Tạp chí Sông Hương - Số 343 (T.09-17)
Yếu tố bất ngờ trong bài thơ ‘Bông hồng cho mẹ’
08:48 | 05/09/2017

NGUYỄN THỊ TỊNH THY      

Bông hồng cho Mẹ của bác sĩ - thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một bài thơ hay về mẹ. Hay đến mức nào? Hay đến mức lặng người, lạnh người. Hay đến mức phải gọi đó là tuyệt tác.

Yếu tố bất ngờ trong bài thơ ‘Bông hồng cho mẹ’

Bởi vì Bông hồng cho Mẹ là một cách viếng mẹ, khóc mẹ vô cùng đặc biệt - đầy uyên áo nhưng rất đỗi giản đơn. Bài thơ được viết theo thể tứ tuyệt ngũ ngôn, chỉ vẻn vẹn bốn câu, hai mươi chữ nhưng đủ để khiến người đọc có nhiều phức cảm buồn vui, thấu đạt lẽ sinh tử, cảm ngộ điều được mất... để có thể tỉnh thức, an nhiên trước sự nghiệt ngã của quy luật sinh ly tử biệt.

“Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…”


Toàn bài thơ, kể cả nhan đề, đề tài, hình ảnh đều rất đỗi thân quen đối với người dân Việt, đặc biệt là các Phật tử. Có thể nói, Mẹ, lễ Vu Lan, hoa hồng màu trắng, hoa hồng màu hồng và cả nghi thức cài hoa hồng lên ngực dường như đã trở thành những biểu tượng mang tính liên văn bản trong văn chương nghệ thuật, trở thành tập quán trong đời sống và tâm thức bao người. Vậy mà, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc vẫn tìm ra được một tứ thơ lạ làm ta sững sờ, khiến ta bất ngờ. Đúng! Bất ngờ chính là yếu tố làm nên hồn cốt của bài thơ.

Bất ngờ đầu tiên là nghịch lý của hai câu thơ đầu:

“Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng”


Lạ chưa! Con cài hoa trắng, nghĩa là con không còn mẹ. Theo lẽ thường, mẹ càng phải cài hoa trắng, vì mẹ của mẹ (bà ngoại) cũng không còn. Vậy mà, con cài bông hoa trắng - bông hoa của tang tóc, mất mát; nhường cho mẹ đóa hoa màu hồng - màu của diễm phúc, viên mãn. Hẳn bạn đọc sẽ không khỏi thắc mắc về nghịch lý này. Trong thưởng thức nghệ thuật, thắc mắc, hoài nghi, cảm thấy mâu thuẫn... là khởi đầu của mỹ học tiếp nhận. Bạn đọc chờ đón lời giải thích ở câu tiếp theo. Nhưng không. Câu thứ ba lại càng khẳng định sự vững chắc của hai câu đầu: “Mẹ nhớ gài lên ngực”. Lại thêm một tầng thắc mắc nữa: Mẹ đã mất, vậy mà có thể thực hiện động tác “gài” hoa lên ngực. Mà chắc là mẹ có thể làm được việc đó, nên con mới dặn mẹ là “nhớ gài”. Quả là nghịch lý chồng nghịch lý! Cho đến câu cuối cùng: “Ngoại chờ bên kia sông...”, tất cả mọi thắc mắc, nghịch lý đều được cởi bỏ. Cởi bỏ bằng một sự bất ngờ - bất ngờ đến mức khiến ta ngỡ ngàng, sững sờ, xúc động...

Cấu tứ bất ngờ là nét độc đáo chuyển tải chủ đề của bài thơ. Kiểu cấu tứ này khiến cho bài thơ đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” của thi pháp thơ Đường. Người làm thơ phải biết rằng, mạch thơ tối kỵ là bị để lộ, nhà thơ phải làm sao đó để đến câu cuối cùng, điều mình muốn ký thác, bộc bạch mới lộ ra, gây bất ngờ cho người đọc, thậm chí bẻ gãy được những đoán định của họ. Bất ngờ càng lớn, ý thơ càng sâu sắc, sức lay động càng mãnh liệt. Vì thế, câu cuối cùng thường là câu gánh vác nhiệm vụ thể hiện chủ đề của bài thơ. Cũng vì thế, nhiều người cho rằng, trong thơ Đường luật, những câu đầu dù nói nhiều điều, tả nhiều thứ, có thể bao quát cả không gian mênh mông vô tận và thời gian vô thủy vô chung thì vẫn chỉ là sự chuẩn bị cho sự xuất hiện của câu cuối. Làm thơ Đường, trong tâm tưởng của nhà thơ, câu cuối chính là câu khởi đầu.

“Ngoại chờ bên kia sông…”

Vậy là không còn nghịch lý nữa. Mẹ về với ngoại. Ngoại đã đi trước, và đón chờ mẹ ở bên kia sông. Ngoại đón con gái của ngoại, mẹ về trong vòng tay của mẹ mình. Tất cả mọi việc đều thuận chiều. Và vì thuận chiều như thế nên nỗi mất mát, chia xa bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn.

Viết về cái chết, về nỗi đau tử biệt nhẹ nhàng như thế, nhà thơ đã thấm nhuần triết lý của nhà Phật. “Vô thường”, “sắc không”, “tứ khổ”, “diệt khổ”, “từ ái”... được chất chứa trong từng câu chữ giản dị tưởng chừng như không còn là thơ, không phải là thơ. Tất cả hai mươi chữ trong bài thơ tứ tuyệt này đều là từ thuần Việt, cả danh từ, động từ, đại từ...; cả hình ảnh, biểu tượng... cũng đều rất đời thường và dân dã đến mức người đọc, người nghe ở trình độ nào cũng có thể hiểu, có thể cảm, có thể xúc động. Mặc dù bài thơ đậm chất triết lý, nhưng chất triết lý ấy đến một cách đơn giản, không trau chuốt gọt giũa, không cao đàm khoát luận. Mọi cảm xúc, tình cảm trong bài thơ vừa như có, vừa như không; vừa rất nặng, vừa rất nhẹ; vừa hiện thực, vừa kỳ ảo. Tất cả đều tùy thuộc vào cách mà mỗi người cảm nhận về cái chết, về tình mẫu tử, về lẽ tử sinh. Sâu sắc và đa nghĩa như thế, Bông hồng cho Mẹ là cả một chân trời nghệ thuật mà ở đó, mọi đường nét nghệ thuật dường như tan biến trong tình cảm sâu nặng của người con đối với mẹ, để rồi lan tỏa đến người đọc. Khiến cho người đang nằm có thể bước đi, khiến cõi chết trở thành cõi sống, khiến âm dương cách biệt trở nên gần lại, đậm chất nghệ thuật nhưng không thấy dấu hiệu của nghệ thuật, như vậy là bài thơ đã đạt đến cảnh giới cao siêu của nghệ thuật: “áo của thợ trời không nhìn thấy đường may” (thiên y vô phùng). Chỉ trong hai mươi chữ, từ một tấm lòng, nhà thơ đã nói hộ muôn tấm lòng. Ước mong của tác giả là ước mong của mọi người, tiếng thơ của anh nhưng là tiếng lòng của tôi, của tất cả chúng ta.

“Ngoại chờ bên kia sông…” là hình ảnh mang tính biểu tượng, giàu sức gợi, chất chứa nhiều hàm nghĩa ý tại ngôn ngoại. Câu thơ tạc nên hình ảnh của người mẹ muôn thuở: yêu thương, dịu dàng, nhẫn nại, chở che, bảo bọc, hy sinh. Từ vị trí của người mẹ ở ba câu đầu, mẹ trở thành vị trí của người con ở câu cuối. Mẹ được về trong vòng tay yêu thương của ngoại, lại một lần nữa được làm con của ngoại, nghĩa là mẹ được tái sinh. Câu thơ còn toát lên một chân lý: có mẹ, dù ở bất cứ nơi đâu, dù ở cõi sống hay cõi chết, ta cũng sẽ được chở che, được bình an. Vì thế, dù “bên kia sông” là một thế giới vô cùng lạ lẫm thì mẹ cũng sẽ khỏi phải ngỡ ngàng, ngơ ngác, bơ vơ, lạc lõng. Có ngoại rồi, con yên tâm cho mẹ, con được an ủi rất nhiều khi nghĩ về bước chân cuối cùng của mẹ trong chuyến độc hành này.

Về với mẹ, về bên mẹ là một cách nói giảm nhẹ tuyệt vời để xua tan đi nỗi đau xé lòng, nỗi mất mát không gì bù đắp được. Câu thơ khiến ta bình tâm hơn, thanh thản hơn, thấu đạt hơn, an nhiên hơn khi đón nhận quy luật nghiệt ngã của tạo hóa. Câu thơ còn đặt ra vấn đề về cách nhìn nhận, đón nhận và lý giải những biến cố của đời sống. Trắng - hồng, sống - chết, được - mất, đi - về, sắc - không... ranh giới của những cặp đối lập ấy chỉ là tương đối. Sắc sắc không không, “có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không” (Thiền sư Từ Đạo Hạnh), tất cả đều tùy thuộc vào cách chúng ta đón nhận sự việc. Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc đã chọn cách nhìn thấy niềm vui trong nỗi đau, đổi chất trẻ thơ cho sự già nua, biến chia ly thành đoàn tụ, thay mất thành được, biến ra đi thành trở về.

Từ hình ảnh và ý nghĩa đẹp đẽ của câu cuối, đối sánh với ba câu đầu theo lối đọc ngược bài thơ từ dưới lên, ta sẽ thấy mọi ẩn số của nghịch lý đều được giải đáp tường tận. Vì mẹ được về với ngoại (câu 4) nên mẹ nhớ cài hoa hồng lên ngực (câu 3), con dành cho mẹ đóa hồng là hợp lý (câu 2), con nhận phần mất mát cho riêng mình, và con vĩnh viễn không còn mẹ trên đời (câu 1). Cũng từ câu 4, đọc lại câu 3, ta sẽ thấy câu thơ - lời dặn của người con - thấm đẫm nỗi niềm. “Mẹ nhớ gài lên ngực”. “Mẹ nhớ...”, nghĩa là mẹ đừng quên làm điều đó nhé, bởi đóa hoa hồng dường như là dấu hiệu để ngoại nhận ra mẹ, là tín vật để xác nhận hạnh phúc đoàn viên của mẹ và ngoại. Và con mong như thế, mong lắm thay! “Mẹ nhớ gài lên ngực”. Lời thơ như dặn dò nhắc nhở, như van xin cầu khẩn, như vỗ về dỗ dành, như an ủi động viên... trong giờ phút bịn rịn tiễn đưa. Lời nói ấy là tấm lòng, là nỗi âu lo, là yêu thương chan chứa bật lên từ nỗi đau nén chặt trong lòng. Khóc không nước mắt, nỗi đau lớn tựa càn khôn!

Mở đầu bằng những nghịch lý và kết thúc bất ngờ bằng những chân lý, Bông hồng cho Mẹ đưa chúng ta dần ra khỏi bến mê. Dẫn dắt người đọc đi từ mê muội đến tỉnh thức về lẽ tử sinh như thế, quá trình nhận thức của bài thơ mang đậm dấu ấn của Thiền tông. Bài thơ là cái nhìn khác biệt và sống động về một trong “tứ khổ” sinh lão bệnh tử, thấm đượm chân lý về tình mẹ. Nếu có mẹ, được ở bên mẹ thì cõi chết cũng là cõi bình yên. Đối diện với cái chết bằng tâm thế ấy, ta còn sợ nỗi gì? Ai rồi cũng có ngày được về với mẹ, hãy nhẹ nhàng, nhẹ gánh mà đi. Rồi ta sẽ được mẹ ta đón bên kia sông. Hiểu là giải thoát. Vẫn biết như thế, nhưng sao nước mắt vẫn cứ chảy dài khi nghĩ đến ngày ngoại đón mẹ. Ta mê muội quá chăng?

N.T.T.T  
(TCSH343/09-2017)




 

Các bài mới
Chim Sẻ Xanh (22/09/2017)
Các bài đã đăng
Con về bên Mẹ (05/09/2017)