Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-16)
Biệt phủ Tuyên Hóa Vương - quá khứ bị lãng quên
08:33 | 06/12/2016

TRẦN VĂN DŨNG

Những ngôi phủ đệ là di sản văn hóa - lịch sử, kiến trúc nghệ thuật sống động, độc đáo của đất Cố đô Huế, có từ triều Nguyễn với 13 đời vua (1802 - 1945), và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Biệt phủ Tuyên Hóa Vương - quá khứ bị lãng quên
Phủ Tuyên Hóa Vương (trên), Cung An Định (dưới)

Đó là một thế giới riêng của những ông hoàng, bà chúa, thân vương, đại thần quyền quý triều Nguyễn. Phủ đệ tập trung chủ yếu ở các vùng Kim Long, Vĩ Dạ, Chi Lăng - Gia Hội, An Cựu, Phủ Cam… Ngày nay, nhiều phủ đệ đã không còn, một số không nhỏ khác bị chia năm xẻ bảy, bị chuyển đổi cấu trúc kiến trúc. Một số đệ phủ còn lại khá nguyên vẹn cũng đang đứng trước những thử thách rất lớn trước cơn lốc đô thị hóa. Trong đó, biệt phủ Tuyên Hóa có một số phận đặc biệt, trong một thời gian bị lãng quên, từng vang bóng một thời và nay là nơi lưu giữ những ánh hào quang quá vãng của Huế xưa. Quả thật, phủ Tuyên Hóa vẫn còn chứa đựng biết bao điều bí ẩn cần được khám phá.

1. Từ bức ảnh xưa hé lộ biệt phủ Tuyên Hóa Vương

Sau khi bức ảnh xưa chụp về công trình kiến trúc tuyệt đẹp mang dấu ấn đậm nét của sự kết hợp giữa hai phong cách kiến trúc Đông, Tây với dòng chú thích kèm theo: “1077. AN NAM - Hué -Palais du Prince Tuyen - Hoa, frère du Roi” (Phủ hoàng tử Tuyên Hóa, em trai nhà vua) được công bố trên mạng xã hội đã mang lại cho người xem, đặc biệt là những nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, những người yêu Huế một cảm giác hết sức ngỡ ngàng và ấn tượng về một công trình kiến trúc tuyệt đẹp ở Huế mà từ trước đến nay không có một công trình nghiên cứu nào đề cập đến. Sau đó đã có nhiều ý kiến trái chiều về lai lịch và chủ nhân công trình kiến trúc nói trên. Có nhiều người khẳng định rằng đó là bức ảnh chụp phủ An Định của Phụng Hóa công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (tức vua Khải Định về sau), là tiền thân cung An Định hiện nay vì đối sánh bức ảnh nêu trên và hình ảnh cung An Định ngày nay có một số nét tương đồng về kiến trúc. Họ còn giải thích thêm dòng ghi chú trên bức ảnh đã bị nhiếp ảnh gia người Pháp ghi nhầm là phủ Tuyên Hóa mà đáng lẽ ra phải ghi là phủ Phụng Hóa mới đúng?

Sau một quá trình nghiên cứu, chúng tôi khẳng định bức ảnh trên là phủ Tuyên Hóa, chứ không phải một công trình nào khác bởi những lý do sau:

Thứ nhất, căn cứ vào dấu triện son rất đặc trưng mang hình chiếc lư hương nhỏ, kèm theo mã số và địa danh cho chúng ta biết bức ảnh trên do nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils (1862 - 1937) chụp vì ông luôn có thói quen ghi chú trên mỗi tác phẩm của mình. Nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils đã hoạt động tại Đông Dương từ năm 1888 - 1925 và để lại một gia tài đồ sộ là hàng nghìn tấm bưu thiếp ghi lại hình ảnh đặc sắc về con người và phong cảnh tại các địa điểm khác nhau ở Đông Dương. Kinh đô Huế là chủ đề cuốn hút nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Trong hàng nghìn bức ảnh đó, hình ảnh Huế một thời hiện lên và cho đến ngày nay nó lại càng có giá trị không chỉ với Huế mà còn cả với lịch sử Việt Nam. Đó là những bức ảnh chụp về Đại nội, phong cảnh, con người, đời sống hoàng gia, phủ đệ, chùa chiền,... ở Huế xưa; trong đó có bức ảnh tuyệt đẹp về biệt phủ Tuyên Hóa1.

Thứ hai, theo sử sách phủ An Định của Phụng Hóa công Nguyễn Phúc Bửu Đảo xây dựng năm 1902 là ngôi nhà rường 3 gian 2 chái như bao nhiêu phủ đệ của các ông hoàng bà chúa khác dưới triều Nguyễn. Năm 1916, sau khi vua Duy Tân bị giặc Pháp bắt đi đày, Bửu Đảo lên ngôi lấy niên hiệu là Khải Định. Năm 1917, vua Khải Định cho xây dựng lại phủ Phụng Hóa thành một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ, gọi là An Định cung và tặng cho hoàng tử Vĩnh Thụy (Bảo Đại). Do vậy nếu cho rằng công trình kiến trúc trong bức ảnh trên là phủ An Định hoặc cung An Định sau này thì theo chúng tôi hoàn toàn không chính xác.

Thứ ba, nếu cho rằng vua Khải Định cho phá hủy hoặc cải tạo công trình kiến trúc đẹp lộng lẫy và đồ sộ như trong bức ảnh của Pierre Dieulefils để xây dựng một công trình kiến trúc mới như cung An  Định thì thật quá lãng phí. Trong lúc đó, vua Khải Định không khá giả cho mấy khi còn phải lệ thuộc vào kinh phí viện trợ của Pháp. Trong bài văn Ngự chế do vua Khải Định viết vào tháng 9 năm 19202 còn bảo lưu tại cung An Định cho người đời sau biết vua Khải Định đã bỏ tiền riêng của mình ra xây dựng tòa cung điện này để ban tặng cho con trai trưởng Vĩnh Thụy làm tài sản tư hữu truyền tử lưu tôn.

Thứ tư, nhìn vào tổng thể công trình kiến trúc trong bức ảnh phủ Tuyên Hóa đối sánh với bức ảnh cung An Định hiện nay thì chúng ta nhận thấy hai công trình có những đặc điểm kiến trúc và mô típ trang trí hoàn toàn khác nhau, không thể nói đó là một bản sao từ cung An Định.

Thứ năm, một thông tin quan trong cuốn sách “Sur les butes d’Annam: de Hanoi a Hué en automobile, les fêtes du Têt et du Conseil de gouvernement dans la capitale annamite/J.B.Saumont, 1913” (Trên những “núi” của An Nam: từ Hà Nội đến Huế bằng xe hơi, những ngày lễ Tết và Hội đồng quản trị trong thủ đô của Annam/J.B.Saumont, 1913) có đoạn ghi chép như sau: “La ville de Hue est située sur le fleuve“Sông-Huong-Giang” (fleuve des parfums), souvent aussi désigné sous le nom de“Sông- Thuong-Thiên” (fleuve des travaux publics), parce qu’autrefois, à remplacement aujourd’hui occupé par la maison du prince Tuyèn-Hoa, s’élevaient les ateliers indigènes"3 (Thành phố Huế nằm trên "sông Hương Giang” (sông Hương), cũng thường được gọi là “sông-Thượng Thiện” (sông của các công trình công cộng), vì trong quá khứ, có những công trường bản xứ ở địa điểm phủ hoàng tử Tuyên Hóa hiện nay). Từ những ghi chép của J.B.Saumont cho thấy có một phủ đệ của hoàng tử Tuyên Hóa, vị trí tọa lạc nằm bên bờ sông Hương, còn cung An Định lại tọa lạc bên bờ sông An Cựu.

Từ đó, một lần nữa, kết nối những thông tin nghiên cứu được chúng tôi cho rằng bức ảnh do nhà nhiếp ảnh Pierre Dieulefils chụp nêu trên là phủ đệ của ông hoàng Tuyên Hóa, em trai của một vị vua triều Nguyễn.
 

Bình phong phủ Tuyên Hóa Vương Nhà nhiếp ảnh người Pháp đã chú thích sai bình phong phủ Tuyên Hóa thành bình phong trước Viện Cơ Mật. Chúng ta dễ dàng nhận thấy bình phong Phủ Tuyên Hóa qua cổng phủ có dạng cổ lâu phía sau, họa tiết trang trí, dòng chữ Triện trên bức bình phong và hoa văn trên bờ tường rào.

Căn cứ bức ảnh do Pierre Dieulefils chụp lại, chúng tôi xin bước đầu phác thảo các hạng mục kiến trúc chính của phủ Tuyên Hóa gồm: Cổng ngõ, la thành, bình phong, nhà chính được bố trí trên một trục dọc theo chiều bắc-nam.

Cổng chính của phủ Tuyên Hóa xây bằng gạch, vôi vữa theo dạng vòm, có cổ lâu ở phía trên. Cổ lâu là một ngôi nhà nhỏ được lợp ngói, được trổ hai cửa vòm trước sau, xung quanh được bao bằng các lan can. Xung quanh phủ Tuyên Hóa có la thành bằng tường gạch bao bọc. Bức bình phong nằm phía sau cổng chính, xây bằng gạch theo kiểu cuốn thư, trang trí họa tiết “Lưỡng long tranh châu” và các biểu tượng truyền thống vô cùng tỉ mỉ, công phu, màu sắc lộng lẫy bằng nghệ thuật khảm sành sứ. Phía sau bình phong là công trình kiến trúc chính của phủ Tuyên Hóa. Kiến trúc lầu 2 tầng, xây dựng bằng các vật liệu mới (xi măng, sắt thép) pha trộn các vật liệu truyền thống theo kiểu hiện đại, mang phong cách châu Âu. Mái lầu lợp ngói liệt, mặt trước lầu được trang trí rất công phu. Đây cũng chính là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong cấu trúc tổng thể của phủ Tuyên Hóa. Nhìn chung, phủ Tuyên Hóa mang những giá trị độc đáo, pha trộn phong cách nghệ thuật Âu - Á một cách có chừng mực nhưng tính Á Đông vẫn là sự nổi trội đáng kể của công trình kiến trúc ấn tượng này, đó cũng là dấu ấn văn hóa - lịch sử của xứ Huế những năm đầu thế kỷ XX. Điều đó một lần nữa chứng minh vào thời kỳ giao thoa văn hóa Pháp - Việt vào thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã để lại những nét đặc sắc tinh tế trong kiến trúc cung đình triều Nguyễn.

Từ đó, một câu hỏi lớn được đặt ra. Vậy, chủ nhân của phủ Tuyên Hóa là ai?

 

Thiết đại triều trong Điện Thái Hòa sau khi lễ tế Đàn Nam Giao năm 1921 xong. Vua Khải Định ngồi trên ngai vàng. Đứng trên bệ, bên tả là Đức ông Hưng Nhân, quan Thượng Lại Nguyễn Hữu Bài, quan Thượng Học Hồ Đắc Trung; bên hữu là Đức ông Tuyên Hóa, quan Thượng Hình Tôn Thất Hân, quan Thượng Công Đoàn Đình Duyệt và quan Tả tôn khanh Phủ Tôn nhân. (Nguồn: Tạp chí Nam Phong số 46 năm 1921, tr. 256)

2. Cuộc đời, hành trạng và lăng mộ Tuyên Hóa Vương

Ông hoàng Tuyên Hóa có tên là Nguyễn Phúc Bửu Tán (tên gọi khác là Nguyễn Phúc Bửu Thiện)4. Ông là con trai thứ 95 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Huệ hoàng hậu Phan Thị Điểu, và là cháu nội Thụy Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y, gọi vua Thiệu Trị là cụ nội. Ông hoàng Bửu Tán là người ham học hỏi. Khác với những vị hoàng thân đương thời, ông học chữ Nho và học chữ Pháp. Ông thường được vua Thành Thái cho phép ra Nội các đọc sách để nâng cao trình độ tri thức và được nhà vua ban đặc ân cho mời các vị quan đại thần tinh thông Hán học và Pháp văn phụ đạo. Vì vậy, ông hoàng Bửu Tán sớm tiếp cận với nền văn minh phương Tây, đặc biệt là nền văn minh Pháp. Đây là một lý do quan trọng làm cho kiến trúc phủ đệ của ông ra đời sau này mang đậm dấu ấn rõ nét của công trình kiến trúc Pháp. Năm Thành Thái thứ 12 (1900), ông được phong tước Tuyên Hóa quận công6, cho lập phủ riêng. Sách Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên có đoạn chép: “Tấn phong hoàng đệ Bửu Thiện (tức Bửu Tán, con thứ chín của Cung Huệ hoàng đế) là Tuyên Hóa quận công (kế sắc cho cưới Nguyễn Thị Đình… cùng trích vật hạng trong kho và 5000 đồng ban cho, lại bàn chiểu lệ trích tiền công 4.000 quan xây dựng phủ đệ)7. Qua dòng sử liệu này cho thấy, phủ Tuyên Hóa được khởi công xây dựng khoảng từ năm 1900, sau khi ông hoàng Bửu Tán được phong tước Tuyên Hóa quận công và lập gia đình.

Tháng Giêng năm Giáp Thìn, niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904), nhà vua bắt đầu mở Trường Tôn học dành cho các tôn tước, công tử công tôn thông minh vào học, được gọi là Tôn sinh. Còn Ấm sinh là con quan hàm đường từ tam phẩm trở lên có học thức và đạo hạnh. Sảnh đường Cơ Mật viện cũ là nơi giảng tập. Vua Thành Thái giao trọng trách cho Tuyên Hóa quận công Bửu Tán kiêm quản Tôn học và soạn thảo quy chế chương trình học dâng lên vua xem xét phê duyệt thực hiện. Sử sách triều Nguyễn ghi chép: “Bắt đầu đặt Trường Tôn học, ban dụ nói: Văn học Thái Tây dịch ra chữ quốc ngữ nước ta rất là cần thiết, trẫm đã tham khảo châm chước quyết định, lại dặn dò sai bảo các tôn tước cùng Công tử Công tôn đều nên học tập để chờ ngày hữu dụng, tới như những người trẻ tuổi thông minh đỉnh ngộ cũng cho vào học. Bèn sai Tuyên Hóa quận công Bửu Tán kiêm quản Tôn học, nghĩ định quy chế chương trình tâu lên để thi hành.”8

Năm sau, ông được phong tước Tuyên Hóa công. Ông được triều đình và hoàng tộc đánh giá là một trí thức học rộng, có tài năng, một con người có nhân cách nên Phủ Tôn nhân đã dâng sớ xin cho ông kiêm nhiếp Phủ Tôn nhân9 vào năm Thành Thái thứ 17 (1905). Sử triều Nguyễn chép: “Phủ Tôn nhân dâng sớ xin ban sắc cho Cơ mật viện bàn chuẩn cho Tuyên Hóa công Bửu Tán kiêm nhiếp việc Phủ Tôn nhân (Sớ đại lược nói: Năm Minh Mạng thứ 17 bắt đầu đặt ra Phủ Tôn nhân, phụng chuẩn lấy bốn hoàng tử làm Tả Hữu Tôn chính, Tả Hữu Tôn nhân, trên thì biên soạn phả điệp, dưới thì tuyên dương giáo lệnh, thân sơ có thứ tự, trách nhiệm rất quan trọng, các triều tuân theo quả thật không đổi phép hay. Trong đời Thành Thái thân phiên kiêm nhiếp việc phủ phần nhiều vì già bệnh nên để khuyết chức, rất cần chọn người thay thế. Tháng 5 năm trước chuẩn đặt thêm Tả Hữu Tôn khanh mỗi chức một người, lấy Thượng thư bộ Lễ Lê Trinh, Tham tri bộ Hộ Tôn Thất Đạm kiêm nhiếp. Lê Trinh đã từ chức ở phủ, kế Tôn Thất Đạm được bổ chức ở tỉnh ngoài, thần Miên Lịch ngày càng già yếu, hiện nay việc phủ bề bộn sợ khó chu toàn, trộm nghĩ kiêm quản Tôn học Tuyên Hóa công Bửu Tán tuổi lớn nết thuần, rất có học thức, có thể làm gương cho hoàng phái, ngẩng xin ban sắc cho Cơ mật viện bàn chuẩn kiêm nhiếp để may mắn có người chấn chỉnh. Vua ưng thuận lời tâu10. Sau một thời gian đảm nhiệm chức vụ quan trọng ở Phủ Tôn nhân, ông đã có nhiều đóng góp cho việc tổ chức hoạt động Phủ Tôn nhân và quản lý tốt vấn đề về hoàng gia triều Nguyễn lúc bấy giờ. Vào năm 1906, vua Thành Thái ngự giá Bắc tuần bèn phong Tuyên Hóa công làm Hộ giá thân thần.

Những sự kiện lịch sử nêu trên cho thấy, Tuyên Hóa công được triều đình và vua Thành Thái rất tin cẩn và tín nhiệm giao nhiều trọng trách quan trọng. Vua Thành Thái có tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp nên bị thực dân Pháp phế truất ngôi (năm 1907) rồi đầy sang đảo Réunion - một thuộc địa của Pháp bấy giờ. Có lẽ, Khâm sứ Trung kỳ Lévecque cũng lo sợ Tuyên Hóa công với vị thế và uy tín của mình trong triều đình và hoàng tộc sẽ có những hành động chống Pháp quyết liệt như anh trai mình (vua Thành Thái) trong thời gian đến nên Lévecque đã tìm cách buộc Tuyên Hóa công phải rời khỏi Kinh đô Huế để đến một nơi khác sinh sống. Sử triều Nguyễn chép rõ chuyện này như sau: “Khâm sứ đại thần Levecque bàn nói Tuyên Hóa công lanh lợi khôn khéo nhiều mưu kế, lưu lại ở kinh sợ có sinh sự, đã trình Toàn quyền đại thần cho phép Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận nơi nào ở được thì cho công tự chọn tới ở. Tuyên Hóa công xin tới Nha Trang, bèn do Phủ Phụ chính tâu lên, chuẩn cho suất lãnh gia quyến trong phủ 10 người dời tới dinh Án sát Khánh Hòa (lúc ấy đình đặt chức Tổng đốc, Bố chánh qua ở dinh Tổng đốc, Án sát qua ở dinh Bố chánh, còn dinh Án sát bỏ trống) trú ngụ (gặp ngày khánh tiết thì tới hành cung ở tỉnh ấy theo ban vọng bái)11. Năm Duy Tân thứ 2 (1908) Tuyên Hóa công và gia đình lúc đó đang sinh sống ở tỉnh Khánh Hòa xin về kinh chiêm bái tổ tiên thờ tự ở Huế nhưng Khâm sứ Trung kỳ Lévecque không cho phép. Năm sau (1909) nhân dịp ngày kỵ của Cung Huệ hoàng đế (Miếu hiệu vua Dục Đức), Tuyên Hóa công tiếp tục gửi thư xin phép về Kinh đô Huế chiêm bái, lúc này Khâm sứ Trung kỳ Lévecque mới cho phép12. Qua sự việc này đã phần nào nhận thấy âm mưu của người Pháp không cho Tuyên Hóa công về sống ở Huế mà muốn an trí ông ở Khánh Hòa trong một thời gian dài.

Năm Duy Tân thứ 4 (1910), khi nhận thấy Tuyên Hóa công không còn là một mối đe dọa lớn đến chế độ bảo hộ của Pháp, Khâm sứ Trung kỳ Lévecque đồng ý cho phép ông và gia đình quay trở về Kinh đô Huế sinh sống, và tiếp tục quản lý phủ Tôn nhơn làm việc. Quốc Sử Quán triều Nguyễn ghi chép “Chuẩn cho Tuyên Hóa công Bửu Tán về kinh (công vào tháng 10 năm thứ 1 dời tới ở trong dinh thự Án sát tỉnh Khánh Hòa, đến lúc ấy gởi thư cho Tòa Khâm sứ xin cho về ở trong kinh. Khâm sứ đại thần xét không thấy có gì đáng ngại bèn bàn tâu lên, cho như lời xin)13.

Sau này, với những đóng góp lớn cho triều đình ông được nhà vua phong tước Tuyên Hóa quận vương. Sau một trận ốm nặng, ông qua đời vào năm 1941. Nghe tin vua Bảo Đại và triều đình rất thương tiếc truy phong là Tuyên Hóa vương và cấp tiền tuất để tổ chức lễ tang chu đáo. Thi hài ông được triều đình an táng tại xã An Cựu, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy (nay là phường An Cựu, thành phố Huế).
 

Cổng phủ Tuyên Hóa Vương xưa, và cổng phủ Tuyên Hóa Vương nay

Ngày nay, lăng Tuyên Hóa vương nằm ở số 61 đường Ngự Bình (phường An Cựu, thành phố Huế). Khu lăng mộ xây dựng theo hướng Tây Bắc, dựa lưng vào núi Tam Thai làm hậu chẩm và dòng sông An Cựu trước mặt không xa làm minh đường để tụ thủy, tích phúc. Lăng Tuyên Hóa vương đã được con cháu trùng tu và có một số thay đổi nhỏ cách đây khoảng gần 10 năm nhưng nó vẫn giữ được kiến trúc cơ bản ban đầu của một ngôi lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn. Do vậy lăng Tuyên Hóa vương là nơi ẩn dấu bóng dáng mỹ thuật cung đình một cách rõ nét.

Bình đồ kiến trúc lăng Tuyên Hóa vương hình chữ nhật, gồm 2 tầng, được dẫn lên bằng hệ thống bậc cấp. Muốn vào chiêm bái lăng phải qua một cổng nhỏ, trên cổng đề Lăng Tuyên Hóa Vương. Điểm nhấn của tầng đầu tiên là nhà bia xây bằng bê tông cốt thép, có đôi rồng chầu hai bên các bậc cấp, mái đúc giả ngói ống, trong dựng tấm bia bằng đá Thanh. Bia cao 1,5m, rộng 0,74m, dày 0,15m đặt trên bệ; trán bia trang trí chạm nổi họa tiết “lưỡng long chầu nhật” (hai con Rồng chầu mặt trời) và thân bia chạm hình ảnh hoa lá cách điệu. Trên bia khắc bài dụ của vua Bảo Đại truy phong ông Bửu Tán là Tuyên Hóa vương do Ngự tiền Văn phòng Tổng lý đại thần Phạm Quỳnh viết vào năm 1941.

Nguyên văn:

保大十六年四月十五日

御前文房緫理大臣臣范瓊奉

上諭宣化郡王故寶巑係王室懿親天性聰慧乆居藩服心篤 忠貞處家樂善有古東平王之風方期長引天年尊榮共享詎意 一病長辞良深悼霹兹特凖追封為宣化王诏新爵給卹以彰厚 道而慰潜靈其合行事宜著有司炤例遵行欽此

尊人府遵錄

Phiên âm:

Bảo Đại thập lục niên tứ nguyệt thập ngũ nhật
Ngự tiền Văn phòng Tổng lý đại thần, thần Phạm Quỳnh phụng
Thượng dụ: Tuyên Hóa quận vương, cố Bửu Tán hệ vương thất ý thân, thiên tính thông tuệ. Cửu cư phiên phục, tâm đốc trung trinh, xử gia lạc thiện, hữu cổ Đông Bình Vương chi phong. Phương kỳ trường dẫn thiên niên tôn vinh cộng hưởng, cự ý nhất bệnh trường từ, lương thâm điệu tích. Tư đặc chuẩn truy phong vi Tuyên Hóa vương, chiếu tân tước cấp tuất dĩ chương hậu đạo nhi ủy tiềm linh. Kỳ hợp hành sự nghi trước, hữu ti chiếu lệ tuân hành. Khâm thử.
Tôn Nhân Phủ tuân lục


Dịch nghĩa:

Ngày 15 tháng 4 năm Bảo Đại thứ 16 (1941)
Ngự tiền Văn phòng Tổng lý đại thần Phạm Quỳnh viết:
Thượng dụ: Tuyên Hóa Quận vương, nguyên là Bửu Tán thuộc vương thất rất thân thiết, thiên tính thông tuệ. Bảo vệ bờ cõi đã lâu, lòng dạ ngay thẳng trung trinh, cư xử vui vẻ, hiền hậu, có phong thái của Đông Bình Vương14 thời xưa. Vừa mới hẹn theo trọn tuổi trời, tôn quý, vinh quang cùng nhau chung hưởng, nào ngờ một trận ốm mà mãi cách xa, thật là đau xót tiếc thương. Nay đặc biệt cho phép truy phong làm Tuyên Hóa vương, chiếu theo tước mới mà cấp tuất15 để biểu dương sự hậu đãi và an ủi hồn thiêng. Để cho việc thi hành được phù hợp cho nên soạn ra, các ti hãy chiếu theo qui định mà làm. Hãy kính trọng đấy.
Phủ Tôn nhân vâng theo mà sao chép lại16.

Tiếp đến hai bên nhà bia là 2 trụ biểu xây gạch trát vữa xi măng như hai ngọn đuốc tỏa sáng quyền uy và tài đức của Tuyên Hóa vương.

Tầng trên cùng là nơi đặt mộ phần, gồm có hai vòng thành hình chữ nhật bao bọc. Vòng tường ngoài có xây dựng cổng giả cổ lâu theo hướng Tây Bắc, phía dưới trổ một lối vào được đóng mở bằng hai cánh cửa, phía trên đề dòng chữ Hán: “宣化王寢 门Tuyên Hóa vương tẩm môn”. Cổng trang trí họa tiết bát bửu, hoa lá, có đôi câu đối bằng chữ Hán đã lưu mờ theo thời gian. Trên đỉnh cổng trang trí hai con rồng theo kiểu “lưỡng long chầu nhật”. Sau cổng có bình phong xây gạch án ngữ để ngăn chặn tà khí từ các hướng xấu chiếu vào lăng mộ.

Vòng thành trong xây hoàn toàn bằng gạch vồ, hướng Tây Bắc có hai trụ cổng dẫn vào mộ. Mộ được xây bằng gạch vồ và vôi vữa. Mộ thấp, phẳng, xây làm 2 tầng, hình khối chữ nhật. Trước mộ xây một nhà bia, trang trí họa tiết hoa lá cách điệu, trong dựng bia bằng đá Thanh. Bia cao 0,95m, rộng 0,5m, dày 0,11m đặt trên bệ; trán bia trang trí chạm nổi họa tiết “lưỡng long chầu nhật” và thân bia chạm hoa lá cách điệu. Nội dung văn bia khắc chữ Hán “顯考宣化王謚端恭之寢 Hiển khảo Tuyên Hóa vương thụy Đoan Cung chi tẩm” (Phần lăng mộ của cha là Tuyên Hóa vương, tên thụy là Đoan Cung), bên phải có dòng chữ 龍飛辛巳夏 Long Phi Tân Tỵ Hạ” (Long Phi, mùa hạ năm 1941), bên trái có dòng chữ: “永扶 拜立 Tử Vĩnh Phù bái lập” (Con là Vĩnh Phù kính lập).

Trong cuộc đời và sự nghiệp của Tuyên Hóa vương cũng cần nhắc đến những đóng góp của ông cho sự phát triển và truyền bá các bộ môn nghệ thuật truyền thống như Tuồng Huế, Ca Huế. Ông đã sáng tác nhiều điệu hát Nam ai, Nam bình và Quả phụ nổi tiếng trong Ca Huế. Nội dung các bài bản Ca Huế thường ngợi ca phong hoa tuyết nguyệt, là nỗi tự sự về thế thái nhân tình. Học giả Thái Văn Kiểm trong tác phẩm “Cố đô Huế - Lịch sử, cổ tích, thắng cảnh” có đoạn nhận xét về Tuyên Hóa vương như sau:

Sau công chúa Diệu Liên, có Tuyên Hóa quận vương, Tương An Quận Vương cũng có nhiều bài Nam âm được nhạc sĩ truyền bá.
... Quốc âm đời bấy giờ như thế, tưởng cũng ít nhà văn sánh kịp. Tuyên Hóa quận vương đã soạn khá nhiều từ khúc, được xứ Huế truyền tụng, nhất là bài “Quả phụ hàm oan”
Đề... đề... đề thi nhắn với tương tri.
Riêng vì... riêng vì con tạo...
Tạo làm ri... biết có duyên chi?...
17

Sự nghiệp sáng tác các làn điệu Ca Huế của Tuyên Hóa vương đã trở thành một di sản quý báu của quê hương. Và di sản này đã đóng góp một phần rất quan trọng cho việc phát triển và lan tỏa Ca Huế trở thành loại hình nghệ thuật bác học, mang tính hàn lâm. Ngoài ra, ông hoàng Tuyên Hóa thường dựng rạp để các diễn viên ở Thanh Bình Thự biểu diễn tuồng trong phạm vi phủ đệ cho mọi người thưởng thức. Điều này tạo điều kiện cho Tuồng cung đình Huế lan tỏa và phát triển ra dân gian.

Sau này, hậu duệ của Tuyên Hóa vương vẫn tiếp nối và phát huy truyền thống nghệ thuật của gia đình. Con trai của Tuyên Hóa vương là ông Vĩnh Phan được biết đến là một người nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ cổ truyền18. Vợ của ông Vĩnh Phan là bà Bích Liễu cũng là một trong những giọng ca nổi tiếng hàng đầu xứ Huế lúc bấy giờ. Đặc biệt, hai người cháu nội của Tuyên Hóa vương (con trai của ông Vĩnh Phan và bà Bích Liễu) là hai anh em (2 nhạc sĩ nổi tiếng của âm nhạc Việt Nam) Bảo Chấn - Bảo Phúc tiếp tục kế thừa những tinh hoa nghệ thuật do ông bà cha mẹ để lại.
 

Phủ Tuyên Hóa Vương xưa (trên), Phủ Tuyên Hóa Vương nay (dưới)

3. Tìm lại dấu tích biệt phủ Tuyên Hóa Vương qua tư liệu và thực địa

Sau một thời gian đi điền dã khảo sát khu vực hai bên bờ sông Hương nhằm tìm lại dấu tích xưa của biệt phủ Tuyên Hóa, cơ duyên và may mắn khi chúng tôi đã phát hiện ra biệt phủ Tuyên Hóa tọa lạc tại số 32 Trần Hưng Đạo, phường Phú Hòa, thành phố Huế. Ít ai chú ý đến phủ Tuyên Hóa nằm xen giữa phố thị đông đúc. Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh19, thời gian, điều kiện thời tiết khắc nghiệt… kiến trúc phủ Tuyên Hóa đã có nhiều thay đổi so với kiến trúc xưa nhưng chúng ta có thể nhận diện chính xác biệt phủ Tuyên Hóa qua những nét kiến trúc còn sót lại. Ngoài tổng thể kiến trúc phủ Tuyên Hóa, đáng chú ý là chi tiết trang trí biểu tượng mặt trời trên cổng ngõ phủ Tuyên Hóa tuy đã bị phá hủy một phần nhưng vẫn là cơ sở quan trọng để chúng ta nhận biết được công trình kiến trúc này là phủ Tuyên Hóa qua đối sánh với bức ảnh tư liệu xưa.

Có một số điều đặc biệt cần phải nói đến, đó là hầu hết các phủ đệ các ông hoàng bà chúa, nhà cửa các thế gia vọng tộc triều Nguyễn phần lớn được quy hoạch tập trung ở các xóm làng ven Kinh thành Huế như Vỹ Dạ, Kim Long, An Cựu, Phủ Cam… nhưng ông hoàng Tuyên Hóa lại chọn cho mình mảnh đất bên ngoài cửa Đông Nam (cửa Thượng Tứ) để lập phủ đệ. Và ông hoàng Tuyên Hóa cũng không lựa chọn kiến trúc nhà rường truyền thống mà quyết định chọn kiểu kiến trúc Pháp để xây dựng phủ đệ. Do vậy, công trình phủ Tuyên Hóa là bằng chứng sống động về giai đoạn đầu của sự tiếp nhận kiến trúc Tây phương trên nền tảng của truyền thống Đông phương.

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc là vì sao ông hoàng Tuyên Hóa có thể xây dựng phủ đệ cao 2 tầng tại vị trí nêu trên? Chúng tôi nghĩ có những lý do như sau:

Trước hết, phủ Tuyên Hóa được xây dựng vào đời vua Thành Thái (1889 - 1907), trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ dẫn đến mọi luật lệ được quy định từ các vị vua đầu triều Nguyễn đã trở nên lơi lỏng. Phạm vi vùng cấm nghiêm ngặt của khu vực phòng vệ Kinh thành Huế đã không còn được thực thi một cách triệt để. Ví dụ, miếu Long Thuyền20 được xây dựng ở vị trí quan trọng21 nằm giữa Phu Văn Lâu và cửa Quảng Đức, trên trục Dũng đạo của Kinh thành Huế. Việc xây dựng ngôi miếu này chắc chắn phải có sự đồng ý của triều đình chứ không thể xây dựng một cách tùy tiện. Vì vậy, chúng ta có thể suy luận một điều nếu binh lính thuộc Vệ Long Thuyền có thể xây dựng miếu Long Thuyền ở vị trí quan trọng đó thì không có gì ông hoàng Tuyên Hóa lại không xây dựng được phủ đệ nằm ở góc Đông Nam Kinh thành Huế.

Thứ hai, ông hoàng Tuyên Hóa là em trai vua Thành Thái đang tại vị, được nhà vua cho phép và cấp tiền bạc để xây dựng phủ đệ. Do vậy với vị thế của mình, ông lựa chọn cho bản thân mình một cuộc đất tốt về phong thủy hướng có mặt ra dòng sông Hương và tọa lạc gần chợ Đông Ba như lời tiền nhân đã nói: “Nhất cận thị, nhị cận giang” (nhất gần chợ, nhì gần sông) như là chốn lý tưởng cho việc lựa chọn để xây dựng nhà cửa. Ý định trên của ông hoàng Tuyên Hóa có thể thực hiện một cách dễ dàng mà không bị sự ngăn cản của triều đình lúc bấy giờ.

Thứ ba, nghiên cứu các nguồn tư liệu chúng tôi nhận thấy không chỉ có ông hoàng Bửu Tán lựa chọn mảnh đất nằm ở góc Đông Nam Kinh thành Huế để lập phủ đệ mà ông hoàng Bửu Liêm22 (còn gọi là ông hoàng Mười23) cũng xây phủ đệ khá gần vị trí phủ đệ của anh trai mình, (vị trí tòa Thương Bạc xưa, nay là Nhà Văn hóa thành phố Huế). Điều này cho thấy, trong lịch sử không phải chỉ có ông hoàng Bửu Tán là một trường hợp ngoại lệ xây dựng phủ đệ sát Kinh thành Huế.

Hiện nay, phủ Tuyên Hóa không còn giữ dáng vẻ kín cổng cao tường như xưa, thay vào đó là khuôn viên phủ đệ ngày càng nhỏ hẹp dần do bị chia năm xẻ bảy để xây dựng nhà cửa phục vụ nhu cầu sinh hoạt và buôn bán của người dân. Những công trình kiến trúc còn sót lại gồm nhà chính và cổng ngõ đang trong tình trạng xuống cấp. Cổng ngõ bị phá hủy phần cổ lâu phía trên. Ngôi nhà chính 2 tầng nay chỉ còn một tầng. Trong ngôi nhà không còn vật dụng gì còn sót lại để hình dung một thời là nơi sinh hoạt của một gia đình hoàng tộc triều Nguyễn. Duy chỉ có nền lát gạch hoa vẫn còn sáng bóng sau hơn 100 năm tồn tại như muốn thách thức với thời gian. Bình phong xây bằng gạch, trang trí hoa văn tinh xảo đã bị hạ giải từ lâu, nay không còn thấy dấu tích.

Theo chính sử triều Nguyễn, diện tích phủ Tuyên Hóa một phần bị thu hẹp do phải nhường một phần đất bên cạnh phủ để cho Hội Quảng Tri24 trùng tu xây dựng thành các lớp dạy học vào tháng 5 năm Duy Tân thứ 2 (1908). Quốc Sử Quán triều Nguyễn có viết: “Chuẩn trích tiền trợ cấp cho Hội Quảng Tri ở kinh (hội ấy xin mượn tạm một khoảnh đất trống nguyên là học đường của các hoàng đệ bên cạnh phủ Tuyên Hóa công tu bổ lại để dạy học, nên chuẩn trích tiền giúp cho)”25. Điều này cho thấy Trường tiểu học Phú Hòa26 (phường Phú Hòa, thành phố Huế) là tiền thân của các cở sở dạy học của Hội Quảng Tri và nằm trong khuôn viên khu đất của phủ Tuyên Hóa xưa.

Cái vẻ hoang tàn, xuống cấp của phủ Tuyên Hóa một phần quan trọng do phủ đệ không còn được hậu duệ Tuyên Hóa Vương quản lý, trùng tu sửa chữa từ lâu. Sau khi Tuyên Hóa Vương qua đời vào năm 1941, một thời gian sau, bà Từ Cung27 đã cho phép hội An nam Phật học28 đóng trụ sở hoạt động tại phủ Tuyên Hóa Vương29. Đến những năm 60 của thế kỷ XX, sau khi hội An nam Phật học di dời đến địa điểm mới thì bà Từ Cung bán toàn bộ phủ Tuyên Hóa Vương cho ông Lê Hữu Trí30. Từ đó, ông Lê Hữu Trí sử dụng ngôi nhà chính của phủ Tuyên Hóa để ở và tổ chức hoạt động kinh doanh sản xuất đồ gỗ. Từ khi phủ Tuyên Hóa trở thành nhà của ông Lê Hữu Trí đã trở thành một cơ sở cách mạng, là nơi trú ẩn an toàn, bí mật cho các đồng chí lãnh đạo thành phố Huế như: Hoàng Lanh, Phan Nam, Hoàng Kim Loan… mỗi khi đột nhập vào thành phố. Sau khi ông Lê Hữu Trí qua đời, phủ Tuyên Hóa ngày càng trở nên xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay, phủ Tuyên Hóa không có người ở thường xuyên, các con của ông Lê Hữu Trí đã giao phủ Tuyên Hóa cho một hộ gia đình thuê để sản xuất và cất giữ lồng chim31.

Có thể nói, phủ Tuyên Hóa là một trong những công trình kiến trúc mang phong cách mới lạ, kết hợp hài hòa hai nền mỹ thuật truyền thống và hiện đại, Đông - Tây có niên đại xây dựng xếp vào hàng sớm nhất ở Huế (bắt đầu khởi công xây dựng vào khoảng năm 1900), trước các công trình ảnh hưởng của kiến trúc Pháp như Ứng Lăng, cung An Định, lầu Kiến Trung,... Vào thời điểm xây dựng phủ Tuyên Hóa, nền văn hóa của Tây phương nói chung, nền mỹ thuật Pháp nói riêng đã ảnh hưởng đến Việt Nam một cách mạnh mẽ. Ảnh hưởng ấy đã thể hiện rất rõ ở phủ Tuyên Hóa, từ vật liệu xây dựng, phong cách kiến trúc đến nghệ thuật trang trí nội ngoại thất. Nó đánh dấu mốc mở đầu thời kỳ lịch sử mỹ thuật Huế tiếp xúc và chịu ảnh hưởng Tây phương. Đó là thời kỳ mà một nhà nghiên cứu người Pháp - ông L.Bezecier gọi là thời kỳ tân cổ điển (Néo-classique). Mặc dù tiếp nhận phong cách kiến trúc mỹ thuật mới đến từ phương Tây nhưng ông hoàng Tuyên Hóa vẫn giữ gìn và tuân thủ các yếu tố truyền thống, ứng dụng nguyên tắc dịch lý và phong thủy vào việc xây phủ đệ cho mình. Điều này cho thấy, ông hoàng Tuyên Hóa không phải vì yêu thích nghệ thuật châu Âu mà coi nhẹ nghệ thuật truyền thống phương Đông tạo ra một phong cách mỹ thuật riêng ở chỗ đã kết hợp một cách hài hòa, rõ nét sự giao thoa giữa các nền mỹ thuật Đông - Tây - kim - cổ, của các nền văn hóa Á Âu. Chính điều này đã thổi một luồng sinh khí mới vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam nói chung, vào nghệ thuật kiến trúc cung đình ở Huế nói riêng.

Theo thời gian, những ngôi nhà ngói mới, nhà tầng đủ các loại ngày càng mọc nhiều để ở và hoạt động kinh doanh buôn bán ở khu phố Trần Hưng Đạo, phủ Tuyên Hóa Vương cứ dần bị thu hẹp diện tích. Do vậy, phủ Tuyên Hóa Vương đang trong tình trạng bị lãng quên và xuống cấp tuy nhiên nó vẫn lưu lại các dấu ấn văn hóa - lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của một thời kỳ lịch sử quan trọng của dân tộc, góp phần làm phong phú và đa dạng hệ thống di sản kiến trúc cung đình thời Nguyễn, có giá trị quan trọng trong công tác nghiên cứu và bảo tồn các công trình di tích kiến trúc cổ kiểu Pháp. Những kiến trúc còn sót lại của phủ Tuyên Hóa Vương là dấu tích thời kỳ vàng son; du khách có thể làm một chuyến ngao du tìm về phủ Tuyên Hóa Vương như tìm về những hoài niệm của Huế xưa.

T.V.D
(SHSDB22/09-2016)


----------------
1. Bài viết sử dụng một số bức ảnh tư liệu của nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils được đăng tải trên trang web: http:// www.pierre-dieulefils.com và http://tranthanhnhan1963g. blogspot.com.

2. Tham khảo nội dung “Ngự chế An Định Cung dẫn”, Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục Chính biên Đệ thất kỷ, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, tr 290.

3. Saumont, Jean Baptiste (1913), Sur les routes d’Annam: de Hanoi a Hue en automobile, les fêtes du Têt et du Conseil de gouvernement dans la capitale annamite, Hanoi: Impr. tonki-noise Bach-Thai-Buoi et Cie, tr 38.

4. Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc biên soạn, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1995, trang 373 có đoạn viết Tuyên Hóa Vương có tên là Nguyễn Phúc Bửu Toản.

5. Tuyên Hóa Vương còn có tên gọi là ông Hoàng Chín.

6. Tức lấy địa danh vùng Tuyên Hóa làm tước hiệu.

7. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục Chính biên Đệ thất kỷ Phụ biên, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, tr 379.

8. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr 449.

9. Phủ Tôn nhân có trách nhiệm chăm lo các vấn đề về hoàng tộc như: trông coi sổ sách, biên soạn ngọc phả, tông phả, phái phả, đặt tên, lo giá thú… cho người trong hoàng tộc, tế lễ tang ma, phong cấp tập tước, định mũ áo, chọn người làm quan, chọn tôn sinh, giáo dưỡng để giảng dạy cho các hoàng tử, hoàng đệ và người trong tôn thất, giúp vua quản lý mọi việc trong hoàng tộc... Do vua trực tiếp điều hành, bên dưới là hội đồng Tôn Nhân phủ do một đại thần có uy tín, cùng tả tôn khanh và hữu tôn khanh (người hoàng tộc) phụ trách.

10. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr 482.

11. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr 532.

12. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr 575.

13. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr 589.

14. Đông Bình Vương là em thứ 8 của Quang Vũ nhà Hán, có công sửa sang lễ nhạc, đã có câu nói “Thiện Tối Lạc”, nghĩa là làm việc thiện là vui hơn cả.

15. Ban thưởng cho người có công đã qua đời.

16. Bản dịch nghĩa có sự góp ý và giúp đỡ của anh Võ Khắc Vãng - TVD.

17. Thái Văn Kiểm (1960), Cố đô Huế - Lịch sử, cổ tích, thắng cảnh, Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, tr 189.

18. Trong làng âm nhạc cổ truyền Huế lúc bấy giờ nổi lên các danh cầm với các nghệ thuật tuyệt kỹ như: Bửu Lộc (đàn tranh), Nguyễn Hữu Ba (đàn nhị), Vĩnh Phan (đàn tì bà), Gia Cẩm (đàn nguyệt).

19. Dựa theo lời kể của các cụ cao niên sống quanh phủ Tuyên Hóa, chúng tôi biết được phủ Tuyên Hóa bị tàn phá nặng nề bởi hai sự kiện chủ yếu: Khi quân đội Pháp tái chiếm Huế vào năm 1947 và cuộc tấn công, nổi dậy và bảo vệ, rút lui ở Kinh thành Huế mùa xuân Mậu Thân 1968.

20. Trong công trình khảo cứu về địa danh Kinh thành Huế vào năm 1933, mặc dù L. Cadière không gọi tên nó là “miếu Long Thuyền” nhưng ông cho rằng đây là nơi thờ phụng của vị thần bảo vệ cho các đội lính Long Thuyền, dựa vào tín ngưỡng dân gian Việt Nam chúng ta có thể xác định đó là Thủy thần, vị thần linh được coi là có quyền năng chi phối những người có cuộc sống gắn liền với chốn sông nước như ngư dân, thủy quân hoặc cụ thể ở đây là binh lính của Vệ Long Thuyền.

21. Nếu đưa ra so sánh hai vị trí tọa lạc miếu Long Thuyền và phủ Tuyên Hóa thì vị trí miếu Long Thuyền còn quan trọng hơn.

22. Léopold Cadière, La Citadelle de Hué: Onomastique (Kinh thành Huế: Địa danh), bản dịch, Nxb. Đà Nẵng, 1996, tr. 150 - 151. Xem thêm bản tiếng Pháp, L.Cadière La Citadelle de Hué: Onomastique, Bulletin des Amis du vieux Hué, 20e Année N0s 1-2, Janvier - Juin, 1933, pp. 128.

23. Con thứ mười của vua Dục Đức. Ông được phong tước là Hoài Ân Vương.

24. Đây là một tổ chức ra đời trong trào lưu duy tân đầu thế kỷ 20, cùng với Hội Trí Tri và trước cả Hội Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội, nhằm quảng bá tri thức, khơi dậy lòng yêu nước, tập hợp hầu hết các nhà trí thức lớn ở miền Trung bấy giờ như: Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh, Phạm Quỳnh, Đạm Phương Nữ Sử, Hải Triều, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu...

25. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr 551.

26. Khoảng đầu thế kỷ XX đến 1945 trường có tên là trường PaulBert; Từ 1945 - 1975 trường có tên là trường Thượng Tứ; Từ 1975 - 1991 trường có tên là trường THCS Phú Hòa A; Từ 1991 đến nay trường mang tên là trường tiểu học Phú Hòa.

27. Bà Từ Cung tức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, tên thật là Hoàng Thị Cúc, vợ vua Khải Định (1916 - 1925), vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là mẹ vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng triều Nguyễn trị vì từ 1926 - 1945.

28. Năm 1932, hòa thượng Giác Tiên và cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám vận động thành lập hội An nam Phật học trụ sở ở Trung kỳ đã được bà Từ Cung, vua Bảo Đại và một số thành viên hoàng gia khác hết lòng ủng hộ; góp phần rất lớn trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, mở mang dân trí, truyền bá lý tưởng dân chủ tự do.

29. Về vấn đề phủ Tuyên Hóa Vương với hội An nam Phật học, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để công bố trong một chuyên khảo riêng khi có điều kiện.

30. Là cán bộ của ban kinh tài của cơ quan Thành ủy Huế. Ông đã có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và được Nhà nước tặng thưởng huy chương cao quý.

31. Dựa theo lời kể của bà Lê Thị Chí Hòa, 63 tuổi, là con gái ruột của cụ Lê Hữu Trí hiện sống trong khuôn viên đất của phủ Tuyên Hóa Vương.




 

Các bài mới
Các bài đã đăng