, các nhà thơ sau hậu hiện đại khởi sự cuộc viết đã ng- hiễm nhiên ở trong khí hậu thơ giải trung tâm đó rồi. Nếu hậu hiện đại phải vượt qua bao ngáng trở tâm lí, bao dè chừng cơ chế để lập nhà xuất bản ngoài lề hay gửi thơ đăng ở các phương tiện phi chính thống thì, các khuôn mặt thơ mới hoàn toàn không còn quan tâm đến mấy nỗi vặt vãnh đó nữa. Họ có thể in và đăng thơ bất kì đâu, như là chuyện ăn, uống thường ngày - vô phân biệt.

Giai đoạn này, Giải thưởng tư nhân xuất hiện cũng tạo cơ hội cho nhà thơ mới sự chọn lựa. Cơn ngạt thở tình cờ của Trần Lê Sơn Ý (sinh 1977) vào chung khảo “Quỹ Lời vàng Eva” được nhà xuất bản Phụ nữ in năm 2007. Thức ăn của ngày hôm nay của Đỗ Trí Vương (sinh 1990), Mùi thơm của im lặng của Đồng Chuông Tử (sinh 1980) hay Những giấc mơ đa chiều của Tuệ Nguyên ra đời được đều qua sự đỡ đầu của Giải thưởng thơ Bách Việt.

Điều không phải không đáng đề cập là, thế hệ nhà thơ hậu hiện đại mới giải trung tâm cả nơi cư trú. Dù đang sống và viết ở các thành phố lớn, nhưng đại đa số họ là người nhập cư. Dân Sài Gòn có Tiểu Anh, Lối Nhỏ. Phan Thị Vàng Anh từ Hà Nội, Đồng Chuông Tử và Tuệ Nguyên từ Ninh Thuận, Trần Lê Sơn Ý từ Bình Định vào. Lê Hải quê gốc Hải Phòng. Bỉm (sinh năm 1987) từ Lâm Đồng; còn Nguyễn Thị Thúy Quỳnh là dân Nam Định. Thủ đô Hà Nội có Nhã Thuyên, Hàm Anh. Du Nguyên từ Nghệ An xuống thủ đô. Số còn lại sống rải đều khắp đất nước. Cực Nam Trung Bộ là Lê Hưng Tiến, cạnh đó đất Nha Trang có Lam Hạnh.

Họ không lập nhóm như trước đó mà hoạt động độc lập, rất ít quan hệ với nhau. Không tuyên ngôn, càng hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng để trả lời phỏng vấn hay gì gì khác đại loại. Từ đống hổ lốn do hậu hiện đại để lại, họ ngóc đầu dậy và làm thơ, loại thơ của mình.

3. Một tiếng thơ khác

Điểm dễ nhận ra hơn cả ở thế hệ thơ hậu hiện đại mới là tinh thần vô ngại với mọi đề tài. Nhà thơ có thể nói tất mà không vướng mắc bởi nỗi nào bất kì.

Không ám ảnh bởi sex hay nhấn vào sex như các nhà thơ nữ thế hệ trước với mục đích đánh phá vào thành lũy cố chấp hẹp hòi của cái nhìn cũ kĩ về thân phận người nữ trong xã hội và văn chương. Virginia Woolf: “Thật nguy hiểm cho nhà văn nào khi viết lại nghĩ về giới tính của mình”. Người nữ làm thơ thời kì này đã hoàn toàn giải-sex! Đây là điều lạ. Đoàn Minh Châu chuyên trị thơ tình, nhưng đó là một tình yêu vừa hướng nội vừa hướng ngoại đồng thời, qua đó thi sĩ suy nghiệm thân phận. Thế hệ thơ mới có phản kháng, phản biện xã hội - nhiều nữa là khác - nhưng đã thấy sự thay đổi cách nhìn, từ đó lối phản biện đi vào chất, nên ít lồ lộ hay gay gắt như ta vốn thấy ở các loại thơ phản kháng trước đó.

Thi sĩ nhạy cảm với cái mới, thức tỉnh và làm cho mọi người tỉnh thức về các tai họa. Phan Trung Thành đưa thơ chuyển dịch sang hướng khác. Khác về đề tài, từ đó - khác cả phong cách, giọng điệu. Con sông phố với bạt ngàn “cuộc vui thừa mứa những quầy bar vỏ chai nấm mồ” vẫn còn đó, nhưng anh đã bỏ lại sau lưng, để tìm đối mặt vấn đề thời sự của hôm nay. Gây đau lòng hơn, thách thức hơn. Với những con số biết nói, hàng vạn cô dâu Việt bị chà đạp nơi xứ người, với xứ sở rên xiết vì nghèo hèn, mấy bờ Thanh Đa sụt lở. Cùng muôn ngàn hệ lụy khác. “Thành phố đón bao điều nhạy cảm” như thế, đòi hỏi tiếng nói quyết liệt của văn nghệ sĩ. Nhưng các nhà văn, nhà thơ lâu nay được cho là đại biểu của lương tâm thời đại, đang ở đâu? Hay họ mãi lo làm thứ văn nghệ hám tiền, văn chương bám váy báo chí, mãi im lặng lếu láo, á khẩu trước nỗi bất hạnh của “bọn thấp cổ” bị “ông to, bà lớn” đè đầu khắp nơi. Và cả miền Trung của những ngày bão xa, bão gần nữa. Nó có mặt ở đâu trong trang thơ văn hôm nay?

Bao câu hỏi cấp tập đặt ra, buộc nhà thơ nhìn lại mình. Và nhập cuộc. Lê Vĩnh Tài liên tục đưa “thơ hỏi thơ”, mặt đối mặt với mọi điểm nóng thời sự:

Bài thơ nghe kể:

“người nông dân 1: cống hiến nhiều nhất
người nông dân 2: hy sinh lớn nhất
người nông dân 3: hưởng thụ ít nhất
người nông dân 4: được giúp đỡ ít nhất
người nông dân 5: đè nén thảm nhất
người nông dân 6: bị tước đoạt nặng nề nhất
người nông dân 7: cam chịu lâu nhất
người nông dân 8, (đến đây bài thơ mệt quá, xin thôi nghe nhưng không được): là người tha thứ cao cả nhất...”

nghe xong bài thơ càng stress thêm. Vì thế sau đó bài thơ cũng ít về làng chơi, mỗi lần muốn xả stress bài thơ đi mát xa đâu đó ở gần nhà, xong xoa tí dầu Con Ó xanh rồi về với vợ

            (Lê Vĩnh Tài, Thơ hỏi thơ, Nxb. Thanh Niên, 2008)

Dưới kia, nơi miền cực Nam Trung bộ, Jalau Anưk tự phản tỉnh để phê và tự phê:

Thuở ấy tôi đi
Với
hào quang trước mắt
ngỡ được tắm trong thế giới diệu kì
ngỡ hái trọn bao trái cây mơ ước.
Thuở ấy tôi đi…
mang nông nỗi thời trai trẻ
bơm háo thắng qua vụn vặt kiến thức
nuôi xảo quyệt cơm-áo-gạo-tiền phủ bẩn giấc mơ

            (Jalau Anưk, “Tạ lỗi”, Tagalau 4, 2005)

Đi vào tận cùng sự nhỏ lẻ của đời sống thường nhật, nhưng khác Khúc Duy, Bùi Chát của hậu hiện đại sơ kì nhấn vào bề tối của nó, Phan Thị Vàng Anh có lối khai phá mới, đưa thơ tiếp cận với đồ vật ngày thường. Đồ vật hết còn là vật cận tay để xài rồi bỏ, mà là sự thể gần gũi, thân mật.

Hai cây sau mới mọc
Một bức tranh thêu ba con voi
Ngà quá dài và chân quá mảnh

Một đèn chùm như những vỏ sò hồng
Treo trên trần
Đe dọa
Hai nhà tắm
Một đã không thể tắm
Một đèn bàn
Ba cái bình hoa
Bát Tràng
Nung ẩu…

            (Phan Thị Vàng Anh, “Danh sách chuyển nhà”, Gửi VB, Nxb. Hội Nhà văn, 2006)

Tiểu Anh qua kinh nghiệm bản thân và thế hệ, khám phá thế giới ảo hóa qua màn hình vi tính. Ngập chìm và cuộn xoáy trong thế giới ảo, con người cảm và nghĩ qua, với, cùng sự ảo; ảo từ ý tưởng, tuổi tên cho đến sự việc. Một chiếc máy vi tính trước mặt hay mỗi điện thoại di động, ta có thể “sống” với cả thế giới. Thế nhưng, chỉ cần tháo bỏ cái sim bé xíu thôi là tất cả danh tánh biến mất. Chỉ cần một “ngày virus” thôi, khi “chiếc computer ngắc ngứ” là cả thế giới lộn tùng phèo tức khắc. Không biết đâu là ảo đâu là thực nữa. Trí óc nhảy tán loạn, linh hồn tá hỏa tam tinh. Làm thế nào để người thơ tự thức về hiện thực ảo đó?

… Chiều tháng 7 tả tơi
em đưa lòng tay xuyên suốt
mưa và mưa
invisible
cảm xúc không hình dạng
vỡ, rơi

G-talk invisible
Skype invisible
Y!M invisible
thế giới xám xịt
chỉ e rằng một mai trời sáng
ai nhận gánh trách nhiệm ngày sau

            (Tiểu Anh, “Tháng Bảy ngủ quên”, Vanchuongviet, 2008)

“Mai trời sáng”. Rời bỏ màn hình vi tính cùng thế giới ảo, tuổi trẻ ra vỉa hè ngồi. Không đâu là nơi chốn lí tưởng để chạy trốn cô đơn hơn vỉa hè, lúc này. Không đâu cả. Vỉa vè gần như là thuộc tính của văn nghệ Sài Gòn. Thuộc tính, và đã trở thành truyền thống. Cả sau Bảy lăm, khi giới cầm bút luôn bám vào tòa soạn báo chí hay làm việc trong các cơ quan Nhà nước có dính dáng đến chữ nghĩa, truyền thống vỉa hè của Sài Gòn vẫn tồn tại. Truyền thống này càng phát triển mạnh mẽ sau mở cửa, khi dân viết lách các nơi đổ dồn vào thành phố.

Mà chất vỉa hè luôn gắn liền với cà phê - cà phê vỉa hè. Cùng quán cóc các loại. Các quán có khi cố định, nhưng thường thì chúng dịch chuyển sau thời gian chấp chứa dân vỉa hè. Khi cánh văn nghệ Sài Gòn chán (cái bản mặt ông chủ quạo quá mức). Khi có sự cố quán bị dẹp tiệm (qua chương trình làm sạch đẹp đường phố chẳng hạn). Khi quán lên đời (sang quá, chả đúng phong cách bụi của vỉa hè). Bởi vỉa hè cần “chiếc ghế dựa xanh nham nhở”, “cả vết nâu trầm loang trên mặt bàn”… mới ra chất vỉa hè.

Hoặc khi quán có nhiều tai mắt học đòi làm dân vỉa hè ghé giải khát. Vân vân chuyện. Nhưng rồi bao giờ vẫn có tụ điểm vỉa hè khác nổi lên, quy tụ dân vỉa hè và giới giang hồ [vặt và xịn]. Tùy tiện và tùy nghi, “không cần do dự”. Trước, sau và cả trong giờ hành chánh, anh em tranh thủ tạt qua gặp mặt tán gẫu. Có thi sĩ chẳng việc gì làm, đến ngồi lì cả buổi sáng, ngồi lấn cả buổi chiều. Nhà văn đi xe ngang, nổi hứng, ghé. Bâng quơ vô định, chỉ “để tạm chấm dứt một buổi sáng”. Vậy thôi, chẳng gì cụ thể cả. “Gọng kính oval cầm lên đặt xuống”.

Giết thời gian ư? - Không. Lấy tin cho bài báo sáng mai ư? - Chưa hẳn. Khỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn ư? - Có thể lắm.

Chúng ta
Đến và đi
Chặng đường không bao giờ kết thúc

            (Chiêu Anh Nguyễn, “Có những buổi sáng”, Vanchuongviet, 2009).

Có khi chỉ cần thấy mặt nhau, dù không để làm gì - cũng đủ. Một giải tỏa bức xúc, vài tâm tình lẻ, ít cãi cọ vụn, rỉ tai mấy tin sốt dẻo vừa lỏm được… mọi mọi thứ thứ chuyện đời và chuyện chữ xảy ra, ở đó. Nhưng dường tất cả đều gặp nhau ở tâm trạng chờ đợi. Chờ đợi một khuôn mặt văn nghệ lạ lẫm nào đó xuất hiện, một giọng thơ mới lạ từ góc khuất đời nào đó cất tiếng, một tập sách in photocopy bất chợt của ai đó ra mắt gây xôn xao. Chờ đợi một “nụ cười sẽ ẩn hiện đâu đó”, một sự kiện nào đó. Để “giải phóng cho câu chuyện dài bất tận” này.

Nhưng không. Nó sẽ không chấm dứt. Không bao giờ. Bởi - hiện thực cuộc đời chỉ là những “mảnh mảnh mảnh” không đâu vào đâu cả. Không có bắt đầu. Không có kết thúc. Ngày trước không ai nhận trách nhiệm. Và chẳng ai nhận gánh trách nhiệm ngày sau.

Vì một ngày mới đã đến mà ngày cũ chưa qua
Vì một chuỗi ngày trước đó vẫn còn sống từng mảnh từng mảnh
Tôi đã sống? Quả thật đã sống hàng chục năm?
Có hàng ngàn người đã gặp tôi, còn lưu lại những mảnh của tôi trong ký ức họ?
Thỉnh thoảng tôi gặp một trong số họ, những người lưu - mảnh - tôi
Tôi nhận ra họ cũng là những mảnh mảnh mảnh mà tôi thu lượm được.

… Tôi ngồi đây nghĩ những chữ viết ra hàng ngày như châu chấu như cào cào như chuồn chuồn bay lơ lửng
Những cơm ăn nước uống bụi hít những chuông rung email chat chit hẹn hò nhăn nhó phóng xe trên phố còi đâm phanh rít
Nhân vật của tôi chiếm chỗ não thùy sống cùng tôi mưu sinh toan tính kết bạn làm tình

Những màu sắc bóng hình âm thanh cuộc đời như installation, như video art

            (Lê Anh Hoài, Mảnh mảnh mảnh, Nxb. Văn học, 2012).

Tuổi trẻ băn khoăn, tuổi trẻ cô đơn, tuổi trẻ lạc lõng… thời nào cũng có. Nhưng ở thời sau-hậu hiện đại-Việt Nam, tuổi trẻ đã rất khác. Họ than khóc chăng? - Không, hoặc có, nhưng họ rời bỏ ngay. Để nhập cuộc chơi với nó. Tới bến!

Các khía cạnh đời sống tinh thần của con người được nhà thơ thế hệ mới khai vỡ. Chiến tranh nối tiếp chiến tranh, vấn đề đói khát và hận thù, thế kỉ qua, thơ Việt luôn bị tù túng trong chân trời của thế sự và thời sự. Khi tách rời khỏi đề tài thế sự xã hội, thơ sa lầy vào siêu thực bí bức hoặc tình dục vô độ. Thơ thuần tư tưởng hay thơ dấn vào thám hiểm cuộc chiến tâm linh con người hoàn toàn vắng bóng. Hiếm hoi hơn là thơ suy tư siêu hình, siêu hình như là siêu hình. Bởi Việt Nam khuyết truyền thống triết học, nên suy tư loại này được thể hiện qua thi ca thì càng hiếm hoi hơn nữa. Ngoài các sáng tác theo truyền thống Phật giáo: Thơ Thiền đời Lý hay phần nào thơ miền Nam trước 1975, còn thì cuộc đấu tranh sinh tồn, với thiên nhiên, với con người và nhất là với giặc ngoại xâm luôn chiếm thế áp đảo. Ở đó, thơ ca trở thành công cụ hữu hiệu cho rất nhiều thứ: Dạy đạo lí làm người, tuyên truyền cho chế độ hiện hữu, thơ nói chí, thơ giải tỏa tâm tình, thơ thưởng cảnh, vân vân… Thời sau hậu hiện đại, trường ca “Chín phần còn lại của thế giới” của Khánh Phương là một hiện tượng.

Sau hiện đại, gần như mọi thủ pháp kĩ thuật văn chương đã bị xài cạn. Xài cạn đến không còn ai đi sau họ còn cơ hội khám phá gì thêm. Các nhà thơ hậu hiện đại mới bế tắc ư? - Không! Sáu, bảy năm văn chương như thể cái nháy mắt của thời gian, các thủ pháp hậu hiện đại gần như đã “lỗi thời”, hiếm khi được dùng lại. Chúng chỉ có mặt ở vài bài thơ lẻ của vài tác giả. Các cây bút thế hệ mới đang tìm hướng thể nghiệm khác. Ngoài một Lê Hải vận dụng linh hoạt thủ pháp hậu hiện đại, nhưng không phải chú thích hay làm bài thơ khác dưới bài thơ chính như Bùi Chát hay Nguyễn Đăng Thường từng làm, mà “phụ lục” cho nguyên tập thơ, như cách thế gợi mở người đọc giải mã chính thi phẩm; cạnh đó là lối nói ngọng mới của Lê Hưng Tiến; ngoài ra người đọc chưa thấy cái gì khác lạ ở họ.

Riêng phong trào thơ tân hình thức Việt, Khế Iêm qua lập ngôn: “Thơ tự do, sau một thế kỷ đã cạn nguồn và cùng kiệt (…) Tân hình thức như một thời lãng mạn mới, một trật tự mới hay một nền ca dao mới trong một xã hội bình đẳng và dân chủ, lôi cuốn người đọc, làm phong phú đời sống và ngôn ngữ tự nhiên”. Tân hình thức “kết hợp với một số yếu tố và kỹ thuật của thơ tự do, phá vỡ những âm hưởng Tiền Chiến, chấm dứt nửa thế kỷ dậm chân tại chỗ của thơ Việt.”(4).

Lối lập ngôn này đã lôi cuốn gần nửa trăm tác giả thử nghiệm, đã tạo nên phong trào đáng kể. Phong trào thơ tân hình thức ở trong nước (chủ yếu tại Sài Gòn) sôi nổi ba năm đầu (2001 - 2004), sau đó không khí trầm lắng hẳn đi. Các nhà thơ đứng lấy hơi và nhìn lại mình. Sự nhìn lại mình này kéo dài hơi lâu. Phong trào này chết chăng? Không!

Đã có thế hệ mới, tác giả khác có mặt, tiếp lửa. Bướm sáu cánh, tập thơ của năm tác giả do nhà xuất bản Tân hình thức ấn hành năm 2008 làm cuộc trỗi dậy đó. Với những “L[nh]ảm” của mình, vẫn là chuyện vụn vặt ngày thường, nhưng Bỉm biết đưa ngôn ngữ thơ dấn vào tâm trạng bề sâu hơn, tứ thơ cư trú ở khoảng bấp bênh hơn dù ở đó không thiếu khuyết chất bỡn cợt.

“Cột điện” của Gyảng Anh Iên khiến ta nhớ đến sự kiện tác phẩm “Tôi là cột điện” của Lê Anh Hoài, nằm trong dự án nghệ thuật đường phố “Ra đường” của nghệ sĩ Ngô Lực ở Hà Nội tháng Sáu vừa qua. Nhưng chẳng phải bằng thái độ vô phân biệt giữa người và vật mà tại đây, thi sĩ nhận ra chức năng khác của cột điện - buồn cười. “Nói chung chẳng có gì để nói”: Lặp lại, lẩn quẩn, tù túng của một sinh thể người với bao tử đang “thoát dịch vị” trong thành phố tiền hiện đại. “Guitar đêm” như thể một lãng mạn mới. Cũng sương khuya, côn trùng, cũng tiếng mẹ hay giấc ngủ sâu, nhưng qua tân hình thức, chúng đã mang hơi thở khác. Nữa: “Thành & bại” không phải không “đầy tràn cảm xúc”.

Biển Bắc, Bỉm, Thiền Đăng, Nguyễn Tất Độ, Gyảng Anh Iên, ở nhiều góc độ khác nhau, họ khai thông dòng chảy mới cho tân hình thức Việt.

Vậy thôi, về kĩ thuật thơ, thơ Việt Nam của thế hệ hậu hiện đại mới chưa có gì nổi bật cả! Nhưng chính thái độ thơ của họ, nhất là tinh thần toát ra từ thơ họ nói lên tất cả. Đó là thứ tinh thần mở - trọn vẹn, toàn triệt, sự sự vô ngại trong và với thế giới hiện tại. Thơ họ là văn bản sống hiện hữu bừa bộn và trộn lẫn trong thế giới đa tạp, chúng đòi hỏi sự tương tác nhiều chiều. Và chỉ qua tương tác, chúng mới tồn tại đúng như chúng là. Chúng cần một lối tiếp nhận mới, một phê bình mới: Phê bình mở…

4. Từ Phê bình lập biên bản đến Phê bình mở

Thời đại toàn cầu hóa, nhưng văn học Việt Nam vẫn đóng, hoặc có mở nhưng chỉ he hé. Sáng tạo văn chương đã mở với trào lưu sáng tác hậu hiện đại, nhưng lối tiếp cận và lối đọc văn chương ta vẫn cứ đóng. Đóng, cả ở phía phê bình. Phê bình nhìn tác phẩm văn chương như là một sản phẩm chết đã đành, nó còn ý đồ loại bỏ thứ văn chương không hợp khẩu vị, khác với hệ mĩ học truyền thống, đi chệch khỏi quan điểm sáng tác của mình ra khỏi đời sống văn học. Hầu hết sáng tác hậu hiện đại Việt cùng với hàng trăm tác phẩm xuất bản không chính thống chưa được hân hạnh có mặt trong đời sống phê bình văn học thời gian qua, xuất phát từ tinh thần phân biệt đối xử hẹp hòi ấy. Phê bình lập biên bản có mặt để giải quyết vấn đề khúc mắc đó.

“Lập biên bản có nghĩa là chấp nhận mọi hiện tượng văn chương xảy ra trong thời đại ta đang sống. Bày nó ra như nó là thế, tìm hiểu triết lí trên đó thơ văn đó nảy sinh... Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ của tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như nó là thế”(5).

Phê bình lập biên bản hiện hữu dưới ba dạng: Biên bản Bàn tròn Văn chương, Biên bản lập chậm Phê bình [như là] lập biên bản(6). Thế nhưng, dù đã nỗ lực mở ra các dạng thức “lập biên bản” khác nhau trong tinh thần dân chủ mới, vẫn còn là chưa đủ, với thế hệ thơ sau hậu hiện đại Việt Nam. Các sáng tác đó cần đến một thái độ và phương thức phê bình khác, thích đáng hơn. Đó là Phê bình mở.

Một tác giả, một tác phẩm xuất hiện, vấn đề văn học đang nóng... nhận được ý kiến khen chê hay bị bỏ quên ngay khi vừa ra đời. Trên mạng internet! Kịp thời và nhanh nhạy là điều dễ thấy nhất của phê bình ở thời đại vi tính. Nó mang ở tự thân đặc tính của báo chí. Còn hơn cả báo chí. Bởi điều mà báo giấy không kham nổi thì báo mạng, website, blog, facebook đảm đương mà không hề hấn gì. Có cả không gian mênh mông cho người quan tâm vào cuộc. Một bài thơ mới lạ kêu đòi nhiều diễn giải khác nhau. Ở Bàn tròn Văn chương, nó chỉ dừng lại trong không gian hạn định đó, không thể làm gì hơn. Nhưng nếu bài thơ kia xuất hiện trên website hay blog, sự diễn dịch và tương tác sẽ được mở, rộng và xa hơn rất nhiều. Chẳng những không giới hạn về không gian, phê bình mở không giới hạn về thời gian.

Tác phẩm văn chương như một thế giới mở tồn tại vô vàn khoảng trống và những điểm trơn trợt bất định, mời gọi sự chấp nối cùng các diễn ngôn khác nhau. Mạng internet dung chứa tất cả. Sự chấp nối và các điểm nhìn này được phát ra từ những kinh nghiệm, cảm xúc, tri thức rất khác nhau của nhiều thành phần độc giả khác nhau qua các lần đọc khác nhau. Của kẻ vô danh hay người nổi tiếng, dân nghiệp dư hay chuyện gia hàng đầu.

Độc giả hôm nay mà trình độ thẩm định văn chương đã được nâng cao đáng kể, hết còn thưởng thức tác phẩm thụ động. Trên diễn đàn internet, không ai cầm cây gậy khuơ khoắng chỉ bảo, đe nạt; tất cả đều bình đẳng trong một không gian mở. Dân chủ và vô phân biệt. Ý kiến nào gởi trước thì được đăng trước, xóa nhòa lằn ranh đại chúng với đặc tuyển, chuyên hay không chuyên. Đại bộ phận các nhận định không bị biên tập hay sửa chữa.

Phê bình mở vừa tương tác với tác giả, với tác phẩm đồng thời tương tác với các tương tác khác. Phê bình mở không sợ sai. Sai thì sửa sai. Không có gì nghiêm trọng cả. Do đó, nó không cần độ lùi để ngoảnh nhìn lại cho chắc ăn. Nó nhanh nhạy đuổi bắt, song hành và có khi đi trước sáng tác.

*

Từ năm 2006, thơ Việt Nam đang đi, về hướng chuyển động, mở. Các khuôn mặt thơ hậu hiện đại mới hôm nay mới đi vài bước đầu tiên trên con đường thơ ca dài dặc. Nửa đường sẽ có kẻ dừng lại hay ‘bỏ cuộc chơi’, dĩ nhiên. Có kẻ muốn đi tiếp, nhưng lực bất tòng tâm. Chắc chắn không ít kẻ quẹo sang lối khác. Càng chắc chắn không kém là có người sẽ quyết đi hết cuộc hành trình mù mờ của cõi sáng tạo. Rồi sẽ có nhiều cây bút mới xuất hiện, họ lại làm cuộc hành trình khác. Và đòi hỏi sự tương tác khác, một lối phê bình hoàn toàn khác.

I.R.S.R  
(TCSH330/08-2016)

-------------------
(1) Cần phân biệt hai hạn từ “thơ Việt” và “thơ Việt Nam” được dùng trong tiểu luận này. Thơ  [tiếng] Việt bao gồm cả thơ trong nước lẫn hải ngoại, riêng khi nói thơ Việt Nam, chúng tôi chỉ hạn  định phạm vi thơ tiếng Việt ở trong nước.
(2) Xem Inrasara, “Đặt nền tảng cho phê bình thơ Việt đương đại”, tạp chíHợp Lưu, số 110,  6&7-2010.
(3) Inrasara, “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, Tienve.org, 18-2-2009.  
(4) Tạp chí Thơsố 20, tr. 70, và Khế Iêm, tạp chí Thơsố 18, tr. 94.  
(5) “Inrasara: Cần phải gọi tên đúng sự thể”, Phong Điệp trò chuyện với nhà thơ Inrasara, báo  Văn nghệ, 24-5-2008.  
(6) Về ba hình thức Phê bình lập biên bản, xin xem: “Khởi động một chiều hướng mới cho phê  bình văn học”, tạp chíSông Hương, số 1, 1-2011.






 

Các bài mới
Huế trong tôi (30/08/2016)
Các bài đã đăng