Tạp chí Sông Hương - Số 332 (T.10-16)
Triển lãm và Hội thảo bàn tròn về cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của Vua Hàm Nghi tại Paris
09:25 | 21/09/2016

Ngày 17 tháng Chín vừa qua, tại Trung Tâm Nghệ thuật và Nghiên cứu Bétonsalon, thuộc trường đại học Paris VII-Didérot, thuộc quận XIII, Paris đã tổ chức triển lãm và hội thảo bàn tròn về các nghệ sỹ đương đại viễn xứ với chủ đề “Anywhere But Here”, trong đó có vua Hàm Nghi của Việt Nam.

Triển lãm và Hội thảo bàn tròn về cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của Vua Hàm Nghi tại Paris
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Hiệu Constant

Với sự tham gia nói chuyện của một số nghệ sĩ, nhà báo, trong đó có nhà báo gốc Việt Trần Văn Thảo, và nhất là của nữ tiến sĩ Lịch sử Nghệ thuật Pháp, cháu hậu duệ của vua Hàm Nghi, bà Amandine Dabat.

Chúng ta hẳn ai cũng biết vua Hàm Nghi là một vị vua yêu nước và bài Pháp, là người ban Dụ Cần Vương kháng Pháp, nhưng chắc ít người biết ông còn là một nghệ sĩ khá thành danh tại Pháp, một họa sĩ có Cốt-tê và nhà điêu khắc. Vua Hàm Nghi tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch. Ông thoạt đầu không nằm trong số các thái tử được truyền ngôi, mà sống cùng với mẹ ruột trong cảnh khá cơ hàn. Do chính biến thời cuộc, ông đã được tôn lên làm Hoàng đế dưới sự phụ chính của Tôn Thất Thuyết, vào ngày 2/8/1884, khi mới 13 tuổi. Sau nhiều thăng trầm trong phong trào Cần Vương, ông bị Pháp bắt và bị đi đày tại thành phố Alger, thủ đô của nước Algérie mà thời đó cũng là thuộc địa của Pháp.

Nói là bị đi đày, nhưng chính phủ Pháp vẫn đối xử với ngài như một ông Hoàng bởi theo thế cuộc lúc đó, người Pháp vẫn còn nuôi ý định có thể tùy thời cơ mà đưa ngài trở lại ngai vàng nên họ muốn ngài thấm nhuần văn hóa Pháp để thay bằng “bài-Pháp”, ngài sẽ trở thành một ông hoàng “thân-Pháp”. Bù lại, họ kiểm soát gắt gao các mối quan hệ. Không nhận được bất kì thư tín gì từ An Nam, tin tức ngài nhận được từ quê hương chỉ qua một số bạn Pháp hoặc các cha truyền giáo từ Đông Dương quay trở lại Algerie và kể cho nghe. Sống trong sự xa hoa, nhưng ngài luôn lo sợ và bâng khuâng. Trong suốt cuộc đời viễn xứ, ngài không bao giờ nói chuyện chính trị mà đằm mình vào nghệ thuật. Phát hiện ra niềm đam mê này, Chính phủ Pháp đã không ngần ngại giới thiệu và để ngài theo học những nghệ sĩ nổi tiếng bậc thầy của Pháp như Marius Reynaud - một họa sĩ Pháp theo trường phái phương Đông, sau đó ngài dần làm quen với Paul Gauguin. Về điêu khắc thì ngài được giới thiệu theo học với Auguste Rodin và Aristide Maillol, hai nghệ sĩ Pháp lừng danh thế giới trong lĩnh vực này.

Bà Amandine Dabat phát biểu tại hội thảo


Nói về cuộc triển lãm và hội thảo bàn tròn lần này, bà Amandine Dabat thổ lộ: “Đây là cuộc Triển lãm và Hội thảo bàn tròn về các nghệ sĩ sống tại hải ngoại, chủ yếu là các nghệ sĩ Việt Nam, Campuchia và Indonesia để giới thiệu quá trình phát triển nghệ thuật của những nghệ sĩ viễn xứ trước những nghệ sĩ đương đại khác. Các nhà tổ chức đã  muốn giới thiệu tranh của một nghệ sĩ về Nghệ thuật Hiện đại. Chính vì vậy Ban tổ chức đã tìm đến tôi để có thể triển lãm những bức tranh của vua Hàm Nghi, để công chúng có thể biết những gì mà một nghệ sĩ Việt Nam thời hiện đại có thể sáng tạo, so với các nghệ sĩ Việt Nam hiện nay.”

Nghệ thuật đã phần nào giúp cố cựu Hoàng đế nguôi ngoai nỗi khắc khoải tha hương. Trên một số bức tranh của mình, ngài kí tên Xuân Tử (Đứa con của Mùa Xuân). Tranh của ngài thường thiên về phong cảnh, như các bức Côteaux de Saint-Paterne (Sườn đồi), được thực hiện vào khoảng năm 1920, Le vieil Olivier (Cây ô lưu cổ thụ) năm 1905, hoặc bức chân dung tự họa được vẽ vào năm 1896. Theo bà Amandine Dabat, bức Sườn đồi được ngài vẽ sâu hơn, vững hơn, ngài chú tâm nhiều đến ánh sáng, xen kẽ các khoảnh sáng mờ và rực rỡ. Chính qua trường phái Ấn Tượng mà ngài bộc lộ rõ nhất cảm xúc mê li của mình dành cho ánh sáng trong nghệ thuật. Trong bức này, ngài đã học vẽ theo bộ và theo chuỗi, theo phong cách Claude Monet (1840 - 1926), để nghiên cứu sự đa dạng của ánh sáng trên cùng một nền phong cảnh. Học theo kỹ thuật của thầy, ngài nghiên cứu những hiệu ứng ánh sáng được vẽ trên bức tranh của mình bằng cách đan xen một lớp gãy. Trong tác phẩm này, sắc thái của các màu sáng nhạt được củng cố thêm nhờ độ dày của lớp sơn màu và chính nó đem lại tính cách đặc biệt cho bức tranh. Quang cảnh được vẽ tỉ mỉ, lớp màu được tô dày và các gam màu thực vật như rung lên dưới ánh mắt người xem tranh.

Tác phẩm “Sườn đồi”
Tác phẩm “Cây ô liu cổ thụ”


Họa sĩ nổi tiếng người Pháp gốc Nhật Bản Léonard Foujita (1886 - 1968) đã từng bình phẩm về tranh của Hàm Nghi như sau: “Những bức tranh của ngài ấy hết sức thú vị, tỏ rõ tính chất của người nghệ sĩ đích thực và nhất là chúng mang đậm một sự nhạy cảm tinh tế”. Một nhà báo Pháp đã viết vào năm 1926: “Hãy cho phép chúng tôi được vinh hạnh chúc mừng ngài vì sự thành công chính đáng mà các tác phẩm của ngài đã đem lại. Và chúng tôi rất tự hào khi thấy những tác phẩm đó đã được các các nhà có thẩm quyền, giới báo chí và nhất là các nghệ sĩ vinh danh”. (Thư của P. Peytel gửi Hàm Nghi, ngày 9 tháng 12 năm 1926 (tài liệu lưu trữ cá nhân).

Cuộc đời tha hương viễn xứ quả khắc khoải (!), nhất là khi không được tin tức gì của cố quốc, với một cựu Hoàng đế chắc còn khổ tâm hơn, và cách bày tỏ niềm thương nỗi nhớ là gửi tâm tư vào nghệ thuật. Khi nói về những bức tranh của vua Hàm Nghi, bà Amandine Dabat nhận xét rằng chúng ta có thể thấy được những hoài niệm cố quốc của ngài, những nét văn hóa Việt Nam qua cách ngài vẽ tranh phong cảnh, nhất là trong bức Cây Ô lưu cổ thụ với một cây lớn lừng lững đơn độc giữa không gian bao la. Có lẽ ngài lấy cảm hứng từ bố cục truyền thống của những nơi thiêng liêng của Việt Nam, như miếu, đền… vốn là nơi thờ cúng. Trong khá nhiều bức tranh của ngài, đa phần đều toát lên sự u sầu tĩnh lặng. Chính vì thế mà hậu duệ của ngài cho rằng vua Hàm Nghi cố thể hiện tình cảm lưu luyến của mình với cố quốc qua cách vẽ phong cảnh cho dù đó là ở Algérie hay Pháp theo những hình ảnh mà ngài còn lưu giữ được.

Vậy nhưng vẫn theo bà Amandine Dabat trả lời phỏng vấn trong cuộc hội thảo này: “Thời đó, Chính phủ Pháp luôn coi Hàm Nghi là một Hoàng đế An Nam, đồng thời cũng biết ngài học và vẽ tranh cũng như thực hiện những tác phẩm điêu khắc, còn người dân Pháp bình thường thì chỉ biết đến Hàm Nghi là một cựu Hoàng đế, chứ chưa biết ngài là một nghệ sĩ đích thực. Trừ một số lần ông đã triển lãm tranh của mình tại Pháp, nhưng những cuộc triển lãm ấy vẫn chỉ diễn ra trong phạm vi thân mật gia đình và các bằng hữu…”.

Tuy đã từng triển lãm ba lần tại Pháp nhưng phần lớn các tranh vẽ của họa sĩ Hàm Nghi cho đến nay vẫn thuộc sở hữu của các nhà sưu tầm cá nhân và nếu tìm kiếm, ta vẫn thấy vết tích, bởi ngài hiếm khi bán tranh. Có thể do ngài ý thức về danh phận hoàng gia của mình. Bù lại, ngài sẵn sàng tặng tranh cho các bằng hữu.

Hi hữu một bức tranh được đánh số của ngài mà hiện nay đông đảo công chúng biết đến, bức “La route de El Biar” (Alger), được vẽ vào chừng năm 1915 tại Alger. Bức này được nhắc đến trong phiên bán đấu giá tranh vào ngày 24 tháng 11 năm 2010, do hãng Millon & Associés tổ chức tại Nhà Drouot ở Paris. Phía sau bức tranh có ghi “Déclin du soleil” (tạm dịch: Chiều tà). Bức tranh đã được bán cùng ngày với giá 8.800 Euro, cộng thêm các khoản phí thì lên tới hơn 10 ngàn euro, vậy nhưng giá khởi điểm ban đầu chỉ là từ 800E, hơi thấp, nhưng đây là lần đầu tiên tranh của Hàm Nghi được đem ra bán đấu giá.  Đằng sau bức tranh ấy, ta còn tìm thấy có một tấm bưu thiếp đã vàng sỉn do thời gian với hàng chữ “Don du Prince d’Annam” (Quà tặng của Hoàng thân An Nam). Sau buổi bán đấu giá, người điều khiển chương trình đã bình luận: “Đó là một cốt-tê khá”.

Trong suốt cuộc đời viễn xứ của mình, Hoàng đế Hàm Nghi luôn được Chính phủ Pháp đãi ngộ tử tế. Cặp bến Alger vào tháng Giêng năm 1889, khi mới 18 tuổi, ngài được Chính phủ Pháp cho cư ngụ trong ngôi biệt thự Villa des Pins (Biệt thự Đồi thông). Nhưng sự kháng Pháp trong ngài vẫn không ngừng phát triển trong thời kì đầu.

Thống đốc Toàn quyền Algérie thời ấy, ngài Louis Tirman, khi nhận được chỉ thị đón tiếp Hoàng đế An Nam bị đày biệt xứ, ông đã chờ đợi để đón tiếp một người đã có tuổi, một kẻ kháng Pháp đầy nguy hiểm… Chính vì thế mà ông đã không ít ngạc nhiên khi trước mặt mình là một chàng trai còn trẻ, chỉ vừa qua tuổi vị thành niên, hơi nhút nhát và thường xuyên vướng chứng sốt rét. Ngay lập tức cựu Hoàng đã gây được cảm tình với ngài Thống đốc. Và chính người này đã thương lượng với Chính phủ Pháp và Đông Dương sao cho cuộc đời biệt xứ của Hàm Nghi trở nên dễ chịu nhất. Đời sống vật chất của cựu Hoàng phải nói khá dễ chịu trong ngôi biệt thự Đồi thông, không xa thành Alger, và là nơi tập trung giới thượng lưu Pháp. Gia nhân của ngài khi ấy gồm ba người, một phiên dịch, một người hầu và một đầu bếp, cả ba đều gốc miền Nam Việt Nam. Một bà quản gia người Pháp, tiếng là trông coi biệt thự, nhưng thực chất là để giám sát nhất cử nhất động và thư tín của cựu Hoàng. Mọi đi lại của ngài đều phải được sự đồng ý của Thống đốc Toàn quyền.

Trong sáu tháng đầu, cựu Hoàng khăng khăng từ chối học tiếng Pháp. Nhưng Chính phủ Pháp không quản ngại, mà vẫn tiếp tục dần dần để ngài thích ứng với đời sống thượng lưu Pháp, được mời tham dự những buổi trình diễn Opéra, hoặc những buổi tiếp đón trọng thể các quan chức cao cấp của Pháp và quốc tế, những buổi lễ hội văn hóa.

Ngoài việc học tiếng Pháp, văn hóa Pháp, ngài còn học các môn thể thao thượng lưu như đấu kiếm, quần vợt, hội họa. Ngài dần thích ứng và truyền niềm say mê của mình vào mọi hoạt động. Trong một lá thư gửi người bạn Trung tá Hancke, vào năm 1900, Ngài viết: “… tôi nghĩ, và tôi chắc ngài cũng nghĩ như vậy, tức là để có một tinh thần khỏe mạnh, trước hết phải có một cơ thể khỏe mạnh. Chính vì thế mà tôi không để lỡ bất kì một cơ hội nào trong tầm tay để thực hành những hoạt động bảo đảm sức khỏe và vệ sinh.” Môn quần vợt là một yếu tố để cựu Hoàng thâm nhập nhanh vào giới thượng lưu Pháp. Cũng như các bậc vương giả khác, ngài thích săn bắn. Thoạt đầu, ngài chỉ đi săn theo kiểu dùng keo dính, khi phát hiện ra sở thích này, viên Thống đốc đã cho phép ngài tậu một cây súng săn và cấp giấy phép cho ngài. Sau đó Thống đốc thường xuyên mời ngài đi săn cùng. Qua những hoạt động quần vợt và đi săn, một cách vô thức, cựu Hoàng đã thâm nhập vào đời sống thượng lưu cao cấp. Hai hoạt động giữa thiên nhiên này là đặc tính điển hình của giới quý tộc Pháp, và ngài cảm thấy thoải mái.

Theo bà Amandine Dabat, thì dẫu những điều kiện sung túc ấy vẫn không khiến ngài quên được quá khứ của mình. Trong một lá thư viết năm 1897, ngài thổ lộ với người bạn, Đại tá Vialar: “Khi tôi nghĩ rằng lại một năm nữa đã trôi qua, và tôi đã sống qua chín năm làm thân biệt xứ, và sẽ còn đến bao giờ nữa đây, tôi không biết, và có lẽ sẽ đến tận khi tôi chết đi…”. Và Ngài khuây khỏa bằng vẽ tranh, ngài đã thổ lộ với Đại tá Gondrecourt, vào năm 1897: “...có thể nói những việc này cấu thành cuộc sống của tôi. Tôi đọc trên những bức tranh của mình nỗi thăng trầm thịnh suy trong ý nghĩ, niềm vui của mình và qua hàng ngàn sắc thái mà tôi lần lần nhìn lại từng nếp gấp trong tâm hồn…”. Cũng trong một lá thư viết năm 1901, Hoàng thân viết cho người bạn Murat: “Tôi ấy mà, mỗi khi cảm thấy nỗi chán chường sắp đến, tôi vớ vội hộp màu và chạy nhanh ra giữa cánh đồng. Tại đó, tôi lặng ngắm phong cảnh cả nhiều giờ liền và cố gắng ghi nhận những vẻ đẹp mà tôi nhìn thấy. Ngài sẽ nói rằng không phải ai cũng là họa sĩ. Nhưng ta có thể có một cảm xúc nghệ sĩ mà không cần để tâm đến tranh. Tất cả câu chuyện dây cà dây muống này chỉ để nói cho ngài biết là hội họa đã tạo cho tôi sự khuây khỏa đến nhường nào, chính vì thế mà tôi bám víu vào đó bằng cả tâm hồn lẫn thể xác. Không có nó, tôi chẳng biết sẽ như thế nào, bởi tôi đã thấy, hệt như ngài, cuộc sống là một chuỗi đơn điệu”.

Bắt đầu từ năm 1893, cựu Hoàng được phép đến Pháp hai năm một lần. Lúc đầu là với mục đích chữa bệnh gan tại Bệnh viện khoáng Quân đội ở thành phố Vichy. Gan ngài bị yếu do chứng sốt rét liên tục tái phát. Ngài tận dụng những dịp ấy để nới rộng quan hệ bạn bè, trong đó có rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng…  

Năm 1904, sau 15 năm biệt xứ, cựu Hoàng đã 34 tuổi, ngài thành thân với tiểu thư Marcelle Aimée Léonie Laloe (1884 - 1974), khi ấy mới 20 tuổi, con gái ngài Chánh Biện lý Tòa Thượng thẩm François Laloe, một gia đình quyền thế ở Alger. Cuộc hôn nhân này đã tặng ngài ba người con: Công chúa Như May sinh năm 1905, Như Lý (1908) và hoàng tử Minh Đức (1910). Đám cưới của cựu Hoàng đã là một sự kiện trọng đại tại thành Alger thời đó.

Cũng trong lễ thành hôn này, cựu Hoàng đã phải cam kết nuôi dạy con cái theo nền văn hóa Pháp và Công giáo. Hai năm sau lễ cưới, ngài cùng phu nhân mua được một khoảnh đất và cho xây biệt thự mà ngài đặt tên là Gia Long. Ngài nhờ kiến trúc sư Georges Guiauchain tại Alger thiết kế. Và tự ngài cùng phu nhân trang trí ngồi nhà theo phong cách Pháp, tân-maure và Việt Nam. Ngoài những trò giải khuây bằng nghệ thuật, ngài còn rất thích làm vườn. Ngài gieo trồng các loại thực vật đến từ Pháp và châu Á, mà ngài nhờ một thầy dòng trong Hội “Des Recolles Chrétiennes”, thầy Néopole (Paul Bayet) mà ngài đã gặp gỡ và làm quen tại Sài Gòn, mua hộ và gửi tới. cựu Hoàng cũng cho dựng một khu nhà kính trong vườn của biệt thự.

Như vậy, chúng ta thấy cố cựu Hoàng Hàm Nghi đã phát triển sáng tạo của mình qua những thể loại nghệ thuật khác nhau. Ngài đã được xã hội thượng lưu và nghệ sĩ Pháp công nhận là một nghệ sĩ đích thực. Tên nghệ sĩ (Xuân Tử) mà ngài đã chọn cho mình phù hợp với một bút danh văn chương tại cố quốc, minh họa rõ vị thế của một ông Hoàng bị truất ngôi chỉ còn là một trí thức Việt Nam, nơi mà nền văn hóa được hòa nhập giữa văn chương và nghệ thuật.

Có thể nói gì về cuộc đời của cựu Hoàng Hàm Nghi?! Sinh ra và sống trong cảnh bần hàn, chẳng được chuẩn bị gì rồi bỗng một ngày được đặt lên ngai vàng; ban Dụ Cần Vương kháng Pháp, qua bao thăng trầm rồi bị đày biệt xứ…? Dân tộc Việt đánh giá ngài là Ái quốc, chính phủ Pháp cho rằng ngài cứng đầu; làm Hoàng đế xứ Việt rồi trở thành nghệ sĩ tại Pháp…

Ngài qua đời do bệnh ung thư dạ dày ngày 14 tháng Giêng năm 1944, hưởng thọ 73 tuổi, và được an táng trước vườn biệt thự Gia Long ở Alger. Sau này, mộ ngài được dời về hầm mộ gia đình ở Thonac, tỉnh Dordogne, thuộc vùng Aquitaine, Pháp, nơi công chúa con gái của ngài đã lập nghiệp và sinh sống.

Nhìn nhận về ngài, Marcel Gautier đã viết trong tác phẩm Le Roi Proscrit (Vị vua viễn xứ), xuất bản năm 1940: "Vua Hàm Nghi đã giữ được tính chất thiêng liêng đối với thần dân mình. Vô tình vị vua trẻ tuổi đã làm một việc có ảnh hưởng vang dội khắp nước: với ý chí cương quyết độc lập và dù người Pháp có đóng quân tại Huế, triều đình An Nam vẫn biểu dương một thái độ không hèn. Thái độ ấy do Hội đồng Phụ chính đề ra. Hội đồng ấy rất có lý mà tin chắc rằng dân chúng trông vào thái độ của nhà vua để noi theo, xem thái độ ấy như mệnh lệnh dù không nói ra bằng lời .”

Xin mượn lời vua Hàm Nghi để kết thúc bài viết:

“Ôi việc trên đời nghĩ cũng hay
Sơn hà xã tắc nắm trong tay
Hai hàng mũ áo mong mong trước
Bốn phía cày bừa nhớ nhớ nay…”

Paris 20/09/2016
H.C
(TCSH332/10-2016)



 

Các bài mới
Mê cung (31/10/2016)
Hấp hối (24/10/2016)