Tạp chí Sông Hương - Số 330 (T.08-16)
Soi kẻ tha hương
09:13 | 26/08/2016

PHẠM THỊ THÚY QUỲNH

Bệnh viện tựa chú voi trắng rầu rĩ, rệu rã vì tật bệnh và mùi thuốc bứ đặc. Ngoài nhà chờ, la liệt người nằm trên những chiếc ghế gỗ dài đã mục ruỗng, vài người nhà bệnh nhân ủ rũ tựa vào thành ghế chờ đợi tới lượt làm các xét nghiệm cần thiết để thân nhân kịp tiến hành thủ thuật hòng duy trì mạng sống.

Soi kẻ tha hương
Minh họa: Nhím

Bạn nằm trên giường bệnh, tóc bạc phơ, túi rỗng không, con cháu đã về hết. Những bệnh nhân còn lại đã say giấc. Bạn uống xong một viên thuốc an thần do vị bác sĩ tận tình đến trao tay, dần đi vào cơn nồng.

Bạn sinh ra ở Thái Bình, sinh ra sau nạn đói, ngay cạnh sông Trà Lý theo đúng nghĩa đen. Năm lên mười tuổi, thày đẻ gửi bạn tới Kẻ Chợ làm con nuôi của cặp vợ chồng già nắm trong tay một nhà máy in. Năm mười hai tuổi, cải tạo công thương, bạn lại trở về quê… Bạn không nhớ rõ, có thể là mang máng như thế, hoặc có thể bạn nhớ nhầm. Nhưng thôi, có hề chi khi cả cuộc đời bạn đã không thôi nhầm lẫn.

Tháng tư, bạn ngồi trên bờ sông, trông sang cây gạo đang nở hoa đỏ rực bên kia, ngay sát đường lớn, ngay sát nghĩa địa. Gió hiu hiu thổi lướt qua mặt Trà Lý, nước liếm vào bờ, kéo bớt lũ cát đang cứng đầu đeo bám mấy mũi đất trồi ra.

Từ ngày từ biệt cha mẹ nuôi, nhẩm tính đến nay cũng đã được hai tháng. Cái miệng vốn đã quen với những lục tào xá, phở bò, bánh đậu xanh nơi Cửa Nam nay phải dằn xuống để nuốt vội bát cơm trắng gạo khô với muối ớt. Người bạn cứ xanh rớt như tàu lá chuối, thậm, bạn tưởng còn xanh hơn! Tại Cửa Nam, bây giờ nhà in Việt Cường đã nhượng lại cho nhà nước, kết thúc chuỗi năm tháng làm cậu chủ ăn trắng mặc trơn, lĩnh nhận cái nhiệm vụ hết sức quan trọng ấy là nắm giữ chìa khóa két và đọc báo cho công nhân nghe hằng ngày của bạn.

Bạn bần thần, nhớ tới cái bóng còm cõi của cha nuôi trước đêm phát tiền thưởng nhằm cho mọi người về nghỉ. Bạn bỗng thèm món chè kho khôn tả - thức quà mà mẹ nuôi luôn làm với cách thức cầu kỳ nhất từ khâu đồ đỗ xanh tới khâu mài mật mía, chứ không nấu rối nháo nhào cho xong như ở quê.

“Ô hay! Đã nhắc mình rằng không được nhớ nữa cơ mà!” - Bạn lắc lắc đầu, nhón tay lấy một hòn đá, trên đó xù xì có lấm tấm mấy mẩu thạch anh vuông lấp lánh, vung tay liệng mạnh.

Bạn chờ đợi nhưng không có tiếng động nào vang lên cả. Sông thì rộng trải, một hòn sỏi nhỏ đâu đủ tâm lực để khuếch đại âm tần. Bạn chán nản, bốc cả nắm sỏi ném xuống sông. Những vệt nước tản mát bắn tung tóe, hiềm âm thanh lại chỉ nhỏ đàn muỗi kéo chỉ.

Hốt nhiên có tiếng kêu la oai oái, một cái đầu nhấp nhô trong nước rồi trồi lên, miệng chửi:

- Tiên sư thằng nào ném bố!

Hóa ra có thằng trẻ con trong làng đang bơi qua sông, rủi dính phải nắm “đạn” sỏi. Bạn ú ớ, không nói được gì, cứ thế nhìn thằng nhóc kia mò dần về phía mình. Đứa ấy đen trùi trũi, nom tầm tuổi nó, hóa ra là thằng Thắng chuyên đi ăn cắp vặt ở bên Tiền Hải. Không rõ lấy sức mạnh từ đâu, bạn cũng gân cổ lên:

- Ông mày cứ ném đấy, xem mày làm gì?

- Thằng này láo! - Thắng đã trèo lên bờ, người ướt lướt thướt, nó cay cú thụi vào bụng bạn một đấm.

Bạn đau gập người, rồi cứ thế sấp mặt xuống đất, người lấm lem đầy cát. Thắng thấy người kia nằm im không nhúc nhích, hoảng quá vội vàng khom mình cúi đầu lật bạn lên. Bạn chỉ chờ có thế, tay nắm một nắm cát ném thẳng vào mặt địch rồi cong người, vắt chân vật ngửa Thắng ra vệ sông. Hai đứa kìm nhau, thở hồng hộc, một lúc lâu lại phá lên cười khì khì. Cái sự tao ngộ của bạn hóa ra cũng chỉ đơn giản như vậy thôi.

- Ê, mày đói không? - Thắng huých tay bạn.

Bạn xoa xoa cái bụng của mình, ăn dài muối trắng sao chẳng xót ruột, gật đầu. Thắng nhăn cái mũi có một nốt sẹo rỗ do bệnh thủy đậu để lại, bảo:

- Tao biết chỗ này hay lắm, vừa ăn ngon, vừa không mất tiền. Mày đi không?

- Đi thì đi. - Bạn ưỡn ngực, song lại dịu giọng. - Mà chỗ nào?

Bấy giờ bạn đã lờ mờ hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền, trên đời làm gì có bữa tiệc nào là miễn phí. Tất thảy đều phải có thỏa thuận tiên quyết để đánh đổi, vật chất hoặc tinh thần. Nhiều năm sau, khi đã trở thành một kẻ tội đồ của giấy bút, bạn càng thấu rõ ý nghĩ hiện thời.

Thắng toét miệng cười, để lộ hai cái răng mẻ:

- Cơ mà mày phải biết bơi đã. Qua bên kia sông thôi.

- Thôi, kinh lắm. - Bạn lắc đầu nguầy nguậy. - Để tao bảo sông có thuồng luồng, có ma nước nữa.

- Thuồng luồng mẹ gì! Mày nhát thì có. - Thắng lại nhăn nhăn mũi. - Mày giống đám con gái trong làng, văng tục không dám, ăn to nói lớn không dám, ngay cả sang sông cũng không dám. Sau này mày cũng quanh quẩn ở nhà.

- Có chứ. Tao đã sang sông rồi. - Bạn ức phát khóc, định nói song lại thôi.

Thắng cười khì nhảy ùm xuống dòng Trà Lý, lặn một hơi thật sâu rồi chồm lên hỏi:

- Thế nào, thằng thỏ đế, mày có dám đi không?

Bạn tức mình, máu sôi lên. Nhưng nước thì sâu mà ẩn chứa nhiều nguy biến. Chẳng phải đẻ bạn thường hát, rằng: “Con ơi, chớ bơi qua sông. Kẻo thuồng luồng kéo chân” ấy sao? Có dám đi không? Có dám bơi không? Có dám đối mặt với sóng gió không? Bạn lại nhìn gốc gạo, cái hoa đỏ rụng kín phủ bờ, sắc trên cành cũng dần đằm thắm lạ. Mùi nước tanh quẩn lên, năm nào cũng có xác người chết trôi về…

Bạn rón rén thò chân - nước lạnh tanh, hơi giá chạy dọc theo xương sống khiến bạn rùng mình. Hết bàn chân rồi tới bọng chân. Thắng đã mon men dần, đột nhiên nó tóm lấy chân bạn và kéo tuột xuống khiến cho bạn hoảng hốt không thôi, trái tim nơi lồng ngực hẫng một cái, tương tự những cơn ác mộng chưa thể vãn hồi mỗi canh trường. Nước dào vào mũi miệng làm bạn gần như chết sặc, bạn nhào đầu lên để hớp không khí. Thắng chọc:

- Dòm mày như con cá chép ấy!

Bạn gườm gườm nhìn Thắng, định bụng thụi cho cậu chàng một trận. Hình như đối phương biết được, nhưng cũng chẳng hề sợ sệt, cười phá lên rồi khỏa nước bơi dần sang bên kia bờ.

Đã rơi xuống sông rồi thì buộc phải bơi thôi. Bạn vừa ruổi vừa réo:

- Thằng kia, mày đứng lại cho bố!

- Đồ ngu như chó! Giữa dòng đứng kiểu gì. Vớ vẩn. Mà bố có đang trên bờ thật thì cũng chẳng dại để mày bắt nhá!

Nói rồi, nó lại cười phá lên và hít một hơi thật sâu, ngụp xuống. Hai đứa bơi một hồi mới tới được bờ, cùng nhau nằm vật ra bãi. Bạn mệt bã người, nghĩ lại mấy lần suýt bị chuột rút mà đâm hoảng, nếu có thế thật thì khéo giờ này đã thành ma nước. Thắng vỗ vỗ vai bạn:

- Đi!

- Hở? - Bạn ngạc nhiên. - Đi là đi đâu?

- Ăn thịt gà. - Thắng vẫn nhe răng cười.

Ấy là một cử chỉ thân tình, luôn là như vậy. Bạn đứng dậy, tay đầy cát thạch anh, lúc phủi cọ vào nhau nghe xào xạo gai mình. Thắng đã bước tới chỗ đốm lửa gạo đỏ rừng rực một khoảng.

Cây bị sét đánh năm ngoái… thế mà không chết, thế mà vẫn đâm chồi, thế mà vẫn ra hoa. Cái hốc tồn tích từ vụ tai nạn ấy ăn vào Gạo như vết ung nhọt không được chữa trị, lâu ngày bị ruỗng loang lổ dần rồi trở thành bàn thờ của đám đàn bà sống ven sông. Hương mới thắp, còn ngát. Thắng thọc tay vào trong hốc, lôi con gà mới luộc còn nghi ngút khói ra, hai mắt nó sáng lên. Bạn giật bắn người, còn chưa kịp mở miệng thì thằng bạn đã nhanh chóng kéo nó nấp vào trong bụi.

Xa xa, có tiếng chân người bước đến, kèm theo là giọng của đám đàn bà nghe the thé nói về chuyện nhà chuyện cửa, cơm nước, chồng con. Một mụ ngó nghiêng, thấy xung quanh chỉ có đám mình, ngồi xổm xuống, vạch váy đái ngay ở vệ sông. Chợt từ đâu, lù lù hiện bóng vị sư nách cắp cái túi nâu, đầu đội nón rách. Mấy mụ nhìn sư, đều cười mà chào thật to:

- Bạch cụ ạ!

Nhà sư không nhìn đến, chỉ khẽ gật đầu rồi lại lững thững đi. Còn qua một bến đò nữa là sang được chùa.

Mấy mụ bắt đầu tìm đến gốc gạo, hoa rơi rụng đầy gốc, có cánh dập nát nẫu hết cả. Thế nhưng chân hương còn đó mà lễ thì biến đi đâu mất. Hay là có quỷ? Hay là có thần? Mấy mụ quỳ xuống xì xụp vái lấy vái để, hai lòng bàn tay xoa vào nhau tới đỏ ửng cả lên.

- Ôi, lạy thánh, thánh thụ lộc mong phù hộ cho chúng con. Lạy thánh!

Bạn bụm miệng, cố nhịn cười, nước mắt cứ chảy ra từ hai hốc mắt, mặt đỏ gay. Thắng sợ lộ bèn vặt một cái cánh gà tống vào miệng bạn. Miếng thịt thôi thúc bạn nhai rau ráu, đôi bên lại nhìn nhau, cười khì. Còn nhỏ, bạn chưa biết rằng không nên đùa với quỷ ma. Bạn cũng không biết rằng đó là ngày đầu tiên gặp Thắng, và cũng là lần cuối cùng gặp Thắng.

*

Canh tư, trời đất nhờ nhờ, như thường lệ, tầm giờ này cụ Tú đã tỉnh dậy. Một cách sẽ sàng như sợ đánh động không khí linh thiêng của buổi giao hòa âm dương, cụ xuống khỏi giường và ôm cái bình gốm men nâu ra ngoài cửa, múc đầy vào đó thứ nước mà bạn lấy từ chùa Quỳnh Lâm, đáy ang còn vương ít cặn cát sông Trà Lý. Có cặn cát, nước trà để lâu dễ hẩm. Nên hôm qua, sau khi từ biệt Thắng trở về, bạn đã bị ông cụ cho ăn một trận đòn phất trần đau nhừ. Vừa quạt lò, đun nước, vò lá, hãm nước chè tươi, thày bạn vừa ngâm nga:

“Dù mày đánh bắc dẹp đông,
Mười hai phủ huyện của ông thì chừa.”


Thày bạn cười cười khi nghe thấy tiếng guốc gỗ lách cách tiến dần vào trong sân. Ấy là cậu Hiển, người vẫn thường tới lui nhà bạn mỗi sáng luôn. Thân hình cao gầy của cậu bị bộ áo đen rộng nuốt trọn, hai má hóp lại càng để lộ đôi mắt to sáng rực và ba chữ “thiên tử quân” trên trán mà nghe đâu đã có từ lúc sinh. Bạn khoanh tay chào:

- Lạy cậu, cậu tới chơi.

- Ờ, Việt hả? Đợt này mày lớn hơn hẳn đấy nhỉ! - Cậu Hiển nhướng mắt, nói mà miệng không hề mấp máy khiến bạn rùng mình chỉ khẽ dám “Vâng” một tiếng.

- Chè mới, nước sánh lắm! - Thày bạn nói.

Cậu Hiển chỉ cười, không nói gì, lặng lẽ ngồi xuống phía đối diện và vỗ vỗ nền gạch, bạn biết điều ngồi xuống manh chiếu - nơi góc trái - Hiềm trước tiên, phải đan tay vào nhau, xin tạ tựa như được nhà vua ban cho ân huệ nào đó.

Cậu Hiển là con trai duy nhất của ông Lã - người chuyên làm thuật phù thủy trong làng cách đây gần bốn mươi năm, rất thiện chiêm bốc, đoán điềm không ai hơn được. Nghe đồn ông Lã có nuôi một đội âm binh, mỗi ngày đều phải nấu một nồi cơm thật to, để ra giữa sân mời họ xơi, và, mỗi khi muốn nhờ các ngài giúp cho thì cũng phải nấu một nồi to gấp đôi ngần ấy rồi đánh cái khánh đá treo bên cột nhà. Lại có chuyện nhét một hòn son vào miệng đứa trẻ con mới chết, chờ bảy bảy bốn chín ngày thì ông đào mộ, cạy lấy ra. Hễ mà muốn kiếm tiền ở nhà nào thì vạch hòn son này lên cột của nhà nấy, vậy là cứ đến đêm khuya, gia chủ lại nghe tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt rồi thấy đứa trẻ tụt lên tụt xuống chỗ cây cột. Phải mời ông tới mới “hóa” nổi. Nhưng thói đời biết thiên cơ thường đoản hậu, ông Lã có cả thảy bảy người con, bốn trai ba gái, vậy mà sáu người đều yểu mệnh phụ công sinh thành khi chưa tròn đôi mươi, duy có cậu Hiển số cao là còn lo được hương hỏa.

Vì có tiếng động lạ, đẻ bạn tỉnh giấc, quần áo xộc xệch, đầu tóc rối bù, bà lao từ trong nhà trong ra với tiếng kêu tắc nghẹn trong cổ. Thấy cậu Hiển, bà chợt lùi lại, đôi mắt thất thần, quỳ mọp xuống rồi bỗng cười phá lên như bị cù. Thày bạn cả sợ chạy ra đỡ, miệng nói:

- Việt, mày đưa đẻ mày vào trong nhà, nhớ khóa cửa lại cho kỹ!

Bạn vâng lời, dợm đứng dậy, nhưng không rõ lấy sức mạnh từ đâu, đẻ bạn rảy cụ Tú ngã chổng kềnh ra đất, lê gối tới sát chân cậu Hiển, cười khanh khách:

- Lạy quan, lạy quan, quan lại nhà, chắc nhà con đã đỗ…

Tiếng bà lại tắc nghẹn, cụ Tú thở dài, bất giác nhớ lại kỳ thi hỏng của mình. Cậu Hiển ra hiệu cho bạn lùi xuống, cúi mình đỡ bà dậy, từ tốn nói:

- Vâng, nhà chị năm nay đỗ, đỗ thủ khoa, em tới đây báo tin. Giờ võng lọng đã được chuẩn bị xong, lý trưởng, phó lý, trương tuần và các chạ chuẩn bị tới rước quan tân khoa đấy.

Nụ cười trên môi đẻ bạn méo xệch quái dị, cơn xúc động cứ dâng trào mãi lên, bà chỉ bật ra được hai tiếng: “À… à…”.

- Chị mau mau đi chuẩn bị... - Cậu Hiển cười, rồi bỗng nghiêm mặt - Việt, đưa đẻ vào trong nhà thay quần áo để cùng quan tân khoa đi lĩnh mệnh vua!

Thực ra câu này là thừa, bởi có đời nào quan tân khoa lại phải đi từ làng nhà ra tỉnh để tiếp mệnh? Trời dễ ban đặc ân cho kẻ điên loạn. Đẻ bạn thoáng chốc đã nghe lời, ngoan ngoãn đi theo con trai.

Bạn đưa đẻ vào buồng, để bà ngồi chải chuốt trước gương và ướm mình vào mấy tấm áo nâu vá chằng vá đụp. Bạn nhẹ nhàng rời đi, không quên khóa chặt cửa. Nhiều năm sau, bạn kể lại câu chuyện này cho con cháu, bạn nói mình chán nản và bỏ đi tha hương chỉ bởi vì không khí tiền triều vẫn đè nặng trong gia đình, dù cho chế độ quân chủ đã sụp đổ.

Cụ Tú - bấy giờ đã ổn định lại tinh thần - nói:

- Thực xin lỗi chú.

Cậu Hiển lắc đầu, chiêu ngụm nước, hỏi:

- Chị ấy vẫn không đỡ được chút nào hả anh?

- Lâu nay chú không sang nên không biết… Độ tháng trước đã đỡ hơn đôi chút, bà ấy cũng đi cấy được với mấy đứa nhỏ rồi, nhưng không hiểu sao dạo này bệnh tự nhiên phát nặng, cứ tưởng có voi đến tận cổng rước mình lên kinh. - Cụ Tú lại thở dài. - Tôi làm thuốc mà không cứu được vợ. Giờ nhớ lại, nếu hồi ấy tôi không giở thói ngông nghênh, cố cho bà ấy cái danh cô Cử thì có phải tốt không.

- Anh đừng tự trách. Bệnh từ tâm ra không dễ trị. Vả lại theo em, dường như chị ấy cũng không muốn tỉnh lại.

- Bao nhiêu năm rồi nhỉ? - Cụ Tú bần thần.

Cậu Hiển bấm đốt ngón tay tính toán:

- Mười ba năm rồi.

Cụ Tú ra hiệu cho bạn rót thêm nước, bảo:

- Ừ thôi, ta bỏ qua chuyện đó. Sao dạo này tôi không thấy chú sang.

- Em đang bận nghiên cứu cái đồng hồ rơm từ thời ông già em để lại. - Cậu Hiển cười cười, bảo.

Cụ Tú nheo mắt, nhấc chén nước lên, lại đặt xuống, nói:

- Tôi thấy chú nên bỏ cái ý ấy đi. Nhớ hồi thày cậu lắp được nó lên cột cờ rồi bị bọn Pháp nó đuổi, tôi thấy cực quá. Mà giờ cũng không biết ông ấy đã lưu lạc phương nào rồi.

Cậu Hiển thở dài, hơi cụp mắt xuống, bảo:

- Bây giờ có muốn tìm lại cũng khó. Đêm qua em nằm mơ, mơ thấy thày lang thang trên đường Sài Gòn, hễ gặp ai cũng kéo lại xin được về quê. Em e là có điềm chẳng lành.

- Ừ… - Thày bạn sẽ gật đầu - Con người ta khi sắp vắng thường muốn về nhà.

Bạn không hiểu cụ Tú nói gì, “Vắng” là thế nào? Bạn thấy buồn ngủ, mấy lần suýt chúi đầu vào bát nước chè xanh… Bạn không uống được chè Tàu, vả chăng dạo này nhà đang túng thiếu, ngay cụ Tú cũng đang vét cả trà vụn, dù bạn có muốn uống thì cũng không được.

Phải, gia cảnh dạo này đã kém lắm, mùa vụ thất bát, gieo xuống cả quê bạn một màu u ám. Việc trong gia đình chỉ thày và hai chị lo liệu. Hai chị bạn quá lứa lỡ thì, không dám đi lấy chồng. Vì theo chồng thì ai sẽ chăm sóc cho thày, cho đẻ, cho em? Vả chăng số mệnh ông trời đã bắt hai nàng phải xấu, dù có thùy mị nết na thì với phong vận hiện thời, cái xấu cũng là cái tội. Thêm nỗi tiếng xấu “nhà có người mẹ điên” thì có lẽ đành gánh chữ bất hiếu mà ở với thày đẻ tới khi rốt đời.

Mặt trời dần lên cao, con mèo trắng tha về một nồi cá kho còn ấm. Cậu Hiển tóm gáy nó, nhấc bổng lên, vẫn với kiểu nói mà miệng không hề động đậy khiến giọng nói bứ lại như tới từ thế giới khác:

- Con này khá, kiếp sau độ cho mày làm người.

*

Nửa đêm hôm ấy, có người mang võng tới tận cửa nhà bạn mời cụ Tú sang làng bên chữa bệnh. Con bệnh là một người đàn bà mới sinh con cách đây hai hôm, song thân thể cứ suy nhược đi, dù chạy chữa khắp nơi mà không khỏi. Bạn đang chìm trong giấc ngủ cũng vội tỉnh dậy, chạy lên từ nhà dưới đã thấy cụ Tú vận một bộ áo the đen, bước lên võng với vẻ trịnh trọng. Bạn cắp hòm thuốc, đóng vai trò của một thư đồng theo hầu, tất tả chạy theo.

Võng xóc lên xóc xuống, lúc nghiêng, lúc chúi. Bạn thấy quái lạ vì bước chân của những anh phu sao mà nhanh đến thế, thày bạn cũng không mở nhời nói tiếng nào... Nước Trà Lý đánh vào mạn sông ì oạp. Đường đêm khuất nẻo, trăng khuyết thở than vỡ vụn. Bạn sững người khi nom thấy mờ mờ nơi xa, bóng ai cao lênh khênh cứ thế lội từng bước qua sông. Trên võng, thày bạn đã thiêm thiếp say ngủ.

Bãi lau vi vút, đèn đóm lập lòe. Một lúc lâu sau, phu võng dừng lại trước căn nhà đất. Thày và bạn tiến vào, gia chủ lập tức chạy ra chào hỏi rối rít. Người chồng bấu vào vai bạn, bạn rợn người vì từ lòng bàn tay của gã tỏa ra hơi lạnh buốt.

Phía sau tấm rèm đã được người chồng vén lên với nét mặt lo lắng, mùi máu tanh trộn lẫn với mùi hôi nồng nặc xộc ra khiến bạn choáng váng. Căn phòng tối tăm không leo lét lấy một ánh sáng, sản phụ chìm trong cơn đau và sự tuyệt vọng cùng cực. Nàng thấy bóng đêm đã phủ lên đôi mắt, ăn ruỗng dần cơ thể của mình. Nơi ngập ngụa mùi lửa than đã choán hết luồng không khí thiên nhiên.

Thày bạn không lên tiếng, bạn biết ý mở hòm thuốc ra.

Sau khi chẩn mạch, kê đơn sắc thuốc và làm dịu cơn đau của người đàn bà đã vương mang thiên chức người mẹ, cụ Tú và bạn được mời một bữa cơm thịnh soạn. Bữa cơm có gà luộc, có xôi nếp, có muối trắng. Bạn sung sướng vì đã lâu không được ăn ngon, xông vào ngấu nghiến. Nhưng bạn cứ lịm dần, lịm dần đi.

Sáng tỉnh dậy, người bạn đau như bị đánh một trận nhừ tử, bông gạo đỏ nào đậu ngay trên ngực, bạn mở mắt, phát hiện mình đang nằm cạnh gốc gạo, ngay bờ sông Trà Lý.

Bạn vịn mặt đất, tóm chặt lấy những hạt cát vào lòng bàn tay mình và loạng choạng đứng lên. Nước sông ngậm ánh nắng quang tỏa lấp lánh như ẩn chứa một kho báu lớn, nhưng ấy chỉ là lời nói dối, một lời nói dối đẹp đẽ vô ngần. Bạn thấy đầu óc mơ hồ, thày bạn đang ở đâu? Chuyện đêm qua có thực hay không? Bạn không hay biết, vốc một vốc nước trong lòng bàn tay và táp lên mặt. Sự mát lạnh ấy khiến bạn dần tỉnh táo trở lại… Bạn cả kinh nhìn gốc gạo cô độc trên đầu mình.

Hốt nhiên có tiếng khóc, tiếng gào thét kinh hoàng.

- Con ơi! - Giọng người đàn bà thảm thiết rít loang.

Bạn ngạc nhiên nhìn ra, chỉ thấy gương mặt bết nước trắng bệch của Thắng đang nằm gọn trong lòng mẹ. Nó thôi không cười, thôi tinh nghịch, và mãi mãi về sau, không còn đối diện được với sóng nước nữa. Bạn lặng người. Bạn chết sững, hai tay bụm miệng để tiếng kêu không thoát ra. Chợt, gương mặt ấy dường tiến sát lại phía bạn hơn, lớn dần, lớn dần… Bạn không còn nhớ những gì xảy ra sau đó. Bạn biết rằng chớ nên đùa giỡn với thánh thần.

*

Bạn giật mình, các khớp xương đau nhức, tỉnh dậy từ cơn ác mộng lặp đi lặp lại về tuổi thơ.

Trời đã về đêm, cả thành phố dường như ả thiếu phụ nay đã trút hết lớp phấn son hoa lệ ban ngày, giờ ngả lưng thiêm thiếp đi và thi thoảng vẫn thảng thốt vì một tiếng nhạc réo rắt hay âm thanh xé gió của chiếc xe thuộc về tay lãng tử nào đó. Có tiếng cò cử của một người phụ nữ mang bệnh hen suyễn nằm cạnh giường bạn, giờ bà ta phải ngồi hẳn dậy, cúi mình về phía trước, trong khi tay đã nhét một viên thuốc vào trong miệng.

Bạn thở dài, chợt muốn về quê. Bạn bấm đốt ngón tay, se sẽ gật đầu:

- Sáu mươi năm…

Quê bạn ở Thái Bình, bạn sinh ra ngay cạnh sông Trà Lý.

Ngoài kia, trời đang mưa, mưa cười gằn trên mái tôn. Bạn thẫn thờ nhìn qua song cửa sổ, hơi thở nghẹn lại. Mười bảy tuổi nhập ngũ, rời khỏi cố hương. Ra Bắc vào Nam đến tàn tạ thân xác. Giờ muốn về cũng còn có ai? Bạn lại thở dài, với lấy cuốn sách để trên đầu giường, sách của một nhà văn Pháp, trong đó có một câu mà bạn đã gạch chân và thuộc nằm lòng: “Chiến tranh là một nồi canh thập cẩm, hàng trăm nghìn người đã bị nhào trộn trong đó.”(1)

Bạn ngó nghiêng tìm đôi dép nhựa, xuống khỏi giường, bước ra hành lang. Lòng bỗng dấy nỗi nhớ tiếc không khí nơi nếp nhà mà mình từng chán ngán, bạn chầm chậm lê gót, không rõ nước mắt ở đâu cứ rỉ ra chảy vào khóe miệng. Mưa tạt qua cặp kính lão, làm nhòe cả ánh đèn. Bạn nhớ mình sinh ra ở Thái Bình, ngay bờ sông Trà Lý, nơi ấy năm nào cũng có xác chết trôi về. Bạn đi mãi vào trong mưa…

Đột ngột, vẳng trong không gian là tiếng cụ Tú, đẩy hiện tại về thời điểm bạn mới mười hai tuổi: “Con người ta khi sắp vắng thường muốn về quê”. Bạn bật cười cay đắng.

Đang đi, bạn bỗng va phải một người, cú huých ấy làm bạn ngã xuống đất. Ngẩng đầu lên, đập vào mắt bạn là hình ảnh một ông già lưng còng, da mặt rúm ró, vừa lom khom bước vừa run giọng van lơn:

- Quê tôi ở Thái Bình, làm ơn cho tôi về Thái Bình.

Bạn nhìn theo bóng lưng ông cụ, ông cụ cũng như bạn, lại đi mất hút vào màn mưa…

P.T.T.Q  
(TCSH330/08-2016)

...........................................  
(1) Trong cuốn Những linh hồn xám của Philippe  Claudel.  






 

Các bài mới
Huế trong tôi (30/08/2016)
Các bài đã đăng
Cột đá thiêng (22/08/2016)
Phố hoang liêu (19/08/2016)