Tạp chí Sông Hương - Số 332 (T.10-16)
Sự đa dạng của những chủ nghĩa nữ quyền và những đóng góp vào sự bình đẳng giới
07:59 | 20/10/2016

Judith Lorber, sinh năm 1931, là giáo sư hưu giảng các môn Xã hội học và Phụ nữ học tại Trung tâm Tốt nghiệp thuộc Đại học Thành phố New York và Học viện Brooklyn. Bà là nhà lí thuyết nền tảng của kiến thiết xã hội về giới tính và đóng một vai trò then chốt trong việc tạo dựng và chuyển hóa ngành giới tính học.

Sự đa dạng của những chủ nghĩa nữ quyền và những đóng góp vào sự bình đẳng giới
Ảnh: internet

Gần đây bà lên tiếng kêu gọi việc phải phân định thế giới xã hội. Kể từ đầu thập niên 1970 bà đã tích cực hoạt động trong Hiệp hội những nhà Khoa học Xã hội vì Phụ nữ trong xã hội. Bà khai triển và giảng dạy một số những giảng khóa đầu tiên về xã hội học giới tính, phụ nữ học, và lí thuyết nữ quyền tại những trường kể trên nơi bà đã là Điếu hợp viên đầu tiên về Chương trình chứng nhận về Phụ nữ học từ 1988 đến 1991. Năm 1992 - 1993 bà là Chủ tịch phân bộ Tính dục và Giới tính của Hiệp hội Hoa Kỳ về Tiêu chuẩn và được Tặng thưởng Jessie Bernard năm 1996 “để nhìn nhận công cuộc hàn lâm đã mở rộng những chân trời của xã hội học để bao gồm trọn vẹn vai trò của phụ nữ trong xã hội” của bà.  



JUDITH LORBER

Chủ nghĩa nữ quyền là một phong trào xã hội mà mục đích căn bản là sự bình đẳng giữa đàn bà và đàn ông. Ở nhiều thời và nhiều nơi trong quá khứ, người ta từng kiên quyết rằng đàn bà và đàn ông có những khả năng tương tự nhau và đã cố gắng cải thiện địa vị xã hội của tất cả đàn bà, cũng như các địa vị của những đàn ông. Tuy nhiên, như một phong trào có tổ chức, nữ quyền trỗi dậy trong thế kỉ mười chín ở châu Âu và châu Mĩ để đáp ứng những bất bình đẳng lớn lao giữa những vị thế pháp lí của những công dân nữ và nam ở những xứ sở phương Tây đã công nghệ hóa.

BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI

Mục đích của nữ quyền như một phong trào chính trị là làm cho đàn bà và đàn ông bình đẳng hơn về pháp lí, xã hội và văn hóa. Bất bình đẳng giới mang nhiều dạng thức khác nhau, tùy theo cấu trúc kinh tế và sự tổ chức xã hội của một xã hội đặc thù và tùy theo văn hóa của bất cứ nhóm đặc thù nào bên trong xã hội đó. Mặc dù chúng ta nói về bất bình đẳng giới, nhưng thường là đàn bà, bị kém thế so với đàn ông ở tình thế tương tự vậy.

Đàn bà thường nhận được tiền lương thấp hơn cho công việc giống vậy hoặc tương đương, và họ thường xuyên bị ngăn chặn trong những cơ may thăng tiến, đặc biệt là tới những địa vị cao nhất. Thường có một sự thiếu cân bằng trong số lượng việc nội trợ và chăm sóc trẻ mà một người vợ làm so với chồng mình, thậm chí khi cả hai cùng sử dụng lượng thời gian lớn bằng nhau trong công việc được trả tiền bên ngoài tổ ấm. Khi những người chuyên nghiệp đàn bà đối chọi với đàn ông cùng hiệu suất có thể so sánh được, đàn ông vẫn được thừa nhận lớn lao hơn cho công việc của họ và leo thang nghề nghiệp mau hơn. Trên một nền tảng tổng thể, bất bình đẳng giới có nghĩa rằng công việc thường được đàn bà làm nhất, như là dạy con trẻ và nuôi dưỡng chúng, được trả lương ít hơn các công việc đàn ông thường làm nhất, như là xây dựng và khai mỏ.

Bất bình đẳng giới có thể cũng mang dạng thức là những cô gái được sự giáo dục ít hơn các chàng trai thuộc cùng tầng lớp xã hội. Gần hai phần ba người mù chữ của thế giới là đàn bà, nhưng ở những xã hội phương Tây, khoảng cách giới tính trong việc giáo dục đang khép gần ở tất cả bậc học. Trong nhiều xứ sở, đàn ông được ưu tiên hơn đàn bà trong việc phân phối những dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Việc sử dụng biện pháp ngừa thai lên cao trong những xứ sở công nghiệp, nhưng trong những xứ sở đang phát triển, rắc rối trong việc sinh con vẫn là một nguyên nhân hàng đầu của cái chết cho những phụ nữ trẻ. Bệnh AIDS thậm chí còn làm tử vong đàn bà kinh khủng hơn so với đàn ông trên toàn cầu, vì nguy cơ của đàn bà về việc lây nhiễm với HIV trong tính dục không được bảo vệ thì cao hơn từ hai tới bốn lần so với đàn ông. Trong tháng Năm năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới của Liên hiệp quốc (World Health Organization, viết tắt là WHO) đã báo cáo rằng cho đến cuối năm 2003 khoảng bốn mươi triệu người đang sống với HIV/AIDS, và trong đó hơn một nửa là đàn bà. Chính trị tính dục ảnh hưởng việc lan truyền của HIV/AIDS. Nhiều phụ nữ mắc HIV/AIDS bị lây bệnh qua sự khai thác tính dục, hoặc qua những người chồng có lắm bạn chơi tính dục nhưng lại từ chối sử dụng bao cao su.

Sự khai thác và bạo hành tính dục đối với đàn bà cũng là một phần của bất bình đẳng giới trong nhiều cung cách khác. Trong chiến tranh và các cuộc khởi nghĩa dân tộc, đàn bà thuộc một nhóm chủng tộc sắc tộc thường bị đàn ông của nhóm chủng tộc sắc tộc đối lập cưỡng hiếp như một vũ khí chủ ý của việc làm xấu hổ và làm nhục. Trong nhà, đàn bà dễ bị đánh đập, cưỡng hiếp, và giết chết - thường bởi chồng hoặc bạn trai họ, và đặc biệt là khi họ cố rời bỏ một mối quan hệ bị lạm dụng. Thân thể của các cô gái và đàn bà bị sử dụng trong công việc tính dục - dâm thư và mại dâm. Họ bị phô bày trong phim ảnh, truyền hình, và quảng cáo trong những văn hóa phương Tây. Trong một số văn hóa châu Phi và Trung Đông những bộ phận sinh dục của họ bị cắt xẻo theo nghi lễ và thân thể họ bị phủ kín từ đầu tới ngón chân nhân danh sự trinh khiết. Họ có thể bị cưỡng bức để sinh con mà họ không muốn hoặc phải phá thai hoặc bị triệt sản ngược với ý chí của họ. Trong một số xứ sở có nạn nhân mãn, những bé gái sơ sinh thì thường bị bỏ rơi trong các cô nhi viện nhiều hơn so với các bé trai sơ sinh. Trong những xứ sở khác, nếu giới tính của bào thai có thể được xác định, hễ bé gái là bị nạo phá.

Bất bình đẳng giới cũng có thể bất lợi cho đàn ông. Trong nhiều xứ sở, chỉ đàn ông là phục vụ trong lực lượng quân đội, và trong hầu hết những xứ sở chỉ đàn ông bị gửi vào trong những cuộc giao tranh trực tiếp. Hầu hết là đàn ông làm công việc nguy hiểm hơn, như là cứu hỏa và cảnh sát. Mặc dầu đàn bà đã từng tham chiến trong chiến tranh và đang gia nhập vào những lực lượng cảnh sát và những sở cứu hỏa, những sự sắp xếp giới tính của hầu hết các xã hội đều cho rằng đàn bà sẽ làm công việc về sinh đẻ và chăm sóc con trẻ trong khi đàn ông sẽ làm công việc bảo vệ và hỗ trợ họ về mặt kinh tế.

Sự phân công lao động theo giới tính này được bắt rễ trong sự sống còn của những nhóm nhỏ sống ở mức độ tự túc, nơi những em bé được cho bú và thức ăn cho những đứa trẻ lớn hơn và người lớn đạt được bằng hái lượm và săn bắt. Những người chăm sóc trẻ (hầu hết là đàn bà) thu lượm trái cây và rau cỏ và săn bắt những con thú nhỏ, trong khi em bé được địu theo và những đứa con lớn hơn là người phụ giúp. Những kẻ không chăm sóc con trẻ (hầu hết là đàn ông, nhưng cũng có cả đàn bà chưa kết hôn) có thể đi xa trong việc đuổi theo những con thú lớn - là công việc nguy hiểm hơn. Kẻ săn bắt trở về với thịt và da thú thì rất được tán thưởng, nhưng nếu cuộc săn không thành công, họ vẫn có cái gì đó để ăn khi họ trở về mái lều, nhờ vào sự hái lượm đáng trông cậy hơn của những kẻ chăm sóc trẻ.

Hầu hết đàn bà trong những xứ sở công nghiệp và hậu công nghiệp không trải đời mình để sinh đẻ và chăm sóc con cái, và hầu hết đàn bà trên toàn thế giới làm những công việc được trả lương và không được trả lương để cung cấp thực phẩm, quần áo, và nơi trú ẩn cho gia đình họ, thậm chí ngay cả khi họ đang chăm sóc con trẻ. Những dạng thức hiện đại của bất bình đẳng giới không phải là một sự trao đổi bổ túc về những trách nhiệm nhưng là một hệ thống tinh vi, trong đó như bản báo cáo của Liên hiệp Quốc trong năm 1980 ước tính rằng, đàn bà làm hai phần ba công việc của thế giới, nhận 10% thu nhập của thế giới, và sở hữu 1% tài sản của thế giới. Khoảng cách giới tính trong công việc được trả lương đang được thu hẹp dần, nhưng đàn bà vẫn làm hầu hết công việc trong nhà và chăm sóc trẻ, và cùng lúc làm lao động nông nghiệp, điều hành kinh doanh nhỏ, và làm số lớn công việc được trả lương đặt cơ sở tại nhà, tất cả những việc đó đều là lao động lương thấp.

Những thiết chế chủ yếu về xã hội và văn hóa đều chống đỡ cho hệ thống về bất bình đẳng giới này. Những tông giáo hợp thức hóa những sự sắp xếp xã hội sản sinh ra sự bất bình đẳng, biện minh rằng chúng là đúng và phải lẽ. Luật pháp chống đỡ tình trạng hiện hành và cũng thường khiến không thể chấn chỉnh những hậu quả - truy tố những ông chồng vì đánh đập vợ, hoặc bạn trai vì cưỡng hiếp bạn gái mình. Trong các ngành nghệ thuật, những sản phẩm của đàn bà thì quá thường bị làm ngơ đến nỗi chúng gần như vô hình, điều này dẫn tới việc Virginia Woolf kết luận rằng Vô danh thị (Anonymous) hẳn phải là một phụ nữ. Những khoa học bị kết tội là đặt những câu hỏi thiên vị và làm ngơ những điều tìm thấy mà không hỗ trợ những niềm tin theo quy ước về những khác biệt giới tính.

Ngoại trừ những xứ sở Bắc Âu, vốn có sự tham gia của đàn bà trong chính phủ lớn nhất và những luật lệ và những chính sách nhà nước bình đẳng giới nhất, hầu hết những chính phủ đều do đàn ông thống trị xã hội điều hành, và chính sách của họ phản ánh những quyền lợi của chính họ. Trong mọi giai đoạn thay đổi, bao gồm những giai đoạn chuyển biến cách mạng, những quyền lợi của đàn ông, chứ không phải của đàn bà, đã thắng thế, và nhiều đàn ông, nhưng ít đàn bà, đã được hưởng lợi từ những chính sách xã hội tiến bộ. Bình đẳng và công lí cho tất cả thường chỉ có nghĩa cho đàn ông. Đàn bà chưa bao giờ có cuộc cách mạng của họ vì cấu trúc giới tính như một thiết chế xã hội chẳng bao giờ bị thách thức một cách nghiêm túc. Vì vậy, tất cả đàn ông đều hưởng lợi từ “cổ tức chế độ phụ quyền” - công việc không được trả lương của đàn bà trong sự duy trì tổ ấm và nuôi dưỡng con cái; công việc được trả lương thấp của đàn bà phục vụ những bệnh viện, trường học, và vô vàn những chốn làm việc khác; và sự vun bồi và chăm sóc cảm xúc của đàn bà.

Điểm chính mà những chủ nghĩa nữ quyền gần đây từng nhấn mạnh về bất bình đẳng giới là rằng nó không phải là vấn đề cá nhân, nhưng bị ăn sâu vào cấu trúc của những xã hội. Bất bình đẳng giới được xây dựng thành tổ chức về hôn nhân và gia đình, công việc và kinh tế, chính trị, những tông giáo, những nghệ thuật, và những sản phẩm văn hóa khác và chính ngôn ngữ chúng ta nói. Vì vậy, làm cho đàn bà và đàn ông bình đẳng cần thiết những giải pháp xã hội chứ không phải cá nhân. Những giải pháp đã được đặt khung thành chính trị nữ quyền. Chúng hiện xuất từ những lí thuyết nữ quyền về cái sản sinh bất bình đẳng giới.

NHỮNG LÍ THUYẾT NỮ QUYỀN

Bức chân dung phía trên về một thế giới bất bình đẳng giới là một tổng kết về công việc của những thế hệ những nhà nghiên cứu và các học giả nữ quyền. Những lí thuyết nữ quyền được khai triển để giải thích những lí do cho sự bất bình đẳng giới bao trùm này. Những nhà nữ quyền không hài lòng với sự giải thích rằng điều đó là tự nhiên, Chúa đã ban cho, hoặc cần thiết vì đàn bà mang thai và sinh con còn đàn ông thì không. Với sự khai phá sâu hơn vào trong sự bao trùm của bất bình đẳng giới, những nhà nữ quyền đã sản sinh những quan điểm đa phức hơn về giới tính, tính dục, và dục tính. Mặc dầu có sự trùm lấp đáng kể giữa các từ này, vẫn là hữu ích khi ta tách biệt những khái niệm về giới tính, tính dục, và dục tính để minh họa sự phân định giới tính đã biến cải thân thể và hành vi tính dục như thế nào. Bài này sử dụng những định nghĩa và từ vựng sau đây:

Giới tính (Gender): một vị thế xã hội, một chỉ danh pháp lí, và một căn cước nhân thân. Qua những tiến trình xã hội của sự phân định giới tính, những sự phân chia giới tính và những quy củ đi kèm của chúng và những mong đợi về vai trò gắn liền trong những thiết chế xã hội chính yếu của xã hội, như là kinh tế, gia đình, nhà nước, văn hóa, tông giáo, và luật pháp - trật tự xã hội theo giới tính. Những từ đàn bà (woman) đàn ông (man) được sử dụng khi quy chiếu về giới tính.

Tính dục (Sex): một sự giao thoa đa phức của những chủng tử, môi trường, và hành vi, với những hiệu quả hồi dưỡng giữa những thân thể và xã hội. Những từ nam (male), nữ (female), trung tính (intersex) được sử dụng khi quy chiếu về tính dục.

Dục tính (Sexuality): dục vọng tham luyến, dính líu cảm xúc, và giả tưởng, như đã diễn ra trong một sự đa dạng của những quan hệ thân thiết dài hạn và ngắn hạn. Những từ đồng tính (homosexuality), dị tính (heterosexuality) lưỡng tính (bisexuality) được sử dụng khi quy chiếu về dục tính.

Những lí thuyết nữ quyền gần đây đã phân tích sự giao thoa đa phức của tính dục, dục tính, và giới tính. Những lí thuyết này nói về những giới tính, những tính dục, và những dục tính. Những cặp “đối lập” trong mỗi trường hợp - đàn bà và đàn ông, nữ và nam, đồng tính và dị tính - đã trở thành đa phương. Vì nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng sinh lí học nữ và nam đã được sản sinh và duy trì do cả hai nội tiết nữ và nam, những lí thuyết mới biện luận rằng tính dục nhiều phần là một trường liên tục hơn một sự phân li bén nhọn. Tương tự như thế, những nghiên cứu về định hướng tính dục đã chỉ ra rằng cả đồng tính và dị tính đều không phải luôn luôn cố định suốt đời, và rằng lưỡng tính, trong những cảm xúc và trong những quan hệ tính dục, là phổ biến.

Hiện tượng chuyển giới tính (transgendering) làm phức tạp hơn sự giao thoa của tính dục, dục tính, và giới tính. Chuyển giới tính bao gồm chuyển y phục (transvestism) - sống trong một giới tính khác với giới tính được chỉ định lúc sinh ra nhưng không biến cải thân thể bằng giải phẫu - và chuyển dục tính (transsexuality) - chuyển hóa thân thể bằng giải phẫu và nội tiết để thay đổi giới tính. Mục đích của nhiều người chuyển giới là “thông qua” như một người có giới tính “bình thường”, một mục đích cần thiết để giải quyết những vấn đề của đời sống hàng ngày, nhưng không phải mục đích xáo trộn trật tự xã hội theo giới tính. Những người bẻ giới tính triệt để đôi khi tự nhận là “những người bóng” (queers), không tuyên xưng căn cước là đàn ông hay đàn bà, dị tính hay đồng tính. Những người bóng công khai lật nhào giới tính nhị phân và những phạm trù tính dục thông qua những hòa trộn cố tình của họ về quần áo, trang điểm, trang sức, kiểu tóc, hành vi, tên gọi, và việc sử dụng ngôn ngữ. Bằng cách không kiến thiết giới tính và dục tính trong những cung cách được mong đợi, họ làm hiển hiện, theo từ ngữ của Judith Butler, tính trình diễn (performativity) theo đó toàn bộ trật tự giới tính tùy thuộc. Họ giễu nhại và giỡn chơi với giới tính, xé rào những quy củ, những trông mong, và hành vi giới tính.

Nhiều nhà khoa học xã hội nữ quyền bây giờ thích nói về những giới tính hơn, vì những vị thế xã hội của đàn ông và đàn bà, những căn cước nhân nhân, và những cơ may của đời sống bị cột chặt một cách rắc rối vào những nhóm chủng tộc, sắc tộc, và tông giáo, giai cấp xã hội, nền tảng gia đình, và nơi cư trú của họ. Tuy thế, những nhóm người khác nhau rất xa này phải phù hợp vào hai và chỉ hai giới tính được thừa nhận về mặt xã hội trong những xã hội phương Tây - “đàn ông” và “đàn bà”. Những thành viên của hai phạm trù vị thế chính yếu này được giả thiết là khác nhau, và những thành viên của cùng phạm trù được giả thiết là có những tương tự thiết yếu. Công việc và những vai trò gia đình, cũng gần như mọi khía cạnh khác của đời sống xã hội đều được xây dựng trên hai sự phân chia chính yếu về con người. Sự phân định giới tính này sản sinh ra trật tự xã hội theo giới tính (gendered social order). Bất bình đẳng giới cũng được xây dựng vào trong cấu trúc của trật tự xã hội theo giới tính vì hai vị thế - đàn bà và đàn ông - được đối đãi khác nhau và có những cơ may đời sống khác nhau một cách ý nghĩa. Những tiến trình xã hội này đã xảy ra và tiếp tục hoạt động như thế nào và tại sao còn là chủ đề của những lí thuyết nữ quyền. Ta phải làm gì với chúng là mục tiêu của chính trị nữ quyền.

CHÍNH TRỊ NỮ QUYỀN

Chính trị nữ quyền không chỉ quy chiếu về đấu trường của chính phủ hoặc luật pháp; nó có thể là những sự phản đối chạm trán, như là những cuộc biểu tình mang tên là Đòi lại Đêm (Take Back the Night), hoặc làm việc thông qua những tổ chức với một nền tảng rộng lớn, như là Tổ chức Toàn quốc về Phụ nữ (National Organization of Women/ viết tắt là NOW) và Tổ chức Toàn quốc cho Đàn ông chống kì thị với phụ nữ (National Organization for Men against Sexism/ viết tắt là NOMAS). Nó có thể là những trung tâm dịch vụ, như là nơi tạm trú của những đàn bà bị đánh đập, và những hoạt động phục vụ, như là những buổi nói chuyện về tính nhạy cảm giới tính và chống cưỡng bức cho nam sinh viên.

Hoạt động xã hội nữ quyền trong lối xóm hoặc ở cơ sở có khuynh hướng tập trung vào đàn bà và quan tâm tới những vấn đề địa phương, trong khi những tổ chức chính phủ xuyên quốc gia (non-governmental organizations/ viết tắt là NGOs) và những cơ cấu và cơ quan điều hành quốc gia và quốc tế là những địa điểm cho hoạt động chính trị đặt cơ sở trên sự đa dạng. Một số nhà nữ quyền đã tuyệt vọng khi những phong trào của phụ nữ tan rã vì chính trị căn cước dựa trên chủng tộc, sắc tộc, tông giáo, và quốc gia. Quan điểm “những miền biên cương” cống hiến khả tính về những viễn kiến mới và chính trị mới dựa trên những kết đoàn và những liên minh toàn sắc tộc, xuyên chủng tộc, và chuyển giới.

Thay đổi những cách giới thiệu về ngôn ngữ và truyền thông để tháo gỡ những miệt thị về kì thị tính dục xem khinh đàn ông cũng như đàn bà đều là chính trị nữ quyền. Những cách chữa trị khác cho việc chấn chỉnh bất bình đẳng giới, như là sáng tạo văn hóa và tri thức từ một quan điểm của đàn bà, xem ra không có vẻ mang tính chính trị, nhưng đối với những nhà nữ quyền, chúng mang tính chính trị sâu sắc vì chủ đích của họ là thay đổi cung cách người ta nhìn vào thế giới.

Hồ Liễu trích dịch từ cuốn
Bất bình đẳng giới: những lí thuyết và chính trị nữ quyền”,
Ấn quán Đại học Oxford, 2005.
(TCSH332/10-2016)




 

Các bài mới
Mê cung (31/10/2016)
Hấp hối (24/10/2016)
Các bài đã đăng
Dạ khúc Huế (19/10/2016)
Chùm thơ Lưu Ly (11/10/2016)