TRU SA
Tôi lấy bao thuốc ra và rút thêm một điếu. Tôi rít một hơi thật sâu rồi từ từ thở ra. Khói thuốc bay thành một vệt dài, uốn éo hồi lâu rồi từng lớp rã ra, tan biến vào khoảng không.
Quán có thêm vài người khách, tôi lướt mắt nhìn nhưng vẫn chưa gặp được gương mặt quen thuộc. Đã gần một tiếng tôi ngồi đây, điện thoại tôi đã tắt để tránh những cuộc gọi không cần thiết. Tách café đã nguội. Trên phần nước màu nâu sẫm, có lắng đọng chút sữa trắng dưới đáy cốc tàn thuốc rơi phủ thành một lớp bụi nho nhỏ. Tôi hút thêm một điếu nữa và tiếp tục chờ đợi. Quán có thêm vài người khách. Họ gọi nước uống và bắt đầu trò chuyện.
Tôi dập điếu thuốc, gọi một tách café mới.
Tiếng chân leo cầu thang. Một người khách đi đến chỗ tôi và đi qua tôi.
Bản nhạc không lời quen thuộc đã chạy hết, chiếc máy phát nhạc lặng đi vài giây, chuẩn bị ngân lên một khúc nhạc khác.
*
Lý do về công việc khiến tôi thành kẻ ăn chực ở nhà những người bạn. Tôi có thể tự bố trí cho mình một chỗ ngủ ở các khu chợ khi đã vãn, ghế đá hay ở bãi cỏ công viên. Nhưng chuyện ăn uống thì tôi chẳng thể bất cần. Tiền nhà tôi vẫn chưa thanh toán hết, tôi không vay mượn gì được ở những người bạn và vì thế tôi vẫn phải lang thang khắp đường phố. Họ có cho tôi một vài bữa ăn, nhưng tôi biết đó chỉ là sự vớt vát phần nào thứ tình cảm đang vơi nhạt của thời sinh viên. Mỗi bữa cơm họ đều xới cho tôi rất ít, có lần họ còn quên sắp bát đĩa cho tôi và tôi phải tự đi lấy. Xong bữa, họ mời tôi ra ngoài dạo phố và bỏ tôi ở ngoài. Một số người vịnh một bài thơ mang hàm ý tiễn biệt, hoặc không thì với những cái hất chổi về mình, tôi biết cần phải rời khỏi đây.
Một hôm, như thường lệ tôi ngồi ở khu chợ người để đợi một công việc từ khách qua đường. Bộ quần áo trên người tôi đã ba ngày chưa thay. Bên bả vai đã có những chỗ rách, mồ hôi và bùn đất bết lại ở lưng và khuỷu tay. Một vị khách đi qua, đám người quanh tôi nhao nhác rồi bằng mọi cách giành bằng được vị khách. Cuộc xô xát và những lời chửi bới ầm ĩ con phố.
“Thằng áo kẻ xanh!”
Cuộc co kéo dừng lại. Tôi biết mình đã được chỉ định.
Người gọi tôi ngồi trong một chiếc xe, tôi không để ý tới nhãn hiệu nhưng đó là một chiếc xe bốn chỗ, trần cao, có mui trắng. Người đàn ông mặc bộ comlê, thắt ca-vát. Ông ta ghé đầu qua cửa kính, nói:
“Có muốn kiếm tiền không?” Tôi gật đầu.
Người đàn ông đưa cho tôi một danh thiếp. Tôi hiện đang rất mệt nhưng vẫn đọc ra tờ danh thiếp có ghi địa chỉ của một quán café ở phố Yết Kiêu.
“Ba giờ chiều địa chỉ này, lên tầng hai, tôi sẽ nói công việc.”
Cửa kính hạ xuống. Xe phóng đi. Một làn khói nhỏ vẩn lại phía sau.
Tôi cầm tờ danh thiếp trong tay, nhìn qua rồi cất vào túi.
*
Quán café ở phố Yết Kiêu không có bảng hiệu gì. Tôi chỉ biết đấy là một quán café, vì cấu trúc bên ngoài là thế. Quán xây hai tầng, có cửa kính, bàn ghế bên trong nhìn bóng loáng. Mỗi khi cánh cửa kính mở ra tôi lại nghe thấy từ bên trong vang ra một bản nhạc không lời. Tiếng nhạc không lớn, cũng không khẽ khàng tới mức phải áp sát tai vào mới nghe rõ, nó đặt ở chế độ vừa đủ. Tôi không bận tâm về cái tên của bản nhạc, tôi chỉ biết bản nhạc đó hay và còn có chút gợn buồn lãng đãng trong từng nốt nhạc.
Người đàn ông đợi tôi trên tầng hai.
Bàn ghế trên này có phần sang trọng hơn phía dưới. Mỗi chỗ ngồi đều có hoa tươi và khăn giấy. Chỗ người đàn ông và tôi ngồi là ở cửa sổ, qua lớp cửa kính trong suốt có thể nhìn thấy đường phố. Tôi và người đàn ông này là khách duy nhất trên tầng hai. Những chỗ ngồi bên cạnh đều bỏ trống. Ở gần cầu thang có một cái quầy nho nhỏ, bày biện đủ loại nước uống. Khoảng cách giữa bàn của tôi và quầy đủ xa để đảm bảo rằng người nhân viên sẽ không thể nghe lỏm được điều gì.
“Công việc là ở đây.”
“Tôi muốn biết về công việc và mức lương.”
“Cậu chẳng phải làm gì cả và chỉ ngồi đây thôi, nghe tôi nói. Chúng ta một tháng sẽ gặp nhau. Tôi sẽ trả cậu một triệu.”
Tôi nói:
“Một tháng chỉ làm việc một lần ư?”
Người đàn ông vẻ mặt lạnh tanh, nói:
“Phải, hãy coi đây là khoản kiếm thêm. Công việc của cậu chỉ là ngồi nghe tôi nói. Nếu cậu đồng ý, chúng ta sẽ bắt đầu ngay.”
Tôi gật đầu. Người đàn ông gọi café đen, tôi gọi một cốc nước chanh. Đây không phải chuyện gì quá phức tạp, đơn giản chỉ là ngồi nghe ông ta nói. Câu chuyện chẳng rõ đầu đuôi gì và ông ta chuyển đề tài liên tục. Tôi hiện đang rất mệt và cảm thấy đói, cốc nước chanh chỉ khiến cơn đói tới mau hơn. Những gì ông ta nói tôi đều bỏ ngoài tai, chuyện gia đình hay công việc, thậm chí những mớ kiến thức quá đỗi xa vời về văn hóa hay triết học… Tôi đều chẳng thiết. Tôi mong đợi về số tiền mà ông ta sẽ trả cho mình khi công việc kết thúc.
Ông ta nói và tôi thì vẫn ngồi đó thôi. Thời gian lụi dần và khi mặt trời bắt đầu tàn ông ta mới ngừng lại. Người đàn ông nâng cốc uống chút café còn sót lại. Sau những câu chuyện vụn vặt, lung bung như những mảnh lắp ghép ông ta vẫn không có vẻ gì là mệt mỏi. Café đã hết, ông ta lấy giấy lau miệng, lặng im một lúc lâu.
“Đây là tiền công của cậu.”
Ông ta rút ví, lấy hai tờ năm trăm ngàn rồi đặt xuống bàn, đẩy về phía tôi. Tôi nhận lấy.
“Tháng sau, tôi sẽ đợi cậu ở đây.” “Ông có số điện thoại không, để tôi tiện liên lạc.”
“Không cần thiết.” - Người đàn ông nói vậy và đứng lên thanh toán.
Số tiền của ông từ công việc lạ lùng này đã cứu nguy cho tôi. Ít nhất là vào lúc đó.
*
Tôi và người đàn ông những tháng sau vẫn gặp nhau ở quán café. Người đàn ông luôn tới quán café vào ngày chủ nhật và không có lý do gì tôi lại vắng mặt. Đây là khoản kiếm thêm béo bở của tôi.
Người đàn ông đó nói với tôi đủ thứ chuyện nhưng tôi chẳng bao giờ chú tâm vào và tôi biết rõ rằng ông ta sẽ chẳng thích thú gì nếu tôi ngắt lời ông ta. Tôi không phải là người duy nhất làm công việc kì lạ này, trước tôi cũng có khá nhiều người, nhưng nếu kể đến người tận tâm với công việc nhất (Cũng có thể nói rằng ham tiền nhất) thì chỉ có mình tôi. “Tôi phải nói trước.” - Người đàn ông từng nhắc nhở tôi “Những gì tôi nói cậu không bao giờ được nói ra hay ghi chép lại. Đây là thỏa thuận lớn nhất giữa hai chúng ta. Nếu cậu làm lộ ra một chuyện nào đó của tôi thì tôi sẽ khiến cậu mãi mãi im lặng.” Điều kiện này không quá khó và tôi đã gật đầu.
Quán café này có chỗ ngồi rất tốt và nước uống cũng khá ngon. Người đàn ông không ép tôi phải hứng thú với những câu chuyện của mình nhưng ông ta sẽ nổi giận nếu tôi ngoảnh đi hoặc nghe điện thoại, ngó ra đường hay ngủ gật trong lúc ông ta đang nói. “Mẹ tôi rất yếu và bà thèm ăn gà tiềm thuốc bắc. Tôi vẫn dặn bọn giúp việc phải mua cho bà nhưng bà ấy luôn bỏ mứa”.
Người đàn ông nói, ông ta uống một chút café rồi lại tiếp tục.
“Âm nhạc đang bị nghiền nát… Sắp tới tôi có một chuyến công tác, những một tuần và…”.
Tôi ngồi đó, trước mặt ông ta. Những gì ông ta kể lể vẫn văng vẳng và tôi chẳng muốn nghĩ tới nó nữa. Tôi bị phân tâm giữa lời ông ta và bản nhạc. Người đàn ông đã thuê trọn tầng hai nên không gian rất yên tĩnh. Các điệu nhạc lắng đọng trong gian buồng tầng hai. Những bản nhạc được thay luôn phiên. Có cả nhạc của Richard Clayderman hay Kenny G. Tôi có thể ngồi đó, nâng cốc café lên, hít hà chút hơi nóng nơi miệng cốc, chậm rãi uống và lắng nghe từng tiếng nhạc. Thế giới hỗn độn xung quanh như bị thu gọn lại, lăn vào nơi xa thẳm. Vào những khúc chốt, nốt nhạc hạ xuống thấp, trầm lắng một lúc lâu rồi ngân vang. Tôi gõ ngón tay theo âm hưởng đó, đáng ra tôi còn huýt sáo theo điệu nhạc nhưng cái trừng mắt của người đàn ông đã phá vỡ tất cả. Hàng lông mày rậm rạp chau lại, đôi mắt không trợn lên nhưng các vằn đỏ trong đó đã nhắc tôi rằng ông ta đang tức giận, giọng ông ta lớn hơn và không còn cách nào khác tôi phải lờ đi tất cả và nhìn ông ta, tỏ vẻ chăm chú.
“Tôi không mong gì vào gã bạn đó cả. Đã hai lần tôi khốn khổ vì gã, cậu biết không tôi…”.
Ông ta ôm mặt và sụt sùi như một đứa trẻ. Tiếng nấc của ông ta át đi phần nào tiếng nhạc đang tới cao trào. Tiếng nói ông ta chen quá nhiều vào bản nhạc, nó hệt như tiếng vo ve của loài ruồi. Bản Lemon Trees vốn vui vẻ đã bị ông ta làm buồn thảm mất rồi. Đừng bật Paul(*), đấy là sự lăng nhục. Một thằng điên thích mếu máo trong nhạc.
*
Tôi tìm được một công việc và chuyện tình cảm cũng khá thuận lợi. Không có nhiều trắc trở trong suốt thời gian yêu đương. Số tiền tôi kiếm được từ hợp đồng với người đàn ông kia tôi cũng không giấu nàng, và tất nhiên nàng sẽ chẳng cắt đứt món tiền béo bở đó bằng một cuộc hẹn ăn tối hay nghe hòa nhạc. Tôi luôn dành số tiền đó để mua tặng nàng một món quà vào ngày Valentine hay sinh nhật.
Hôm nay tôi lại tới quán café và vẫn như thường lệ người đàn ông đã đợi từ sớm. Ông ta lại tiếp tục những câu chuyện tẻ nhạt của mình. Tôi đã để ý kỹ, người đàn ông có gương mặt vuông vức, chiếc mũi cao, đôi tai ông ta khá to. Ông ta tên Lạc, một cái tên kém may mắn và không hề phù hợp với tuýp người quyết đoán mọi việc chỉ bằng cái quắc mắt như ông ta.
“Tôi rất thích văn học. Ngày nhỏ tôi thường đọc Puskin, Victor Hugo, Tolstoys, Prisin, O’Henry…” - Ông ta nói. Tôi vẫn lắng tai vào bản nhạc.
“Cậu biết không, cuộc sống như trò leo dây.”
Chợt, ông ta lấy trong cặp ra một tập giấy dày cộm được đóng thành quyển. Theo như lời ông ta thì đấy là thơ ông ta tự làm. Người đàn ông mỉm cười, nụ cười duy nhất tôi thấy trong ngần ấy thời gian. “Tôi đọc cho cậu nghe nhé.”
Và ông ta bắt đầu đọc. Bản nhạc rõ ràng đã bị chặn ngang. Tôi cố lọc lời ông ta khỏi bản nhạc nhưng không được. Giọng ông ta rất lớn, người đàn ông đọc một lèo, hết bài này tới bài khác. Tôi ngó ra phía sau ông ta, nơi có chiếc cầu thang lên xuống. Tôi cố hình dung ra một cô gái xinh đẹp đang bước lên. Cô nàng sẽ ngồi ở chiếc bàn gần đó và nháy mắt cười với tôi.
Một lúc khác tôi chuyển suy nghĩ mình về bộ phim tối qua, và sau đó là hàng loạt cuộc dịch chuyển khác. Ngày đầu tiên gặp nàng, sự thẹn thùng của nàng khi tôi đặt nụ hôn đầu tiên lên môi, một cuộc dầm mưa ngoài trời và tôi và nàng đều ướt nhẹp, rồi thì một tưởng tượng khác về đám cưới và giây phút hân hoan khi các vị khách đã ra về…
Người đàn ông bỗng lau mắt, giọng ông ta trở nên nghẹn ngào, tôi thấy cả những giọt nước mắt trên cặp mắt hung mạnh đó. “Không rõ bài thơ gì mà khiến ông ta xúc động vậy.” - Tôi thầm nghĩ. Vẻ mặt tôi vẫn tỏ ra chăm chú, dòng suy nghĩ đưa tôi xa về một kỷ niệm cũ về ngày 20/10 giữa tôi và nàng.
*
“Một nhát dao chí tử. - Người đàn ông nói “Lưỡi dao tới giờ vẫn găm trong tim tôi.”
Ngoài trời bắt đầu có giông. Sấm đánh ùng oàng. Dù cửa sổ đã đóng chặt nhưng những tiếng sấm giật và gió quất vào những cành cây vẫn khiến tôi mường tượng ra một cơn bão ảm đạm. Gió xoáy thành những cơn lốc, cây đổ và người chạy toán loạn.
Tôi không nhìn ra ngoài. Khuôn mặt người đàn ông mất đi vẻ bệ vệ và dữ dằn thường ngày. Ông ta gọi café, loại đen đặc và mỗi lần uống thì dốc cạn.
“Thằng chó đẻ đó tôi đã nguyền rủa và giết hàng ngàn lần trong đầu.” - Ông ta thở một hơi dài “Hôm trước tôi nhìn thấy cáo phó của thằng khốn đó. Nhưng sao lưỡi dao vẫn ở đó. Ôi, chẳng cuộc phẫu thuật nào có thể giúp tôi lấy nó ra…”.
Điện thoại tôi reo. Cuộc gọi của nàng và tôi liền mở máy.
“Vứt đi.” - Người đàn ông nói lớn. Chưa lần nào ông ta lại lớn tiếng như vậy. Tiếng quát đó đủ làm tôi run sợ để không bắt máy. Gương mặt người đàn ông không lạnh tanh hay tỏ vẻ phấn chấn mỗi khi đọc một thứ gì đó mà ông ta cho rằng rất thích thú khi đọc cho người khác. Đôi lông mày cau lại, cặp mắt như tóe lửa, ông ta chẳng nói gì thêm nhưng cái nhìn giận giữ đã xiết chặt lấy tôi. Tôi biết mình nên ngoan ngoãn im lặng và tỏ ra chăm chú. Tôi tắt máy nhưng trong suốt buổi hôm đó tôi luôn nghĩ tới việc nàng sẽ tức tối, sẽ giận dỗi và tránh mặt tôi nhiều ngày. Có lẽ tôi sẽ sắp xếp một cuộc hẹn để kéo nàng lại gần.
Người đàn ông gọi thêm café và ông ta mỉm cười, mở cặp lấy một tập giấy và bắt đầu đọc. Thú thực tôi chẳng muốn nghe, kể cả việc nghe những bản nhạc từ chiếc máy phát nhạc đặt ở góc tường. Điện thoại có thêm vài tin nhắn, tôi không mở. Người đàn ông đang hào hứng nhưng tôi biết ông ta vẫn đang theo dõi mình.
“Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được thư của thằng con trai. Tôi yêu những lá thư đó. Lúc nào tôi cũng mang theo chúng.” Chiếc cặp xách tay lại được mở ra. Người đàn ông lôi trong ngăn cuối một xấp thư. Có lẽ phải tới mấy chục bức. Ông ta mở một lá thư và bắt đầu đọc.
Những lá thư đánh máy, một mặt và cụt ngủn.
*
Những ngày gần đây tôi thường xuyên lui tới quán café ở phố Yết Kiêu. Vẫn như mọi lần, tôi ngồi ở tầng hai, cạnh cửa sổ. Điều khác biệt là trên căn buồng tầng hai không chỉ có mình tôi. Những bàn bên cạnh vẫn có những người khách, nhưng điều này chẳng trở ngại gì vì quy định của quán café là không được làm ồn và họ tôn trọng điều đó. Mỗi khi có một chiếc xe đỗ ở cửa quán tôi đều nhìn xuống. Bản không lời vẫn ngân nga và âm lượng vẫn vậy, không hề bị đục bởi tiếng nói chuyện hay những cái gõ vào bàn phím laptop. Nhưng tôi vẫn thấy nghe khó vào. Chiếc điện thoại được cài đặt chế độ im lặng nên ai gọi hoặc nhắn tin máy chỉ phát sáng. Ánh sáng lóe lên hồi lâu rồi tắt ngúm. Tôi không bắt máy, tôi biết không phải số của nàng. Sẽ chẳng còn số của nàng nữa. Tôi gọi một chai whisky.
Có tiếng xe đỗ dưới lòng đường. Tôi nhìn xuống.
“Hôm nay là hai mươi, mười một ngày nữa mới hết tháng.”
Tôi mở nắp và dốc ngược chai rượu, tu một hơi dài.
*
Hợp đồng không văn bản giữa tôi và người đàn ông lạ đã kéo dài được một năm. Thực ra tới bây giờ tôi vẫn chỉ biết ông ta tên Lạc, là một người có của và hơi quái gở. Thực ra tôi không nghĩ mình sẽ gắn bó với công việc này lâu như vậy, vì đây là khoản kiếm thêm còn công việc chính của tôi là ở xưởng may. Việc rất bề bộn nhưng tôi vẫn thu xếp được một ngày thứ bảy. Người đàn ông đó luôn có chuyện để nói. Ông ta là khách quen ở quán café. Những bản nhạc không lời ở quán tôi nghe đã nhàm, các loại đồ uống tôi cũng đã quen thuộc, chỉ có chỗ ngồi cạnh cửa sổ là vẫn vậy.
Nhiều hôm người đàn ông đã hẹn hai ngày liên tiếp. Thay vì café ông ta lại gọi rượu. Tôi im lặng còn ông ta thì cứ rót, và uống, cách một lúc lâu lại gào lên và nói đủ thứ chuyện. Tôi vẫn ngồi đó, chăm chú như mọi lần nhưng đây không còn là một sự vờ vịt nữa. Tôi hoàn toàn tập trung vào ông ta, kể cả những cái nghiến răng, tiếng chửi thề lớn tới mức chủ quán phải lên xem có chuyện gì xảy ra…
“Một lũ chó đẻ. Nếu cỗ quan tài bà ấy làm bằng bột mỳ chắc chúng cũng ăn luôn…”.
Tóc người đàn ông bạc đi nhiều. Cái mũi đỏ ửng và bắt đầu sụt sùi. Một giọt nước mắt rơi xuống ly rượu. Giọt nước khiến ly rượu mặn chát.
“Hát trên những xác người(**)… Ha! Ha! Ha!
Điện thoại reo, tôi tắt máy. Người đàn ông vẫn lảm nhảm. Tôi không tóm tắt nổi chuyện đã xảy đến với ông ta vì những câu nói ngắt quãng và không theo thứ tự. Hiện ông ta đang rơi vào một sang chấn lớn. Tầng hai này đã được ông ta bao trọn, sẽ chẳng ai phàn nàn, và tôi là người duy nhất ở cạnh ông ta. Tôi chỉ là một người khách làm ăn, mục đích không gì ngoài số tiền mà tôi sẽ được nhận sau khi xong buổi café nhưng ngày hôm đó tôi không muốn nghĩ ngợi số tiền béo bở đó nữa. Tôi chỉ muốn hứng lấy những giọt nước mắt của ông ta và đặt lên đó một nụ hôn.
Những gì ông ta nói, các buổi sau đó tôi đều nhớ rõ. Không biết từ lúc nào tôi đã quên mất đây là một hợp đồng làm ăn. Vào những ngày hẹn, tôi tìm tới đây và im lặng nghe ông ta nói. Những dịp gặp gỡ luôn làm tôi phấn chấn. Sự hào hứng đó rất khó để nói rõ nhưng kì thực tôi tìm thấy một phần gì đó, có thể là đồng điệu ở người đàn ông này. Luôn có một tiếng thở dài lắng sâu trong người đàn ông. Bộ vét sang trọng, chiếc ví da cá sấu với những tờ tiền dày cộm có thể kết thành từng bó, hay chiếc Camry ba chấm mới cóng… không giấu đi tiếng thở dài. Người đàn ông ít khi cười, và trong một lần, ở một câu chuyện ngắt quãng tôi nghe được thì đã từ lâu ông ta quên đi việc phải cười. “Tôi chỉ nhìn thấy nụ cười của mình khi lấy tay kéo hai bên miệng lên. Thật cực nhọc để tìm thấy một nụ cười. Ý tôi là một nụ cười thật sảng khoái. Một đám người ngồi cạnh nhau, trong một câu chuyện thì sẽ phải cười, nhưng chẳng vui vẻ gì với cái tiếng reo phản phúc đấy. Cười òa hay khóc òa thì như nhau, dễ lây lan đến nhau và hễ nhìn một toán cười cùng cười, cùng khóc vì ai, vì lẽ gì đấy là tôi lại thấy buồn nôn. Lũ ma quỷ nào đã khiến tâm hồn chúng ta cũng trở nên quỷ quyệt theo thời thế…”,
*
Tôi không còn nghe thấy tiếng phanh xe của chiếc xe Camri ba chấm nữa. Người đàn ông không cho tôi số điện thoại, tất nhiên địa chỉ của ông ta tôi cũng không hề biết. Bộ vét đen, hay bộ áo da đồng bộ những hôm trời lạnh ông ta cũng không mặc. Vào những ngày oi bức người đàn ông mặc chiếc áo sơ mi kẻ xanh, lạnh hơn thì khác thêm một chiếc áo khoác mỏng. Tất cả chỉ có thế. Quán tầng hai vẫn được thuê dành cho những buổi gặp mặt tôi. Khác mọi khi, người đàn ông chỉ đặt phần chỗ ngồi quen thuộc sát cửa kính. Những chỗ ngồi khác hoặc có người ngồi còn thì bỏ trống.
“Ông uống nhiều quá.” - Tôi nói. Câu nói duy nhất tôi nói với ông ta trong ngần ấy năm.
“Quán này không cấm uống rượu. Chỉ cần có tiền thôi.”
Người đàn ông rót rượu. Từ lúc gặp mặt ông ta vẫn im lặng và chỉ uống rượu thôi. Người bồi bàn không phàn nàn gì và các vị khách ngồi xung quanh cũng vậy. Nhưng với cái quắc mắt và bĩu môi tôi biết họ đang khó chịu.
“Hôm nay ông im lặng lâu quá.” “Sao cậu bỗng lắm mồm thế!”
Người đàn ông rút ví. Chiếc ví da màu đen, mỏng quẹt, không phải chiếc ví da cá sấu mọi khi. “Bộp” một tiếng, ngoài số tiền một triệu của giao dịch ngày hôm nay, còn có một mớ tiền khác, có cả tiền chẵn lẫn tiền lẻ. Những tờ tiền rải quanh mặt bàn, vài tờ rơi xuống đất.
“Uống với tôi. Còn nhiêu đây, tôi cho cậu hết.”
Ông ta gọi thêm rượu. Quán café chỉ có whisky hay vođka, nhưng với chừng ấy thôi cũng đủ khiến tôi say mèm.
“Xin lỗi ông, ông đừng uống nữa. Ông làm khách quán tôi về hết rồi đấy.”
Người bồi bàn cằn nhằn, cái tay xua xua.
Người đàn ông đôi mắt đục gầu, đôi tai và cả gương mặt đã đỏ ửng.
“Tao có tiền.”
Ông ta nắm lấy số tiền rải trên mặt bàn, ướt nhèm rượu giơ ra trước mặt. Từng tờ tiền bị vò nát trong cái xiết tay.
“Tao sẽ trả đủ, không thiếu một hào. Quán mày mất bao nhiêu khách, tính đi, tao trả hết.”
Người bồi bàn không nói thêm và quay xuống tầng.
Nắm tay người đàn ông buông lỏng. Số tiền rơi xuống bàn. “Chẳng nghĩa lý gì…” - Ông ta lẩm bẩm. Chai rượu vẫn còn và ông ta bắt đầu rót. Bản không lời đã ngắt. Ngoài trời đổ mưa, mùi mưa mặn chát.
“Chẳng bao giờ, cậu biết không.” - Ông ta nói “Lúc nào cũng chỉ là những lời hỏi thăm, chẳng có lá thư nào dài hơn những lời xã giao chó chết đó.”
Khuôn mặt ông ta ửng đỏ, cái đầu hơi lắc lắc, cặp mắt trũng sâu lại và đờ đẫn. Lúc người đàn ông vò đầu tôi thấy tóc rơi. Những sợi buốt màu băng trôi.
Ông ta nấc một tiếng rồi gục xuống bàn. Tôi không đánh thức ông ta. Một giấc ngủ sẽ tốt với ông ta, ít ra là lúc này.
*
Xin lỗi anh, đã một giờ sáng, đã tới giờ chúng tôi phải đóng cửa,” - Người bồi bàn, có lẽ là cuối cùng ở quán đánh thức tôi dậy.
Căn gác tầng hai trống trơn, đã khuya lắm rồi. Người bồi bàn ngáp dài, cặp mắt anh ta rũ xuống, chờ mong một giấc ngủ.
Một trăm bốn ngươi nghìn là số tiền cho một buổi tối uể oải này.
Người đàn ông đó lại vắng mặt. Đã bốn tháng trôi qua, bốn buổi café bất thành. Từng ấy thời gian chưa đủ để quên đi một con người nhưng tôi vẫn thấy băn khoăn. Có quá nhiều thứ tôi nghe được ở người đàn ông đó nhưng những gì về tôi ông ta hoàn toàn mù tịt. Đúng hơn là chưa có một lần nào tôi nói chuyện với ông ta, những cuộc gặp tôi luôn là người im lặng. Món tiền mà tôi sẽ nhận được theo đúng hợp đồng vẫn là một triệu. Thực ra tôi không ham hố gì số tiền đó, dù rằng nó không hề nhỏ nhưng sẽ chẳng cần thiết gì khi mà với mỗi chuyến hàng hoặc chỉ bằng một lời mách nước tôi đã có thể kiếm gấp bội. Mối quan hệ giữa tôi và người đàn ông kia nằm ngoài những cung cầu, hoặc chỉ là ngụy trang cho sự gần gũi của hai tâm hồn. Ông ta cần tôi, và số tiền kia cũng chỉ như một thứ hão huyền mà đáng lẽ ra ông ta phải quên nó đi từ lâu.
Mọi điều ông ta nói, cả khi say mèm tôi đều nhớ. Chẳng có lý do gì để quên, và tôi biết có nhiều tiếng thở dài không chỉ thuộc và ứng vào mình ông ta. Những tiếng thở than đó, không ít lần trở thành của tôi. Rất khó để xua đuổi nó đi, ngay cả khi nó nằm lại phía sau và trở thành một phần của quá khứ.
*
Tháng sau tôi gặp lại ông ta. Vào một buổi chiều thứ thứ hai, không phải ngày thứ bảy như mọi lần. Ông ta vận một chiếc áo khoác mỏng, trông khá cũ kĩ, đôi tay lúc nào cũng nắm chắc lại đã bắt đầu run run, mỗi khi nói câu gì quá lớn ông ta thường ho. Phải dừng lại ít giây, hít thở đều đặn ông ta mới nói tiếp được.
“Bốn tháng trước ông đi đâu vậy?”
“Tôi bận - Ông ta nói - Gọi gì đi!”
Khác với mọi lần, ông ta cầm tờ danh mục các loại nước uống. Cặp mắt mệt mỏi dò xét cẩn thận.
“Ở đây có café gói không?” - Ông ta hỏi người bồi bàn và nhận được một cái lắc đầu.
“Vậy thì lấy cho tôi hai café nâu đen, giá hai cốc là bảy mươi ngàn phải không?”
“Thưa ông, trên bàn có bảng giá.”
Người bồi bàn đi ra quầy chế biến.
“Nếu cậu muốn uống thêm hãy uống cả cốc của tôi.”
Tôi xua tay. Trước khi người bồi bàn quay lại, ông ta lấy trong túi ra một mớ tiền, đặt lên đùi rồi nhẩm đếm. Sau khi sắp xếp các loại tiền ông ta nhỏm lên.
“Đã ba năm rồi.” - Ông ta nói - Không còn một ai nhìn thấy tôi nữa.
Ông ta uống một ngụm café, trầm ngâm hồi lâu rồi khẽ lắc đầu. “Cứ như thằng K.” Đã hơn năm giờ, quán café đông khách hơn. Các chỗ ngồi ở tầng hai hầu như đã chật ních người. Chẳng rõ lý do gì vào một ngày đầu tuần, bình thường như mọi ngày quán lại đông khách thế này. Dù những cuộc nói chuyện của họ chẳng quá sôi nổi nhưng tôi vẫn thấy bất tiện. Hệt như ai cũng có thể hóng tai vào câu chuyện của ông già tên Lạc kia.
“Tôi sẽ không đột tử sớm như vậy đâu?”- Ông ta nói - “Bọn nó sẽ tức điên lên ấy chứ. Chẳng đứa nào nguyền rủa được tôi đâu.”
Ông ta nhoẻn miệng nhưng không cách nào khiến cặp môi nứt nẻ mở thành một nụ cười tròn đầy. Kể cả thứ âm thanh vừa thoát khỏi cuống họng ông ta, nó chỉ là một thứ tiếng khò khè, bị vẩn đục bởi những cục đờm nơi cuống họng. Tiếng cười sang sảng, pha tạp những giọt nước mằn mặn mỗi khi nói về đứa con bên Úc, hay ở những bài thơ, một ký ức tê buốt thời trai trẻ không còn nữa. Nhiều năm trở lại đây tôi chỉ được nghe những âm thanh khàn đặc, réo rắt với cái nghiến răng đầy ngao ngán. Bốn tháng qua tôi không gặp ông ta, nhưng tôi không nghĩ ông ta vừa ở xa về và vô tình ghé vào quán café rồi gặp tôi. Bộ quần áo bằng vải thô kia đã bốc mùi mùi café và những đóa bằng lăng đã át đi phần nào nhưng tôi vẫn ngửi ra thứ mùi xú uế của nước cống và bùn đất. Chẳng còn sự tinh tường ở cặp mắt đó nữa, đôi tay cũng chẳng thể nắm khum lại thành quả phật thủ nữa vì ông ta đã chẳng còn nhiều sức lực.
“Suốt bao năm chỉ đánh nhau thôi. Người mình đánh người mình để rồi làm mồi cho lũ diều hâu.”
Ông ta lấy túi áo một bao thuốc hút giở. Trong bao còn duy nhất một điếu. Thứ châm lửa cho điếu thuốc nhăm nhúm, hơi âm ẩm của ông không còn là chiếc zippo bạc hình đại bàng tung cánh nữa. Ông ta dùng một bao diêm.
Rít một hơi thuốc, ông ta ho vài tiếng. “Rồi cũng tới lúc tìm cho mình một manh chiếu đi thôi…”.
Khói thuốc bay lên mặt, đôi mắt ông ta cay xè. Điếu thuốc vẫn giữ trên ngón tay, và ông ta lại ho. Tràng ho này dai dẳng hơn, cả thân người ông ta cong xuống như gục hẳn xuống bàn. Tiếng ho vẫn rũ rượi, cảm thấy như bất kì lúc nào miệng ông ta cũng có thể văng ra một cục máu.
“Xưởng may của tôi vừa bị cháy, em trai tôi không ai cứu được.”
“Này cậu.” - Ông ta ngừng ho và nói - “Những việc đó thì có liên quan gì tới buổi café này. Mà cậu biết không, gần đây tôi thường đọc lại cuốn nhật ký hồi học sinh.”
“Tôi hiểu, mọi chuyện về ông tôi đều hiểu nhưng sẽ hay hơn nếu chúng ta cùng nói chuyện về mình.”
“Tôi đâu cần cậu hiểu nó.” - Ông ta lừ mắt - “Cậu nên nhớ đây không phải là một bữa café suông, tôi bỏ tiền để mướn cậu ngồi đây.”
“Từ lâu tôi đã quên mất cái hợp đồng đó rồi. Tôi tới đây vì một người bạn.”
Ông ta đập tay xuống bàn, ho khan vài tiếng.
“Chẳng có bạn bè gì cả, té ra mày cũng như lũ sâu bọ phản trắc đó.”
Tôi nhìn ông ta, với ánh mắt chân thành
“Tôi bây giờ không thiếu tiền, một triệu của ông chẳng là cái gì cả.”
“Thế thì mày cút đi.” - Ông ta chỉ tay vào mặt tôi, gào lớn. - “Nhưng nếu mày tiết lộ chuyện của tao, tao sẽ không tha đâu. Tao sẽ giết…”.
“Khụ… Tao sẽ giết… Khụ.. khụ.. Giết..iế…”.
Tôi im lặng, khẽ lắc đầu rồi đứng dậy. “Ông đừng lo, tôi sẽ giữ những gì về ông, như kỷ niệm đẹp về người bạn.”
Tôi bỏ đi. Ông ta không ngoái lại. Ông ta gạt tay, chiếc gạt tàn, hai cốc café đã nguội lạnh. Chiếc bình hoa với những nhánh bằng lăng đều bị văng xuống đất. Mấy người ngồi gần đó nheo mặt, vài người bỏ đi như sợ vạ lây.
Ông già tên Lạc đấm mạnh xuống mặt bàn, răng nghiến ken két. Sau một câu chửi thề thật vang ông ta hắng giọng gọi một chai rượu.
Trước khi ra khỏi quán tôi đã đưa cho chủ quán một khoản. Ông ta sẽ chẳng phàn nàn gì và sẽ còn niềm nở với ông già tên Lạc không chỉ trong ngày hôm nay.
Trời đổ mưa. Mưa tầm tã, chiếc chuông gió ở những hộ nhà xung quanh bay nghiêng ngả vì trận gió lớn. Tiếng chuông gió va leng keng, vang thành một bản tấu buồn trước khi gẫy rời vào tiếng mưa. Một tiếng thở dài réo rắt trong mưa và bị mưa nghiền nát.
T.S
(TCSH338/04-2017)
------------
(*) Paul Mariat: Nhạc sĩ Người Pháp
(**) Lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.