Tạp chí Sông Hương - Số 342 (T.08-17)
Một huyền thoại
14:45 | 28/08/2017

TRẦN BẢO ĐỊNH   

1.
- Đại vương! Muốn làm chuyện lớn phải biết bỏ qua chuyện nhỏ!
Giáo Phép dùng cách dạy học trò, cố thuyết phục đại vương làm theo ý tưởng của mình.

Một huyền thoại
Minh họa: Nhím

Đêm Tà Lơn(1). Núi chìm trong sương, và rừng, thỉnh thoảng rung chuyển bởi tiếng dội gầm gừ của những ông ba mươi. Đại vương nhắm nghiền đôi mắt ngồi tĩnh lặng theo tâm thế hợp nhất, kết nối linh hồn và thần linh. đại vương đang đạt trạng thái kết hợp chớ không diễn tả thái trạng kết hợp. Giáo Phép không dám làm kinh động đại vương.

Gió đổi chiều từ biển thổi vào, không xua nổi mây phủ trắng lên đỉnh núi. Ba quả núi chụm lại, thoáng nhìn như hình thể con voi. Nơi đây, đã từng được các đạo sĩ người Việt tới tu luyện; trong đó, có Thầy Tây An và một số đạo sĩ, cao nhân khác. Theo dân gian truyền miệng, tuy Tà Lơn không cùng đường dẫn Long mạch Tổ chạy từ dãy Hy Mã Lạp Sơn tới Thất Sơn tạo vòng cung dài hơn 2.400 km(2), bao một vùng rộng lớn áng chừng 600.000km vuông, nhưng địa huyệt Tà Lơn chính là sự kết tụ một phần linh khí Thất Sơn. Có thể nói: Thất Sơn là xương sống, Tà Lơn là xương sườn. Giáo Phép bỏ dạy học ở quê nhà An Phú (Châu Đốc), lần mò tới Tà Lơn cũng vì lẽ đó, và cũng vì lẽ đó, Giáo Phép mới có duyên gặp gỡ đại vương.

*

Thằng Ngãi lớn lên từ đất Mỹ Trà (Cao Lãnh). Vùng đất mấy mươi năm trước, Pháp tàn sát dân lành và đốt phá sạch, sau trận đồn Mỹ Trà bị nghĩa binh Thiên hộ Dương triệt hạ(3). Còn Ngãi sanh ở đâu, con cái nhà ai thì chẳng mấy ai rõ. Chỉ rõ là, có người Phật tử thường tới lui chùa Hội Thọ dắt Ngãi về nhà dưỡng dục. Tên cúng cơm của nó, do người Phật tử đó chọn đặt và chỉ có tên gọi, không có họ. Khí thiêng sông nước xứ Cao Lãnh thuộc đất Nam Kỳ đã hun đúc và cho nó tính năng động, lòng bao dung; tính thiết thực, lòng trượng nghĩa. Hằng đêm, hễ cứ trời chạng vạng, năm bảy bà ở lối xóm xách đệm bàng tới nhà người Phật tử trải ra, nằm nghe người Phật tử kia nói miệng thuộc lòng khi thì, nói thơ Lục Vân Tiên, lúc nói chuyện Tàu có chương có hồi, có lớp có lang. Thằng Ngãi hóng chuyện nghe ké. Riết rồi nó phát mê và thuộc lòng; trong đó có truyện Phong Thần diễn nghĩa, nào là chuyện “hô phong hoán vũ”, “giá võ đằng vân”; nào là chuyện “thăng thiên độn thổ”... Nó mê nhất vẫn là hình tượng Đan Hùng Tín trong truyện Thuyết Đường ở cuối đời Tùy đầu đời Đường. Tuổi thơ thằng Ngãi đã phiêu hốt vào nhân vật huyền sử nầy. Sanh vào thời thiên hạ loạn lạc, Đan Hùng Tín kết giao rộng rãi “tứ hải giai huynh đệ”, hết lòng cứu giúp và đem cái nghĩa đối đãi bằng hữu, nổi danh khắp chốn giang hồ. Kết cuộc, trời sắp sẵn ngôi vua cho Lý Thế Dân, còn cái chết thảm trở nên bi kịch, trời dành cho Đan Hùng Tín. Trì Cung chém Hùng Tín trước mặt bạn bè, La Thành thuộc loại “mặt dày, tim đen”, Giảo Kim giả điên che hèn nhát, Mậu Công thủ đoạn thâm hiểm... Ôi thôi! nghe nhiêu đó, khí huyết thằng Ngãi cứ muốn trào ngược!

Ghiền nghe truyện Tàu, thằng Ngãi đâm ra đam mê võ nghệ và mơ một ngày, sẽ “thế thiên hành đạo” cứu người thiện. Thấy tư chất thằng nhỏ trội hơn đám bạn đồng trang lứa, một cao nhân vốn chân truyền Yết ma Quảng Tục đang ẩn tu gần chùa Hội Thọ, bí mật đọc khẩu quyết và dạy cơ bản hai môn võ công thượng đẳng: Bích hổ du tường (Con thằn lằn), Lăng ba vi bộ (biến hình) lúc thằng Ngãi chưa qua tuổi mười bốn.

Ngãi thích nuôi chó không cốt để giữ nhà mà vì, thích dẫn chó theo tụi bạn đi “vận cù” bắt chuột hoặc đào hang, bắt lũ rắn chuyên cướp hang chuột làm ổ. Mỗi con chó, thường được người nuôi đặt cho cái tên; thằng Ngãi đặt con chó đốm một cái tên mà nó đang mê hết cỡ: Đơn Hùng Tín. Rồi lâu dần, bạn bè chòm xóm cũng quen miệng gọi nó là Đơn Hùng Tín, cái tên Ngãi hồi nào tự nhiên biến mất và chẳng còn ai buồn nhớ.

2.

- Chả lẽ, Đơn Hùng Tín nầy lại trở thành tướng cướp?

Chó Đơn Hùng Tín ngoắc đuôi mấy cái, sủa mấy tiếng như ủng hộ lời hỏi chí phải của chủ.

Giáo Phép uốn ba tấc lưỡi, trổ tài thuyết khách kiểu Tàu:

- Thưa đại vương, tướng cướp cũng có nhiều loại tướng cướp. Ta cướp của bọn cường hào, ác bá, rồi đem chia lại cho dân nghèo!

Lời Giáo Phép vô tình chạm nỗi đau từ khá lâu, Đơn Hùng Tín chôn chặt tận đáy lòng. Ông hồi tưởng:

- Bà ơi! Nhỏ lớn, con thèm được kêu tiếng Má!. Bà cho phép con gọi bà một tiếng má... Má ơi!

Người Phật tử nhận nuôi nó từ tay người đàn bà lạ hoắc trước cổng chùa Hội Thọ, giờ già yếu và bịnh tật. Bà muốn xoa mái tóc thằng Nghĩa nhưng không sao giơ tay nổi khỏi mặt giường. Ngoài sân, con Đơn Hùng Tín sủa nồ như cố đuổi vật gì ghê tởm lắm!

- Chị Sáu. Chị tính sao món nợ vừa vốn vừa lời, vị chi tám đồng, ba cắc, lẻ bốn xu.

Tiếng Cả Cự ong óng dội vô căn nhà vốn đã u tối, càng u tối thêm. Có tiếng gậy đập con Đơn Hùng Tín và đã là Đơn Hùng Tín, nó chẳng hèn gì. Nó xé toạc áo quần, táp vào mặt và cắn chân lôi Cả Cự liệng ra ngõ. Cả đời nếm trải làm “dân thuộc địa”, bà hiểu rằng, đụng tới quan lại hoặc bọn hương chức hội tề trước sau gì cũng tan nhà nát cửa, có khi mất mạng. Có tiếng người ồn ào và phát súng nổ thị uy đầu ngõ, bà biết tên Hương quản Láng dẫn lính làng đã tới. Bà giục Đơn Hùng Tín bỏ trốn và đừng bao giờ quay trở lại nữa. Đơn Hùng Tín chần chừ, không nỡ. Giọng đứt quãng, bà nói như hét:

- Bộ con đứng đợi thằng Trì Cung nó chém?

Bà thở hổn hển, ánh mắt trìu mến và hình như, tất cả nguồn sinh lực còn lại của người mẹ dành cho con.

- Bà cho con kêu bà bằng má!

Đơn Hùng Tín quỳ xuống ôm má. Nước mắt của đứa con trôi theo những nếp da nhăn trên khuôn mặt già nua của mẹ.

- M…á!

*

Biết đại vương đang tâm tư khốc liệt, Giáo Phép lặng lẽ lui ra ngoài. Ngồi trên thềm đá chùa Năm Thuyền, Giáo Phép chiêm ngưỡng năm tảng đá to lớn giống như năm chiếc thuyền trong tư thế vượt trùng khơi và nghiền ngẫm, Trời đã định ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ hẳn là Trời cũng định cho con người “Trực giác tính tồn tại, bản năng tính tự nhiên, trí tuệ thỏa khát vọng thay đổi dù chẳng qua là sự mò mẫm trong vũ trụ u u minh minh”. Rồi, Giáo Phép nhắc nhở mình: “Tới đây, chẳng phải nhằm tu thành Phật, thành Thánh hay luyện võ công thành anh hùng cái thế để lập danh. Tới đây, là mong tầm người “muốn thể hiện mình” oai trấn giang hồ, làm giàu nhanh chóng.”

*

Tà Lơn đột ngột phủ mù sương núi và trở lạnh, lúc trời vừa chớm trở chiều. Giáo Phép rùng mình, cái rùng mình trong cảnh giới hoang sơ và huyền bí; khác chi cảnh cáo những ai có tâm địa đen tối.

- Hương giáo!

Tiếng gọi nhẹ như sương, giọng âm âm như từ cõi âm vọng về. Giáo Phép không hiểu đại vương đi cách nào mà thoáng cái đã đứng trước mặt.

- Ta, không là tướng cướp! Ta chẳng là đại vương!

*

Hang kham maya kul đường sâu thăm thẳm, rét lạnh rách da. Trong am hốc đá, Đơn Hùng Tín vừa trải qua giấc mơ, Thần núi bảo: “Con chưa tới căn tu tập, chỉ khi nào con phò xong Đông cung Thái tử thì con về đây!” Giật mình thức giấc, thân thể nhớp nháp mồ hôi, Đơn Hùng Tín ngơ ngác vì, không biết Đông cung Thái tử là ai và ngài ở đâu, làm sao gặp?(3).

Sau giấc mơ “đạo nghĩa”, Đơn Hùng Tín dùng phép Lăng ba vi bộ đi khắp núi rừng Tà Lơn quyết tầm minh chủ. Cũng có lúc nản lòng muốn bỏ cuộc nhưng, nhớ lời má: “Con có tổ không có tông, má cho con cái tên Ngãi để con sống có nghĩa. Việc bất nghĩa, dù chết quyết không làm!”, đã thôi thúc Đơn Hùng Tín cố công sức thực hiện bằng được giấc mơ.

Trời chẳng phụ lòng người hảo tâm, Đơn Hùng Tín gặp minh chủ ở động Kim Quang vào đêm mùa đông(4). Rồi, chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra giữa hai người; chỉ biết rằng, sau cái đêm hội ngộ đó, Đơn Hùng Tín trở thành tướng cướp ngang dọc khắp vùng sông nước Nam Kỳ; điều mà trước đây, ông ta khăng khăng từ chối lời đề nghị của Giáo Phép.

3.

Khi giao nhiệm vụ Giáo Phép làm quân sư, Đơn Hùng Tín liên tưởng tới Từ Mậu Công trong truyện Thuyết Đường diễn nghĩa. Vịn tảng đá Thần ở núi Trà Sư, Đơn Hùng Tín ngẫm điều kỳ lạ và, tự hỏi: “Điềm lành hay dữ?” Ông bấm độn, thầm khấn Sơn thần: “Ta, Đơn Hùng Tín, người nhận lịnh minh chủ Hoàng đế Phan Xích Long xuống núi ăn cướp, tạo tài vật giúp Hội kín đứng lên đánh Pháp, cứu dân khỏi ách thuộc địa. Xong việc, Tín nầy quay lại núi Tà Lơn tu tập. Xin Sơn thần phò trợ!”

- Đi nhanh thôi! Thưa đại vương!

Quân sư Phép nhắc chừng chủ tướng.

Đứng trên Sân Tiên, nhìn thị tứ Nhà Bàng rõ mồn một, trong bụng Đơn Hùng Tín mừng húm và khen thầm quân sư Phép.

Quân sư Phép chọn điểm “ăn hàng” nhà thầy thông Chín, thông ngôn đồn Tây đóng ở Nhà Bàng. Đơn Hùng Tín với dáng vóc nhỏ thó, nước da ngăm đen, thoạt ngó thấy ai cũng tưởng người Miên; một lợi thế “nhập nội” bất ngờ vì, chẳng ai ngờ đó là cao thủ võ lâm.

“Vợ lớn” thầy thông Chín dựa thế lực chồng mở tiệm cầm đồ và chuyên cho vay cắt cổ. Nói “vợ lớn” bởi, khi thầy thông lớn tuổi mới cưới thêm. Vợ đầu thầy thông cưới lúc nhỏ tuổi nên gọi là “vợ nhỏ”. Nói thì nói vậy, chớ thầy thông Chín vị chi bảy vợ đề huề; điền sản bao chiếm có dây, dắt từ Nhà Bàng tới miệt Tri Tôn. Vợ lớn thầy thông khoái coi phong thủy và bói toán, còn thầy thông ưa truy tìm thuốc trường xuân bất lão. Thường thì, ngày nghỉ lễ hoặc ngày chủ nhật, thầy thông mới có mặt ở nhà vợ lớn.

Nắm chắc quy luật sinh hoạt của thầy thông và gia đình vợ lớn, quân sư Phép hóa trang thành thầy lang kiêm thầy bói, Đơn Hùng Tín cải trang làm kẻ “đi bạn” gánh thuốc cho thầy. Năm lần bảy lượt lân la nhà vợ lớn thầy thông, khi thì sửa hướng cái bếp, khi dời cái giường phòng đúng cung mạng thê chớ không thiếp... Lắm lúc, chưa tới ngày thầy thông ghé thăm vì bận rộn việc đi “khám điền thổ” bảy mối chờ đợi, vợ lớn thầy thông thường cầm thầy trò nán ở lại dùng cơm. Quen và tin, hai yếu tố tối quan trọng đã đạt được thì coi như cầm bằng của nằm gọn trong tay.

*

- Gánh nào vậy em?

Thầy thông thấy thầy trò thầy lang đang hì hục giã thuốc ngoài hàng ba, nên cật vấn vợ.

- Thì em đã trình báo với mình rồi đó. Mấy tháng nay mình hết đau lưng và em ăn nên làm ra, tất cả đều nhờ thầy mát tay bốc thuốc, đổi phong thủy, trừ yểm tà ma.

Nghe vợ nói, thầy thông Chín có phần nào vững dạ, nhưng nhắc khéo vợ:

- Tụi Tây đồn bảo dạo nầy địa hạt Châu Đốc mất an ninh. Nhất là có tin Đơn Hùng Tín rời núi Tà Lơn về Thất Sơn làm giặc cướp.

Cô vợ lớn chưa tới ngưỡng băm, xí lên một tiếng.

- Chợ búa đông như kiến, Tây tà rậm rật. Mụ nội cha thằng nào dám bén chân tới đất Nhà Bàng để cướp, dù đó là tướng cướp Đơn Hùng Tín.

Thầy thông ăn xong bát cháo hầm thuốc núi Tà Lơn, người hầu gái chưa kịp bưng dọn xuống bếp, loáng thoáng một bóng người nhẹ tênh như bông gòn bồng bềnh bay áp sát thầy thông Chín. Bị điểm đúng huyệt Ưng song ngay chỗ lõm xương sườn thứ ba, thầy thông Chín choáng váng mặt mày và răm rắp làm theo lệnh của Đơn Hùng Tín.

Quân sư Phép viết giấy để lại tên tuổi, dằn lên mặt bàn trường kỷ. Đơn Hùng Tín thong thả gánh gọn hơ một gánh vàng bạc đi ngang chợ Nhà Bàng, thẳng đường lên núi Trà Sư.

Đồn binh Pháp Nhà Bàng cho lính ruồng bố gắt gao vùng Trà Sư, Đơn Hùng Tín chạy lên núi Cấm.

4.

Những hang động núi Cấm vừa hiểm trở vừa kỳ bí, thầy Huế(6) từng xây dựng điện Bồ Hong, Thiên Tuế và động Cao Vân để quy nạp đồ đệ và chấp chứa nghĩa binh chống Tây. Giặc Pháp đánh phá được căn cứ Láng Linh-Bảy Thưa nhưng bất lực và thúc thủ trước căn cứ núi Cấm của Cử Đa. Về sau, Đơn Hùng Tín sử dụng nơi nầy làm bản doanh.

Thời gian chưa trọn chín mùa trăng, Đơn Hùng Tín lấy số má giang hồ bằng hai mươi vụ cướp giữa ban ngày ban mặt, làm chấn động cả bọn điền Tây, điền Việt quốc tịch Tây, gây khiếp đảm đám lục lâm thảo khấu đất Nam Kỳ. Vàng bạc cướp được, Đơn Hùng Tín bí mật chuyển giao Hội kín giúp minh chủ lo mưu sự đánh Tây. Quân sư Phép bực tức trong lòng nhưng không dám lộ mặt. Bởi, với y, ăn cướp là để được giàu sang; không được vậy, cướp làm gì? Quân sư nghĩ kế phân tán tài sản cướp, tranh phần.

- Thưa đại vương! Tình hình bây giờ, cái ta cần nhất là lòng người. Muốn được lòng người, chi bằng lấy của cướp bọn giàu chia dân nghèo. Rừng người che chắn vẫn tốt hơn rừng cây!

Đơn Hùng Tín ngó về hướng núi Tà Lơn, không biết minh chủ còn ở đó hay đã đến phương trời nào! Đại vương ngồi im, quân sư Phép hơi chột dạ.

- Vì lo an nguy, tui bạo gan thưa cùng đại vương. Xin đại vương lượng thứ!

Tiếng chim rừng không lấp nổi sự trống vắng rừng xanh.

Đơn Hùng Tín nhớ lời minh chủ: “Dân nghèo dốt chữ nhưng không dốt nghĩa. Nghĩa không dốt thì trí không ngu, nghèo chết bỏ chớ tiền bất nghĩa chắc gì họ cầm lấy. Ta cần mua súng đạn đánh Tây, nhận tiền cướp của kẻ cướp, lòng còn chạnh và xấu hổ”. Vả lại, “tiền sạch” chắc gì mua chuộc được lòng người, nói chi tới tiền cướp!

- Việc an nguy là việc chung, quân sư lo, Tín tui sao trách cứ!

Sau chuyến ăn no hàng ở Cần Thơ về, Đơn Hùng Tín sanh nghi tài vật cướp vơi gần phân nửa. Chỉ có quân sư mới dám cả gan manh tâm... Đơn Hùng Tín tức khí định truy nhưng thôi, vì ngại vỡ bình.

Gần đây, mượn cớ điều nghiên thực địa điểm ăn hàng, quân sư Phép thường đi tắt về ngang, hành tung không rõ. “Vẫn biết mình với va hợp tác lập gánh ăn cướp ở thế có tác không có hợp. Va thuộc loại đồng sàng dị mộng nhưng không thể không hợp tác. Thời vận và những lãnh tụ: Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân, Âu Dương Lân... của phong trào chống Tây ở đất Nam Kỳ, lần hồi tan rã và bế tắc. Trong bế tắc của đêm dài thuộc địa, phong trào chống Tây đã chính thức chuyển từ sĩ phu sang đạo sĩ. Bằng sức mạnh tâm linh, các đạo sĩ đem tín ngưỡng dựng thành đạo giáo để tập hợp lực lượng, lập căn cứ địa vùng Thất Sơn huyền bí chống Tây. Đơn Hùng Tín đắn đo suy nghĩ, cái suy nghĩ của kẻ trực diện chơi cuộc chơi lành ít dữ nhiều.

*

Bước tới ghế đá ở vồ Thiên Tuế, nơi xưa kia Nguyễn Ánh lúc bôn tẩu từng ngồi nghiền ngẫm kế sách phục quốc, Đơn Hùng Tín xin rừng thiêng, Hoàng đế hiển linh, cứu đồng bào Nam Kỳ thoát đời “dân thuộc địa”, cứu minh chủ thoát cảnh “cá chậu chim lồng”(7). Hang động nhả sương chiều viền Thiên Cấm Sơn, ngôi miếu thờ Gia Long tuy hoang tịch nhưng lòng thành Đơn Hùng Tín đặt trọn nơi đây. Khói tàn vàng bay hay khói lam chiều xóm nhỏ trại ruộng dưới chân núi Cấm? Đơn Hùng Tín tự hỏi và có lẽ, tướng cướp Đơn Hùng Tín không có lý do gì để tiếp tục con đường đi ăn cướp; bởi, minh chủ đã bị bắt.

Thái độ kém mặn mòi đi ăn hàng của đại vương khiến giáo Phép và đám lâu la nghi hoặc. Vàng bạc cướp, Đại vương giấu ở đâu cả bọn mù tịt dù nhiều lần chia nhau rình rập, theo dõi. Bấy giờ, ở Thất Sơn đông đạo sĩ xuất hiện. Tín ngưỡng chiếm lĩnh và ngự trị tâm linh người nông dân chơn chất, họ tin thần chú bùa ngải, luyện thiên linh thiên nhãn... đi thiếp và nắm được thiên cơ nhưng bất khả lậu! Muốn họ tin, phải thực hiện điều phi phàm, kẻ phàm tục không làm được. Quân sư Phép dựa vào tình hình đó, muốn đánh bóng tên tuổi và gây thanh thế “Tướng cướp Đơn Hùng Tín” lan rộng khắp Nam Kỳ.

- Tín chưa tin thì không tín. Muốn được tín, cần làm cho người thấy mới tin. Thấy qua xảo thuật sẽ là trò chơi ảo thuật thôi mà! Một khi thiên hạ cả tin, tiền của cướp vô tay đại vương như thác đổ. Lo chi mình chẳng giàu ngất trời!

Nét mặt hí hửng, quân sư tự tin tài thuyết khách của mình.

- Chẳng giấu gì, tui có bửu bối Thiên thư bí kíp. Người nào luyện thành thì gươm đao không đâm chém thủng. Đại vương thích, tui dâng!

Minh chủ vì nóng lòng đánh Tây mà lặn lội tới núi Tà Lơn tầm sư học phép thuật và cũng chính phép thuật đó, minh chủ bị giặc bắt giam cầm, sống chết chưa biết sao! Năm xưa, tiền nhân nổi lên đánh Tây xuất phát từ miền đất kỳ vĩ và huyền bí nầy, đã dùng bùa cản đạn thù, súng bắn răng cắn đầu đạn, khiến máu nghĩa binh chảy thành suối.... Dòng suy nghĩ thoáng qua lúc nghe quân sư dâng Thiên thư bí kíp, tấc dạ Đơn Hùng Tín bồi hồi chuyện cũ.

Quân sư Phép tần ngần chờ ý kiến đại vương. Đơn Hùng Tín nhìn thẳng mặt người từng gầy sòng, bài binh bố trận trăm vụ cướp trót lọt.

- Xảo thuật tất xảo ngôn, cặp bài trùng kết nên xào trá. Và, xảo trá không có đất sống lưu niên trong lòng người lương thiện; nếu có, chẳng qua chỉ là lưu trú tạm thời. Ta ham tinh luyện quyền thuật, tuyệt nhiên không màng tới huyền thuật!

5.

Liệng cái danh “tướng cướp” nơi vồ Thiên Tuế núi Cấm, Đơn Hùng Tín lần theo lối mòn trở về núi Tà Lơn, nguyện đời còn lại chăm lo tu tập. Song, lòng chẳng yên vì, nghiệp chướng gây ra quá nặng! Thời may, Đơn Hùng Tín được Sư Huệ khai thị tại điện Minh Châu(8) mới ngộ ra. Từ đó, Đơn Hùng Tín buông bỏ cuộc đời cũ, chuyên tâm và an nhiên tu tập.

Một hôm tình cờ Đơn Hùng Tín nghe Đạo Năm báo tin nhà cùng đồng đạo.

- Nghe nói, một tên đàn em làm phản mật báo, tụi Tây vây ráp bắn chết tướng cướp Đơn Hùng Tín ở phía dưới cù lao Rồng, đoạn sông Tiền về Mỹ Tho. Không ai xác định “cái thây ma đó là tướng cướp Đơn Hùng Tín” và đương nhiên, cái xác vô thừa nhận được đem chôn. Chiếc ghe lườn tang vật, nhà chức trách Mỹ Tho giao viên chức Vương Hồng Sển tổ chức bán đấu giá(9).

Đơn Hùng Tín nhẩm tính thời gian tu tập ở núi Tà Lơn, ngót nghét mười năm kể từ sau cái đêm liều chết, Tín lộn trở lại Đồng Tập Trận đào mộ bốc xác minh chủ Phan Xích Long mang về an táng tại Động Kim Quang cận kề mộ Cử Đa, thầy của minh chủ và mộ Phó tướng Nguyễn Hữu Trí(10). Và, cái tên Đơn Hùng Tín cũng được trả về “bản quán Thuyết Đường diễn nghĩa”. Núi Tà Lơn chỉ có Đạo Tâm bởi, chẳng ma nào biết tới cái tên Đơn Hùng Tín.

*

Đạo Tâm lần tràng hạt, hiểu ra câu chuyện “Hậu tướng cướp Đơn Hùng Tín”, tất cả do Giáo Phép bày trò nối gót “Đơn Hùng Tín không có Đơn Hùng Tín” để tiếp tục đi cướp. Khi no đủ dù chưa “chưa giàu ngất trời” và bí đường đi ăn cướp, Giáo Phép đầu Tây, dựng hiện trường giả lập công lãnh thưởng.

Đám Tây ở Mỹ Tho coi vậy mà thua trí tay giáo nghiện thuốc phiện và cờ bạc!

T.B.Đ  
(TCSH342/08-2017)

-------------
(1) Dãy núi Tà Lơn có 6 ngọn, trong đó ngọn  Phnom có đỉnh cao nhất (1.079m), cách Hà Tiên  độ 100km, cách thị xã Kompot khoảng 10km về  hướng Tây Nam.
(2) Vòng cung qua các nước: Pakistan, Kashmir,  Ấn Độ, Tây Tạng, Nepal, Sickim, Bhutan,  Kampuchia, Việt Nam.
(3) Đêm 21 rạng 22, tháng 7 năm 1865.
(4) Năm 1912, Phan Xích Long (Phan Phát  Sanh) tự xưng Đông cung Thái tử (con vua Hàm  Nghi), tự tôn Hoàng đế, lập Hội kín kháng Pháp.
(5) Động Kim Quang người Cao Miên gọi là  Khăm Lơn, núi Bokor gọi là Tà Lơn (Tà thần tên  Lơn). Phan Xích Long từng tới đây luyện bùa phép,  có thể người Cao Miên gọi Long trại ra thành Lơn  chăng (?).
(6) Cử Đa, người Bình Khê (Bình Định) đỗ võ cử  nhân thời Thiệu Trị (1945). Nói giọng miền Trung,  người miền Tây Nam Kỳ thường gọi thầy Huế.
(7) Đêm 23 rạng 24/3/1913, Phan Xích Long  cùng Phó tướng Nguyễn Hữu Trí (quê Cần Giuộc,  Long An) khởi nghĩa tấn công các cơ quan đầu não  Pháp tại Sài Gòn. Bại lộ, Pháp bắt Phan Xích Long  cùng 57 nghĩa sĩ giam ở Khám lớn Sài Gòn. Ngày  22/2/1916, Pháp xử bắn Phan Xích Long và một số  nghĩa sĩ ở Đồng Tập Trận (Đại cương lịch sử, tập  2, tác giả Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê  Mậu Hãn, Nxb. Giáo Dục, 2007).
(8) ‘’...Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, dù  đang chịu lắm khổ đau, dù lỡ phạm điều ác, nhưng  biết hối cải, nỗ lực tu tập thì sẽ gặp thiện duyên,  tâm thức tinh tấn phát triển và trong tương lai nhất  định sẽ đạt quả vị Vô thượng Bồ đề’’ (Vấn đáp Phật  giáo, tái bản có bổ sung, tác giả Trần Tuấn Mẫn,  trang 131, Nxb. Lao Động, 2017).
(9) Giang hồ lục tỉnh, Nguyên Hùng, Nxb. Văn  học, 2002.
(10) Đêm 14 rạng 15/2/1916, Nguyễn Hữu Trí  cùng mấy trăm hội viên Hội kín cổ đeo bùa, tay  cầm vũ khí thô sơ với mật hiệu “Cứu Đại ca” xuất  phát từ bến sông cầu Ông Lãnh, đồng loạt tấn công  dinh Thống đốc và Khám Lớn giải cứu Phan Xích  Long. Thất bại, Nguyễn Hữu Trí hy sinh.







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Dáng Thu (25/08/2017)
Mê cung (18/08/2017)