Tạp chí Sông Hương - Số 42 (T.4&5-1990)
Còn lại tình yêu
15:05 | 17/04/2017

NGUYỄN HUY THIỆP

LTS: Để giúp bạn đọc có một hình dung đa diện về Nguyễn Huy Thiệp, một Nguyễn Huy Thiệp sâu sắc, đáo để… lạ lùng, chúng tôi xin giới thiệu kịch bản "Còn lại tình yêu".

Còn lại tình yêu
Minh họa: Nguyễn Đính

Còn lại tình yêu
Kịch nói

NHÂN VẬT

Thời trước cách mạng:
Nguyễn Thái Học: Lãnh tụ cách mạng
Hải Vân: Nhà tư sản
Dật Công: Nhà giáo
Bảo Tâm: Nhà tư sản
Lê Thị Minh: Con gái Hải Vân
Đào Xuân Khải: Sĩ quan phòng nhì
Nguyễn Văn Tảo (Đội Tảo): Thư ký hãng buôn, sau phản bội trở thành cai đội.
Hoàng Trọng Phu: Thượng thư
Đội lĩnh và các cai đội khác (5 người)
Đại biểu các giới ở Hà Nội (4 người, 2 nam, 2 nữ)
Người hầu của Hoàng Trọng Phu (2 nữ)

Thời hiện tại:
Thiếu tướng công an
Trung úy công an
Nữ thư ký
Cảnh vệ, hộ lý, bác sĩ (3 người)
Trần Nhật Thường: Chồng bà Lê Thị Minh

TRANG TRÍ
Vở kịch có 5 hồi, chia thành 2 phần: thời hiện tại và thời trước cách mạng.
Hồi 1 và 2: Lấy bối cảnh một phòng làm việc của Bộ Nội vụ
Hồi 3: Lấy bối cảnh một phòng khách trong một gia đình tư sản.
Hồi 4: Lấy bối cảnh nhà tù Hỏa Lò nơi giam giữ Nguyễn Thái Học.
Hồi 5: Không có trang trí, nền chỉ là một màn buông (có thể chỉ treo hình một trái tim ở chính giữa)

ÂM NHẠC
Tùy đạo diễn và nhạc sĩ.


Bộ Nội vụ
Viên sĩ quan trực ban (một trung úy trẻ) đang đọc tài liệu. Tập hồ sơ bên cạnh
.
Thiếu tướng vào, cầm mấy tờ giấy đánh máy.

Trung úy: (đứng dậy, ân cần): Thiếu tướng! Khuya rồi, thiếu tướng chưa đi ngủ ư?

Thiếu tướng: Chưa, dạo này mình cũng ít ngủ. Già rồi, mỗi tuổi mỗi khác.

Trung úy: Thiếu tướng có vẻ mệt mỏi... Vụ án làm thiếu tướng căng thẳng ư?

Thiếu tướng: Không, không sao. Vụ án kết thúc rồi. Một vụ án hình sự. Buôn lậu ma túy. Tôi hài lòng vì công việc có kết quả tốt!

Trung úy: Vâng, thưa thiếu tướng. Thiếu tướng cho phép chúng tôi kết thúc hồ sơ, chuyển sang khởi tố được chưa?

Thiếu tướng: Được... cơ bản là được. Tuy nhiên, tôi vẫn áy náy vô cùng về cái bức thư lạ lùng mà chúng ta khám được trong nhà lão già ấy.

Trung úy: Thưa thiếu tướng, có phải bức thư của Nguyễn Thái Học không?

Thiếu tướng: Đúng rồi... Thư của Nguyễn Thái Học... Tôi đã xem xét kỹ càng, gửi đi kiểm tra... Tôi không tin lão già ấy...

Trung úy: Đúng thế, khi hỏi đến lá thư, tôi cũng thấy lão già hết sức lúng túng...

Thiếu tướng: Không phải lúng túng! (khẳng định, nghiêm khắc) Lão già sợ, rõ ràng là lão già sợ!

Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi không hiểu...

Thiếu tướng: Hôm nay, khi bên K.25 báo cho tôi biết bức thư đúng là đã viết cách đây 59 năm tôi lại càng suy nghĩ... Họ đã xác định chất giấy, nét mực... Rất có thể chính Nguyễn Thái Học đã viết bức thư này.

Trung úy: Thưa thiếu tướng, một bức thư bình thường... Có thể bức thư rơi vào tay lão già một cách ngẫu nhiên thì sao (băn khoăn). Nhưng tại sao lão già lại sợ?

Thiếu tướng: Đấy... chính là điều ấy khiến tôi mất ngủ... Tôi suy nghĩ, suy nghĩ mãi. Tôi tin bức thư rơi vào tay lão già không phải ngẫu nhiên (đi đi lại lại)... Đúng... Không phải ngẫu nhiên... Không phải ngẫu nhiên... Nhất định thế...

Trung úy: Thưa thiếu tướng... Thực ra tất cả những điều ấy không có ý nghĩa gì? Lão già bị bắt vì tội buôn lậu thuốc phiện, chứng cớ rõ ràng, lão già đã nhận tội. Dứt khoát lão già không thoát tù tội. Hơn nữa, thưa thiếu tướng, với một lão già 80 tuổi, tôi tin lão già không sống được đến khi mãn hạn tù đâu?

Thiếu tướng: Đúng rồi... Không có ý nghĩa gì... Rất lôgic! Nhưng anh có phải là một sĩ quan nghiên cứu không, anh không thấy đây là bức thư của Nguyễn Thái Học à? Chính Nguyễn Thái Học đã viết bức thư này!

Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi không hiểu... Thứ nhất là...

Thiếu tướng: Thứ nhất là vì sao lão già lo sợ hoảng hốt khi chúng ta hỏi về bức thư? Thứ hai nữa, vì sao lão già lại giữ gìn bức thư cẩn thận thế? Thứ ba, vì sao lão già có bức thư này? Còn thứ tư, anh biết không, Nguyễn Thái Học, anh có biết Nguyễn Thái Học là ai không?

Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi biết, Nguyễn Thái Học là người lãnh đạo khởi nghĩa Yên Bái năm 1930.

Thiếu tướng: Đấy, chúng ta đều chỉ biết Nguyễn Thái Học là người lãnh đạo khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Ông ta bị xử tử hình khi mới 28 tuổi. Tôi biết thế, một thiếu tướng công an chỉ biết đến thế mà thôi. Bên Viện Sử học, hình như người ta cũng chỉ biết có thế!

Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi vẫn không hiểu... Thứ nhất là...

Thiếu tướng: Thứ nhất là Nguyễn Thái Học đã chết cách đây 59 năm chứ gì?

Trung úy: Thưa thiếu tướng. Ý tôi không hẳn như thế. Nguyễn Thái Học là một nhân vật lịch sử, một anh hùng, tên tuổi vị trí của Nguyễn Thái Học đã ổn định và quá quen thuộc... Tôi không hiểu Nguyễn Thái Học liên quan gì đến vụ án của chúng ta, đến cái lão già buôn lậu thuốc phiện gần kề miệng lỗ?

Thiếu tướng: Anh nói rất đúng (suy nghĩ)... chẳng có liên quan gì cả (chợt tỉnh) Nhưng thôi... Anh cứ mặc kệ tôi! Tôi chưa cho kết thúc vụ án này đâu! ít ra, tôi cũng muốn giữ lão già lại. Chỉ một mình lão già thôi...

Trung úy: (mỉm cười) Tùy thiếu tướng, chúng tôi bao giờ cũng chấp hành mệnh lệnh thiếu tướng...

Thiếu tướng: Thế này nhé! Vụ án buôn lậu thuốc phiện thế là xong, có thể khởi tố được, tôi không phản đối. Nhưng bức thư của Nguyễn Thái Học, đấy thực sự là một vụ án khác (nhanh nhẹn). Bây giờ trung úy, anh hãy giúp tôi đưa lão già đến đây. Từ khi biết đích xác đây là bức thư được viết cách đây 59 năm, tôi sốt ruột, nôn nóng quá chừng! Gọi cho tôi thêm một thư ký vào đây, tôi muốn đích thân hỏi cung lão già ấy.

Trung úy: Tuân lệnh thiếu tướng.

Trung úy ấn chuông. Ở cửa xuất hiện một chiến sĩ công an.

Trung úy: Mời cho tôi đồng chí thư ký. Sau đó đưa phạm nhân Nguyễn Văn Tảo vào!

Chiến sĩ: (chào) Rõ!

Trung úy: (nhường chỗ) Mời thiếu tướng! Xin thiếu tướng cho phép tôi tham gia hỏi cung.

Thiếu tướng: Cám ơn! Cám ơn anh! Chúng ta sẽ cùng làm việc. Anh biết không? Từ khi được biết bức thư này có thể, có thể thôi, do chính tay Nguyễn Thái Học viết, lòng tôi run lên vì cảm động. Nếu đúng là Nguyễn Thái Học, thì lão già này không thoát được tay tôi đâu.

Trung úy: Thiếu tướng cho tôi xem lại bức thư được không?

Thiếu tướng đưa bức thư, một bức thư viết trên giấy bản.

Trung úy: Nét chữ mực tím, cứng cỏi lắm (đọc).

Thưa cô! Trưa ngày mai chúng sẽ tử hình, chúng sẽ chặt cổ, bêu đầu tôi. Ước nguyện của tôi là mong cô được sống cuộc đời hạnh phúc. Cô xứng đáng như thế, bởi cô có một trái tim cao thượng. Ký tên: Nguyễn Thái Học

Thiếu tướng: Trung úy! Anh có thấy tôi quyết định mở ra vụ án là sáng suốt không?

Trung úy: Thưa thiếu tướng, hoàn toàn chính xác. Nếu đúng là Nguyễn Thái Học thì bức thư thật là đáng kể.

Ngoài cửa xuất hiện người nữ thư ký.

Thư ký: Báo cáo thiếu tướng! Tôi, thiếu úy Vũ Kim Dung có mặt theo lệnh thiếu tướng.

Thiếu tướng: Xin mời vào! Đồng chí hãy ghi biên bản cuộc hỏi cung này, tôi tin là sẽ thú vị. Hãy ghi âm lại!

Thư ký: Rõ!

Người thư ký ngồi vào bàn, chờ đợi. Cảnh vệ dẫn phạm nhân vào. Đấy là một lão già 80 tuổi, người cao lớn. Lão già vừa đi vừa ho.

Trung úy: Ông Nguyễn Văn Tảo! Mời ông ngồi!

Tảo: (ho) Khổ thật! Nửa đêm các ông còn dựng dậy hỏi cung! Tôi 80 tuổi, sắp chết rồi! Có điều gì tôi đã khai hết để chết đi cho nó thanh thản, các ông còn hỏi gì nữa! Cả đường dây buôn lậu thuốc phiện từ Sơn La, Lai Châu đến Sài Gòn các ông đã tóm được cả còn gì!

Thiếu tướng: Ông Đội Tảo, còn đấy! Đêm nay tôi muốn hỏi ông điều khác.

Tảo: Được, thưa ông, có gì ông cứ hỏi đi. Tôi xin một điếu thuốc lá được không (ho).

Trung úy mời thuốc Tảo và châm lửa cho lão.

Thiếu tướng: Đội Tảo! Thời trẻ ông sống ở đâu, làm việc gì?

Tảo: Thưa ông, năm 1945 tôi làm ở Sở lục lộ...

Thiếu tướng: (gõ bàn) Không! Năm 1945 ông đã 36 tuổi rồi, trẻ gì nữa. Ông sinh năm 1909 phải không?

Tảo: Vâng, năm 1909.

Thiếu tướng: Tôi muốn hỏi ông thời kỳ trước năm 1945 cơ.

Tảo: Thưa ông, trước năm 1945 tôi là người lương thiện. Tôi chỉ trở nên hư hỏng từ khi có cuộc cách mạng của các ông thôi. Thưa ông, cho phép tôi kể về từ ngày tôi theo cách mạng...

Thiếu tướng: (nghiêm nghị) Đội tảo! Đừng có đùa. Ông hãy tuần tự kể từ khi ông sinh ra cho đến năm 1945, tức là cái thời kỳ ông cho là mình lương thiện ấy.

Tảo: (nghĩ ngợi, chậm rãi): Thưa ông, ông định hành hạ tôi bằng cách kể lại thời thơ ấu ư? Không, không đâu, tôi chẳng dại. Đấy là thời kỳ sung sướng nhất cuộc đời tôi. Kể lại làm gì? Nếu tôi kể lại ông sẽ phát thèm vì một cuộc sống như thế! Hơn nữa, các ông cũng chẳng tin đâu...

Trung úy lấy Hồ sơ, giở ra đọc.

Trung úy: Đội Tảo! Ông nghe đây! Nguyễn Văn Tảo sinh ngày 13 tháng 8 năm 1909 tại thôn Giai Lệ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Xuất thân gia đình địa chủ. Từ 1909 đến 1912 ở Hưng Yên cùng bố mẹ. Từ 1913 đến 1920 ở với người cậu ruột là Trần Văn Định là đốc-tơ ở nhà thương Đồn Thủy. Năm 1927 đăng lính khố xanh... Có đúng không?

Tảo: Thưa ông... đúng... các ông đúng là mật thám, cái gì các ông cũng biết.

Thiếu tướng: Năm 1927, ông đi lính như thế nào?

Tảo: (nghĩ ngợi) Thực ra cũng chẳng phải là đi lính. Năm ấy tôi 18 tuổi, tôi đang học trường Canh nông... Nhà tôi giàu, tôi rất diện… Đoạn ấy các ông ghi nhầm...

Thiếu tướng: Được rồi, ông học trường Canh nông... Thời gian từ năm 1927 đến năm 1930 ông ở những đâu...

Tảo: Thưa ông, nhiều lắm. Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, nhưng nhiều nhất là ở Hà Nội.

Trung úy: Ông ở Yên Bái? Ông có biết gì về cuộc khởi nghĩa Yên Bái không?

Tảo: Dạ biết chứ, ai sống thời ấy mà không biết nó. Cuộc khởi nghĩa ấy do Việt Nam Quốc Dân Đảng của các ông Nguyễn Thái Học với Nguyễn Khắc Nhu chủ trương. Có điều, hồi ấy người ta không gọi là khởi nghĩa mà gọi là bạo động, là bạo loạn, là giặc cỏ...

Trung úy: Ông có hiểu biết gì về những Quốc Dân Đảng ấy không?

Tảo: (láu cá) Thưa ông, đấy có phải là đảng cách mạng không ạ, có được Tổ quốc ghi công không ạ?

Thiếu tướng: Quốc dân đảng cho đến khởi nghĩa Yên Bái là một tổ chức cách mạng tiến bộ. Những lãnh tụ của nó trong thời kỳ này thực sự là những người anh hùng, những người yêu nước...

Tảo: Thưa ông, có được Tổ quốc ghi công không ạ?

Thiếu tướng: Có. Tổ quốc bao giờ cũng biết ơn những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập tự do của đất nước mình.

Trung úy: Ông thấy đấy, ở ngay Hà Nội cũng có một phố được đặt tên là Nguyễn Thái Học, một phố được đặt tên là Phó Đức Chính, một phố khác được đặt tên là Nguyễn Khắc Nhu.

Tảo: Họ là những người tốt phải không ạ?

Trung úy: Phải. Đấy là những người tốt, những người anh hùng. Tôi xin hỏi lại nhé, ông có biết gì về những người Quốc dân đảng ấy không?

Tảo: (lưỡng lự) Thưa ông, có... Hồi ấy, thậm chí tôi còn được gặp mặt, nói chuyện với ông Nguyễn Thái Học nữa.

Trung úy: Ông không bịa đấy chứ?

Tảo: (bất ngờ) Sao là bịa? Ông khinh tôi quá! Tôi xin thề...

Thiếu tướng: Tôi tin ông. Ông không phải thề. Ông gặp mặt Nguyễn Thái Học mấy lần?

Tảo: Cho tôi điếu thuốc! Cám ơn ông! Tôi nhớ tôi đã gặp Nguyễn Thái Học hai lần ở Hà Nội, một lần ở nhà cậu ruột tôi là Trần Văn Định, ông ấy làm đốc-tơ ở nhà thương Đồn Thủy. Lần thứ hai tôi gặp Nguyễn Thái Học ở nhà ông Lê Hải Vân ở phố Hàng Bạc... Sau này, lúc ấy ông Nguyễn Thái Học bị bắt rồi, tôi có gặp một lần nữa, trước hôm ông ấy bị xử tử hình...

Thiếu tướng: (lấy ra bức thư) Có phải Nguyễn Thái Học đã viết bức thư này và ông chuyển cho người quen không?

Tảo: (đờ đẫn) Bức thư... Bức thư... (lo sợ). Không... Không... Tôi không biết bức thư nào cả... Các ông để cho tôi yên...

Thiếu tướng: Ông Đội Tảo, ông bình tĩnh lại đi... Trung úy, rót cho ông ấy chén nước... Tôi chỉ muốn xác minh rằng đây có phải là bức thư do chính Nguyễn Thái Học viết không?

Tảo: Không... tôi không biết... (trở nên câm lặng)

Thiếu tướng: Ông Đội Tảo. Nguyễn Thái Học là một người anh hùng. Chúng ta còn biết quá ít về ông ta... Ông đã từng gặp Nguyễn Thái Học ba lần, tôi biết, Nguyễn Thái Học tin ông, chính vì thế ông ấy mới viết bức thư này nhờ ông, tin cậy giao phó thư này cho ông...

Tảo: Tin tôi... Vâng, tin tôi... Ông ấy là một người trong sáng, ông ấy đặt lòng tin vào tất cả mọi người...

Thiếu tướng: Đằng nào mọi việc cũng đã kết thúc từ lâu rồi. Ông Đội Tảo, tôi rất muốn ông giúp chúng tôi... Bức thư này gửi cho ai vậy?

Tảo: Không... thưa ông... Tôi không biết! (lì lợm).

Thiếu tướng: Người ấy còn sống không?

Tảo: Không... tôi không biết...

Thiếu tướng: Trong tiểu sử Nguyễn Thái Học tôi biết Nguyễn Thái Học có quan hệ thân thiết với một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Giang... Có phải Nguyễn Thị Giang... là người phụ nữ trong thư này không?

Tảo: Thưa ông... Không phải... Tôi có tội với ông Nguyễn Thái Học... (mặc cảm tội lỗi)

Thiếu tướng: Ông đừng nghĩ ngợi nữa. Nguyễn Thái Học đã mất rồi, đã mất những 59 năm nay rồi. Ông ấy sẽ tha thứ cho ông, Nguyễn Thị Giang có phải là người phụ nữ trong thư này không?

Tảo: Thưa ông... Không... Nguyễn Thị Giang là vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học... Bà ấy đã tuẫn tiết sau khi ông Học mất...

Thiếu tướng: Bức thư này gửi cho ai?

Tảo: (lưỡng lự) Thưa ông... thưa ông... Tôi mỏi mệt quá...

Trung úy: ông chịu khó uống mấy viên thuốc này... ông sẽ tỉnh táo ra đấy.

Tảo: Cám ơn ông... cám ơn ông!

Uống thuốc. Mọi người chú ý chờ đợi.

Thiếu tướng: Qua ba lần gặp Nguyễn Thái Học, ông thấy ông Học là người thế nào?

Tảo: (chậm rãi, nhấn mạnh) Thưa ông... Đấy là một hòn ngọc trong suốt... Tôi không biết nói thế nào. Một người tốt đến đau lòng... Cả tin... Cả tin hết mức... Mà nhẹ dạ, nông nổi nữa...

Thiếu tướng: Ông ấy có khiến ông bị xúc động không?

Tảo: Không phải xúc động... Thưa ông... Ông ấy làm người ta can đảm... ông ấy cả tin hết sức...

Thiếu tướng: Thế còn bức thư này? Cũng cả tin ư?

Tảo: Vâng... ông ấy mới 28 tuổi... ông ấy có hiểu gì về phụ nữ đâu.

Thiếu tướng: Không phải gửi cho bà Nguyễn Thị Giang. Bức thư ấy gửi cho ai vậy?

Tảo: (chìm đắm): Thưa ông, người ấy tên là... Minh, là... là... Lê Thị Minh... (ngã vật ra)

Thiếu tướng, trung úy và người thư ký bật cả dậy. Trung úy và người thư ký chạy lại đỡ Đội Tảo. Người thư ký bê lại một cốc nước cho Đội Tảo uống như bị trớ ra. Thiếu tướng bấm chuông gọi. Cảnh vệ xuất hiện.

Thiếu tướng: Đưa người này ra cấp cứu!

Bác sĩ, hộ lý và cảnh vệ đặt Đội Tảo lên băng-ca đưa ra Sân khấu còn thiếu tướng, trung úy và người thư ký.

Thiếu tướng: Tốt rồi! Tôi không ngờ cuộc hỏi cung lại có kết quả tốt như vậy.

Trung úy: Lão già hơi bị căng thẳng...

Thư ký: Thưa thiếu tướng. Lão già cũng yếu nữa...

Thiếu tướng: Tốt rồi... vấn đề ở chỗ chúng ta đã moi được từ miệng lão những thông tin tuyệt vời. Thứ nhất, bức thư này là của Nguyễn Thái Học. Thứ hai, bức thư này gửi cho một người phụ nữ tên là Lê Thị Minh. Từ những đầu mối này, chúng ta có thể biết được rất nhiều điều.

Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi vẫn không hiểu. Thực tình tôi vẫn không hiểu. Nguyễn Thái Học chết cách đây 59 năm rồi...

Thiếu tướng: (ngạc nhiên) Đồng chí trung úy! Đồng chí nói gì mà kỳ quặc vậy? Nào, chúng ta hãy nghe lão già khốn nạn, một lão già lưu manh, một tên buôn thuốc phiện lậu đã từng can phạm giết người đánh giá nhận định về Nguyễn Thái Học. Đồng chí thư ký, đọc lại biên bản đi. Đọc đoạn cuối ấy. Mở máy ghi âm cũng được!

Thư ký: (mở máy ghi âm)

"Hỏi: Qua ba lần gặp Nguyễn Thái Học, ông thấy ông Học là người thế nào?

Đáp: Thưa ông... Đấy là một hòn ngọc trong suốt... Tôi không biết nói thế nào. Một người tốt đến đau lòng... cả tin... cả tin hết mức... Mà nhẹ dạ, nông nổi nữa.

Hỏi: Ông ấy có khiến ông bị xúc động không?

Đáp: Không phải xúc động... Thưa ông... ông ấy làm người ta can đảm... ông ấy cả tin hết sức.

Hỏi: Thế còn bức thư này? Cũng cả tin ư?

Đáp: Vâng... Ông ấy mới 28 tuổi... Ông ấy có hiểu gì về phụ nữ đâu..."

Thiếu tướng: Thôi... Thế nào? Anh bạn trẻ? Có cần nghe lại để hiểu ra công việc chưa?

Trung úy: (mỉm cười, gãi đầu): Thưa thiếu tướng, tôi đã hiểu, đã hiểu...

Thiếu tướng: Anh bạn trẻ ạ, tôi ngần này tuổi đầu rồi... Tôi đã trải qua bao nhiêu thăng trầm cuộc đời... Hãy nghe tôi. Tôi cũng chẳng còn sống lâu nữa đâu... Hay nghe tôi... Mọi sự rồi sẽ qua đi. Các cuộc cách mạng rồi sẽ qua đi, rất nhiều biến cố rồi sẽ qua đi, những người anh hùng và cả những tên đê tiện rồi sẽ chết... Chỉ có tình yêu còn lại. Mãi mãi, chỉ có tình yêu còn lại.

Cảnh vệ xuất hiện.

Cảnh vệ: Báo cáo thiếu tướng: Phạm nhân Nguyễn Văn Tảo, 80 tuổi, đã bị đột tử vì xuất huyết não hồi 23 giờ 10 phút. Đây là biên bản xét nghiệm pháp y.

Trung úy: (cầm biên bản): Cám ơn đồng chí!

Thiếu tướng: Sao lại đột tử?

Trung úy: (nhìn qua biên bản) Thưa thiếu tướng, lão già bị đứt mạch máu não vì căng thẳng, vì xúc động, viên thuốc mạnh quá...

Thiếu tướng: Như thế, nhất định người phụ nữ tên là Lê Thị Minh có một giá trị thật đáng kể, trung úy có thấy thế không?

Trung úy: Thưa thiếu tướng, đúng thế.

Thiếu tướng: Vụ án vừa được mở ra thì đầu mối đã biến mất rồi.

Trung úy: Thưa thiếu tướng, nếu thiếu tướng cho phép, tôi xin tiếp tục vụ án.

Thiếu tướng: Tôi rất vui lòng, anh bạn trẻ ạ. Đây cũng là một công việc đáng làm. Sau này, tôi không chắc anh có một cuộc chơi nào xác đáng hơn thế nữa đâu.

Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi hiểu.

Thiếu tướng: (ôm lấy trung úy) Con ơi, con hãy nhớ lời ta. Đây là một công việc phải làm. Mọi sự rồi sẽ qua đi, rất nhiều biến cố rồi sẽ qua đi, bao nhiêu số phận rồi sẽ qua đi, những người anh hùng cũng sẽ chết, chỉ có tình yêu thôi, chỉ có tình yêu là còn lại, chỉ có tình yêu mãi mãi còn lại..

Màn kéo lại


HỒI THỨ II

Vẫn như cảnh I, Trung úy và người nữ thư ký. Hồ sơ, sách vở đầy trên bàn.

Trung úy: Kim Dung này, càng đọc tài liệu về Nguyễn Thái Học, tôi càng bị lôi cuốn, càng thích thú... Thậm chí, tôi có thể hình dung được Nguyễn Thái Học bằng xương bằng thịt ở trước mặt tôi. Bây giờ tôi đã thấy thiếu tướng có lý. Ông già thật có con mắt tinh đời. Đáng tiếc là Đội Tảo chết sớm quá!

Thư ký: Anh hình dung về Nguyễn Thái Học thế nào?

Trung úy: Hình dung thế nào ư? Đây này! Một thanh niên 26 tuổi gầy gò, đôi mắt mơ mộng và suy nghĩ, thoáng nét cương nghị, hàm răng hơi dô ra, tươi cười. Anh nói năng khúc triết và lôi cuốn.

Thư ký: (cười) Theo em, chân dung những thanh niên yêu nước trong những năm 20 của thế kỷ này ai cũng đều như vậy. Không chỉ Nguyễn Thái Học, mà ở Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai cũng đều thế cả! Bọn họ đều rất giống nhau!

Trung úy: Đúng! Tất cả những nhà cách mạng trẻ tuổi ấy đều hồn nhiên, trong sáng, không vụ lợi. Thậm chí, về khía cạnh nào đó, họ còn mơ hồ về phương diện chính trị nữa. Bồng bột, lãng mạn, đấy là nét chủ yếu trong tính cách của họ. Mong muốn duy nhất của họ là một Tổ quốc độc lập về chính trị và hùng cường giàu mạnh. Thậm chí, tôi còn nghĩ rằng cho đến những năm 30, vấn đề đấu tranh giai cấp thực tế không gay gắt như hiện nay chúng ta quan niệm. Việc đó chỉ diễn ra trong sách vở của các nhà nghiên cứu lịch sử hẹp hòi, thiển cận, giáo điều mà thôi.

Thư ký: Em có thể đọc cho anh nghe tài liệu này (lục lọi tài liệu). Đây là hồi ký của một nhân sĩ yêu nước đã sống thời đó nhận xét về Nguyễn Thái Học. Xin anh hãy coi đây là một tư liệu có tính chất tham khảo thôi nhé.

Trung úy: Đồng ý.

Thư ký: Vị nhân sĩ yêu nước đó viết thế này (đọc): "Tôi không ngờ Nguyễn Thái Học là một người trẻ trung đến thế. Một con người giản dị, trong sáng và cương nghị. Thực sự là một hòn ngọc trong suốt...

Trung úy: Giống hệt nhận định của Đội Tảo.

Thư ký: Vâng... giống hệt (đọc): "Nguyễn Thái Học ưa tranh luận, những ý nghĩ của chàng mạnh mẽ và cương quyết. Người ta không thể ngờ rằng một sinh viên trường Cao Đẳng có thể ăn nói gãy gọn như thế, một thanh niên 26 tuổi có thể hiểu biết như thế..."

Trung úy: Hay lắm! Thật tuyệt vời! Đảng trưởng một đảng cách mạng mà chỉ mới có 26 tuổi mà thôi!

Thư ký: Trong một đoạn khác, kể lại một cuộc họp của Việt Nam Quốc dân Đảng, người viết hồi ký kể lại như sau (đọc): "Nguyễn Thái Học thuyết trình sôi nổi về tương lai của một đất nước dân chủ. Rõ ràng, những tư tưởng của Môngtexkiơ và Rutxô ảnh hưởng sâu sắc đến những suy nghĩ của chàng. Chàng nói“Làm cho đất nước giàu có, phồn vinh, đó là mục tiêu của cách mạng. Tôi tin tưởng ở thế hệ trẻ, tôi tin tưởng ở nhân dân tôi. Cách mạng, một cuộc cách mạng trong sáng do những con người trẻ trung, có tri thức và trung thực tiến hành, đấy chính là điều chúng tôi mong muốn...”

Trung úy: Những tư tưởng rõ ràng rất tiến bộ!

Thư ký: (đọc) Nguyễn Thái Học nói:

“Nước ta chỉ cần 100 nhà giàu, đấy là những nhà công nghiệp, những nhà sản xuất, những chủ hãng buôn. 100 nhà giàu khống chế toàn bộ nền kinh tế, tất cả sẽ làm thay đổi xã hội trong chớp mắt. Tập trung tư bản vào những cá nhân, cộng với một nền dân chủ rộng rãi, dựa trên những pháp luật ổn định của nhà nước, chao ôi, tôi mong muốn điều đó quá chừng”.

Trung úy: (cười) Thật ngây thơ và không tưởng! Đây chính là chỗ yếu nhất của Nguyễn Thái Học, của Việt Nam Quốc dân Đảng, của Tân Việt cũng như nhiều tổ chức khác nữa! Họ đã không xác định được đúng động lực cách mạng. Trông chờ vào tầng lớp trên trong xã hội, vào những nhà giàu thì làm sao làm cách mạng được? Bao giờ cũng vậy, những kẻ có của là những kẻ ích kỷ. Họ có thể hy sinh tài sản, hy sinh tiền bạc nhưng cuộc đời họ thì không bao giờ dám hy sinh cả.

Thiếu tướng vào, ông đứng ở cửa chú ý lắng nghe. Trung úy và thư ký không biết có thiếu tướng vào.

Thư ký: Đúng như thế.

Trung úy: Kim Dung này, nhiều lúc tôi cứ nghĩ rằng cách mạng cũng có một nét gì đó rất giống tình yêu. Cách mạng đòi hỏi hy sinh cuộc đời, tình yêu cũng thế, cũng đòi hỏi hy sinh cuộc đời. Hai người yêu nhau, họ có thể trao cho nhau cái hôn, nụ cười, ánh mắt, tiền bạc, thậm chí cả thân thể nữa, nhưng nếu họ không dám đặt cược cuộc đời của họ với nhau, đây cũng không thể gọi là tình yêu được.

Thư ký: Anh có cực đoan quá không? Anh có lẫn lộn hai khái niệm tình yêu với cách mạng không?

Trung úy: Tôi không rõ... Tôi không biết... Tôi còn trẻ quá.

Thiếu tướng: Anh không nhầm đâu, trung úy ạ. Cách mạng và tình yêu đòi hỏi hy sinh cuộc đời, đều đòi hỏi tát cạn bản thân mình vào đó. Tôi không tin những người tự xưng là người cách mạng mà không biết đến tình yêu, đến tình cảm con người. Song tôi cũng ghê tởm những kẻ chìm ngập trong dục vọng tầm thường. Họ không mảy may quan tâm đến gì cả ngoài bản thân mình.

Trung úy: Thưa thiếu tướng... Nếu vậy, nhân vật Nguyễn Thái Học mà chúng ta đang quan tâm, ông ta có được cả hai điều đó: tình yêu và cách mạng.

Thiếu tướng: Đúng đấy! Đấy là một nhân vật thật đáng kể. Tôi mang cho anh thêm một tài liệu nói về cái chết của Nguyễn Thái Học (đưa tài liệu cho trung úy). Anh đọc đi!

Trung úy: (đọc) “Tường thuật về việc xử tử hình những người tham gia khởi nghĩa Yên Bái năm 1930:

"Ngày 12 tháng 6 năm 1930 Hội đồng đề hình họp ở Yên Bái quyết định xử 44 người tham gia cuộc bạo động ở Yên Bái, trong đó có 13 người bị tử hình lên máy chém. 13 người này gồm:

Nguyễn Thái Học
Phó Đức Chính
Bùi Tư Toàn
Đào Văn Nhật
Nguyễn Văn Tiềm
Hà Văn Lao
Bùi Văn Chuân
Nguyễn Văn Thịnh
Nguyễn An
Nguyễn Văn Cửu
Nguyễn Như Liên (tức Ngọc Tỉnh)
Ngô Văn Dư
Đỗ Văn Tư

Đêm 16 tháng 6 năm 1930, 13 liệt sĩ và chiếc máy chém được chở lên Yên Bái bằng một chuyến xe lửa riêng. 5 giờ sáng ngày 17, chiếc máy chém được chuyển đến khoảng trống gần trại lính khố xanh chung quanh có lính khố xanh và lính lê dương bồng súng canh gác.

6 giờ, 13 liệt sĩ được đưa ra pháp trường. Tất cả đều thản nhiên. Nguyễn Thái Học cất giọng ngâm những câu thơ tiếng Pháp:

Mourir pour sa patrie
C'est le sort le plus beau
Le Plus digne d’envie...

Tức là:

Vì Tổ quốc hy sinh
Đây là điều vinh dự
Cái chết này xứng đáng...

Mọi người đều hô: "Việt Nam vạn tuế..." Nguyễn Thái Học bị xử cuối cùng. Chàng mỉm cười với mọi người, hít một hơi dài căng lồng ngực rồi hô to "Việt Nam vạn tuế".

Trong số người đứng chứng kiến có Nguyễn Thị Giang là vợ chưa cưới và là đồng chí của Nguyễn Thái Học. Đầu chị buộc khăn tang trắng. Sau này khi Nguyễn Thái Học đã được chôn cất, Nguyễn Thị Giang đã đến trước mộ, dùng súng lục bắn vào thái dương tuẫn tiết. Nguyễn Thị Giang có để lại một bài thơ tuyệt mệnh”.

Thư ký: Thật lãng mạn! Câu chuyện cảm động quá.

Thiếu tướng: Chúng ta có lỗi biết bao nhiêu nếu chúng ta nhìn nhận những người anh hùng chỉ trên khía cạnh chính trị mà thôi. Chúng ta quên mất rằng những người anh hùng họ tồn tại được trong trí nhớ nhân dân trước hết là ở nhân cách của mình, ở tình yêu con người trong trái tim họ. Tôi tin là Nguyễn Thái Học phải có một nhân cách thế nào mới có khả năng thu hút mọi người đến như vậy. Các đồng chí thấy không, khi Nguyễn Thái Học chết đi, vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học đã tuẫn tiết theo chồng. Khi một người con gái đã dám hy sinh cả cuộc đời mình vì một người đàn ông thì người đàn ông ấy không tầm thường chút nào đâu. Phụ nữ bao giờ cũng là người biết giá trị của cuộc sống thực nhất, có phải không Kim Dung?

Thư ký: (lúng túng)... Dạ, phải... Thưa bác, cháu không biết.

Thiếu tướng: (nghiêm khắc) Cháu phải biết.

Thư ký: (lúng túng hơn) Dạ, cháu, cháu... còn trẻ.

Thiếu tướng: Không đổ lỗi cho tuổi trẻ được đâu. Con người, phải nhớ rằng mình chỉ có một tuổi thanh xuân mà thôi, nó qua rồi là vĩnh viễn mất.

Thư ký: Cháu hiểu...

Thiếu tướng: Thế nào trung úy? Anh có tìm ra manh mối gì về người phụ nữ tên là Lê Thị Minh không?

Trung úy: (lục hồ sơ) Báo cáo thiếu tướng, có đấy. Tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi cũng muốn xin thêm chỉ thị của thiếu tướng.

Thiếu tướng: Tôi nghe đây. Anh hãy báo cáo cụ thể mọi việc đi.

Trung úy: Người phụ nữ tên là Lê Thị Minh hiện nay còn sống... Ở ngay Hà Nội này, phố Đốc Ngữ...

Thiếu tướng: (ngạc nhiên) Còn sống ư? Anh có thể mời bà ấy đến gặp tôi được không? Ngay lập tức...

Trung úy: Tuân lệnh thiếu tướng (đưa cho thư ký mẩu giấy nhỏ) Kim Dung! Phiền đồng chí đến địa chỉ này mời cụ Lê Thị Minh đến ngay nhé.

Thư ký: Rõ! (ra)

Trung úy: Có nhiều chuyện liên quan đến người phụ nữ này. Thiếu tướng cho phép tôi báo cáo tiếp.

Thiếu tướng: Anh nói đi. Tôi nghe đây.

Trung úy: Lê Thị Minh là con gái ông Lê Hải Vân, một nhà buôn có tiếng ở Hà Nội. Chúng tôi không xác minh được ông Hải Vân có liên quan gì đến tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học. Nguyễn Văn Tảo tức Đội Tảo có thời kỳ đã là thư ký tập sự trong hãng buôn này. Điều thú vị là Đội Tảo cũng là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, thậm chí y còn tham gia trong Ban ám sát của tổ chức này nữa. Những vụ ám sát như giết tên Tây Bazin, giết Nguyễn Văn Kính hay giết Giáo Du, y cũng đã từng tham gia. Còn Lê Thị Minh, hình như cô ta biết Nguyễn Thái Học hoàn toàn ngẫu nhiên. Sau khi Nguyễn Thái Học mất, bà Minh bỏ đi tu. Không hiểu tại sao năm 30 tuổi, người phụ nữ này hoàn tục, đấy là năm 1940, bà ta lấy một bác sĩ thú y, sinh được hai người con trai. Người con đầu hiện nay trong quân đội, người con thứ hai hiện là giáo viên.

Thiếu tướng: Bà Minh năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

Trung úy: Bà Lê Thị Minh sinh năm 1910, năm nay 79 tuổi.

Thiếu tướng: Anh đã tiếp xúc với bà ta chưa?

Trung úy: Thưa thiếu tướng, có. Bà ta không chịu kể lại những kỷ niệm gì về Nguyễn Thái Học. Chồng bà ta tương đối tầm thường. Cả hai người con trai không biết gì về quá khứ của mẹ.

Thiếu tướng: Anh có ấn tượng gì về người phụ nữ này?

Trung úy: Thưa thiếu tướng, đây là một người đàn bà tuyệt diệu. Tôi tin rằng thời trẻ, đấy phải là một người có sắc đẹp mê hồn. Khi nhắc lại những kỷ niệm về Nguyễn Thái Học, bà ta bị xúc động mạnh. Tôi không có cách gì gợi lại cho bà ta tự mình kể lại câu chuyện cả.

Thiếu tướng: (bực dọc) Anh là một nhà tâm lý hạng bét. Thế anh gặp bà ta mấy lần rồi...

Trung úy: (bối rối) Thưa thiếu tướng, một lần...

Thiếu tướng: Gặp ở đâu? Ở công sở chứ...

Trung úy: (bối rối hơn nữa) Thưa thiếu tướng, ở trụ sở công an phường.

Thiếu tướng: Bà ta bao nhiêu tuổi.

Trung úy: Dạ, 79 tuổi.

Thiếu tướng: Anh nhắc lại đi.

Trung úy: Dạ, 79 tuổi...

Thiếu tướng: (chì chiết). Hay lắm, 79 tuổi. Gặp ở trụ sở công an phường. Nào, xin mời, thưa bà nữ công dân, mời bà hãy mở tâm hồn của bà ra cho tôi xem... Có phải không... Đúng theo kiểu công an!

Trung úy: Dạ, không hẳn như thế. Tôi mất quá nhiều thời giờ đọc tư liệu. Tất cả những tư liệu về Nguyễn Thái Học tìm rất khó khăn, không có chỗ nào lưu trữ cả.

Thiếu tướng: Đấy không phải lý do, anh có hiểu không? Anh bắt đầu nhiễm thói công chức từ bao giờ thế?

Chuông bấm ở cửa. Thư ký vào. Thiếu tướng và trung úy quay ra.

Thư ký: Báo cáo, cụ Lê Thị Minh mất lúc 4 giờ sáng hôm nay.

Trung úy sợ hãi ngồi xuống ghế.

Trung úy: Sao lại chết nhanh như thế... Trời ơi, tôi vừa gặp bà cụ hôm kia cơ mà?

Thư ký: Bà cụ gần 80 tuổi, yếu lắm.

Thiếu tướng: (cắn môi) Chúng ta lại lỡ một nhịp thứ hai nữa rồi. Trung úy, anh có thấy lề lối làm việc quan liêu của anh tai hại như thế nào không? (giận dữ, hai tay nắm lại giơ lên trời) Khốn nạn! Anh có hiểu không? Khốn nạn! Với cách làm việc thế này, chúng ta có lỗi với tất cả những người lương thiện đang sống, và những người anh hùng đã chết. Anh có hiểu không?

Trung úy: (bối rối, đứng lên) Thưa thiếu tướng, tôi, tôi...

Thiếu tướng: (giận dữ) Câm đi! Anh câm đi! Tôi không cần anh xin lỗi. Tôi cho phép anh gác lại tất cả mọi việc để tìm ra vụ án này (cầm lấy bức thư trên bàn). Lê Thị Minh là ai? Vì sao Nguyễn Thái Học viết bức thư này? Vì sao Nguyễn Văn Tảo lại có bức thư? Tôi sẽ cách chức anh, hiểu không, nếu anh không dựng lại cho tôi toàn bộ bức tranh về các nhân vật ấy...

Trung úy: Thưa thiếu tướng...

Thiếu tướng: Đứng nghiêm lại! Đây là kỷ luật. Đây là nhiệm vụ cách mạng. Đây là lương tâm. Không phải cách chức đâu, hiểu không, tôi sẽ bắn anh, tôi sẽ bỏ tù anh, nếu anh không hoàn thành nhiệm vụ này.

Trung úy: Thưa thiếu tướng, rõ.

Thiếu tướng: Hãy đi đi, anh có thể bàn giao công việc từ ngày hôm nay để bắt tay vào nhiệm vụ. Khi bộ máy nội vụ của chúng ta nhiễm thói công chức, điều ấy sẽ gây bất hạnh cho xã hội biết nhường nào.

Thiếu tướng mệt mỏi ngồi xuống ghế.

Trung úy: (bối rối) Thưa thiếu tướng, tôi thành thực xin lỗi...

Thiếu tướng: (xua tay) Đi đi, tôi không cần anh xin lỗi... Xin lỗi mà làm gì, khi anh khinh suất với quá khứ như thế, với lịch sử như thế...

Trung úy: (càng bối rối hơn) Tôi sơ suất, tôi không chủ tâm... Tôi có lỗi...

Thiếu tướng: Anh chỉ còn một cách thôi, anh hiểu không? Anh phải dựng lại toàn bộ câu chuyện này, câu chuyện về Nguyễn Thái Học và người phụ nữ vô danh kia. Không phải để chuộc tội với tôi, anh hiểu không? Tôi không cần điều đó. Cũng không phải chuộc tội với Nguyễn Thái Học hoặc bà cụ Lê Thị Minh, anh hiểu không? Họ không cần điều đó. Anh làm điều này là để chuộc tội với tương lai, với chính những đứa con trai, con gái của anh. Anh phải làm điều này vì chính bản thân anh.

Trung úy im lặng.

Thiếu tướng: Hãy đi đi! Cố mà hoàn thành nhiệm vụ...

Trung úy im lặng chào, đi ra.

Thiếu tướng: (mệt mỏi) Cho tôi xin cốc nước (ho).

Thư ký mang nước lại.

Thiếu tướng: Bà cụ mất có thanh thản không cháu?

Thư ký: Dạ, thanh thản...

Thiếu tướng: Có nhiều người đi viếng không?

Thư ký: Dạ, có...

Thiếu tướng: Con cháu bà cụ có được về cả hay không?

Thư ký: Dạ, có...

Thiếu tướng: Cháu hãy kiếm cho ta một vòng hoa. Ta sẽ đích thân đến viếng bà cụ. Ừ, ngay bây giờ, cháu ạ... Cháu không hiểu được đâu... Ta sẽ xin lỗi vong linh của bà và xin lỗi vong linh của Nguyễn Thái Học.

Màn kéo lại.


HỒI THỨ BA

Năm 1929.
Nhà ông Hải Vân, một nhà buôn ở Hà Nội.
Phòng khách sang trọng, bộ xa lông bày ở một bên sân khấu. Ông Hải Vân đang ngồi với hai người bạn là ông Bảo Tâm và ông Dật Công. Ở một ghế bên cạnh, có một thanh niên trẻ hơn đang đọc báo, dáng vẻ hơi bí hiểm.

Hải Vân: Làn sóng yêu nước đang dâng lên. Kể từ sau ông Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, phong trào đòi dân chủ, đòi độc lập ngày càng phát triển. Thưa ông Bảo Tâm, thưa ông Dật Công, các ông nghĩ gì về điều đó?

Bảo Tâm: Đây là dấu hiệu tốt ông bạn ạ. Nước ta thực sự là một xứ mọi rợ so với thế giới. Khi không có dân chủ, không có độc lập, ở đấy không thể có văn minh được.

Dật Công: Thú thực, tôi không hy vọng ở đám đông. Tất cả những phong trào của đám đông không có ý nghĩa gì với sự tiến bộ của một cộng đồng.

Hải Vân: Tôi sợ rằng ông đã nhầm sang lĩnh vực tiến bộ tinh thần ông Dật Công ạ.

Dật Công: Thế ông tưởng rằng tôi hy vọng ở sự tiến bộ vật chất của dân tộc Việt hả ông Hải Vân? Không! Không bao giờ. Mãi mãi. Vĩnh viễn. Giống da vàng da đen chúng ta muôn đời vẫn là những chủng tộc hết sức thấp kém.

Hải Vân: Ông nhầm rồi, dân tộc Việt có những người con ưu tú hoàn toàn có thể sánh ngang với các cường quốc. Ngay trong thời chúng ta, tôi hy vọng có thể giới thiệu với các ông vài khuôn mặt tiêu biểu. Chỉ ít phút nữa, trong phòng khách này, chúng ta sẽ đón tiếp một nhân vật mà tôi tin rằng đấy là nhân vật của thời đại mới. Tôi chắc cả hai ông đều rất lý thú.

Gã thanh niên chú ý lắng nghe.

Bảo Tâm: Ông định giới thiệu chúng tôi với ai vậy? Tôi hy vọng không phải là một sĩ phu hủ nho của thế kỷ 19 chứ?

Hải Vân: (cười) Không! Bây giờ không còn là thời đại của lòng yêu nước hủ nho nữa rồi. Nó chỉ làm chậm tiến trình phát triển của xã hội thôi.

Bảo Tâm: Thế thì ai? Liệu có phải là những người nông dân của thời cách mạng Tây Sơn không?

Hải Vân: Cũng không nốt. Nông dân không làm cách mạng được! không lãnh đạo cách mạng được. Tôi nhớ hình như đó là tư tưởng của Mã Khắc Tư, ông ta thực sự là một thiên tài đau khổ.

Bảo Tâm: Lý thuyết của Mã Khắc Tư đã làm đảo lộn thế giới. Ở ta, tôi biết có nhiều người đi theo ông ta. Đấy là những người cộng sản. Họ đều hướng vào nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm tên là Nguyễn Ái Quốc. Ông là lãnh tụ của họ.

Hải Vân: Phải! Tôi tin rằng chỉ ít năm nữa, tên tuổi của con người ấy sẽ làm cho cả hệ thống thuộc địa của nước Pháp phải sôi sục lên.

Dật Công: Thế người thanh niên mà ông định giới thiệu cho chúng tôi có phải người thuộc phe phái của ông Nguyễn Ái Quốc không?

Hải Vân: Không.

Gã thanh niên bỏ báo, chú ý lắng nghe.

Dật Công: Thế thì ai? Tôi có thể đoán chắc rằng tương lai của đất nước này trong vài chục năm tới sẽ do những người cộng sản quyết định. Hiện nay, ở nước Nga, lý thuyết của Mã Khắc Tư và Lê Nin đã được thực hiện.

Hải Vân: Trước khi đi đến Cộng sản, dân tộc này sẽ trải qua một cuộc cách mạng tương tự như việc phá ngục Basti ở nước Pháp năm 1789 hoặc chí ít cũng như cách mạng Tân Hợi năm 1911 ở Tàu, dĩ nhiên hình như nó sẽ man rợ hơn, không thể triệt để được. Nó là một thứ gì đấy tôi không thể hình dung nổi, nhưng đau khổ là chắc chắn.

Bảo Tâm: Ai là người sẽ đảm đương cuộc cách mạng này.

Hải Vân: (chỉ người thanh niên): Tôi không biết. Nhưng nó thuộc thế hệ ông này.

Gã thanh niên co người lại. Bảo Tâm và Dật Công quay nhìn. Gã thanh niên có vẻ lúng túng.

Gã thanh niên: Xin lỗi... Cho tôi đứng ngoài cuộc... Tôi không tham gia chính trị.., Hãy buông tha tôi.

Dật Công: (cười nói với gã thanh niên) Ông Khải ạ, thế ông tưởng rằng chúng tôi ham mê chính trị hay sao? Không đâu. Chúng tôi chỉ muốn sống tự do thôi. Ác nỗi, chính trị nó không buông tha ai hết, nó đi vào tất cả ngõ ngách cuộc sống, người ta không chấp nhận nó không được. Tôi biết, mối quan tâm duy nhất của ông bây giờ là cô con gái của ông bạn Hải Vân tôi đây, tưởng nó phi chính trị, nhưng nó rất chính trị, có phải không?

Hải Vân: (cười) Không, con Minh nhà tôi thì mối bận tâm duy nhất là bữa ăn sáng. Hình như, ngay đến cả ông Khải nó cũng chưa có chú ý gì đâu.

Minh chạy vào, mặc kiểu đồ bộ trong nhà (màu trắng thanh thoát và sang trọng).

Minh: Ba! Ông Nguyễn Thái Học đến chưa ba?

Hải Vân: (âu yếm) Hỗn nào! Con làm lộ hết bí mật của ba rồi! Nào con hãy chào các bạn của ba đi.

Minh: (bẽn lẽn): Cháu chào các bác...

Hải Vân: Đây là bác Dật Công, con biết rồi, bác ấy dạy học ở trường An-be Xa-rô. Đây là bác Bảo Tâm, chủ hãng dệt Minh Phương. Anh Khải thì ba khỏi giới thiệu nhé!

Khải (tức gã thanh niên, đứng bật dậy, đặt tay lên ngực, lịch sự).

Khải: Đào Xuân Khải, luật sư, con trai thượng thư, Khâm sai đại thần Chính phủ...

Minh: (hồn nhiên) Luật sư là được rồi, sao lại còn con trai Thượng thư ở đấy?

Hải Vân: Hỗn nào! Công tử là người có danh vọng. Con là con gái, con phải ý tứ chứ?

Minh: Ba ơi, thế ông Nguyễn Thái Học đến chưa?

Dật Công: Hay lắm! Ông Nguyễn Thái Học đã làm cho tất cả các tiểu thư Hà Nội say mê. Thế nào? Cháu gái của bác, cháu có say mê ông Nguyễn Thái Học không?

Minh: Ông Nguyễn Thái Học có đẹp trai không bác?

Dật Công: (cười) Nào bác đã biết mặt mũi ông ta như thế nào đâu. Chính bác cũng nóng lòng muốn gặp ông ấy đây.

Khải: Chết nỗi... Thế tiên sinh chưa biết Nguyễn Thái Học à?

Hải Vân: Ở đây chưa ai biết ông Nguyễn Thái Học. Cả tôi cũng vậy. Nhưng một người thư ký của tôi là ông Nguyễn Văn Tảo có biết ông Học. Theo đề nghị của tôi, người thư ký này sẽ dẫn ông Học đến gặp chúng ta.

Khải: (vồ vập) Ngay hôm nay ạ?

Hải Vân: Phải! Ngay hôm nay! Ngay bây giờ!

Minh: Hay quá! Con sẽ diện một bộ quần áo đẹp nhất để đón ông Nguyễn Thái Học có được không ba?

Hải Vân: (âu yếm) Con lắm trò lắm, con gái ạ. Ba đồng ý. Con đi thay quần áo đi.

Minh: Cám ơn ba... Ba cho con nói chuyện cả với ông Nguyễn Thái Học nhé.

Hải Vân: (cười) Lại thế nữa...

Bảo Tâm: (cười) Ông Nguyễn Thái Học chỉ nói chuyện chính trị với thời thế thôi. Tiểu thư cũng nói chuyện thời sự với thời thế chứ?

Minh: Không! Cháu sẽ hỏi ông ấy về đời tư!

Bảo Tâm: Rất thú vị! (quay sang Dật Công và Khải). Các ông thấy không, khi một người đàn ông sống có lý tưởng, anh ta được nhân dân kính trọng thì đến lúc nào đấy, anh ta không còn là của riêng mình nữa, anh ta sẽ là con người xã hội.

Minh: Thế có thích không bác?

Bảo Tâm: Tôi cũng muốn hỏi tiểu thư điều ấy. Tiểu thư có thích ông Nguyễn Thái Học không?

Minh: Ông ấy bí hiểm lắm... Ông ấy bắn súng cả hai tay có phải không ạ?

Hải Vân: (cười) Con đọc nhiều Lê Văn Trương quá đấy, con gái ạ. Bác Bảo Tâm hỏi con có thích ông Nguyễn Thái Học không?

Minh: Con thích... con thích lắm. Ông ta làm cho cả nước Pháp run sợ.

Hải Vân: (cười) Thôi đi thay quần áo đi. Trước mặt Nguyễn Thái Học, con phải tỏ ra chín chắn mới được.

Minh: Vâng... con đi đây.

Ra.

Dật Công: Bác có cô con gái xinh đẹp quá.

Hải Vân: Cháu là con gái út, tôi cũng khá chiều chuộng. Cũng có nhiều người dạm hỏi, tôi cũng chưa dám trả lời. Cháu nó còn ít tuổi.

Có tiếng chuông bấm. Mọi người quay ra. Nguyễn Văn Tảo (tức Đội Tảo) vào.

Tảo: Xin chào ông chủ! Chào các vị.

Hải Vân: Giới thiệu với các ông: Đây là ông Tảo, thư ký của tôi. Thế nào ông Tảo, ông Nguyễn Thái Học có đến hay không?

Tảo: Đảng trưởng sẽ đến và hầu chuyện ông. Có điều, xin phép ông cho tôi kiểm tra các vị khách trong nhà có được không ạ?

Hải Vân: (ngạc nhiên) Kiểm tra ư? Kiểm tra gì?

Tảo: Tôi muốn biết có ai mang theo vũ khí gì không? Có ai liên hệ với mật thám Pháp hay không?

Hải Vân: Ông có thể tin tưởng các bạn của tôi. Ông Dật Công đây là một nhà giáo, ông ấy đã từng tham gia Đông kinh nghĩa thục. Còn ông Bảo Tâm, nhà tư sản, cũng nổi tiếng là người đứng đắn.

Bảo Tâm: Chúng tôi bao giờ cũng có thiện cảm với những người vì quốc gia, vì dân tộc mà đấu tranh.

Tảo: Tôi tin các ông (nghiêng về phía Khải). Còn ông?

Hải Vân: Đây là công tử Đào Xuân Khải, luật sư. Ông ấy viết báo.

Khải: Tôi không tham gia chính trị.

Tảo: Ông có vũ khí gì không?

Khải: Xã hội phức tạp lắm. Bọn côn đồ ngày càng nhiều. Đi đâu tôi cũng mang theo vũ khí tùy thân.

Tảo: Xin phiền ông cho tôi mượn tạm những vũ khí ấy.

Khải bực dọc lấy ở túi quần, túi áo ra những ba khẩu súng đặt lên bàn.

Tảo: Thưa công tử, với những ba khẩu súng thế này, công tử có thể tấn công cả một đảng côn đồ.

Tảo cất súng đi và ra đứng ở một góc phòng khoanh tay lại.
Ngoài cửa xuất hiện Nguyễn Thái Học trong y phục nhà sư.
 

Chân dung lãnh tụ Nguyễn Thái Học - Ảnh: wiki

Nguyễn Thái Học: Nam mô A Di Đà Phật...

Mọi người ngỡ ngàng quay ra.

Hải Vân: Hòa thượng...

Tảo: Xin giới thiệu với các vị, trước mặt các vị là ông Nguyễn Thái Học, đảng trưởng Việt Nam quốc dân đảng.

Hải Vân, Bảo Tâm, Dật Công, Khải: (đứng dậy tất cả) Chúng tôi rất hân hạnh.

Nguyễn Thái Học: (giơ tay tươi cười, tác phong đĩnh đạc và tự chủ) Chào các ông. Xin lỗi, tôi buộc phải cải trang thế này mới vào thành phố được.

Hải Vân: Chúng tôi rất cám ơn ông và ông đã nhận lời mời. Ông cho phép tôi thay mặt các bạn tôi là các ông Dật Công, ông Bảo Tâm đây... cũng như cả giới trí thức và kinh doanh ở Hà Nội tỏ lòng ngưỡng mộ đến ông và đảng cách mạng của ông.

Nguyễn Thái Học: Cám ơn ông, với tư cách cá nhân, tôi không biết tôi có xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của các ông hay không. Còn đảng cách mạng của tôi, trước hết đấy là một đảng của quốc dân đồng bào, nó hoạt động vì lợi ích của quốc dân đồng bào - trong đó có những người trí thức và các nhà kinh doanh các ông.

Hải Vân: (giơ tay) Mời ông ngồi,

Nguyễn Thái Học ngồi.

Hải Vân: Thưa ông Nguyễn Thái Học, chúng tôi đã được biết tôn chỉ mục đích của Việt Nam quốc dân đảng. Việc giành độc lập dân tộc và xây dựng một nước Việt Nam mới mà các ông chủ trương liệu có khác với các phong trào của những phe phái khác không?

Nguyễn Thái Học: Trước hết, tôi mong các ông không nên phân biệt các phong trào yêu nước theo từng phe phái. Bản thân điều đó gây mâu thuẫn sâu sắc trong dân tộc. Tất cả chúng tôi, dù phe phái nào cũng thế, chúng tôi đều tranh đấu cho Tổ quốc. Bản thân tôi, tổ chức của tôi có thể hy sinh và có thể người chiến thắng cuối cùng không phải chúng tôi, điều ấy không can hệ gì cả.

Dật Công: Thưa ông, độc lập dân tộc có phải là mục đích hy sinh của các ông không?

Nguyễn Thái Học: Đúng. Nhưng về phương diện nào đấy, chỉ quan niệm như vậy e rằng thô thiển. Chúng tôi đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh, có được sự độc lập về nhân cách chính trị so với các dân tộc khác, các quốc gia khác. Độc lập về nhân cách chính trị cho phép người ta hiểu khái niệm tự do trong tổng thể cũng như khả năng tương đối của khái niệm này.

Bảo Tâm: Sự can thiệp của người Pháp, của người ngoại quốc vào đất nước ta, cuộc đấu tranh của các ông có phải nhằm vào điều đó không?

Nguyễn Thái Học: (vốn có thói quen diễn thuyết, đứng dậy đi lại và vung tay lên) Chúng tôi đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh. Nhân dân tôi phải được mở rộng quyền tự do dân chủ trong đời sống riêng tư và đời sống xã hội. Nhân dân tôi phải được no ấm và đủ việc làm. Tôi không phản đối sự giao lưu của người Pháp và người ngoại quốc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa. Có điều, họ phải tôn trọng sự độc lập về nhân cách chính trị của nhân dân tôi. Áp đặt chính trị thực chất là tiêu diệt dân tộc, tiêu diệt bản ngã dân tộc. Chúng tôi đấu tranh chống lại điều đó.

Dật Công: Thưa ông Nguyễn Thái Học, các cuộc bạo động của các ông, các vụ ám sát cá nhân của các ông, đấy chẳng lẽ được coi là những hành động chính trị lành mạnh và cơ bản hay sao? Chúng tôi e rằng điều này sẽ gây cho nhà cầm quyền Pháp tức tối, xiết chặt bàn tay bạo lực cho dân tộc vốn rất đau khổ của chúng ta mà thôi.

Nguyễn Thái Học: Trước hết, xin ông gạt khái niệm lành mạnh và không lành mạnh ra khỏi phạm trù chính trị. Chính trị đứng cao hơn đạo đức chấp đức. Những hoạt động của chúng tôi chỉ có ý nghĩa thức tỉnh lòng dân. Chúng tôi không bao giờ coi việc giết một tên Tây Bazin nào đó sẽ làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của nước Pháp. Tuy nhiên, khi người ta đã dám giết một tên Tây Bazin thì người ta có thể tấn công một đồn cảnh sát. Khi họ có gan tấn công một đồn cảnh sát thì họ sẽ dám tấn công một công sở. Cứ thế mãi cho đến khi dành chính quyền Cách mạng dứt khoát phải trải qua các bước thực tập từ nhỏ đến lớn.

Bảo Tâm: Thưa ông, người trí thức chúng tôi giữ vai trò gì?

Nguyễn Thái Học: Nếu nhân dân là một quả pháo thì người trí thức sẽ là ngòi nổ. Đấy là trong cách mạng.

Dật Công: Còn trong thời bình?

Nguyễn Thái Học: Một bộ phận ưu tú sẽ là những người bạn trong màn trướng của nhà chính trị, còn đa số là những tên hề và nô lệ của nhà chính trị.

Hải Vân: Còn những nhà kinh tế?

Nguyễn Thái Học: Nhiệm vụ của họ là phải làm giàu cho đất nước cả trong thời bình cũng như trong thời chiến, bất chấp mọi hoàn cảnh.

Bảo Tâm: Nhân dân là gì? Các ông quan niệm thế nào về nhân dân?

Nguyễn Thái Học: (mơ mộng) Nhân dân - đấy là tập hợp của đám đông tạo nên Tổ quốc tôi. Chúng ta sẽ sống ra sao nếu không có nhân dân, không dựa vào nhân dân?
Cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa xiết bao nếu chúng ta không vì nhân dân mà tranh đấu? Người ta chỉ được nhân dân biết tới khi họ dám hy sinh cuộc đời của cá nhân họ ra cống hiến cho nhân dân mà thôi.

Dật Công: Thưa ông Nguyễn Thái Học, nhân dân cần những gì?

Nguyễn Thái Học: Trước hết, nhân dân cần một cuộc sống bình ổn, cần một bầu không khí dân chủ. Sau nữa, nhân dân cần một cuộc sống đầy đủ. Nhân dân cần một nền chính trị do họ tự nguyện dựng nên, một nền chính trị cởi mở và hợp lòng họ.

Dật Công: Các ông nghĩ gì về người Pháp, về người ngoại quốc?

Nguyễn Thái Học: Chúng tôi phát động một cuộc đấu tranh chống sự áp đặt chính trị của người Pháp, của người ngoại quốc. Chúng tôi đấu tranh cho sự độc lập về nhân cách chính trị của người Việt Nam.

Minh (trong bộ áo dài màu xanh) ôm hoa tươi cười chạy vào.

Minh: Ông Nguyễn Thái Học đến chưa ba?

Nguyễn Thái Học ngỡ ngàng quay ra. Minh đẹp lộng lẫy. Tảo bước lại gần, ngăn cách giữa Minh và Nguyễn Thái Học. Nhân lúc ấy, Khải luồn ra ngoài.

Hải Vân: Xin lỗi... Thưa ông Nguyễn Thái Học, đây là con gái tôi.

Nguyễn Thái Học: (lịch sự và nhã nhặn) Xin chào tiểu thư.

Minh: Ba ơi! Ba có nhầm không ba? ông Nguyễn Thái Học mà lại là nhà sư này hả ba?

Mọi người cười.

Nguyễn Thái Học: (tươi cười) Vâng! Thưa tiểu thư. Tôi đây! Nguyễn Thái Học đây! Tiểu thư hình dung về tôi thế nào?

Minh: (đưa hoa) Ông làm em ngạc nhiên quá. Em tưởng ông phải to béo, ông ăn mặc như một võ sĩ, ông bệ vệ, sang trọng, đằng sau ông có những người cận vệ.

Nguyễn Thái Học: (đưa hoa cho Tảo) Thật buồn cười... (trở nên hóm hỉnh) Thưa tiểu thư, có thể đây là chân dung của tôi trong tương lai, khi cuộc cách mạng này thành công chăng?

Mọi người cười.

Hải Vân: Thưa ông Nguyễn Thái Học... Tôi thành thật xin lỗi vì sự vô ý của con gái tôi. Cháu nó còn trẻ trung và nông nổi.

Nguyễn Thái Học: Không, thưa ông, tuổi trẻ không có lỗi gì. Trong cuộc đấu tranh của chúng ta, những người trẻ tuổi sẽ là những người tiên phong. Chỉ có những người trẻ tuổi mới có thể bước lên máy chém mà vẫn tươi cười, họ sẽ hy sinh chiến đấu cho Tổ quốc đến giọt máu cuối cùng mà không nuối tiếc, Gian-da mà nông nổi ư? Triệu Thị Trinh mà nông nỗi ư? Và chúng tôi: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu, Bùi Tư Toàn, tất cả chúng tôi đều nông nỗi ư?

Hải Vân: (xúc động ôm lấy Nguyễn Thái Học) Cám ơn ông, cám ơn con, con trai ta...

Dật Công: (đỡ ông Hải Vân) Bác ạ, chúng ta thật tự hào về lớp trẻ ngày nay. Nhất định dân tộc Việt Nam sẽ lại tự do độc lập, sẽ hùng cường.

Nguyễn Thái Học: (mỉm cười) Cuộc đấu tranh sẽ không dễ dàng... Để đến ngày Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ và giàu mạnh, trong số chúng tôi sẽ còn nhiều người ngã xuống...

Hải Vân: (nói với Minh) Con... con lấy cái tráp trong tủ ra đây cho ba... Thưa ông Nguyễn Thái Học, tất cả giới trí thức và kinh doanh trong thành phố chúng tôi lòng thành xin đóng góp một ít của cải cho một nước Việt Nam mới.

Bảo Tâm lấy một hộp giấy buộc lụa điều trao cho ông Hải Vân đưa cho Nguyễn Thái Học.
Minh cũng lấy cái tráp đen đưa cho ông Hải Vân. Ông Hải Vân mở tráp lấy ra những sợi dây chuyền vàng.

Hải Vân: Thưa ông... Còn đây là tấm lòng thành của gia đình tôi (vốc một vốc dây chuyền, vàng bạc trên tay)... mong ông nhận ở đây tấm lòng của chúng tôi, của nhân dân Hà Nội.

Nguyễn Thái Học: (chặn lại) Cám ơn ông, cám ơn các vị... Cách mạng rất cần tiền để mua vũ khí... Tôi xin thay mặt tổ chức cám ơn các vị. Song, hiện nay, ngay bây giờ thì chúng tôi chưa cần đến... Các vị cho tôi gửi lại. Khi nào cần, sẽ có người của tổ chức tìm đến...

Trong hậu trường vang lên tiếng xe, tiếng còi của cảnh sát. Mọi người bối rối, hoảng hốt.

Tảo: (rút súng) Có động! Mật thám bao vây rồi!

Bảo Tâm: Thôi chết! Thằng Khải! Thằng Khải đi báo mật thám rồi!

Nguyễn Thái Học: Bình tĩnh! Xin các vị bình tĩnh (nói với Hải Vân): Thưa ông, xin ông cho tôi mượn một bộ quần áo dân thường để cải trang. Ở đây, cần một người ăn mặc nhà sư đi ra để đánh lạc hướng mật thám.

Hải Vân: Mời ông đi theo tôi.

Nguyễn Thái Học dừng lại, bình tĩnh bắt tay Bảo Tâm, Dật Công, và ôm hôn họ, sau đó nhanh nhẹn đi ra. Trên sân khấu còn lại Bảo Tâm và Dật Công. Họ nhanh nhẹn cất các đồ nữ trang và hoa trên bàn.
Hải Vân quay trở lại sân khấu. Vang lên tiếng gõ cửa dồn dập. Bảo Tâm mở cửa.
Khải cùng một toán lính tráng và mật thám ùa vào.

Khải: Ông Hải Vân! Nguyễn Thái Học đâu rồi?

Hải Vân: Thưa ông... xin lỗi... các ông có sự nhầm lẫn gì chăng? Đây, là hãng buôn Vân Hải, chúng tôi không có liên hệ gì với ông Nguyễn Thái Học.

Khải: (túm ngực Hải Vân) Thằng khọm già l Tên nhà sư đâu rồi?

Dật Công: (can Khải) Công tử! Xin công tử nể quan hệ của gia đình ta với hãng Vân Hải, của quan toàn quyền Pasquier với hãng Vân Hải...

Khải: (vung can): Lục soát!

Bọn lính và mật thám tản ra.

Khải: (nói Với Hải Vân, Dật Công và Bảo Tâm) Tất cả quay mặt, chống tay vào tường! Các người ghê gớm thật. Chính phủ bảo hộ không bao giờ tha thứ cho việc tiếp tay bọn phiến loạn của các người.

Khải giật những cuốn sách trên giá vứt xuống đất, dáng hùng hổ.
Bọn mật thám và lính vào.

Mật thám: Thưa “xếp”, chúng tôi bắt được một tên nhà sư và một tên phiến loạn.

Hải Vân, Dật Công, Bảo Tâm quay ra.
Khải cầm can vung lên.

Khải: Quay mặt vào tường (nói với mật thám). Dẫn chúng vào đây.

Lính dẫn Minh (trong y phục nhà sư) và Tảo vào. Tảo bị trói, quần áo tả tơi.

Khải: (Giật tấm khăn trên đầu Minh): A... cô Minh!

Minh: Chào công tử! Công tử là người có danh vọng. Xin công tử cư xử xứng đáng. Tại sao công tử cho lính vào lục soát trong một hãng buôn danh giá thế này?

Khải: (cười gàn) Xin lỗi tiểu thư.. Vì sao ư? (lấy tay nâng cằm Minh) Nguyễn Thái Học đâu rồi?

Minh: Không có Nguyễn Thái Học nào cả. Đây là hãng buôn Vân Hải.

Khải: Giỏi lắm... Nguyễn Thái Học trốn rồi phải không? Đây là nhà sư giả! Được rồi! Tiểu thư xinh đẹp ạ. Tiểu thư sẽ biết thế nào là tiếp tay cho phiến loạn. (quay sang Tảo) Nguyễn Thái Học đâu?

Tảo lặng im. Khải túm ngực áo Tảo.

Khải: Nguyễn Thái Học đâu?

Đánh Tảo. Tảo ngã xuống.

Minh: Dã man! Ông cư xử không xứng đáng với một gia đình dòng dõi!

Khải: Thưa tiểu thư, khi Nguyễn Thái Học nói: Chính trị cao hơn đạo đức, bất chấp đạo đức điều ấy có nghĩa là mọi phương tiện đều được sử dụng cho nó. Tại sao tiểu thư không nghĩ rằng những vụ ám sát của Nguyễn Thái Học không phải là những hành động dã man?

Minh: Tôi ghê tởm ông!

Khải: (bảo mật thám): Dẫn nó về Hỏa lò (chỉ Tảo). Dẫn cả những người này nữa (chỉ Hải Vân, Dật Công và Bảo Tâm).. Thưa tiểu thư, Nguyễn Thái Học không thoát khỏi tay tôi đâu! (nham hiểm) Tiểu thư biết không? Bọn này đang chuẩn bị một cuộc phiến loạn ở Hà Nội, Yên Bái, Phúc Yên... Nhưng chúng đã bị mắc bẫy rồi. Trong tổ chức Việt Nam quốc dân đảng có đến một phần ba là người của chúng tôi! Tôi sẽ bóp chết cuộc bạo loạn từ trong trứng nước!

Minh: (gào khóc) Ba! Ba ơi! Không được bắt ba tôi (chạy theo nhưng bị Khải đẩy ngã).

Hải Vân: (quay lại) Con! (Mật thám đẩy Hải Vân nhưng ông vẫn quay lại giơ nắm tay lên). Không thành công cũng thành nhân!

Minh: Ba! Ba ơi! (giơ tay lên gọi).

Khải: (ý tứ vòng qua Minh): Chào tiểu thư! Rất may tiểu thư là đàn bà, nếu không tiểu thư cũng bị bắt vào Hỏa lò rồi. Còn Nguyễn Thái Học, chỉ nay mai hắn cũng bị bắt giam như đồng bọn của hắn. Thôi! Xin chào!

(Ra).

Minh: (gào khóc) Ba ơi! Ba ơi!

Màn kéo lại.


HỒI TH IV

Nhà giam Hỏa lò. Khải vận quân phục nhà binh ngồi ở bàn làm việc. Cửa phòng giam có lính gác.

Khải: (bảo lính): Gọi cho tao thằng Tảo vào đây.

Lính chào đi ra. Khải thích chí hút thuốc xem báo. Lính dẫn Tảo vào, Tảo mặc bộ đồ binh mới.

Tảo: (xu nịnh) Chào ông! Ông cho gọi tôi?

Khải: (vồn vã đứng dậy) Chào ông Tảo! Chào ông Đội! Thế nào ông Đội Tảo, ông có khỏe không? Mọi việc tốt chứ?

Tảo: Thưa ông, cám ơn ông, tôi vẫn bình thường.

Khải: Tôi thành thực chúc mừng ông vì ông đã sớm tỉnh ngộ, rời bỏ bọn phiến loạn Nguyễn Thái Học. Ông thấy không? Cuộc bạo loạn Yên Bái đã bị bóp từ trong trứng, ông đã xem báo hôm nay chưa?

Tảo: Thưa ông chưa.

Khải: (với lấy tờ báo). Đây này. Tin trang nhất (đọc): “Vụ bạo loạn ở Yên Bái đã bị đập tan. Ngày 9 tháng 2 năm 1930, tổ chức phiến loạn của Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính đã tấn công vào trại lính Yên Bái. Hai cơ binh lính khố xanh làm loạn đã hạ thủ các viên đội Damoux, thiếu úy Robern, đại úy Jourlain, các viên đội Chevalier, Renauden, Roland, Cunéo và đại úy Gaiza bị thương nặng. Sau bốn tiếng đồng hồ, quân đội lê dương của chính phủ bảo hộ đã tấn công tiêu diệt toàn bộ bọn phản loạn. Hiện nay, tình hình đã ổn định. Ngày 11 tháng 2 năm 1930 ông toàn quyền Pasquier đã đáp xe lửa riêng lên Yên Bái phủ dụ dân chúng...”

Đấy, ông thấy chưa... Trứng sao chọi được với đá... Còn đây, tin giờ chót (đọc): “8 giờ sáng ngày 20 tháng 2 năm 1930 tên phiến loạn Nguyễn Thái Học đã bị bắt ở gần đồn Chi Ngãi, tỉnh Hải Dương. Nguyễn Thái Học và tên vệ sĩ của hắn là Sư Trạch đánh trả lại bằng bom xi măng nhưng đã bị những người tuần đinh bắn bị thương ở chân. Hiện nay, Nguyễn Thái Học đã bị tống giam trong nhà giam Hỏa lò chờ ngày xét xử”.

Tảo: (giật mình) Ông Học! Ông Học bị bắt!

Khải: Phải! Bị bắt rồi. Đêm qua, ở Hải Dương đã giải tên Học lên đây và hiện giờ hắn đang nằm trong xà lim tối. Tôi mời ông lên đây cũng chính vì việc ấy đấy (nghiêm khắc): Từ giờ này, ban hành lệnh thiết quân luật trong toàn thành phố 24 trên 24 tiếng đồng hồ (Quay ra bảo lính). Mời tất cả các ông đội trong trại lên đây (Lính chào quay ra). Ông Đội Tảo, tôi có thể tin tưởng lòng trung thành của ông hay không?

Tảo: Thưa ông... Tôi đã tuyên thề... Tôi đã thề!

Khải: Điều ấy chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi. Tôi chỉ tin sự ràng buộc vật chất thôi. Ông hãy làm phép so sánh: Khi ông đi với Nguyễn Thái Học, ông đói hay ông no; khi ông đi với chúng tôi, ông no hay ông đói?

Tảo: Thưa ông, tôi đi với Nguyễn Thái Học, tôi đói. Còn tôi sống ở đây, tôi no.

Khải: (cười) Tốt lắm. Thế ông thích no hay thích đói?

Tảo: (cười bẽn lẽn) Thưa ông, là con người, ai chẳng thích sung sướng ạ.

Khải: Cám ơn ông. Ông là một người chân thành, ông sẽ được sung sướng hơn nữa nếu ông biết nghe lời.

Tảo: Vâng... thưa ông... Tôi luôn luôn cố gắng.

Các viên đội xếp vào, có đến 4, 5 người. Các viên đội xếp kể cả Tảo đứng dàn thành hàng. Khải đứng trước mặt họ.

Khải: Thưa các ông Đội, từ giờ phút này, tôi ban hành lệnh thiết quân luật trong toàn trại giam. Tất cả súng máy tăng cường ở cổng trại và ở các xà lim. Tôi ra lệnh bắn ngay tất cả những ai có ý định gây rối.

Các viên đội: Rõ!

Khải: Hiện nay, trong nhà giam Hỏa lò chúng ta đang giam tên Nguyễn Thái Học, đầu sỏ bọn phiến loạn (các cai đội ồ, à ngạc nhiên, thích thú, lo sợ, hốt hoảng)... Các ông trật tự... Các ông đều biết Nguyễn Thái Học là thế nào rồi. Trong 3 năm nay, hắn đã làm cho chúng ta mất ăn mất ngủ. Ông chủ mộ phu Bazin đã chết vì hắn, ông Hoàng Trọng Mô đã chết vì hắn... bản thân tôi cũng bị bắn hụt. Về sự nguy hiểm, nếu bọn cộng sản nguy hiểm 10 phần thì Nguyễn Thái Học cũng nguy hiểm đến 9 phần. Điều tệ hại nhất là chúng tranh thủ được lòng dân, bởi thế các ông phải hết sức cẩn thận.

Các viên đội: Rõ!

Khải: Phải phòng ngừa đồng đảng Nguyễn Thái Học tấn công nhà giam. Tôi sẽ yêu cầu hai tiểu đoàn lê dương của người Pháp phòng thủ vòng ngoài cùng với các ông. Trong khu vực xà lim, chỉ có người của phòng nhì mới được ra vào. Người lạ mặt xuất hiện phải bắn ngay, rõ chưa?

Các viên đội: Rõ!

Khải: Bây giờ xin mời các ông giải tán. Mời 2 ông Đội Tảo, Đội Lĩnh ở lại.

Các viên đội chào đi ra, Đội Tảo Đội Lĩnh ở lại.

Khải: Ông Đội Lĩnh, ông Đội Tảo!

Lĩnh và Tảo: Có!

Khải: Hai ông lập ngay cho tôi 2 vọng gác ở ngoài hành lang, trang bị súng máy. Chúng ta chuẩn bị đón quan Thượng thư Hoàng Trọng Phu, ngài sẽ đích thân đến khuyến dụ Nguyễn Thái Học trước khi xử tử.

Hai viên đội: Rõ!

Ra.
Khải ngồi lại ở bàn làm việc.
Đội Lĩnh xuất hiện ở cửa.

Đội Lĩnh: Thưa ông, đại biểu dân chúng Hà Thành muốn vào gặp mặt ông.

Khải: Cho vào!

Bốn, năm đại biểu đi vào do một phụ nữ to béo, môi son má phấn tươi cười bước vào.

Bà to béo: Lạy quan lớn (tươi cười đon đả). Thưa quan lớn, chúng em là đại biểu nông công thương chính đến chào quan lớn. Em là Trinh, bán hàng ở chợ Đông Xuân. Đây là ông Duật Tiến ở Mã Mây, ông Liêm ở Hàng Mã, cô Văn Minh ở Ngã tư sở...

Khải: (cắt lời) Cám ơn các vị! Các vị cần gì?

Bà Trinh: Thưa quan lớn, chúng em nghe nói quan lớn đã bắt được Nguyễn Thái Học, chúng em rất mừng. Chúng em muốn đến xem mặt Nguyễn Thái Học.

Cô Văn Minh: Chúng em gọi là lòng thành có tí lễ mọn của đại biểu phụ nữ dâng quan lớn (rút ở làn ra cái đĩa, đặt tiền và lễ đưa lên, Khải vẫy Đội Lĩnh thu lễ).

Bà Trinh: Quả thật, chúng em rất muốn xem Nguyễn Thái Học là người ba đầu sáu tay thế nào mà dám chống đối...

Cô Văn Minh: Ông Nguyễn Thái Học làm cả giới phụ nữ chúng em phẫn nộ.

Bà Trinh: Thưa quan lớn, người đường cứ bàn tán ồn lên là Nguyễn Thái Học ném bom xi măng chết 100 lính lê dương mới bị bắt.

Cô Văn Minh: Nguyễn Thái Học có phép thần thông, nhốt trong xà lim mà vẫn phá ngục ra được.

Khải: (lạnh lùng) Ông Đội Lĩnh! Ông đưa hai bà này lên xe của sở Mật thám, chở hai bà ấy lên Sơn Tây rồi thả hai bà ấy xuống dọc đường cho chừa thói tò mò đi.

Đội Lĩnh và vệ sĩ vào lôi hai bà đi.

Bà Trinh: Thưa quan lớn, chúng em là đại biểu phụ nữ cơ mà... Chúng em là đại biểu nhân dân cơ mà...

Khải: (đểu cáng) Nhân dân làm gì có đại biểu. Xin mời các bà đi ra (quay sang hai người đàn ông) Thế nào? Các ông cũng muốn tò mò xem mặt Nguyễn Thái Học à? Hai người đàn ông (lo sợ): Không! Không... Chúng tôi đến xin quan lớn việc khác.

Khải: Việc gì?

Duật Tiến: Thưa quan lớn, chúng tôi là người nhà của các ông Hải Vân, Dật Công, Bảo Tâm.

Khải: Tôi hiểu rồi. Các ông muốn thả họ ra chứ gì?

Duật Tiến: Thưa quan lớn, đúng thế.

Khải: (cười nhạt) Hai ông Dật Công, Bảo Tâm tôi sẽ thả ra khi nào tôi nhận được 1 vạn tiền Đông dương cho mỗi một người. Còn ông Hải Vân, số tiền phải là hai vạn.

Duật Tiến: Dạ, lạy quan lớn.

Khải: Các ông có thể về.

Hai người đàn ông: Lạy quan lớn!

Đi giật lùi ra. Đội Tảo xuất hiện.

Tảo: Thưa ông, quan lớn Hoàng Trọng Phu đến.

Khải: Xin mời vào.

Hoàng Trọng Phu tươi cười, bệ vệ bước vào, mặc áo sa, đội khăn xếp, đeo bài ngà, đằng sau có hai thiếu nữ cầm quạt lông theo hầu.

Hoàng Trọng Phu: Chào ông Khải. Tôi xin có lời mừng ông.

Khải: (Chắp tay vái) Lạy quan lớn, rước quan lớn ngồi.

Phu ngồi ở ghế, người hầu đứng sau quạt phe phẩy.

Hoàng Trọng Phu: Tôi nghe nói bắt được Nguyễn Thái Học, tôi rất mừng, vội đến ngay.

Khải: Thưa quan lớn, đấy là nhờ hồng phúc của Hoàng Đế ta, cũng là nhờ sự quyết tâm cố gắng của chính phủ bảo hộ.

Hoàng Trọng Phu: Tôi muốn nói chuyện với Nguyễn Thái Học, ông cho phép chứ?

Khải: Thưa quan lớn, nhiệm vụ của kẻ thuộc hạ là làm đẹp lòng bề trên. Quan lớn cho phép tôi...

(quay ra bảo Đội Lĩnh, tác phong khác hẳn).

Ông đưa Nguyễn Thái Học vào đây!

Đội Lĩnh chào đi ra.
Một người hầu dâng cơi trầu cho Hoàng Trọng Phu. Phu ăn trầu. Lĩnh đưa Nguyễn Thái Học vào. Nguyễn Thái Học bị nhốt trong một cái cũi có bốn người khiêng, cổ đóng gông, tay trói, chân xích vào cũi. Bọn lính mở cũi cho Nguyễn Thái Học chui ra.
Hoàng Trọng Phu đứng nhìn.

Hoàng Trọng Phu: Chào ông Học, ông có biết tôi là ai không?

Nguyễn Thái Học: Có, tôi biết! Tôi không biết rõ kẻ thù của mình thì làm sao tôi làm cách mạng được?

Hoàng Trọng Phu đi xung quanh ngắm nghía Nguyễn Thái Học.

Hoàng Trọng Phu: Xem nào... Mình hổ... Lưng gấu. Tướng người sang đây... Thế này mà làm giặc à?

Nguyễn Thái Học: Mời ông đứng lui xa ra. Tôi không kiềm chế được, trót nhổ vào mặt ông thì thực phiền...

Khải: Xin quan lớn giữ mình... Thằng giặc này nó ghê gớm lắm.

Hoàng Trọng Phu: (cười lớn) Ông Học ạ. Tôi rất quí trọng ông là người thanh niên mới có khí tiết (ngồi xuống ung dung)... Hôm nay tôi đến đây, một phần cũng vì tò mò, một phần biết ông là người có tài hùng biện, tôi cũng muốn tranh luận với ông đôi điều.

Nguyễn Thái Học: Tôi bị bắt, sự nghiệp của tôi coi như thất bại, nhưng những lớp người khác sẽ rút ở tôi những bài học cho mình để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Hoàng Trọng Phu: Ông Học ạ, không phải coi thường ông nhưng trong đám làm loạn hiện nay, chính phủ bảo hộ chỉ ngại bọn cộng sản nhà quê chứ đám thanh niên thành thị các ông thì nghĩa lý gì. Các ông làm loạn là vì lãng mạn, còn bọn cộng sản chúng làm loạn là vì miếng cơm manh áo của chúng. Bọn cộng sản còn có chủ nghĩa với lý thuyết, chứ các ông thì lý luận gì?

Nguyễn Thái Học: Lý thuyết nảy sinh khi hành động, trở thành tư tưởng khi nào hành động đạt hiệu quả cao nhất.

Hoàng Trọng Phu: (cười) Đấy là câu chữ... Hoàn toàn là câu chữ. Lý luận thì xám. Các nhà lý thuyết đã nói thế đấy! Các ông còn trẻ quá. Năm nay ông 28 tuổi phải không?

Nguyễn Thái Học: Phải! 28 tuổi.

Hoàng Trọng Phu: Thế là chỉ bằng tuổi cháu đích tôn của tôi. Ông đã hiểu quái gì về cuộc đời đâu mà rối cả lên.

Nguyễn Thái Học: Phải! Có thể tôi chưa hiểu nhiều về cuộc đời nhưng tôi hiểu rõ nỗi nhục của người nô lệ.

Hoàng Trọng Phu: Tôi thông cảm nỗi nhục của ông, ông Học ạ.

Nguyễn Thái Học: Không, tôi không cần sự cảm thông ấy của ông với cá nhân tôi. Nỗi nhục của nhân dân tôi phải được gột bằng máu kẻ thù của nhân dân tôi.

Hoàng Trọng Phu: Hay lắm, ông Học ạ... ông lý sự lắm... Thậm chí tôi còn buồn cười. Ông dao to búa lớn làm gì. Ông đòi hỏi cái gì cho cá nhân ông?

Nguyễn Thái Học: Tôi không đòi hỏi cho tôi mà cho nhân dân tôi. Tôi đòi hỏi một nền dân chủ, đòi cơm ăn, áo mặc, một nước Việt Nam có sự độc lập về nhân cách chính trị với thế giới. Tôi đòi hỏi một nước Việt Nam giàu mạnh.

Hoàng Trọng Phu: Rất tốt. Như thế là ông đồng lý tưởng với cộng sản (cười) và xin lỗi, ông đồng lý tưởng với Hoàng đế Bảo Đại, ông cũng đồng lý tưởng cả với tôi. Tôi cũng mong muốn y như ông. Có điều, chỗ khác của chúng ta là ai cai quản, trị vì cái Tổ quốc Việt Nam tội nghiệp này của chúng ta mà thôi.

Nguyễn Thái Học: Các ông xuất phát từ quyền lợi của mình, các ông bán rẻ Tổ quốc cho đế quốc để lo quyền lợi cho mình.

Hoàng Trọng Phu: (cười) Ông Học ạ, ông còn trẻ lắm. Tuy nhiên, ông đã chạm được đến xương sống của sự thật. Chính trị là quyền lợi, quyền lực. Muôn đời vẫn vậy. Kẻ có tham vọng chính trị là kẻ khát khao quyền lực tối thượng. Chúng ta đều vấp phải bi kịch cả thôi. Tất cả các chủ nghĩa đều vươn tới cái gì ông có biết không?

Nguyễn Thái Học: Theo tôi hiểu thì ông và đồng bọn đều lấy “vinh thân phì gia” làm đích phấn đấu.

Hoàng Trọng Phu: Đã đành rồi! Thế ông định hóa thánh ư ông Nguyễn Thái Học? Ông định đưa cả dân tộc Việt Nam lên sống ở Thiên đường và ăn đào tiên của Tây Vương Mẫu hay sao?

Nguyễn Thái Học: Không! Là con người, tôi biết không ai không mong muốn vươn lên những điều sung sướng. Bản thân khái niệm vật dục không xấu. Vươn lên một chủ nghĩa vật dục có văn hóa cao là mục đích sống của con người. Đấy cũng là cương lĩnh của mọi chủ nghĩa yêu nước. Có điều, nhân cách con người phải là nguyên tắc hàng đầu. Vươn lên một đời sống vật dục bất chấp đạo lý, bất chấp đồng loại thì là con thú không phải con người!

Hoàng Trọng Phu: Tôi chịu ông sắc sảo. Có điều, ông có biết con người sống để chuẩn bị cho cái gì không.

Nguyễn Thái Học: Thưa ông, tôi biết, đấy là cái chết. Con người sống là để chuẩn bị cho một cái chết xứng đáng.

Hoàng Trọng Phu: Cám ơn ông, ông đối đáp giỏi lắm. Khi tôi đến đây, tôi có ý định khuyên dụ ông nhưng nói chuyện với ông, tôi biết tôi đã vấp vào một tảng đá. Chúng ta không thể đi cùng một con đường với nhau. Đấy là số phận, là sắp xếp khắc nghiệt của Tạo hóa rồi. Tôi biết ông sẽ bình thản khi chết. Tôi kính trọng ông nhưng coi thường lý tưởng của ông. Từ chân đến đầu, từ đầu đến chân, con người ông toàn là ý chí, tôi không thấy một kẻ hở nào, điều ấy khiến tôi thương hại thực sự...

Nguyễn Thái Học: (bật cười) Thưa ông, tôi cũng thương hại ông, thương hại ông Khải. Các ông sống trong điếm nhục mà lại tưởng mình tự do. Các ông ngập trong ê chề khốn nạn mà lại tưởng mình cao thượng... Các ông không bao giờ được hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, của tình người ấm áp, hít thở hơi khói nồng nàn của ngọn lửa trại giữa những đồng chí của mình. Các ông không còn nhân tính, không biết những đam mê của tình yêu trong sáng. Các ông không còn biết gì đến nhân cách con người nữa (quay đi). Các ông sống như thú vật, như những con lợn, con chó được mặc áo quần...

Hoàng Trọng Phu: (im lặng một lát) Thế nào ông Khải, ông nghĩ gì về điều ông Học nói?

Khải: Thưa quan lớn, bao giờ tôi cũng quan tâm đến khía cạnh thực dụng của đời sống, còn lĩnh vực tinh thần - đấy là một thứ xa xỉ nhất hạng, hoàn toàn không có giá trị gì với tôi.

Hoàng Trọng Phu: (Nét mặt thoáng đau đớn) Đấy là vì ông còn trẻ, mà ông cũng u ám quá, ông Khải ạ (thở dài). Tôi không trách gì ông Học (với Khải): Tôi cũng không trách gì ông... Ông Học ạ... Ông cũng có lý của ông. Tôi đã phải cúi gầm mặt xuống khi nghe ông nói (bất ngờ). Cái ác nhất của ông, ông Học ạ là buộc người ta đối mặt với mình, ông làm cho người ta ngượng, làm cho người ta sống trong dày vò... Còn ông Khải, ông sống đúng trong thời điểm tồn tại của ông bây giờ, tôi cũng vậy, tôi cũng chỉ sống đúng trong thời điểm tồn tại của tôi bây giờ... Nhưng bằng con mắt của một trăm năm, của lịch sử nghiệt ngã thì ông Học đúng. Xét cho cùng, cả hai điều ấy đều vô nghĩa như nhau, ông Học sống cho tương lai, còn tôi với ông (vỗ vai Khải) hai chúng ta sống cho hiện tại (cười chua xót). Tất cả đều là cứt...

Khải: Thưa... thưa quan lớn... Tôi không hiểu...

Hoàng Trọng Phu: Là cứt, là cứt cả... Có thể ông Nguyễn Thái Học là cứt khô... còn chúng ta là cứt ướt (ôm ngực hổn hển). Tôi đau quá, đau nhói ở trong lồng ngực... nó đây này... có phải ở trái tim không?

Khải và hai nữ hầu chạy lại đỡ Phu, Phu lã đi.

Nguyễn Thái Học: (mỉm cười) Hãy đưa quan lớn về dinh đi... Ông ta không đủ sức đối thoại nữa rồi.

Trên sân khấu hơi bị cuống lên một tí. Lính chạy vào giữ nguyên Nguyễn Thái Học và dìu Phu ra.

Hoàng Trọng Phu: (vẫy, vẫy tay): Chào... chào ông.

Nguyễn Thái Học: Chào ông (quay đi)

Đội Lĩnh dẫn Minh vào. Minh ôm làn hoa quả.

Đội Lĩnh: (với Khải) Thưa ông... Tiểu thư này cứ nằng nặc đòi vào... Tiểu thư có thư giới thiệu của quan toàn quyền (hai tay đưa thư)

Khải: À... Chào tiểu thư.

Minh: Thưa ông Khải. Tôi đã được phép của quan toàn quyền Pasquier và quan chánh mật thám. Tôi muốn gặp riêng ông Nguyễn Thái Học.

Khải: (liếc xem thử, mỉm cười riễu cợt) Rất hân hạnh... Tiểu thư chỉ được phép gặp 10 phút thôi... (quay lại bảo Lĩnh): Tất cả đi ra... Ông Đội Lĩnh, ông ở lại... Thưa tiểu thư, tôi xin phép... Tôi sẽ quay lại sau 10 phút... Tiểu thư chỉ được phép nói chuyện với Nguyễn Thái Học 10 phút thôi…

Cùng với lính ra. Đội Lĩnh dừng lại ở cửa, quay lưng ra phía sân khấu.

Minh: (Chạy lại đỡ Nguyễn Thái Học) Ông Học, ông có nhận ra em không?

Nguyễn Thái Học: (dịu dàng) Có, tôi nhận ra tiểu thư ngay. Tiểu thư là con gái chủ hãng Vân Hải. Hôm ấy, may nhờ tiểu thư đóng giả nhà sư mà tôi thoát được.

Minh: Trời ơi... Ông bị thương ở chân này… Ông có đau không... ông ngồi xuống đi... ông Đội Lĩnh, ông Đội Lĩnh... Em van ông, ông có cách gì băng bó cho ông Học không?...

Đội Lĩnh: (quay lại, ngượng ngập) Không... Thưa tiểu thư, tôi không được phép rời chỗ gác... Tiểu thư cần gì thì nói đi... Tiểu thư chỉ được có 10 phút thôi...

Minh: Trời ơi, các ông dã man quá...

Nguyễn Thái Học: (cười) Tiểu thư đừng bận lòng... vết thương nhẹ thôi... Tôi vẫn đi được.

Minh: (lấy hoa quả bày lên ghế ngồi rồi lấy chiếc khăn trong làn xé ra băng cho Nguyễn Thái Học) Ông ăn đi... Để em băng lại cho ông... Sao ông lại bị bắt thế? Sao ông lại bị bắt?

Nguyễn Thái Học: Vì sơ suất thôi, tiểu thư ạ... Mệnh tôi có hạn. Hồi bé, người ta xem tử vi bảo tôi chẳng sống được lâu đâu... Nhưng không sao, tôi chết đi, những đồng chí của tôi sẽ tiếp tục công việc... Nước mình sẽ không như thế này mãi đâu, tiểu thư ạ.

Minh: (bóc cam) Ông ăn đi, ông xơi miếng cam đi. Em chỉ được gặp ông có mấy phút thôi. Em đã phải đến tận dinh Toàn quyền xin phép, em phải lấy giấy của sở mật thám mới được vào đây... Thấy ông bị bắt, em xót xa quá... Liệu ông có bị tử hình không?

Nguyễn Thái Học: Có đấy... Tiểu thư ạ, tôi sẽ bị tử hình thôi. Chúng không tha tôi đâu...

Minh: Không, em sẽ đệ đơn xin giảm án... Mọi người sẽ ủng hộ ông và đòi tha ông như đòi tha cụ Phan Bội Châu ấy...

Nguyễn Thái Học: (cười) Không được đâu, tiểu thư ạ. Bây giờ là năm 1930. Hơn nữa, chúng nó biết tôi là kẻ thù không đội trời chung với chúng... Tiểu thư đừng lo, tôi không sợ đâu. Chết cho Tổ quốc là một cái chết xứng đáng, tôi đã tình nguyện chọn cái chết này...

Minh: (khóc) Ông Học... Ông Học...

Nguyễn Thái Học: (dịu dàng) Tiểu thư đừng khóc... Tiểu thư sẽ làm cho tôi buồn đấy. Tiểu thư đừng khóc, ông Đội Lĩnh sẽ cười cho đấy (Đội Lĩnh sụt sịt quay đi). Tiểu thư có biết bài thơ này không, bài thơ của những người hy sinh trong Công xã Paris, họ bị dồn vào nghĩa địa Le père Lachaise và bị bắn chết:

Ngày mai tôi sẽ chết
Cỏ mộ tôi xanh rờn
Nước dưới cầu tuôn chảy
Còn tôi, tôi chẳng còn...


Minh: Ông Học, ông Học... Ông không sợ ư?

Nguyễn Thái Học: Không... không sợ... Ai chẳng phải chết một lần. Có điều; chết thế nào cho xứng đáng thôi... Tôi chỉ tiếc tôi chết trẻ quá, mà công việc thì dở dang.

Minh: Hôm ở nhà em, em tiếc quá, em không được nói chuyện với ông. Trông thấy ông ăn mặc nhà sư, em cứ không tin.

Nguyễn Thái Học: Hôm ấy tiểu thư đã cứu tôi đấy. Nếu không có tiểu thư đánh lạc hướng mật thám thì hôm ấy tôi bị bắt rồi.

Minh: Hôm ấy em cứ tiếc. Em chẳng nói được gì với ông... Hôm ấy em lại còn định mời ông ăn mứt táo nữa, mứt táo do chính tay em làm... Hôm nay em lại quên không mang đi... Em đoảng quá...

Nguyễn Thái Học: Cám ơn tiểu thư... Tiểu thư tốt quá.

Minh: Ông có cần gì không?... Em có thể giúp ông điều gì không?

Nguyễn Thái Học: Không... Tiểu thư không phải lo gì cho tôi. Ở đây người ta chu đáo lắm (cười). Hơn nữa, chỉ vài ngày nữa thì tôi sẽ lên máy chém rồi.

Minh: (hốt hoảng) Trời ơi... ông nói khủng khiếp quá. Ông không sợ ư?

Nguyễn Thái Học: Có... cũng sợ chứ. Nhưng rồi lại nghĩ: phải sống nô lệ, sống mà để người đời khinh rẻ thì chết còn hơn (cười). Thế là lại không sợ nữa.

Minh: (tư lự) Em rất sợ chết... Em không biết cái chết thế nào nhưng cứ nghĩ mình nằm trong quan tài, không thở được, đất phủ kín lên, xung quanh là đêm tối, gọi mãi mà không có ai thưa cả thì em rất sợ.

Nguyễn Thái Học: (cười) Ừ, sợ thật đấy. Sợ nhất là khi nào mình gọi thì không có ai thưa cả, thí dụ như tôi gọi tiểu thư, thì tiểu thư không nói năng gì cả!

Minh: Không... Em sẽ thưa. Dù ông ở đâu, ở nơi nào, nếu ông gọi em thì em sẽ thưa, em sẽ đến ngay.

Nguyễn Thái Học: Ừ... nếu thế thì tôi sung sướng lắm... Tiểu thư thật tốt quá!

Minh: Bây giờ ông gọi em đi...

Nguyễn Thái Học: Tiểu thư!

Minh: Dạ...

Nguyễn Thái Học: Tiểu thư!

Minh: Dạ... Em đây... Có em đây...

Nguyễn Thái Học: (cười) Tôi rất sung sướng... Bây giờ, tôi mong muốn sống vô cùng. Được sống làm người là điều tuyệt trần sung sướng.

Minh: Nếu ở nước mình, thanh niên ai cũng như ông thì liệu nước mình có được như nước Pháp không ông?

Nguyễn Thái Học: Tôi không biết tiểu thư ạ. Tôi bé nhỏ và chẳng ra gì đâu... Muốn được như nước Pháp, được như các nước văn minh ấy thì chỉ có những người như tôi không đủ đâu. Đất nước trước hết cần những nhà kỹ thuật, nhà sản xuất, những bác học... Nhà chính trị chỉ cần ít thôi, vài người ra trò là đủ... Điều cần nhất là phải có những người tốt bụng, không làm hại ai. Chúng ta phải có cả một dân tộc lương thiện, cả một cộng đồng lương thiện. Được như thế, nước ta còn hơn cả nước Pháp ấy chứ...

Minh: Ông thật là một người tốt... Thế tại sao người ta lại muốn giết ông, hả ông?

Nguyễn Thái Học: (đau đớn) Đấy là vì người ta chưa hiểu thôi, tiểu thư ạ. Có thể là vì người ta dốt nát và đểu cáng nữa. Để có được sự tiến bộ, bao giờ cũng vậy, cần rất nhiều người tốt phải chết đi, phải hy sinh. Lẽ đời là như thế đấy, tiểu thư ạ... Bao giờ những người tốt cũng phải chết để dọn đường cho chân lý đến.

Minh: Không, thế thì ác quá. Chẳng lẽ cứ phải như thế hả ông? Những người tốt thì chết đi. Vậy thì cần chân lý làm gì? Em chẳng cần tương lai nữa. Vì như thế tương lai toàn những người xấu thôi.

Nguyễn Thái Học: Không phải toàn những người xấu đâu, tiểu thư ạ. Cũng rất nhiều những người tốt giống như tiểu thư. Tuổi trẻ nói chung là tốt. Mà đồng bào ta cũng toàn người tốt, họ chỉ bị đói thôi.

Minh: Em chưa gặp ai nói chuyện với em như ông nói chuyện với em. Ông nói với em như nói chuyện với một đồng chí của ông có phải không ông?

Nguyễn Thái Học: (hóm hỉnh) Với đồng chí thì có khi tôi phải ra lệnh đấy, tôi là lãnh tụ mà. Lãnh tụ thì có khi phải lạnh lùng một tí người ta mới sợ, mới nghe lời. Còn tôi nói chuyện với tiểu thư là nói chuyện với con người, như nói với em gái tôi, nói với một người bạn tâm tình. Tôi nói như nói với đồng bào tôi.

Minh: Cám ơn ông... Em cảm thấy sự tin cậy trong ánh mắt ông.

Nguyễn Thái Học: Tiểu thư ạ, bao giờ tôi cũng tin cậy con người. Nếu trong cuộc sống, lúc nào ta cũng nhớ mình là con người thì ta sẽ sống tốt hơn lên, ta sẽ yên tâm về mình...

Minh: Em...em sẽ nhớ...

Nguyễn Thái Học: Còn điều này nữa, mình phải nhớ mình là con người để biết yêu thương. Giá trị duy nhất và vĩnh cửu của đời sống con người là tình yêu thương. Tình yêu thương làm trong sạch tâm hồn, nó nâng đỡ con người lên, nó làm cho con người can đảm. Con người không còn sợ cái chết nữa. Con người liên kết với nhau bằng phương tiện duy nhất và vĩnh cửu là tình yêu thương đấy.

Minh: Em hiểu...

Nguyễn Thái Học: Thế thì rất tốt... Tôi tin tiểu thư là người tốt, tiểu thư sẽ được hạnh phúc. Tôi rất mong tiểu thư hạnh phúc.

Minh: Ông... ông tốt quá...

Nguyễn Thái Học: Chỉ một mình mình tốt thôi thì nguy hiểm lắm, tiểu thư ạ. Người tốt bao giờ cũng yếu đuối và dễ vỡ. Những người tốt phải liên kết lại với nhau, như thế thì bọn xấu mới không làm hại được. Cái ấy gọi là chính trị đấy.

Minh: Em cứ muốn ngồi nghe ông nói mãi... Chao ôi, nếu như em có thể làm được điều gì cho ông thì dù khó khăn thế nào em cũng sẽ cố làm.

Nguyễn Thái Học: Tôi chẳng cần gì đâu tiểu thư ạ. Nếu như ngày mai tôi chết đi, có lúc nào tiểu thư nhớ rằng trong đời mình tiểu thư đã từng gặp tôi, tiểu thư tự nhủ rằng: “Ồ, mình đã từng gặp được một người tốt”, tiểu thư đốt một nén hương tưởng nhớ đến tôi, thế là tôi sung sướng lắm...

Minh: Ông đừng nói thế... Không, ông không chết... ông không thể chết được.

Nguyễn Thái Học: Khi biết rằng mình sẽ sống trong tâm tưởng người đời thì cái chết không còn đáng sợ nữa. Lại nữa, khi mà mình chết đi, mình biết rằng cái chết của mình dọn đường cho những người tốt can đảm hơn lên thì thấy thanh thản. Tiểu thư ạ, trước mắt tiểu thư là cuộc đời, tiểu thư đừng khóc nữa. Không thì chính tôi cũng khóc theo mất. Như thế thì hỏng hết cả. Tôi là lãnh tụ cách mạng cơ mà! Nhiều người trông vào tôi. Tôi phải giữ mình bình tĩnh và can đảm đến phút cuối cùng. Điều ấy không phải cho riêng tôi đâu, tiểu thư ạ. Điều ấy cần thiết cho nhân dân. Nhân dân sẽ can đảm hơn lên để mà tranh đấu...

Minh òa khóc.
Khải vào, lính đàng sau.

Khải: (rung chuông) Hết giờ rồi!

Nguyễn Thái Học: (với Khải) Cám ơn ông... (với Minh) Chào tiểu thư. Vĩnh biệt tiểu thư.

Lính dồn Nguyễn Thái Học vào cũi.

Minh: Không! Không... Không được giết ông ấy!

Bọn lính đẩy Minh ra.

Khải: (bảo lính) Giam vào xà lim tối!

Minh chạy theo nhưng bị một tên lính cầm súng xô ngã.

Minh: Không... không được giết. Không được giết ông ấy!

Bọn lính đưa Nguyễn Thái Học ra. Trên sân khấu còn Khải và Mi nh. Khải ngồi lại bàn, chậm rãi hút thuốc.

Minh: (lết lại bàn) Ông Khải... ông Khải... Tôi van ông! Không được giết ông ấy!

Khải: Thưa tiểu thư... Bản án đã quyết định rồi. Ngày kia người ta sẽ đưa ông ta lên máy chém.

Minh: Tôi van ông... Tôi lạy ông.

Khải lấy rượu trong tủ và uống, uống như một người không tự kiềm chế được, liên tiếp vài ba cốc.

Khải: Tiểu thư đứng lên đi... Tiểu thư đã có lần mắng tôi rằng tôi cư xử không xứng đáng với một con nhà dòng dõi... Tôi xin tiểu thư chừng mực... Hành động của tiểu thư nông nổi và vô nghĩa. Tôi rất nể quan Toàn quyền cũng như quan hệ cuả tòa sứ với gia đình ta, nếu không tôi đã bắt giam tiểu thư rồi.

Minh: Tôi van ông... Tôi lạy ông... ông cho phép tôi gặp ông ấy một lần nữa, một lần nữa thôi...

Khải: Vô ích!

Minh: Tôi lạy ông, tôi van ông... tôi chỉ xin gặp ông Nguyễn Thái Học một phút thôi cũng được.

Khải: Không được!

Minh: Chỉ một phút thôi... Tôi muốn nói rằng tôi yêu ông ấy.. Tôi van ông... Tôi lạy ông...

Khải: (ngạc nhiên) Tiểu thư yêu hắn? Yêu thằng giặc ấy?

Minh: Ông không hiểu đâu... Tôi yêu ông ấy... Tôi van ông... Tôi lạy ông...

Khải: Tôi không tin... Tiểu thư rồ dại rồi...

Minh: Tôi lạy ông... Chỉ một phút thôi... Tôi chỉ nói một lời thôi là đủ... Tôi xin ông... Tôi xin ông... Đây... (đổ hết tiền trong túi ra, gỡ vòng vàng nhẫn vàng hoa tai, dây chuyền ra). Tôi xin biếu ông hết... Tất cả số tiền này... Cả hoa tai... Tất cả đồ nữ trang tôi có... Tôi van ông... ông chỉ cho tôi nói một lời thôi.

Khải: (gạt tiền và nữ trang ra) Không! Thưa tiểu thư, tôi không cần thứ này...

Minh: Tôi lạy ông... tôi van ông... ông nhận cho... tôi chỉ xin ông một phút thôi.

Khải: Không... tiểu thư ạ... Tôi cần ở tiểu thư điều khác (đi lại phía Minh, Minh lùi lại, lùi sát về phía cửa).

Khải: Tiểu thư yêu ông ấy?

Minh: Phải... Tôi yêu ông ấy... yêu hơn tất cả...

Khải: Tiểu thư yêu ông ấy?

Minh: Phải... Tôi yêu ông ấy... Yêu hơn tất cả... Tôi lạy ông... Tôi van ông... Tôi chỉ xin gặp ông ấy một lần thôi... Tôi sẽ biếu ông tiền bạc.

Khải: (bất ngờ) Tôi không cần! Tôi cần điều khác. Tôi cần chính sự trinh trắng của tiểu thư.

Minh: Ông... ông...

Khải đứng khoanh tay, lạnh lùng...

Minh: (nghẹn ngào) Ông... ông quay mặt đi... Ông... ông... ông là một thằng đểu cáng... (quỵ xuống) Ông đóng cửa lại đi...(cởi khuy áo)

Khải: Tiểu thư! Tiểu thư thật cao thượng... (hai tay ôm mặt) Tiểu thư thật cao quý... Tôi không đốn mạt đến nỗi có thể làm điều ấy được (quỳ xuống)

Đội Lĩnh, Đội Tảo vào.

Đội Lĩnh: Thưa “xếp”, người của phòng Nhì đưa Nguyễn Thái Học đi hành hình rồi!

Khải: (không nói năng gì, ngồi xuống ghế)

Đội Lĩnh chạy lại đỡ Minh, vài người lính chạy vào đỡ Minh. Minh tỉnh lại, gào khóc: “Không! Không! Không được... giết ông ấy!". Những người lính dìu Minh ra. Tiếng gào của Minh vọng vào. Trên sân khấu còn Khải, và Đội Tảo. Yên lặng một lát.

Khải: Ông Đội Tảo! Ông cho thả ông Hải Vân ra... ông ấy có một người con gái thật cao thượng và tôi không nỡ để cô ấy phải đau khổ...

Tảo: Thưa ông, ngay bây giờ ạ?

Khải: Phải, ngay bây giờ.

Tảo: Rõ!

Khải: Khoan đã... ông chờ cho tôi viết bức thư này... Khi nào tiểu thư Minh tỉnh lại thì ông đưa cho tiểu thư bức thư này.

Khải viết thư, viết rất nhanh.
Tiếng đọc ở ngoài sân khấu:

“Thưa cô, trưa ngày mai chúng sẽ tử hình, chúng sẽ chặt cổ, bêu đầu tôi. Ước nguyện của tôi là mong cô được sống cuộc đời hạnh phúc. Cô xứng đáng như thế, bởi cô có một trái tim cao thượng. Ký tên: Nguyễn Thái Học...”

Khải: Ông nói với tiểu thư Minh rằng đây là thư của ông Nguyễn Thái Học gửi cho tiểu thư…

Tảo: (nhận thư) Thưa ông, vâng...

Tảo chào và đi.
Khải ngồi lại, lấy mấy viên thuốc uống.
Màn kéo lại. Nhạc nổi lên, tê tái và gợi cảm.


HỒI THỨ V

Trên sân khấu chỉ có mỗi bộ xa lông.
Thiếu tướng đứng, quay lưng lại sân khấu.
Trung úy ngồi ở ghế, tài liệu trên tay.

Trung úy: Thưa thiếu tướng, toàn bộ câu chuyện là như thế. Bức thư không phải do Nguyễn Thái Học viết mà do Đào Xuân Khải viết. Không hiểu vì sao Đội Tảo không đưa bức thư cho bà Minh, có lẽ y nghĩ rằng đây là bức thư giả, không có giá trị gì.

Thiếu tướng: Đào Xuân Khải ra sao?

Trung úy: Khải đã chết năm 1954 ở Điện Biên Phủ.

Thiếu tướng: Còn bà Lê Thị Minh?

Trung úy: Bà ấy đi tu sau khi ông Nguyễn Thái Học chết. 10 năm sau bà ấy mới hoàn tục lấy chồng. Chồng bà ấy hiện còn sống. Hiện chồng bà ấy đang ở đây... Thiếu tướng cho phép tôi dẫn ông ấy vào...

Thiếu tướng: Cám ơn...

Trung úy ra dẫn vào một ông già, đeo băng đen ở tay.

Thiếu tướng: Chào cụ.

Ông già: Không dám.

Trung úy: Thưa cụ, đây là thủ trưởng của cháu. Mời cụ ngồi. Thưa thiếu tướng, đây là cụ Trần Nhật Thường. Cụ Thường trước là bác sĩ...

Cụ Thường: Phải... Bác sĩ... Bác sĩ thú y... Thiến chó... Thiến gà... chữa long móng...

Tôi làm được hết... Tôi đã xây trại gà ở Đông Anh, năng suất lắm... Có con gà công nghiệp đẻ ba trứng một ngày... Ông tính, có con gà công nghiệp mà 8 cân nhé, gần một yến thịt... bằng con bê con còn gì.

Trung úy: Mời cụ xơi nước...

Cụ Thường: Không... tôi không uống nước đâu... Các anh có rượu trắng không... Tôi chỉ rượu thôi... uống rượu có 4 cái lợi là thứ nhất, khí huyết lưu thông, thứ hai, tiêu cơm lắm...

Thiếu tướng: Cụ uống thường xuyên à?

Cụ Thường: Vâng, mỗi ngày tôi phải nửa lít... Cái nghề thú y run tay là không được... Thiến chó mà run tay thì nó đớp bỏ mẹ.

Thiếu tướng: Thưa cụ, xin lỗi, cụ sống với cụ bà trước đây có hạnh phúc không?

Cụ Thường: Ôi giời, hạnh phúc chứ... Tôi ấy à... thiến chó... thiến gà, chữa long móng, tôi làm được hết... Rất tài tình... Tôi đã xây trại gà ở Đông Anh, năng suất lắm...

Thiếu tướng: Thưa cụ, ngày trước cụ có biết gì về ông Nguyễn Thái Học không?

Cụ Thường: (ngẩn ra) Nguyễn Thái Học ấy à? Không? Ông ấy có phải là bác sĩ thú ý không... Ngày xưa tôi ở trại gà Đông Anh, có một ông tên là Học thiến gà thạo lắm...

Thiếu tướng: Ông Nguyễn Thái Học khởi nghĩa Yên Bái ấy mà!

Cụ Thường: Thế thì chả biết! Sao lại đi khởi nghĩa... Ở Yên Bái có giống trâu ghê lắm, sợ nhất cái bệnh long móng...

Thiếu tướng: Thưa cụ, thế cụ bà ngày trước có hay nói gì và ông Nguyễn Thái Học không...

Cụ Thường: Không... Chẳng biết... Tôi dạy bà ấy thiến gà mà chẳng làm sao bà ấy học được...

Thiếu tướng: (kiên nhẫn): Thưa cụ, ngày trước cụ có biết gì về cuộc khởi nghĩa Yên Bái không?

Cụ Thường: Sao lại khởi nghĩa mới được chứ? Tôi ghét nhất những chuyện tụ tập rồi đánh nhau... Vỡ đầu ấy chứ... Tai hại lắm...

Thiếu tướng: Thưa cụ, hồi cụ bà còn trẻ, cụ với cụ bà gặp nhau ở đâu?

Cụ Thường: (ngẩn ra) Sao lại gặp nhau? Hồi trẻ, các cô cứ theo tôi hàng đàn... Thiến chó, thiến gà, chữa long móng... Đàn bà... Chịu... Cái nghề của tôi, đàn bà không làm được.

Thiếu tướng: Thưa cụ, cụ về hưu, đời sống thế nào?

Cụ Thường: Sao lại đời sống? Đời sống là cái gì?

Thiếu tướng: (đứng dậy bật cười) Ừ! Đời sống là cái gì?

Cụ Thường: cần nhất là rượu... con người ấy mà, không có cái chất men là toi đấy... Các anh có rượu trắng không?

Thiếu tướng: (hơi ngẩn ra): Trung úy! Anh dẫn cụ Thường về nghỉ đi. Tiền đây (lấy tiền ở ví)... Anh mua cho ông cụ một chai rượu trắng...

Cụ Thường: Thôi, chẳng cần dẫn tôi về đâu... Tôi mua được... Ông đưa tiền đây... Tôi còn khỏe... Tôi biết chỗ mua... Thiến chó, thiến gà... Chữa long móng... Tôi làm được hết (đứng lên). Thôi, chào hai ông... Tôi về nhé!

Thiếu tướng, trung úy: Chào cụ.

Cụ Thường ra.

Thiếu tướng: Thế đấy! Cuộc đời thật tàn nhẫn với quá khứ, có phải không...

Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi không nghĩ thế. Những người anh hùng ngã xuống mãi mãi sống trong tâm trí mọi người.

Thiếu tướng: Ừ... Lẽ đời thật giản dị.

Nữ thư ký vào.

Thư ký: Thưa thiếu tướng... Bên Hội nghiên cứu lịch sử có cuộc hội thảo về phong trào yêu nước những năm 20 liên quan đến Nguyễn Thái Học, họ có mời chúng ta tham gia.

Thiếu tướng: Trung úy, tôi và anh chúng ta cùng đi chứ, chúng ta sẽ nói về nhân cách những người anh hùng.

Trung úy: (tươi cười): Vâng! Thưa thiếu tướng! Chúng ta cùng đi.

Thiếu tướng: À này... Anh có còn nhớ bài thơ Nguyễn Thái Học đọc về cái chết không, hôm ông Học gặp bà Minh ở Hỏa lò ấy?

Trung úy: Có... Bài Thơ ấy thế này:

Ngày mai tôi sẽ chết
Cỏ mộ tôi xanh rờn
Nước dưới cầu tuôn chảy
Còn tôi, tôi chẳng còn.

Thiếu tướng: Không, ông Nguyễn Thái Học vẫn còn lại tình yêu trong mỗi chúng ta. Tình yêu thì mãi mãi vẫn còn, không thể mất được! Kìa! Bầu trời sao mà xanh thế!

Trung úy: Vâng! Bầu trời xanh quá!

Màn kéo lại. Dàn đồng ca vang lên một bài hát về sự bất tử của Tình yêu con người.

Hà Nội, tháng 1 và 2.1989
N.H.T
(TCSH42/04&05-1990)





 

Các bài mới
Không có Amêrica (09/06/2017)
Cái tủ thờ (12/05/2017)
Các bài đã đăng