PHAN THUẬN AN
Cũng như tại hầu hết các thành phố khác ở ba nước Đông Dương thuộc Pháp (Indochine Française), tại Kinh đô Huế, chính quyền thực dân ngày xưa đã thiết lập một khu phố mới theo lối kiến trúc châu Âu, thường được gọi là “Khu phố Tây” (Quartier Européen). Đây là một loại hình di sản kiến trúc ở Cố đô Huế ngày nay(1).
Theo Hiệp ước ký kết năm 1874, Nam triều phải để cho Pháp xây dựng một Tòa Sứ (l’Hôtel de la Légation) ở bờ nam sông Hương (tại vị trí Trường Đại học Sư phạm hiện thời). Tòa Sứ được xây dựng xong vào năm 1878. Về sau, nó được nâng cấp và gọi là Tòa Khâm sứ Trung Kỳ (la Résidence Supérieure de l’Annam). Từ năm 1878 trở đi, nhất là sau khi Thất thủ Kinh đô (1885), ở trong thế của kẻ mạnh, người Pháp đã ép Nam triều nhường thêm đất đai chung quanh khu vực Tòa Sứ để xây dựng thêm nhiều công trình khác nhằm phục vụ cho bộ máy của chính quyền Bảo hộ tại chỗ: các trại lính (casernes) bảo vệ Tòa Sứ, khách sạn Morin, Nhà dây thép (Bưu điện), Nhà thương (Bệnh viện), Nhà đoan (Hải quan), Nhà băng, Kho bạc, Tòa Công chánh (nay là Bảo tàng Văn hóa Huế), Nhà ga, Dinh Công sứ (nay là Nhà Văn hóa Thiếu nhi), trường Quốc Học, trường Đồng Khánh, Dòng Chúa Cứu Thế (Les Pères Comdemptoristes), trường Pellerin (nay là Nhạc viện Huế), Đài Chiến sĩ Trận vong (Monument aux Morts), Câu lạc bộ Thể thao (Cercle Sportif, nay là Trung tâm Dịch vụ Du lịch Festival), Viện Dân biểu Trung Kỳ (nay là Đại học Huế, số 3 Lê Lợi), Sân vận động Bảo Long (nay là Sân vận động Tự Do), Nhà Đèn, Nhà thờ Nhà nước, Tòa Tổng Giám mục Giáo phận Huế, những công sở, những biệt thự dành cho các quan chức Pháp và Việt, vv. Từ một khoảnh nhượng địa ban đầu có hình tứ giác mỗi bề khoảng 200 m, đến những thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, hàng trăm công trình lớn nhỏ khác nhau đã lần lượt mọc lên ở khu vực từ Đập Đá đến Ga Huế và dọc theo bờ sông An Cựu, rồi quay lại phía Sân vận động không xa Tòa Khâm sứ. Người Pháp đã tạo ra ở đây một khu kiến trúc hiện đại bằng bê-tông cốt thép.
Câu lạc bộ thể thao (nay là Trung tâm dịch vụ Festival) |
Tuy nhiên, có điều may mắn là họ đã quy hoạch và xây dựng khu phố mới ấy một cách có ý thức. Tôn trọng giá trị tự nhiên của sông Hương nói riêng và vẻ đẹp hài hòa của tổng thể kiến trúc Kinh đô Huế nói chung, người Pháp đã không tạo ra sự đối nghịch với phong cảnh và phong cách kiến trúc truyền thống vốn có tại địa phương. Các công ốc và dinh thự cũng như các công trình kiến trúc tân thời khác đều được xây dựng ở những vị trí hơi xa bờ sông Hương, phần lớn là nằm lùi vào ở lề phía nam của đường Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi). Từ mép nước sông Hương lên đến lề phía bắc của con đường ấy là những thảm cỏ xanh hoặc những hoa viên xinh xắn. Ở cả hai lề đường, họ còn trồng những cây đại thụ, vừa để làm mát và đẹp cho con đường, vừa để che khuất các công trình kiến trúc bê-tông quét màu vôi sáng nhằm tránh khỏi tầm nhìn từ bờ bên kia sang hoặc từ mặt sông lên. Tất nhiên, họ có xây dựng một số công trình sát bờ sông, chẳng hạn như Câu lạc bộ Thể thao. Nhưng Câu lạc bộ này khó có thể thiết lập ở một nơi nào khác, vì phần lớn chức năng của nó đều gắn liền với mặt nước sông Hương, như các môn bơi lội, nhào lộn (plonger), đua thuyền, đi périssoire... Đài Chiến sĩ Trận vong trước trường Quốc Học hoặc Nhà Máy nước (l’Usine des Eaux) Vạn Niên ở gần đồi Vọng Cảnh (Belvédère) cũng mang những đường nét rất cổ kính, hài hòa với sông Hương, với các lăng tẩm Vua Chúa, nghĩa là với phong cách Huế. Cầu Trường Tiền “sáu vài mười hai nhịp” với dáng dấp mềm mại được người Pháp thiết kế và xây dựng xong vào năm 1899 cũng là một công trình để đời, một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật rất phù hợp với dòng nước trong xanh, lờ lững trôi qua dưới chân cầu, và tạo ra thêm một nét duyên đằm thắm cho thành phố bên bờ sông Hương.
Toà Công chánh Trung kỳ (nay là Bảo tàng Văn hóa Huế) |
Sau đó, vào năm 1936, khi quy hoạch và xây dựng lại hệ thống vườn hoa ở hai bờ sông Hương, kể cả công viên trên đồi Vọng Cảnh, ông Kỹ sư trưởng làm việc tại Tòa Công chánh Trung Kỳ ở Huế bấy giờ là Desmaretz cũng rất tôn trọng vẻ đẹp thơ mộng tự nhiên của con sông đa tình và nổi tiếng này.
Nhờ có ý thức như thế, cho nên, trong một thời gian dài, ít nhất là đến năm 1954, hai hệ thống kiến trúc ở hai bờ con sông, tuy ra đời trong hai thời đại lịch sử khác nhau và phát xuất từ hai nền văn hóa không giống nhau, nhưng vẫn cùng tồn tại bên nhau một cách hài hòa và êm đẹp trên một mẫu số chung về giá trị thẩm mỹ.
Cho nên, trong một bài thơ xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XX mà hiện nay thường được trình diễn theo làn điệu “chầu văn” trong các chương trình ca Huế, có những câu:
Núi sông trời đất cỏ cây,
Bên kia lối mới, bên này kiểu xưa.
Càng nhìn càng ngắm càng ưa,
Càng say đắm cảnh, càng ngơ ngẩn lòng...
Nhưng, một thực tế oái oăm là từ khi chủ quyền đất nước trở về tay người Việt Nam thì không gian chuyển tiếp giữa kiến trúc cổ kính và kiến trúc hiện đại ở hai bờ con sông Hương không còn được giữ gìn một cách cẩn trọng và chu đáo như trước đó nữa! Từ năm 1955 đến nay, một số công trình xây dựng cao to bằng bê-tông cốt thép đã tiếp tục mọc lên một cách ngang nhiên và lộ liễu ở sát mép nước hai bờ sông hoặc ở khu vực đệm cần thiết nói trên, chẳng hạn như khách sạn Hương Giang, khách sạn Century, lầu chợ Đông Ba (nguyên xưa không có lầu), tháp nước (château d’eau) Dã Viên,... và gần đây nhất còn có một số khách sạn cao hơn chục tầng mang ngôn ngữ kiến trúc không thích hợp và không hòa điệu với kiến trúc cảnh quan (architecture paysagée) của Cố đô Huế và nhất là với dòng sông Hương êm đềm thơ mộng. Ngay từ trước năm 1975, Châu Tăng, một thầy giáo ở trường Quốc Học, đã viết rằng những công trình xây dựng mới như lầu chợ Đông Ba hay Trường Đại học Sư phạm là “những hình khối thật lớn, đường nét kiến trúc loại này gây nên sự chửi bới thường xuyên giữa cảnh và vật”(2).
Riêng về Khu phố Tây ở bờ nam sông Hương, từ đó đến nay, các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa và nghệ thuật ở đây đã lần lượt bị cải tạo và nâng tầng. Theo kết quả cuộc khảo sát thực địa của một cơ quan chuyên môn vào năm 2000, thành phố Huế còn lại được 240 công trình kiến trúc thời Pháp thuộc. Đây là một con số không nhỏ ở một đô thị không lớn như Huế, nhưng từ đó đến nay (2017), con số ấy vẫn tiếp tục bị giảm thiểu. Cụ thể nhất là một tòa nhà kiểu Pháp rất đẹp ở trong khuôn viên khách sạn Heritage (đường Lý Thường Kiệt) vừa bị triệt giải trong tháng 4 năm nay, chỉ vì một lý do đơn giản là hết niên hạn sử dụng!
Theo GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính trong Hội nghị Chuyên gia “Đánh giá Quỹ kiến trúc Đô thị Huế” được tổ chức tại đây vào năm 2003, “Tuy bị hao hụt và pha tạp khá nhiều, song thành phần kiến trúc này [tức kiến trúc Pháp] vẫn chiếm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quỹ kiến trúc của Huế, góp phần định đoạt diện mạo đô thị Huế”.
Mong sao có được một dự án quy hoạch nghiêm túc và kiểm kê cụ thể những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc hiện còn bảo lưu được trên đất Huế để có một thái độ ứng xử thích hợp đối với loại hình di sản văn hóa mang giá trị lịch sử và nghệ thuật của một thời kỳ đã qua.
P.T.A
(SHSDB25/06-2017)
-------------
(1) Tuy đây là một sản phẩm của thời kỳ bị đô hộ, còn gọi là “kiến trúc thuộc địa” (architecture coloniale), nhưng, giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của nó đã được khẳng định qua ít nhất là hai cuộc Hội thảo Khoa học quốc gia và quốc tế trong thời gian qua:
- Cuộc Hội thảo thứ nhất, mang tính quốc tế, đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 23 đến 25/05/1994, nêu lên giá trị kiến trúc thời Pháp thuộc tại ba nước Đông Dương và tìm cách bảo tồn các Khu phố Tây ở đó nhằm góp phần vào sự phát triển mới của kiến trúc hiện đại tại các thành phố lớn của Việt Nam, Lào và Cambodge. Tiêu đề của cuộc Hội thảo là “Les Enjeux de la Restauration des Quartiers Historiques” (Tạm dịch: Những cái được cái mất của công cuộc phục hưng các khu phố lịch sử). Cuộc Hội thảo do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Viện Quy hoạch Đô thị thuộc Trường Đại học Tổng hợp Montréal của Canada phối hợp tổ chức, đã quy tụ được khoảng 50 Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kiến trúc sư, Nhà nghiên cứu và Lãnh đạo Chính quyền các thành phố Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Hải Phòng, Đã Nẵng, Luang Prabang, Vientiane, Phnom Penh, cùng một số đại diện của Canada và Pháp (Kỷ yếu của Hội thảo đã được ấn hành bằng tiếng Pháp).
- Cuộc Hội thảo thứ hai, mang tính quốc gia, đã diễn ra tại Huế vào ngày 28/04/2003, do Hội Kiến trúc sư Viện Nam, Ủy ban Nhân dân Thành phố Huế và Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức. Tiêu đề của cuộc Hội thảo là “Đánh giá Quỹ kiến trúc Đô thị Huế”. Ban Tổ chức Hội thảo đã quy tụ được hàng chục Chuyên gia về quy hoạch và Kiến trúc sư nổi tiếng từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Huế về tham gia. Một số bài tham luận đã đề cập đến quá trình hình thành và giá trị nghệ thuật của kiến trúc thời Pháp tại Huế. Cuối cùng, các thành viên của cuộc Hội thảo đều nhất trí với nhau rằng những công trình “kiến trúc thuộc địa” bên bờ sông Hương là một trong những quỹ kiến trúc quý hiếm của Đô thị Huế cần được bảo tồn (Kỷ yếu của cuộc Hội thảo đã được in ấn và lưu hành nội bộ).
- Tác giả bài viết này có cái may mắn là đã được tham dự cả 2 cuộc Hội thảo Khoa học nói trên.
(2) Đặc san Ái hữu Quốc Học: Quốc Học và Cố đô, do Hội Ái hữu Cựu học sinh Quốc Học xuất bản, Huế, 1971, trang 95.