Tạp chí Sông Hương - Số 332 (T.10-16)
Tác phẩm mới tháng 10/2016
08:33 | 28/10/2016

NGẪU CẢM (thơ), tác giả Thường Nhiên, Nxb. Thuận Hóa, 2016.

Tác phẩm mới tháng 10/2016

Thơ Thường Nhiên giàu tính cảm xúc, hình tượng thơ trong sáng, ngôn ngữ thơ lịch duyệt. Thơ Thường Nhiên đi ra từ tâm thức của một nhà thơ từng trải với những thăng trầm của cuộc đời, rồi khi những thăng trầm đó kết thành hương hoa thì thơ vụt hiện. Ngẫu cảm không dựa trên dòng thi pháp truyền thống, vì thế dễ đi vào lòng người đọc nhưng nếu như không chú tâm vào những gầm ẩn bên dưới lớp ngôn từ thì rất dễ bỏ qua những điều sâu xa về con người, về thiên nhiên, về thân phận và về tình yêu mà nhà thơ hướng tới.


LÝ QUANG DIỆU BÀN VỀ TRUNG QUỐC, HOA KỲ VÀ THẾ GIỚI (Chuyên luận), các tác giả Graham Allison, Robert D.Blackwill và Ali Wyne, Nguyễn Xuân Hồng dịch, Nxb. Thế giới, 2016. Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người làm nên một đất nước Singapore giàu mạnh, bằng những luận điểm sáng rõ, thông tuệ, và cách nhìn nhận về chính trị, lịch sử, văn hóa, nhân học... vô cùng sắc bén đã đem đến cho bạn đọc những lý giải về sự phát triển và cả những vướng mắc trong nền kinh tế của Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới. Là người có kiến thức sâu rộng, thông qua những câu trả lời cho các câu hỏi mà Graham Allison, Robert D.Blackwill và Ali Wyne đưa ra, Lý Quang Diệu đã chứng minh rằng ông không né tránh các vấn về nhạy cảm, không trốn tránh các chỉ trích, thẳng thắn bày tỏ quan điểm của ông về chủ nghĩa đa văn hóa, phúc lợi, giáo dục, và thị trường tự do...


CÁC TRƯỜNG PHÁI LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC PHƯƠNG TÂY HIỆN ĐẠI VÀ SỰ TIẾP BIẾN, VẬN DỤNG Ở VIỆT NAM (Chuyên luận), tác giả Bửu Nam, Nxb. Đại học Huế, 2016. Đây là công trình với một cái nhìn tổng quát, đối tượng khảo sát rộng lớn và phức tạp. Đối tượng của công trình là một bức tranh nhiều màu sắc, đa dạng và không cố định mà luôn triển nở, biến đổi, phủ định, bài trừ và gối tiếp nhau. Tính tổng quát ở công trình thể hiện ở chỗ tác giả đã giới thiệu hầu hết các trường phái lý luận phê bình ra đời trong nền văn học phương Tây hiện đại. Trong đó công trình đã khảo sát các lý thuyết ra đời dựa trên nhiều nền tảng khác nhau như triết học, mỹ học, ngôn ngữ học, ký hiệu học, tâm lý học, nhân loại học, dân tộc học... Cụ thể hơn công trình đi vào giới thiệu các lý thuyết ra đời trong thế kỷ XX như: Giải cấu trúc, hậu cấu trúc, tự sự học, lý thuyết tiếp nhận, nữ quyền luận, tân macxit, tân lịch sử, lý thuyết hậu thực dân, hậu thuộc địa, v.v.


NHỮNG MẢNH GHÉP VĂN HÓA (Chuyên luận), các tác giả Enrich Fromm, Levi Strauss, Baudrillard, Aileau và Cazeneuve, Đoàn Văn Chúc dịch, Nxb. Hội Nhà văn và SongThuy bookstore ấn hành năm 2016. Công trình này là sự tập hợp các bài dịch của Đoàn Văn Chúc về các công trình của các nhà dân tộc học, phân tâm học hàng đầu như Enrich Fromm, Levi Strauss, Baudrillard, Aileau và Cazeneuve. Đây là một phần trong di cảo dịch thuật của Đoàn Văn Chúc được Đỗ Lai Thúy sưu tầm và dựng sách. Dưới sự soi chiếu của lịch sử, dân tộc học và tâm lý học, cuốn sách đi tới phân tích các nội hàm của Truyền thống, Tết, Nguồn gốc và các dạng vẻ của nghi thức, Tính hiện đại... Theo nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn cho biết thì công trình này là sự tiếp nối công việc của Tủ sách Văn hóa học do Đỗ Lai Thúy và các cộng sự chủ trương, mà nhiều năm qua, tủ sách này là một nhu cầu đọc thầm lặng của những người ưa tìm tòi, đổi mới tư duy và lý thuyết nghiên cứu.  

(TCSH332/10-2016)



 

Các bài mới
Mê cung (31/10/2016)
Các bài đã đăng
Hấp hối (24/10/2016)
Dạ khúc Huế (19/10/2016)