Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-16)
Một khái quát về lịch sử và xu hướng tiếp cận đề tài đồng tính trong điện ảnh
09:55 | 12/10/2016

Nếu lấy mốc thời điểm năm 1919 để xét đoán Different from the others là bộ phim đầu tiên trực diện về đề tài đồng tính, thì đến nay, lịch sử khai thác đề tài “cấm kỵ” này đã có một hành trình dài gần như song song cùng với sự ra đời của nghệ thuật thứ 7. Với tính chính trị xã hội và đạo đức, cho đến nay, đây vẫn là một vấn đề hết sức đặc biệt trong mọi loại hình nghệ thuật. Lịch sử điện ảnh đã ghi nhận rất nhiều bộ phim với những diễn ngôn tư tưởng khác nhau, thậm chí đối lập. Yêu cầu cấp thiết đặt ra, đó là việc phải “nhận thức lại thực tại”, đặt ra/xác quyết lại quan điểm của công chúng về một tầng lớp người vốn bị xem như “bệnh hoạn”/“lạc loài”…

Một khái quát về lịch sử và xu hướng tiếp cận đề tài đồng tính trong điện ảnh
Ảnh: internet

LÊ QUỐC HIẾU

Dù muốn hay không, giới tính thứ ba và những vấn đề về cộng đồng giới tính thứ ba đã và đang tồn tại trong xã hội như một thực tế hiển nhiên. Không thể phủ nhận đây là một đề tài đặc biệt trong mọi loại hình nghệ thuật không riêng gì điện ảnh. Với tính chính trị - xã hội, đặc biệt gắn liền với tính dục và tình dục đồng giới, nên trước đây, đồng tính luôn là một đề tài cấm kị (taboo subject). Hiện nay, xu hướng tiếp nhận đã trở nên cởi mở hơn. Các đạo diễn đã chủ động, mạnh dạn sáng tạo để có những thể nghiệm đầy táo bạo, bộc lộ thẳng thắn đến không khoan nhượng quan điểm, suy nghĩ/diễn ngôn của mình. Trong hành trình thể nghiệm đó, những vấn đề đã được đặt ra, hình thành nên nhiều xu hướng tiếp nhận đa chiều. Tuy nhiên, một thực tế cũng phải nhìn nhận, nếu xét tương quan đề tài đồng tính trong điện ảnh Việt, rõ ràng, không ít đạo diễn và biên kịch đã và đang dựng lên một lớp “nhân vật thiểu số” với đầy màu sắc giễu nhại. Nhân vật đồng tính xuất hiện trên điện ảnh Việt chỉ như những “bóng hồng ẻo lả, dặt dẹo”, hòng gây cười cho người xem.

Phim The Dickson Experimental Sound


Cứ liệu sớm nhất để xét đoán thể nghiệm sơ khai đề tài đồng tính trong điện ảnh gắn liền với những bước đi chập chững của nghệ thuật thứ 7. Đó là vào năm 1895, bộ phim ngắn The Dickson Experimental Sound Film của William Dickson miêu tả hai người đàn ông ôm nhau nhảy tình tứ trong tiếng nhạc lãng mạn. Nhiều nhà phê bình điện ảnh cho rằng đây là đạo diễn đầu tiên đã đưa hình ảnh người đồng tính lên “cuốn sách hình”, dù rằng, nhận định này chưa có những căn cứ xác đáng, nhất là sự tương đồng trong chủ ý của chính đạo diễn. Những bộ phim sau đó, chỉ dừng lại ở một mức độ đề cập rất hạn chế, còn gây nhiều tranh luận về việc có hay không vấn đề đồng tính?… Trong một số bộ phim tiêu biểu như: Algie the Miner (1912), A Florida Enchantment (1914), The Wings (1916)… hình ảnh người đồng tính rất mờ nhạt còn mang đậm tính giải trí, hài hước nhằm câu khách hoặc tạo ra những câu chuyện khác lạ. Trước khi Bộ luật Hays(1) được ban hành, có một xu hướng các đạo diễn thường đảo lộn giới tính nhân vật, cho một diễn viên nữ đóng giả nam hoặc ngược lại… Bộ phim A Woman (1915) bắt đầu bằng việc Chaplin gặp gỡ Edna và cha mẹ cô ấy trong công viên. Chaplin cải trang thành một cô gái hòng đánh lừa cha của Edna. Đây là lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng Chaplin diễn vai như một người phụ nữ trên phim. Xu hướng này còn được tiếp diễn nhiều trong các bộ phim khác như: A Florida Enchantment (1914), Mabel’s Blunder (1914), Sylvia Scarlett (1936)… Trong khi đó, những vấn đề quan thiết đến số phận, bi kịch người đồng tính trong mối ràng buộc với đạo đức xã hội, văn hóa, chính trị, tôn giáo lại không được đề cập một cách trực tiếp.

Điện ảnh Hollywood được ví như “mảnh đất hứa” với những chiến thắng vang dội của vô số những tác phẩm điện ảnh thành công, những đạo diễn tên tuổi, những chủ đề, đề tài được khám phá/thể nghiệm. Nhưng điện ảnh Hollywood lại không phải là nơi đầu tiên có những thể nghiệm táo bạo về đề tài đồng tính. Ở những thập niên đầu, đề tài này còn được đề cập rất hạn chế và nhanh chóng bị “làm mờ” giữa các diễn ngôn tư tưởng khác…

Phim Different from the others


Tác phẩm đầu tiên miêu tả trực diện đề tài đồng tính phải kể đến Different from the others (1919), bộ phim câm của Richard Oswald - đạo diễn người Đức có vài trò tiên phong đưa đề tài đồng tính lên màn ảnh và đồng sáng tác bởi nhà tâm lý học nổi tiếng Magnus Hirschfeld - người sáng lập phong trào giải phóng đồng tính ở Đức năm 1897. Mặc dù, nhân vật chính là một nhạc công, cuối cùng tự tử bằng thuốc độc, nhưng xuyên suốt bộ phim là tinh thần chống lại định kiến xã hội - Điều 175(2). Bộ luật hình sự Đức từ năm 1871 tuyên cáo đồng tính luyến ái là tội phạm. Mặc dù bộ phim bị cấm chiếu ở một số nước; bị cắt bỏ; phá hủy và hiện chỉ còn lại vài đoạn phim rời rạc nhưng nó được ví như một nguồn cảm hứng/sức mạnh ào ạt, biểu trưng cho tinh thần tự do chống lại tư tưởng cổ hủ, hà khắc về đồng tính.

Trong những năm 30 và thời kỳ hoàng kim thập niên 40 thế kỉ XX của điện ảnh Hollywood, đề tài đồng tính không được đề cập nhiều thậm chí khá mờ nhạt. Trong một vài tác phẩm, hình ảnh người đồng tính chỉ xuất hiện thoáng qua với những vai diễn phụ, cử chỉ, điệu bộ khá kín đáo, ngầm ẩn. Một số bộ phim tiêu biểu như: Morocco (1930), Queen Christina (1933), Rebecca (1940), The Maltese Falcon (1941), The Third Man (1949)…

Chưa có một đề tài nào lại “sóng gió”, “gian truân” trên điện ảnh như đề tài đồng tính. Trong suốt những thập niên tiếp theo, điện ảnh Hollywood đã bắt đầu đi vào xu hướng khai thác với thái độ thương hại, thù hằn. Nhân vật đồng tính nam (gay) và đồng tính nữ (lesbian) được miêu tả như những kẻ tâm thần, biến thái, giết người, chống lại xã hội và thường xuyên bị quấy rối bởi cảnh sát. Mở đầu cho xu hướng này phải kể đến bộ phim Rope (1948, Alfred Hitchcock) được xây dựng từ câu chuyện có thật về cặp đôi đồng tính nam giết bạn học cùng lớp bằng một sợi dây thừng. Xác chết được giấu trong chiếc hòm đặt trong phòng khách. Họ mời mọi người đến dự tiệc như để thách thức, chứng minh trí tuệ ưu việt từ hành vi giết người một cách hoàn hảo. Một số bộ phim khác như: Victim (1961), Rebel Without A Cause (1955), The Children’s Hour (1961)… Cả hai phim Rebel Without A Cause The Children’s Hour nhân vật đồng tính đều có chung kết cục tự tử. Đây phải chăng là một bản án tử hình với người đồng tính, đồng thời thể hiện cái nhìn tàn nhẫn, băng giá của xã hội đối với họ?

Những nguyên tắc trong Bộ luật Hays đang dần dần được tự do hóa, lơi lỏng, thay thế bằng Hệ thống phân loại phim được thành lập bởi Hiệp hội điện ảnh Mĩ (1/10/1968). Đồng thời, cuộc Cách mạng tình dục(3) đã thay đổi/cởi mở ít nhiều tư tưởng, quan niệm của xã hội về vấn đề này. Bước ngoặt đáng kể nhất, từ năm 1973 Hiệp hội tâm thần học Mĩ không còn xem đồng tính luyến ái như một căn bệnh tâm thần. Những biến động trong sự kiện văn hóa chính trị đã dẫn đến những thay đổi ít nhiều trong quan niệm, định kiến xã hội về đồng tính. Từ thực tiễn sinh động của sáng tạo điện ảnh trong hơn hai thập niên gần đây (từ năm 1990), chúng tôi tạm thời khái quát quá trình này qua một số xu hướng làm phim chính:

Xu hướng thứ nhất thường thể hiện hình ảnh những người đồng tính một cách bệnh hoạn đầy màu sắc giễu cợt, phê phán... Có rất nhiều bộ phim xây dựng hình ảnh người đồng tính làm trò câu khách, rẻ tiền bởi đạo diễn không hiểu được nỗi cô đơn, bấn loạn của con người khi bị chọc ngoáy vào nỗi đau bản thể, sự cô độc và cái chết. Diễn ngôn từ những bộ phim này, xét ở khía cạnh tư tưởng chủ đề, quả thật là một sự bôi nhọ, một kiểu “gây hấn”, công kích người đồng tính, góp phần vào việc tạo ra thái độ khinh bỉ, thờ ơ. Bộ phim kinh dị The Silence of The Lambs (1991) đạo diễn Jonathan Demme chuyển thể từ tác phẩm cùng tên, xây dựng hình ảnh tên giết người tâm thần hàng hoạt Bill Buffalo chuyên thiết kế y phục phụ nữ từ da người sống. Hành động biến thái này phát sinh từ việc chuyển đổi giới tính thất bại. Một số bộ phim giai đoạn sau này, có đi sâu vào việc miêu tả những nhân vật chuyển đổi giới tính (transexual) hoặc song tính (bisexuals). Tuy nhiên, sự miêu tả này cũng mới chỉ dừng lại ở việc khắc họa một phương diện/một vài cá thể rất nhỏ của giới tính thứ ba: tội phạm, pháp luật… (đa bội thêm cảm giác ghê sợ và cái nhìn vốn dĩ lệch lạc) hầu như còn chưa đi sâu vào việc thể hiện những góc khuất khác đáng được mạnh dạn “phơi lộ”, đồng cảm và chia sẻ hơn…

Soi chiếu xu hướng này vào điện ảnh Việt Nam đương đại, không khó để nhận ra một sự thực đau lòng. Hầu hết các phim Việt hiện nay, đều đưa hình ảnh người đồng tính lên màn ảnh như một phương cách để mua vui, “kích thích” trí tò mò của khán giả đồng thời cách chuyển tải câu chuyện hết sức phiến diện, phi lý, phản cảm, đậm màu sắc nhục dục. Một số phim Việt Nam tiêu biểu như: Gái nhảy (2003), Trai nhảy (2007), Cảm hứng hoàn hảo (2011), Để mai tính (2012)… Ngoài ra, một số phim nước ngoài cùng thuộc xu hướng thứ nhất như: Broadway melody (1929), Morocco (1930), Call her savage (1932), Some like it hot (1951), Velvet goldmine (1998), Iron ladies (2000)…

Phim Milk


Xu hướng thứ hai thường gắn các vấn đề về đồng tính trong mối quan hệ với chính trị, xã hội. Đó là tư tưởng dấn thân trong việc đấu tranh, giải phóng người đồng tính khỏi cái nhìn lệch lạc, ác cảm, định kiến cổ hủ. Tuy nhiên, trong nhiều bộ phim, xu hướng này còn chưa được hiển lộ một cách phong nhiêu, nhiều khi còn bị “làm nhiễu”, bị “lệch tâm” bởi những tư tưởng chủ đề khác. Chúng tôi minh họa cho luận điểm này bằng việc giới thiệu tóm lược bộ phim Milk (2008). Phim nói về Harvey Milk, chính trị gia gay đầu tiên được bầu vào hội đồng thành phố San Francisco. Trong suốt mấy chục năm qua, Milk vẫn là biểu tượng cho phong trào đấu tranh vì “gay” tại Mỹ. Đứng trước sự phân biệt đối xử của xã hội và chính quyền Mỹ - những người coi “gay” là một thứ bệnh dịch, một tội lỗi trước Chúa, Milk đã biến cửa hàng Castro Camera của mình ở San Francisco trở thành căn cứ đấu tranh hợp pháp cho “gay”, nơi đem lại cho những “con bệnh của nước Mỹ” niềm hy vọng. Phần lớn phim xoay quanh những cuộc vận động chính trị của Milk, những bài diễn văn cảm động, những giờ phút tuyệt vọng của Milk trước thế lực tôn giáo/phản đối giới tính thứ ba, luôn nhăm nhe đẩy giới gay ra ngoài vòng pháp luật, và đương nhiên, cả những suy nghĩ lạc quan đến khó tin của Milk trong vô vàn những khó khăn của cuộc sống riêng tư và sự nghiệp chính trị.
 

Phim Philadelphia

Cùng chung xu hướng tiếp cận diễn ngôn từ góc độ chính trị, xã hội phải kể đến bộ phim Philadelphia (1993). Được thai nghén từ câu chuyện có thật về Geoffrey Bowers - một luật sư đã kiện công ty luật Baker và McKenzie vào năm 1987 vì đã kỳ thị người bị AIDS khi cho một người bị mắc bệnh này nghỉ việc, Philadelphia được ví như một cú phản pháo ngoạn mục vào thành trì định kiến giới. Không có cốt truyện với những tình tiết ly kì, giật gân, những cảnh khoe da thịt cháy bỏng thường thấy trong Xu hướng thứ nhất, rõ ràng ở Philadelphia, tính chất nghiêm túc của một kịch bản tiên phong, của một diễn ngôn thẳng thắn/gai góc đã được thể hiện nghiêm túc trong suốt quá trình dàn dựng. Gần đây, Blue is the warmest colour - bộ phim mới nhất thắng giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 2013 về đề tài đồng tính nữ của Pháp bị “cáo buộc” có màu sắc chính trị vì ra mắt đúng vào thời điểm vừa diễn ra cuộc biểu tình của 150.000 người tại Paris nhằm phản đối việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới đang trào dâng.

Xu hướng thứ ba các đạo diễn đã đi sâu vào việc thể nghiệm những góc khuất thẳm sâu trong nội tâm con người, những tình yêu đồng tính đầy chân thành, cảm động. Nhắc đến xu hướng thứ ba này, không thể không kể đến đạo diễn Trần Khải Ca (Trung Quốc), Vương Gia Vệ (Hồng Kông) và Lý An (Đài Loan). Cả ba đạo diễn tài năng này đều lần lượt trình làng những tác phẩm kinh điển về đồng tính nam: Farewell My Concubine, Happy Together Brokeback Mountain. Dĩ nhiên, trong từng tác phẩm cách thức chuyển tải, thái độ ứng xử với đề tài đã kiến tạo nên những diễn ngôn khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung cả ba vị đạo diễn này đều khai triển, xây dựng diễn ngôn theo hướng tâm lý, tình cảm. Đây cũng là một trong nhiều chiều hướng khai thác khá thành công. Lý An - đạo diễn thuộc thế hệ Làn sóng mới thứ 2 của điện ảnh Đài Loan đã góp phần vào dòng chảy phim đồng tính nam hai tác phẩm với sự ngẫu hứng khác nhau về phong cách. Nếu như Brokeback Mountain là kể về một tình yêu buồn, thấm đẫm bi kịch thì câu chuyện The Wedding Banquet lại mang một không khí thoải mái, dễ chịu. Hai bộ phim với hai diễn ngôn khác nhau được quy chiếu từ cùng một hướng tiếp cận nhưng lại khác nhau về thái độ, cách ứng xử của chính đạo diễn đối với vấn đề. Diễn ngôn của Lý An qua bộ phim The Wedding Banquet là: cho dù nền văn hóa Á Đông, dẫu có kỷ luật khuôn phép đến đâu, thì cuối cùng cuộc sống vẫn phải do ta quyết định chứ không phải do những yếu tố văn hóa hay gia đình.

Phim Brokeback Mountain
Phim The Wedding Banquet

 

Phim Monster

Một “góc khuất” khác cũng thường được các đạo diễn tiếp cận ở mức độ khốc liệt, dữ dằn hơn, thường để lại cảm xúc đắng đót, xót xa về thân phận và kiếp người. Chuyển thể từ câu chuyện có thật về Aileen Wournos, một trong những nữ sát nhân hàng loạt ở Mỹ, Monster (2003) là một chuỗi những ám ảnh, day dứt miên man. Wournos có một tuổi thơ bất hạnh, khó khăn, bị chà đạp bởi những kẻ nghiện ngập ở Michigan. 13 tuổi, cô đã trở thành gái điếm và đã mang thai. Cô chuyển sang hành nghề mại dâm chuyên nghiệp khi đến Florida và đối tượng phục vụ chính là những gã lái xe tải. Câu chuyện tập trung trong khoảng thời gian 9 tháng từ 1989 đến 1990 - thời điểm Wuornos có mối quan hệ đồng giới với cô gái trẻ Selby. Và kể từ lúc đó, để có tiền trang trải cho cuộc sống mới với tình nhân, cô đã bắt đầu giết những khách hàng của mình mà không phải bán dâm. Kết cục tử hình - cái án cao nhất mà Wuornos lĩnh thật xứng đáng với tội trạng của cô. Các vị quan tòa công lý đã không sai khi tuyên phạt nhưng liệu có tòa án lương tâm nào đứng ra biện hộ, thanh trừng những kẻ đã bôi đen cuộc đời cô khi chỉ mới 13 tuổi? Bộ phim không chỉ đề cập đến những vấn nạn nóng bỏng, mà còn chất chứa nhiều suy ngẫm về tình người.

Chúng tôi ý thức được việc chỉ ra sự trình hiện của đề tài đồng tính trong lịch sử điện ảnh và khái quát các xu hướng tiếp cận trong hai thập niên gần đây, chỉ mang tính chất gợi mở, còn hết sức giản lược. Bởi, thực tế, mảng điện ảnh đồng tính rất phong phú, sinh động nên thiết nghĩ mọi tham vọng nắm bắt, miêu tả một cách đầy đủ, toàn diện sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có một thực tế, đó là cái nhìn, quan điểm xã hội đã dần dần cởi mở hơn. Trong điện ảnh, điều này không chỉ được hiển hiện thông qua số lượng ngày càng lớn các tác phẩm, mà đặc biệt ở sự xuất hiện một cách nở rộ, trào dâng các liên hoan phim (LHP) đồng tính(4) và những giải thưởng, đề cử danh giá tại các LHP lớn nhất hành tinh như: Venice, Berlin, Oscar, Cannes(5)… Chúng tôi đồng ý với quan điểm: “Không ai được quyền chọn lựa giới tính của mình khi sinh ra, nhưng người ta được lựa chọn cách sống với giới tính mà mình đang có”(6)… Thiết nghĩ, vấn đề này, rất cần/cần hơn nữa sự đồng cảm, chia sẻ từ những đạo diễn và khán giả để vấn đề đồng tính trên điện ảnh nói riêng và các loại hình nghệ thuật nói chung không-còn-đơn-giản-chỉ-là-“sự xúc phạm con người”.

L.Q.H
(SHSDB22/09-2016)

---------------
(1) Bộ luật Hays (The Motion Picture Production Code) được ban hành vào tháng 3 năm 1930 bởi các hãng phim lớn ở Mỹ, thực thi từ năm 1934 và hủy bỏ năm 1968) đề ra những nguyên tắc chỉ đạo trong việc kiểm duyệt, sản xuất phim. Bộ luật như một động thái đối phó với các vụ bê bối ma túy, tình dục bừa bãi. Cụ thể, bộ luật được thành lập dựa trên 3 nguyên tắc chung: Các bộ phim được sản xuất không hạ thấp, vi phạm các nguyên tắc tiêu chuẩn đạo đức của người xem, không được lôi kéo, dẫn dụ sự cảm thông của khán giả vào tội phạm, tội ác, hành vi sai trái; Những tiêu chuẩn của cuộc sống, những chủ đề thiết yếu của phim ảnh và giải trí sẽ được trình chiếu; Luật pháp, tự nhiên, con người không được nhạo báng.

(2) Điều luật 175 quy định: Quan hệ đồng giới, dù nam hay nữ đều bị tống vào tù và chờ xét xử, bị tước quyền công dân mãi mãi. Điều luật 175 này còn tồn tại trong luật pháp của Đức đến tận những năm đầu của thế kỷ thứ 20 mới được bãi bỏ sau cuộc đấu tranh bạo lực của người đồng tính.

(3) Cách mạng tình dục, chỉ cuộc cách mạng tình dục diễn ra ở Phương Tây trong những năm thập niên 1960 và 1970. Là giai đoạn công khai về tình yêu trước và sau hôn nhân, sự mãn nguyện về thể xác hơn là sự ràng buộc bởi các nghĩa vụ, trách nhiệm đạo đức, tinh thần. Nhưng virut AIDS xuất hiện vào năm 1980 đã giáng cú đòn choáng váng vào thức nhận về tình yêu tự do và cách mạng tình dục, người ta có xu hướng tìm/thực hành/ hướng đến trở lại các giá trị đạo đức gia đình bền vững và tình dục truyền thống. (Theo Wikipedia).

(4) Một số LHP đồng tính tiêu biểu như: LHP Melbourne (tính đến năm 2014 đã tròn 24 tuổi) và LHP Brisbane tại Úc, LHP Kahish tại Ấn Độ, LHP đồng tính Reeling, LHP đồng tính nam và nữ tại Hong Kong…

(5) Năm 1969, Midnight Cowboy (đạo diễn John Schlesinger) được 7 đề cử Oscar và đoạt 3 giải quan trọng: Phim, Đạo diễn và Kịch bản xuất sắc nhất. Năm 1993, Philadelphia (Jonnathan Demme) đoạt 2 giải thưởng Oscar, 11 giải thưởng cùng 14 đề cử tại các LHP khác. Năm 2005, Brokeback Mountain (Lý An) vinh danh với 3 giải thưởng Oscar, 97 giải thưởng và 67 đề cử tại các LHP khác… Ngoài ra còn rất nhiều các bộ phim khác đoạt giải mà chúng tôi chưa thể liệt kê hết được.

(6) Câu thoại trong bộ phim đồng tính Việt Nam gây nhiều tiếng vang tích cực Hotboy nổi loạn, câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, 2011).






 

Các bài mới
Các bài đã đăng