Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-16)
Người nghệ sĩ lớn và sự bình dị
09:59 | 25/10/2016

HẠ NGUYÊN  

Từ ngày 3/9 đến 12/9, danh họa Nguyễn Đại Giang đã về Huế bày tranh nghệ thuật đảo ngược. Một cuộc triển lãm kỳ thú, và cả những hoạt động của ông cũng góp phần làm cho Huế sôi động: vẽ ký họa chân dung cho công chúng, nói chuyện với sinh viên Đại học Nghệ thuật Huế, tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế 3 bức tranh, trong đó có bức “Ca Huế trên sông Hương” thật sự tuyệt mỹ …

Người nghệ sĩ lớn và sự bình dị
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang bên bức tranh “Ca Huế trên sông Hương”

Tôi, Lê Huỳnh Lâm, Lê Vĩnh Thái, Lê Tấn Quỳnh, Lê Minh Phong, Phạm Tấn Xuân Cao đón ông vào sáng 1/9/2016 tại Ga Huế. Tàu đến trễ một chút nhưng không ai phàn nàn vì tất cả đều biết sẽ rất vui khi gặp ông. Và kia rồi, từ toa số 8 tàu S1 từ Hà Nội vào, ông bước xuống. Khi nhìn thấy chúng tôi, ông nở nụ cười rạng rỡ, nói rất to “A, các bạn đây rồi, tôi được về nhà rồi”. Tôi ngạc nhiên khi hành lý của ông mang theo chỉ là một cái va ly, một túi xách đeo ở vai đã sờn và một túi ni lông đựng đầy sách thế giới viết về ông. “Còn cái gì trên toa nữa không?”, tôi hỏi. Ông cười xòa, giọng sung sướng: “Hết rồi, chỉ thế này thôi, tranh trong va ly”.

So với năm 2014 khi ông về Huế tặng tôi bức tranh “Những con đom đóm”, bây giờ ông đã già hơn, năm nay tuổi đã 73 (ông sinh 1944), tai ông nghe không rõ lắm, nhất là cái giọng Huế âm sắc không cao.

Ở sân ga, tôi trao đổi ngay với ông. “Có hai loại giá phòng, một là 500 ngàn/ đêm, và một loại 250 ngàn/đêm, anh ở loại nào?” Ông nói ngay: “250 ngàn đi, phòng chỉ để về ngủ chứ có làm gì đâu”.

Đưa ông về khách sạn Tre Xanh trên đường Hùng Vương, khi treo áo quần lên trong tủ cho ông, tôi thêm lần ngạc nhiên khi thấy ông chỉ đem theo hai bộ áo quần. Tất cả những gì thuộc về ông đều đơn giản hết sức, không có chút gì màu mè. Tôi hỏi “Có đủ để thay không anh?” Ông cười “Ồ, quá sức thừa thải ấy chứ. Nghệ sĩ mà, càng đơn giản càng tốt”. Đơn giản, bình dị gần như đã thuộc về phong cách của ông, cả ngoài đời và trong tranh vẽ. Cách sống đơn giản ấy đã làm chúng tôi yên tâm khi đón ông về Huế triển lãm lần này, từ 3/9 đến 12/9/2016, bởi bản thân chúng tôi cũng vốn xa lạ chốn phù hoa.

Nhóm họa sĩ Huế: Nguyễn Ánh Dương, Trần Xuân Minh, Dương Công Khuyên, Vũ Duy Tâm, Nguyễn Đăng Sơn…, đã rất nhiệt tình và cũng rất vui khi được giúp danh họa Nguyễn Đại Giang đóng chassis cho tranh và treo tranh. Chiều 1/9, sau khi nhóm đóng tranh xong, tôi mời anh em họa sĩ và ông ra một quán ven sông. Ông nhận ra ngay chỗ cũ. “A, chỗ này chúng ta đã từng ngồi ở đây, bên sông Hương. Tuyệt vời”. Ông hay dùng chữ “tuyệt vời” một cách hồn nhiên. Năm 2014, tôi cũng mời ông uống bia ở đây, cùng với một số anh em. Dịp đó ông ký họa cho tất cả những ai có mặt: Phạm Tấn Hầu, Đinh Thu, Lê Huỳnh Lâm, cả anh Nguyễn Lương Thịnh và một người bạn từ Đồng Tháp đến Huế chơi.

Là một họa sĩ tên tuổi lừng danh thế giới, vậy mà ông không hề câu nệ cái chuyện vẽ chân dung cho công chúng, những con người hết sức bình thường. Ai nhờ ông cũng “chiều”, giọng rất vui vẻ, sảng khoái. Chiều 1/9, nhà thơ Lê Vĩnh Thái chủ động đem đến một số toan và màu, ông thấy thế rất sướng: “A, vẽ luôn cho nó “máu” hả”. Ông nói trong ngữ cảnh này, phải dùng từ “máu” của tuổi teen mới đã, và cười vang. Có cảm giác cái hồn nhiên của ông như đang lan tỏa, bay rất nhẹ như gió bồng bềnh trên sông Hương. Ông gọi họa sĩ trẻ Trần Xuân Minh ra làm mẫu để ký họa chân dung ngay. “Minh có bộ râu đẹp quá, phải vẽ nó trước”. Chỉ năm phút, một Minh Râu upside down đã hiện lên, thần thái giống lạ lùng. Tôi biết Minh rất hạnh phúc. “Ôi ông lớn lao mà bình dị quá” - Minh nói. Lần lượt nhà thơ Ngô Minh, Lê Vĩnh Thái… đều được danh họa Nguyễn Đại Giang ký họa.
 

Văn Cao và Trịnh Công Sơn
Áo dài

Hôm sau, 2/9, sau khi treo tranh, chúng tôi kiếm một góc vườn đầy tre trúc ngồi với nhau. Ông rất thích khung cảnh thiên nhiên đó. Lại vẽ, lần này là các nữ họa sĩ tương lai, các họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn, Nguyễn Ánh Dương…

Chỉ mới hai hôm mà tranh ký họa upside down của Nguyễn Đại Giang ở Huế khá nhiều. Tôi đùa mà thật: “Huế đang vui nghệ thuật upside down. Các bạn giữ cho khéo nhé, sau này tôi sẽ tổ chức triển lãm ký họa chân dung upside down của Nguyễn Đại Giang tại Huế”.

Sau hôm khai mạc, các nhà báo tới phỏng vấn ông, đề nghị ông vẽ chân dung, ông ký họa ngay. Nhà báo Minh Tự đem tới tấm toan, ông ký họa xong, đề vào tranh “Mừng sinh nhật Minh Tự”, quả là một sinh nhật khó quên. Ngồi với nhà báo Hữu Thu bên sông Hương, ông cũng vẽ tặng kỷ niệm.

Chỉ chừng đó, một triển lãm ký họa chân dung của Nguyễn Đại Giang trong tương lai mà tôi nửa đùa nửa thật đã định hình. Trong hơn mười ngày ở Huế, ông đã ký họa chân dung cho hơn 40 người. Cho đến lúc chờ tàu ở nhà ga rời Huế về Hà Nội chiều 14 tháng 9, ông tiếp tục ký họa hai bức chân dung cho Lê Vũ Trường Giang và Phạm Tấn Xuân Cao - hai bạn trẻ của Tạp chí Sông Hương cùng lên tiễn danh họa.

Không phải họa sĩ nào cũng dễ nhận lời vẽ chân dung như ông. Ông lại thích thú làm việc đó khi thấy nó đem lại cho người xung quanh niềm vui. “Hôm nay vui quá, đem lại bao nhiêu tiếng cười”. Sau một cuộc vui hay thăm thú nào, trên đường chở ông về chỗ nghỉ, ông đều nói với tôi câu đó.

Gần ông, tôi nhận ra sự đơn giản, sự bình dị của ông, đem lại cho người ta cảm giác gần gũi; sự tận tình của ông, đem lại cho người ta niềm vui; nhưng sự hồn nhiên của ông, mới đem lại cho người ta nhiều bài học về ý nghĩa cuộc sống.

Anh Nguyễn Chí Tuệ, Giám đốc Khách sạn Sông Hương khi nghe tin ông về triển lãm tại Huế, sau triển lãm sẽ tặng cho Thừa Thiên Huế 3 bức tranh đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật tương lai, hiện đang tự thuê khách sạn, đã mời ông về khách sạn Sông Hương ở miễn phí. Ông rất vui khi đón nhận cái tin ấy. Ông càng vui khi Giám đốc Nguyễn Chí Tuệ đã tinh tế bố trí cho ông căn phòng nhìn ra vòm cây sứ trong sân, phía bên kia là sông Hương. Tôi cám ơn anh Nguyễn Chí Tuệ, anh nói: “Đừng cám ơn, vì việc chúng ta đang làm là cũng vì Huế thôi”…

Ngay sau khi dọn về khách sạn Sông Hương, ông hứng khởi nói với người học trò - họa sĩ Tuấn Định, có 10 năm vẽ upside down như ông: “Chiều đi kiếm giấy vẽ Huế nhé, ký họa càng nhiều càng tốt”.

Ông nói ông theo một cái đạo, đó là “Đạo nghệ thuật”. Thời trai trẻ ông rất đào hoa, sau này có tuổi, ông chỉ tâm niệm hết mình cho nghệ thuật và ông đã vịn vào đó để từ chối nhiều người phụ nữ đến với ông. Ăn mặc chỉ đơn thuần tồn tại, cũng không có nhu cầu làm ra tiền và tiêu tiền vì mọi cái Chính phủ Mỹ đã lo hết cho ông. Vậy thì ông cứ vui hết mình với cái “Đạo nghệ thuật” của ông.

Rồi ông kể khá nhiều chuyện tôi chưa hề biết. Những câu chuyện tự thân cho người ta biết rằng ông sống đơn giản, bình dị như thế là bởi ông chỉ chú tâm vào nghệ thuật, còn tất cả những thứ còn lại, đều không đáng cho ông quan tâm. Và chính ông cũng ý thức đem cái giản đơn vào nghệ thuật một cách có chủ đích. Ông kể hồi ở Nga, ông xem một phòng tranh mà ở đó, người họa sĩ đã vẽ khá rườm rà. Tuy nhiên, có lẽ vì nể nang, nhiều người đã khen tranh đẹp. Chỉ khi người ta hỏi ý kiến ông, ông nói thẳng, tranh rườm quá không đẹp. Một thành viên ban tổ chức đã đến bắt tay ông: “Ông đúng là một nghệ sĩ chân chính”.

“Đừng ngộ nhận phải hoành tráng, phải to lớn người ta mới chú ý. Nghệ thuật không cần vậy. Thành phố Huế cũng vậy, nó nhỏ nhưng có rất nhiều cái cả thế giới phải chú ý”.

Ở Tòa nhà Không gian Nghệ thuật Seatle, nơi Chính phủ Mỹ mời ông vào ở cùng với các họa sĩ khác trên thế giới, có một bức họa ông vẽ đại văn hào Sếchxpia được người ta treo ngay cửa ra vào thang máy, ai đi ra đi vào tòa nhà đều nhìn thấy bức tranh đó. Ở dưới bức tranh, người ta đề dòng chữ “Đây là bức tranh của Nhân dân Mỹ, được vẽ bởi họa sĩ Nguyễn Đại Giang”.

Với việc đề xướng một upside down cho nền hội họa thế giới, ông đã khiến cho cả thế giới kính nể con người Việt Nam. Nhiều người cho rằng ông đã thật sự đánh đổ nền mỹ thuật phương Tây hiện đại. Ông nói “Không, tôi không đánh đổ, tôi chỉ góp phần mình trong nền mỹ thuật thế giới, góp vào khu vườn ấy một bông hoa từ Việt Nam”.

Ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tiếp nhận tranh của danh họa Nguyễn Đại Giang tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế tương lai


Hồn cốt dân tộc luôn ở trong ông, làm nên bản sắc dân tộc trong tranh của ông. Những bức tranh rất đẹp của ông như “Ca trù”, “Ca Huế trên sông”, “Chiều vàng”, “Chúc tết”… đều mang đậm tâm hồn Việt. Ông nói đùa mà lại thật: “Việt Nam mình có cây mít đã làm nghệ thuật đảo ngược từ lâu. Các loài cây khác có trái trên ngọn, cây mít lại có trái từ dưới gốc”.

Hôm đưa ông đi thăm lăng Thiệu Trị, ông rất thích thú khi nhìn thấy cây vả với rất nhiều cuống trái vả tua tủa xung quanh. Ông nói sẽ đưa cái cây này vào tranh, “Nó cũng đảo ngược như cây mít”, ông nói và cười rất to. Thăm Đàn Nam Giao, ông tinh ý đến bên cột đèn xuất xứ từ Pháp, chỉ vào con sư tử chạm trên cột đèn, “Con lân của cha ông Việt Nam mình làm đẹp hơn con sư tử này nhiều”. Khi ở lăng Thiệu Trị, ông cũng đã nhờ tôi chụp rất nhiều hình ông đứng bên đầu con lân đá…

Hôm khai mạc phòng tranh của ông, rất người tới dự dù hôm đó nằm trong những ngày nghỉ lễ, người ta đưa nhau đi chơi. Cuối chiều, khi khách tham quan về hết, tôi chợt thấy dịch giả Bửu Ý xuất hiện. Hai nghệ sĩ già nhận ra sự đồng cảm rất nhanh. Sau khi xem tranh, dịch giả Bửu Ý hóm hỉnh: “Đã có ai xem tranh của anh mà la ó chưa?” Nguyễn Đại Giang cười: “Nhiều người cũng hỏi tôi câu đó, nhưng cũng rất lạ là chưa anh ạ. Người ta, trái lại rất thích thú. Vừa rồi tôi triển lãm ở Mỹ có bức tranh vẽ chân dung bà Hillary Clinton đảo ngược, vậy mà công chúng Mỹ rất thích, đến chụp ảnh kỷ niệm rất nhiều”…

Và đây là vài dòng của dịch giả Bửu Ý ghi trong sổ cảm tưởng: “Nhìn đi nhìn lại mấy bức tranh, thấy “ngược” mà không “ngược”, lại nhìn ra thêm cái chất hóm hỉnh, chất trợn trừng thao láo, chất sống nóng, có luôn cả chất thơ rất bất ngờ. Tóm lại, nhận ra một khoảng trời tự do, xuôi ngược, không hạn chế…”.

Giữa cuộc triển lãm tranh ở Huế, có một sinh viên tên Kôn Thành, người dân tộc H’Re ở Quảng Ngãi đến xem. Cậu ta nói đã đi từ Quảng Ngãi ra để tận mắt xem tranh, gặp gỡ tác giả và hỏi thêm về nghệ thuật upside down. Danh họa Nguyễn Đại Giang đã giảng cho cậu ra về upside down gần hai tiếng đồng hồ và cậu ta “ngộ” ra thêm nhiều điều.

Điều ông mong ước ở tuổi 73 là có đủ sức khỏe để vẽ, đưa được thật nhiều hình ảnh Việt Nam ra với thế giới: “Cuộc đời mình bây giờ chỉ mong vẽ thêm tranh hay hơn, đào tạo được nhiều bạn trẻ hơn và mong cho nó vượt được mình, làm được nhiều việc cho đất nước, khiến thế giới phải nể Việt Nam”.

Từng chút một như thế, ông hồn nhiên mở lòng thu nhận, với sự bao dung bình dị, rồi sẽ thăng hoa trong tranh.

H.N
(SHSDB22/09-2016)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mẹ Lý Sơn (20/10/2016)
Chuyện làng (14/10/2016)