Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-17)
Gió qua Phương Bối
15:38 | 16/10/2017

NGUYỄN ĐÌNH MINH KHUÊ
                        Tạp bút

Gió qua Phương Bối

1
Những ngày này trời Phương Bối chắc cũng đã chuyển thu. Nhưng ngày thu, khí thu, vị thu, hoặc có chăng thì lòng người đã thu thôi, chứ sắc thu vàng rực cháy đỏ của những xứ ôn đới xa xôi làm sao lần mò được đến tận chốn này khi vây quanh Phương Bối là bạt ngàn thông gió.

Những đồi thông xanh rợp rủ bóng thầm thì, đạo mạo cái dáng vẻ ẩn sĩ giữa đại ngàn trầm mặc và thâm u. Thông xanh đến nỗi nhuộm màu rong rêu lên cả những con gió vẫn âm thầm len lỏi qua rừng đồi. Những con gió Phương Bối cô tịch, chì nặng, xa xăm như mang chứa bên trong cái dáng vẻ vô hình thanh thoát của mình cả kho ký ức về biết bao vùng hoài niệm mà nó từng đi qua trong đời phiêu bạt.

Gió kể cho những lữ khách của núi rừng câu chuyện về cái tên Phương Bối mà thiền sư Nhất Hạnh, không biết trong buổi tinh mơ thơm tho nào, đã nghe mùi hương của một loài cây cỏ mà xuất hứng gọi thành cái tên mỹ miều kia. “Phương Bối” có nghĩa là lá bối thơm, loại lá dùng để chép kinh sách từ thời cổ ở vùng Ấn Độ. Từ những chiếc lá kia, lời Phật chảy tràn ra khắp sông suối rừng đèo. Có chiếc ta bà du lãng cõi người, nhưng cũng có chiếc đã chịu nằm lại nơi một cảnh rừng, một dốc đèo, chao nghiêng tỏa lan cái thơm tho vô sắc.

Nhưng nói như thế thì chiếc bối thơm nào, những lời của ngàn năm nào đã chọn dừng chân nơi đây, nơi đồi Phương Bối đào nguyên này của thầy Nhất Hạnh?

2
Trong những giây phút nấn níu lại với rừng đèo, gió cũng kể cho người ta nghe về những tay chơi thơ giữa khinh khoái đại ngàn, những người thơ của một thời vàng son quá vãng đã ương ngạnh trước bao sóng gió cay đắng, quyết không chịu bay về phía bên kia đại dương mà chấp nhận lầm lũi giữa lưng chừng thông reo Phương Bối này, chỉ để được gần Mẹ đất da vàng máu đỏ. Người thơ ấy là Nguyễn Đức Sơn. Người thơ ấy hồn linh ướt nhèm vì dòng nước thánh tuôn ra từ người đàn bà mà ông mê đắm. Người thơ ấy bay giữa nắng thu vàng mà cạp lấy cùng dòi bọ một quả ổi rơi. Và người thơ ấy cũng lẩm nhẩm đọc một thoáng kinh cầu cho quê hương:

“Quê mình ai còn ai mất
Đi rồi gươm súng mùa thu
Khóc mãi từng đêm lưu lạc
Nói ra thêm oán thêm thù”


Ngày chúng tôi lên Phương Bối, gươm súng đã tan, chỉ còn những vạt mưa thu lất phất trên đầu. Song người thơ ấy, sau cơn lầm lụy điên đảo vẫn còn sân sẩn, khỏe mạnh lắm, vẫn chống gậy, khuôn miệng nhăn nheo móm mém, bước đến chùa Sim của cư sĩ Đức Vân con trai ông, với dáng vẻ của một lão tiên nơi tục lụy tuy đâu đó vẫn váng vất vẻ ngổng nghểnh, ngang tàng chưa đi mất bao giờ. Chúng tôi ăn với ông một bữa cơm chay, rồi tiễn ông về trên chiếc Cup trông vẻ cà tàng nhưng đã quen leo đèo dốc.

Đường về nhà Nguyễn Đức Sơn đi qua một trảng rừng thông, càng vào sâu cây càng ken đặc, âm ẩm sương mù. Lối đất đỏ mỏng mảnh vòng vèo giữa những bụi cây dại chưa kịp nở hoa, hình như càng ngày càng nhỏ lại, lẩn khuất hẳn vì có bao người còn đến đây đâu, có bao người còn nhớ được rằng hơn ba mươi năm trước, từng có một trong tam kỳ nhân của giới văn nghệ Sài Gòn đã về đây, bỏ lại sau lưng đoạn đời đánh mất và dành cả quãng đời còn lại của mình cho núi rừng, ăn chay, tụng niệm cho một thời quên nhớ …

Trước cửa nhà ông là một bộ bàn ghế đơn sơ, nằm gần sát bờ vực thấp. Ngồi từ chỗ ấy, vừa nhâm nhi tách chè xanh nóng, vừa có thể phóng tầm mắt ra gần cây số để ngắm những dải mây mù bay bay vào những buổi tinh mơ sương giáng hay những hoàng hôn chuyển lạnh trong vầng ráng rực rỡ nhuộm đỏ sắc trời. Ngồi từ chỗ ấy, Nguyễn Đức Sơn sẽ móm mém đọc cho nghe một bài thơ, sẽ phóng khoáng văng tục, phóng khoáng tư lự, phóng khoáng cười buồn. Ngồi từ chỗ ấy, sẽ thấy mấy mươi năm ngồi lại, âm thầm, kiêu bạc, chân vắt chữ ngũ uống với người một vần thơ.

Vậy mà chẳng ai đến ngồi, duy chỉ có rong rêu u tịch…

3
Trong những bước rong ruổi qua miền rừng đèo này, gió còn kể rằng, nó vẫn thấy thấp thoáng một cái am bé xinh nằm chìm trong những bụi sim tím ngắt. Sim Phương Bối cao gần ngang đầu người lớn, đã nở hoa suốt hơn chục mùa từ lúc được sư thầy Nguyễn Đức Vân lần đầu gieo cấy xuống những luống đất đèo cằn khô.

Tuy vậy, lúc chúng tôi lên đến chùa Sim, tiếc thay, màu sim tím chỉ còn lác đác điểm tô cho mùa thu Phương Bối bởi loài hoa của rừng này đã lần lượt bung nở hết từ những tháng hè. Nhưng trong cái rủi có cái may. Chẳng biết thế nào, vừa nghe chúng tôi có ý tiếc rẻ, thầy Đức Vân lật đật chạy ra dốc vườn sau chùa rồi thủng thỉnh đi vô, trên tay cầm một nắm lá chè xanh tươi rói như an ủi.

Chiều Phương Bối rơi nhanh vào cái đen kịt lành lạnh của đêm thu. Từ cái bếp đun nước sôi của thầy Vân, mấy sợi khói lãng đãng bay lên với cuồn cuộn những nỗi niềm, rồi chẳng biết tự lúc nào đã tan loãng hòa điệu vào cái thinh lặng muôn trùng của đồi thiền Phương Bối.

Chúng tôi ngồi quây quần lại bên thầy, bên những bát nước chè xanh, bên những câu thơ hào sảng lồng lộng như hơi thở. Trong giờ khắc chơi vơi giữa đêm sương thu ấy, hình như mọi mệt nhoài sau chuyến đi hơn ba trăm cây số của chúng tôi thoảng đi đâu đó rất nhanh. Chỉ còn lại đâu đây chút lãng đãng mơ hồ, chút bồng bềnh trong vắt. Chúng tôi bỗng chốc hóa thành mấy ngọn sương mù, những cuộn mây giăng giăng hay một cánh chim đi lạc nào ngoài kia đang chở trên đôi cánh chao nghiêng cả đêm thu Phương Bối…

4
Cũng chẳng biết cái đồi thông sừng sững giữa cao nguyên Bảo Lộc kia có thứ gì hấp dẫn mà bao nhiêu cuộc đời tài hoa lại rong ruổi về đây, lại chịu nắng dầm sương, lại trồng sim thưởng trà giữa thinh không này, từ thầy Nhất Hạnh, Thích Thanh Từ đến Nguyễn Đức Sơn, rồi giờ đây là Nguyễn Đức Vân và Nguyễn Đức Yên nữa.

Đức Yên là con thứ của Nguyễn Đức Sơn, em của cư sĩ Đức Vân. Hai anh em không lấy vợ, sống đời thiền hành. Nhưng khác với anh, Đức Yên ở lại với cha trong căn nhà gỗ giữa rừng thông bên bờ vực cạn, chăm sóc nấu nướng cho cha, dẫn cha đi chơi.

Hình như trong mấy phút rảnh rỗi, Yên vẫn hay làm thơ. Anh từng đọc cho chúng tôi nghe một câu thật hay rằng “Nếu có luân hồi ta cưới em”.

Vâng, nếu có luân hồi thật, kiếp sau chúng tôi cũng nguyện làm những cơn gió tịch liêu để ngày ngày vẫn thổi qua đồi sim Phương Bối này, dâng lên những con người tài hoa này một lời chào tiếc nhớ…

Để nhớ một mùa Phương Bối, tháng 8/2017
N.Đ.M.K  
(SHSDB26/09-2017)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng