Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-16)
Trần Thiên Thị - Kẻ ngược đường đi đến
09:50 | 14/02/2017

VŨ TRỌNG QUANG

Trần Thiên Thị viết tắt TTT hay đọc là 3 Tê, tôi liên tưởng đến những T thơ ca:

Trần Thiên Thị - Kẻ ngược đường đi đến
Nhà thơ Trần Thiên Thị

Tê điếng:

Thịt da tôi sượng sần và tê điếng.
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên

            (Hồn là ai, Hàn Mặc Tử).

Tê tái:

Chiều sơn cước lạnh hồn tê tái
Con nhện đau hoài sợi nhớ thương

            (Hoài Hương, Đất Thăng Long).

Tê người:

Chỉ còn em còn em im lặng đến tê người
            (Im lặng đêm Hà Nội, thơ Phạm Thị Ngọc Liên, nhạc Phú Quang).

Tiên tri cho Thị “tê điếng tê tái tê người, Thị mang tê dại tê đời Trần Thiên?”

Trần Thiên Thị với ba chữ TTT làm tôi nghĩ đến Thanh Tâm Tuyền, một người mở rộng rực rỡ Thơ Tự Do, có thể xem như “soái ca” trong thể loại nầy. Tôi bị ám ảnh những câu thơ của ông thời trai trẻ:

Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới
Chiếc kèn hát mãi than van


Thì Thị có:

em đã người yêu trong vòng tay không còn ôm được chặt

Hoặc câu thơ khác của Thanh Tâm Tuyền mà tôi vẫn thường đọc cho bạn bè nghe:

Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá


Cần gì vứt điếu thuốc xuống sông để bị tắt ngấm cuốn trôi; điếu thuốc đã đốt, không hút cũng tự cháy hết.

Một con người “ngầu” như Trần Thiên Thị thường trực tay thuốc:

nửa đêm nhặt được điếu thuốc cuối cùng trong bao thuốc lá cũ

Thơ Thanh Tâm Tuyền & Trần Thiên Thị có vài chữ giống nhau, không thể nói người đi sau sao chép người đi trước, ngôn ngữ mỗi người có dấu ấn riêng tư (không dám nói tư tưởng lớn gặp nhau, nghe ghê quá), hai tâm trạng ba động biệt lập.

Nay Trần Thiên Thị đưa tự do vào Nơi Đám Mây Đã Chết bằng con đường chủ yếu Thơ Tự Do, giấy mời mở cửa tự trong tâm cảm, tự do đến tự nhiên như lời nói hay một cách tương cận: lời nói như thơ; Thị có thể bơ vơ nhưng hoang mang không trên hành trình đi tới; đi tới bằng con đường ngược bất định:

tôi muốn ra đi khi người ta trở về
chỉ có ngược đường


Dũng cảm hơn:

những cuộc chiến bây giờ không chờ đợi gió mùa
người ta vẫn có thể đi ngược về phía bão


Hoặc tung hoành “dọc ngang nào biết trên trời có ai” (Từ Hải).

đi ngang đi dọc mùa đông
ngược đường những cánh chim di trú


Hành trình đi tới là hành trình ngược hay nói đúng hơn đi tới bằng cách ngược lại (không phải đi ngược bảng cấm sẽ bị công an thổi còi), lấy chiều dài số âm mặc định số dương.

Con ngựa truy phong Trần Thiên Thị khởi hành nhắm đích chân trời, tìm gì không có gì, nơi ở cuối chân trời, đi đến chỗ phải đi chỉ có chữ “i” vô vọng vô cực; biết vậy nhưng vẫn lao tới không cho bịt mắt như xe ngựa thồ cam chịu trên con đường định sẵn; băng băng qua phản biện độc thoại băng băng qua hiện hữu hiện thực chỉ định.

viết được dăm câu buồn như ngựa
truông dài mỏi vó đứng hí khan


Đứng hí khan, đứng lại chứ không dừng lại, hành trình phóng về phía trước.

ngày cuồng miệng hát lời ngựa chứng
vai người xin gởi cái tử sinh

Cái tử cái sinh cái đợi cái chờ
con ngựa hôm nào bên suối
vẫn nhẫn nha gặm cỏ đợi người

Vậy thì lên yên đi nữa
thôi thì cởi ngựa qua truông
mà nghe tiếng nhạc lúc gần lúc xa


Xuyên qua Thơ tự do là những dòng lục bát; diện kiến cái bên ngoài thô ráp sần sùi pha dáng vẻ giang hồ của một kỹ sư cơ khí lại chứa bên trong một kỹ sư tâm hồn mềm mại thơ mộng lãng mạn; lục bát của tác giả không bi lụy không sướt mướt, không ngôn tình diễm lệ (diễm lệ coi chừng dễ liệm). Công lực của thơ nắm ở câu tám chữ, câu sáu chữ chỉ khơi gợi gieo mở.

nhớ gì mà nhớ ngẩn ngơ
vết cào hôm trước nằm chờ bàn tay


So với ông vua lục bát Nguyễn Du, người đã đưa thân phận nàng Kiều qua hơn 3000 câu lục bát, cuối cùng tuyên ngôn không tuyên ngôn một câu xanh rờn rất vô vi: Mua vui cũng được một vài trống canh.

Thị cũng chơi thôi, chơi miết thôi:

châu thân nhìn dọc đã sang xuân rồi
thì chơi cho hết cuộc chơi


Ồ trà mi trà mi da diết:

một trà mi nở nở rất hồng
một con ong một mộ phần thiếu hương


Một trà mi khác của Nguyễn Du:

Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về


Trà mi trong Đoạn Trường Tân Thanh bị bướm ong vùi hoa dập liễu, hình ảnh trà mi của Trần Thiên Thị nói chung thì bùi ngùi, nói riêng thì bùi ngùi hơn, đã để lại con ong cô độc tiếc nuối mùi hương.

Cả hai đều không như tiếng kêu trập trùng trong Cung Oán Ngâm Khúc:

Cái đêm hôm ấy đêm gì
Bóng dương lồng bóng trà mi trập trùng


Cái đêm hôm ấy xa xưa quy chiếu vào thì hiện tại thành âm thanh cuồng nộ.

Trần Thiên Thị còn nhiều trà mi, có phải ở Quảng Nam huyện Trà Mi có một bông hoa thật đã ám ảnh khiến chàng si tình:

tầm hương trên đóa trà mi
con ong mõn sức cũng vì mùa xuân

&

và đôi môi trà mi
hớ hênh vẫy như ngàn cánh lá


Rồi rong chơi đi tiếp:

đa ngăn dăm cuộc rong chơi
mượn thiên hà xứ lắm nơi ăn nằm


Lại nhớ đến Nguyễn Đức Sơn bạt mạng:

Mẹ cha ngàn kiếp nào ngờ
Đời cha mạnh giỏi cũng nhờ rong chơi


Trần Thiên Thị còn một số bài lục bát mượt mà khác, vật liệu ngôn ngữ có góc khuất đằm thắm không khô cứng lồ lộ như vật liệu xây dựng; đôi chỗ tác giả lụy vần, tôi cũng vậy, càng thao tác kỹ thuật lục bát tôi càng lụy vần, có thể làm tôi giảm ý và cảm xúc.

cầm tay nay đã thành chai
mới hay vết sẹo đã vài trăm năm


Vần vài lụy vần chai, chứ vài trăm năm thời gian dài lắm, có thể lên đến ngàn năm, khi ấy vết sẹo không còn.


uổng công mấy kiếp nghe kinh
cứ xuân lại cứ thất tình một ta
……


Bài thơ Tổ Sư Cái Tháng Châp Sầu là bài phản tỉnh cái sầu hiện thực dữ dội.

Bạn ta ơi hãy dứt khoát nhổ đi cái răng sâu, phục sinh sự đau nhức âm ỉ ấy làm gì, chỉ còn khoảng trống; hãy để lại giữa ánh sáng và bóng tối, ấy là thơ.

Đi tiếp đi đến chỗ đường đi không đến.

Cần thiết an táng tro than Nơi Đám Mây Đã Chết trên không trung, hôn phối tiếp tục giữa bầu trời và mặt đất sẽ sản sinh ra Đám Mây khác, đám mây mãi trên đường bay.

V.T.Q  
(SHSDB23/12-2016)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đoản văn (08/02/2017)