Tạp chí Sông Hương - Số 339 (T.05-17)
Du hành và văn hành vào thế kỷ XVIII: khi con người du hành thuật lại kinh nghiệm những chuyến đi
09:52 | 02/06/2017


MICHEL BIDEAUX

Du hành và văn hành vào thế kỷ XVIII: khi con người du hành thuật lại kinh nghiệm những chuyến đi
Ảnh: internet

Lời dẫn của người dịch:

Từ ngày có chính sách mở cửa, người Việt Nam có cơ hội đi đây đi đó nhiều hơn, vượt ra ngoài những địa vực truyền thống, ngay trong nước hay trên thế giới, mở tầm mắt ra nhiều vùng văn hóa trước đây chỉ biết qua sách vở, thực sự đặt chân đến những vùng địa lý trước đây chỉ thấy qua phim ảnh sách báo: có điều kiện để mơ tưởng về những đường chân trời hoàn toàn khác, không và không thể cố định. Đi xa đi nhiều trở nên là chuyện bình thường đối với một số người Việt Nam có điều kiện, có cơ hội. Nhưng chỉ có một số ít là muốn (hay không cưỡng lại được cám dỗ của ngòi bút) viết ra những điều tai nghe mắt thấy (có khi cả tay sờ mũi ngửi), muốn chia sẻ những cảm nhận chủ quan về cái thiên hạ bao la, và nhất là muốn công bố qua một dạng thể loại nào đó, tự sự hay ký sự, những trải nghiệm theo dòng lôi cuốn hấp dẫn của “con đường thiên lý”.

Những kinh nghiệm “du hành” rồi «văn hành» như thế đã hiển lộ ra như thế nào đây đó trong lịch sử nhân loại, đặc biệt với những nhà thám hiểm nổi tiếng đã liều mình căng buồm đi đến cùng trời cuối đất, đôi khi chỉ để chứng minh quả đất là tròn và nhân loại không chỉ có một màu da, một sắc tộc, một chân lý hay một “Thượng đế” phải tôn vinh?

Giáo sư người Pháp
Michel BIDEAUX, nhân một chuyến thỉnh giảng tại ĐH Ngoại ngữ Huế, đã có một buổi diễn thuyết tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Huế (cuối tháng 11/2012) với chủ đề (nguyên văn tiếng Pháp) “Raconter ses voyages au XVIIIè siècle”:Khi con người thế kỷ XVIII thuật lại những chuyến du hành. Trong tương quan với những nhận xét nêu trên, nhận thức được sự mới lạ của chủ đề, sau khi trao đổi và được sự đồng ý của Giáo sư M.Bideaux, người phiên dịch đã biên tập lại báo cáo của Giáo sư để giới thiệu với độc giả Việt Nam một cách nhìn về những kinh nghiệm “đi và/ rồi viết” cách đây hơn ba thế kỷ ở một châu Âu sôi sục ước muốn khám phá chinh phục những miền đất mới, với những viễn ảnh rất khác nhau: có người là nhà nghiên cứu tự nhiên thực thụ mong muốn mở rộng tầm hiểu biết của nhân loại về ngay chính những gì đang sinh sôi diễn ra trái đất, có người lại tính toán khai thác của ngon vật lạ nhằm tích lũy của cải, nhằm chuẩn bị cho một châu Âu tư sản và tư bản, có người đã toan tính đến những vấn đề quốc phòng hay địa chính trị. Tất cả những con người như thế, dấn thân “đi và viết” không thể nào hoàn toàn vô tư, đã ít nhiều ảnh hưởng lâu dài đến cục diện nhiều vùng đất trên hành tinh cho đến tận hôm nay. Nhưng những nhà thám hiểm nào có biết về những lục địa họ sẽ đặt chân đến, về những sắc dân họ sẽ tiếp xúc: cái viễn ảnh viễn thám viễn thú (exotisme) lại càng làm họ hăm hở lên đường bất chấp những hiểm nguy không lường hết được.

Thế nhưng nhà thám hiểm có lường hết được những dạng rủi ro hiểm nghèo vô hình khác khi họ phóng bút? Văn đàn có phải là một “lục địa” định hình với những “sắc tộc - độc giả” chinh phục dễ dàng hơn? Và vĩnh viễn duy nhất một lần?


Lê Đức Quang
   


MICHEL BIDEAUX

Vì sao phải công bố những tự thuật về các chuyến du hành? Vì những kinh nghiệm ẩm thực, vì được thưởng thức những của ngon vật lạ trên đường du hành (vốn là việc của người chuyên viết thời luận về ẩm thực)? Vì những khó khăn thử thách về tính mạng sức khỏe đã phải nếm trải? Và vì sao giới độc giả, mà trước hết là nhà xuất bản, có thể để mắt quan tâm đến một biến cố trải nghiệm có vẻ riêng tư cá nhân?

Giữa một bên là những điều đáng nói, đáng kể ra về chuyến du hành và một đàng là ý đồ công bố xuất bản dường như có một khoảng cách.

Trong các thư viện, thư mục vềVăn học du hành chỉ ra những ấn phẩm với những chủ đề rất đa dạng: du hành vì ham thích (ngày nay gọi làdu lịch: điều cần lưu ý là từdu lịch chỉ xuất hiện trong tiếng Anh lần đầu tiên vào năm 1811, rồi mãi ba mươi năm sau mới xuất hiện trong tiếng Pháp); du hành vì tìm tòi nghiên cứu, khảo cổ hay thám hiểm: thời đó còn biết bao địa vực cần khám phá, sâu bên trong châu Phi, cả Thái Bình Dương bao la, châuphương Nam mơ hồ vẫn còn hấp dẫn bao trí tưởng tượng... Những địa bàn nhắm đến là muôn màu muôn vẻ, một số được xếp hàng ưu tiên: chẳng hạn nước Ý muôn đời hay chuyến đi lớn vòng quanh các nước châu Âu của những người trẻ Anh thuộc giới quyền quý (gọi là hoàn thiện học thức thì phải có cơ hội cọ xát với nền văn minh lục địa bên kia biển Manche), các nướcphía mặt trời mọc như đế chế Thổ (hơn là vì vùng Đất Thánh) hay châu Đại Dương cho những ai có máu hải hồ mạo hiểm... Những vùng đấtnội hạt kề cận cũng hấp dẫn không kém: với người Anh là các xứ Ecosse hay Ireland, với người Pháp là các vùng tỉnh lẻ ngay chính trên đất Pháp.

Vì là một dạng văn học, thể tự sự hay thuật chuyện cũng đòi hỏi sự chú ý đến văn phong theo nghĩa rộng nhất của từ này. Điều đáng nói là các nhàtự sự này thường không phải là những cây bút chuyên nghiệp. Nhà thám hiểm Bougainville [1729 - 1811], tiếp theo chuyến đi những năm 1766 - 1769, trong một ấn phẩm xuất bản năm 1771, đã lưu ý độc giả là ông chỉ muốn viết ra “một trước tác có tính mua vui: dành chủ yếu cho các thủy thủ [...] Dù thiếu thời có học hỏi các môn khoa học [...] nhưng giờ đây chẳng còn mấy quan tâm đến những nghiên cứu học thuật về khoa học hay văn chương”.

James Cook [1728 - 1779], trong lời tựa bản tiếng Pháp kể về chuyến đi thứ hai (1778), đã nói rõ: “Người viết ra trước tác này không có mấy cơ hội cắp sách đến trường, ngược lại thiếu thời đã sớm khám phá biển hồ” “do đó cũng chẳng có mấy cơ hội trau dồi chuyện văn chương. Độc giả không nên mong đợi một văn phong trau chuốt như từ một văn nhân tài hoa”. J.Cook đề nghị độc giả xem ông “như một con người đơn sơ nhưng nhiệt huyết, dành trọn vẹn sức mình phục vụ đất nước, mong muốn thuật lại những chuyến hải hành trong khả năng có thể”.

Vào đầu thế kỷ, W. Dampier [1652-1715], người giữ kỷ lục đương thời về thám hiểm vòng quanh thế giới, không ngại ngần khi xin độc giả thứ lỗi: “Về văn phong thì xin quý vị đừng trông chờ sự lịch thiệp lễ độ ở một kẻ quen lênh đênh trên biển hồ. Nếu như có khả năng viết lách lễ phép, tôi cũng chẳng mấy bận tâm về chuyện như vậy trong một trước tác về chủ đề này. Tôi tin là mình chỉ muốn viết sao cho thật dễ đọc dễ hiểu thì viết theo lối nào cũng được”.

Sau một chuyến viễn dương dài ngày, lại vốn không có khiếu trong văn hóa viết, con người hải hành thực tế có còn nhiều thời gian để trau chuốt hoàn thành một tác phẩm tự thuật đủ sức lôi cuốn công chúng?

Tóm lại là đã có ba nhân vật nêu trên tỏ rõ viết lách là việc chẳng mấy dễ dàng: một đàng là kinh nghiệm du hành, một đàng là mong đợi của độc giả. Kể lại chuyến đi trong khả năng có thể và không có sự bóng bẩy của một cây bút tài năng, đó là trường hợp của Cook; viết nhắm đến giới thủy thủ, đó là trường hợp của Bougainville, người đã tự hào là không viết choloại ủy mị nữ tính thuộc cả hai giới; viết sáng sủa rõ ràng, dù không diễn đạt được chođúng phép, đó là trường hợp của Dampier. Thế sự đón nhận từ phía công chúng? Dampier đã viết không khó khăn lắm theo như cách đã nói. Cook đã phải cậy đến sự hỗ trợ của một cây bút chuyên nghiệp. Bougainville, người tự tin là cần vận dụng những thuật ngữ kỹ thuật trong ngành, đã bị giới độc giả học thức thượng lưu phê phán là viết một loạithổ ngữ của giới thủy thủ: Galiani, tu viện trưởng thuộc giới vương gia, bày tỏ làthích đọc về Tahiti với những cái thần kỳ của đảo này hơn là những từ kỹ thuật chuyên môn của riêng ngành hàng hải.

Những phản ứng từ độc giả dù chừng mực như vậy cũng có phần thái quá: thật ra những mô tả của Bougainville đã gây thích thú cho người đọc. Bằng chứng là một thuyền viên đi cùng với thuyền trưởng Cook, trước cảnh sắc hớp hồn của quần đảo Tonga, đã phải thốt lên là ngài Bougainville hẳn đã có thể có cơ hội phóng bút vẽ ra một bức tranh tuyệt mỹ trước một cảnh quan như vậy! Có thể chỉ là một lời nhận xét bông đùa, nhưng phần nào đã chứng minh cho việc đánh giá chất lượng văn phong của nhà thám hiểm nổi tiếng của nước Pháp.

Con người thuật chuyện cũng có thể tham khảo những trangvăn mẫu. Bão tố trên biển cả thật ghê hồn và thật thuận tay thuận tiện khi mô tả bão táp phong ba theo như kiểu mẫu đã xuất hiện trong tác phẩm Enéide [khoảng 29 - 17 tr.CN], trong đó Virgile [70 - 19 tr.CN] mô tả đoàn tàu thành Troie trong cơn bão tố. Một người đi biển như La Barbinais le Gentil thì lại chê văn phong sáo ngữ của một Gongora [1561 - 1627] và chọn cách mô tả theo như những cảm giác sống động thực sự của những phận người lênh đênh trên đại dương khi phải đối mặt với những cơn thịnh nộ của biển cả.

Vì thế, viết tự sự hay viết nhật ký, một buổi tối trong một quán bên đường ở một cảng nào đó, là vượt quá sức người sau một chuyến hải hành dài dằng dặc. Với tư cách chỉ huy một con thuyền, vị thuyền trưởng đã phải gánh chịu bao gian khổ chồng chất: nào là phải thương thảo sòng phẳng với thủy thủ đoàn, với chủ tàu, nào là phải phải tính đến việc tranh thủ được lòng những vị tai mắt dư luận đương thời, quý vị quân vương haynhà tài trợ... Chúng ta có kinh nghiệm là bìa một cuốn sách ghi nhận một sự việc thường nhật hay một kỷ lục thể thao ngày nay thường ghi thêm tiếp theo sau tên tác giả là dòng chữ với sự cộng tác của ngài X... v.v.

Ký ức về một chuyến thám hiểm lớn luôn ghi nhớ tên người chủ xướng hay rõ hơn nữa là người lãnh đạo chuyến viễn trình. Và không có gì bắt buộc con người này sẽ là tác giảtrăm phần trăm của trước tác kể về chuyến đi. Khi chuyến viễn hành chỉ có độc nhất một con tàu, tác phẩm tự sự có thể để lộ ra sự góp mặt của một cây bút thứ hai, thậm chí là một cách nhìn khác. Chẳng hạn như trong chuyến đi đầu tiên, thuyền trưởng Cook đã không ngần ngại sử dụng những nhật ký ghi chép của của các bạn đồng hành để làm phong phú thêm thông tin cho những trang viết của bản thân, đặc biệt là cóvận dụngnhững ghi chép của Joseph Banks, một nhà nghiên cứu tự nhiên có tầm cỡ: việc này đã giúp cho vị thuyền trưởng điều chỉnh bổ sung những nhận xét về loài chuột túi kangourou...

Thuyền trưởng Bougainville cũng đã hành động tương tự: vị chỉ huy con tàu La Boudeuse nổi tiếng hành động chẳng mấy khác khi dựa vào thu thập thông tin từ các nhật ký có được từ tàu tiếp liệu hậu cần Etoile. Các bản nhật ký hải hành này, cũng như ngay chính nhật ký của vị thuyền trưởng chúng ta, khi cập bến sẽ phải giao nộp cho quan chức phụ trách về hàng hải: có khác là trước khi giao nộp, vị thuyền trưởng tên tuổi đã tham khảo thoải mái để theo đó viết ra những trang cá nhân. Mà đám thuộc hạ trên tàu cũng được quyền làm như vậy: vào thời đó ghé mắt liếc qua những gì bạn đồng hành viết không có gì là cấm kỵ...

Sự tham gia góp bút của John Hawkesworth [1715 - 1773] trong nhật ký chuyến thám hiểm thứ nhất của thuyền trưởng Cook là một minh chứng cho một phương thức phức tạp hơn nữa. Nhạc sĩ tài danh Charles Burney [1726 - 1814], nhân vật tầm cỡ trong giới nghệ thuật, đã giới thiệu Hawkesworth với Bộ Hải Quân Anh vốn đang tìm kiếm một người biên tập cho những chuyến viễn thám do Anh Quốc thực hiện gần đây nhất, dưới sự chỉ huy của các thuyền trưởng G.Byron, S.Wallis, P.Carteret, J.Cook. Vì rất muốn lấy lòng Bộ Hải Quân Anh, lại thêm Joseph Banks rất có uy tín với Bộ này (do vị thế xã hội và gia sản, cộng với hoạt động khoa học), Hawkesworth đã được mời viết một lời dẫn cho chuyến thám hiểm 1768 - 1771 và ông không để lỡ cơ hội tán tụng hết lời... nhà nghiên cứu tự nhiên J. Banks: tên của thuyền trưởng Cook chỉ bắt đầu xuất hiện ở trang 4 trên những cơ sở tương đốihạn chế:

“Theo những tư liệu do ngài Banks cung cấp, tôi đọc được những sự kiện và những quan sát mà thuyền trưởng Cook đã không thu thập: các vùng đất khám phá, sản phẩm địa phương, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, tôn ti trật tự và ngôn ngữ các cộng đồng sở tại, tất cả được mô tả đầy đủ hơn, vượt ngoài tầm khả năng của một vị chỉ huy hàng hải vốn đương nhiên có những nỗi lo toan hoàn toàn khác. Như thế công chúng độc giả sẽ phải nghĩ đến công lao của ngài Banks khi có được những kiến thức như trên.

Tôi không thể không mừng cho đất nước chúng ta với hy vọng về những thuận lợi và niềm vui mà ngài Banks đã gợi mở thông qua phần đóng góp lớn lao cho trước tác tự sự này đây.”


Tính toán như thế đã gặt hái kết quả như mong muốn: bản dịch sang tiếng Pháp vẫn nêu tên thuyền trưởng Jacques Cook, thế nhưng, theo như cách đóng tập của bản lưu tại Thư viện Đại học Sorbonne, trên trang bìa sau tất cả bốn tập của Hawkesworth đều có dòng chữ “Chuyến du hành của ngài Banks”...

Mặt khác còn có một áp lực rất bình thường đối với loại tự sự về du hành và chưa bao giờ được giải quyết thỏa đáng. Đó là làm sao hài hòa được hai yêu cầu: trình bày về chủ đề đồng thời trình bày dòng sự kiện. Lại càng khó khăn hơn nữa khi có một độ chênh giữa một chuyến thám hiểm hết sức đặc biệt đáng nể, nghĩa là có thể hấp dẫn lôi cuốn người đọc, với áp lực về các chặng du hành hay áp lực về thời gian vốn hạn chế một sự quan sát mới mẻ sâu sắc. Dampier đã nhiều lần bày tỏ điều này, khi thay đổi hành văn sau một hồi mô tả (theo kiểu tu từ, nguyên văn tiếng Anh,But to proceed with our Affairs, “Để trở lại với câu chuyện của chúng ta...”). Hay như khi cũng Dampier báo với độc giả là sẽ cónhững trang viết trong đó chen lẫn vừa về nơi chốn vừa về hành động, theo thứ tự thời gian, như thế buộc ông phải ghi vào nhật ký hành trình những điều quan sát được hàng ngày.

Thuật lại chuyến viễn xứ: dạng nhật ký, khảo luận hay thư tín?

Có thể kể về trường hợp điển hình như Arthur Young, một nhà nông học và là nhà quan sát nghiên cứu sâu sắc những thực tế của xã hội Pháp thời đó (sau đó đối chiếu với những gì diễn ra ở Anh Quốc). Ông đã có nhiều chuyến du hành sang Pháp trước khi Cách mạng tư sản năm 1789 nổ ra. Một người chỉ mong muốn du ngoạn khám phá có thể chẳng đặt trọng tâm vào chuyện viết lách thế nhưng khi đặt bút cũng phải phân vân tự hỏi kinh nghiệm chuyến đi sẽ được trình bày theo khuôn phép văn phong nào đây. Young đã kể ra ba dạng: dạng nhật ký từng ngày tháng, dạng nhật ký dưới hình thức thư tín và dạng chuyên khảo về những điều đã quan sát được. Young nhận xét thêm: “Một người có tài năng thì chọn hình thức nào đi nữa cũng chẳng mấy quan trọng: những thông tin kiến thức thu thập luôn bổ ích và hấp dẫn người đọc. Nhưng với những ai không thực sự có tài năng nổi bật thì phải cân nhắc kỹ lưỡng việc chọn lựa hình thức này kia.” Xét cho cùng, người có tài thì chẳng cần phải suy ngẫm nhiều về hình thức: việc này nên để cho những ai có trình độ tư duy hạn chế.

Cần phải nói thêm là những bức thư có thể (một phần hay toàn bộ) là chuyện huyễn ảo (La Barbinais le Gentil, de Brosses). Hình thức hay thể loại trình bày không nói trước được về chất lượng tự thuật hay thông tin của chuyện kể về du hành.

Thực tế là sự đắn đo của Young xuất phát từ một truyền thống lâu đời với dạng du hành tìm hiểu khám phá (voyage informatif). Nhà du khảo không những phải lôi cuốn được người đọc vào dòng tự thuật về chuyến đi, về thời khóa, mà còn phải cung cấp cho độc giả kiến thức hiểu biết về một đối tượng chủ đề mà ngay chính độc giả có thể chưa am tường đầy đủ. Theo chiều hướng như vậy, những dòng tự sự của các nhà truyền giáo dòng Tên được xếp đặt theo thứ tự thời gian chuyến đi. Tiếp theo đó là mộttập hợp rất nhiều thứ khác nhau đã không thể sắp xếp được vào đâu theo dòng thời gian của câu chuyện, nhưng người kể lại xem những kiến thức thông tin về một vùng đất mới như vậy là rất quý báu, với viễn ảnh khai thác thuộc địa hay phục vụ cho mục đích truyền giáo.

Đến thế kỷ XIX, mối bận tâm như thế bịcuốn trôi theo con nước chẳng còn nữa: mong muốn của nhà du hành là lôi cuốn người đọc vào một cuộc thám hiểm cá nhân và theo như trải nghiệm chủ quan, còn chuyện sưu tầm tư liệu là thứ yếu. Khuynh hướng này lộ rõ nhất nơi nhà văn Stendhal [1783 - 1842] dù trước đó người ta đã chớm thấy nơi con người Montaigne [1533 - 1592] trong một chuyến đi dài ngày sang Đức và Ý. Hiện tượng chuyên môn hóa kiến thức về sau lại càng đẩy mạnh đẩy sâu hơn nữa khuynh hướng này.

Vấn đề kiểm duyệt


Về sau độc giả sẽ càng hiểu hơn nữa vì sao con người du hành không có cái quyền thuật lại hết mọi chuyện tai nghe mắt thấy, không muốn làm mất lòng những vị đã tài trợ tạo điều kiện cho chuyến đi, lại càng không muốn xung khắc với những định kiến vốn có ở quê hương mình về mọi mặt, chính trị, tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán... Sẽ chẳng bao giờ có chuyện đề cập vấn đề đồng tính chẳng hạn, mộttội đương thời có thể dẫn đến án tử hình.

Có một giai thoại để đùa cợt trong giới hàng hải chẳng mấy nghiêm trọng, đương sự có thể tự kiểm duyệt đi thôi: đó là chuyện nhăng nhít của ngài Banks được thuyền trưởng Cook báo cáo trong thư gửi cho Bộ Hải Quân Anh Quốc. Chuyện là trong chuyến đi thứ hai vòng quanh thế giới, ba ngày trước khi cập bến Madère (Bồ Đào Nha) Cook được biết là có mộtông Burnett nào đó đã vội vàng rời khỏi Madère sau cả ba tháng trời cần mẫn nghiên cứu thảo mộc trong vùng. Thực tế làông này chính là một quý bà mong muốn đồng hành cùng với ngài Banks nhưng không thể xuất hành trên cùng chuyến tàu, đã đành phải lên đường trước và chờ ngài Banks ở Madère: biết tin ngài Banks không có trên chuyến tàu như toan tính ban đầu, quý bà đã phải vội vàng tất tưởi rời khỏi đảo.

Một thông tin sốt dẻo như thế hẳn nhiên là rất hấp dẫn độc giả nước Anh (nhất là giới báo chí ở Luân Đôn thời đó có thể xem là tiền thân của báo lá cải ngày nay!). Thế nhưng, đối với giới chức Bộ Hải quân, không có chuyện bêu rếu một ngài quý tộc cỡ như J.Banks, vừa giàu có, quyền uy và uyên bác, lại vừa là thuộc hoàng gia Anh và gia thế ngài Sandwich. Cho nên, không hở môi ra bên ngoài là điều tối thượng...

Ngoài ra, sau một chuyến thám hiểm đây đó, con người hải hành-tự sự cũng không muốn tiết lộ một số khám phá của bản thân: mục đích chính là nhằm đánh lừa một số đối thủ. Chủ trươngbít thông tin thường được cho là chính sách của người Bồ Đào Nha khi họ tiến hành những chuyến viễn dương lớn: thực tế cho thấy là nhiều nước khác cũng có một đối sách tương tự.

Chẳng hạn như trường hợp của Bougainville: trong ấn bản gốc của trước tác, ông đã không cung cấp vị trí toạ độ khi con tàu ra khỏi eo biển Magellan thuộc vùng Nouvelle-Guinée (hay chỉ là những toạ độ tương đối). Mục đích là không để cho các đối thủ hàng hải Anh Quốc biết được chính xác vị trí của một hòn đảo thần tiên Bougainville mới phát hiện: đó là đảo Tahiti. Bougainville đâu ngờ rằng thuyền trưởng người Anh Wallis đã tìm ra đảo này trước đó một năm... Vào năm 1772, một ấn phẩm của Wallis ra mắt công chúng như thế cũng đồng nghĩa là sự thận trọng của Bougainville chẳng còn cần thiết nữa. Thuyền trưởng Cook về phần mình giả vờ như ngạc nhiên trước lối hành xử của nhà thám hiểm Pháp: tại sao ngài Bougainville lại không chịu công bố các vị trí tọa độ nhỉ? Nhưng chính ông Cook cũng sẽ làm y như vậy, chỉ có khác là ít lộ liễu trắng trợn hơn thôi...

Một hiện tượng kiểm duyệt khác ít người biết đến, nghiêm trọng hơn, lộ liễu hơn nữa, đó là trường hợpbản thảo Vincennes, là một nhật ký hải hành của Bougainville được in và xuất bản qua trung gian của Bộ Quân lực Pháp thời đó. Trong bản thảo này, vị thuyền trưởng Pháp đã chỉ ra, trên đường thám hiểm, những đồn lũy chỗ này hay vị trí kia có thể dễ dàng chiếm lĩnh như Rio, Le Cap hay Batavia!

Hẳn nhiên là với những điểm đến ở trên đất liền quá đỗi quen thuộc (các nước châu Âu chẳng hạn, mà đầu tiên là nước Ý), những vẻ làm ra bí mật như trên chẳng còn hợp thời, nhất là khi mà những sách hướng dẫn du lịch đã xuất hiện từ lâu: tại Ý, bản Alberti ra đời từ năm 1550. Ngoại trừ trường hợp cần thông tin về các nước còn bị xem là mông muội,lạc hậu như xứ Ecosse hay Ireland.

Những du khách thời đó thường dùng các sách hướng dẫn để thiết lập lộ trình, ghi ra những nơi sẽ tham quan, chọn lựa khách sạn nhà nghỉ. Nhưng ngoài ra cũng còn vận dụng vào trước tác tự thuật cá nhân: để mô tả một ngôi giáo đường chưa đặt chân đến, một lâu đài không mở cửa cho du khách, nói chung, bất cứ địa điểm nào mà vị du khách-tự thuật chưa từng được tham quan, nhưng lại nghĩ rằng nên đề cập vì độc giả rất muốn biết. Ngoài ra có khi bản thân con người tự thuật cũng muốn lòe mị người đọc. Nhưng làm như thế không phải không có những rủi ro. Như trường hợp nhà văn Pháp Chateaubriand [1768 - 1848], trong tác phẩm “Hành trình từ Paris đến Jérusalem” (về chuyến đi năm 1806), đã dựa vào công trình của Pausanias (Giới thiệu về đất nước Hy Lạp) để mô tả chặng đường từ Argos đến Mycènes nhưng đã lỡ quên rằng Pausanias đã thực hiện chuyến đi theo chiều ngược lại: văn sĩ Pháp tài danh do đó đã định vị nhiều đền đài di tích bên trái đường mình đi trong khi thực tế lại nằm về bên phải (P.Antoine, Toàn tập, Nxb. Champion 2011).

Một độc giả thời nay, với vốn hiểu biết vừa phải, thường phát hiện không mấy khó khăn những dạngchép-dán ở một thuở xa xưa như vậy, ngay cả khi vị du hành tinh quái né tránh viết ratôi đã thấy quá lọc lừa và tìm cách che đậy bằng biện pháp tu từ phi danh xưng kiểungười ta có thể thấy được...hay dạng tự sự lịch sử, thậm chí vận dụng đại từ ngôi thứ hai kiểuquý vị sẽ thấy...: như thế này thì như buộc người đọc xem nhưđã phải thấy, bản thân người cầm bút lại không phải thú nhận là chưa từng thấy...

Mặt khác, về chuyện du hành, có những điểm đến ưu tiên hàng đầu. Một ví dụ kinh điển, đó là Chuyến Du Ngoạn Lớn của người Anh thời đó. Xu hướng như thế buộc trong dòng tự sự phải có những chặng dừng nhất định: không thể kể đến Tây Ban Nha mà không có cảnh đấu bò (mà đã là người Anh thì thường không mấy đồng tình với một tập quán như thế); đã nói đến Ý thì không thể không nói đến địa danh Lorette nơi có căn nhà Đức Mẹ hiện ra (Montaigne có đến thăm, treo vào đó một tấm nguyện cầu, là bằng chứng chuyến ghé thăm của nhà văn Pháp); hay là nói đến thành phố Naples thì buộc phải nhắc đến ngôi giáo đường nơi cất giữ máu thánh tích của thánh Janvier (với người Anh theo Tân giáo thì không khỏi có những nhận xét mỉa mai cay độc). Và không phải khách tham quan nào đến Rôma cũng có vinh dự được Giáo hoàng tiếp kiến, nhưng không được như thế thì vẫn còn khối chuyện để thuật lại như quan niệm cá nhân về thức ăn hay về tính lấy cắp vặt của mấy bác tài vetturini điều khiển xe ngựa du lịch.

Những trang tự sự về hải hành cũng có những điều đáng nhớ, may mắn là không phải chuyến đi nào cũng gặp phải bão tố trên biển để kể lại, thế nhưng nhiều cây bút vẫn không ngại tả cảnh bão tố theo như mẫu văn của Virgile, thậm chí... lấy ý tưởng từ những trước tác tự sự mới mẻ hơn nữa.

Đắm mình trong những trang miêu tả về chuyến đi vòng quanh lục địa, người đọc thế nào rồi cũng sẽ được đưa đi một vòng qua vùng phía nam châu Phi, qua mũi cực nam của châu Mỹ, một chuyến xuyên Thái Bình Dương hay được chứng kiến những nghi thức khi đặt chân lên tàu hay xuống tàu. Nhưng những người không có thiện cảm với tự sự về hải hành sẽ có chỗ để chê bai: J.R.Forster, một bác học Đức đồng hành với thuyền trưởng Cook, đã than vãn là chỉ thấy trời xanh với biển nước trong chuyến thám hiểm lần hai của Cook khi tàu rời đảo Pâques để trải qua một chuyến đi dài ngày xuyên Thái Bình Dương. Trước đó, ngay từ 1625, nhà chính khách-triết gia F.Bacon [1560 - 1626] đã không chia sẻ việc ham thích hải hành: trên đại dương thì từ ngày này sang ngày nọ chỉ thấy trời xanh mây nước, trong khi nếu cưỡi ngựa ngao du trên đất liền thì học hỏi được nhiều hơn về đất nước con người hay phong tục tập quán.

Tuy nhiên, nghe thuật lại những chuyến vòng quanh thế giới có thể dấy lên nơi người đọc nỗi hoài cảm về một thời của những con người quả cảm dấn mình vào những chuyến thám hiểm, hướng đến những vùng đất xa lạ mà con người phương Tây chưa từng đặt chân đến, kiểu như Marco Polo [1254 - 1324], Hernán Cortès [1485 - 1547], René Caillé [đầu thế kỷ XIX] hay David Livingstone [1813 - 1873].

Người thuật chuyện sẽ cố gắng giảm thiểu những khó khăn nhọc nhằn và lôi cuốn đọc giả với những mô tả nét đặc thù của những nơi dừng chân, một ngày trở về huy hoàng, những thời khắc khó khăn do bệnh tật hay tai nạn, hay về những nghi thức sống động màu sắc như nghi lễ vượt qua Xích đạo: cũng có thêm nhận xét là nghi thức có những màn tế nhị nhạy cảm nhưng chỉ sau khi đã mô tả chi li cảnh tượng đã diễn ra như thế nào.

So với những chuyến du hành trên những phương tiện đi lại khác, về các chuyến hải hành, người viết và rồi người đọc cũng quan tâm đến cái vũ trụ khép kín trên con tàu (về sau này thì đến lượt cái không gian trong các khoang máy bay!), đến sinh hoạt cộng đồng phải được duy trì trong suốt chuyến đi cho đến tận ngày trở về của từng người: người chỉ huy, nhân chứng thuật chuyện, những trợ thủ tùy tùng phụ trách hậu cần, bếp ăn, y tế, đương nhiên còn phải kể đến giới thủy thủ và lính tráng. Do đó, phải có những trang dành cho những lúc ăn chung, chỉ ra thái độ phong cách giao tiếp: rất xã giao lịch thiệp nơi hạng người này (một hành khách hạng sang như Nassau-Siegen đi cùng với thuyền trưởng Bougainville, ngài Banks đi cùng với thuyền trưởng Cook chẳng hạn) hay cư xử thô kệch nơi hạng người khác (La Barbinais hay ngài Forster cáu gắt với đám thuỷ thủ chẳng hạn).

Ngược lại, như để chống chế lại với những đoạn văn khiên cưỡng trên vốn rất dễ nhàm chán lập lại, nhà du hành thỉnh thoảng lại thuật chuyện theo lối lược bỏ. Những bến cảng như Rio, Le Cap hay Batavia quá đỗi quen thuộc để bỏ công mô tả cho nên... chỉ cần vắn tắt. Nhưng đây không phải là một công thức vĩnh viễn, như không thể không đề cập những phong tục tập quán bản địa rất ấn tượng đối với nhãn quan châu Âu: góa phụ lên dàn thiêu theo chồng quá cố ở Ấn Độ hay là thói quen tắm hơi ẩn tàng lạc thú ở các nước Hồi giáo.

Một số nhà du hành thì không thỏa mãn dừng lại ở những chuyện cũ rích sáo mòn. Chẳng hạn như ngài De Brosses [1709 - 1777, chủ tịch Hội đồng thẩm phán thành phố Dijon] rất thành công với trước tác “Thư thường nhật về nước Ý”, kể về chuyến đi năm 1739: trong thư thứ nhất, ông đã cảnh báo độc giả là ông sẽ không bỏ công sàng lọc và sẽ cung cấp mỗi một chi tiết: “Độc giả sẽ có hết: nào là đường đi, tình huống, đô thị, giáo đường, tranh ảnh, nào là những sự cố nhỏ nhặt, những chi tiết không cần thiết, quán trạm, bữa ăn, những chuyện tầm phào”.

Dù báo trước như vậy nhưng sau đó ngài Brosses tránh không đi sâu và nỗ lực gợi ra một cách nhìn mới mẻ về một nước Ý rất gần gũi về mặt địa lý, nơi người châu Âu rất thích đến. Như thế, ông buộc phải nói ngược lại một số định kiến trước đó:

“Mọi người chẳng hạn đều nghĩ: quán xá ở Ý thật kinh tởm, điều này không đúng vì ở những thành phố lớn ăn uống phục vụ rất tốt, [thực tế là sinh hoạt không tốt lắm ở các làng xã] không có gì là ấn tượng cao sang, nhưng mà cũng tương tự vậy thôi ngay chính trên đất Pháp.

Nhưng điều mà người ta không kể lại đó là [ở Ý] người ta không nhào bột mì bằng tay mà bằng cách đập bột bằng những thanh gỗ lớn. Tôi lấy làm tiếc là bột thì trắng phau và mịn nhưng bánh mì thì dở tệ để bỏ công ăn.

Về chuyện rượu thì tôi cũng phải thích nghi: luôn chọn những loại rượu bình thường, có vị khá chát, thay vì là loại dịu ngọt. Và cũng tương tự trường hợp bánh mì như đã nói, thật khó nuốt. Thế nhưng người bản xứ thì cho là ngon tuyệt. Và chúng ta sẽ cười ngất khi quan sát quý bà tại đây thử nếm những vị rượu sản xuất tại vùng Champagne nước Pháp: họ trố mắt khi chứng kiến tôi nốc cạn một hơi những ly rượu lên bọt.

[...] Tôi sẽ chẳng thể kết thúc một lời đề dẫn đã quá dài, nhân một chuyến đi như vậy, nếu cứ tiếp tục nêu ra những ngộ nhận, mà lại chẳng có mấy cơ sở, như chuyện thêu dệt về thói ghen tuông của đàn ông Ý hay sức hấp dẫn lôi cuốn của phụ nữ Ý”
.

Nhiều con người du hành khác dường như gặp khó khăn hơn khi phải sàng lọc điều cần kể lại. Như trường hợp nhà bác học Đức Gmelin, giáo sư về thực vật học và hóa học, sau mười năm đi lại nghiên cứu ở Sibérie [1733 - 1743] đã để lại một công trình tự sự đồ sộ đến bốn tập dày cộm: dịch giả dịch sang tiếng Pháp M.de Keralio đã phải giảm tải để có thể in thành hai tập. Trong lời nói đầu, dịch giả đã phải phân trần là không muốn người đọc rơi vào mê cung các chi tiết:

“Tác giả công trình đã kể lại cặn kẽ tỉ mỉ tên của những thôn xóm, làng xã và thị trấn ông đã đi qua: sự chính xác như vậy về địa lý sẽ làm hài lòng người Nga, là độc giả mà ông Gmelin chủ yếu nhắm đến. Ngoài ra cũng có thể có ích cho những sĩ quan hay thương gia nay mai muốn đặt chân đến vùng Sibérie. Nhưng, ngược lại, nếu cứ duy trì [trong bản dịch] sẽ gây khó chịu cho độc giả Pháp với những tên tuổi âm điệu kỳ dị: độc giả Pháp sẽ chẳng bận tâm rằng đang ở tại Sibérie Bielakovskaia, tại Schalaschnaia Krepost hay tại OrlovoGoroduschtche, và rồi còn biết bao bản làng bé tí khác, theo tập quán bản địa, thỉnh thoảng lại thay tên. [...]

Ngoài ra còn phải “chịu
dựng” theo với tác giả nào giông tố, mưa gió, tuyết rơi với cả chính xác ngày tháng sự việc. Lại còn phải dừng ở những nơi nào để ăn tối, ăn khuya, để cho ngựa ăn, người thì thay đồ. Đến đô thị nào thì lại phải đếm có bao nhiêu tòa công sở, bao nhiêu cửa hàng, bao nhiêu giáo đường, nhà nguyện vinh danh thánh Nicolas. Vân vân.”

Xem ra như vậy có cần thiết phải kể ra, in ra hết cho công chúng hay không?

Montaigne đã có thể trả lời là không: bản thảo của ông có tựa đề là Nhật ký du hành, chưa từng công bố trước đó, được tình cờ tìm thấy trong nhà kho và được in ra vào năm 1774 [Montaigne qua đời vào năm 1592!]. Nhân đây cũng có thể nhắc đến một bức biếm họa của Thomas Rowlandson vẽ ra cảnh mộtBác sĩ Syntax [Cú Pháp nào đó!] đang đọc tự sự của mình ở một nhà trọ (1812) với cảnh tượng thính giả ngỡ ngàng, ngủ gục hay vừa nghe vừa phì phèo ống điếu...

Hẳn là nhiều người trong chúng ta đã phải trải qua kinh nghiệm khổ tâm chịu đựng những buổi tối dài lê thê do bạn bè người quen mời xem trình chiếu phim ảnh sau một chuyến du ngoạn du lịch. Ngày nay, may mắn thay là chúng ta đã có trang bị máy ảnh máy quay kỹ thuật số làm giảm đi sự tra tấn như trên: vì tất cả giờ đây chỉ cần nhấp chuột chuyển qua mạng là xong...

Tương tự như những gì diễn ra vào thế kỷ trước đó với sự xuất hiện của sách in, trong các trước tác tự sự vào thế kỷ XVIII thường có kèm theo những chỉ dẫn lời khuyên nhằm giúp ích cho người sẽ lên đường đi đây đi đó. Một truyền thống tham quan du lịch dần hình thành mà con người của những thời về sau này chẳng còn mấy bận tâm, ngoại trừ các tập sách hướng dẫn du lịch với những lời dặn dò cụ thể hơn (kiểu như sách “Hướng dẫn Routard” của Pháp với điểm đến là Việt Nam, đặc biệt vào mùa mưa).

Quan niệm du hành-tự sự của Diderot [1713 - 1784] cũng đáng chú ý. Là người trong đời chỉ đi lại nhiều [với khoảng cách không xa] giữa thành phố Langres và Paris, ngoại trừ một chuyến đi xa duy nhất qua các nước Hà Lan, Đức và Nga, ông đã dành hai trang để mào đầu về quan niệm tự sự. Du hành, theo ông, là nhằm làm phong phú thêm vốn kiến thức của nhân loại hơn là kể lại một trải nghiệm cá nhân: chẳng mấy ngạc nhiên khi đây là mối bận tâm của người đã khởi xướng chủ trì Bách Khoa thư đầu tiên cho nước Pháp. Ông còn một mối bận tâm khác gợi ra tính cách của thời đại mình: đó là nhấn mạnh tư duy phê phán, khiến chúng ta không khỏi nghĩ đến mụcTriết học của Bách Khoa thư:

“Tư duy quan sát là hiếm hoi […] Một trong những sai lầm phổ biến nhất đó là, trong mọi vụ việc, cứ khái quát hóa lên từ những trường hợp riêng lẻ, và rồi phóng bút cả trăm lần như một theo kiểu ‘Ở thành phố Orléans, mọi ông chủ nhà trọ đều khó tính và có tóc hung’”. Về sau Tristan Bernard [1866 - 1947] cũng đã nhận xét như vậy về những định kiến đối với một nơi như Calais [ở miền bắc nước Pháp].

Vậy ở bình diện du hành vàvăn hành, thế kỷ XVIII có vị trí nào đây? Không còn cái không khí các thế kỷ XV - XVI, thời mà các nhà bác học khuynh hướng nhân văn ham thích hiểu biết tìm tòi, đôi khi một cách tùy hứng phân tán. Cũng chưa đến cái thời đại của thế kỷ XIX rồi XX với hứng khởi phiêu lưu mong khám phá cái kia khác viễn xứ. Thế kỷ XVIII chính là đã đóng góp cho việc sắp xếp một vốn liếng hiểu biết rộng mở, được sàng lọc và nắm vững thông qua tư duy phê phán, nhằm giúp cho nhân loại vững vàng hơn trên hành tinh mình đang sống. Và hiển nhiên việc này cần có thêm thời gian.

Một kỷ niệm thời trung học của bản thân tác giả báo cáo này: đó là về gia đình nhà Mahuzier, một gia đình rất dễ mến (lúc đó có đến 9 đứa con + 1 em bé chuẩn bị chào đời!). Mỗi năm, cả nhà lại có một chuyến khám phá châu Phi. Khi trở về là có ngay một buổi diễn thuyết cho bạn bè người thân được kèm theo phim chiếu (phim trắng đen thôi nhưng không sao vì lũ trẻ chúng tôi thời đó quá thiếu thốn món ăn tinh thần). Với lại châu lục Đen trong tương quan da đen - da trắng, phim ảnh lạitrắng - đen thì có sao... Nào là những chú voi thật sự, những thác ghềnh thật sự với lố nhố người dân bản địa: khán giả xem phim trông vào thì bụng dạ có ngài ngại thật. Nhưng nói như thế nào đây về đất nước, về con người ở một châu lục xa lạ đến thế? Hẳn nhiên là có rất nhiều cách trình bày, thế nhưng với một giọng điệu gia trưởng chân chất [của người phương Tây]... Thế mà lại chẳng giúp ích được gì nhiều cho chúng ta [ở phương Tây] trong việc nắm hiểu về sau những biến động nay mai sẽ bùng phát ở châu lục Đen.

Trở lại với thế kỷ XVIII, năm mà Diderot đề ra phương thức quan sát hiệu quả thì cùng năm đó Bernardin de Saint-Pierre [1737 - 1814], trong thư cuối cùng “Về con người du ngoạn và những chuyến du hành” trong trước tác “Chuyến đi đến đảo France” [đảo Maurice ngày nay], đã trình bày một quan niệm về tự sự du hành thiên vềthẩm mỹ (đặc biệt là về miêu tả). Tuy nhiên một quan niệm như vậy cũng không ngăn cản nhà văn bày tỏ sự bất bình trước thân phận những người nô lệ đượcnhập khẩu từ Madagascar đang phải quần quật trong các đồn điền trồng mía đường. Viết ra như thế thì không xa lắm với ngòi bút của Voltaire [1694 - 1778] kiểu như “Người mọi đen ở Surinam” (trong tác phẩm Candide, chương 19).

LỜI KẾT

Bài trình bày này chủ yếu nhằm trả lời câu hỏi: kể ra làm sao đây về một chuyến du hành cá nhân, về một chuyến đi xa. Hãy trở lại với câu hỏi được nêu ra ngay từ đầu: thuật lại một chuyến đi là việc phải làm? Con người thế kỷ XVIII phải nhìn nhận một điều hiển nhiên: biết bao trước tác đã ra đời, nằm đầy thư viện, hiệu sách. Và tất cả như mời gọi độc giả quan tâm tìm hiểu tham khảo.

Với một vốn liếng sẵn có đáng kể như trên, có cần thiết cho ra đời thêm những tác phẩm khác về cùng chủ đề? Thế kỷ XVIII trả lời là cần thiết vì đây là thời đại của ham muốn hiểu biết khám phá, đặc biệt là về Con Người: không phải con người trừu tượng, mà chính là nhân loại đa diện đa dạng gợi lên biết bao câu hỏi. Theo đó tiềm tàng biết bao Khảo luận về phong tục tập quán cần được viết ra... Kẻ du hành xuôi ngược dòng thời gian đi khắp chốn, hiện diện khắp nơi. Kẻ du hành ước muốn tham gia đóng góp vào cuộc điều tra khám phá nhân chủng học đang trên đường thành hình. Kẻ có mộng hải hồ đặt chân đến bất cứ đâu miễn sao là không bị ngăn cấm hay bị khinh rẻ lạnh nhạt: người Anh đến tận xứ Nam Mỹ nơi đạo Công giáo ngự trị, người Pháp đến tận đất Xiêm sau những đụng độ vào thế kỷ trước, người châu Âu nói chung thích khám phá nước Nhật (trừ người Hà Lan). Đi bằng đường bộ khắp châu Á, băng ngang qua Trung Hoa như trường hợp John Bell, xuyên qua Bắc Mỹ với một Lewis trước khi lên đường nhận những chỉ thị dặn dò của Tổng thống Jefferson [1743 - 1826]. Quý bà Montaigu, phu nhân một vị đại sứ, đã thâm nhập được vào thế giới nhà tắm dành cho phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ và khám phá ra phương thức chủng ngừa chống lại bệnh đậu mùa. Người ta cũng bắt đầu tiếp cận những tộc người ở những vùng lạnh giá sát với Bắc Cực hay Nam Cực, như người Fuégien (vùng cực nam Terre de Feu thuộc Chi-lê), người Lapon (phía bắc của các nước Bắc Âu và Nga) hay người Samoyède (vùng Sibérie). Thâm nhập sâu vào vùng thuộc địa của người Hà Lan tại Cap (Nam Phi), người ta sẽ có thể bắt gặp một con thú tuyệt đẹp suýt bị lãng quên: con hươu cao cổ. Sang châu Đại Dương, thì bất ngờ phát hiện một loài thú thật kỳ lạ: chuột túi kangourou; con mỏ vịt cùng châu lục thì phải chờ đến ba mươi năm sau...

Cuối cùng rồi cũng đến lúc nhận thức ra rằng: chẳng cần phải xin tấm hộ chiếu để đeo đuổi cái ngông cuồng, đó làkhám phá cái Kẻ Kia, kẻ Khác ta: vì có thể đó lại chính là Kẻ láng giềng kề cận hàng ngày ngay bên Ta thôi...

Trong một cảnh náo loạn điên cuồng của Faust (Phần hai) của Goethe (ở hồi II, màn 4, Đêm ở Walpurgis), Méphisto, với sư ưng, nhân sư vây quanh, đã thốt lên: “Không có quý lão người Anh ở đây à?”. Một lời thốt lên kỳ lạ nếu không nghĩ đến sự thể người Anh đi đây đi đó khắp chốn, rất đam mê cổ vật, rảo bước khắp các chiến trường xưa, trố mắt thưởng ngoạn trước cảnh sắc bao la bên những thác nước kỳ vĩ, mê say thăm thú những di tích đổ nát.

Nhà thơ Đức H.Heine [1797 - 1856] đã xác nhận là người Anh từng nhóm, từng đoàn len lỏi mỗi ngõ ngách của nước Ý: không thể tưởng tượng ra một cây chanh mà không có một quý bà người Anh nào đó bên cạnh đó đang hít hà hương chanh. Thế nhưng đối với người Anh không cần phải vượt qua biển Manche để chạm mặt cái xa-lạ: vào thế kỷ XVIII, đối với họkẻ xa lạ (lắm khi còn là hạng người thù địch kiểu nhưngười Ireland hung dữ) là ở ngay Edinburgh hay Dublin!

Còn với người Pháp, kẻ xa lạ là ở cái cõi mà người thủ đô Paris đã gọi (và vẫn còn gọi) làtỉnh lẻ với người tỉnh lẻ. Với những ai đã tiếp cận những chủ đề cách viết như vậy thì chẳng còn phải bàn về khả năng hay kỹ năng viết lách. Và có tô vẽ ra thêm vài trang nữa về con người trên đây phục vụ cho đam mê đọc tự sự thì cũng chẳng cần đến những tài năng hạng Voltaire hay Diderot: bản thân những nhà văn này, về cơ bản, cũng đã không màng đến thể tự sự. Vì họ có những quan tâm hay chủ đề cao sang hơn chăng?

Lê Đức Quang dịch  
(TCSH339/05-2017)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mùa vàng (29/05/2017)