Tạp chí Sông Hương - Số 335 (T.01-17)
Một cái nhìn vào “thế hệ nhà văn sau 75”
08:56 | 03/03/2017

ĐỖ LAI THÚY

"Thế hệ nhà văn sau 75” thường được dùng như một (cụm) từ - chìa khóa để mở vào nghiên cứu các nhà văn, rộng ra cả văn học, từ sau 1975 đến.

Một cái nhìn vào “thế hệ nhà văn sau 75”
Ảnh: internet

Năm 1975, quả thật, là một cột mốc quan trọng không chỉ cho lịch sử - xã hội, mà cả văn học. Vì, văn học Việt Nam luôn bị quy định hoặc theo sát chính trị. “Sau 75”, một mặt, quy về một mối/ thống nhất/ nhất thể hóa các văn học tồn tại trước đó, như văn học chống Pháp, chống Mỹ, văn học xã hội chủ nghĩa, văn học thành thị/ vùng tạm chiếm như Hà Nội 1946 - 1954, Sài Gòn và các đô thị khác ở miền Nam 1954 - 1975. Mặt khác, trên nền tảng của sự thống nhất đó cũng đã bắt đầu có sự phân hóa như là điều kiện cho sự phát triển mới. Trước hết, có văn học trong nước và văn học hải ngoại. Văn học trong nước tiếp tục cuộc vận động hiện đại hóa, thế giới hóa khởi từ đầu thế kỷ. Văn học hải ngoại tiếp tục và phát triển, văn học thành thị miền Nam trước đây trong điều kiện mới. Cả hai văn học trong nước và hải ngoại này cùng tương tác lẫn nhau và cùng chịu/ được tác động của văn học thế giới. Nếu trước đây cánh cửa nhìn ra thế giới ít nhiều phải qua bộ lọc của văn hóa Trung Quốc, Nga - Xô viết, Pháp, Mỹ, thì giờ đây nhờ mạng Internet văn học Việt Nam trực tiếp liên thông với thế giới.

Văn học sau 75, nhờ thế, cho ra đời một “thế hệ nhà văn sau 75”. Nhưng, thế hệ nhà văn sau 75, anh là ai? Thứ nhất, có thể hiểu là những người cầm bút/ xuất hiện/ công bố tác phẩm chỉ từ sau 1975, nhất là từ sau Đổi mới và Mở cửa 1986. Đa số họ viết theo tinh thần của giai đoạn này. Thứ hai là những nhà văn của các giai đoạn trước đó nay vẫn tiếp tục sáng tác. Một số từ giã lối viết cũ, chuyển sang viết mới, thậm chí còn mở đầu cho viết mới, nhưng đa số thì vẫn vẫy vùng thẩm mỹ ở vùng quen thuộc của mình. Thứ ba là những người có các tác phẩm đã viết ở giai đoạn trước, nhưng không được in, vì “vượt trước thời đại”, nay họ vừa sáng tác vừa công bố những “tác phẩm bỏ ngăn kéo” của mình. Như vậy, văn học sau 75 gồm nhiều thế hệ cầm bút, trong đó những nhà văn chỉ xuất hiện từ sau 1975 là quan trọng nhất, là chủ đích nhắm tới của hội thảo. Nhưng bản thân các nhà văn này cũng chỉ thuần nhất về tuổi tác, “sêm sêm nhau”, nhưng không đồng nhất về quan niệm nghệ thuật. Có những người hăng hái đổi mới, nhưng cũng có những người chăm chăm theo bước cha anh. Cách tiếp cận thế hệ như vậy chỉ khu biệt được một “đội ngũ”, không làm rõ được mỗi nhà văn “ai là ai”, mà với người sáng tạo thì tư cách cá nhân mới là quan trọng. Bởi vậy, cần một cách tiếp cận khác, tiếp cận hệ hình, vừa chỉ ra được thực chất của mỗi nhà văn, vừa cung cấp một bức tranh toàn cảnh.

Lý thuyết hệ hình là một học thuyết về sự phát triển. Và, do đó, nó cũng là một phương thức tiếp cận đến bất kỳ một lĩnh vực nào. Văn hóa ở cấp độ tổng quát, cho đến nay, đã trải qua ba hệ hình: tiền - hiện đại, hiện đại, hậu - hiện đại. Hệ hình văn hóa tiền - hiện đại coi thực tại là thế giới khách quan tồn tại độc lập với ý thức con người, và ý thức người có khả năng phản ánh nó một cách trung thực. Hệ hình văn hóa hiện đại coi thực tại là sự tương tác lẫn nhau giữa thế giới khách quan và con người chủ quan. Hệ hình văn hóa hậu - hiện đại coi thực tại là một thế giới tồn tại dưới dạng các khả năng mà chỉ khi có sự tác động của ý thức người thì khả năng đó mới biến thành hiện thực. Thực tại, vì vậy, là sự tồn tại đồng thời của nhiều thế giới. Như vậy, quan niệm về thực tại trở thành tiêu chí căn cốt cuối cùng để khu biệt ba hệ hình văn hóa.

Và, cũng từ đó, là ba hệ hình mỹ học. Mỹ học tiền hiện đại là mỹ học của cái đẹp. Trong hệ thống các phạm trù thẩm mỹ thì cái đẹp là phạm trù chủ đạo. Nó chi phối các phạm trù khác trong hệ thống. Cái đẹp, theo Platon, là sự hài hòa, cân đối, trật tự của một yếu tố trong một tổng thể. Đến Hegel, cái đẹp hoàn toàn thuộc về thế giới khách quan, con người chỉ phản ánh nó. Đây là thứ mỹ học quy phạm. Mỹ học hiện đại là mỹ học của siêu tuyệt, tức cái mà con người chỉ có thể suy tưởng bằng ý niệm chứ không thể nắm bắt được bằng trải nghiệm. Đây là mỹ học thiên tài, đề cao tính chủ thể, tài năng thiên bẩm, tính độc sáng của tác phẩm. Mỹ học hậu - hiện đại là mỹ học của cái khác. Nếu trước đây cái khác mang tính bộ lạc (khép kín, thù địch) và tính thực dân (trung tâm/ ngoại vi, hơn/ kém), thì giờ đây, trong bối cảnh văn hóa hậu hiện đại, cái khác có tính dân/ tự chủ (A khác B và A khác cả với chính A). Mang giá trị tự thân, cái khác từ chỗ thuộc phạm vi xã hội học trở thành cái khác như là một phạm trù mỹ học. Đây là mỹ học trò chơi, trò chơi ngôn ngữ. Như vậy, sự thay đổi hệ hình mỹ học thực chất là sự thay đổi phạm trù thẩm mỹ chủ đạo: cái đẹp # cái siêu tuyệt # cái khác, còn cái thẩm mỹ thì vẫn giữ nguyên.

Mỹ học, với tư cách là triết học nghệ thuật, có ảnh hưởng trực tiếp đến văn học. Nhưng khi đi vào văn học thì ba hệ hình mỹ học nói trên phải được cụ thể hóa ở mỗi thể loại văn học. Bởi lẽ, văn học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ thì ngôn ngữ ở mỗi thể loại có đặc trưng khác nhau. Hơn nữa, thể loại là sự ngưng kết các quan niệm thẩm mỹ có khả năng tồn tại bền vững trong thời gian. Ở đây, tôi chỉ nói đến ba hệ hình của các thể loại tiêu biểu là thơ, tiểu thuyết, phê bình. Ở thơ thì cốt lõi là ngôn ngữ, một thứ ngôn ngữ tự quay về với chính mình, mà cốt lõi của ngôn ngữ lại là quan hệ giữa chữnghĩa, nên ba hệ hình của thơ là: tiền - hiện đại thì nghĩa đi trước chữ (nghĩa # chữ), tức có nghĩa/ ý tưởng/ tư tưởng rồi mới đi tìm chữ/ ngôn ngữ để diễn đạt thành thơ; hiện đại thì chữ đi trước nghĩa (chữ # nghĩa), tức nhà thơ không dùng nghĩa có sẵn/ tiêu dùng/ từ điển, mà đặt chữ vào câu/ văn bản để nó phát nghĩa mới, hoặc cùng lúc phát nhiều nghĩa; hậu - hiện đại thì nghĩa đi trước chữ rồi lại chữ đi trước nghĩa, đuổi bắt nhau trong một vòng tròn (chữ # nghĩa). Ở tiểu thuyết thì cốt lõi là kể/ viết truyện, nên ba hệ hình của nó là: tiền - hiện đại là viết về sự phiêu lưu, tức câu chuyện có trước, nhà văn dùng ngôn ngữ để kể/ tả câu chuyện đó; hiện đại là phiêu lưu của cái viết, tức câu chuyện không còn quan trọng nữa mà viết về nó như thế nào mới là sự quan yếu; hậu - hiện đại là viết về cái viết, tức lúc này cả câu chuyện, cả lối viết không còn quan trọng nữa, mà viết/ suy tư về chúng mới là quan trọng. Ở phê bình văn học thì cốt lõi là cách tiếp cận tác phẩm, nên ba hệ hình của nó là: tiền - hiện đại là tiếp cận tác phẩm từ tác giả, tức từ những yếu tố bên ngoài như tiểu sử tác giả, trình độ văn minh/ văn hóa, tình trạng kinh tế - xã hội đương thời…, đây là lối tiếp cận ngoại quan; hiện đại là tiếp cận tác phẩm từ văn bản, tức văn bản được coi là trọng tâm nghiên cứu và được phân tích bằng các phương pháp phong cách học, thi pháp học, cấu trúc ký hiệu học…, đây là lối tiếp cận nội quan; hậu - hiện đại là tiếp cận tác phẩm từ người đọc, tức lúc này phê bình ngoài nghĩa chủ ý của tác giả, chú trọng đến nghĩa kiến tạo do người đọc tạo nên. Đây là lối tiếp cận nội - ngoại quan, tức phân tích văn bản (nội) chỉ là xuất phát điểm để đến với những vấn đề văn hóa - xã hội - con người (ngoại). Có điều những vấn đề văn hóa này không phải có trước tác phẩm như ở phê bình tiền - hiện đại, mà do chính tác phẩm đặt ra.

Như vậy, ba hệ hình tiền - hiện đại, hiện đại và hậu - hiện đại của văn học biểu hiện khác nhau tùy theo đặc trưng thể loại. Và được quy giản lại thành mô hình. Nhưng đây không phải là phương pháp nguyên tử luận. Bởi, vặt trụi lá một cái cây chỉ để nhận thức rõ hơn về cấu trúc cái cây đó, rồi từ thân cành trơ trụi ấy lại cho mọc lên một đợt lá mới tốt tươi hơn. Tiếp cận hệ hình, như vậy, đòi hỏi nhà phê bình phải biết từ mô hình ấy hoàn trả lại đời sống cho văn học, xa hơn là văn hóa. Còn một điều đáng nói nữa là các hệ hình này ở văn học Việt Nam không hoàn toàn nối tiếp nhau theo thời gian, mà chủ yếu là gối tiếp. Nhiều khi thời gian gối nhau này dài và không dứt điểm, nên tạo ra hiện tượng đồng tồn cả ba hệ hình. Chính sự tồn tại cùng lúc này làm cho sự chuyển đổi hệ hình từ tiền - hiện đại sang hiện đại và từ hiện đại sang hậu - hiện đại vừa khó diễn ra, vừa khó nhận ra. Không một hệ hình nào chiến thắng hoàn toàn, nên bộ mặt văn học Việt Nam bày ra một thế trận giằng co và chuyển đổi liên tục giữa trung tâm và ngoại vi, giữa trung tâm cũ và trung tâm mới đang hình thành và cuối cùng xu thế giải toàn bộ các trọng tâm.

Như vậy, tiếp cận “thế hệ nhà văn sau 75”, rộng ra toàn bộ văn học Việt Nam sau 75, từ hệ hình văn học nhằm nhận diện thế hệ văn học này trong tương quan với các lực lượng văn học khác cùng thời. Trước hết, văn học Việt Nam từ 1975 đến nay không phải thuần nhất và đứng yên, mà có sự vận động qua các thời kỳ. Từ cái nhìn lịch đại có thể thấy ba phân đoạn sau: 1) 1975 - 1985, 2) 1986 - 1991, 3) 1992 - nay. Trước hết, từ 1975 đến 1985 có thể gọi là thời kỳ chuyển tiếp. Với tư cách thời hậu chiến, văn học giai đoạn này vẫn viết theo quán tính của thời chống Mỹ, xa hơn chống Pháp, tức vẫn thuộc về hệ hình tiền - hiện đại. Các cây bút thuộc thời kỳ này đều đã trải qua chiến tranh chống Mỹ, tuy lời lẽ của họ có mới mẻ hơn, nhưng vẫn là mỹ học của cái đẹp. Họ được đánh giá cao bằng các giải thưởng của báo Văn Nghệ, của Hội Nhà văn và nhanh chóng trở thành các nhà văn tên tuổi của giai đoạn kế tiếp. Còn với tư cách tiền - Đổi mới, văn học giai đoạn này tiếp tục sự vận động nội tại của nó để tạo ra sự thay đổi hệ hình từ tiền - hiện đại sang hiện đại. Đây là một vận động toàn diện từ thơ, tiểu thuyết và phê bình văn học. Đặc biệt ở những cây bút đã có nhiều thành công ở lối viết cũ, do nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới văn học, đã dũng cảm để lại sau lưng những thành tích vẻ vang của mình để bước vào cuộc phiêu lưu sáng tạo mới đầy bất trắc.

Tuy vậy, sự thay đổi hệ hình cũng không thể diễn ra được nếu không có một cú đột biến, dù lúc này sự cứu chữa đã trở nên vô vọng, vì sáng tác thì suy nghệ thuật, còn phê bình thì suy học thuật. Đó là cải tổ (perestroika - thay đổi cấu trúc) ở Liên Xô và Đổi mới ở Việt Nam. Đổi mới với tư duy kinh tế, xóa bỏ bao cấp, kể cả bao cấp tư tưởng, trong đó có tư tưởng văn học nghệ thuật. Viết mới, cụ thể là viết theo lối hiện đại chủ nghĩa đã được thừa nhận, hay chí ít cũng không còn bị phê phán đồng loạt hoặc từ trên xuống nữa. Nhờ thế đã ra đời một loạt nhà văn mà sáng tác của họ có nhiều yếu tố của chủ nghĩa hiện đại hoặc đã là văn học hiện đại chủ nghĩa. Họ chính là “thế hệ nhà văn sau 75”, những nhân vật chính của văn học giai đoạn 1986 - 1991. Sự thành công về mặt nghệ thuật của những nhà văn tiêu biểu cho/của thế hệ đã tạo ra sự cộng hưởng sâu rộng ở người đọc và làm phấn khích nhiều cây bút khác tham gia. Bởi vậy, tiêu chí nhận diện thế hệ này không phải chỉ ở tuổi tác, ở thời điểm cầm bút, mà quan trọng hơn là ở chỗ sáng tác của họ thuộc về hệ hình văn học hiện đại.

Tuy nhiên, khi cuộc Cải tổ đã dẫn đến sự tan rã của nhà nước Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, ở Việt Nam phong trào Đổi mới trong văn học cũng bị xẹp dần. Những người viết theo trào lưu Đổi mới hoặc chỉ Đổi mới ở cạnh khía chính trị - xã hội của văn học thì cũng lần lượt bỏ cuộc. Chỉ những ai đã thực sự đổi mới được tư duy nghệ thuật, tức chuyển hẳn sang hệ hình hiện đại, thì vẫn còn tiếp tục đổi mới hay dừng lại ở trạng thái đã - là. Văn học giai đoạn 1986 - 1992 này tôi gọi là đổi mới từ trên xuống, tức chủ yếu từ đổi mới chính trị, được chính trị cấp phép hoặc làm ngơ. Bởi thế, từ năm 1992 trở đi, trước tình hình mới, đa số quay lại viết cũ, thì nhiều người gọi đó là thời kỳ hậu - Đổi mới, như hậu - Xô viết, chẳng hạn. Nhưng, tôi thấy Đổi mới tuy không còn, nhưng đổi mới thì vẫn tiếp tục, vì đổi mới còn là sự vận động nội tại, tự thân của văn học. Hơn nữa, hạt giống Đổi mới một khi được gieo vào đất thì dù có vất vả đến đâu nó vẫn nảy mầm để vươn ra ánh sáng. Có điều giờ đây đổi mới mang tính chất tự giác cá nhân, tức nhà văn tự giác ngộ phải thay đổi tư duy nghệ thuật cho phù hợp với thời đại và tự mình làm văn học mới cho/ của mình. Tôi gọi đó là đổi mới từ dưới lên. Thời kỳ đổi mới từ dưới lên may mắn gặp được sự phổ biến của mạng Internet vào Việt Nam. Trước đây, sự liên thông với thế giới qua nhiều cửa sổ, nay thế giới bước vào mỗi ngôi nhà Việt Nam bằng cửa chính. Trào lưu hậu hiện đại cũng từng bước xâm nhập vào ngôi làng văn học Việt Nam.

Hậu hiện đại là một trào lưu văn hóa vẫn còn đang phát triển nên chưa có một định hình nào rõ rệt. Bởi vậy, ở Việt Nam mỗi người hiểu một cách tùy theo nguồn tư liệu mình đọc được, hay những trải nghiệm của riêng mình. Hơn nữa, nhiều người còn nghĩ rằng ở ta chưa có cơ sở vật chất của xã hội hậu hiện đại nên không thể có văn hóa hậu hiện đại. Nhưng, công nghệ tin học và toàn cầu hóa đã làm phẳng thế giới, kể cả vùng lõm Việt Nam, nên hậu hiện đại không thể không có mặt. Có điều hậu - hiện đại vào Việt Nam không khỏi ít nhiều bị khúc xạ, bởi ở đây không chỉ chưa hoàn thành hiện đại hóa mà còn tồn đọng nhiều yếu tố tiền - hiện đại. Sự hỗn dung này làm cho sự chuyển đổi hệ hình từ hiện đại sang hậu - hiện đại càng khó khăn hơn, và có những đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, hậu hiện đại là một cơ hội cho Việt Nam và các nước đang phát triển khác tránh khỏi tụt hậu vì ở khúc quành này của lịch sử thì khoảng cách giữa tiền hiện đại và hậu hiện đại là ngắn nhất, dễ vượt qua nhất để đuổi kịp thế giới. Và có thể thấy điều này ở văn học hậu hiện đại Việt Nam một tinh thần chiết trung mới, tức tạo dựng cái ở giữa trên cơ sở triết học văn hóa mới. Điều này trước hết thể hiện ở sự tham gia của nhiều lớp nhà văn từ chống Pháp, chống Mỹ đến “thế hệ nhà văn sau 75”, nhưng lực lượng nòng cốt vẫn là những cây bút sau “thế hệ nhà văn sau 75”. Tiếp đó ở đặc trưng sáng tác của họ đều ít nhiều có khuynh hướng trò chơi, dĩ nhiên trò chơi không phải theo nghĩa thông tục, mà như một chiều kích bản thể của con người, một mỹ học của cái khác. Đó là dồn ép chữ để nó phát nghĩa mới, hay cùng lúc phát nhiều nghĩa, hay coi trọng quá trình sáng tác hơn kết quả sáng tác, hay trích dẫn để giễu nhại cái định kiến cũ, mới, hay đi tìm những thể loại tương thích với hậu hiện đại như thơ tân định thức trong thơ chẳng hạn.

Như vậy, từ cái nhìn lịch đại có thể thấy được sự hình thành và phát triển của “thế hệ nhà văn sau 75”, ở bộ phận chủ chốt của nó, gắn liền với hệ hình hiện đại và, hình như nó cũng chỉ dừng lại với hệ hình này. Để giải thích lý do tại sao như vậy, phải xem xét nó ở diện đồng đại, tức đặt nó, với tư cách là một yếu tố, vào cấu trúc của văn học Việt Nam sau 75. Nếu hình dung văn học sau 75 là mặt cắt ngang của một thân cây, thì có thể thấy một cấu trúc như sau: 1 - vòng trong cùng, giữ vị trí trung tâm, thuộc về hệ hình văn học tiền - hiện đại; 2 - vòng kế tiếp thuộc về hệ hình văn học hiện đại; 3 - vòng ngoài cùng, giữ vị trí bên lề, thuộc về hệ hình văn học hậu - hiện đại.
 


Trên đây là cấu trúc của văn học sau 75. Nhưng là một cấu trúc động/ mở, bởi luôn luôn có những nhà văn vận động từ khu vực này sang khu vực kia do sự phát triển cá nhân của họ hoặc do ảnh hưởng của toàn cầu hóa. Điều này đã tạo ra những xu hướng vận động, tuy chưa phá vỡ cấu trúc cơ bản, nhưng cũng tạo ra sự xáo trộn, hay biến điệu. Có thể nhìn ra ba xu thế vận động của các nhà văn sau 75 như sau: 1) Vận động hướng/ ly tâm; 2) Vận động để tạo ra các trung tâm mới và 3) Vận động để giải các trung tâm.

Sự vận động hướng/ ly tâm chủ yếu diễn ra ở trung tâm, là khu vực có tính chính thống và chính thức. Nó vẫn còn là một sức hút mạnh mẽ để, một mặt những nhà văn đã yên vị ở trung tâm không muốn rời chỗ ấm, mặt khác những nhà văn ngoại biên chen vai thích cách vào trung tâm. Nhiều người vẫn còn tôn vinh một “miếng giữa làng”, được đóng dấu chính thức, ngây thơ hoặc tưởng người khác ngây thơ, tin rằng vào được Hội Nhà văn là trở thành nhà văn. Nhiều nhà văn trẻ/ ít tuổi/ đang trở thành nhà văn, qua các lớp bồi dưỡng viết văn của Hội, các loại đã “đi thẳng một mạch” vào khu vực trung tâm, thay thế những người già chết, gia cố thêm cho nó về mặt số lượng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của toàn cầu hóa cũng gây ra xu hướng ly tâm. Họ từ giã lối viết cũ, tiền - hiện đại để chuyển sang viết mới, hiện đại, thậm chí hậu - hiện đại. Có thể xem hình H.1.
 


Sự vận động thành lập trung tâm mới chủ yếu xảy ra ở khu vực hai và ba. Khu vực hai, khu vực văn học hiện đại giờ đây đã ổn định và không tạo ra được sự đối trọng rõ rệt với khu vực một, tiền hiện đại về nghệ thuật và học thuật. Bởi vậy, nó không gây ra nhiều “đe dọa” cho trật tự thẩm mỹ cũ, nên nó được chấp nhận và dần dần trở thành một bộ phận của văn học chính thống mới. Sự kiện này, có thể nói, là sự trở về trung tâm và phần nào nới rộng trung tâm. Tuy nhiên, có những nhà văn đi đến cùng với nghệ thuật hiện đại. Họ không còn có thể trở về trung tâm được nữa. Thành công lớn của nghệ thuật của họ đã hấp dẫn người khác. Họ trở thành một trung tâm mới, đối trọng, chứ không đối lập, với trọng tâm cũ, ở cạnh khía nghệ thuật và học thuật. Ở khu vực ba, khu vực hậu - hiện đại có sự đối trọng rõ rệt với khu vực một, tiền hiện đại, về nghệ thuật và học thuật. Bởi vậy, nó không được văn học chính thống chấp nhận và cũng không được người đọc hiểu. Nó bị phê phán bởi các mã đọc cũ. Bởi vậy, nó chỉ là một nhóm hoạt động, chứ chưa trở thành được một trung tâm. Có thể biểu diễn bằng H.2.
 

H.2
H.3. Mạng lưới

Sự vận động giải các trung tâm đầu tiên diễn ra ở khu vực ngoại vi, sau đó có thể ở cả 3 khu vực. Giải một trung tâm không phải đánh đổ trung tâm đó. Bằng còn đường “bạo lực” như vậy, thì rất dễ xảy ra hiện tượng lực lượng đánh đổ trung tâm cũ lại tự biến mình thành một trung tâm mới, độc tôn. Lịch sử đã từng rơi vào vòng luẩn quẩn như vậy. Bởi vậy, giải  trung tâm hoặc là xây dựng nhiều trung tâm để tạo thành một cấu trúc mở, nhiều trung tâm nhằm làm mất đi ý nghĩa cốt lõi của trung tâm, biến trung tâm tự giải thể trở thành nhóm. Hoặc là ngay từ đầu hình thành các nhóm làm việc. Các nhóm này không phải là các tổ chức khép kín, cứng nhắc, mà là các tổ chức mở, tổ - chức - phi - tổ - chức, nơi các nhà văn có cùng quan điểm liên kết với nhau để làm việc. Khi các nhóm đã trở thành phổ biến thì một cấu trúc nhằm tập hợp các nhà văn với tính chất cơ bản của nó là trật tự tôn ti, trung tâm - ngoại vi, hơn kém được thay bằng một mạng lưới các nhà văn, mà mỗi người là một mắt lưới trung gian giữa các mắt lưới khác và, do đó, không còn hơn kém, chỉ còn khác nhau. Đây vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của xã hội dân sự. Một trong những điều kiện cốt yếu để văn học phát triển. Có thể xem sơ đồ sau:

Như vậy, tiếp cận “thế hệ nhà văn sau 75” từ các hệ hình văn học cho thấy một mặt diễn trình hình thành, phát triển của thế hệ này, mặt khác tương quan của nó với các thế hệ văn học khác đang cùng tồn tại. Tuy sáng tác của “thế hệ nhà văn sau 75” đã nằm trong hệ hình văn học hiện đại, nhưng nó chưa chiếm giữ được vai trò chủ đạo. Điều này không chỉ ít nhiều hạn chế năng lực của chính bản thân nó, mà còn ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập thế giới của văn học Việt Nam.

Đ.L.T  
(TCSH335/01-2017)







 

Các bài đã đăng
Nguyện của cây (14/02/2017)