Tạp chí Sông Hương - Số 342 (T.08-17)
Cây đại thụ của Mỹ thuật ở Huế đã về trời
09:31 | 18/08/2017

LTS: 9 giờ sáng 17/7/2017, họa sĩ Vĩnh Phối đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng bên bờ sông Đông Ba - thành phố Huế, sau một thời gian sống chung với căn bệnh ung thư.

Cây đại thụ của Mỹ thuật ở Huế đã về trời
Họa sĩ Vĩnh Phối - Ảnh: internet



Nương dòng hương khói trong không khí trang nghiêm này, thay mặt Ban tổ chức tang lễ, tôi xin có lời tiễn biệt họa sĩ Vĩnh Phối về với cõi trời - nơi đó là quê hương của cái đẹp trong sự Vĩnh hằng!

Khi mới phát hiện mang căn bệnh trầm kha ai, cũng hiểu rằng rồi ông sẽ rời xa chúng ta, nhưng lúc ông từ biệt ra đi, mọi người mới thảng thốt nhận ra là sao quá bất ngờ?! Bởi ông vẫn vui, vẫn thong  dong, hình như ông đã  lặng lẽ chuẩn bị cho mình  chuyến viễn hành này.

Giờ đây - hoạ sĩ Vĩnh Phối đang yên lặng lắng nghe chúng ta nói về ông, im lặng sau hơn hai vạn chín ngàn một trăm tám mươi hai ngày rong ruỗi nơi cõi tạm để miệt mài đi tìm thiên đường đã mất. Một hành trình đi tìm cái Đẹp vĩnh cửu, hoài bão lớn lao của ông và chính ông cũng đã trao truyền lại cho người đời. Cõi người, nơi ông dừng chân đầy bất trắc, với những điều hay dở có nhiều chiều kích khác nhau, buồn vui khác nhau. Lúc này trong giờ phút trang trọng này, tất cả chúng ta, những người có duyên nợ, thâm tình với ông, mỗi một người đang nghĩ về ông với những tâm cảm khác nhau, về những kỷ niệm cùng ông trong những mối duyên nợ ở đời để ngày sau nhắc lại... Chuyện kể rằng ngày xưa có ông Vĩnh Phối... Từ nay họa sĩ Vĩnh Phối đang đi vào cõi người xưa và thành người của ngày xưa mất rồi!

Tác phẩm Chuyển động tâm thức (Sơn dầu) của họa sĩ Vĩnh Phối


Nay đôi lời ôn chuyện về ông!

Chuyện rằng: Ông tên là Vĩnh Phôi, sau này gọi trại dần thành ra Vĩnh Phối. Ông sinh ngày 03/8/1937, là một hoàng thân của hoàng tộc nhà Nguyễn thuộc phòng Trấn Định Quận công. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn năm 1958 và Giáo khoa sư phạm Mỹ thuật 1959, ông du học ở Học viện Mỹ thuật Roma (từ năm 1959 đến 1966). Ở đó ông đã tốt nghiệp ngành hội họa, điêu khắc và chứng chỉ nghiên cứu mỹ thuật của Khoa Văn tại Học viện Mỹ thuật Roma. Ông là sáng lập viên và là Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ châu Á ở Roma. Từ năm 1967 đến 1975 ông về nước và làm Giám đốc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế, là vị giám đốc thứ IV từ khi thành lập trường. Ngoài ra ông còn giảng dạy ở Đại học Văn khoa và một số trường khác về nghiên cứu văn hóa. Năm 1973 ông được học bổng UNESCO nghiên cứu mỹ thuật phương Đông qua các nước Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan.

Với tinh thần yêu nước, ông vận động và thành lập Ủy ban Dựng tượng danh nhân Việt Nam, khởi xướng dựng tượng nhà yêu nước Phan Bội Châu ở Huế và tham gia các hoạt động văn hóa chống văn hóa nô dịch trước những năm 1975.

Sau 1975 ông là Hiệu phó Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế rồi tiếp tục là Hiệu phó Trường Đại học Nghệ thuật Huế cho đến ngày nghỉ hưu (1999).

Ông được phong Phó Giáo sư và Nhà giáo Ưu tú trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Cũng từ sau 1975 ông là thành viên của tổ chức UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế với tư cách Nhân sĩ trí thức.

Ông tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, mỹ thuật; là thành viên sáng lập Nhóm nghiên cứu Văn hóa Huế và biên tập tập san Nghiên cứu Huế, một tập san uy tín ở Huế đã và đang hoạt động. Ông cũng tham gia cộng tác ở một số tạp chí tên tuổi trong nước.

Trong vai trò người thầy và một nghệ sĩ ông luôn mẫu mực và thể hiện cá tính trong sáng tạo nghệ thuật. Ông đã tổ chức nhiều triển lãm tác phẩm ở trong và ngoài nước: Triển lãm tại nhà sinh viên quốc tế Roma (1961); ở Gallery Marguta (1962); triển lãm vòng quanh nước Ý (1962); ở gallery Trinita Dei Monti (Roma, 1963); Approdo Romano (Roma, 1968); Benale Saint Paolo Brazil (1969); Salo Auto Garden Mitsubishi (Tokyo, 1973); triển lãm đương đại ở Wargram Paris (Pháp, 1993) và dự trại sáng tác của những nghệ sĩ quốc tế tại Saint Henri Toulouse (Pháp, 1994); triển lãm các trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Thái Lan tại Bangkok. Ông cũng tham gia các cuộc triển lãm nhóm ở các nước Ý, Brazil, Pháp, Thuỵ Sĩ, Thái Lan và tham gia hầu hết các cuộc triển lãm trong nước do Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bộ Văn hóa tổ chức trong nước và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức tại địa phương. Ông cũng có hàng chục cuộc triển lãm cá nhân ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Huế. Có những cuộc triển lãm gây ấn tượng sâu sắc với công chúng yêu nghệ thuật như triển lãm chung giữa các họa sĩ Vĩnh Phối, Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Lê Văn Tài trong đầu thập niên 60 đã giới thiệu các tác phẩm trừu tượng, một khuynh hướng nghệ thuật mới lạ của ông, và một triển lãm khác vào năm 2012 - một ghi dấu bằng sự ái mộ tác phẩm từ các nhà sưu tập.
 

Tác phẩm Mùa thu (Sơn dầu) của họa sĩ Vĩnh Phối

Đầu thập niên 1960 ông đã đạt những giải thưởng quốc tế: giải Targad Agent trong triển lãm mùa xuân ở Genova (Ý, 1960); Huy chương bạc triển lãm sinh viên mỹ thuật quốc tế Rome de Journale del Italia bảo trợ (1961); Giải nhì tác phẩm sưu tập ở Việt Nam và nước ngoài ở cuộc thi quốc tế mỹ thuật đương đại Bracciano (Roma) và nhận huy chương bạc tại triển lam mỹ thuật quốc tế đương đại Viterbo (Ý, 1962); Giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980 và 1995. Nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ ở các bảo tàng Hà Nội, Đà Nẵng và các nhà sưu tập trong và ngoài nước.

Ngoài việc sáng tác mỹ thuật, ông còn tham gia ở lĩnh vực điện ảnh. Ông cũng đã từng tham gia vai diễn trong phim Marco Polo vào năm 1961 trong thời gian tu nghiệp ở Roma.

Hành trình đi tìm cái Đẹp của họa sĩ Vĩnh Phối được thể hiện trong tác phẩm và cả sự hiến dâng  cho nghệ thuật. Ông là một nghệ sĩ  lớn về nhân cách và tài năng. Một người thầy thánh mô hiền phạm, tận tụy yêu thương hết lòng chỉ bảo.

Với bằng hữu luôn trân trọng yêu thương, luôn để lại ấn tượng đẹp về ông. Ông đã để lại những tình cảm đẹp với mọi người khi đã gặp ông, với hình ảnh một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, dễ gần, bao dung, tốt bụng và cả những tinh nghịch mang đầy màu sắc “Mệ Huế”. Những ai đã có dịp gần thì ở mỗi góc nhìn đều thấy ở ông có những kỳ lạ, những điều ấy một mai sẽ trở nên những huyền thoại về ông, sẽ râm ran những câu chuyện của người sau kể về ông, huyền thoại chỉ có thể có ở những nghệ sĩ bậc thầy. Nó như những công án gợi mở về cách sống, cách nhìn đời với lòng từ ái, với cả trái tim sông cho cái Đẹp và lẽ phải.

Họa sĩ Vĩnh Phối là người luôn có những ý tưởng mới cho tác phẩm của mình và truyền cảm hứng cho đồng nghiệp những hướng đi mới trong nhận thức nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật. Khi về nước tiếp nhận quản lý Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, ông tạo nên không khí đổi mới trong hoạt động giảng dạy với lối truyền thụ cởi mở; ông là niềm hứng khởi cho đội ngũ giảng dạy và sinh viên, đã mở ra hướng mới trong phát triển và đã trở thành ngôi trường đầy khởi sắc. Ai đã qua một thời ở ngôi trường đó đều thấy rõ một không khí của sự mới mẽ lúc bấy giờ. Không khí sáng tác sôi động và kích thích bởi sự khơi nguồn từ cuộc triển lãm bốn họa sĩ Vĩnh Phối, Đinh Cường, Tôn Thất Văn và Lê Văn Tài. Người ta nhìn ra ở tranh ông rất hiện đại nhưng đầy bản sắc Việt Nam. Những motip trống đồng Đông Sơn gợi cho một xã hội thời cổ sử hồng hoang; sự khai phóng từ trong ý thức khi nhận ra trong xã hội phát triển kỹ nghệ, công nghiệp mà ông nhận ra ở phương Tây đã giúp ông tìm ra giá trị bản sắc đông phương, và của dân tộc Việt. Rồi dòng chảy ấy trào ra từ ông không dứt, sức sáng tạo mãnh liệt tuôn trào không ngừng, lúc ào ạt, lúc ngưng đọng, ngắt dòng. Người ta nhận ra trong dòng sáng tạo của ông, trừu tượng vẫn là chủ đạo, ông cũng vẽ một số tranh bán trừu tượng và hiện thực chủ yếu là tranh phong cảnh, chân dung. Cũng có lúc ông chấp chới trong thế giới hiện thực để thực hiện sứ mạng cùng xã hội. Trong tranh ông, người ta có cảm giác như cuộn chảy, tính triết lý trong tranh là chuyển động, nó cuốn đi và không có điểm dừng. Nhưng nhiều tác phẩm vẽ về Thiền, Phật lại thấy ông tĩnh lặng thâm trầm với cái nhìn rất lạ, ở đó nhận ra vẻ uyên nguyên trong suốt. Có thể định vị ở cảm nhận về tranh ông là sự bất tuyệt trong ngôn ngữ của tiết điệu và màu sắc.

Nhìn tranh để biết người. Cái cuốn hút xô đẩy trong tranh như thể là cái mong muốn về sự sống cùng, quan tâm lẫn nhau. Ông không đứng bên ngoài dòng sống, cái tính nhân hậu luôn lặng lẽ thể hiện nghĩa cử của mình - một số sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế có thể còn nhớ ông cởi đôi giày mới của mình tặng cho một sinh viên nghèo đi đôi giày rách khi ông mới về lại trường và vài câu chuyện cảm động khác. Ông quan tâm đến những số phận, hoàn cảnh của những học trò mình. Ông từng san sẻ những màu, những lụa vẽ cho những ai không có điều kiện mà tài năng. Ông đi tìm các học bổng về cho trường, tổ chức những hoạt động văn nghệ gây quỹ cho sinh viên nghèo. Và sau này người ta thấy ông dành những phần tiền bé nhỏ từ nhuận bút hoặc bán tranh của mình để giúp cho các sinh viên nghèo xa nhà…

Ôi nói sao hết cái tình của người thầy kính yêu đầy nhân hậu. Mọi người nhắc đến ông. Người đời nhớ đến ông vì lòng bao dung, nghĩ đến tha nhân và dễ gần; bằng hữu nhìn thấy cái tính trẻ trung có khi ngây thơ hồn hậu mà không thấy cái già của ông. Ông không xa cách với đám đông. Ai cũng thấy ông là người bạn đáng tin cậy.

Lúc này ở đây chúng ta thể hiện lòng quý trọng ông, một nhân cách nghệ sĩ, một công dân mẫu mực, một người bạn chí tình đáng tin cậy, một người có đủ Tài, Đức, Dũng, Trí, Nhân. Là Một Hiền Nhân!

Ngày mai tiễn biệt họa sĩ lên đường! Cõi bằng an tươi tốt đang đợi người. Hình ảnh và cái tình của người sẽ còn mãi ở cõi nhân gian, sẽ mãi còn trong những câu chuyện về người. Chúng tôi học ở người đức tính sống hết mình cho nghệ thuật và lòng bao dung và nguyện cố gắng sống cho ra người tử tế!

Đặng Mậu Tựu  
(TCSH342/08-2017)


TRẦN HOÀNG PHỐ

Giã biệt
       (Viết trong ngày đưa tiễn họa sĩ Vĩnh Phối về nơi chốn vĩnh hằng)

Giã biệt thế gian
lúc mới
tờ mờ sáng
ngắm lại cả thế giới thương yêu
mình sẽ chẳng
bao giờ ngắm lại được nữa
cây cầu dòng sông con đường
những bóng cây khuya liêu xiêu
tách cà phê còn bốc khói
thơm rơm rớm mắt tình bạn


giã biệt đất trời cây cỏ Đại Nội
những buổi chiều sương khói rưng rưng


căn phòng ẩm nửa tối sáng
hơi nước bay mù mù ngày hạ
và những con rùa trông ngóng thức ăn


giã biệt bạn bè một thuở
chút tình cho ấm trái tim nhau


giã biệt cây cọ
và toan thơm mùi bao ý tưởng
màu gọi màu
rủ nhau
trong hợp tấu truy hoan vô tận
bao cơn lốc cảm xúc
trôi giạt phiêu lưu bay bổng
trong nét cọ đẩy đưa trạng thái xuất thần
và những đứa con
bức tranh đẹp tợ thiên thần
hay u ám như quỷ ma
hiện ra sao lạ lẫm
như ai đó hay đất trời mới sáng tạo ra
giã biệt đứa cháu bi bô
gọi ông làm nũng


giã biệt góc phố thân quen
uống ly bia khưa khứa
nói chuyện tầm phào
cho đời quên
chút nỗi phiền ảo nảo


mắt linh hồn
giờ đã nhẹ nhàng khép lại
lòng bình an
kinh kệ đã phôi pha


nơi huyệt lạnh
cây trần gian thôi nỗi sầu đau đáu
lá rụng dày
bóng năm tháng sẽ trôi qua




TUỆ LAM

Màu thời gian
        Kính tặng thầy Vĩnh Phối


Người vẫn thường đi bộ
Mỗi sáng
Sông Hương
Thong thả
Xanh
Huế pha màu sương khói
Vạt lụa Sông Hoa bốn mùa thơm nắng
Hai cây mai nở muộn
Những chú mèo trên ghế ngẩn ngơ
Thời gian
Đặt dấu vết trên những tấm toan
Vệt màu chưa khô
Những vòng tròn không ngừng lại


Không hề có sự bắt đầu hay kết thúc
Đăm đăm ký ức
Không gian tiết điệu kiếm tìm
Bão xoáy trăm ngàn ánh mắt
Vũ trụ màu đồng lam


Thời gian
Trong tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà
Trắng xám nhịp cầu sông Seine
Những con thuyền trên phố Venise
Yên ắng tập Album cũ


Màu nắng chưa tan
Nụ cười chưa tắt
Bức tượng bán thân
Người ngồi đó
Tóc rẽ ngôi
Đăm đăm ký ức
Nói
Và không nói gì
Thời gian rơi trong tách cà phê đen
Như... đã từng xa
Như... đã từng quên


Chiều nay người qua sông
Về nơi đường chân trời như ánh sao cao vút
Nhát cọ không điểm tô ký ức
Khổ đau và hy vọng
hóa thân...


(TCSH342/08-2017)









 

Các bài mới
Dáng Thu (25/08/2017)
Các bài đã đăng