Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-16)
Những chuyện ít người biết về họa sĩ Đinh Cường
14:14 | 06/01/2017

HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN

Ở nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức Thành phố Hồ Chí Minh có ngôi mộ của ông Đinh Văn Dõng, bia mộ đề nguyên quán: Nam Trung - Thừa Thiên-Huế. Ông Đinh văn Dõng là thân phụ của họa sĩ Đinh Cường. Té ra Đinh Cường là người Sài Gòn, gốc Huế.

Những chuyện ít người biết về họa sĩ Đinh Cường
Chân dung Đinh Cường - Trần Trung Lĩnh vẽ

Anh sinh ở Bình Dương, lớn lên ở Sài Gòn, học trường Petrus Ký nhưng một phần đời sống -mà có lẽ là phần đời quan trọng nhất trong tình yêu và nghệ thuật của anh lại gắn bó với Huế. Anh Cường tính trầm lặng, hòa nhã, không bao giờ to tiếng gây gổ với ai. Anh kết hôn với một trang yểu điệu thục nữ là chị Hồ Thị Tuyết Nhung, nữ sinh Đồng Khánh cũng là một mẫu người Huế trầm lặng. Có thể nói hơn một nửa Đinh Cường là Huế.

Một trong những tác phầm đầu tiên của Đinh Cường mà tôi được biết là bức tranh sơn dầu vẽ theo trường phái trừu tượng có tên là “Cầu say”. Anh Cường đã tặng bức tranh này cho anh Tường tôi treo ở phòng khách. Tôi vốn mù hội họa, không hiểu được những cảnh giới cao thâm của nghệ thuật tạo hình. Nghe nói tranh trừu tượng là những tác phẩm hội họa mà người xem khó có thể hiểu nếu không được chính tác giả giải thích. Tôi nghe anh Cường giải thích với bạn bè rằng đó là hình ảnh cầu Trường Tiền - đúng hơn là cái bóng của cây cầu qua cái nhìn của người say vỡ ra thành những mảng màu lung linh trên dòng sông. Nhưng tôi chưa hề thấy anh Cường say rượu. Đúng là anh có uống rượu nhưng càng uống càng lầm lì ít nói chứ không phải kiểu say sưa vất vưởng, rượu vào lời ra. Có lẽ anh chỉ uống vừa đủ say để hội nhập vào những cõi riêng của nghệ thuật mà người tỉnh táo quá thì không đến được. Người xưa gọi cái say này là “đức uống rượu”. Hồi ấy ở Huế có thầy Lê Hữu Mục dạy Quốc Văn ở trường Quốc Học ngõ ý nhờ Đinh Cường vẽ cho ông một bức tranh “thật trừu tượng”. Anh Cường chỉ ậm ừ cho qua chứ không nhận lời. Anh cho rằng ông Mục không phải là dân biết chơi tranh. Đã là dân chơi tranh nghệ thuật thì không chơi kiểu đặt hàng làm gia công. Đã thế mà lại yêu cầu là tranh phải “thật trừu tượng”- thì biết thế nào mà vẽ! Thật ra ông Lê Hữu Mục cũng là người thầy rất tài hoa. Ông là tác giả ca khúc “Hẹn một ngày về”, một trong những tác phẩm mượt mà nhất để tỏ tình cùng xứ Huế. Thế mà bước sang lĩnh vực hội họa, lơ mơ là bị chê ngay. Bởi vậy, rút kinh ngiệm tôi cũng không dám lạm bàn thêm về nghệ thuật mà xin nói qua chuyện khác.

Vào khoảng những năm 1964 - 1966, có thời gian anh Cường sống chung với gia đình chúng tôi ở Huế. Ngoài căn nhà công chức mà ông Tường được cấp ở đường Mai Thúc Loan gần cửa Đông Ba, chúng tôi còn một cõi đi về khác là một căn nhà vườn ở trong kiệt 5 đường Âm Hồn mà bạn bè thường gọi đùa là Tuyệt Tình Cốc. Anh Cường tạm dùng nơi này làm xưởng vẽ. Do đó, các anh Ngô Kha, Trịnh Công Sơn… cũng thường lui tới. Tôi gọi họ là “nhóm văn nghệ. ” Chúng tôi cũng dùng nơi này để tụ tập bạn bè trong phong trào sinh viên tranh đấu như: Tôn Thất Kỳ, Trần Quang Long, Lê Thanh Xuân, Nguyễn Hữu Ngô, Phan Duy Nhân… Anh Cường thân mật gọi đùa đám đàn em chúng tôi là “nhóm Việt Cọng”. Hai nhóm chúng tôi tôn trọng nhau trên nguyên tắc “nước sông không phạm nước giếng”. Nhưng rồi tình hình đất nước biến động dữ dội. Giặc Mỹ leo thang chiến tranh, ném bom miền Bắc. Cả thành phố Huế sôi sục xuống đường đấu tranh. Đến lượt nhóm văn nghệ của các ông anh cũng dấn thân, nhập cuộc. Theo sáng kiến của anh Tường, một cuộc hội thảo bỏ túi đã được tổ chức tại Tuyệt Tình Cốc để tuổi trẻ Huế xác định quan điểm lập trường đối với cuộc chiến. Hầu hết mọi thành viên của nhóm văn nghệ và nhóm Việt Cộng đều có mặt. Chủ trì hội thảo là Trần Xuân Kiêm, Chủ tịch Tổng hội sinh viên Huế. Khách mời thuộc dạng thân hữu có, giáo sư Erich Wulff của trường Y khoa, giáo sư Đỗ Long Vân của trường Văn khoa Huế. Ngoài ra còn có một số khách mời khác chính kiến như Thế Uyên, Phan Kim Thịnh… của tòa soạn báo Văn Học từ Sài gòn ra. Trong hội thảo mọi ý kiến Thiện, Ác, Tà đều được phát biểu thẳng thắn và bảo lưu chứ không nhất thiết phải phân thắng bại như trên chiến trường. Sau hội thảo, cả hai nhóm (Văn nghệ Việt Cộng) đều nhất trí phải ra một tờ đặc san bày tỏ thái độ chống lại âm mưu và tội ác chiến tranh của người Mỹ. Đặc san lấy tên Việt Nam Việt Nam do anh Tường chủ biên và giáo sư Lê Văn Hảo đồng ý đứng tên chủ nhiệm, đã được phát hành vào đầu năm 1966 và được xem là tài liệu bán công khai có ngôn ngữ chống Mỹ mạnh mẽ nhất ở các thành thị miền Nam lúc bấy giờ. Chính Đinh Cường là người vẽ bìa và trình bày tờ đặc san này. Bốn chữ Việt Nam Việt Nam màu đỏ thắm trên bìa giấy trắng được Đinh Cường kẻ bằng một kiểu chữ đặc biệt, đầu nối đầu, chân nối chân san sát, gợi lên khí thế của một đoàn người kề vai sát cánh tiến lên phía trước. Anh Cường còn tích cực tham gia nội dung đặc san với 2 bài thơ do anh sáng tác dưới bút danh Cát Hồng nhan đề là Tiếng hót loài chim chiến tranh, Chuyến đi. Ngoài ra còn bài thơ Vọng nhân hành của Thâm Tâm do anh sưu tầm. Đinh Cường rất tâm đắc đoạn:

…“ Thằng thí cho nhàm sức võ sinh
Thằng bỏ văn chương ôm gối hận
Thằng thư trói buộc thằng giả quê
Thằng ở non cao chữa thấy về
Sông Hồng nào phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu nhất khứ hề
Ngoài phố mưa bay sông bốc rượu
Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê…”




Anh tâm sự: “Hồi ở Sài Gòn, mình có hai thằng bạn thân là Thủy Thủ làm thơ và Cổ Tấn Long Châu, họa sĩ. Năm 1961, chúng nó bỗng thoát ly ra vùng giải phóng nên mình rất hụt hẩng. Bài Vọng nhân hành của Thâm Tâm làm mình nhớ chúng nó quá.” Thì ra vì nhớ hai người bạn ấy mà anh đưa bài thơ thời chống Pháp vào đặc san thời chống Mỹ. Năm ngoái có lần, anh đã đề nghị “nhóm Việt Cộng” chúng tôi bí mật tổ chức cho anh một chuyến tham quan vùng giải phóng với hy vọng liên lạc được với Thủy Thủ và Cổ Tấn Long Châu. Chuyến tham quan đã được tổ chức nhưng khi chúng tôi đưa Đinh Cường đến gần chân núi Truồi (Quận Phú Lộc - Thừa Thiên) thì gặp trận càn dữ dội trong vùng giải phóng nên phải trở về. Dầu vậy, chuyến đi này cũng đem lại cho anh nhiều cảm xúc mới lạ và mạnh mẽ. Hai bài thơ Chuyến đi Tiếng hót loài chim chiến tranh là sáng tác của Đinh Cường sau chuyến tham quan không thành ấy.

Mùa hè năm 1966, đến lượt anh Tường và tôi thoát ly ra vùng giải phóng. Anh Cường ở lại nội thành bị động viên ra trường làm trung úy Công binh hay Tâm lý chiến gì đó. Năm 1969, tôi có dịp trở về bám trụ thành phố, hoạt động trong tổ chức bí mật của Thành Đoàn Sài Gòn. Tháng 9 năm ấy có sự kiện chấn động thế giới là Bác Hồ từ trần. Trong dịp lễ tang Bác Hồ, Thành Đoàn Sài Gòn giao cho tôi cùng một số cơ sở nội thành bí mật làm tờ báo Thanh Niên, số đặc biệt để tưởng niệm ngày Bác mất. Bài vở thì chúng tôi lo được. Nhưng muốn có một tấm ảnh đẹp của Bác để in lên số báo này thì…Tôi nghĩ đến Đinh Cường lúc này đang ở tại nhà số 31A đường Nguyễn Đình Chiểu, gần chợ Tân Định. Tôi ra sạp báo mua hai tờ tạp chí tiếng Anh là Time và Newsweek, số đặc biệt về Bác Hồ có đăng nhiều tấm ảnh của Bác rất đẹp. Tôi đem tới kiếm anh Cường nhờ vẽ lại giùm vài tấm. Gặp lại tôi giữa Sài Gòn, anh Cường rất bất ngờ, vừa mừng vừa sợ. Nhưng anh cũng nhận lời vẽ ảnh Bác một cách nhiệt tình và hẹn sáng hôm sau gặp nhau ở quán cà phê đầu đường Huỳnh Tịnh Của để giao ảnh. Mọi việc suôn sẻ. Tờ báo được phát hành phần lớn theo đường bưu điện đến tòa soạn các báo, trong đó có một số báo gửi “nàng Nhã Ca” ở tòa soạn báo Hòa Bình. Đinh Cường biết chuyện ấy mỉm cười có vẻ thú vị nhưng anh có chút băn khoăn, hỏi tôi:“Mấy ông có tính xử Nhã Ca không?” Tôi trả lời: “Tôi chỉ gửi tờ báo để bả đọc cho vui thôi. Còn xử hay không là chuyện của bộ phận khác. Nhưng theo tôi biết, ngay cả các bộ phận võ trang cũng không hề có chủ trương tấn công một nhà văn nữ, dầu đó là tác giả Dải khăn sô cho Huế.” Anh gật đầu: “Vậy mới phải. Làm cách mạng, cũng phải biết galant chứ!”

Sau năm 1975, anh được báo Tuổi Trẻ quý trọng, mời làm cộng tác viên mỹ thuật và kỹ thuật cho tòa soạn trong một thời gian dài cho đến ngày anh xuất cảnh sang Mỹ.

Nay anh đã ra đi. Đúng ra lúc này người có thể nói nhiều hơn về Đinh Cường là anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng anh Tường thì đang bệnh nặng. Phần tôi chỉ xin ghi lại đôi điều này và thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ người nghệ sĩ ít nhiều cũng đã có thái độ trăn trở và dấn thân của giới trí thức, rất cần và rất quí khi đất nước lâm nguy.

H.P.N.P 

Sau đây là hai bài thơ của Đinh Cường đã in trong tạp chí Việt Nam Việt Nam dưới bút hiệu CÁT HỒNG  


TIẾNG HÓT LOÀI CHIM CHIẾN TRANH(1)  

Chim hót buổi sáng, chim hót buổi chiều
Chim hót hoài câu “Chết chết vì chiến tranh”
Và đêm đêm tôi nằm nghe hoài đại bác
Cày xéo bao nhiêu lâu rồi trên quê hương này
Bao nhiêu bà mẹ, bao nhiêu trẻ nhỏ
Bao nhiêu ruộng đồng, bao nhiêu làng mạc
Chim hót đi chim, hót hoài chiến tranh
Chim hót buổi sáng, chimhót buổi chiều
Cho thân phận người nằm ru nước mắt
Đêm đêm tôi nằm nghe hoài đại bác
Bao nhiêu lâu rồi hỡi quân xâm lăng
Bao nhiêu lâu rồi hỡi loài hung ác
Hãy hót đi chim hãy hót đi chim
Hót đi buổi sáng, hót đi buổi chiều
Cho người còn nằm nghe hoài đại bác
Cho người còn nằm cháy bỏng đấu tranh


                                    Tháng 3/1966
 

CHUYẾN ĐI

         Tặng Ng.

Xác chết phơi trần mõm đá
Ban trưa cháy bỏng rừng già
Xác chết cụt đầu nghiêng ngả
Xe hàng vừa mới băng qua

 
Xác chết cháy đen tan rã
Một cơn gió xoáy tung trời
Rừng dừa mưa bom tơi tả
Mẹ nằm sấp xuống con ơi

 
Xác chết khô cằn như đá
Vắt ngang hàng rào kẽm gai
Nhựa đường nắng trưa lên khói
Xóm làng hai bên biết ai


Xác chết không còn nguyên vẹn
Làm sao tìm mặt tìm mày
Người qua còn nghe uất nghẹn
Chuyến đi thôi dừng lại đây.


                         Huế, 1966  


-----------------------
(1) Đây là loài chim có tên dân gian là chim vịt rất quen thuộc trong những  buổi chiều quê ở Việt Nam. Tiếng kêu của nó là một chuỗi âm thanh rất buồn: Chiều chiều chim vịt kêu chiều /Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
Những người lính Pháp trong chiến tranh Đông Dương có tâm sự chán ghét chiến tranh cũng rất chú ý đến tiếng hót của loài chim này ở Việt Nam. Họ nhại chuỗi âm thanh của chim bằng những từ tiếng Pháp:Père, mère, frères - tout en péril (Cha, mẹ, anh em - tất cả đều lâm nguy) và đặt tên chim là “Oiseau de guerre” (Con chim Chiến tranh).  


(SHSDB23/12-2016)

 

Các bài mới
Đoản văn (08/02/2017)