Tạp chí Sông Hương - Số 336 (T.02-17)
Nghệ thuật nói lái trong thơ của Nguyễn Khoa Vy và Võ Quê
15:11 | 28/02/2017

TRIỀU NGUYÊN

1. Đặt vấn đề
Nói lái được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp thông thường, và trong văn chương (một lối giao tiếp đặc biệt). Để tiện nắm bắt vấn đề, cũng cần trình bày ở đây hai nội dung, là các hình thức nói lái ở tiếng Việt, và việc sử dụng chúng trong văn chương.

Nghệ thuật nói lái trong thơ của Nguyễn Khoa Vy và Võ Quê
Ảnh: internet

Có ba hình thức nói lái phổ biến (trong tổng số bảy hình thức nói lái có thể được sử dụng). Chúng ta đều biết, âm tiết cũng gọi là tiếng (nhiều trường hợp, đồng thời là từ đơn tiết), có ba bộ phận: phụ âm đầu, vần và thanh điệu (thanh điệu trong chữ viết, được biểu thị qua sáu kí tự, gọi là dấu thanh: [không dấu], huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng). Dùng các kí hiệu lần lượt là P, V, và D, để ghi ba bộ phận này, trường hợp một từ hoặc ngữ gồm hai tiếng, với mô hình của từ đầu là P1V1D1, mô hình của từ thứ hai là P2V2D2; chẳng hạn, nếu gọi P1V1D1 + P2V2D2 (thí dụ, tổ hợp “thầy giáo”), là vế thuận, thì ba hình thức nói lái của vế thuận ấy là vế lái. Ba vế lái này được miêu tả như sau (kí tự: →: lái một chiều; ↔: lái hai chiều, chiều theo kim đồng hồ và chiều ngược kim đồng hồ):

1/ P2V2D1 + P1V1D2 (giữ nguyên dấu thanh, hoán đổi phụ âm đầu và vần của vế thuận); thí dụ: “thầy giáo” → “giào thấy”.

2/ P1V2D1 + P2V1D2 (giữ nguyên phụ âm đầu và dấu thanh, hoán đổi phần vần của vế thuận); thí dụ: “thầy giáo” → “thào giấy”.

3/ P1V2D2 + P2V1D1 (giữ nguyên phụ âm đầu, hoán đổi phần vần và dấu thanh của vế thuận); thí dụ: “thầy giáo” → “tháo giầy”(1).

Thực tế việc sử dụng cho thấy: lái theo hình thức 1 phổ biến ở Bắc Bộ; lái theo hình thức 2 và 3 phổ biến ở Trung Bộ và Nam Bộ. Nếu có “lái ba”, “lái tư”,... cũng chỉ lái hai âm tiết ở vị trí trọng âm; thí dụ, vị trí 1 - 3 trong lái ba: mèo đuôi cụt mút đuôi kèo; vị trí 2 - 4 trong lái tư: làm sương cho sáo → làm sao cho sướng?...

Trong văn chương, người ta thường chia các hình thức nói lái trên làm hai kiểu: kiểu chỉ một vế (tạm cho là vế thuận) xuất hiện, và kiểu cả hai vế (vế thuận và vế lái) cùng có mặt trên văn bản. Dù xuất hiện hay không xuất hiện trên văn bản, thì vế lái phải có nghĩa (vế thuận tất nhiên đã có nghĩa, để phù hợp với văn cảnh).

Thí dụ:

+ Kiểu chỉ một vế xuất hiện trên văn bản:

CHÙA QUÁN SỨ (Hồ Xuân Hương)

Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo,
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
Chày kình tiểu để suông không đấm,
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo...

Khi chỉ một vế xuất hiện trên văn bản, thì vế thứ hai buộc phải xuất hiện trong tâm trí của người tiếp nhận (đối tượng mà văn bản hướng đến), bấy giờ, việc nói lái mới phát huy tác dụng.

Vế “suông không đấm”, lái thành “đâm không xuống”, theo hình thức 1 (P2V2D1 + P1V1D2). Ở đây, do sự lẫn lộn giữa hai phụ âm đầu /s-/ và /x-/ của phương ngữ Bắc, nên ở vị trí P1, /s-/ được thay bằng /x-/. Vế “đáo nơi neo”, lái thành “đ. nơi nao?”, theo hình thức 2 (P1V2D1 + P2V1D2). Riêng vế “đếm lại đeo”, do phụ âm đầu của hai từ giống nhau, mà mô hình cấu tạo của hai hình thức 1 và 2 chỉ phân biệt nhau ở bộ phận này, nên xếp vế ấy vào mô hình nào trong hai mô hình kia đều được; bấy giờ, về mặt cấu tạo, lái theo hình thức 1 cũng là lái theo hình thức 2 (2).

+ Kiểu cả hai vế cùng có mặt trên văn bản:

Cá có đâu mà anh ngồi câu đó?
Biết có không mà công khó, anh ơi!
Anh ra đây em vẽ cho một nơi cá nhiều.
- Anh ngồi đây, ngày đôi ba lượt,
Biết mất công, mong cất con cá diếc lên;
Để đem về anh đặt một bên con cá tràu (3). (Hò đối đáp nam nữ) (4)

Hai vế, thuận và lái, cùng xuất hiện ở 4 trong số 6 dòng thơ của hai lời hò: “có đâu” ↔ “câu đó”, “có không” ↔ “công khó”, “ngồi đây” ↔ “ngày đôi”, “mất công” ↔ “mong cất” (5). Trừ “ngồi đây” ↔ “ngày đôi” lái theo hình thức 2, các cặp lái còn lại đều lái theo hình thức 3.

Bài viết trình bày nghệ thuật nói lái trong thơ của hai nhà thơ xứ Huế, Nguyễn Khoa Vy và Võ Quê, nhằm cho thấy cái hay, đẹp của việc nói lái ấy; đồng thời, cũng nhằm giải thích sự sáng tạo của các nhà thơ xuất phát từ đâu, khi đặt vào truyền thống nói lái trong văn chương của dân tộc. Do việc trình bày này gắn bó chặt chẽ với một vài lí thuyết cơ bản vừa nêu, nên đã không thể bỏ qua.

2. Đời thơ của hai nhà thơ Nguyễn Khoa Vy và Võ Quê như một cuộc tiếp sức: cả hai cùng có phong cách dân dã, và khi Thảo Am mất, Võ Quê bước vào tuổi hai mươi, bắt đầu cầm bút...

2.1. Nguyễn Khoa Vy (1881 - 1968), hiệu Thảo Am, quê quán ở làng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học; thuở nhỏ học chữ Hán rồi vào học trường Quốc Học. Những năm đầu thế kỷ XX, ông làm việc trong ngành hỏa xa, đến năm 1906 làm công chức Sở Bưu điện, và nghỉ hưu năm 1936. Trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia khởi nghĩa ở Huế và đã sáng tác nhiều thơ ca động viên, cổ động đồng bào tích cực hưởng ứng phong trào Việt Minh chống Pháp đuổi Nhật. Ông cùng với nhà thơ Thúc Giạ và bạn bè lập ra Hương Bình thi xã. Ở thi xã này, Ưng Bình Thúc Giạ là chủ soái, ông là phó soái.

Tác phẩm của Thảo Am gồm có: Hồng nhan mộng (xuất bản năm 1924), Hò mái đẩy (1946), Ngạn văn tứ tự đối, Tục ngữ và ca dao, Thảo Am thi tập.(6)

2.1.1. Bài viết này sử dụng tập Thơ Thảo Am (Nguyễn Khoa Vy, Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế xuất bản, 1991), để trích dẫn, xem xét về thơ nói lái của ông. Đây là một tuyển tập thơ, do Nguyễn Khoa Bội Lan và Nguyễn Khoa Diệu Liên sưu tập, biên soạn. Trong số 79 bài thơ được chọn vào mười bảy cách (chẳng hạn: cách thủ vĩ ngâm, cách song thanh điệp vận, cách độc vận,...), có chín bài thuộc cách phản thuyết (nói lái), chiếm 11,4%. Trừ Không chồng trông bông lông theo thể thất ngôn bát cú luật Đường, số bài còn lại đều viết theo thất ngôn tứ tuyệt. Dưới đây, là ba trong số chín bài ấy:

(I) TRÁCH VỢ ĐÃ GIÀ MÀ HAY GHEN

Mơi tra chiều hỏi chuyện ma trơi,
Trời đẻ ghen chi cứ trẻ đời.
Cớ sự làm sao mà cứ sợ?
Dời chưn không kịp đứng dừng chơi.

(II) TRÁCH BẠN PHỤ TÌNH

Mau sai lời nguyện ước mai sau,
Niết bỏ nhau thà nỏ biết nhau.
Nắng đốt mưa thay nhiều nỗi đắng,
Chán chưa tình lệ chứa chan sầu!

(III) KHÔNG CHỒNG TRÔNG BÔNG LÔNG

Trông khống vô phòng thấy trống không,
Chứa chan dòng lệ chán chưa chồng.
Dòng châu lai láng dầu chong đợi,
Bóng nhạn lưng chừng bạn nhóng trông.
Tìm ngó đã cùng nơi ngả đó,
Mơ mòng bên cạnh gối mền bông.
Đêm thâu mưa gió đâu thêm mãi,
Xông lướt đi tìm phải xước lông.(7)

Lí do chúng được chọn: a) Về thể thơ, hai bài (I) và (II) khác với bài (III), đã nêu; b) Về kiểu lái, tuy tất cả đều thể hiện vế thuận và vế lái cùng xuất hiện trên một dòng/câu thơ, nhưng ở (I) chúng đặt vào đầu và cuối dòng một cách đều đặn, còn ở (II) thì có hai vị trí hiệp vần ở dòng 2 và 4, việc lái được đặt tránh đi (ở bài (III), hai vị trí hiệp vần ở dòng 2 và 4 cũng vậy).

Thống kê các tổ hợp lái của 9 bài thơ, xếp theo các hình thức lái đã nêu, như sau (con số trong ngoặc đơn, nếu có, của một cặp gồm vế thuận và vế lái, là số lần sử dụng chúng trong phạm vi dữ liệu được thống kê):

- Hình thức 2 (P1V2D1 + P2V1D2): “trời cho” ↔ “trò chơi”; “cớ sự” ↔ “cứ sợ”; “dời chưn” ↔ “dừng chơi”; “dòng châu” ↔ “dầu chong” (2); “dầu lai” ↔ “dài lâu”; “mòng bên” ↔ “mền bông”.

- Hình thức 3 (P1V2D2 + P2V1D1): “đập cũ” ↔ “đủ cặp”; “có đôi” ↔ “côi đó”; “cười ngả” ↔ “cả người”; “trời đẻ” ↔ “trẻ đời”; “ngã đó” ↔ “ngó đã” (2); “vắng nhà” ↔ “và nhắn”; “thề vấy” ↔ “thấy về”; “nực cổi” ↔ “nổi cực”; “khó đi” ↔ “khi đó”; “công khó” ↔ “có không” (2); “nhắc bạn” ↔ “nhạn bắc”; “trông đời” ↔ “trời đông”; “niết bỏ” ↔ “nỏ biết”; “nắng đổi” ↔ “nỗi đắng”; “cầu đạo” ↔“cạo đầu”; “dầu sãi” ↔ “giải sầu”; “nó kể” ↔ “nể có”; “thói đời” ↔ “thời đói”; “nhớ chạ” ↔ “dạ chớ”; “trông khống” ↔ “trống không”; “bóng nhạn” ↔ “bạn nhóng”; “xông lướt” ↔ “xước lông”.

- Vừa hình thức 1 vừa hình thức 2: “chứa chan” ↔ “chán chưa” (3).

- Vừa hình thức 2 vừa hình thức 3: “mơi tra” ↔ “ma trơi”; “đêm thâu” ↔ “đâu thêm” (2); “mau sai” ↔ “mai sau”; “na bường” (8) ↔ “nương bà”; “yên lo” ↔ “o Liên”.

Trường hợp “vừa hình thức 1 vừa hình thức 2”, do vế thuận cùng phụ âm đầu (đã giải thích). Trường hợp “vừa hình thức 2 vừa hình thức 3”, do vế thuận không dấu (thanh ngang), tức D1 và D2 giống nhau, mà mô hình cấu tạo của hai kiểu 2 và 3 chỉ khác nhau về dấu thanh, nên chúng xếp vào kiểu nào trong hai kiểu ấy đều được. Để tiện nhận diện, tốt nhất là trình bày chúng như vừa ghi.

2.1.2. Tạm cho, vế xuất hiện đầu trong mỗi dòng thơ, là vế thuận, có thể rút ra vài đặc điểm về cách sử dụng nói lái trong thơ Nguyễn Khoa Vy:

- Hình thức nói lái được sử dụng là các hình thức nói lái phổ biến ở Trung Bộ và Nam Bộ, đặc biệt là hình thức 3 “giữ nguyên phụ âm đầu, hoán đổi phần vần và dấu thanh của vế thuận” (P1V2D2 + P2V1D1);

- Chỉ dùng mỗi kiểu nói lái: nói lái có hai vế (thuận và lái) cùng xuất hiện trên văn bản; vị trí của chúng là đặt tách rời nhau, nhưng trên cùng một dòng thơ bảy tiếng;

- Phần lớn các vế thuận sử dụng cho việc nói lái là các tổ hợp từ tự do; như “đập cũ”, “cười ngả”, “trời đẻ”, “ngã đó”, “xông lướt”, “na bường”,...

Nói lái với các tổ hợp từ tự do, cho thấy, trong tâm lí sáng tạo, nhà thơ đã nhuần nhuyễn hình thức và kiểu nói lái, mà mình quen sử dụng. Nó nhạy đến độ: xuất khẩu thành... nói lái! Đến như bài thơ hạn vần (III), trong lúc các nhà thơ khác đều chú mục vào việc hạn vần này để sáng tạo, với chủ ý và dụng đích nghiêm cẩn, trang trọng, thì với Thảo Am là phải lái. Qua bài thơ này, ai dám bảo nói lái là không đứng đắn?

Kiểu nói lái có hai vế (thuận và lái) cùng xuất hiện trên văn bản, ở đây, là trên cùng một dòng thơ, có ưu điểm: ở các vị trí lái, bên cạnh việc tạo ra điều mới mẻ, lạ tai khi đọc, đã có sự bổ sung nghĩa cho nhau của hai vế lái, hòa với nghĩa chung của tổ hợp từ, và của dòng thơ. Thí dụ, ở “Mơi tra chiều hỏi chuyện ma trơi”, thì “chuyện ma trơi” là chuyện không đâu vào đâu. Chuyện ấy lặp đi lặp lại mỗi ngày (“mơi (mai) tra chiều hỏi”), khiến người bị tra hỏi không khỏi có cảm giác khó chịu, và nhận ra, nguyên nhân là cái ghen tuông của vợ. Ngữ “chuyện ma trơi” và cả dòng thơ, được “mơi tra” ↔ “ma trơi” kết hợp làm nên nghĩa, một cách ấn tượng.

Nhưng ngoài điều ấy ra, kiểu lái này không tạo ra một nghĩa thứ hai nào khác. So sánh với bài thơ Chùa Quán Sứ đã dẫn, có ba tổ hợp lái chỉ một vế xuất hiện, đã trình bày; ta thấy văn bản này có hai nghĩa (cũng nói: nghĩa nước đôi). Hoặc như bài gồm hai dòng thơ: “Già năm mươi tuổi không đeo kính/ Thức suốt năm canh chỉ sợ gà” (Khuyết danh). Bài này đã tạo ra hai nghĩa sóng kèm trên văn bản: a) Nghĩa 1 (không vận dụng việc nói lái): lời thơ tạc nên một người vào tuổi tri thiên mệnh mà vẫn chưa phải đeo kính, còn cần mẫn làm việc thâu đêm, chỉ ngại tiếng gà giục sáng (sức lực, tư cách của nhân vật thật đáng kính nể!); b) Nghĩa 2 (vận dụng việc nói lái, “đeo kính” và “sợ gà”, được lái theo hình thức 1): lời thơ vẽ nên một người có tuổi mà vẫn còn thích chuyện trăng hoa, suốt đêm không ngủ vì phải gạ gẫm để mong được làm chuyện ấy (nói theo ngôn ngữ thông tục, thì đó là một “ông già mất nết”).

2.2. Võ Quê sinh năm 1948; quê quán: làng Chuồn (An Truyền), xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Ông là Hội viên của các hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Là người công tác lâu năm tại Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, đã giữ chức vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp (khoảng từ 1997 đến 2005). Nghỉ hưu năm 2008(9).

Một số tác phẩm: Ngợi ca, tập thơ (Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế xuất bản, 1993); Khúc tri âm, lời ca Huế (Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2000); Một thuở xuống đường, tập thơ (Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2001); Lửa đường phố, hồi ký (Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2003); Lục bát côn đảo (Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005); Lời biết ơn ngọn lửa, tập thơ (Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2016);...

2.2.1. Bài viết này sử dụng tập thơ Ngược xuôi thế sự (Võ Quê, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2011), để trích dẫn, xem xét về thơ nói lái của ông. Đây là tập thơ sáng tác trong thời kì 1999 - 2011, hầu hết chỉ 4 câu/dòng, gồm 21 bài lục bát, 20 bài thất ngôn, phần lớn các bài đã sử dụng nói lái. Ở phần phụ lục, có các bài viết về việc nói lái này của Tô Vĩnh Hà, Bùi Ngọc Long, Mai Văn Hoan và Thanh Kiều. Dưới đây, là 4 trong số 49 bài của tập thơ:

(IV) ĐÒ CA ĐA CÒ

Đò ca Huế có đa cò,
Sông Hương đục nước, giọng hò sầu tênh.
Tình sâu Hương Ngự bồng bềnh,
Ai xui cò đậu phách chênh, cậu đò?

(V) TRƯỚC KẺNG...

Bầu trỏ hèn chi mới bỏ trầu,
Bầu to đành phải tậu bò tâu.
Quệt má vì yêu nên quá mệt,
Bầu lên hạnh phúc được bền lâu.

(VI) VẬT GIÁ LEO THANG

Vật giá leo thang gạo lỏng nồi,
Nỗi lòng xa xót bạn nghèo ôi!
Ngồi eo sèo với bao gian khó,
Gió khan đắng họng tái tê đời.

(VII) NGHĨ VỀ DU LỊCH MIỀN NÚI

Welcome du khách để gom khoen,
Khèn lơi lả điệu lắm lời khen.
Dốc tận tiềm năng người dân tộc,
Men giàu giục chị dệt mau gièn(10).

Lí do chúng được chọn: a) Về thể thơ, bài (IV) theo lục bát, các bài còn lại đều là thất ngôn tứ tuyệt (11); b) Về kiểu lái, tuy tất cả đều thể hiện vế thuận và vế lái cùng xuất hiện trên văn bản, nhưng ở (V), (VII) là trên cùng một dòng thơ, còn ở (VI) thì không như vậy, mà hai tiếng đầu dòng sau là vế lái của hai tiếng cuối dòng liền trước; c) Về ngôn ngữ văn tự, ở (VII) có một vế thuận sử dụng từ tiếng Anh, trong lúc các bài khác thì không. Sở dĩ thơ thất ngôn được dẫn nhiều hơn thơ lục bát, do để tiện đối sánh với trường hợp trước.

Thử ghi lại một số vế lái xếp theo các hình thức lái đã nêu, từ bốn bài vừa dẫn của tập thơ này:

- Hình thức 1 (P2V2D1 + P1V1D2): “sầu tênh” ↔ “tình sâu”; “khèn lơi” ↔ “lời khen”; “lỏng nồi” ↔ “nỗi lòng”.

- Hình thức 2 (P1V2D1 + P2V1D2): “bầu to” ↔ “bò tâu”; “bầu lên” ↔ “bền lâu”; “nghèo ôi” ↔ “ngồi eo”; “men giàu” ↔ “mau gièn”.

- Hình thức 3 (P1V2D2 + P2V1D1): “đò ca” ↔ “đa cò”; “cò đậu” ↔ “cậu đò”; “bầu trỏ” ↔ “bỏ trầu”; “quệt má” ↔ “quá mệt”; “gian khó” ↔ “gió khan”.

- Vừa hình thức 2 vừa hình thức 3: “welcome” ↔ “gom khoen”.

Dưới đây, là một số hình thức lái không giống với các dạng đã nêu, ở những tác phẩm khác trong tập Ngược xuôi thế sự:

(a) “Cánh đồng xoang” ↔ “quán đồng xanh” (Lanh mưu lưu manh);

(b) “Đưa lối” ↔ “lứa đôi” (Ảo và thật); “Cùng đinh” ↔ “cung đình” (Phủ nội vụ mai thành dịch vụ);

(c) “Dầu xăng tăng giá dạ giăng sầu” (Dầu xăng tăng giá), “Biến chất điếm đàng đi chiếm đất” (Lanh mưu lưu manh);

(d) “Mặc trọng tài vội moi còi/ Êm re sân cỏ coi mòi hơi lâu” (Câu giờ);

(e) “Muốn tiền hung, tùng mọc hiên ngoài” (Cảm nhận hoa kiểng), “Đợi lâu mới biết đâu có lợi/ Bìa treo đây mai ruột đầy bia?” (Tự trào);

(f) “Lần vô danh lợi hại dân lành” (Giành nhau giàu nhanh), “Cứ mở khóa tình từ quá khứ/ Vào đây thi sĩ được đào vây” (Thơ tặng Hải Kỳ), “Giật gấu vá vai theo vật giá/ Thâu đêm nhức nhối nghĩ thêm đau” (Dầu xăng tăng giá), “- Viết câu chi đó?/ - Có viết chi đâu?/ Trống rỗng tim, đầu/ Tìm đâu chữ nghĩa?” (Tự hỏi).

2.2.2. Có thể rút ra vài đặc điểm về cách sử dụng nói lái trong thơ Võ Quê (kết hợp so sánh với thơ Nguyễn Khoa Vy):

- Hình thức nói lái được sử dụng trong thơ Võ Quê, là ba hình thức nói lái phổ biến của dân tộc, nhưng hai hình thức lái ở Trung Bộ và Nam Bộ (P1V2D1 + P2V1D2 và P1V2D2 + P2V1D1), được dùng nhiều hơn. Hình thức nói lái kết hợp, chẳng hạn kết hợp giữa hình thức 2 và hình thức 3, rất ít gặp (tập thơ chỉ tìm thấy hai trường hợp: a) “Welcome” ↔ “gom khoen” (VII); và b) “Kinh doanh” ↔ “quanh dinh” (Tứ phương vô sự, ngẫu hứng 1).

Bên cạnh đó, nhà thơ cố gắng bổ sung cho các hình thức nói lái truyền thống. Với ba trường hợp đầu vừa dẫn (ở cuối § 2.2.1.); có thể thấy: (a) “Cánh đồng xoang” ↔ “quán đồng xanh”, là một dạng “lái ba”, theo hình thức 3 (Lưu ý: c và q là hai biểu hiện bằng chữ viết của phụ âm /k-/; o và u là hai biểu hiện bằng chữ viết của âm đệm /-w-/); (b) “Đưa lối” ↔ “lứa đôi”, không thuộc ba dạng lái phổ biến đã trình bày, mà là hình thức lái (P2V1D2 + P1V2D1), nhưng vẫn thuộc một trong bảy hình thức lái mà Nguyễn Hanh có nêu; “cùng đinh” ↔ “cung đình” cũng vậy, thuộc hình thức lái (P1V1D2 + P2V2D1); (c) Hai vế lái “giăng sầu”, “chiếm đất”, có thể tìm thấy gốc gác của vế thuận từ hai tổ hợp “dầu xăng tăng giá” và “biến chất điếm đàng”; trường hợp đầu gần với hình thức 3 (P1V2D2 + P2V1D1), ở đó, lẽ ra P2 (s-), thì được thay bằng P2 (x-), đã giải thích, trường hợp sau, “biến chất” không thể lái thành “chiếm đất”, nếu không mượn phụ âm “đ-” và vần “-iêm” trong “điếm đàng” (do ảnh hưởng của các âm gần gũi trong tổ hợp, mà có việc kết hợp này).

- Thơ lái Võ Quê chỉ dùng mỗi kiểu nói lái: nói lái có hai vế (vế thuận và vế lái) cùng xuất hiện trên văn bản. Nhưng so với Nguyễn Khoa Vy thì cách biểu hiện có phong phú hơn. Chẳng hạn, không chỉ các vế thuận và vế lái đều xuất hiện trong cùng một dòng thơ, mà có khi hai tiếng đầu của dòng sau lái hai tiếng cuối của dòng trước (Thí dụ: “...Sông Hương đục nước, giọng hò sầu tênh/ Tình sâu Hương Ngự bồng bềnh”, hay bài VI: “Vật giá leo thang gạo lỏng nồi/ Nỗi lòng xa xót bạn nghèo ôi!/...”) (12).

Nhưng không chỉ chừng đó. Có thể thấy, nhà thơ đã tìm tòi, sáng tạo những cách thể hiện nói lái trên văn bản thơ khá phong phú, qua ba trường hợp còn lại (nêu ở cuối § 2.2.1.): (d) Ở bài Câu giờ, hai vế thuận và lái “moi còi” ↔ “coi mòi”, được đặt ở vị trí hiệp vần của thể lục bát; (e) Ở hai bài Cảm nhận hoa kiểng Tự trào, có các vế lái được đặt trong tổ hợp ba tiếng: “tiền hung” ↔ “tùng mọc hiên”; “đợi lâu” ↔ “đâu lợi”; (f) Ở ba bài Giành nhau giàu nhanh, Thơ tặng Hải Kỳ Dầu xăng tăng giá, thì ngược lại, có các vế thuận được đặt trong tổ hợp ba tiếng (nói đúng hơn, là cách một tiếng): “lần danh” ↔ “dân lành”; “Cứ mở khóa” ↔ “quá khứ”; “Giật gấu vai” ↔ “vật giá”; đặc biệt, với bài Tự hỏi, thì cả vế thuận lẫn vế lái đều cách một, hai tiếng: “- Viết câu chi đó?/ viết chi đâu?”.

- Phần lớn các tổ hợp (hay vế) thuận sử dụng cho việc nói lái là các tổ hợp từ tự do (như “khèn lơi”, “lỏng nồi”, “bầu lên”, “quệt má”, “bầu trỏ”,...), tương tự với trường hợp trước.

3. Nhận xét, kết luận

Nói lái là hiện tượng phổ biến trong việc giao tiếp bằng tiếng Việt (trong đó, có văn học), ở nước ta. Tuy ai cũng biết nói lái, nhưng sử dụng phương tiện này một cách thuần thục, nhuần nhuyễn lại không phải dễ, và khi đưa nó vào thơ thì càng khó. Ấy vậy mà hai nhà thơ xứ Huế, Nguyễn Khoa Vy và Võ Quê đã làm được việc này.

So sánh giữa hai nhà thơ này về việc nói lái trong thơ, thì Nguyễn Khoa Vy và Võ Quê có nhiều điểm giống nhau. Họ đều sử dụng kiểu lái phổ biến trong ca dao dân ca miền Trung, là cả vế thuận lẫn vế lái đều có mặt trên một dòng thơ, cùng có cảm xúc chân thật và dân dã, qua việc đưa các chi tiết, sự việc đời thường, các từ ngữ xứ Huế vào thơ. Nhưng giữa họ cũng có chỗ khác; đó là, trong lúc Thảo Am chuyên chú vào truyền thống, vào địa phương, để tạo ra các tổ hợp lái nhuần nhụy, qua những vần thơ lưu loát, thì Võ Quê lại có những tìm tòi, mở rộng về các hình thức lái, về sự đa dạng hóa phương thức thể hiện trên văn bản, và dù mạch thơ chưa được trôi chảy bằng, vẫn mạnh dạn biểu đạt những điều ấy ra(13).

Ưng Bình viết về Nguyễn Khoa Vy: “Câu thơ nói lái cũng tài/ Câu thơ đọc ngược không sai luật vần” (Phẩm đề, bài giới thiệu tập Thơ Thảo Am). Võ Quê tự giãi bày về việc làm thơ lái của mình: “Ngược xuôi thế sự láng lai/ Lang thang nhặt lái một vài câu chơi” (bài thơ cùng tên với tập thơ Ngược xuôi thế sự). Ưng Bình đã hiểu đúng về tài năng của bạn. Và giả sử, lời thơ vừa dẫn của Võ Quê là lời đề từ cho Ngược xuôi thế sự, thì nó vừa thích ứng với tập thơ đang được quan tâm, vừa phù hợp với phong cách của nhà thơ.

Cuối cùng, cũng cần bàn thêm, nói lái là một phương tiện chơi chữ, thuộc bộ phận chơi chữ bằng ngữ âm và chữ viết, rất được yêu chuộng(14). Bộ phận chơi chữ này cho thấy sự diệu kì và hấp dẫn của tiếng Việt. Mà một trong số những điều kì diệu ấy, là không chỉ người có hiểu biết về vấn đề mới nắm bắt được nó, mà ngay cả những người sử dụng tiếng mẹ đẻ bình thường vẫn có thể vận dụng và phân tích dễ dàng. Đó là lí do vì sao có chỗ chú mà không ghi, đối sánh mà không nhận xét, nhất là những chi tiết có liên quan đến phương ngữ Huế trong bài. Bởi không chỉ việc tránh rườm mà người viết còn đặt niềm tin vào điều vừa nói.

T.N
(TCSH336/02-2017)

------------------
(1) Trong bài “Nói lái, những khía cạnh đáng lưu ý” (Nguyễn Hanh, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời  sống, số 6, 1997, tr. 9-12), tác giả đã nêu 7 vế lái tất cả; tuy nhiên, ông xác định “chỉ có ba hình thức nói lái được dùng phổ biến trong tiếng Việt”, như đã trình bày.

(2) Theo đó, khi hai âm tiết của tổ hợp (hay vế) lái có phụ âm đầu giống nhau (tức điệp phụ  âm đầu), thì lái theo hình thức 1, cũng là lái theo hình thức 2. Giải thích: Hai mô hình của hình thức 1 (P2V2D1 + P1V1D2) và hình thức 2 (P1V2D1 + P2V1D2), chỉ khác nhau ở vị trí P (gồm P1 và P2). Khi P1 và P2 là một, thì chúng trở nên đồng nhất.

Mặt khác, về hình thức lái trong thơ Hồ Xuân Hương, cũng thấy rằng, bên cạnh việc sử dụng phụ âm đầu theo lối điệp để lái (qua các vế thuận: “lộn lèo” (Quán Khánh), “đá đeo” (Kiếp tu hành), “đếm lại đeo” (Chùa Quán Sứ)...), ở một số bài thơ có sử dụng nói lái khác của Hồ Xuân Hương, như bài Chùa Quán Sứ đã dẫn, thì vừa có lái Bắc (lái theo hình thức 1), vừa có lái Trung, Nam (lái theo hình thức 2), như đã phân tích. Có thể dựa vào thân thế của bà để giải thích điều này: thân phụ ở Nghệ An, thân mẫu ở Bắc Ninh, và bà chủ yếu sinh sống trên đất Bắc. Việc sử dụng phụ âm đầu theo lối điệp để lái, khiến người trong cả nước dễ dàng nắm bắt được cách nói lái ở thơ bà.

(3) “Câu” (“câu cá”) là một ẩn dụ chỉ việc chinh phục người yêu của nam giới. “Cá tràu”, “cá  diếc” là một ẩn dụ dạng cặp, chỉ đôi nam nữ.

(4) Nguồn: Trần Hùng (Chủ biên), Văn học dân gian Quảng Bình, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà  Nội, 1996, tr. 459.

(5) Khi hai vế, thuận và lái, cùng xuất hiện, như “có đâu” ↔ “câu đó”; giả sử cho “có đâu” là vế  thuận, thì vế lái “câu đó” theo hình thức 3 (P1V2D2 + P2V1D1); ngược lại, cũng thế.

(6) Nguồn: http://tinbds.com/thua-thien-hue/hue/duong-nguyen-khoa-vy/ ngày truy cập: 28/9/2016.

(7) Theo Chơi chữ (Lãng Nhân, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1992, tr. 208-210), thì khoảng đầu thế  kỉ XX, vào lúc vua Thành Thái bị lưu đầy, đám văn nhân tự thấy mình như gái không chồng, muốn tâm sự mà e tai mắt của Pháp, bèn truyền miệng nhau một đầu đề thơ hạn vần: làm một bài tám câu luật Đường, có 5 vần là không chồng trông bông lông. Một số bài theo hạn vần này, được Lãng Nhân ghi lại, của các nhà thơ: Nguyễn Khuyến, Ưng Bình, Mộng Phật, Nguyễn Khoa Vy (ở đây, khi chép lại bài thơ này, bài viết có đối chiếu với bản của Lãng Nhân, để ghi “ngả đó”, thay vì “ngã đó” như bản năm 1991).

(8) Na: mang, đem theo bên người; bường: bình. Na bường: cầm hay ôm cái bình mà mang đi.  

(9) Nguồn: Ban Chấp hành khóa V (2010 - 2015), Kỉ niệm 20 năm thành lập Hội (1991 - 2011),  Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế xuất bản, Huế, 2011, tr. 104.

(10) Một số từ ngữ ở các bài thơ: a) Đò ca: chỉ ca Huế trên sông Hương, cần đi đò thuyền để  nghe; b) Đa cò: nhiều kẻ làm cò mồi (IV); c) Bầu trỏ: bụng có chửa nhô lên; d) Bỏ trầu: lễ hỏi, lễ đính hôn; e) Bò tâu: bò và trâu (V); f) Welcome: hoan nghênh, hân hoan chào đón; g) Khoen: khâu; ở đây, là khâu vàng; h) Gièn: cũng viết dèn; thổ cẩm (VII).

(11) Tuy cũng gọi là tứ tuyệt, nhưng thơ của Võ Quê thường không chú ý đến yêu cầu của việc  đối và niêm luật như thơ của Thảo Am.

(12) Trong thơ, việc hai tiếng cuối câu trên lái thành hai tiếng đầu câu dưới, đã có từ trước.  Theo Giai thoại làng Nho (Lãng Nhân, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999, tr. 614-615), Kì Đồng Nguyễn Văn Cầm (1875 - 1929), khi lên Yên Thế mở đồn điền, đã làm bài thơ tự thuật (thơ chữ Hán, thể thất ngôn bát cú luật Đường), có bốn câu đầu như sau: “Hà sự phân vân thuyết lộ ki/ Kị lô tương cố một tương tùy/ Tuy tường thiên nhận do ngu nạn/ Nan ngụ cô sơn tác trụ trì/...” (Việc gì mà lo việc lộ liễu/ Cưỡi lừa, ngoảnh cổ lại không thấy người đi theo/ Dẫu bay cao đến nghìn nhận (đời nhà Chu, một nhận bằng 8 thước), vẫn phải lo đến quốc nạn/ Khó lòng ở chốn cô sơn này làm nơi trụ trì được/...). Bài thơ nói lái này đã làm nức lòng nhiều người, họ tay xách nách mang, lũ lượt đi theo ông, thành cả phong trào di dân lập ấp.

(13) Nhận xét này dựa vào hai tập thơ đã nêu. Dù như vậy là không được công bằng, vì một  bên là sự tuyển chọn, trên cơ sở cái đã thành, một bên là sự thể nghiệm, cái đang thành; nhưng để luận định về một người vẫn còn hoạt động ở lĩnh vực đang bàn luận, thì không còn cách nào khác.

(14) Ở tập Nghệ thuật chơi chữ trong văn chương người Việt (Triều Nguyên, Nxb. Giáo Dục, Hà  Nội, 2004), người viết đã xếp nói lái vào phương tiện chơi chữ bằng ngữ âm và chữ viết, và gọi nó là lái âm (đặt cạnh các phương tiện chơi chữ như cùng âm, gần âm, điệp âm,...). Ở tập Thú chơi chữ (Lê Trung Hoa, Hồ Lê, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1990), các tác giả đã xếp nói lái là lối chơi chữ đầu tiên, trong số 14 lối chơi chữ được bàn.
 





 

Các bài đã đăng
Đồi ma (27/02/2017)
Thơ Xuân 2017 (27/01/2017)