Tạp chí Sông Hương - Số 342 (T.08-17)
Mê cung
09:36 | 18/08/2017

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

1.
Dòng sông đó đã chết. Trơ đáy. Những cọng cỏ đôi bên bờ sông bây giờ cũng chát khét như mùi đất. Sự sống ở đó mơ hồ như chưa thể từng có một mầm sống nơi này.

Mê cung
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Nàng đến đó. Ngồi phục chân mình dưới dòng sông chết chỉ mong tìm lại được linh hồn mình đã rơi vãi nơi này từng ấy tháng năm. Mái tóc nàng đã chi chít những sợi quắn, bạc. Mái tóc đen mượt năm nào giờ đã ngậm đầy một màu sương có pha loãng chút nắng gió và cả những nông nổi chưa bao giờ dừng lại. Nàng từng nghĩ mình có thể đã ký thác nơi này. Nàng muốn chôn kín niềm đau cũ ấy tận đáy dòng sông. Nàng muốn những hòn đá tròn như cuội, trơ nhẵn thời gian sẽ dần bào mòn niềm riêng ấy để không thể tìm lại, không thể tiếc nuối. Nàng dừng lại, đảo mắt về phía trước và gặp phải những hàng dương đã chết. Lá khô quắp đau đớn. Lá xếp chồng thành những lớp dày dưới mặt sông. Khô khốc. Những lớp lá khô đang ráp dưới bàn chân. Có những mầm gai nhọn đâm ngược tim bàn chân rướm máu. Nàng nhói đau. Khoảng khắc đó, nhìn những giọt máu đỏ au dưới chân đang rỉ từ từ, nàng khóc và ngồi thụp xuống. Khóc ngất. Nàng nguyền rủa bản thân về sự đánh mất. Nàng muốn quay trở lại thời gian đã mất. Nhưng trái núi trước mắt nàng đang như gần hơn. Bóng tối bắt đầu bao trùm không gian bên dòng sông Cuội. Những bước chân nàng đi trong vô định. Ước gì sông vẫn còn ngược xuôi con nước cho đá dưới chân nàng mềm hơn, để gót chân nàng không bị những vết cứa từ những mảnh đá sắc lạnh. Chỉ khi đó, những lớp nước mát trong xua đi cái nóng đang thiêu đốt dưới chân nàng. Mùa hạn, trên cánh đồng, đất nứt toác. Không thể tìm lại được bất cứ thứ gì thuộc về nàng nơi này. Mọi thứ đã là quá khứ không bồi lấp. Dưới lòng sông chết, có chăng là nỗi khát khao được tắm mát bằng ngọn nguồn nước mắt con người. Để đến tận khi nào bức chân dung đã ngả sang màu thời gian và người họa sĩ cuộc đời không thể tô vẽ lên đó dòng suối ngọt. Màu xanh sự sống như được cứu rỗi linh hồn và chắp cánh thêm giấc mơ ngủ vùi sóng nước.

Chuyện về đời nàng như một mê cung. Nhiều cánh cửa cùng mở ra trong một khoảnh khắc và buộc nàng đưa ra lựa chọn cuối cùng. Có ba cánh cửa để nàng chọn với các màu đen - trắng - vàng. Lúc đó, nàng đã không ngần ngại gõ lên đôi cánh cửa màu vàng. Bởi lí do, trong suy nghĩ của nàng, màu vàng luôn nâng những ước mơ và khỏa lấp mọi nỗi trống trải trong trái tim con người. Màu vàng với không gian đằng sau cánh cửa đó mở ra một khát vọng buộc con người phải đốt cháy ước mơ. Nàng từng nghĩ, đó là lựa chọn đúng bởi chưa có khi nào, tình cảm có thể lấn át lí trí nàng. Nàng yêu màu vàng như yêu chính đôi mắt mình. Khi mọi thứ trước mắt tối tăm, không hy vọng, nàng lại thích được ngồi ngắm một lọ hoa cúc vàng hoặc một lọ hoa hoàng yến hay ngây ngất bên một chậu ly vàng. Màu vàng vực dậy trong nàng lòng trắc ẩn. Cánh cửa cuộc đời có thể khép lại nơi này và mở ra ở nơi kia. Mỗi sáng thức giấc và được nhìn những hạt nắng vàng nhảy nhót ngoài hiên phố. Vô vàn những cánh hoa sữa đã rơi xuống mặt đất không ngần ngại. Hoa sữa mang màu trắng, nhụy vàng. Những cánh hoa li ti ấy có một sức cuốn hút thật đặc biệt. Những ngày đông rét, nhiều hạt hoa cứ thế bết dính với mưa và trôi theo dòng nước mưa để về với một nơi nào đó nàng không thể đuổi theo mà nắm được. Đã có lần nàng ghé xuống tận dòng nước nhỏ đó, như nhắn vài lời tình tự với hoa. Dăm người đi đường nhìn nàng ái ngại. Rõ là dở hơi. Lẩm nhẩm một mình như người bị ai đó ám.

Chính hình ảnh ấy của nàng đã trở thành nỗi ám ảnh trong tôi. Có thể, bàn tay nàng thon gọn, những ngón tay dài và mượt. Có thể mái tóc nàng đen và thẳng một cách tự nhiên không cần sử dụng đến một công cụ làm đẹp nào. Có thể tôi đã được chạm vào nàng bằng tất cả trái tim, sự rung động. Nhưng nàng làm tôi bị ám ảnh. Tôi đã không ít lần ngần ngại nói với nàng về cuộc đời này. Cố gắng hết sức để mở cửa trái tim nàng với những tia nắng ấm ngọt dịu. Nhưng nàng sinh ra đã là con ngựa bất kham, không có cái cương nào cầm chân lại được. Thân gái dặm trường, nhưng, có đôi khi nhìn nàng, nhiều người nhận ra chỉ cần có nghị lực sống và biết cách chọn lựa sự sống, mọi thứ sẽ mới toanh. Nàng hồn nhiên như một ngọn cỏ chưa bao giờ bị đôi bàn chân ai đó dẫm đạp lên. Những vết xước trong tâm hồn nàng, đến bây giờ, tôi chắc rằng chỉ khắc khoải khi biết dòng sông Cuội đã chết. Câu chuyện về cuộc đời nàng như một dòng sông buồn, như một khúc hát nửa vời bị đứt quãng với dăm ba nốt nhạc tách rời không kết dính. Tôi thấm nỗi đau nàng khi ngồi bất lực nhìn nàng khóc. Nàng oán than số phận và nàng nghiệt ngã nói về sự chia ly, sự giằng xé giữa sự sống và cái chết.

Con người tài hoa ấy, từng hôn lên những giọt nước của sông Cuội vào mùa cả làng chết khát. Người trần mắt thịt thì chẳng thể một tay mà che cả bầu trời, cũng khó có thể cầu mưa, cầu nắng, cầu gió. Đêm đêm, nàng thường ngồi một góc tĩnh lặng rồi chắp tay lên trời, cầu cho trời thôi hạn. Cái khắc nghiệt của thời tiết không thể sánh với nỗi bất lực của con người. Sông đã khô, cây đã héo, chim chóc đã bị tận diệt và bỏ xứ đi từ lâu. Loài rắn nước, một trong những con vật mà nàng thường gặp nhất khi còn thơ ấu, thì từ nhiều năm nay đã không còn bóng dáng. Có chăng bây giờ hình ảnh đó chỉ về bên nàng trong những giấc mơ ngập ngụa nước lũ và những dãy nhà trống hoác sau lũ. “Con người ta ăn uống tận ván quá. Tất tần tật mọi thứ, rồi cũng vì loài người mà tất cả bị tận diệt”. Nàng nhắn cho tôi trong thư điện tử chỉ vẻn vẹn mấy dòng đó. Mang luôn cả nỗi căm hận ở đâu đó trong lòng nàng đẩy cả về phía tôi - chỉ với một cú nhấp chuột trong thế giới phẳng này.

2.

Tôi yêu nàng. Ở cái tuổi tưởng như trái tim đã hoàn toàn khép cửa bởi đã chịu quá nhiều tổn thương từ cuộc đời. Nhưng, nàng không yêu tôi. Nàng chỉ ngồi lặng lẽ và xé nát bức tranh tình yêu tôi vừa phôi thai. Tờ giấy trắng bị chiếc bút chì màu nâu trên tay nàng đâm toác. Rách bươm. Nhìn nàng trong cơn thịnh nộ đàn bà, cơn điên dại cảm xúc, tôi hẫng hụt. Nàng bị câm nín khi nhìn những đôi tình nhân tay trong tay trên phố giữa cơn mưa bụi đầu đông. Chiếc áo khoác nàng mang trở nên lạnh băng bởi màu xanh cố hữu và có phần nhàm chán, cũ kỹ. Tôi với tay vén những sợi tóc mai trên thái dương của nàng. Nàng không phản ứng gì. Khuôn mặt đó, lắm lúc, tôi muốn hôn lên khắp khuôn mặt đó, để vơi đi hết nhớ thương và cả những giận hờn. Nhưng, sự đóng kín cảm xúc trong nàng đã ngăn tôi lại giữa dòng sông Cuội. “Bao giờ em đi?”, tôi hỏi trong vô thức. Nàng đưa mắt nhìn tôi không nói. Những giọt nước mắt bắt đầu rơi trên gương mặt không son phấn. “Có lẽ giữa mùa đông này”. Lời nàng thốt lên trong im lặng của ngôi nhà. Trên bức tường sau lưng nàng, vài cọng nắng quái chiều xuyên qua tấm tranh cũ. Khung cảnh ma mị và mang màu vĩnh biệt. “Bao giờ em quay lại?”.“Ngày nào đó trong em cạn nỗi đau này”. Tôi lặng yên ngồi bên nàng. Bây giờ tôi không thể nhìn thấy nước mắt nàng đang rơi mà tôi chỉ cảm nhận nàng đang khóc. Vai nàng rung nhẹ. Nỗi đau cũng như nén dồn và tức tưởi. Tôi để nàng tựa vai mình. Trong một giây, tôi nắm lấy bàn tay nàng. Bàn tay nhỏ bé ấy nằm gọn trong tay tôi, ấm dần lên trong nhiều thắc thỏm.

Nàng rời xa tôi vào đúng những ngày mùa đông buốt lạnh. Ngoài kia, những hàng hoa xoan bắt đầu tím đến tê dại. Cả một khoảng trời như chao đảo bởi màu hoa cứ dấm dức về những điều đau xưa cũ, cứ khóc gào bởi thời gian chưa khi nào dừng lại, chưa khi nào là của riêng một ai đó. Lời từ biệt một tình yêu như chính khúc hát du ca ngoài kia. Tôi mở cửa căn phòng quen thuộc, nơi vương vãi những vệt màu trên bức tranh còn chưa khô sơn dầu. Một bình hoa hồng đỏ đang tỏa hương thơm ngát. “Em đi theo một lối mòn và chưa biết một lúc nào đó em sẽ trở lại. Nhưng khi nào dòng sông Cuội được tưới tắm như ngày em thơ ấu, em sẽ trở về. Biết đâu khi đó nơi này sẽ không còn hơi ấm của anh?” Lời nhắn của nàng được đặt dưới bình hoa. Tôi lặng yên nằm xuống và nhắm nghiền đôi mắt. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi bật khóc. Bản năng đàn ông trong tôi không thể chiến thắng được nỗi đau tự trái tim mình đang vỡ. Chợt nhớ những lần khi vai nàng rung lên và tôi kìm nén mọi cảm xúc bằng cách đốt thuốc. Bủa vây quanh tôi lúc ấy và bây giờ, là nỗi cô đơn có tên, có tuổi. Nỗi cô đơn chưa khi nào dừng lại trên mười ngón tay buồn. Phím đàn buông lơi. Bức tranh dang dở. Bình hoa rồi theo thời gian đã úa tàn, rơi rụng. Một thời gian sau đó, tôi nghe tin nàng đã cưới một đại gia trong vùng.

3.

Mùa hè nắng cháy. Cả miền này, nơi nào cũng khô khát. Người dân vùng nông thôn thì thiếu nước còn người dân đô thị thì buộc phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn. Chương trình thời sự trên ti vi cứ phát đi phát lại điệp khúc khô hạn toàn vùng. Những thớ ruộng nứt toác, những đàn cừu đi như thiên di, những trảng cát vàng bỏng rộp đến chói chang bởi nắng, gió. Chưa khi nào nước lại được nhắc nhiều như thế. Người và vạn vật đều khát. Người dân, vẫn chưa bao giờ chịu khuất phục bởi thiên nhiên, đã cố gắng đưa nước về bằng mọi cách. Những chiếc giếng khoan cứ thế vô tư thọc xuống mạch nước ngầm. Nhưng nguồn nước ấy, cũng chỉ cứu vãn được trong một thời gian ngắn. Thời tiết quá hanh khô làm cho tình trạng cháy rừng liên tiếp ở từng mức báo động. Vào thời điểm đó, tôi có chuyến ngược nguồn trong nhiệm vụ mới. Ba lô con cóc với dăm bộ quần áo lại lếch thếch nhảy xe đò lên đường với những con số gợi sự xót xa bởi hàng ngàn hecta rừng đầu nguồn đã và đang tứa máu. Trong hồ sơ điều tra vụ án, tôi khắc ghi rõ từng mét khối gỗ bị khai thác trái phép. Ở đó, có cả những số nhà, địa chỉ của những người đang cất giữ số gỗ ấy ở miền xuôi. Những con số về diện tích rừng bị đốn hạ vô tội vạ đã minh chứng về tội ác của con người. Chưa khi nào, con người đối diện với án tử nặng như thế, khi không tiếc thương tàn phá rừng. Máu rừng chảy. Màu xanh của rừng biến thành màu vàng của sự úa tàn và trơ trọi. Ngày đi, sếp gọi tôi lên phòng và chỉ dặn vẻn vẹn mấy câu, mà tôi nhớ nhất là công việc là công việc, nhưng cậu làm gì cũng cũng phải giữ lấy tính mạng của mình. Câu nói ấy, làm tôi có phần chột dạ dù đã quá quen với công việc của mình. Tôi tự trấn an rồi bắt tay sếp rất chặt trước khi bước ra khỏi căn phòng đó, không quên khép nhẹ cửa. Hít căng lồng ngực và tôi nghĩ, chắc điều sếp vừa nhắn gửi sẽ là cái kết có khi buồn hơn thế. Chưa khi nào công việc làm tôi mất đi dũng khí. Nhưng, chính những mối quan hệ làm tôi không ít đêm mất ngủ. Sống đơn giản chỉ là mang lại cho cuộc đời này những điều bình yên, nhưng, chết, có thể, mới là sự bắt đầu của những nỗi đau giằng xé mà khi sống con người ta chưa thể hòa giải được.

Chuyến xe ngược nguồn chở tôi lên rừng vào ngày nắng gắt. Chạm phải rừng khi rừng đã hết xanh. Rừng đang troảng đi từng mảng lớn, để lộ thiên bầu trời. Những con số báo cáo về rừng phòng hộ, rừng già, rừng nhiều năm tuổi có thể, một phần chỉ còn nằm trong những con số khô khốc. Chiếc xe lao đi giữa bụi và nắng. Có cả mùi khét của rừng thực bì vừa mới cháy xém. Có cả những âm thanh tìm mẹ của đàn chim nhỏ vừa bị mất tổ ấm. Chuyến công tác đơn giản với ba lô con cóc cùng mấy bộ quần áo cũ màu, thêm mấy chai nước và đồ ăn khô. Tôi thành người đi rừng thực thụ. Chưa khi nào thấy nhiều tán rừng đổi màu như thế trong suốt hành trình ngược ngàn hôm đó. Gã lái xe từng trải, liên tục đạp phanh để tránh ổ gà dọc đường, đoạn cứ chép miệng, “Vãi thật, sao bọn nó chặt rừng nhiều thế nhỉ. Có ngày rồi thành phố sẽ bị nước lũ cuốn phăng khi rừng đầu nguồn trơ trọc”. Tôi ngồi lặng yên. Mồ hôi vã ra ướt đầm lưng áo. Mấy người ngồi trong xe cũng mang tâm trạng như tôi. Ai cũng nhìn ra hai bên đường. Rừng mỏng dần. Nắng gắt và khô khát. Xế chiều, chiếc xe dừng lại nơi chiếc lán nhỏ được dựng ở triền núi. Tôi tống cả chiếc ba lô vào góc lán, nằm dài sau mấy ngày ngồi xe. Thụy, cậu lính đi cùng mắc vội chiếc võng, rồi nói “Thủ trưởng nằm cho đỡ mỏi lưng, chiều nay còn phải đi bộ tiếp một quãng dài”.

Núi Trảng, nơi tôi bắt đầu cuộc điều tra đã ở ngay trước mặt. Rừng vẫn còn đau bởi những trận càn quyét của máy cưa, tiếng vọng vang ra từ rừng như những nhát dao ghim vào óc. Âm thanh đó như những trận càn thời bom đạn xa xưa. Ai mà không xót xa khi tận mắt chứng kiến cảnh những cánh rừng chảy máu. Cậu lính đi cùng cứ dấm dúi cây bút chì, cố vẽ lại những khoảng rừng bị chặt phá. Trà trộn vào đám lâm tặc ở chốn rừng thiêng nước độc này, tôi đã xác định phải giữ được mạng sống của mình. Còn cậu lính đi cùng thì vẫn tươi như ngày mới vào đơn vị, “Thủ trưởng yên tâm, em là con của núi, đường núi ở trong tầm tay, đi rừng với cha em từ nhỏ, quen rồi”.

Dưới lòng sông Cuội, đoạn trên thượng nguồn này. Lạ thay vẫn còn nước. Nước vẫn đầy ắp ở lòng hồ cách thủy điện không xa. Những gã săn gỗ chuyên nghiệp mình trần trùng trục đang đánh đu tính mạng của mình theo triền sông thoải dốc. Từng thớ gỗ được bơi xuống mặt sông bằng đường thẳng lao từ ngọn dốc sau núi Trảng. Con đường mòn dẫn gỗ lậu xuống sông trở thành một vệt đỏ au, hai bên đường đất đó là các cây rừng nhỏ bị cuốn phăng bởi từng khúc gỗ lớn. Lá cây như bị vò nát, trơ lại xương lá. Chỉ một con đường độc đạo đó, tôi trở thành một trong những phu gỗ (cách gọi của cánh đi săn gỗ rừng xuyên đêm) - họ đã dùng ruột xe máy để buộc gỗ, kết bè - rồi nhấn chìm số gỗ đó dưới lòng sông cùng với những hòn đá lớn. Đợi mùa mưa đến, khi dòng nước đủ để khơi thông dòng sông Cuội, lúc đó, số gỗ này sẽ được mở neo và cho trôi theo con nước về tới các bãi tập kết phía hạ lưu. Thụy người nhỏ mà sức khỏe thật dai. Sau những ngày mệt nhoài vật lộn với gỗ như một gã săn gỗ chuyên nghiệp, cậu nằm võng đu đưa cái chân rồi chờ khi vắng người, quay lại thủ thỉ “thủ trưởng ơi, cứ đà này thì bay nguyên cả cánh rừng này chứ chả chơi”. Tôi chỉ lặng im thả hết nghĩ suy của mình đi theo dấu của vệt trăng khuya trong rừng thẳm. Hình ảnh nàng hiện lên, nụ cười như cánh hoa mai, khuôn mặt bầu và đôi mắt đẹp. Nàng không biết đang ở đâu trong không gian này với đằng đẵng bao mùa đông đi qua. Liệu nàng có hạnh phúc không? Ngộ ra, rằng khi con người ta đối diện với những giá trị tưởng vĩnh cửu bỗng chốc vụt mất trên tầm tay - mới nhận ra cần phải níu kéo và tìm cách giữ lại. Nhưng khi đó, mọi thứ đã đi quá xa, như cát trên tay phút chốc gió đã thổi bay không thể nhặt lại. Trước mắt tôi, rừng đêm gào khóc dưới những làn sương mỏng còn sót lại. Tôi buộc phải chạy ngược thời gian để có thể tiến gần hơn tới nơi cần tới. Những thớ rừng già hàng trăm năm tuổi đang cố lẩn khuất vào màn sương khi không muốn ai đó nhìn thấy. Ở chốn thâm sơn cùng cốc này, mọi tiếng gọi phát ra đều bị dội vang trở lại. Chỉ còn nghe thấy gió reo như thác. Không gian đang quánh đặc khi đôi mắt rừng cố nhắm lại. Tôi rùng mình. “Thụy ơi, có cái này, có cái này”. Tiếng tôi nhỏ dần và Thuỵ không đáp lại. Phía trước, ánh trăng mờ nhạt. Ma quái. Tôi toát mồ hôi vì nỗi sợ mơ hồ nhất trong suốt cuộc hành trình khi nhìn thấy lưỡi trăng chém ngang trảng gió và có đôi bàn chân đi như búng trên mặt đường nhưng tuyệt nhiên không phát ra một âm thanh nào.

4.

Không ai vào núi Trảng mà trở về nguyên vẹn. Ai cũng phải bỏ lại chí ít một phần thân thể. Không đùa được đâu. Ở đây ngày nắng đến cháy khô nhưng đêm đến lạnh vô cùng. Con người ta, dẫu có vô tình hay cố tình làm đau cánh rừng này, đều phải trả giá... Đêm mộng mị. Những lời của gã trọc tôi gặp hôm nào ngoài cánh rừng này cứ ám ảnh. Nhưng, người đi cứu rừng sao phải trả giá. Người đi băng vết thương cho rừng sao lại bị trả giá? Tôi hỏi gã trọc. Gã lặng im. Hình như gã mơ hồ đoán ra điều gì đó. Gã chỉ tay ra ngoài cánh rừng, tôi nhìn theo tay gã. Toàn bộ cánh rừng già bị chặt phá suốt mùa xuân. Ước tính số gỗ khai thác lậu này lên đến hàng trăm mét khối. Không có ngọn đèn nào đủ sáng để soi tận ngõ ngách của rừng. Nơi các anh đang đứng, là nơi sâu nhất, đi cả hàng ngày trời chắc gì cán bộ kiểm lâm đã đến được. Nói là tuần tra, nhưng người ít hơn rừng lấy đâu sức mà đi. Phu gỗ có đất sống nhưng cũng bỏ mạng nơi này không ít. Nhiều phu gỗ, biết mình gián tiếp trở thành tội phạm nhưng không thể không làm. Dân phu gỗ, cả đoàn vài chục người khi đến đây mà khi về không ít kẻ bỏ mạng. Nhưng sao anh lại chọn nghề này? Câu hỏi của gã trọc đánh thức tôi định thần. Thì cũng may rủi cả thôi. Vì miếng cơm manh áo thì làm gì cũng phải lao đi. Thời buổi này, không hẳn đồng tiền nào cũng là đồng tiền sạch. Mình đốt mạng trên thâm sơn cùng cốc này, chả biết tiền có ma ám không, ông thấy tôi nói có đúng không? Gã trọc phì cười theo bản năng. Gã nheo mắt đầy ẩn ý rồi dùng chân đá phóc mấy cành gỗ nham nhở trước mặt. Đất, bụi bay tóe tung. Không khí đang cô đặc lại. Gã trọc vụt đứng phắt lên khi nhìn thấy bóng Thụy đi từ dưới đường dốc lên. Lão phớt tay ra hiệu cho Thụy đi về phía chúng tôi. Chú có vẻ rành đường? Gã trọc hỏi. Đại ca cứ đùa, em dân núi. Biết đi rừng từ khi còn tồng ngồng tắm mưa. Thụy gãi đầu thành thật. Chú có thấy rừng Trảng như tấm bản đồ không? Chú mê vẽ nhỉ? Gã trọc chỉ vào tập giấy đã nhàu cũ trên tay Thụy. Em chỉ muốn ghi lại chút ít hình ảnh để tự phục vụ cái đam mê vẽ vời của mình thôi. Vò vẽ gì đâu anh. Thụy nói và không quên liếc mắt về phía tôi như ám hiệu trước khi đi thẳng. Cái dáng gầy rộc của cậu ấy làm tôi thấy an tâm. Trộm nghĩ chưa biết chừng, phải đề phòng gã trọc. Bởi đôi mắt tinh ranh của gã có thể ngửi thấy mùi công việc tôi đang làm.

Thời gian ở rừng Trảng, sau những ngày mệt đuối vì gỗ, cứ đêm đến khi các phu gỗ chìm vào giấc ngủ ngắn, tôi lại đi ngược dòng suối khô. Những viên đá cuội ước chừng cả nghìn năm tuổi cứ tròn lẳn và mát lạnh. Cầm từng viên đá trên tay, tự nhiên cảm xúc như lướt nhanh về cả cánh rừng khi còn nguyên vẹn xưa kia, từng thớ rừng đẹp như tranh, rồi một ngày mọi thứ bắt đầu lụn dần bởi bàn tay con người. Tên từng loại gỗ, được gọi tên đầy gợi cảm với Sồi, Trắc, Sao, Gõ, Cẩm, Sến, Lim, Hương… tất cả đẹp tựa tên người. Nhưng khi đếm những viên đá cuội nằm trơ khốc dưới lòng sông trong rừng Trảng, mới nhận ra quy luật tự nhiên luôn luôn thắng thế cái gọi là sức vóc con người. Con người đối xử với thiên nhiên như thế nào thì thiên nhiên đối đãi lại với con người y như vậy. Hệ lụy từng đợt lũ cuốn phăng cả làng mạc, hoa màu, gia súc, gia cầm. Hệ lụy là con người chết khát ngay trên dòng sông huyết mạch bởi chốn thượng nguồn đã bị chặt đứt, dòng sông uốn lượn trở thành méo mó, dị dạng và nham nhở. Màu xanh của núi rừng, màu xanh của sông suối thượng nguồn đổ về phía hạ du đã được thay bằng màu khác, màu của đất nhuộm máu. Màu của sự mất mát, xác xơ bởi sự mất cân đối của bầu sinh quyển con người hằng ngày đang thở. Tôi nằm xuống lòng sông và nhìn lên bầu trời vẫn còn chi chít ánh sao khuya. Mọi thứ tĩnh tại. Bất chợt cái bóng trắng trong giấc mơ đêm xưa hiện lên. Hình dáng người không chân đó, đi về phía tôi, nói điều gì đó mà tôi chỉ nhận ra đôi môi mấp máy. Tôi chìm vào giấc ngủ ma mị. Giữa bạt ngàn núi rừng không một bóng người mà lạnh gáy bởi hình ảnh cái bóng trắng. Tựa như thần rừng. Cái bóng trắng ấy với đôi bàn tay đầy lửa. Cái bóng trắng đi như không có chân, nhẹ như hơi thở nhưng làm rung chuyển cả một khu rừng đang chìm khuất sau bóng đêm của nửa mặt trời.

5.

Thành phố hào hoa với ngàn ánh điện. Thành phố thơm phức mùi những món ăn đường phố thân quen. Thành phố ồn ào xe cộ và trăm thứ âm thanh sống động. Gã phu gỗ là tôi đã về với phố, mái tóc rối bù, áo quần lếch thếch. Cậu Thụy bảo rằng hai anh em đã trở lại với cuộc sống sau khi đã được nếm máu của rừng. Máu của rừng không phải màu đỏ như máu con người mà là màu tái sinh.

Thủ trưởng đơn vị ân cần đón nhận từ tôi tập báo cáo dày cộp cùng với những tấm bản đồ phác họa rừng Trảng bị khai thác cạn kiệt của Thụy. Ông rưng rưng nói rằng, thời chiến tranh, rừng Trảng và sông Cuội đã nuôi giấu những người làm cách mạng. Ở đó cũng là nơi trở thành ngôi mộ rừng thiêng của những anh em đồng đội không may hy sinh. Ông trầm tư một lúc lâu, đợi cho những cảm xúc đang rưng rưng lặn vào sâu trong tim. Ông bấm điện thoại với giọng quả quyết. “Tôi thống nhất mức án đã thông qua của hội đồng xét xử. Với ai, thì cũng phải chịu hình phạt này. Bất cứ đó là người từng có chiến công. Máu rừng đã đổ và mạng sống con người cũng không thể vượt qua được quy luật này”. Tôi thấy đôi tay người cán bộ cấp cao của mình buông rơi điện thoại. Chắc có lẽ, người lính già đã kinh qua nhiều sóng gió cuộc đời này đã từng coi cái chết là mệnh lệnh, đã có đôi lần khóc trong câm lặng. Khóc vì những mối quan hệ không thể thay đổi hay hoán trả với cuộc đời.

Tôi lạc vào khu biệt phủ dát toàn gỗ quý và ám ảnh bởi một số lượng gỗ khổng lồ từ rừng Trảng đã được tập kết về đây và xây dựng. Gỗ lát từ cổng vào đến từng khu biệt thự đơn lập trong đại công trình toàn gỗ này. Những tấm phản gỗ rộng phải năm sáu người nằm. Những cái cột gỗ đứng được một mình với nhiều hoa văn được chạm khắc tinh vi. Phiên tòa mở ra xét xử những người gây ra thất thoát gỗ rừng, gây ra nạn khai thác gỗ rừng đặc dụng diễn ra trong suốt năm ngày. Những phiên luận tội dài hằng tiếng đồng hồ, những bản báo cáo bào chữa của các luật sư chi chít các chi tiết được thêm vào để giảm nhẹ tội trạng cho thân chủ. Nhưng, rừng thì đã chết và sông đã cạn. Con người đã chưa thể bồi hoàn lại cho rừng sinh lực. Công việc của một người lính, dù ở trong thời chiến hay thời bình, tôi cũng đã chạm được đến phần sâu nhất, lõi nhất của cuộc sinh tồn giữa sự sống và cái chết. Sự đánh đổi và sự ban ơn.

Thành phố nóng với nhiều sự kiện, nhất là sự xuất hiện giữa thành phố phồn hoa này một công trình toàn phần gỗ mà chưa được cấp phép. Báo chí tốn nhiều giấy mực để phản ánh. Đập bỏ. Đó là lệnh vừa được ban hành đối với chủ nhân của công trình gỗ vĩ đại có một không hai này. Nhưng, công trình vẫn nằm yên ở bìa một cánh rừng phòng hộ trên thành phố này. Chỉ khác là, cánh cổng gỗ cao sừng sững với khắc chạm rồng bay phượng múa đã được tháo ra, thay vào đó là chiếc cổng sắt lạnh lẽo, khóa trái từ nhiều tháng qua.

Ngửi thấy mùi người lạ, đàn chó trong khu biệt phủ tru lên đầy ám ảnh. Khi tôi đang tìm cách thoát khỏi đàn chó dữ, thì bóng người phụ nữ tóc dài hiện ra. Tôi chết lặng nhận ra nàng không phải một hồn ma là bằng da bằng thịt. Cơn ớn lạnh xuất hiện dọc sống lưng, tôi trơ ra như đá mặc cho trên gương mặt nàng, những giọt nước mắt bắt đầu ngân ngấn.

Đà Lạt, tháng 3/2017
N.T.A.Đ  
(TCSH342/08-2017)





 

Các bài mới
Dáng Thu (25/08/2017)
Các bài đã đăng