Tạp chí Sông Hương - Số 339 (T.05-17)
Khi trái đất không nhất thiết phải có con người
07:48 | 26/05/2017

LÊ MINH PHONG

(Nhân đọc: Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương của Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nxb. Khoa học xã hội, 2017).

Khi trái đất không nhất thiết phải có con người

Có lẽ người Mỹ sẽ không bao giờ quên được những mất mát, những đớn đau bởi các thảm họa thiên tai như bão Galveston (1900), bão Katrina (2005), bão bụi ở Great Plains (1930); hỏa hoạn và động đất ở San Francisco (1906), cháy rừng ở Peshtigo (1871), v.v. Người Nhật Bản cũng sẽ nhớ mãi những tiếng thét của đồng loại trong thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011. Người Trung Quốc sẽ không thể tưởng tượng ra được một khung cảnh khủng khiếp hơn trong trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008. Và người dân miền Trung (Việt Nam), cho đến nay, nỗi đau vì Sự cố Formosa vẫn chưa hề nguôi ngoai, nước mắt vẫn đang chát mặn trên những gò má xanh xao của họ.

Sau những nỗi đau ấy của trái đất, nhân loại đã không ngừng cố gắng để gượng dậy; mỗi người, mỗi ngành đều tìm cách để hàn gắn vết thương cho mình và cho cả tha nhân. Nghệ thuật của nhân loại từ điện ảnh đến văn chương, từ hội họa đến âm nhạc, cũng đã cất lên những tiếng nói của mình trong việc làm hồi sinh môi trường sống và cảnh báo về những thảm kịch có thể sẽ tái diễn...

Trên thế giới, nghệ thuật lấy cảm hứng từ mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên đã trở thành một trào lưu rộng lớn, và phê bình nghệ thuật cũng theo chiều hướng đó đã có những vén mở về những chân trời mỹ học khác. Ở Mỹ, manh nha vào những năm 70 của thế kỉ 20, đến giữa thập niên 90, Phê bình sinh thái đã thực sự trở thành một khuynh hướng nghiên cứu văn học khả dụng và lan tỏa biên độ của nó tới các quốc gia khác. Ở Việt Nam, trong khi các hệ thống lý thuyết phê bình được các nhà nghiên cứu quan tâm rất sớm như: Hình thức luận của Nga (Formalism), Cấu trúc luận (Structuralism), Hậu cấu trúc luận/Giải cấu trúc (Poststructuralism/Deconstruction), Các lý thuyết Mác-xít (Marxist Theories), Phân tâm học (Psychoanalysis), Nữ quyền luận (Feminism), Chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism) v.v thì ngược lại, dường như Phê bình sinh thái (Ecocriticism) lại bị “hắt hủi”. Có lẽ chúng ta đã quá nặng về “Nhân loại trung tâm luận” mà quên đi căn nền lưu trú của chúng ta: “Sinh thái trung tâm luận”.

Công trình “Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương” của nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy ra đời trong bối cảnh hôm nay đã góp phần làm sống động hơn cho phê bình sinh thái vốn mờ nhạt ở Việt Nam, góp phần đưa phê bình văn học Việt Nam tiếp cận với các trào lưu, lý thuyết phê bình khả dụng vào thực tiễn đời sống của thế giới. Công trình này được chia làm bốn chương. Thông qua mỗi chương sách tác giả lần lượt giới thiệu và làm sáng tỏ các nội hàm của những thuật ngữ liên quan tới phê bình sinh thái. Đi tới tìm hiểu căn nguyên ra đời, sự lan tỏa của lý thuyết và khả năng hứa hẹn vén mở về mặt thẩm mỹ trong nghệ thuật của phê bình sinh thái. Với những diễn giải sáng rõ, chương trước làm tiền đề cho chương sau, chuyên luận bắt đầu bằng sự giới thiệu các khái niệm tiền đề cần nắm trước khi đi vào lãnh địa của phê bình sinh thái như: Sinh thái - sinh thái học, Ý thức sinh thái, Triết học môi trường, Triết học sinh thái, Luận lý học sinh thái, Chủ nghĩa nhân loại trung tâm, Chủ nghĩa phi nhân loại trung tâm, v.v. Sau những giới thiệu về các khái niệm tiền đề căn bản, tác giả luận giải về văn học sinh thái thông qua giới thiệu các thuật ngữ tương cận trước khi đi vào khái niệm văn học sinh thái và các đặc trưng của văn học sinh thái. Để chứng minh đề tài sinh thái luôn có sức lôi cuốn người sáng tạo, Nguyễn Thị Tịnh Thy đã dụng công giới thiệu mười tác phẩm văn học sinh thái kinh điển mà bạn đọc Việt Nam ít ai biết tới như: tiểu thuyết Frankenstein của tác giả Mary Shelley (1818), Niên giám xứ cát của Aldo Leopold (1949), du ký Cư dân của tuần lộc của Farley Mowat (1952), tập tản văn Walden của Henry David Thoreau (1854), Cội rễ của bầu trời của Romain Gary (1956), v.v.

Theo đánh giá của chúng tôi thì chương 3 “Phê bình sinh thái” là chương tác giả đã dụng công nhất. Luận giải các vấn đề phức tạp và đa dạng của phê bình sinh thái, tác giả đã lựa chọn một thứ văn phong giản dị và sáng tỏ để làm rõ những khái niệm, những quan điểm đồng dạng và dị biệt về phê bình sinh thái và những đặc trưng của phê bình sinh thái. Đặc biệt, tác giả không chỉ nêu ra các quan điểm, các định nghĩa khác nhau về phê bình sinh thái trên thế giới mà còn đi vào phân tích, đối sánh các định nghĩa, chỉ ra những giới hạn và cả tính ưu việt trong mỗi định nghĩa, mỗi khái niệm. Sau khi đi vào nêu rõ các định nghĩa, phân tích, đối sánh và chỉ ra tính ưu trội cũng như khiếm khuyết trong các định nghĩa của Joseph Meeker, James S. Hans, Scott Slovic, Cheryll Glotfelty, Vương Nặc, v.v, Nguyễn Thị Tịnh Thy đã đề xuất định nghĩa phê bình sinh thái trong quan niệm của mình như sau: “Phê bình sinh thái là phê bình văn học nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và tự nhiên từ định hướng tư tưởng của chủ nghĩa sinh thái, đặc biệt là chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái thông qua việc khám phá thẩm mỹ sinh thái và biểu hiện nghệ thuật của nó trong tác phẩm.”

Trong chương 3, các đặc trưng của phê bình sinh thái được tác giả chuyên luận trình bày một cách sáng rõ và dễ nắm bắt. Theo tác giả thì phê bình sinh thái đã hấp thu các tiền đề lý luận của nhiều ngành khoa học khác nhau, nó có những đặc trưng như: chú ý đến định hướng đạo đức sinh thái, đọc lại văn học kinh điển truyền thống từ góc nhìn sinh thái, giữ vững lập trường chủ nghĩa sinh thái trung tâm, có tính liên ngành, thể hiện tinh thần văn hóa sinh thái thông qua “tính văn học”. Nằm trong dòng phê bình văn học mang cảm quan hậu hiện đại, theo tác giả: “Nội hàm căn bản của phê bình sinh thái là tính giải cấu trúc mạnh mẽ, biểu hiện ở các đặc điểm lệch tâm, tản quyền, cái chết của chủ thể, lật đổ và tái thiết, tính đối thoại.” Lịch sử phát triển của phê bình sinh thái cũng được tác giả nỗ lực khái quát một cách công phu với một thái độ làm việc cẩn trọng và chuyên nghiệp. Từ đây, người đọc có được một bức tranh vừa toàn cảnh vừa chi tiết về những chặng đường mà phê bình sinh thái đã đi qua cũng như những thành quả mà nó đã đạt được.

Với những khai mở, cống hiến, đây thực sự là một cuốn sách nền tảng cho những ai muốn tìm hiểu về lý thuyết phê bình sinh thái cũng như thành quả của nó ở Việt Nam. Theo chúng tôi, cuốn sách không chỉ dành cho các bạn đọc thuần túy, mà ngay cả các nhà phê bình văn học, khi muốn tìm hiểu về phê bình sinh thái thì đây cũng là một tài liệu tham khảo hữu ích.

Đánh giá về công trình này, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy cho rằng: “Chuyên luận phê bình sinh thái của Tịnh Thy giới thiệu khá đầy đủ về lý thuyết, nguồn gốc, phát sinh, phát triển, sự khác nhau về các quan niệm, quan điểm của phê bình sinh thái… Bằng những phân tích, nhận định tinh tế sắc sảo, Tịnh Thy đã làm sống động các vấn đề lý thuyết phức tạp vốn rất dễ trở thành tiêu bản, đồng thời chứng minh tính hiệu quả của lý thuyết ấy bằng những khám phá nghệ thuật mới mẻ, độc đáo mà các lý thuyết phê bình tiền hiện đại, hiện đại khó nhận ra, thậm chí khó thừa nhận.”

Để thuyết phục người đọc hơn, tác giả chuyên luận đã dành chương cuối cùng của công trình để đi vào thực hành phê bình các tác phẩm văn học dưới sự rọi chiếu của lý thuyết phê bình sinh thái. Đối tượng mà tác giả chuyên luận lựa chọn khá đa dạng và rộng mở, không thuộc duy nhất một nền văn học cụ thể của một quốc gia hay một giai đoạn văn học. Điều này cũng xuất phát từ tính liên ngành, liên văn hóa của phê bình sinh thái. Đối tượng được tác giả chuyên luận hướng tới là bộ ba truyện ngắn: Kiến và người, Mối và người, Nhện và người và tiểu thuyết Trăm năm còn lại của Trần Duy Phiên; Thập giá giữa rừng sâu của Nguyễn Khắc Phê; Thơ Haiku Nhật Bản; Totem sói của Khương Nhung. Với mỗi đối tượng nghiên cứu, Nguyễn Thị Tịnh Thy có cách tiếp cận riêng biệt. Tác giả đã đi sâu vào thế giới của mỗi nhà văn để làm rõ đặc trưng lối viết nghiêng về tư tưởng sinh thái của họ. Từ đó, người đọc thấy rằng tiếng nói của nghệ thuật trong việc lấy lại màu xanh cho trái đất là không kém phần quan trọng so với tiếng nói của các ngành khoa học khác. Với bộ ba truyện ngắn của Trần Duy Phiên, tác giả cho rằng đó là những tác phẩm văn học sinh thái hiếm hoi góp phần khỏa lấp mảng trống của dòng văn học này trong văn học Việt Nam đương đại. Sáng tác của Trần Duy Phiên là văn chương sinh thái đích thực, nó nằm ngoài sự thờ ơ của các nhà văn Việt Nam trước vấn đề sinh thái. Đánh giá về Thập giá giữa rừng sâu của Nguyễn Khắc Phê, tác giả cho rằng tất cả những yếu tố nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đều thể hiện tâm huyết chuyển tải những vấn đề liên quan đến thời sự về môi trường đang diễn ra từng ngày ở nước ta, góp thêm một tiếng kêu cứu từ rừng xanh, cho rừng xanh… Dưới nhãn quan phê bình sinh thái, tác giả đã đưa đến cho người đọc những góc nhìn khác về tác phẩm Tôtem sói, đứng từ sinh thái trung tâm luận. Tôtem sói Khúc hoan ca của đại tự nhiên, là Khúc tụng ca về sói thảo nguyên, là Khúc tráng ca về sự sinh tồn, là Khúc bi ca tiễn biệt thảo nguyên… Đồng thời trên quan điểm “đối thoại”, tác giả còn phản biện vấn đề dân tộc học được luận giải thông qua tự nhiên học của nhà văn Khương Nhung.

Hiện nay trên Youtube đang lưu hành một đoạn video ngắn, trong đoạn video đó người ta đã đưa ra một giả định rằng “Trái đất sẽ ra sao sau khi con người biến mất.” Và sau đây là câu trả lời từ chính đoạn video ấy: “Sau khi con người rời khỏi trái đất hoàn toàn, trong vòng 24 đến 28 giờ điện sẽ tắt. 3 ngày sau, tàu điện ngầm sẽ bị ngập. 10 ngày sau khi con người biến mất, vật nuôi sẽ chết, hoặc chúng phải sống trong luật rừng của những nhóm vật nuôi ăn thịt. Một tháng sau sẽ xuất hiện hàng loạt vụ nổ hạt nhân cày nát bề mặt trái đất. Động vật sẽ chết vì ung thư. Một năm sau, vệ tinh hay bất cứ cái gì loài người gửi lên không gian đều sẽ rơi xuống. 25 năm sau, đường phố sẽ được phủ kín bởi những thảm thực vật và nhiều thành phố sẽ chìm trong cát. Thiên nhiên sẽ phá hủy mọi thứ mà con người đã tạo nên. 300 năm sau, tháp Eiffel sẽ sụp đổ, hay bất cứ công trình nào làm bằng thép, kim loại cũng sẽ sụp đổ trước sức mạnh của thiên nhiên. Đầm lầy bắt đầu trở nên phổ biến, các loại sinh vật sẽ sinh sôi. 500 năm sau sẽ không còn các dấu vết của những thành phố hiện đại. Và rừng sẽ thay thế mọi thứ. 10000 năm sau, những gì chứng minh con người đã từng tồn tại là các công trình bằng đá như Kim tự tháp, Vạn Lý Trường Thành, các vị tổng thống bằng đá ở Hoa Kỳ... 50 triệu năm sau, chỉ còn lại vài mảnh chai nhựa, mảnh thủy tinh của con người và chúng sẽ hoàn toàn biến mất sau 100 triệu năm. 300 triệu năm sau khi con người biến mất, sẽ chẳng có bất cứ một cái gì của con người còn sót lại trên trái đất. Nếu các sinh vật ngoài hành tinh đến trái đất sẽ chẳng bao giờ biết được rằng chúng ta đã từng tồn tại. Trái đất sẽ được trở về với sinh khí vẹn toàn của nó.”

Như vậy con người cần Trái đất để sống, để mơ mộng và sáng tạo, để yêu thương, để cống hiến… chứ Trái đất không nhất thiết cần đến con người. Con người đã gây ra trăm nghìn vết thương cho Trái đất nhưng Trái đất sẽ tự hồi sinh. 300 triệu năm để hồi sinh đối với Trái đất không phải là khoảng thời gian quá lớn. Trong khi mọi ngành đang quan tâm tới sinh thái toàn cầu thì Phê bình văn học Việt Nam, thiết nghĩ, không thể chậm hơn được nữa.

L.M.P  
(TCSH339/05-2017)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Sa ngã (22/05/2017)
Hoa nở tháng 5 (18/05/2017)