Tạp chí Sông Hương - Số 335 (T.01-17)
BÀN TRÒN VĂN CHƯƠNG TRẺ ĐẦU XUÂN
09:05 | 22/01/2017

Như thường lệ, vào số báo đầu năm mới, Sông Hương giới thiệu đến quý bạn đọc những tiếng nói của các cây bút trẻ. Đó là những tiếng nói đầy nhiệt huyết trong khu vườn sáng tạo. Những tiếng nói ấy chứa đựng trong mình biết bao khát vọng cất tiếng, khát vọng cách tân để đưa nghệ thuật làm tròn bổn phận của nó: Làm ra cái mới.

BÀN TRÒN VĂN CHƯƠNG TRẺ ĐẦU XUÂN

Với Hạo Nguyên thì chiêm bao chính là suối nguồn của mọi mơ mộng nghệ thuật từ khởi nguyên cho đến hiện tại… Cũng từ những khát vọng xác lập đường bay riêng, bạn đọc sẽ đến với những trăn trở của Tru Sa, một cây viết giàu nội lực hiện nay, viết như là để “ném mình khỏi lốt trần tục”. Trần Băng Khuê lại có những gam màu khác, đó là gam màu của sự trầm tĩnh, kín đáo và bản lĩnh của một cây bút lặng lẽ để “chập chững leo lên từng nấc bậc thang của sự sáng tạo”. Ở một đời sống khác, văn chương bén rễ từ tuổi hoa niên đầy ý vị và dần chiếm lĩnh tâm hồn Văn Thành Lê vì với cây bút này, thực tại của sự viết là đang đào bới, đục khoét chính mình. Nguyễn Hoàng Anh Thư, tác giả đang bước qua lằn văn trẻ lại quan niệm “nhà văn như một người nặn tò he, đa dạng và nhiều sắc màu” như một biểu tượng thôi thúc, khơi gợi. Với Lê Vũ Trường Giang thì người trẻ cần đắm mình trong khung trời tự do, bởi chỉ có tự do mới đem đến cho văn chương những chân trời bay cao rộng.
Văn chương đã mê hoặc những người trẻ như thế nào? Họ đến với văn chương
vì lẽ gì? Văn chương là cuộc chơi, sự thể nghiệm hay sự phụng hiến; tất cả sẽ được dẫn giải qua những lăng kính khác nhau của các cây bút trẻ: Hạo Nguyên, Văn Thành Lê, Tru Sa, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Trần Băng Khuê, Lê Vũ Trường Giang.
SÔNG HƯƠNG  



Khai phóng chiêm bao  

HẠO NGUYÊN  

Thậm chí cho đến giờ tôi vẫn không quen với việc tự gọi mình là người viết văn hay một danh xưng gì đó tương tự như vậy. Từng là sinh viên Ngữ văn và từng đi dạy Văn, khái niệm “người viết” hay “nhà văn”, đối với tôi, luôn là một khái niệm được xây dựng trong những quan hệ, những tương quan khá phức tạp và rắc rối. Khi viết, tôi viết với chính mình, viết cho mình. Nó là một việc gì đó khá tự thân, cô độc, và đôi khi có thể gọi là tự kỷ cũng không sai.

Hồi mới viết những truyện đầu tiên, tôi không gửi đăng (đó không phải là biểu hiện của tự kỷ sao?). Nhờ một cơ duyên, tôi được nhà văn Hồ Anh Thái biết và anh bảo tôi gửi cho anh đọc. Thế là những truyện đầu tay ấy được đăng trên Đại biểu nhân dân (khi Đại biểu nhân dân còn chuyên mục truyện ngắn). Tập truyện ngắn “Lời nguyền bẫy đêm” xuất bản năm 2013 cũng từ sự gợi ý và giúp đỡ tích cực từ nhà văn Hồ Anh Thái. Nếu không có anh, có lẽ những truyện ngắn của tôi vẫn còn nằm trong máy tính hoặc trong… đầu tôi. Âu cũng là duyên vậy.

Viết, đối với riêng tôi, về cơ bản, giống như chiêm bao. Ở đó, ta có thể tạo ra một thế giới của riêng mình, không lệ thuộc vào những nguyên tắc cấu trúc của thế giới khác, của người khác. Vậy nên, những truyện ngắn tôi viết, giống như chiêm bao hơn là truyện ngắn thực thụ.

Vì, nói một cách thành thật và nghiêm túc, chỉ trong chiêm bao ta mới được là chính mình. Ở khía cạnh đó, truyện ngắn nói riêng, nghệ thuật nói chung, theo tôi, là khai phóng chiêm bao để định nghĩa chính mình.

Điểm yếu chết người và vì thế mà truyện tôi đọc khá chán là thiếu tính hiện thực và “trôi” chậm. Tôi biết điều đó nhưng không khắc phục được. Đành vậy, chiêm bao mà. Bù lại, nó có cái mà tôi cho là được đó là mình có quyền kiến trúc nên những ảo mộng vô cùng mà không cần phải lý giải vì sao lại thế. Những bất ngờ, những sự kiện phi lý, những mâu thuẫn logic giữa các truyện vì vậy sẽ không khiến tôi phải đi lý giải cho dễ hiểu và hợp khoa học.

2. Tôi đoán rằng mình thích thơ haiku và tiểu thuyết của Kawabata. Vẻ đẹp của văn học Nhật Bản phần nào đó hợp với “tạng” người tôi.

Xa xôi và chiêm bao.

Tôi cũng mê Thiền học. Và đặc biệt, triết lý “vô thường” của Phật giáo được chuyển hóa thành cái hư ảo, cái bi trong nghệ thuật Nhật Bản là điều mà tôi khá bị ám ảnh.

Gần đây tôi cũng thích đọc Murakami. Nếu có thể nói điều gì đó về tác phẩm của ông, tôi sẽ nói là “nhà trưng bày lộng lẫy của những chiêm bao”.

Tôi được biết có khá nhiều nhà văn Việt Nam đương đại có nhiều tác phẩm được dịch ra các ngôn ngữ khác. Nhưng tạo nên một hiện tượng văn hóa như Murakami thì chắc khó. Thậm chí loạt tác phẩm thiên về giải trí như Harry Potter cũng tạo nên cơn sốt toàn cầu.

Đôi khi tôi nghĩ văn học đương đại thế giới giống như trường phù thủy Hogwart trong bộ Harry Potter. Rất nhiều phép lạ và sự diệu kỳ. Và chúng ta đứng ngoài giấc mơ kỳ lạ đó.

3. Nếu phải chọn một tác phẩm nào đó để nói rằng tôi yêu thích nhất, thì quả thật là rất khó.

Thứ nhất là vì tôi thích khá nhiều tác phẩm. Riêng bộ “Tam quốc diễn nghĩa” tôi đọc đi đọc lại hàng chục lần. Như vậy là thích lắm, vì không có tác phẩm nào khiến tôi đọc nhiều lần như vậy. Hồi sinh viên, tôi đã thức trắng một đêm để đọc bộ “Giã từ vũ khí”, đọc xong thì trời tảng sáng, nằm khóc một mình. Đó là một câu chuyện thực sự làm lay động trái tim. Những tác phẩm của Kawabata: Ngàn cánh hạc, Cố đô, Xứ tuyết… tôi vẫn giữ đến tận giờ, dù nhiều cuốn sách khác đã ra đi. Rồi những tiểu thuyết - bài thơ (tôi tự gọi như vậy) như “Lụa” của Alessandro Baricco hay “Tuyết” của Maxence Fermine, đều mang dáng dấp những bài haiku tuyệt đẹp…

Thứ hai, như mọi người thấy ở trên, tất cả là văn học nước ngoài. Nếu xét trên một quan điểm nghiêm khắc, nhiều người sẽ bảo tôi “vọng ngoại”. Nhưng biết làm thế nào? Sở thích không thể phân biệt quốc tịch.

Vậy đã đến lúc phải chọn thì tôi sẽ chọn tác phẩm nào? Thật kỳ lạ là đôi khi bất giác trí nhớ gọi tên một tác phẩm gây nhung nhớ thì không phải những tác phẩm trên, mà là hai truyện ngắn, một của Kawabata - “Cánh tay” và một của Tanizaki - “Cầu mộng”.

Phải, hai truyện ngắn diệu kỳ đó đã biến thành một thứ trầm tích đẹp đẽ trong tôi, để đôi khi nhớ về, cảm giác bảng lảng như mình vẫn đang lạc trong một cõi sương nào đó mà không muốn, không thể tìm lối ra. Đến giờ, thật khó để khẳng định hai tác phẩm đó là truyện ngắn hay thơ.

Vậy đó, đôi khi sự phân định thể loại là hết sức vô nghĩa và không cần thiết.

4. Quay trở lại với khái niệm “người viết” hay “nhà văn”. Hơn ai hết, tôi tự thấy mình hoàn toàn không nằm trong “phạm vi điều chỉnh” của những khái niệm ấy. Những “người viết” hay “nhà văn” đúng nghĩa luôn có quá trình lao động hết sức nghiêm túc, cần mần, kiên trì, chỉn chu. Trong một truyện của tôi (tạm gọi là truyện), có đoạn đối thoại thế này:

- Tao vẽ cũng giống như đi vệ sinh. Nghĩa là chỉ khi nào có nhu cầu. Mà mày đừng có nhiễm mấy cái lý luận vớ vẩn ở trên trường. Hại cả óc.

Im lặng một lát như để tôi có thời gian suy nghĩ, Y nói tiếp:

- Tranh của tao là phế thải của tâm hồn tao. Khi nào tâm trí tao sạch sẽ thì tao chơi. Khi nào trí óc lại ních đủ thứ rồi thì tao vẽ để đào thải ra thành một thứ vật chất là tranh. Mày đừng thần thánh hóa chuyện vẽ vời hay viết lách, như thế là báng bổ thần linh đấy.

(Quả tim của Modigliani)


Không thể phủ nhận trong đoạn hội thoại này tôi đã gián tiếp nói về quan điểm khi viết của mình. Chỉ viết khi thấy cần phải đào thải cái gì đó, một nỗi đau cá nhân, một suy tư riêng lẻ… Từ một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng viết, trước hết là để giải bày.

Và cũng từ một lúc nào đó, tôi nhận thấy sự bất lực của ngôn từ nói riêng hay nghệ thuật nói chung đối với những vấn đề sinh tồn đang hiện hữu quanh đây.

Đó thật sự là một thức nhận hết sức tiêu cực. Nhưng có những điều khiến ta mất tin rằng cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới như lời của Dostoievski.

5. Đi vào con đường này, sẽ có người chọn cách kể một câu chuyện vĩ đại có thật, sẽ có người chọn cách kể một nỗi đau phổ quát có thật, sẽ có người chọn cách kể một bi kịch hiện sinh điển hình có thật.

Và cũng sẽ có người chọn cách kể một vài chiêm bao nhỏ bé của mình, và chưa hẳn chiêm bao ấy có thật.

Nếu bước vào con đường này với tham vọng sau này có ai nhắc tên thì thật sự là khó. Và có khi đó là chiêm bao quá lớn.

Mà không phải chiêm bao nào cũng có thể khai phóng.

H.N  
(TCSH335/01-2017)





 

Các bài mới
Nguyện của cây (14/02/2017)
Các bài đã đăng