Tạp chí Sông Hương - Số 42 (T.4&5-1990)
Đôi điều trao đổi thêm về việc nghiên cứu và giảng dạy văn thơ Bác Hồ
08:18 | 12/05/2017

NGUYỄN ĐĂNG MẠNH

Chúng ta đã viết nhiều, nói nhiều, giảng nhiều về văn thơ Bác. Trong nhà trường, chương trình văn từ các cấp phổ thông đến đại học đều dành vị trí quan trọng cho những tác phẩm của Người.

Đôi điều trao đổi thêm về việc nghiên cứu và giảng dạy văn thơ Bác Hồ

Và để phục vụ cho việc thực hiện chương trình ấy, hàng loạt sách chuyên luận, sách giảng văn, sách luyện thi đã ra đời. Đấy là chưa kể biết bao cuộc hội thảo lớn nhỏ từ trung ương đến các địa phương đã được tổ chức để bàn bạc về những bài văn, bài thơ của Bác. Nhờ thế chúng ta đã khắc phục được rất nhiều về nhận thức ấu trĩ, những cách nghĩ ngợi vô căn cứ, khuynh hướng suy diễn bừa bãi về dụng ý chính trị không hề có ở nhiều vần thơ rất đỗi hồn nhiên tự nhiên của Người. Có một điều rất lạ là, mắc phải những nhược điểm ấu trĩ nói trên có cả những người có học vấn cao, thậm chí cả những giáo sư rất uyên bác và nổi tiếng. Thành ra những sách vở, những bài viết của họ dù thế nào cũng không khỏi tiếp tục ảnh hưởng tới nhận thức của nhiều người.

Vì thế tôi cho rằng, chung quanh việc nghiên cứu, giảng dạy văn thơ của Bác, có những điều tuy không phải chưa có ai đề cập đến, nhưng vẫn phải nhắc lại, đúng hơn, phải bàn bạc thêm.

Trong số những vấn đề ấy việc tìm hiểu quan điểm sáng tác văn thơ của Bác có ý nghĩa quan trọng trước hết. Chính Bác đã nói rất rõ nhân trò chuyện với các nhà báo về Cách viết. Đối với mỗi bài viết, Người xác định rõ ràng: Viết để làm gì (mục đích), viết cho ai (đối tượng tiếp nhận)! Từ đó, quyết định viết cái gì (nội dung), và viết thế nào (hình thức).

Cần nhớ mục đích ở đây là mục đích chính trị, đối tượng ở đây là đối tượng vận động chính trị. Bởi vì Bác, trước sau, không bao giờ xem mình là nhà văn nhà thơ, và tuyệt nhiên không có ý định để lại một sự nghiệp văn thơ cho đời.

Quan điểm sáng tác này là của riêng Bác, của riêng Hồ Chí Minh. Nó chi phối chặt chẽ và nhất quán toàn bộ hoạt động văn học của Người. Đây là một nhà chính trị luôn nhớ mình là một nhà chính trị, dứt khoát chỉ dùng văn thơ như một thứ vũ khí đấu tranh chính trị (cùng với nhiều thứ vũ khí khác).

Không căn cứ vào quan điểm sáng tác này của Bác sẽ không giải thích được vì sao khối lượng những trang viết của Người lại dành phần lớn cho thể văn chính luận, tiểu phẩm báo chí, lời kêu gọi, thư từ gửi các ngành các giới và những bài thơ tuyên truyền cổ động dưới hình thức những bài ca, bài vè (Ca dân cày, Ca công nhân, Ca binh lính, Ca sợi chỉ...) hay thơ chúc Tết mừng xuân v.v... Trong khối lượng bài viết ấy những tác phẩm văn thơ được sáng tạo bằng tư duy nghệ thuật đích thực chỉ chiếm một phần nhỏ, tuy rằng người viết có đủ năng khiếu và tài ba để có thể sáng tạo một cách dồi dào phong phú không kém bất cứ một nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp nào. Nói riêng về thơ nghệ thuật, quan điểm sáng tác nói trên của Bác sẽ giải thích vì sao phải đợi đến ngoài 50 tuổi Người mới viết tập thơ đầu, mà lại viết trong một trường hợp vạn bất đắc dĩ (Nhật ký trong tù). Con người ta có yêu thích cái gì mới có thể giải trí bằng cái đó được. Trong nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây (Trung Quốc) hồi 1942 - 1943, buồn bực vì bị mất tự do, Người đã giải trí bằng sáng tác thơ. Vậy là người rất yêu thơ và thích làm thơ. Nhưng niềm yêu thích rất đẹp và rất chính đáng ấy, Người đành xếp lại, đành hy sinh đi để dồn tất cả tâm lực cho một hoạt động khác cấp bách hơn: giành độc lập tự do cho dân cho nước.

Nhận thức trên đây về quan điểm sáng tác của Bác Hồ giúp ta xác định nguyên tắc này khi tìm hiểu và đánh giá mỗi tác phẩm của Người từ nội dung đến hình thức: cần xem mỗi tác phẩm ấy trước hết không phải là một hành vi văn chương mà là một hành vi chính trị, hiểu theo nghĩa chặt chẽ của từ này. Chính trị tất nhiên bao giờ cũng có mục đích cụ thể thiết thực và đối tượng vận động thuyết phục cụ thể thiết thực. Không nắm được mục đích ấy, đối tượng ấy sẽ lúng túng không hiểu được nội dung và hình thức của một bài văn kia, một bài thơ nọ của Người vì sao lại được viết như vậy, đồng thời cũng không xác lập được tiêu chuẩn đánh giá tác phẩm cho đúng đắn, và như thế, nhất định sẽ sinh ra đủ thứ suy diễn tùy tiện.

Chúng ta biết có những nhà nghiên cứu, phê bình và giáo viên văn học, đứng trước những bài Ca dân cày, Ca công nhân, Hòn đá, Nhóm lửa... hay một số bài thơ chúc tết của Bác Hồ, đã không biết làm cách nào để bình giảng cho xứng đáng với tầm cỡ vĩ đại của tác giả. Đã coi đấy là hành vi văn chương, tất phải đưa ra đủ thứ tiêu chí của văn chương để phân tích, đánh giá: nào là hình tượng, nhịp điệu độc đáo, nào là các phép so sánh, ẩn dụ, nhân hóa... tài tình, nào là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa được vận dụng đến trình độ mẫu mực vân vân và vân vân. Thành ra xuất phát từ lòng tôn kính chân thật, người ta đã phải nói khá nhiều điều không chân thật. Ngoài ra còn vì thế mà hạ thấp và làm nhiễu loạn các tiêu chuẩn giá trị văn chương, và một cách không tự giác, hạ thấp luôn cả phẩm chất nhà văn của Bác Hồ.

Thực ra viết những bài thơ ấy, Bác có định làm nghệ thuật đâu. Mục đích chỉ là phổ biến đường lối chính sách của Đảng cho đại chúng (trình độ văn hóa thấp, phần lớn mù chữ, đời sống khó khăn, vất vả không có thì giờ đâu để nghĩ ngợi nhiều về văn chương sao cho thật dễ hiểu và dễ nhớ. Nội dung vì thế phải thật đơn giản. Hình thức thì phải hết sức nôm na, chỉ cần có vần có vè đôi chút cho dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền khẩu từ người này đến người khác... Tư tưởng sâu sắc ở đây, nghệ thuật cao siêu độc đáo ở đây để làm gì chứ?

Nhưng nói như thế không có nghĩa là Bác Hồ không có lúc nào làm nghệ thuật và thực sự tạo nên những giá trị văn chương.

Chúng ta dễ dàng nhất trí với nhau: những truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc viết ở Pháp vào những năm hai mươi của thế kỷ này như Vi hành, Varen và Phan Bội Chân, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Pari... đều là những tác phẩm xuất sắc.

Nhưng nói rằng những tác phẩm này được viết ra trước hết như những hành vi văn chương của nhà cách mạng thì cũng không phải. Bởi như thế sẽ không giải thích được vì sao Người lại viết bằng tiếng Pháp với phong cách Âu Châu hiện đại như thế, trong đó có nhiều thủ pháp nghệ thuật, nhiều trí thức đời sống và sách vở chỉ quen thuộc với người châu Âu, thậm chí với người Pari. Rút cục lại phải xem đây là những hành vi chính trị với mục tiêu thiết thực và đối tượng thuyết phục rất cụ thể của nó mới tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Chẳng hạn như truyện Vi hành, tác giả muốn xé tan cái con bài Quốc vương An Nam Khải Định mà bọn thực dân đưa sang “thăm” nước Pháp và dự cuộc “Đấu xảo thuộc địa Mác-xây (1922) để hòng lừa bịp người dân chính quốc: kẻ đại diện cho dân tộc lớn nhất ở Đông Dương đã có mặt ở đây để tỏ thái độ "hoàn toàn thần phục và vô cùng biết ơn công lao khai hóa" của Đại Pháp... Âm mưu này hẳn có liên quan đến việc huy động vốn đầu tư của chính phủ Pháp và các nhà tư bản đối với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông dương được tiến hành với quy mô lớn từ sau đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918). Nguyễn Ái Quốc đã viết truyện ấy trước hết cho người Pháp đọc, tất phải sử dụng bút pháp của văn học phương Tây hiện đại. Đối với công chúng này, văn đả kích có sức thuyết phục cao thì không nên dùng lối thóa mạ trực tiếp. Có lẽ vì thế "tác giả đã tạo ra ở thiên truyện này một tình huống nhầm lẫn" rất độc đáo và rất vui để có thể dựng lên hình ảnh ông vua bù nhìn hết sức lố bịch, rất "hề" trong con mắt của chính người dân Pari đang háo hức những trò giải trí mới lạ.

Về thơ cũng thế. Tặng Bùi Công chẳng hạn, cũng là một bài hay. Một tác phẩm có vẻ đẹp thật là trang nhã một cách cổ điển:

Xem sách chim rừng vào cửa đậu
Phê văn hoa núi ghé nghiên soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài
.

Cũng là động viên chính trị đấy thôi, nhưng nhằm vào một nhân sĩ trí thức thuộc thế hệ am hiểu cổ thi như thế thì nhất thiết phải có thơ hay, mà tốt nhất là thơ chữ Hán, và phải làm cho thật ra Đường ra Tống như thế mới có thể đưa được chính trị vào lòng người. Thử tưởng tượng mà xem, thơ tặng cụ Bùi mà lại viết theo lối Ca dân cày, Ca công nhân, hay Hòn đá… thì sự thể sẽ ra làm sao?

Từ những tác phẩm khác nhau như thế, có thể rút ra nhận xét này về qui luật viết văn, làm thơ của Bác Hồ: Vì những mục đích chính trị nhất định, vì những đối tượng vận động chính trị nhất định, có lúc Người không cho phép mình được làm nghệ thuật. Nhưng ngược lại, cũng vì những mục tiêu chính trị nhất định và những đối tượng vận động chính trị nhất định, có lúc Người đã buộc mình phải tạo nên những áng văn chương thật sự. Cố nhiên ở trường hợp thứ hai này ý chí tuy rất cần nhưng không hẳn có vai trò quyết định. Trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, tư tưởng cao, trí thức rộng, vốn sống nhiều là những điều kiện cực kỳ quan trọng. Nhưng nếu không có năng khiếu nghệ thuật không có tài thì đến như Lênin cũng không thể làm nổi hai câu thơ(1). Về phương diện này Bác Hồ là người hết sức khiêm tốn. Tôi cứ nghĩ mãi về thái độ kiên quyết của Người, dứt khoát từ chối khi người ta gọi mình là nhà văn nhà thơ(2).

Có thể hiểu như thế này chăng: Chính vì Người hiểu hơn ai hết cái kỳ diệu thiêng liêng và cái khó khăn rất lớn của sáng tạo văn chương. Đây là một quan niệm không dễ có ở những người thiếu hiểu biết và không từng được sống trong môi trường văn hóa hiện đại. Thời trung cổ, bọn vua chúa coi nghệ sĩ không hơn gì thằng hề con hát. Sau này, những ông vua văn minh hơn, có văn hóa hơn thì cũng chỉ xem họ như những vật trang sức sang trọng nơi cung đình mà thôi (và tưởng thế là đã biết coi trọng văn nghệ sĩ).

Nhưng Bác Hồ từng sống tuổi thanh niên ở một trung tâm văn hóa của thế giới, lại làm bạn với những nghệ sĩ bậc thầy của nhân loại như Rômanh Rôlăng, Picátxô... chắc Người biết thế nào là cái giá của một tài năng nghệ thuật.

Vì thế Người từ chối không nhận mình là một nghệ sĩ. Nhưng người đọc trong nước và ngoài nước lại thấy Bác rất xứng đáng với danh hiệu ấy. Vì những truyện ký Người viết những năm hai mươi, tập thơ Nhật ký trong tù, những bài thơ tứ tuyệt làm ở Pắcbó trước Cách mạng tháng tám và trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, không phải tất cả đều hay nhưng những bài có giá trị nghệ thuật cao không ít. Trong số những bài thơ hay nhất của Người, tôi cho rằng bài Cảnh chiều hôm (Vãn cảnh) là bằng chứng thật độc đáo của chất nghệ sĩ Hồ Chí Minh:

Hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng
Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình
Hương hoa bay thấu vào trong ngục
Kể với tù nhân nỗi bất bình
.

Nhiều nhà nghiên cứu phê bình, nhiều nhà thơ đã bình bài thơ này. Nhưng tôi cảm thấy chưa có ai bình thật trúng. Nhà thơ Xuân Diệu cũng trăn trở rất nhiều về bài tứ tuyệt này. Nhưng mãi cho đến khi viết bài Đọc lại thơ Nhật ký trong tù (Văn nghệ số 21 ngày 12-5-1984) hình như ông mới chạm tới được cái ý nghĩa thực của bài "Hoa tàn hoa nở" độc đáo này của Bác: "Theo cháu nghĩ, đâu có phải chỉ là thiên hạ vô tình, mà hơn nữa kia, tạo hóa vô tình (...) Các lớp hoa hồng nở rụng, rụng nở tạo hóa vẫn cứ vô tình, chỉ có tạo hóa vô tình...".

Tôi muốn nối thêm vào lời bình của Xuân Diệu ý nghĩ nhỏ này: nhà thơ tuy không nói đến chữ nghĩa của Bác nhưng đã hiểu đúng chữ nghĩa của Người:

Mai khôi hoa khai, hoa hựu tạ
Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình
.

Chỉ có hiểu là: "Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng. Hoa nở hoa rụng, hai cái “sự’’ đó đều vô tình". Vậy là tạo hóa vô tình, trời đất vô tình, đúng là như thế. Nhưng điều này nếu không phải là thi sĩ thì làm sao quan niệm được. Không phải là thi sĩ thì nỗi "bất bình" của hương hoa và cũng là của tác giả ở đây thật là "vớ vẩn" thật là "lẩm cẩm". Ôi, chỉ có nghệ sĩ một trăm phần trăm mới quí cái đẹp đến thế, mới biết tiếc cái đẹp đến thế, và mới cảm thấy bất bình cả với quy luật của thiên nhiên.

Hương hoa bay thấu vào trong ngục
Kể với tù nhân nỗi bất bình.


Phải rồi, nỗi bất bình này hương hoa chỉ có thể tìm được tri âm tri kỷ ở người tù - thi sĩ Hồ Chí Minh mà thôi. Một tứ thơ thật là thi sĩ, thật là nghệ sĩ. Mà hãy nghĩ kỹ mà xem, nỗi bất bình này ở người sáng tạo nghệ thuật đâu có phải là vu vơ, lẩm cẩm: Bởi vì cái quy luật sắt đá kia của tạo vật không phải không thể khắc phục được: nhà nghệ sĩ sinh ra chẳng phải là để vĩnh cửu hóa, bất tử hóa cái đẹp ở cõi đời này đó sao?

Nhưng hãy trở lại vấn đề quan điểm sáng tác của Bác Hồ. Một câu hỏi đặt ra: Vì sao nhiều bài thơ nghệ thuật của Bác lại khó hiểu như vậy? Quả thật có một số bài trong Nhật ký trong tù và trong những chùm thơ Bác làm ở Việt Bắc từ 1941 đến 1950 đã khiến cho nhiều nhà bình thơ sành sỏi như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... cũng cảm thấy bất lực. Không ít ý kiến đối chọi nhau, bác bỏ nhau chung quanh một bài: Giải đi sớm, Vào nhà lao huyện Tĩnh Tây, Cảnh chiều tối... (Nhật ký trong tù), hay Lên núi, Tức cảnh Pắcbó... (Thơ). Thực ra hiểu văn chương nghệ thuật cho thấu đáo có bao giờ là dễ. Đây là lĩnh vực của tìm tòi mới mẻ, của sáng tạo độc đáo, với những hình tượng đa diện, ngôn từ đa nghĩa. Đây đâu phải thứ thơ tuyên truyền chính trị, minh họa đường lối hay chính luận có vần, thường chỉ có một bình diện nghĩa và được diễn đạt rành mạch như hai với hai là bốn.

Nhưng viết văn đối với Bác trước hết là hành vi chính trị thì sao Người lại làm thơ "khó" như thế? Nhà cách mạng muốn vận động thuyết phục ai mà đến nỗi cả đến chuyên gia văn học cũng phải lúng túng? Lời giải đáp trước sau vẫn là một: Hãy xem Bác viết cho ai và viết để làm gì?

Thì đây Bác đã nói rõ trong bài mở đầu tập Nhật ký trong tù:

Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây
Ngày dài thêm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do
.

Vậy là Hồ Chí Minh lại viết cho Hồ Chí Minh để khuây khỏa trong những ngày tháng bị cùm trói trong tù. Cũng là một hình thức động viên chính trị hiểu theo nghĩa rộng chứ sao? Có điều đối tượng để động viên ở đây lại chính là người làm thơ. Vậy thì thơ viết "khó" cũng chẳng có can hệ gì đến ai. Mà "khó" như thế cũng là phải, vì độc giả là Hồ Chí Minh kia mà! Những bài thơ "khó" khác ngoài Nhật ký trong tù cũng đều có thể giải thích như vậy.

Nhìn một cách bao quát toàn bộ sự nghiệp văn học của Bác Hồ, thấy thật là phong phú đa dạng từ nội dung đến hình thức. Có thể tìm thấy ở đây đủ thứ thể bài, dù loại bút pháp, phong cách, cả đến ngôn ngữ văn tự cũng vậy: khi dùng tiếng Việt, khi dùng chữ Hán, khi viết tiếng Pháp. Nhưng phong phú đa dạng lại bắt nguồn từ một cái gốc thống nhất; tất cả là vũ khí đấu tranh, là hành vi chính trị:

Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong
.

Tuy nhiên cần nhắc lại điều này: văn thơ của Bác không phải bao giờ cũng là văn thơ nghệ thuật. Nhà nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn thơ Bác cần phải phân biệt điều đó. Trong thực tế người ta đã lẫn lộn trong nhiều trường hợp. Mà không hiểu sao một số người cứ làm chuyện ngược đời, nhất là bình giảng thơ của Người: khi phân tích thơ tuyên truyền của Người hiểu theo nghĩa lối thơ minh họa chính trị, người ta lại cứ gò cho nó thành thơ nghệ thuật để "phát hiện" những sáng tạo văn chương không có trong văn bản. Ngược lại, khi phân tích những bài thơ nghệ thuật lại cứ muốn biến nó thành lối tuyên truyền chính trị trực tiếp và đơn giản để không chịu khai thác giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa nhân bản phong phú sâu sắc trong đó. Hình như có một quan niệm này cứ ám ảnh người bình thơ: ý nghĩa chính trị là nội dung cao nhất, sâu sắc nhất và duy nhất của thơ cách mạng. Cho nên "Mây mưa mây tạnh bay đi hết" trong bài Vào nhà lao huyện Tĩnh Tây phải là đế quốc, phong kiến sẽ bị tiêu diệt hết, và "gà gáy một lần đêm chửa tan" trong bài Giải đi sớm phải là cách mạng xã hội chủ nghĩa mới thành công ở một nước, cũng như "Bàn đá chông chênh" trong bài Tức cảnh Pắcbó nhất định phải là cơ sở cách mạng chưa được vững vàng, và "Núi ấp ôm mây, mây ấp núi" trong bài Mới ra tù, tập leo núi phải là tình hình chính trị ở Trung Quốc đang mờ ám rối ren v.v... Phân tích như thế thì còn đâu là nghệ thuật còn đâu là cái đẹp, còn đâu là hồn thơ!.

Người bình thơ, giảng thơ như thế tưởng là sâu sắc, hóa ra là hời hợt nông cạn, tưởng đề cao Bác Hồ té ra là hạ thấp Bác ở cả hai phương diện nhà chính trị và nhà thơ.

N.Đ.M.
(TCSH42/04&05-1990)


-------------------
(1) Lênin nói: “Cứ lột da tôi, tôi cũng chịu, đến hai câu thơ cũng không làm nổi” - Theo hồi ký của M.Gorki. Lênin bàn về văn hóa văn học. Sự thật MN 1977, trang 459.
(2) Tôi trình bày với Bác Hồ ý kiến của tôi về thơ người, trong đó tôi vừa khám phá ra nhiều tinh hoa của nó. Hầu như Người từ chối. Người nói rằng, khi ở miền Nam Trung Quốc, Người đã làm những bài thơ ấy cho qua thì giờ, rằng Người thật ra không phải là một nhà thơ"(Rơnê Đơpêtrơ nhà báo Ha-i-ti, Tác phẩm mới, tháng 5,6-1970). "Qua nụ cười dí dỏm, Người nói rằng Người không phải là nhà thơ. Trong nhà tù không có việc gì làm nên Người cũng “tập ghép vần thêm" (Blaga Đimitréva - nhà thơ Bungari - Hà Nội mới 20-5-1970)...v.v…








 

Các bài mới
Không có Amêrica (09/06/2017)
Các bài đã đăng
Cái tủ thờ (12/05/2017)