Tạp chí Sông Hương - Số 331 (T.09-16)
Công án Thiền và hội họa
16:08 | 30/09/2016

HUỆ VIÊN

Công án - một phương pháp khai phóng tư duy
Trong các công án Thiền, có rất nhiều cách giáo hóa của các vị chân sư rất phũ phàng, thậm chí điên khùng, nhưng nó lại có tác dụng kì lạ, làm cho học trò kinh ngạc, bất ngờ giác ngộ.

Công án Thiền và hội họa
Ảnh: internet

Đó là những hành động như đập vỡ đồ quý, mắng chửi học trò, hò hét, rồi là những cú đạp, những trận roi đòn, những cái véo mũi, thậm chí cả giết súc vật. Ví dụ dưới đây là công án của Thuyền Tử đối với Thiện Hội:
 

“Thiện Hội được Đạo Ngô mách đến yết kiến Thuyền Tử Đức Thành. Vừa thấy Thiện Hội đến, Thuyền Tử liền hỏi:

- Đại đức trụ trì nơi nào?

- Chùa tức chẳng trụ, trụ tức chẳng giống.

- Chẳng giống, giống cái gì?

- Chẳng có pháp trước mắt.

- Ở đâu học được nó?

- Chẳng phải chỗ tai mắt đến.

- Một câu dù lĩnh hội, muôn kiếp cọc cột lừa. Thả ngàn thước tơ ý đầm sâu, lìa lưỡi câu ba tấc, nói mau! Nói mau!


Thiện Hội vừa mở miệng bị Sư đánh một chèo té xuống nước. Vừa mới leo lên thuyền lại bị Thuyền Tử thúc: “Nói mau! Nói mau!”. Thiện Hội vừa mở miệng lại bị Sư đánh. Thiện Hội hoát nhiên đại ngộ.”

Ở công án này, Thiện Hội thể hiện mình là một kẻ đã có căn cơ và đã biết cách trả lời các công án của các bậc thầy. Tuy nhiên, ngay cả việc thuộc lòng những công án cũng chưa thể nào đảm bảo được ngộ tính. Vì thế, Thuyền Tử đã phải dùng một hành động rất bất ngờ, gấp gáp và phũ phàng mới có thể làm Thiện Hội bật ra cái chân tính. Chính cái khoảnh khắc Thiện Hội không suy nghĩ được gì hết vì bị cuốn theo hành động của thầy mà ông ta đại ngộ.

Theo D.T. Suzuki: “Công án được nêu ra cho kẻ sơ cơ là để hủy hoại gốc rễ của sự sống, giết chết đầu óc so đo đốn ngã tâm trí hiện hành từ vô thủy… Công án dồn người ta vào tử lộ, nhưng đích ý là vượt lên những giới hạn của trí năng, và chỉ có thể vượt qua những giới hạn này khi nào người ta dốc hết toàn lực, tận dụng những năng lực tâm thần vốn có...”. Công án mang một vẻ đẹp siêu việt, nó loại bỏ mọi suy nghĩ, mọi hiểu biết, mọi khái niệm ngôn ngữ để hướng tới sự tự do không tạp niệm trong tư duy bằng những hành động khác thường của người thầy đối với học trò.

 

Đối họa Sen

Hội họa cũng có thể trở thành công án

Trên cơ sở những hành động có ý nghĩa lớn lao của công án, cộng với những hình thức thể hiện bằng hành động của nghệ thuật đương đại như performance art (nghệ thuật trình diễn), art intervention (nghệ thuật can thiệp), live-art (nghệ thuật sống), action art (nghệ thuật hành động)... chúng tôi nảy ra ý nghĩ về một cách vẽ trong hội họa là hai người cùng vẽ trên một bức tranh, gọi là đối họa.

Đối họa là cách các họa sĩ dùng hành động vẽ để thăm dò nhau, thử thách nhau, chỉ bảo nhau, giác ngộ nhau. Đối họa không những đòi hỏi các họa sĩ phải chú tâm khi vẽ mà còn chú trọng tới sự thăng hoa, bừng ngộ khi tương tác vẽ, cũng giống như các công án đối thoại giữa các thiền sư. Vẻ đẹp của một tác phẩm đối họa không chỉ là bức tranh hoàn thiện trưng ra cho công chúng xem mà còn là những giây  phút nảy cảm hứng, những cao trào khó đoán trong quá trình vẽ giữa các họa sĩ; công chúng chỉ có thể hưởng trọn vẹn tác phẩm khi xem diễn biến tác phẩm  qua băng ghi hình hoặc trực tiếp chứ không đơn giản là xem một bức tranh đã đặt trong khung, treo ở phòng tranh.

Đối họa là sự trao đổi và đối đầu giữa hai cá thể thông qua hành động vẽ, nó cũng gần giống với những hình thức trao đổi/đối đầu tinh tế, uyên sâu, hiểm hóc khác như đấu kiếm, đối chữ, công án. Trong quá trình đối họa, các họa sĩ vừa phải tập trung vào hành động vẽ để không lan man sao nhãng, vừa phải dõi theo chuyển động nét vẽ của đối tác để hô ứng kịp thời.

Tuy đối họa tìm kiếm sự hài hòa, thông hiểu, khơi gợi, thách thức, tranh giành, chỉ bảo, khai phóng… lẫn nhau giữa các đối tác trong khi vẽ nhưng rốt cục nó cũng phải tạo ra kết quả là một bức tranh có giá trị thẩm mỹ. Sự tương tác giữa các họa sĩ trong đối họa làm cho bức tranh sinh động, thú vị và mới mẻ hơn là do một người vẽ, bởi trong cùng một bức tranh mà xuất hiện những chủ thể khác nhau, những tư tưởng và kỹ thuật khác nhau. Do đó, dị biệt là đặc điểm nổi bật trong tranh đối họa. Mặt khác, sự hô ứng ngay lập tức giữa các đối tác khi vẽ sẽ tạo ra sự dịch chuyển ý nghĩa của mỗi nét vẽ. Một nét vẽ khi được tạo ra không những hàm chứa dòng vận động nội tại của người cầm cọ mà còn có cả sự giao thoa với dòng vận động của đối tác; không những nó ẩn chứa những vết mờ của những nét vẽ trước của họa sĩ đó mà còn dung giấu những hình bóng, những suy đoán, những gợi mở… từ các nét vẽ của đối tác.

Đối họa cũng có thể là một công cụ để các họa sĩ/ thiền sư giác ngộ học trò. Khi các thiền sinh vẽ một bức tranh theo cảm nhận của mình, sư thầy có thể tác động bất ngờ lên bức tranh làm nó thay đổi hoàn toàn mục đích, ý nghĩa, giá trị, bố cục hiện tại mà thiền sinh đang theo đuổi. Điều đó làm cho thiền sinh bất ngờ, giật mình nhìn lại những mong muốn, những cảm giác, những kinh nghiệm của mình, rồi chợt nhận ra rằng chẳng còn khái niệm, ý nghĩa, đường nét, bố cục… nào hết. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số khả năng tác động của thiền sư lên bức tranh của học trò.

Thầy đưa đề tài “Sen” cho học trò và trò vẽ một bức tranh khá tinh tế với sắc độ vừa phải, nhẹ nhàng như hoa sen. Nhưng lạ thay, người thầy lại dùng mực đậm viết chữ “sen” lên bức tranh mà học trò đã rất tâm đắc. Người học trò thấy vậy ngạc nhiên và bừng tỉnh.

Đối họa Tùng
Đối họa Tâm


Khi được thầy cho đề bài “Tùng”, học trò ngẫm nghĩ rồi vẽ những cây tùng ngạo nghễ trên đỉnh núi như gửi gắm sự trường cửu, sự thoát tục của cảnh tiên. Nhưng thật bất ngờ, thầy lại vẽ đè lên những cây tùng mà học trò đã trau chuốt để hiện ra mỗi đỉnh núi chơ vơ, vô duyên mà không thấy bóng dáng một cây tùng nào cả. Học trò tỉnh ngộ, xé đôi bức tranh.

Một lần, thầy yêu cầu học trò viết thư pháp chữ “Tâm”. Học trò hít thở, định tâm trong giây lát rồi vung bút viết chữ Tâm với một kiểu cách mới lạ: vừa như chữ, mà vừa như một bức tranh trừu tượng, trông rất khoáng đạt. Học trò vui mừng đưa cho thầy xem tác phẩm của mình. Thầy vẫn ngồi nhắm mắt, không thèm xem bức thư pháp, bảo học trò: “Em bôi đen toàn bộ tờ giấy, rồi khi nào nhìn thấy chữ Tâm ở đó thì bảo thầy”.

Hướng tới hội họa Thiền

Trong lịch sử hội họa phương Đông đã từng xuất hiện rất nhiều thiền sư - họa sĩ nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn tới nhiều thế hệ sau này như Thạch Đào, Mộc Khê, Hakuin Ekaku, Torei Enji… Đó là vì trong tư tưởng của Thiền đã chứa sẵn những giá trị thẩm mỹ lớn lao của loài người như sự mong muốn thoát khổ, thoát ràng buộc, hay sự khai phóng tư duy, sự sáng tạo thoát khỏi lối mòn, sự tự do tự tại. Thiền và hội họa, tưởng là xa lạ nhưng lại gần gũi với nhau, có thể bổ trợ cho nhau trên con đường tìm tới chân-thiện-mỹ của con người.

H.V  
(TCSH331/09-2016)




 

Các bài mới
Gió xanh (30/09/2016)
Các bài đã đăng
Nhớ Huế (26/09/2016)
Trương Chi (22/09/2016)