Tạp chí Sông Hương - Số 338 (T.04-17)
Về nghe núi gọi tên mình
15:39 | 20/04/2017

NGUYỄN VĂN TOAN
                        Bút ký

Cái cảm giác một lần nghe tên mình vọng lại từ trập trùng núi rừng xanh thẳm chẳng dễ gì quên được, nhất là với người sinh ra từ nơi chốn ấy.

Về nghe núi gọi tên mình
Ảnh: internet

Kể từ lúc sinh ra đã uống nước mạch chảy ra từ khe, ăn quả rừng hái chon von trên cành cao, rồi phải rời xa thì nhớ nhung ghê lắm, có khi nhớ người thương cũng chỉ vậy thôi.

Tôi không nhớ nổi lần đầu tiên leo núi mình mấy tuổi, cũng chẳng nhớ nổi từ ngày ấy mình đã bao lần căng bắp chân bước trên những con dốc mòn đầy gai và lá khô. Chỉ biết quãng tuổi xanh của mình gắn liền với đồi cao, khe sâu, vậy mà gần hai mươi năm đời người ấy, trẻ thế, khỏe thế vẫn không đi hết nổi núi non quê mình.

Bản tôi nằm giữa hai dãy núi quanh năm mây phủ. Phía sau bản, chính là một phần của dãy núi huyền thoại Tây Côn Lĩnh cao lừng lững, tựa như hình người đàn ông đang nằm ngủ. Còn dãy phía trước, nơi mỗi sáng cả bản nhìn thấy mặt trời trước nhất trên đỉnh nó, nhỏ và thấp hơn, nhìn xa từa tựa hình người đàn bà đương chiêm bao. Lạ hơn cái cặp đôi khổng lồ ấy họ nằm đảo đầu nhau, để chừa ra một chỗ trống ở giữa, ấy là bản tôi.

Ngày bé tôi vẫn hay nghe nội kể chuyện về nguồn gốc của bản. Câu chuyện một đám người mò mẫm vượt thác cao, vũng sâu, xuôi dòng nước suối đi tìm nơi trú chân. Cho tới khi gặp một con thác cao chặn đường, họ cùng nhảy xuống, có người chết có người sống. Những người còn sống quyết định dừng chân ở đó, lấy mảnh đất nằm giữa hai dãy núi này làm nơi sinh cơ lập nghiệp, đặt tên cho con thác là Lúp, cũng là tên của bản tôi bây giờ. Tôi hay mộng mơ, dĩ nhiên không mấy thích truyền thuyết ấy. Chỉ thích cái tối trăng miên man trải ánh sáng xuống khắp bản, khiến hai dãy núi đen thẫm nhìn từ cánh đồng giữa bản ra hệt hình hai người đang nằm ngủ, tôi tưởng ra cảnh tổ tiên cụ kị của mình, họ xơ xác nhưng cũng can trường bước ra từ một hang sâu giữa dãy núi hình người sau nhà.

Từ hai dãy núi ấy, bao mạch ngầm chảy ra nuôi sống những đứa bé người Tày, người Dao tới khi lớn lên và rồi về lại với rừng. Suối trong ngằn ngặt, mát vời vợi, ngọt ngào biết bao. Nước chảy ra từ dốc suối biến lưng núi thành ruộng bậc thang, chảy xuống đến chân núi, suối là ao sâu cá lội, là mương nước tưới đẫm ruộng màu mỡ. Những mó nước trong vắt gắn với bao người Tày bản tôi từ lúc mở mắt nhìn thấy mặt trời đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng là kết tinh của núi. Nếu người Kinh ở miền xuôi có giếng làng thì người Tày chúng tôi có mó nước. Mỗi dòng họ, mỗi xóm nghèo chân núi đều có một mó nước chung. Nước từ máng vầu, máng tre chảy bất tận, chảy vào đôi xô theo đòn gánh kẽo kẹt về nhà. Nước tình tự với hạt gạo thành cơm, chảy vào chậu nước cười với đứa bé lảnh lót những trưa hè. Rồi cũng nước ấy tắm mát cho người trai rừng vừa bỏ khỏi vai bó củi và nước dịu dàng như tay con gái ve vuốt cơ bắp rắn rỏi của anh. Đêm trăng mó vang tiếng cười, nước loang loáng một màu vàng chảy trên cơ thể thanh tân, trắng ngần, mạnh khỏe của những sơn nữ xinh đẹp.

*

Tôi thường ví rừng núi quê mình với biển, những lần một mình đi vào rừng như lặn sâu dưới những tán lá cao vút, xanh bằn bặt mà chẳng ngộp thở bao giờ. Lúc ấy chỉ thấy mình thật nhỏ nhoi trước sự khôi vĩ của thiên nhiên. Trên đầu mình, gió và cây quyện nhau rì rào, là chim sóc đuổi bắt tíu tít, trên nữa là mặt trời chói chang thứ ánh sáng chẳng thể chiếu thủng những lá là lá ấy. Những lúc như vậy, tôi cũng chỉ là một sinh thể bé mọn trong quần thể bao la của núi rừng. Hét vang một tiếng, không gặp vách núi thì chóng lắm bị rừng nuốt chửng. Bước trên lá xào xạo, nghe tiếng rắc của một cành khô gẫy dưới chân mới thấy rừng yên bình và bao dung biết mấy. Đấy, biển rừng an yên thế, hấp dụ thế với những cội cao bóng rộng, với muôn thú ẩn khuất trong trùng trùng điệp điệp, khác với biển nước cũng xanh một màu nhưng khi hung hãn là chuyển màu, ầm ào sóng cuộn sẵn sàng nhẫn chìm tất cả.

Nhưng cũng đừng vì thế nói rừng không hung hiểm. Dãy Tây Côn Lĩnh nổi danh với đỉnh Khau Buôn quanh năm mây ngủ, tương truyền là nơi người trần với người mường trời gặp nhau. Rừng núi dưới bóng đỉnh núi có tên sừng trời ấy thì sao mà không ẩn tàng những hiểm nguy. Một vực sâu, một thác nước giữa dòng suối đá, dựng đứng hút nước xuống ào ào cũng lắm lần bắt người chứ chả chơi. Lại thêm bao loài thú rừng, thời nội tôi cùng cha bà đi săn cứ nơm nớp lo mình bị chính con mồi săn lại ấy. Đó là lúc những ông cọp, những bầy chó sói chia chiếm những ngọn núi, cánh rừng bằng ranh giới vô hình chỉ chúng biết với nhau. Cụ nội tôi là thợ săn giỏi nhất cái đất Ba Phương này. Khi cụ đã mất, khẩu súng kíp nòng dài của cụ để trên gác bếp bồ hóng bám đầy nhưng cứ hễ rừng động, hay có thú lớn xuất hiện nó lại tự rung lên cành cạch làm rơi bồ hóng xuống bếp bắt lửa cháy xanh lét. Ấy vậy mà mỗi lần đi săn là cụ nội lại phải lấy dây thừng buộc vào hông nội chỉ phòng nhỡ bị cọp vồ để còn biết. Hay những đêm động rừng, chúa sơn lâm gầm vang các ngọn núi khiến trâu của người Dao trên bản Nà Thác, Khuổi My buộc dưới gầm sàn lồng lên bứt dây rung cả cột nhà. Rừng là từng đàn diều dâu chao lượn kêu két két trên bầu trời, rồi lừa lựa chúng liều lĩnh sà xuống cánh đồng bắt vịt gà trước mắt người như bỡn.

*

Cái thời ấy xa mất rồi, khi người nối người đẻ ra rồi thiếu ăn thiếu mặc lại cứ ngửa tay xin rừng. Ở một nơi ngoảnh mặt thấy núi, quay lưng cũng núi ấy chúng tôi thành người miền rừng, thành những kẻ ăn rừng sống sượng và tham lam. Núi rừng lại hào phóng quá thể. Rừng cho cây cột nhà gỗ lim, gỗ sến đỏ au, cho mái cọ mươn mướt che mưa chắn nắng bao đời khói bếp lan tỏa mỗi chiều, cho những thửa ruộng bậc thang vàng ruộm thênh thênh giữa núi đồi. Núi như bà mẹ hiền cho đi tất cả, thế vậy nên đoàn người nối nhau vào ăn rừng, ăn núi chẳng khác gì từng đàn cào cào rào rào nhai lúa xanh mơn. Rồi chẳng mấy chốc rừng thưa trụi đi, những đứa trẻ sinh sau chẳng có cơ hội tận mắt nhìn thấy những loài thú lớn là chủ nhân thực sự của rừng. Để trong những câu chuyện đứt đoạn ông bà kể lại cho chúng, cọp chẳng đáng sợ bao nhiêu, chó sói cũng chỉ ác hơn chó nhà chút chút thôi.

Chú tôi là thợ ăn rừng chính hiệu dù ông không giỏi được như cụ cố nhưng hễ nhắc đến ông Nguyễn Văn Chiến thì cả Ba Phương đều biết. Từ khi cầm thạo rìu ông đã đốn gục bao nhiêu cây không biết nữa. Sau này, ông thành một thợ làm nhà sàn khéo nhất bản, lại càng lên núi đốn cây nhiều hơn. Có một thời ông ngủ ở rừng già còn nhiều hơn ngủ dưới bản. Để có được một ngôi nhà sàn vất nhất là phải kiếm gỗ làm cột, làm kèo. Đinh, sến, nghiến… phải tận rừng già mới có, ngược dốc mất một ngày đường mới tới, vậy nên phải mang chăn màn, xoong chảo lên ăn dầm nằm dề cả năm trời mới kiếm được mộ bộ cột chính và cũng ngần ấy thời gian nữa mới sẻ được đủ xà xiên, ván vách… Ngủ đêm ở lều để cày cấy ruộng bậc thang đã sợ, ngủ trên rừng già dăm ba mạng người giữa muôn trùng hoang sơ, phải bạo gan bạo phổi mới làm được. Rừng chưa có bước chân ai đi, rừng chưa phải hơi khói lửa bao giờ là rừng thiêng nước độc. Ăn ngủ chốn ấy con người nhỏ bé, con người cũng chỉ là một rúm dưới những dây leo, tàng cây đan khít che cả ánh sáng mặt trời. Rừng già thì nước nguồn trong không đâu bằng nhưng nước ấy cũng lạnh, muốn đun cho sôi còn khó đừng nói nấu cơm, củi đìa ra đấy đốt có cháy cho đâu, thế nên chỉ có thể chọn vào buổi trưa mặt trời chiếu ấm hơn tranh thủ nấu một nồi cho cả ngày ăn, nhưng cũng chỉ được ba bữa cơm sống sít. Lo ăn rồi phải lo ngủ, rừng già muỗi vắt làm chủ, chưa kể trăn, rết lang bạt khắp nơi. Đêm ngủ cứ lo ngay ngáy, phải chia nhau canh giấc mới dám chợp mắt lấy sức. Sáng sớm dậy mọi người lần lượt kể lại cho nhau tiếng hú thê thiết kỳ dị không biết của loài nào vọng vào các vách đá cứ vang lên kiến kẻ to gan lớn mật nhất cũng phải run bần bật. Rồi người thợ già nhất trong nhóm không nói không rằng, đợi mọi người ăn sáng xong liền giục thu dọn đồ đạc chuyển chỗ trú chân. Đám thợ thay nhau hỏi mãi, ông mới nói: “Bọn mình dựng lều ngủ đè lên long mạch của rừng, thần rừng hú cả đêm không chuyển đi, chỉ có rước họa vào thân”. Sau này khi đi rừng với chú, mỗi bận ngả xong một cây to, tôi để ý thấy ông đều bẻ một cành xanh đem cắm vào gốc cây vừa đổ gục, hỏi thì ông nói: “Để trả thần rừng, để cầu cho cây mới chóng lên”. Ấy thế mà rừng vẫn kiệt dần đi vì người đẻ nhanh hơn nấm sau mưa, vì người tham hơn cả loài vắt, ăn nhiều mà chẳng biết đủ bao giờ. Hết vào rừng đẵn gỗ lại ngược suối săn rùa hôi. Nước suối Khuổi Mi, Nà Thác, Lùng Vài trong vắt, một thời rùa hôi từng con nhung nhúc kết nhau thành mảng đen kịt các vũng. Tiếng Tày chúng tôi gọi nó là con Tấu, để phân biệt với ba ba và rùa vàng. Rùa hôi chẳng biết ăn gì nhưng phân có mùi nồng nặc chẳng khác gì thứ mùi phả ra từ người bị hôi nách. Loài rùa đá này không lớn nhưng thịt, mai và tiết đều có thể làm thuốc nên người ta thu mua ác lắm. Chỉ chừng một năm đã thu sạch, giờ chẳng còn ai trong đám trẻ sinh sau đẻ muộn biết con vật ấy ra thế nào nữa.

Đến ngày chính qyuền chia rừng cho từng hộ quản lý và sử dụng thì rừng đã cùng kiệt lắm rồi. Muỗi vắt vẫn còn nhưng cây to thưa thớt sao mà không thưa ít đi được khi cả đến những loại như dây máu chó, đằng hoằng, guột… cũng bị nhổ sạch bán cho thương lái đổi lấy dăm ba đồng lẻ. Những đêm mưa gió rừng gào rú tự khóc cho mình, cây cối ngả nghiêng, chim muông sót lại nháo nhào nghe mà thê lương. Phải đến một ngày ông trưởng bản gọi các hộ đến sân kho đọc bản Pháp lệnh từ xã gửi xuống, Pháp lệnh số 16 vận động người dân tự nguyện mang các loại súng từ quân dụng, tự chế, súng hơi đến đổi lấy gói bánh hộp kẹo. Tới lúc ấy rừng mới im được tiếng súng, vào rừng tiếng chim hót, tiếng xao xác khỉ truyền cành cũng nhiều hơn chút, thảng lại thấy trao lượn trên trời một cánh diều hâu.

*

Có lần bố nói với tôi “chỉ có núi với núi chẳng bao giờ gặp nhau”. Mãi sau này tôi mới hiểu phần nào câu nói ấy của ông khi đã đưa chân lang bạt nhiều nơi nhiều chốn, trạm không biết bao mặt người. Ấy là khi tôi gặp một người cùng bản giữa chốn nhà cửa san sát cách xa những chân núi quê tôi mấy trăm cây số. “Mày không nhớ núi nhớ rừng à?”, đấy, gặp nhau rồi hỏi nhau thế. Được nghe cái giọng Tày đặc, Tày đóc thô như tiếng bổ củi, như vầu như nứa va vào nhau côm cốp ấy mới thấy nhớ nhà nhớ núi kinh khủng. Gặp một người cùng quê như gặp một cái cây trong rừng nhà mình, gặp một người cùng bản như gặp một ngọn núi nhà mình dựa lưng. Người có chân người đi, núi cũng có chân nhưng núi mãi đứng một chỗ như cột chỉ mốc để kẻ sinh ra từ đấy biết nhớ biết vọng tìm về.

Gặp người ăn rừng mình rồi gợi bao nhiêu chuyện sau cũng nói về núi về rừng, về bao thứ chỉ cái chốn hào phóng ấy mới có. Rồi rủ rê, hò hẹn rằng về với tao đi đào dũi, với tao đi hái măng, ăn quả rừng… Mùa nào rừng núi quê tôi cũng xanh thậm, xuân hạ thu đông đều vậy cả. Ở đâu mùa thu rừng lá đổ vàng đổ đỏ, tôi không biết, chỉ biết cây lá ở núi đồi chỗ tôi mùa ấy một là rụng lá chụi lụi loại này ít, hai là vẫn xanh ngắt. Tôi thích nhất mùa hè trên núi quê tôi, mùa ấy lá tươi tốt, hoa quả đua nhau nở, vào rừng lúc này thấy thơm lựng, ngọt ngào và đa sắc. Hè ấy, trám gặp gió lớn rụng rào rào trên lá, bứa chín vàng giữa những vạt nứa ngả nghiêng, và cả đồi sim chông chênh vang tiếng chào mào kêu như muốn giữ quả tím khỏi rơi vào tay lũ trẻ đầu trần.

Ký ức của người sống xa núi thì nhiều lắm, cái đám ấy tưởng mình được đi xa thoát khỏi núi xanh rừng thẳm, tha hồ rộng mắt nhìn trời biển xứ người. Nhưng cứ thử dăm ba cái Tết ngửa mặt phóng mắt bốn phương mà vẫn không thấy một chóp xanh sừng sững, không được nghe nổi một tiếng chim gọi bầy xem, lòng chả buồn quay quắt. Lúc ấy thể nào chả nhớ lại hình ảnh mình đứng trên mỏm đồi trọc, dang tay mở ngực ra đón những cơn gió thổi tung áo quần đầu tóc. Thể nào chả muốn về dựa lưng vào núi thở than phiền muộn cuộc đời. Cứ về đi rồi giãi bày với núi, rồi gọi tên mình giữa trập trùng đất trời. Núi bao dung lắm, nhận hết những ta thán ấy. Hãy về ăn miếng chua chát đắng đót từ đất trời sinh ra.

Người miền rừng khi xa quê lâu ngày có bao thức khiến ta thòm thèm, nhưng riêng hai thứ phải tìm ăn khi về lại với núi. Một thứ ở trên trời, một thứ ở dưới đất. “Ba bát thịt trâu không bằng bát quả sổ” là cái thứ quả tròn tròn xanh xanh, từng mũi ôm lấy nhau ăn vào vừa chua vừa chát ấy nếm một lần rồi không quên được đâu, nhắc tên là ứa nước miếng là muốn ngược dốc đi tìm mà ăn cho bõ thèm ngay. Còn thứ dưới đất phải đợi mưa đổ xuống, đợi sấm giật vang trời mới xé đất nhú lên, ăn vào đắng đót chứ ngọt ngào gì, sao ai cũng nhớ. Cái thứ măng vầu đắng ngắt ấy lần nào chẳng chui vào câu chuyện miên man nỗi nhớ của đám con dân miền rừng khi xa quê gặp nhau bồi hồi đất cũ.

*

Bản tôi không có cổng làng như làng dưới xuôi. Doi đất đầu bản là bãi tha ma nơi chôn cất mồ mả của các dòng họ từ thời xửa xưa khi bản chưa có tên có tục. Bãi tha ma người Tày đều gọi là “đông leo” nghĩa là rừng cho người chết. Tám chín phần người bản tôi khi khuất núi đều ra đấy an nghỉ, riêng một vài họ khác có nơi chôn cất tổ tiên ở cánh rừng của mình thì cũng vẫn được gọi là đông leo. Nghĩa địa người Tày ít khi được chăm nom, trừ những họ sẽ cải mả vào Tết mùng ba tháng ba. Vậy nên gần như mọi đông leo đều um tùm rậm rạp chẳng khác gì một cánh rừng.

Người Kinh có câu “cáo chết ba năm quay đầu về núi”, người Tày xa quê không về với núi thì sao còn là người Tày, khi mà nhau thai của anh từ lúc lọt lòng đã được treo ở tàng cây trong cánh rừng dưới chân núi. Khi sống ở rừng ăn rú đến khi về trời lại về với rừng, là người Tày chúng tôi vậy. Mỗi bận về quê, lên với núi hòa mình vào những cỏ cây, chim thú, tôi vẫn thấy mình là đứa con của núi. Mùa măng mới vẫn có thể nhìn vết đất nứt mà lần ra củ măng nhu nhú, vẫn biết dừng bước lắng nghe khi bắt được tiếng dũi nhai rễ cây kèn kẹt dưới hang. Vẫn biết khum hai tay vào trước miệng hét tên mình vào núi để được nghe tiếng đáp da diết vọng từ thăm thẳm xanh ngắt của núi và rừng. Ấy lúc ấy núi gọi tên mày đấy.

N.V.T
(TCSH338/04-2017)




 

Các bài mới
Hồ Xuân (04/05/2017)
Thơ Jan Wagner (02/05/2017)
Các bài đã đăng
Chong đời (19/04/2017)