Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-17)
Vọng Khau Chang
15:41 | 16/10/2017

NGUYÊN HƯƠNG

Khau Chang là một xã vùng cao thuộc huyện Bảo Lạc - tỉnh Cao Bằng, có đường giáp biên với Trung Quốc. Tình hình nhân chủng đa dạng cùng sự đặc sắc về văn hóa đã khiến Khau Chang trở thành nơi lưu giữ nhiều dấu ấn bản địa của Cao Bằng.

Vọng Khau Chang
Làng bản Khau Chang

Nơi ấy có người gái già Lô Lô đen hát dân ca rất hay mà ở tuổi 60 gương mặt và giọng hát vẫn ánh lên nét âm ca của đan tước Cao Bằng, có thung lũng đang độ vào thu trải dài trên những rừng dẻ ngày bói quả, có gương mặt hiền và mái tóc dày cộp lâu ngày không chải của những em bé Mông - Dao…

Hai dấu mốc lớn trong cuộc đời sinh viên của tôi đều gắn với mảnh đất và con người Khau Chang. Đó là thực tế và thực tập tốt nghiệp trong chương trình đào tạo dành cho sinh viên ngành Văn học. Tôi đã đi Khau Chang với sự hồi hộp lạ kỳ về mảnh đất mà lần đầu tiên mình được đặt chân đến, liệu nó có giống Ba Bể - Bắc Kạn hay hao hao một góc nào đó của Đồng Văn, Mèo Vạc - Hà Giang? Tôi đã đi và ngắm nhìn những con đường bạt ngàn cỏ lau giữa mênh mông sơn cước đại ngàn. Sau này, khi nhiều lần trở lại Khau Chang, tôi nhận ra rằng, việc tôi lui tới mảnh đất này không phải vì đó là một miền đất xa ngái so với nơi tôi sinh ra mà tôi đã bị hấp dẫn bởi nét trầm tích nguyên thủy vẫn còn ẩn hiện đâu đây qua bóng dáng của phế đô nhà Mạc…

Khau Chang nhỏ nhắn như bàn tay con gái. Mọi thứ đều vừa phải, không quá cũ kỹ, không quá nguy nga, cứ giản dị lắng sâu như cuộc sống của con người nơi đây. Không dậy sóng, không ồn ào, càng trở nên bình yên mỗi khi bóng đêm trùm xuống. Nó tiềm ẩn sự diệu kỳ sau mỗi nếp phố, hằng ngày phập phồng thở sau sự chở che của núi đồi cao nguyên. Tôi đã kịp cảm nhận nhịp điệu của vùng đất này dù chỉ có ít ngày ở đây, những tiết tấu êm đềm như nét cười của cô gái Lô Lô ngày xuống chợ, như tầng sâu của ký ức được cất giấu sau sự thâm nghiêm của những cánh rừng già.

Kỷ niệm sâu sắc khi đến với Khau Chang chính là những ngày mùa hè tháng 7 năm 2011, chúng tôi nằm vùng quay một phóng sự tư liệu về người Lô Lô đen. Vì chỉ là những sinh viên chân ướt chân ráo đặt chân đến nơi này nên chúng tôi có phần lo sợ, nhưng bằng sự tò mò và cả sự bất chấp, tôi và Hoa đã vượt đường rừng vào bản Khau Chang để mong có được những cảnh quay đẹp. Khau Chang hiện ra trước mắt chúng tôi là một vùng đất thanh sơn thủy tú, hoang sơ như cỏ, tươi nguyên như lá lẫn trong màu xanh của thảm thực vật hạt kín. Sự xâm thực của nước mưa, dòng suối lộ thiên và của suối ngầm đã tạo nên nhiều hang động lớn ở núi đá vôi. Bên cạnh đó, quá trình kiến tạo địa chất và tác động của tự nhiên, sự bồi đắp của hệ thống sông Gâm đã tạo nên cho Khau Chang những bồn địa khá màu mỡ. Ngoài các thung lũng lòng chảo, còn có các sườn núi, lưng đồi, các soi bãi ven bờ suối là nơi có thể canh tác tương đối tốt của đồng bào.

Người Lô Lô đen có mặt ở Việt Nam vào khoảng thế kỷ XIII - XV. Trước đây, họ là cư dân nước Nam Chiếu, sau bị quân Nguyên - Mông đánh chiếm. Không chịu khuất phục làm nô lệ, họ phải rời miền Nam Trung Quốc sang Việt Nam. Các tù trưởng người Lô Lô đen do không chịu nổi ách thống trị của bọn phong kiến nhà Minh đã lãnh đạo dân tộc vùng dậy khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, các tù trưởng bị giết. Người dân Lô Lô đen phải dắt díu nhau về phương Nam lập nghiệp. Họ sinh con đẻ cái, tạo dựng cuộc sống thanh bình và coi quê hương mới là Tổ quốc thiêng liêng không kẻ thù nào có thể xâm lược…
 

Kỷ niệm cùng bà con Khau Chang

Chúng tôi vào nhà một người dân trong xóm để xin được qua đêm trong những ngày nằm vùng quay phim, bắt gặp ngay sự đón tiếp ân cần, cởi mở của một người phụ nữ chưa bao giờ ra khỏi bản, cả đời úp mặt trên những ngả nương, cười hiền hậu và thuần phác. Bà đang nấu bữa trưa để chờ con trai và con dâu đi làm về. Lát sau, anh Chu Văn Sình - sinh năm 1990 đã có vợ và một con trai trở về sau những giờ phút lao động mệt nhọc. Anh hứa sẽ làm hướng dẫn viên địa lý cho chúng tôi. Bữa ăn đầu tiên của chúng tôi với gia đình anh Chu Văn Sình thân mật và ấm cúng, với rau cải đắng xào và thịt hun khói bếp.

Trong số những giá trị văn hóa mà người Lô Lô đen sáng tạo lên, có thể nói văn hóa nhà ở là một giá trị mang nhiều nét đặc sắc. Cấu trúc ngôi nhà sàn của người Lô Lô đen ở đây khá đơn giản, có 4 mái và không có loại nhà sàn 2 mái. Họ thường thiết kế ngôi nhà của mình thành 3 hoặc 5 gian và nhất thiết có 2 chái, trong đó có 1 chái là nơi để bắc cầu thang lên sàn. Bàn thờ được đặt ở gian chính giữa ngôi nhà và thường đối diện với gian bếp. Với loại nhà 5 gian chính, 2 gian phụ thì cả ngôi nhà có tới 42 cột, chưa kể các cột trốn. Qua khảo sát thực tế cho thấy, đây là loại nhà sàn được người Lô Lô đen mô phỏng theo cấu trúc nhà sàn của người Tày đã có thời gian xen cư với họ.

Cùng với nhà ở, trang phục cũng là một trong những nét độc đáo của văn hóa vật chất, tạo nên những nét sắc thái khác nhau giữa các tộc người, thậm chí giữa các nhóm địa phương trong một tộc người. Theo lời kể của nhiều người cao tuổi Lô Lô đen tại Khau Chang, từ xa xưa phụ nữ thường mặc quần hoặc váy màu đen, áo ngắn có trang trí nhiều hoa văn với các màu đỏ, trắng, hồng, vàng, xanh da trời… Kết quả diền dã của chúng tôi cho thấy, phụ nữ Lô Lô đen thường mặc áo ngắn cổ vuông, xẻ ngực, cài khuy bằng vải màu hoặc bằng đồng, trang trí hoa văn ở hai ống tay áo, phần sống lưng, nẹp ngực và mép gấu. Quần màu đen hoặc màu chàm, dài đến mắt cá chân, không thêu thùa hay khâu ghép vải màu trang trí. Họ thường sử dụng hai loại khăn là khăn trắng và khăn đen. Trang phục của nam giới bao gồm áo 5 thân giống áo của phụ nữ Nùng, quần ống rộng, mũ và khăn được thiết kế khá đơn giản cho phù hợp với địa hình cư trú và hoạt động lao động sản xuất. Nhìn chung, trang phục của người Lô Lô đen thường mô phỏng những hiện tượng trong tự nhiên và để thuận lợi với tập quán canh tác nương rẫy của đồng bào.

Chiều đến chậm chạp và trễ nải, khiến Khau Chang giống như một phố núi thu nhỏ trong lãng đãng sương khói hoàng hôn. Mây áp sát những quả đồi, bao dung như được cất giấu sau sự thâm nghiêm của những cánh rừng già. Chúng tôi lạc bước đến ngôi trường tiểu học dành cho con em trong xóm chỉ có 3 phòng học. Ngôi trường nằm chênh vênh trên một quả đồi cách nhà ở của người dân có mấy bước chân. Anh Sình cho chúng tôi biết các thầy cô giáo tham gia giảng dạy ở đây đều là những giáo viên cắm bản, cuối tuần mới về nhà ở ngoài thị trấn. Chứng kiến không khí dạy và học của thầy trò tại ngôi trường nhỏ bé này, chúng tôi cứ hy vọng về sự đổi thay của Khau Chang khi chỉ một mai nữa thôi, chính những đứa trẻ này sẽ là người quyết định, dù niềm hy vọng ấy là rất nhỏ.

Hôm sau, đúng 6 giờ 30 sáng, chúng tôi lên đường theo người dân địa phương lên nương. Anh Sình cho biết, hôm nay sẽ có khoảng 15 - 20 người cuốc chung một khu nương. Người Lô Lô đen ở đây vẫn lao động sản xuất theo hình thức tập thể tính công. Thời gian này họ tiến hành cuốc rẫy để chuẩn bị chọc lỗ tra hạt cho vụ lúa hè thu. Không khí lao động diễn ra hết sức mau lẹ, khẩn trương.

Tôi và Hoa chộp được những cảnh quay đẹp, vượt qua mấy con suối về đến nơi ở thì trời sẩm tối. Sau một ngày lao động mệt nhọc, buổi tối là quãng thời gian nghỉ ngơi và gặp gỡ trò chuyện của đồng bào. Trong ánh lửa bập bùng nơi miền sơn cước, chúng tôi được nghe những câu chuyện về lao động sản xuất, gia đình họ tộc và những công việc sắp tới của xóm làng… Đêm Khau Chang u huyền và trầm mặc. Trong quá khứ, mảnh đất này là nơi chứng kiến nhiều trận chiến kinh thiên động địa mà giờ đây chỉ còn là dấu ấn. Trải qua bao biến thiên dâu bể thời gian, trải qua bao lớp trầm tích văn hóa, người Lô Lô đen ở đây vẫn giữ riêng cho mình những nét văn hóa độc đáo từ trong truyền thống. Đêm đã đi vào chiều sâu, mảnh đất này trở về với vẻ thâm nghiêm ngay từ thời phát nguyên của chính nó, khiến cho ai cũng có thể liên tưởng đến một thứ ánh sáng huyền hồ đang lan tỏa khắp miền sơn cước này…

Họ vừa hát dân ca vừa nhảy múa quanh đám lửa. Gắn liền với dân ca dân vũ trong đời sống tinh thần của người Lô Lô đen phải nói đến trống đồng. Đến nhà ông Lang Văn Thịnh, chúng tôi được tận mắt chứng kiến bộ trống đồng có tuổi thọ 200 năm do tổ tiên để lại. Trong quan niệm của người Lô Lô đen, trống đồng là một vật linh thiêng, là biểu trưng cho sức mạnh cố kết cộng đồng và là khí cụ duy nhất có khả năng truyền tải những suy tư và niềm khát khao dằng dặc của tộc người này. Tuy nhiên, hiện nay số lượng trống đồng cổ còn lưu giữ được rất ít và nguy cơ mai một.

Người Lô Lô đen ở Khau Chang rất sùng bái tín ngưỡng vạn vật hữu linh có nguồn gốc từ chủ nghĩa đa thần nguyên thủy. Bất kể công việc gì diễn ra dù lớn hay nhỏ họ đều làm lễ cúng bái để xin phép thần linh. Ví như lễ cúng làm nhà mới. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi may mắn được chứng kiến một lễ cúng xin làm nhà mới của người Lô Lô đen tại đây. Đồ cúng gồm có 1 con gà, 1 chai rượu, 1 bát gạo sống, 1 bơ thóc, 1 bát tiết canh, 1 quả đu đủ xanh và 6 que hương cắm. Trong bài cúng, thầy cúng báo cáo và xin phép thần linh, tiên tổ cho vận may để xây ngôi nhà mới, mong tổ tiên phù hộ cho gia chủ làm ăn phát đạt và mùa màng bội thu.

Buổi sáng ở Khau Chang thật sự mê hoặc những ai đã từng đặt chân đến. Men theo những đoạn đường vòng, sỏi đá và nhỏ hẹp, chúng tôi lên đến một nơi khá xa của bản, nhìn xuống thấy cả một lòng chảo đẹp tựa huyền thoại, hun hút và đăm đắm. Xa xa, sau những quả đồi là nghi ngút khói tỏa ra từ những mái nhà sàn. Trong sương sớm, nó hiện ra nguyên khôi và cổ kính như thành quách nhà Mạc từ mấy trăm năm về trước. Cảm giác ấy còn theo tôi đến tận bây giờ, để rồi có một hôm nhận được tin nhắn của cô Châu về mùa hè vàng ruộm của Cao Bằng lòng dạ lại nôn nao về những cung đường thơm mùi lúa nương chín đã đi qua.

Đó là những cảnh quay đẹp, và cũng là tinh thần của video Khau Chang miền mê thảo mà chúng tôi hoàn thành làm sản phẩm thực tập tốt nghiệp năm ấy.

Khau Chang vẫn giữ được một sức đề kháng với những ồn ào, khiêu khích của cơn bão thị trường. Im lặng, không phô trương, hơi khiêm nhường một chút, giấu niềm kiêu hãnh của mình đằng sau sự huyền bí u linh của đại ngàn để không bị hiểu nhầm rằng những vẻ đẹp kia đã là quá vãng. Giấu mình đi để tồn tại, kín đáo mà dai dẳng, kiên cường nữa chứ, bởi vượt qua cả một thời tiếp biến giao lưu kinh tế - văn hóa hung hãn và xô bồ, Khau Chang vẫn giữ được vị thế của kẻ tự chủ, mà trước hết là về con người và văn hóa. Vùng đất ấy bây giờ vẫn còn nhiều sự lam lũ, nhọc nhằn, và ánh điện chưa được tỏa khắp các ngọn đồi. Tôi thực nhớ những đoạn đường mà tôi đã qua, những gương mặt mà tôi đã gặp, những chén rượu tôi đã nâng uống. Tôi có cảm giác mình đã được sống một cách tràn trề mông muội, thảo dã khi cùng người dân Lô Lô đen kéo về một xác ngựa ngã núi và ăn tiết canh, uống rượu ngô với cá suối từ đêm này qua đêm khác trong đám cưới của người Mông, nghe hát dân ca dưới ánh trăng thượng tuần miên man miền sơn cước… Nhớ bấy nhiêu, quá đủ cho một cuộc tìm về.

N.H  
(SHSDB26/09-2017)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng