Tạp chí Sông Hương - Số 41 (T.2&3-1990)
Những hoạt động của tôi với Hoàng tử Vĩnh San
14:45 | 14/12/2016

LE VIEUX SIMON
              Hồi ký

Trong thời gian bị lưu đày ở đảo Réunion (1916 - 1945) hoàng tử Vĩnh San (tức cựu hoàng Duy Tân) đã có nhiều hoạt động văn hóa và chính trị.

Những hoạt động của tôi với Hoàng tử Vĩnh San
Hoàng tử Vĩnh San - Ảnh: internet

Trong lĩnh vực nào ông cũng tích cực và để lại nhiều kỷ niệm khó quên trong tâm trí những người cộng tác và bạn bè ông. Theo yêu cầu của gia đình và báo chí trong nước, vừa rồi bà Gisèle (con gái ông Vĩnh Chương và là cháu gọi vua Duy Tân bằng bác ruột), hiện đang sống ở Réunion, đã gặp Ông già Simon (Le Vieux Simon) - một cộng sự quan trọng của hoàng tử Vĩnh San. Ông Simon đã nhiệt tình ghi lại những hoạt động của ông và hoàng tử Vĩnh San trong thế chiến II (1939 - 1945). Được phép gia đình và bà Gisèle, Sông Hương xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch tài liệu hiếm có nầy.
SÔNG HƯƠNG




Hoàng tử Vĩnh San và tôi rất thân nhau. Tôi biết ông ta từ 1936 trong Mặt trận nhân quyền mà ông ta là hội viên còn tôi là thư ký. Từ 1937 tôi càng biết ông ta mật thiết hơn khi tôi được kết nạp vào Ban hữu nghị, còn ông ta thì chính thức là đảng phái của Hội Kín(1) từ nhiều năm rồi. Do vậy chúng tôi đã trở thành bạn thân.

Ông ta nói vì hoàn cảnh tù đày và bị trục xuất, nhưng mỗi khi tranh luận, lời lẽ của ông gây ấn tượng sâu sắc đối với người nghe bởi những suy nghĩ đầy lương tri và những nhận xét rất khôn ngoan.

Tôi không bao giờ đến nhà ông ta, mà đến để làm gì? - khi chúng tôi đã gặp nhau vào ban đêm 2 - 3 lần mỗi tuần rồi.

Với lại cả hai chúng tôi đều bị theo dõi và ngày đêm bị đội cảnh sát của thống đốc Ôbe nghi ngờ có liên lạc với "nước Pháp tự do" kẻ thù của chúng. Vì vậy cần phải không để lại một chứng cớ nhỏ nào cho sự nghi ngờ ấy, nếu không tôi sẽ bị bỏ tù, còn ông bạn Vĩnh San của tôi sẽ bị xử bắn với bản án phản bội nước Pháp của Pêtanh. Nên hiểu rằng trước khi đi đày, ông ta buộc phải tuyên thệ không bao giờ chống lại chính phủ Pháp. Bởi vậy, đặc biệt trong năm 1942, chúng tôi phải hết sức cẩn thận trong hoạt động bí mật.

Ông Vĩnh San ở một ngôi nhà nhỏ 1 tầng tại góc phía bắc 2 đường La Buốc-đonne và Thánh Giôdép (đường Giuylơ- Ôbe bây giờ). Tính từ cuối năm 1940, vào 8 giờ mỗi tối, ông ta phát đi những tin tức nước ngoài bằng một loa phóng thanh đặt trên gác. Ở góc phố Thánh Đơni này, ông ta sẽ phát thanh tiếp sức thay cho Đài vô tuyến Barasoa thường ngậm câm về tin tức chiến tranh.

Nhiều thính giả trong vùng, ngay cả ở nơi xa, thường lệ đi bách bộ đến Barasoa, đứng ngoài đường, trước nhà ông ta để nghe tin tức đài Pari. Còn đài BBC, chỉ nghe trong buồng thôi cũng bị nghiêm cấm.

Mỗi tối những viên mật thám mặc thường phục thường trà trộn vào đám thính giả đêm. Gabrien Maxê đứng đầu đội bảo vệ Đại tướng cũng điều động đội viên bảo vệ của ông ta đến đó.

Ông bạn Vĩnh San của tôi có một máy thu phát, tất nhiên là bí mật, do tự tay ông chế tạo, phạm vi hoạt động của máy không vượt quá 200 hải lý. Với máy thu phát này, nhiều đêm ông ta đã đưa được tin tức đến các tàu thuyền ngang qua giữa các đảo Rêuyniông và Mađagátca và Môrixơ. Công việc này thường được tiến hành từ khoảng nửa đêm đến 3 giờ sáng.

Không bao giờ ông ta làm việc tại nhà ở, nhưng địa điểm điện đài của ông thường xuyên bị những tên "bạn ngoài ý muốn" quấy rầy, trong đó có Ghisa, nhưng ông ta vẫn cho qua để đổi lấy sự thuận lợi trong công việc. Vĩnh San hoàn toàn hiểu rằng nếu bị lộ thì ông sẽ bị xử bắn ngay vì tội phản bội.

Trong thời kỳ xảy ra Đại chiến thứ 2, những kẻ có chức có quyền cầm đầu đảo Rêuyniông tuyệt đối không muốn nghe gì về "nước Pháp tự do" đứng đầu là tướng Đờgôn.

Với lại người ta sẽ không bao giờ tha tội cho ông ta, một kẻ tù đày, bị đuổi và trục xuất khỏi Việt Nam. Vì vậy ông triệt để đề cao cảnh giác với tinh thần dũng cảm và không chịu bó tay trước tình hình như thế. Đối diện với đài kỷ niệm Rôlăng Giarô, chiếc cầu tàu Barasoa, dĩ nhiên là cái cũ trước kia - chạy dài gần 100m ra ngoài khơi, xưa kia dùng làm nơi cập bến cho tàu thuyền trước khi xây dựng cảng Mũi Đá Cuội (2).

Đoạn đầu chiếc cầu tàu này bước đầu là nơi thu phát lý tưởng. Khi thoát được đám "Khách đường La Buốcđonne", hoàng tử Vĩnh San đến đây sớm, vào 10 giờ đêm, trên một chiếc xe con đỗ lại ở đầu cầu. Tôi đã có mặt trước tại đó, tôi giúp ông ta khiêng ra khỏi xe một đống dụng cụ đi câu, đánh cá; nào là cần câu, nào mồi, nào túi v.v... và một cái lều bạt cắm trại, những đồ để ngủ, và tất nhiên có cả máy thu phát nhỏ được giấu kín cẩn thận trong mớ đồ đạc ấy. Chúng tôi bắt đầu dựng lều ở góc phía tây đầu cầu tàu, sau đó bắt tay vào câu cá. Hầu như bao giờ cũng có một vài người đi dạo khuya trên những thanh tà vẹc dưới đoạn cầu nơi câu cá.

Khi tất cả trở lại yên tĩnh, cũng như kẻ đi dạo và người đi câu đều đã ra về, chỉ còn hai chúng tôi, lúc bấy giờ Vĩnh San mới bắt đầu phát tin đi vào nửa đêm. Có những tối sự có mặt của một người đi câu nào đó gan lì và dai dẳng hoặc của một cặp tình nhân nào đó còn thèm khát yêu đương thì ông ta hết sức bị trở ngại, không tiến hành được gì hết.

Còn tôi, nếu hoàn cảnh thuận lợi, tôi nhấc cần và mồi lên khỏi mặt nước, rồi đóng vai của tôi tức là canh gác đầu cầu và báo động kịp thời bằng một điệu huýt sáo miệng đã quy ước trước, nếu có kẻ nào không mời mà đến quấy rầy. Vả lại thời gian được tính toán đủ để Vĩnh San kịp thu giấu mọi thứ rồi vờ thả câu hoặc vờ ngủ. Còn tôi, nếu kẻ đến không đúng lúc ấy tiến tới gần đầu cầu thì tôi lại nhấc cần câu lên. Cứ như vậy mỗi tuần vào thứ 3 và thứ 6 cái cảnh ấy lại diễn ra đều đặn.

Công việc kéo dài được đến đầu năm 1942 cho đến khi chúng tôi cảm thấy sự kiểm soát của đội cảnh sát trở nên hết sức ráo riết và chặt chẽ, đặc biệt tôi bị một "ông bạn mật thám" bám sát cạnh nhà xe của nhà tôi ở.

Di chuyển đi đâu bây giờ? vì hai chúng tôi đều giống nhau ở chỗ không ai muốn đầu hàng và khóa miệng chiếc máy thu phát cả.

Vĩnh San nghĩ ngay đến nghĩa địa phía đông quay mặt ra khơi. Chúng tôi sẽ phát tin từ hốc của một cái huyệt đã bị hỏng. Đây là một ý tốt vì ban đêm các nghĩa địa ít bị "thăm viếng" hoặc vì mê tín hoặc vì tín ngưỡng, chúng tôi suy nghĩ về điều này một thời gian rồi gạt bỏ ý định ấy, bời vì không cách xa "nghĩa địa tình nguyện quân" bao nhiêu, Sabơn cảnh sát trưởng của thống đốc Obe đã đặt một vọng gác ở đấy rồi. Với lại 3 cánh cửa lớn của nghĩa địa lại đóng kín từ 6 giờ chiều, muốn vào phải trèo qua một bức tường cao 2m. Nếu đi vào đấy từ phía bờ biển có được không? Cũng không được, vì có cái vọng gác, còn bãi biển đầy đá cuội từ nhà ga đến nghĩa địa thì quá dài. Bởi vậy chúng tôi phải nghĩ đến một cách giải quyết khác.

Một ý nghĩ chợt đến với tôi, tôi liền đề nghị với ông bạn Vĩnh San lấy khu vườn Buyto của tôi đã cày xới từ ngày thống chế Pêtanh quyết định tôi nghỉ hưu vào tháng 1 năm 1942 - Ấy là một khu đất rộng trên 1 héc ta trồng xoài và dừa. Khu vườn này chạy một mạch từ đường Đôphinnơ, phía núi, cách đại lộ, phía biển (tướng Lêkléc) chừng 30m. Khu đất này thuộc quyền sở hữu của anh tôi và hoàn toàn kín đáo vì có tường cao 2m bao bọc, hơn nữa lại biệt lập với mọi nhà ở khác. Người ta vào đó phía đường Đôphinnơ qua một cái cửa lớn cũ kỹ gần bị hư hỏng, và đóng lại với một sợi dây thép.

Ở đây chiếc xe con của hoàng tử có thể lăn bánh vào và được vườn cây quả u tối che khuất. Từ đại lộ phía biển, một đường hẽm nhỏ hẹp cũng có thể dẫn ta đến đây.

Ban ngày khi làm vườn, tôi thường đi con đường hẽm này. Nơi đây vắng vẻ, ít ai lui tới ngay cả ban ngày, chúng tôi đã quyết định tiếp tục những buổi phát tin của chúng tôi. Một chiếc thang xếp và một cây xoài lớn um tùm cành lá nhìn ra đại dương đã tạo điều kiện thuận lợi cho công việc.

Ngồi 2 chân kẹp lấy cành, tấm lưng dựa vững vàng chắc chắn, hoàng tử Vĩnh San như một người cưỡi ngựa đua kỳ tài. Ông ta cho chiếc máy thu phát của mình hoạt động mỗi tuần 2 - 3 lần, từ tháng 5 cho đến tháng 11 năm 1942. Và như vậy, trước ngày đổ bộ của người "Pháp tự do", đêm 26 rạng ngày 27 tháng 11 năm 1942, hoàng tử đã bắt được liên lạc với tàu "Con Báo"(3).

Đại tá Risa không biết vì lý do gì, hình như đã giấu và chối chuyện bắt liên lạc này. Sự thật là việc này đã có. Hoàng tử đã phát đi những chỉ dẫn để cuộc đổ bộ được chắc chắn và thuận lợi nhất, bảo đảm an toàn nhất, có nghĩa là trên bãi biển phía đông nghĩa địa, phía dưới cửa sông Buyto vì ở đấy không có vọng gác.

Rạng sáng ngày 28 tháng 11 năm 1942 những thủy thủ đầu tiên của tàu "Con Báo" đã bơi xuồng hơi cập vào đúng nơi ấy.

Nguyên bản tiếng Pháp:
Le vieux Simon
Người dịch: T.T.H
(TCSH41/02&03-1990)

------------------
(1) Franc - macon.
(2) Pointe des Galets.
(3) Le Léopard.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Dị mộng (13/12/2016)