Tạp chí Sông Hương - Số 339 (T.05-17)
Chủ nghĩa siêu hiện đại: một dẫn nhập ngắn
14:16 | 30/05/2017

Chủ nghĩa siêu hiện đại (meta-modernism) là trào lưu văn hóa xuất hiện vào khoảng nửa cuối thế kỷ XX và hiện đang thịnh hành ở phương Tây, nó xuất hiện trong một sự hồi đáp cũng như phản ứng lại với chủ nghĩa hậu hiện đại (post-modernism).

Chủ nghĩa siêu hiện đại: một dẫn nhập ngắn
Ảnh: internet

Chủ nghĩa hậu hiện đại phân mảnh cực hạn nhân vị khiến xã hội chông chênh, dò dẫm; siêu hiện đại xuất hiện để tìm về một thứ đại tự sự mới, ngõ hầu làm cứu cánh cho những hồi đổ vỡ trong tâm tưởng của con người cuối thế kỷ XX nhưng vẫn không làm mất đi tính độc đáo của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Chủ nghĩa siêu hiện đại: Một dẫn nhập ngắn” đã được ấn hành trên tạp chí văn học Berfrois, xuất hiện lần đầu tiên tại phòng trà Queen Mob, phỏng theo cuộc nói chuyện diễn ra ở Royal College of Art vào tháng 11/2014. Luck Turner là nhà nghệ sĩ người Anh và là đồng biên tập viên của trang Notes on metamodernism (Những ghi chú về chủ nghĩa siêu hiện đại). Turner cũng chính là người đã viết “Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu hiện đại” (The metamodernist Manifesto).
Bài chuyển ngữ gửi tới bạn đọc dưới đây là sự mở đầu cho loạt bài về siêu hiện đại sẽ được đăng tải ở trên Sông Hương, hy vọng có thể là tờ báo đầu tiên du nhập lý thuyết này về Việt Nam.
SÔNG HƯƠNG
    


LUKE TURNER

Vào những năm gần đây, chủ nghĩa siêu hiện đại (metamodernism) là thuật ngữ đã giành được nhiều sự quan tâm xem như đó là phương thức chỉ sự phát triển trong văn hóa đương đại, nền văn hóa được coi là đã vượt qua mô hình hậu hiện đại ở cuối thế kỷ XX, và thế hệ của chúng ta xuất hiện để nhìn nhận sự vượt qua này một cách hết sức tự nhiên. Trước sự trỗi dậy của vô số các cuộc khủng hoảng diễn ra vào hai thập niên cuối của thế kỷ trước - như biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính và sự leo thang của những xung đột toàn cầu - chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của một ham muốn chung rất rõ ràng, nhắm đến việc thay đổi và vượt qua “hồi kết của lịch sử” như đã được tuyên bố một cách quá vội vã.

Thế hệ chúng ta lớn lên vào khoảng những thập niên 80 và 90, lúc mà khuynh hướng hoài nghi và giễu nhại hậu hiện đại có trong các bộ phim hoạt hình The Simpsons South Park được coi là cái gì đó ăn sâu trong mỗi người, đến nỗi chúng được xem là đã được lập trình một cách tự động nơi mỗi cá nhân. Tuy nhiên, mong mỏi để đem lại một điều có ý nghĩa - vì lòng thành thật, sự biểu hiện và sự tiến triển mang tính xây dựng - đã đến với chúng ta nhằm thiết lập một mô hình văn hóa thịnh hành trong giai đoạn hiện nay.

Khi mà chủ nghĩa hậu hiện đại được đặc trưng bởi giải kiến tạo, giễu nhại, phỏng tác, thuyết tương đối, chủ nghĩa hư vô và sự loại bỏ các đại tự sự thì tranh luận quay xung quanh chủ nghĩa siêu hiện đại gắn với sự tái xuất của tính chân thật, niềm hy vọng, chủ nghĩa lãng mạn, sự xúc động và tiềm năng dành cho các đại tự sự cũng như những chân lý phổ quát, trong khi vẫn không làm mất đi toàn bộ những gì mà chúng ta đã tiếp thu từ chủ nghĩa hậu hiện đại.

Vì thế, điều này phần nào đang báo hiệu cho một cuộc trở lại với các lập trường tư tưởng hiện đại ngây thơ, chủ nghĩa siêu hiện đại cho rằng kỷ nguyên của chúng ta được đặc trưng bởi sự cầm chừng giữa những phương diện của cả chủ nghĩa hiện đại lẫn chủ nghĩa hậu hiện đại. Chúng ta thấy rằng tuyên ngôn này như là một loại hình của tính ngây thơ thuần phác, một chủ nghĩa duy tâm dụng hành, một chủ nghĩa huyền ảo ôn hòa, dao động giữa chân thật và giễu nhại, giữa giải kiến tạo và kiến tạo, giữa tính lãnh đạm và tính dễ xúc động, để cố gắng đạt tới với một vài loại hình của lập trường siêu nghiệm, nếu như điều đó đã có ở trong sự thấu hiểu của chúng ta. Thế hệ siêu hiện đại hiểu rằng chúng ta có thể sở đắc được cả chân thật lẫn giễu nhại trong cùng một thời điểm; nhưng tất nhiên ta sẽ không bị thui chột thành một con người khác.

Việc sử dụng tiền tố meta ở đây lấy từ chữ metaxis của Plato, để mô tả một sự cầm chừng và tính đồng thời giữa và xuyên qua các đối cực mãnh liệt. Lối sử dụng này đã được đề xuất lần đầu tiên bởi những nhà phê bình văn hóa người Hà Lan là Timotheus Vermeulen và Robin van den Akker trong tiểu luận của họ vào năm 2010, Notes on metamodernism (Những ghi chú về chủ nghĩa siêu hiện đại), mở ra một dự án nghiên cứu và một website cùng tên cũng như rất nhiều những hội thảo và các cuộc triển lãm, với sự tham gia của rất nhiều học giả, nhà văn và các nhà nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới.

Như Vermeulen và van den Akker đã nhận định, sự cầm chừng của chủ nghĩa siêu hiện đại sẽ không được xem như là một sự cân bằng; “đúng hơn, nó là một con lắc đu đưa giữa 2, 3, 5, 10, vô số cực. Ở vào thời điểm mà sự nhiệt huyết siêu hiện đại đưa đến chủ nghĩa huyền ảo thì lực hấp dẫn kéo nó trở lại sự giễu nhại; vào thời điểm sự giễu nhại của nó lắc lư về tính lãnh đạm thì lực hấp dẫn kéo nó trở lại sự nhiệt huyết.”

Sự nhạy cảm siêu hiện đại này có thể được tìm thấy, ví dụ, ở trong những bộ phim của Wes Anderson, Miranda July, và Spike Jonze; trong âm nhạc của Arcade Fire, Bill Callahan, và Future Islands; trong kênh TV từ Parks and Recreation to Breaking Bad; trong các tiểu thuyết của David Foster Wallace, Zadie Smith, và Roberto Bolano; trong thơ của Jasmine Dreame Wagner, Sophie Collins, và loại hình truyền thông đa phương tiện gần như mang tính huyền thoại của Melissa Broder. Trong nghệ thuật thị giác, chúng ta đã thấy được sự thay đổi làm mất đi những đoàn tàu ý niệm không có thực của YBAs, hay những loại đồ chơi châm biếm được thổi phồng một cách ngây ngô, để hướng đến sự tái nối kết với tính cụ thể, tính dễ xúc động và cái cao cả, được tìm thấy ở trong tác phẩm của những nhà nghệ sĩ như Olafur Eliasson, Peter Doig, và Guido van der Werve.

Thời đại của chúng ta cũng là một giai đoạn chứng kiến những mô hình tư duy biện lý dần dần xuất hiện và ngày một thịnh hành, với các loại hình triết học như thuyết duy thực tư biện (speculative realism) và hữu thể học định hướng đối tượng (object oriented ontology), cũng như những trào lưu Occupy, Tea Party, và sự xuất hiện của các bè phái chính trị cực đoan (tốt hơn hoặc xấu hơn), đã thúc đẩy một nền văn hóa liên mạng. Tuy nhiên chủ nghĩa siêu hiện đại tự nó không được chú ý đến như là một triết học hay một trào lưu nghệ thuật, vì nó không định nghĩa hay không phác họa nên một hệ thống tư tưởng chặt chẽ, hoặc ban bố cho bất kỳ một tập hợp các giá trị thẩm mỹ đặc thù nào cũng như phương pháp luận. Chủ nghĩa siêu hiện đại không có tuyên ngôn - mặc dù, chính bản thân tôi là một nhà nghệ sĩ, tôi cũng không thể chịu được sự thúc bách để hình dung về nó nếu như nó đã có, với tuyên ngôn năm 2011 của tôi, một cuộc diễn tập đồng thời đi định nghĩa và uốn nắn tinh thần siêu hiện đại; ở đó có cả sự mạch lạc lẫn sự ngớ ngẩn, một điều đứng đắn nhất và một chút tự đạp đổ, nhưng dù sao, sau cùng, thì nó cũng đem lại cho tôi chút hy vọng và lạc quan.

Như thế chủ nghĩa siêu hiện đại không đề xuất bất kỳ loại hình nào về lối nhìn không tưởng, mặc dù nó tiến hành mô tả hoàn cảnh mà ở đó có sự mong mỏi không tưởng, dẫu cho bản tính vô ích của những điều không tưởng có đến từ phía trước. Diễn ngôn siêu hiện đại vì thế là một mô tả hơn là một chiếu chỉ; bao gồm phương thức của việc thể hiện những sự phát triển bất toàn được liên kết với một cấu trúc cảm nghĩ vì nói đến siêu hiện đại như là một cuộc phê bình hậu hiện đại có thể coi là đã đủ, thế nhưng những nẻo đường trong tương lai của nó thì hãy còn cần được kiến tạo thêm.

Tuệ Đan chuyển ngữ
Nguồn: http: metamodernism.com  
(TCSH339/05-2017)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mùa vàng (29/05/2017)
Sa ngã (22/05/2017)