Tạp chí Sông Hương - Số 331 (T.09-16)
Quận vương Vĩnh Tường: Vị hoàng tử hay thơ qua bài tựa của Quảng Khê Trương Đăng Quế
15:57 | 19/09/2016

HOÀNG NGỌC CƯƠNG

LGT: Trong quá trình tìm hiểu về sự nghiệp trước tác của Thái sư - Tuy Thịnh Quận công Trương Đăng Quế (1793 - 1865)(1), chúng tôi đã phát hiện ra bài tựa Ninh Tĩnh thi tập tự [寧靜詩集序: Bài tựa Tập thơ Ninh Tĩnh]; được in trong sách Trương Quảng Khê công văn tập [張廣溪公文集: Tap văn của ông Trương Quảng Khê], từ tờ 29a - 30a, tập sách hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, dưới ký hiệu R.315.

Quận vương Vĩnh Tường: Vị hoàng tử hay thơ qua bài tựa của Quảng Khê Trương Đăng Quế
Bài tựa "Ninh Tĩnh thi tập tự", in trong sách "Trương Quảng Khê văn tập"
Trang bìa sách Trương Quảng Khê công văn tập, sách hiện đang lưu trữ tại thư viện Quốc gia Việt Nam



Bài tựa này do Trương Đăng Quế, là thầy dạy học cho nhiều vị hoàng tử triều Nguyễn, trong đó có Quận vương Vĩnh Tường Nguyễn Phúc Miên Hoành [阮福綿宏]], viet cho Tập thơ Ninh Tĩnh của chính Quận vương. Đây là một tài liệu quý hiếm, hé lộ thêm về một thi nhân xuất thân Hoàng phái, được đương thời hết sức ca tụng.  

Sử liệu cho biết, Quận vương Vĩnh Tường Nguyễn Phúc Miên Hoành (阮福綿宏), la con thứ năm của đức Thánh tổ (tức vua Minh Mạng), mẹ là Hiền phi Ngô Thị Chính, ban đầu có tên là Thự, về sau đổi tên là Miên Hoành. Ông sinh ngày 22, tháng 5, năm Tân Mùi (12/7/1811). Thuở nhỏ ham học, lúc xuất các, học tinh thông kinh sử. Năm Canh Dần (1830) được phong là Vĩnh Tường công. Ông mất ngày 4, tháng 10, năm Ất Mùi (23/11/1835), lúc 25 tuổi, được ban thụy là Trang Mục, truy tặng là Vĩnh Tường Quận vương(2).

Cũng như nhiều vị hoàng tử, công chúa trong hoàng tộc triều Nguyễn ham chuộng và sáng tác thơ ca, Vĩnh Tường quận vương cũng không phải là ngoại lệ. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã là cậu bé thông minh, ham học, đặc biệt đam mê về thơ ca, đáng tiếc ông ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì hiện nay tập thơ Ninh Tĩnh thi tập đã không còn, đó là một điều rất đáng tiếc, vì nếu như còn có được tập thơ, chúng ta có thể tìm hiểu được thêm nhiều vấn đề liên quan đến nội dung thơ văn và cuộc đời của Quận vương Vĩnh Tường. Nhưng dù sao, bài tựa còn lại cũng giúp chúng ta phần nào biết được một số thông tin liên quan đến Vĩnh Tường quận vương, như ông là cậu bé thông minh, tuấn tú, học rộng, chăm học, lễ độ và nghiêm cẩn. Sinh thời ông thường khảo xét thơ ca của các nhà, rồi cùng bàn luận về những điều hay dở của thơ ca với thầy học là Trương Đăng Quế. Cũng thông qua bài tựa này mà chúng ta biết được quan điểm của  ông về Thi học rất tiến bộ, giống với tư tưởng Thi học của vị thầy Trương Đăng Quế và Cao Bá Quát (1808 - 1855). Dưới đây là nguyên văn, phiên âm và bản dịch của bài tựa:

1. Nội dung bài tựa Ninh Tĩnh thi tập tự

1.1. Nguyên văn chữ Hán

寧靜詩集序

寧靜詩集,乃今上之皇第五子永祥郡王所撰也。郡王天資通慧,至性孝友,律身 行己,慎守法度,皇上素所鍾愛焉。明命元年,桂以鄉薦,蒙召來京,揀充直學,甫得親 其顏範。郡王年方十歲,英韶秀發,穎悟絕人,讀書過口成誦。未弱冠,博通群經,旁 及子史,以至稗官野乘,莫不悉覺。

皇上雅好文學,遊神古典。凡修己治人之所寓,愛民勤政之所存,萬機餘暇,多發 之於詩,諸皇子皆慕倣之。郡王因攷晉唐以上諸家詩,朝夕諷詠,私淑而有得,未嘗 聞於人也。嗣桂以官守所限,接見日疏,而郡王雅以故舊遇之,每因燕閒,出所作見 示談論商確,或至終日不倦,嘗自言曰:詩所以道達性情,激揚風雅,隨其所觸而興生 焉,若徒拾人牙齒,復不如勿作也。故其為詩,自別體栽,不旁他人門戶,而奇趣深思, 往往出人意表,蓋得於天分之高有,非尋常所可企也。

嗚呼,丰神笑貌,歷歷如新,豈知遽爾薨逝,良可悲夫。郡王所為詩若干首,措辭 婉雅,用意高渾,其朝賀祝嘏諸作,堂堂皇皇,莊整得法,雅有初盛之遺響,他如遊觀休 暇,覽景賞心,或寄意於塤篪,或嗣音於寮幕,靡不從容,合度蔚薈,成文諒昭明以上 人。惜乎天不假以年,不及見其大成,而猶幸是集之存,尚可彷彿其平生之梗概焉 耳。桂深念疇曩相遇之盛情,又愛其詩多有清雅之思,恐其日久散失,後世無傳,爰 略加收拾,得二百餘首,彙輯成編,釐為上下二卷,因郡王在日,自號寧靜主人,故顏其 詩曰寧靜詩集,遂不揣鄙陋,綴數語于卷端,用誌他日之感云。

1.2. Phiên âm

Ninh Tĩnh thi tập tự

Ninh Tĩnh thi tập, nãi kim Thượng chi hoàng đệ ngũ tử Vĩnh Trinh Quận vương sở soạn. Quận vương thiên tư thông tuệ, chí tính hiếu hữu, luật thân hành kỷ, thận thủ pháp độ, Hoàng thượng tố sở chung ái yên. Minh Mệnh nguyên niên, Quế dĩ Hương tiến, mông triệu lai kinh, giản sung Trực học, phủ đắc thân kỳ nhan phạm. Quận vương niên phương thập tuế, anh thiều tú phát, dĩnh ngộ tuyệt nhân, độc thư quá khẩu thành tụng. Vị nhược quán, bác thông quần kinh, bàng cập tử sử, dĩ chí bài quan dã thừa, mạc bất tất giác.

Hoàng thượng nhã hiếu văn học, du thần cổ điển. Phàm tu kỷ trị nhân chi sở ngụ, ái dân cần chính chi sở tồn, vạn cơ dư hạ, đa phát chi ư thi, chư hoàng tử giai mộ phỏng chi. Quận vương nhân khảo Tấn, Đường dĩ thượng chư gia thi, triêu tịch phúng vịnh, tư thục nhi hữu đắc, vị thường văn ư nhân dã. Tự Quế dĩ quan thú sở hạn, tiếp kiến nhật sơ, nhi Quận vương nhã dĩ cố cựu ngộ chi, mỗi nhân yến nhàn, xuất sở tác kiến thị đàm luận thương xác, hoặc chí chung nhật bất quyện, thường tự ngôn viết: Thi sở dĩ đạo đạt tính tình, kích dương Phong, Nhã, tùy kỳ sở xúc nhi hứng sinh yên, nhược đồ thập nhân nha xỉ, phục bất như vật tác dã. Cố kỳ vi thi, tự biệt thể tài, bất bàng tha nhân môn hộ, nhi ký thú thâm tư, vãng vãng xuất nhân ý biểu, cái đắc ư thiên phận cao hữu, phi tầm thường sở khả xí dã.

Ô hô, phong thần tiếu mạo, lịch lịch như tân, khởi tri cự nhĩ hoăng thệ, lương khả bi phù. Quận vương sở vi thi nhược can thủ, thố từ uyển nhã, dụng ý cao hồn, kỳ “Triêu hạ” “Chúc hỗ” chư tác, đường đường hoàng hoàng, trang chỉnh đắc pháp, nhã hữu sơ thịnh chi di hưởng, tha như du quan hưu hạ, lãm cảnh thưởng tâm, hoặc ký ý ư huân trì, hoặc tự âm ư liêu mạc, phi bất thung dung, hợp độ úy hội, thành Văn Lượng, Chiêu Minh dĩ thượng nhân. Tích hồ thiên bất giả dĩ niên, bất cập kiến kỳ đại thành, nhi do hạnh thị tập chi tồn, thượng khả phảng phất kỳ bình sinh chi ngạnh khải yên nhĩ. Quế thâm niệm trù nãng tương ngộ chi thịnh tình, hựu ái kỳ thi đa hữu thanh nhã chi tứ, khủng kỳ nhật cửu tán thất, hậu thế vô truyền, viên lược gia thu thập, đắc nhị bách dư thủ, vựng tập thành biên, li vi thượng hạ nhị quyển, nhân Quận vương tại nhật, tự hiệu Ninh Tĩnh chủ nhân, cố nhan kỳ thi viết Ninh Tĩnh thi tập, toại bất sũy bỉ lậu, xuyết sổ ngữ vu quyển đoan, dụng chí tha nhật chi cảm vân
.

1.3. Dịch nghĩa

Bài tựa Tập thơ Ninh Tĩnh

Tập thơ Ninh Tĩnh, do hoàng tử thứ năm của đương kim hoàng thượng là Quận vương Vĩnh Tường soạn. Quận vương thiên tư thông minh, chí tình hiếu đễ, ngôn hạnh nghiêm trang, cẩn thận giữ phép, hoàng thượng rất đỗi yêu thương. Minh Mệnh năm đầu (1820), Quế nhờ đậu Hương tiến(3), được triệu vào kinh, chọn sung Trực học(4), nên mới được thân gần dung nhan Quận vương. Vương vừa chừng mười tuổi, mà tài năng tuấn tú, đĩnh ngộ hơn người, đọc sách xem qua đã thuộc, tuy chưa đến tuổi đội mũ(5) mà học rộng các kinh, các loại khác như tử, sử, cho đến cả chuyện dân gian, dã sử không gì mà không biết hết.

Hoàng thượng vốn chuộng văn học, quý trọng điển xưa, phàm là những chuyện ngụ việc sửa mình trị người, những điều thương dân cần chính, những khi nhàn rỗi sau việc triều chính, phần nhiều chỉ tìm hiểu về thơ, cho nên các hoàng tử đều yêu thích mà noi theo. Quận vương nhân việc khảo xét thơ các nhà từ thời Tần, Hán về trước, sớm tối ngâm vịnh, nhưng chỉ riêng lĩnh hội lấy cái đẹp của thơ, mà chưa từng truyền đạt cho người. Về sau, Quế vì việc quan ngăn trở, nên việc tiếp kiến ngày càng thưa dần, mà vương vốn lấy tình cố cựu gặp gỡ, mỗi khi nhân việc nhàn nhã, vương mới đưa thơ đã làm cho tôi xem, rồi cùng bàn bạc thấu triệt, có khi bàn luận đến suốt ngày mà không mỏi mệt, vương thường tự bảo rằng: Thơ sở dĩ là để bày tỏ truyền đạt tính tình, khơi dậy phong, nhã, nên tùy theo xúc cảm của mình mà sinh ra hứng thơ, nếu chỉ nhặt nhạnh răng móng của người khác, thì thà chẳng bằng không làm còn hơn. Cho nên thơ làm ra tự có thể tài riêng, chứ chẳng dựa vào cửa nhà người khác, nên cái thú kỳ lạ, cái tứ sâu xa thường vượt hơn hẳn ý tứ người khác, có lẽ là do [vương] có được cái tư chất cao quý, chứ chẳng phải là điều mà kẻ tầm thường có thể mong đạt được.

Than ôi, thần thái xinh tươi, rõ ràng như còn mới đó, đâu ngờ vương vội ra đi, thật đáng xót thương. Thơ do vương làm, nhiều bài dùng từ khéo léo, dụng ý hồn hậu, như các bài “Triêu hạ”, “Chúc hỗ” oai vệ hiên ngang, nghiêm chỉnh mẫu mực, còn kế thừa được vẻ đẹp thời sơ, thịnh [Đường](6). Như khi vương rong chơi nhàn hạ, ngắm cảnh thưởng ngoạn, lúc gửi ý ở nơi huân trì(7), khi nối âm với kẻ mộ liêu(8), rất đỗi thong dong điềm đạm, nhã hứng mà hợp pháp độ, thực sánh với Văn Lượng(9), Chiêu Minh(10) xưa kia. Đáng tiếc thay trời chẳng cho thêm tuổi, chẳng kịp thấy thành tựu lớn của vương. Nhưng may tập thơ giữ được còn phảng phất vẻ cứng cỏi của vương lúc bình sinh. Quế đau đáu tấm thịnh tình gặp gỡ trước kia, lại mến mộ thơ vương nhiều bài có được cái cấu tứ thanh nhã, mà sợ rằng lâu ngày sẽ mất mát thất lạc, không còn gì truyền lại cho đời sau, nên bèn thu thập thêm bớt, được hơn 200 bài, sắp xếp biên tập, chia thành 2 quyển thượng hạ. Nhân khi vương còn sống, đặt tự hiệu là Ninh Tĩnh chủ nhân, cho nên mới đặt nhan đề tập thơ là Ninh Tĩnh thi tập, lại chẳng ngại quê mùa, thêm vài lời ở đầu quyển để ghi lại nỗi niềm đồng cảm ngày sau vậy.

2. Ninh Tĩnh và “phép tắc làm thơ”

Bài tựa trên đây được Trương Đăng Quế viết sau khi Quận vương Ninh Tĩnh đã qua đời (1835). Quận vương Ninh Tĩnh là học trò và đồng thời cũng là bạn thơ của người thầy họ Trương.

Thông qua nội dung bài tựa cho biết, Ninh Tĩnh sáng tác khi còn rất trẻ. Ông mất khi mới 25 tuổi, nhưng đã sáng tác hơn 200 bài thơ chữ Hán. Ông cũng là người chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, khám phá thơ ca lịch đại. Đó là một đặc điểm phổ biến ở triều Nguyễn, khi các vị vua quan và hoàng thân phần lớn là những người yêu chuộng và thông hiểu về thơ ca.

Điều đáng lưu ý nhất trong bài tựa là Trương Đăng Quế đã nói lên quan điểm tư tưởng thi học của Quận vương Ninh Tĩnh, khi ông nhắc lại lời Quận vương: “Thơ sở dĩ là để bày tỏ truyền đạt tính tình, khơi dậy phong, nhã, nên tùy theo xúc cảm của mình mà sinh ra hứng thơ, nếu chỉ nhặt nhạnh răng móng của người khác, thì thà chẳng bằng không làm còn hơn.

Quan điểm về việc sáng tác thơ của Quận vương Ninh Tĩnh trên đây cho thấy, ông là người đề cao yếu tố chân thực, yếu tố tình cảm con người trong thơ ca. Làm thơ là để bày tỏ cảm xúc chân thực của mình, chứ không phải là để bắt chước, học theo thơ của người khác. Quan điểm này rất gần gũi với tư tưởng thi học của Cao Bá Quát. Trong bài Thương Sơn công thi tập hậu tự (Bài tựa đề cuối tập thơ của Thương Sơn công), Cao Bá Quát khẳng định: “Bàn về thơ, tuy có phải chú trọng về quy cách, nhưng làm thơ thì phải gốc ở tính tình. Nếu việc nào cũng bắt chước cũ, câu nào cũng học theo người..., thì dẫu nghìn bài chứa đầy bể khổ, trăm vần đã cạn ruột khô cũng không quan hệ gì đến tính linh cả”(11).

Cao Bá Quát là một tác gia lớn trong nền văn học trung đại Việt Nam(12). Đương thời, người đời tôn vinh ông vào hàng danh gia, tài năng kiệt xuất(13). Không chỉ trước tác nhiều, nội dung thơ văn phong phú, mà ngay đến cả tư tưởng thi học của Cao Bá Quát cũng rất tiến bộ, ông chính là người giữ vai trò tiên phong cho thuyết “tính linh” ở Việt Nam(14). Cốt lõi trong tư tưởng thi học của Cao Bá Quát là đề cao yếu tố tính linh. Ông phê phán lối thơ bắt chước, mô phỏng, không chân thực về tình cảm. Ông yêu cầu thơ “gốc ở tính tình”, phê phán những bài thơ bắt chước cổ nhân “không quan hệ gì đến tính linh”(15).

Quan điểm thi học của Quận vương Ninh Tĩnh không chỉ gần gũi với tư tưởng thi học của Cao Bá Quát, mà còn gần gũi, tương đồng với tư tưởng thi học của thầy ông là Trương Đăng Quế. Trương Đăng Quế cũng là người đề cao yếu tố tình cảm, chân thực trong việc sáng tác thơ ca, trong bài tựa Học văn dư tập tự tự, ông khẳng định rằng: “Phép tắc mẫu mực của các tác gia, tuy bàn luận rối rắm, nhưng chung quy không ra ngoài hai chữ tính linh. Cho nên, phải vứt bỏ hết những lời sáo hủ, chẳng dựa bên cửa nhà người khác, ý đã đến thì ngòi bút liền theo đó mà diễn tả ra, tuy vẻ sâu xa mênh mông không được như người, duy có điều riêng được là na ná giống tinh thần quy tụ yếu chỉ của ba trăm thiên “Kinh thi””(16).

Quận vương Ninh Tĩnh là học trò của Trương Đăng Quế, có lẽ điều đó cũng khiến ông chịu ảnh hưởng về quan điểm tư tưởng thi học của thầy mình, khi cùng đề cao yếu tố tình cảm, chân thực, không trau truốt, gọt rũa câu văn. Đó là một quan điểm sáng tác tiến bộ đương thời, khi mà các nhà thơ, nhà văn xuất thân từ cửa Khổng sân Trình chịu ảnh hưởng nhiều từ Nho giáo và thơ văn đời Tống khi luôn đề cao lối thơ phải theo khuôn mẫu, mực thước, sáng tác thơ văn là để nói chí, tải đạo.

Quận vương Ninh Tĩnh mất khi tuổi đời còn quá trẻ, tập thơ của ông lại cũng không còn, điều đó khiến chúng ta không thể tìm hiểu được những nội dung thơ ca của ông. Song với quan điểm trên đây, chắc hẳn rằng thơ ông là lối thơ thanh nhã mà chân thực, đúng như lời nhận xét của Trương Đăng Quế là: “Thơ do vương làm, nhiều bài dùng từ khéo léo, dụng ý hồn hậu... nhiều bài có được cái cấu tứ thanh nhã”.

H.N.C  
(TCSH331/09-2016)


------------------
1. Trương Đăng Quế (1793 - 1865), tự Diên Phương 延芳, hiệu Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê Tẩu 廣溪叟,người làng Mỹ Khê, phủ Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Trương Đăng Quế là bậc lương thần triều Nguyễn, làm quan trải ba đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông là một con người suốt đời vì dân, vì nước, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, sử học ở nước ta nửa đầu thế kỷ XIX. Trương Đăng Quế cũng là người chấp bút viết lời Tựa cho nhiều tập thơ của những danh sĩ đương thời, như Nguyễn Văn Siêu, Bùi Quỹ, Mai Am, vua Thiệu Trị, v.v.
2. Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1995, tr.289. Xem thêm: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3, bản dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2013, tr.82-83.
3. Trương Đăng Quế đậu Hương tiến (Cử nhân) khoa thi Kỷ Mão năm Gia Long thứ 18 (1819).
4. Trực học: Bạn cùng học với các hoàng tử.
5. Tuổi đội mũ: Theo lễ chế thời xưa, khi con trai đến 20 tuổi thì phải vào tông miếu làm lễ đội mũ để biểu thị đã đến tuổi thành niên, cho nên con trai mới 20 tuổi gọi là nhược quán, chưa đến 20 tuổi thì gọi là vị quán, vị nhược quán.
6. Thời Sơ, Thịnh Đường (618 - 766) được xem là giai đoạn khởi đầu và phát triển phồn thịnh nhất, huy hoàng nhất của thơ Đường. Trong giai đoạn này thơ ca đã đạt đến sự thống nhất, hài hòa, phong cách thơ tươi sáng, hào hùng.
7. Huân trì (塤篪): Huân và Trì là những nhạc khí thời cổ đại, khi kết hợp cả hai cái lại cùng thổi lên thì thanh âm hài hòa, du dương, do đó người xưa thường dùng chữ “huân trì” để chỉ tình anh em hòa mục, thân thiết. Trong Kinh thi có câu: “伯氏吹埙,仲氏吹篪” (Bá thị xuy huân, Trọng thị xuy trì: Anh thổi còi, em thổi sáo).
8. Mộ liêu: Dịch chữ “Liêu mạc”(寮幕), tức chỉ những người là bạn bè, cùng làm quan, hay kẻ giúp việc mà cùng có sở thích, thị hiếu nghệ thuật như mình.
9. Văn Lượng: Chúng tôi chưa tra cứu ra được thông tin về nhân vật này.
10. Chiêu Minh: Thụy hiệu của Tiêu Thống. Tiêu Thống (蕭統, 501 - 531), tự là Thí Đức, là con trưởng của Lương Vũ Đế Tiêu Diễn, được lập làm Thái tử năm 502. Cống hiến quan trọng trong đời Tiêu Thống là ông đã biên tập bộ tổng tập thơ văn tên là Văn tuyển, hay còn gọi là Chiêu Minh văn tuyển. Với vị trí tôn quý của một Thái tử, Tiêu Thống đã chiêu nạp nhân tài, bắt đầu tuyển chọn, biên soạn bộ Văn tuyển. Sách này gồm 30 quyển, với 130 tác giả, hơn 700 tác phẩm, chia ra làm ba loại lớn là Phú, Thi và Tạp văn. Sự ra đời của sách Văn tuyển đã bảo tồn được rất nhiều tác phẩm kiệt xuất cổ đại, trở thành khuôn mẫu cho các văn thi nhân đời sau học tập. Thái tử Lương còn được lưu danh bởi lập Đài chia kinh [Kim Cang]; và lần cụ Nguyễn Du đứng trước Đài đã nhận ra lý mầu nhiệm từ bản kinh này.
11. Hoàng Hữu Yên chủ biên (2004), Tinh tuyển văn học Việt Nam, tập 6, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.340.
12. Nguyễn Ngọc Quận (2005), Sáng tác của Cao Bá Quát trong tiến trình văn học dân tộc, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường ĐHKHXH & NV Tp. Hồ Chí Minh, tr.1.
13. Nguyễn Hữu Sơn, Đặng Thị Hảo tuyển chọn (2006), Cao Bá Quát về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.5.
14. Nguyễn Thanh Tùng (2010), Sự phát triển tư tưởng Thi học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, tr.184.
15. Nguyễn Thanh Tùng (2010), sđd, tr.185.
16. Trương Đăng Quế (1857), Trương Quảng Khê tiên sinh tập, Vãn học Miên Thẩm biên tập, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VHv.30, tr.6-9.







 

Các bài mới
Gió xanh (30/09/2016)
Nhớ Huế (26/09/2016)
Các bài đã đăng