Tạp chí Sông Hương - Số 336 (T.02-17)
Tản mạn về bìa báo Xuân ngày xưa
10:14 | 28/01/2017

TRẦN VIẾT NGẠC  

Báo Xuân xưa nay luôn là số báo đẹp nhất, phong phú nhất trong một năm. Bài vở số Xuân được tòa soạn đặt bài trước cho các cây bút thân quen, nổi tiếng từ mấy tháng trước.

Tản mạn về bìa báo Xuân ngày xưa

Bìa báo số Xuân phải đẹp, ý nghĩa, hấp dẫn độc giả, phải nổi bật giữa các tờ báo Xuân khác.

Báo Xuân còn được xem là quà tặng trang nhã, lịch sự để mua tặng bạn bè, người thân.

Vào thời chúng tôi còn đi học, hơn nửa thế kỷ trước đây, học sinh trung học thường mua những tờ báo Xuân đẹp nhất, bọc giấy kiếng để tặng thầy cô cùng với một bình hoa chưng Tết vào những giờ cuối năm trước khi nghỉ Tết. Phòng khách của nhà giáo ở Huế đầy ắp những tờ báo Xuân màu sắc tươi đẹp cùng với những bình hoa do học sinh tặng.

Bìa báo Xuân thường do các họa sĩ nổi tiếng vẽ.

Tôi còn thấy những bìa báo tuyệt đẹp như số Mùa Xuân Ngày Nay (1937) do hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí sáng tác, số Tết Ngày Nay (1940) do danh họa Tô Ngọc Vân.

Bìa tờ Phong Hóa do hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường (Lemur). Họ đều xuất thân từ trường Mỹ Thuật Đông Dương.


Nói đến bìa báo Xuân ngày xưa mà không đề cập đền bìa báo Xuân Canh Tý (1960) của nhật báo Tự Do xuất bản ở Sài Gòn là một thiếu sót khó được tha thứ, bởi lẽ đó là một sự kiện quan trọng trong lịch sử báo chí.

Canh Tý, đề tài Chuột là thích hợp hơn cả. Không phải một con chuột mà đến năm con chuột. Kích cỡ lớn nhỏ, màu sắc đậm nhạt khác nhau, năm con chuột đang đục khoét tan hoang một quả dưa hấu đỏ, vỏ dưa màu vàng! Cẩn thận, tác giả còn ghi chữ Canh Tý bằng Hán văn lên góc trái bức tranh. Có điều khác thường là không có tên tác giả, vừa có vẻ đẹp của một bức họa dân gian vừa trông như một bức tranh sơn mài truyền thống, có thể cắt ra để treo ở phòng khách.

Bìa báo tết Ngày Nay 1937 Bìa báo xuân Canh Tý của báo “Tự Do”. 1960


Và thế là có nhiều độc giả cắt bìa báo Xuân Canh Tý để treo làm Tranh Tết dân gian trong phòng khách. Họ lại có sáng kiến treo ngược bức tranh: Vỏ quả dưa màu vàng nổi bật trên nền màu đỏ. Chẳng ai biết hoạ sĩ muốn gửi gắm điều gì. Muốn hiểu chỉ có cách suy đoán, suy diễn.

Dưa hấu đỏ là trái cây không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết của Miền Nam. Chưng trong phòng khách, rồi hết ba ngày Tết, quả dưa được bổ ra để đoán vận mệnh của gia chủ. Ruột đỏ, không xốp và ngọt là điềm gia chủ sẽ hạnh phúc phát tài, phát lộc… trong năm mới!

Nhưng có ai đó đã suy diễn theo chiều bất lợi cho tòa soạn và tác giả bức họa. “Họ” đem suy diễn đó mách lẻo với Dinh Độc Lập. Rằng năm con chuột là ám chỉ năm anh em gia tộc họ Ngô và quả dưa đỏ bị đục khoét tan hoang là có hình thể bản đồ đất nước.

Hậu quả là cơn giận dữ của chính quyền bùng lên. Bức tranh bìa không ký tên thì lấy ai mà “bắt bỏ bót”! Thế là vào ngày mồng năm Tết Canh Tý, một đội cảnh sát đến đập tan hoang tòa soạn báo Tự Do và hốt hết các tờ báo Xuân chưa phát hành hết ở tòa soạn.

Thế thì vô tình, ý nghĩa của bìa tờ báo đã được chính quyền xác nhận, năm con chuột tự nhiên có tên tuổi và quả dưa đỏ tan nát là hình ảnh đất nước!

Nhưng phải tìm cho ra ai là tác giả của tranh bìa báo. Phải chăng là Phạm Tăng (?), họa sĩ đã chuyên vẽ hý hoạ và biếm hoạ cho tờ báo lâu nay. Ông cũng đã từng bị bắt bỏ bót Catinat 3 tuần vào năm 1958.

Có thể tòa soạn đã khai cho Phạm Tăng vì Phạm Tăng đã đi du học ở Ý năm 1959. Thế là dư luận cũng cho Phạm Tăng là tác giả, ngoài ông ra ai mà dám “giỡn mặt” nếu không ở ngoài vòng cương tỏa.

Nhà văn Bửu Ý cũng tin như thế cho nên khi có dịp gặp Phạm Tăng ở Paris, ông cũng không tìm hiểu thêm.

Vậy mà cách đây năm năm (2012), tình cờ tôi được đọc một bài báo trên mạng. Tôi chú ý vì cái tên người bạn cũ, Xuân Đài.

Bạn tôi đã công phu tìm hiểu ai là tác giả đích thực. Ông liên lạc với thư viện Đại học Cornell (Mỹ) để có được phóng ảnh của bìa tờ báo Tự Do Xuân Canh Tý. Đại học Cornell là nơi lưu giữ tất cả những ấn phẩm sách báo của miền Nam từ năm 1954 đến 1975. Có ảnh bìa báo Xuân rồi, ông tìm cách tiếp cận những thông tin từ nhiều nguồn để xác minh. Nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn Nhất Linh cho biết: “Vào năm 1960, trên bìa báo Tự Do xuân Canh Tý, xuất hiện bức tranh năm con chuột đang đục khoét một quả dưa đỏ.

… Người ta đoán mò họa sĩ Phạm Tăng là tác giả. Nhưng cha tôi cho chúng tôi biết tác giả là một người rất thân cận với ông: họa sĩ Nguyễn Gia Trí”. (Nguyễn Tường Thiết, Sự thật về cái chết của Nhất Linh).

Bìa báo Xuân Tự Do Canh Tý 1960 của HS Nguyễn Gia Trí - Ảnh: internet


Họa sĩ Nguyễn Gia Trí chính là người gần gũi với Nhất Linh, đã vẽ bìa cho các sách của nhà xuất bản Phượng Giang do Nhất Linh chủ trương.

Xuân Đài lại nhờ một người bạn ở Paris và nhờ liên lạc với Phạm Tăng để xác minh… Phạm Tăng cho biết ông không phải là tác giả bìa báo Xuân Canh Tý của Tự Do. Tác giả chính là Nguyễn Gia Trí.

Con cháu Nguyễn Gia Trí hiện còn cũng xác nhận như vậy. Tôi mượn lời bạn tôi để kết thúc bài báo này: “Nguyễn Gia Trí là họa sĩ lớn của Việt Nam. Một nhân cách lớn. Trong sự nghiệp hội họa của ông, các nhà nghiên cứu ít khi nhắc đến bức tranh chuột này… nhưng bức tranh ấy đã có một vị trí đặc biệt trong lịch sử chính trị cũng như báo chí Việt Nam”.

T.V.N  
(TCSH336/02-2017)





 

Các bài mới
Đồi ma (27/02/2017)
Các bài đã đăng
Thơ Xuân 2017 (27/01/2017)
Hương Xuân (26/01/2017)