Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-17)
Thơ và không thơ
09:48 | 27/10/2017

KHẾ IÊM

Nhà thơ Khế Iêm vừa gửi đến một tiểu luận liên quan đến phương pháp nghiên cứu mới: áp dụng kết quả phân tích cơ chế hoạt động của não bộ vào tiến trình sáng tạo văn học. Bắt đầu từ số báo này, Sông Hương sẽ đăng nhiều kỳ tiểu luận quan trọng này để bạn đọc tham khảo. Xin trân trọng giới thiệu.

Thơ và không thơ

Tựa đề bài viết “Thơ Và Không Thơ” chỉ là thắc mắc của người đọc từ bao lâu nay, bối rối vì không biết cái hay của thơ nằm ở đâu, ngoài những suy diễn về nội dung và nghĩa chữ. Trong khi, thơ là toàn bộ, kết hợp giữa nội dung và hình thức, như tâm hồn và thể xác. Sự lệch lạc này làm cho thơ mất đi sức mạnh, và xa cách người đọc. Lý do, khi thơ tự do xuất hiện, cái hay của thơ không còn có tính phổ quát, và tùy thuộc quan điểm của từng cá nhân. Sự phát hiện những chức năng não bộ trong sáng tạo, giúp giải đáp vấn đề, và người làm thơ cũng có thể định hướng trong sáng tác của họ, hy vọng thơ và người đọc sẽ không còn ngoảnh mặt lại với nhau. Trong thời đại thông tin, mọi bộ môn nghệ thuật, kỹ năng cao là yếu tố duy nhất để duy trì sự tồn tại, thơ cũng không thể ngoại lệ.

I. Vào đề

Những câu hỏi như “Ai đã giết thơ?”, “Tại sao thơ không có người đọc?” cách đây hơn hai thập niên, dần dần đã có câu trả lời. Những khám phá về não bộ có thể sẽ làm thơ tự động thay đổi, nhưng cũng có thể còn tùy thuộc vào tầm nhìn của từng nền văn hóa, và vào sự nắm bắt và niềm tin cá nhân mỗi người làm thơ.

Lain McGilchrist là nhà phân tâm học, bác sĩ, nhà văn, học giả văn học, nhà nghiên cứu về não bộ, trong một bài phỏng vấn cho rằng, “Trong tôi không có những nhà thơ vì phần lớn họ cho rằng ẩn dụ là con đường duy nhất để hiểu bất cứ điều gì. Và rõ ràng rất nhiều người cũng nghĩ như vậy”, và rằng “thời đại chúng ta đang sống, sự gián tiếp, khó hiểu và hàm ý không còn giá trị.” Nhà thơ Ange Mlingo đáp lại, “trong thơ Mỹ, ẩn dụ thật sự đã trở nên lỗi thời.” Dĩ nhiên, ẩn dụ, theo nghĩa bao quát, có ở khắp mọi nơi, ngay cả trong ngôn ngữ và đời sống thường ngày. Nhưng ẩn dụ ở đây hiểu theo nghĩa văn học, mang tính ngữ học (linguistic metaphors) và trừu tượng, với quan điểm, những khái niệm trừu tượng không thể hoàn tất nếu không có ẩn dụ.

Thế kỷ 20 là thời đại kỹ nghệ và hậu kỹ nghệ, còn bây giờ, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên điện toán, với những phát minh và công nghệ mới, từ Facebook, Youtube, Iphone, Ipad, Internet... đến tâm lý học, y học, não bộ học phát triển đến mức không ngờ. Rõ ràng, thơ suy tàn khi nền văn minh cũ chuyển qua một nền văn minh mới. Bởi vì, những thế hệ sau không còn suy nghĩ giống như thế hệ trước. Thật ra, chẳng phải thơ mà ngay cả triết học cũng suy tàn. Những phong trào thơ tiền phong, những chủ nghĩa triết học, hậu cấu trúc, hậu hiện đại, thuộc thế kỷ 20, tưởng chừng như đã thuộc về quá khứ từ lâu lắm. Nhưng cho tới bây giờ, dù rằng đã bước qua thế kỷ mới gần hai thập niên, tại sao thơ vẫn còn lặp đi lặp lại những thói quen cũ. Lý do, não bộ con người không có chức năng thay đổi, nhưng lại có chức năng chống lại sự thay đổi.

Mọi hành động có ý thức bắt đầu với một ý nghĩ, mà ý nghĩ lại đến từ thế giới bên ngoài thông qua năm giác quan. Nhưng ý thức chỉ dừng lại ở chỗ nhận biết, còn tiến trình tiếp theo và cuối cùng lại là chức năng của tiềm thức. Tiềm thức mạnh hơn một triệu lần ý thức và 95 đến 99 % hành động của chúng ta đã được quyết định bởi tiềm thức. Và chỉ có dưới 5% những gì chúng ta làm, được điều khiển bởi những hành động có ý thức. Như vậy, tỉ lệ phần trăm rất nhỏ những suy nghĩ có ý thức được lặp đi lặp lại và tái hiện trong tiềm thức, theo thời gian, trở thành thái độ hay niềm tin, kiểm soát hành động của chúng ta.

Lấy một thí dụ: có người nói rằng trong toàn bộ thời thơ ấu của mình được nhắc nhở, không bao giờ bơi trong đại dương vì có thể bị cá mập ăn thịt. Khi lớn lên, ý thức có thể đưa ra ‘lệnh’ bơi trong đại dương, nhưng tiềm thức đã tạo ra sự sợ hãi, gạt qua một bên ‘lệnh’ của ý thức, làm cho họ không có khả năng hành động. Tiềm thức phản ứng với những gì nó đã được lập trình. Tương tự như cỡi xe đạp, chúng ta tự động đạp và duy trì sự cân bằng, không cần suy nghĩ, vì những suy nghĩ chúng ta tạo ra ý thức được lưu trữ trong tiềm thức. (Những nhà nghiên cứu về não bộ, dùng thuật ngữ tiềm thức để chỉ quá trình hoạt động của não mà chúng ta không trực tiếp nhận biết. Còn vô thức là thuật ngữ của Frued dùng để chỉ những ký ức đau đớn và ham muốn bị đè nén, có nghĩa là không tỉnh táo và thiếu nhận thức.)

Mỗi người sản sinh trung bình khoảng 50.000 ý nghĩ (thought) mỗi ngày, và 95% là cùng những ý nghĩ được lặp đi lặp lại nhiều lần. Những ý nghĩ được lọc qua Bộ lọc Tâm trí (Mental Filters), trung bình 80% những ý nghĩ này không quan trọng và bị loại bỏ. Bộ lọc Tâm trí căn cứ vào niềm tin của bản ngã, niềm tin về giá trị, niềm tin về niềm tin, niềm tin về kinh nghiệm, niềm tin về khả năng sống còn. Nói tóm lại là vào chính kinh nghiệm và những gì mà chúng tin là đúng thực.

Khi chúng ta sinh ra, mang theo cái gene di truyền của cha mẹ, lớn lên được sự giáo dục của gia đình, xã hội, ảnh hưởng môi trường văn hóa, tôn giáo và chính trị của thời đại. Tất cả tạo thành những niềm tin vững chắc được lập trình trong tiềm thức, những nhà nghiên cứu về não bộ gọi là những thói quen cũ, và những nhà tôn giáo gọi là định kiến. Khi những ý nghĩ đến từ ý thức, nếu khác với những gì đã lập trình trong tiềm thức, đều bị ngăn lại. Đó là chưa kể những trở ngại từ những hoàn cảnh bên ngoài. Điều này cho chúng ta thấy, đổi mới là vô cùng khó.

Đã có không ít những tác phẩm, những lớp học được mở ra ở Mỹ, phát hiện những phương pháp, giúp chúng ta thay đổi những thói quen cũ. Muốn thay đổi, phải ‘thấy và hiểu’ thói quen cũ, và sau đó, chú tâm vào vấn đề muốn thay đổi, tìm hiểu tường tận cho đến khi niềm tin vào cái mới đủ sức thay đổi niềm tin vào cái cũ. Đến lúc đó, tiềm thức mới có thể từ từ thay đổi những thói quen cũ bằng những thói quen mới. Điều này tùy thuộc vào ý chí của con người. Nhưng ý chí con người cũng không thể cưỡng lại với sự thay đổi của thời đại. Những khám phá về não bộ giúp chúng ta nhận ra điều này, và nhận ra chính chúng ta.

Não bộ chia ra làm hai bán cầu não, phải và trái. Bán cầu não phải kiểm soát phần bên trái cơ thể, bán cầu não trái kiểm soát phần bên phải cơ thể. Chức năng bán cầu não phải là nghệ thuật, sáng tạo, tưởng tượng, trực giác, âm nhạc. Chức năng bán cầu não trái là phân tích, lý luận, ngôn ngữ, lý trí, khoa học, toán học, viết văn, số học. Và có người thiên về cầu não trái, có người thiên về cầu não phải.

Theo McGilchrist, thời cổ đại Hy Lạp, con người kết hợp cả hai bán cầu não, khởi đầu trong nghệ thuật và triết học. Sau thế kỷ thứ 4 trước công nguyên bán cầu não trái bắt đầu phát triển với sự khám phá ra những con số, giao thương, tiền tệ... cho đến thế kỷ thứ 1 trước công nguyên, thời kỳ văn minh La Mã, thì ảnh hưởng của bán cầu não trái vượt trội, và vì thế , thời đại trung cổ, nghệ thuật nặng phần lý trí trừu tượng, nghiêng về ý tưởng hơn là những nhận xét trong cách diễn tả cân đối.

Đến thời Phục hưng (1420 - 1600), sự cân bằng hai bán cầu não trở lại. Đến thế kỷ thứ 17, bắt đầu thời đại lý trí (bán cầu não trái) với triết gia Descartes (1596 - 1650), và tiếp tục với thời kỳ Ánh sáng (thế kỷ 18), sùng bái sự công bằng hợp lý. Cũng thời gian này, sự nhàm chán được nhắc đến hòa lẫn với những cảm xúc tiêu cực tối tăm bị cấm kỵ, những nhà văn thời Ánh sáng đã nghĩ tới việc dùng ẩn dụ như một cách làm cho sự diễn đạt thêm văn vẻ. Đến cuối thế kỷ 18, hai cuộc cách mạng xảy ra tại Hoa kỳ (1783) và Pháp (1789). Sự thay đổi của xã hội đưa tới sự thay đổi về tâm lý, chủ nghĩa Lãng mạn ra đời, lấy hứng khởi từ thời Cổ đại Hy lạp và thời Phục hưng, sáng tác kết hợp với cả hai bán cầu não. Theo sau thời kỳ Lãng mạn là cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ hai, đẩy con người tư duy với bán cầu não trái nhiều hơn, cho khớp với môi trường, tiện nghi và đời sống phố thị bao quanh. Và đến thế kỷ 20, từ triết học tới các phong trào tiền phong thơ và hội họa, đa số đều tư duy bằng bán cầu não trái.

Nhìn lại xuyên suốt từ thời cổ đại đến hiện đại, những tài năng xuất chúng của nhân loại thường là những người có khả năng kết hợp giữa hai bán cầu não như Homer (Cổ đại), Leonardo da Vinci, Shakerspear (Phục hưng), Johann Wolfgang von Goethe, William Worsworth (Lãng mạn), W. B Yeats, W. H. Auden và Robert Frost (thế kỷ 20). Nhà vậy lý Albert Einstein, với thuyết tương đối, tiêu biểu cho sự phối hợp toàn hảo hai bán cần não (tưởng tượng và khoa học). Âm nhạc toán học vật lý là niềm đam mê suốt đời của ông (chơi thuần thục vĩ cầm và sau đó là dương cầm vào lúc mới 5 tuổi). Có thể kể Nguyễn Du với Truyện Kiều và Đoàn Thị Điểm với Chinh Phụ Ngâm.

II. Ngôn ngữ và ẩn dụ

Trong cuốn sách nghiên cứu nhan đề “The Master and His Emissary” (Người Thầy và Sứ Thần), McGilchrist mượn câu chuyện về Nietzsche, một bậc thầy tâm linh (não phải), được yêu mến vì sự khôn ngoan và chăm sóc thần dân, đã chỉ định một sứ thần (não trái) thay ông cai quản vương quốc. Vị sứ thần sớm cảm thấy mình mới là người thực sự quyền lực, mặc áo choàng và lật đổ người thầy. Thật không may, vị sứ thần không biết rằng mình đã không biết điều gì. Kết quả là cả bậc thầy, sứ thần, và vương quốc họ phục vụ, đều rơi vào đống đổ nát. Nội dung cuốn sách đề cập tới sự khám phá những chức năng não bộ trong sáng tác nghệ thuật.

Trước khi tiếp tục, chúng ta thử nhắc qua ảnh hưởng của Friedrich Nietzsche (1844 - 1900) và Stéphane Mallarmé (1842 - 1898), về ngôn ngữ và lời tiên tri của họ đối với thơ thế kỷ 20, và sau đó, nhận ra sự khác biệt khuynh hướng sáng tác thơ với những thế kỷ sắp tới.

Theo Nietzsche, chữ chỉ là những âm thanh thể hiện hình ảnh kích thích loảng xoảng mà chúng ta nhận được từ môi trường chung quanh. Do đó, ngôn ngữ có thể được xem như là một hình thức lừa dối chứ không phải là một biểu hiện của “sự vật-trong- chính nó” (thing-in-itself). Điều Nietzsche nói là những thứ xung quanh rất khác với cách chúng ta nhận ra chúng. Ví dụ, chúng ta sử dụng ngôn ngữ để mô tả một tảng đá rất nặng. Nhưng đó chỉ là cách chúng ta nhận diện tảng đá theo cách của con người; nó không mô tả bản thân tảng đá.

Nietzsche cố gắng giải thích chân lý (sự thật) và đưa ra định nghĩa: “Một đội quân di động về ẩn dụ, hoán dụ và thuyết hình người - nói tóm lại, một số các quan hệ con người đã được đề cao, hoán đổi, thêm thắt thơ mộng và tu từ, và sau khi sử dụng lâu dài dường như vững chắc, có tính kinh điển và bắt buộc đối với con người: Sự thật là ảo tưởng mà người ta đã quên rằng đó là những ảo tưởng; ẩn dụ đã bị mòn và không có sức mạnh gợi cảm; đồng tiền đã bị mất hình ảnh và bây giờ chỉ còn là kim loại, không còn là đồng tiền.” Thuyết hình người (Anthropomorphism) ám chỉ thế giới như chúng ta kinh nghiệm, có giá trị giới hạn đối với con người, để phân biệt với giá trị tự đúng thực, phổ quát ngoài con người.

Có nghĩa là mỗi người chúng ta nhận thức thế giới một cách khác nhau, và ngôn ngữ giao tiếp chúng ta sử dụng, chuyên chở những ý nghĩa khác nhau. Những gì chúng ta tưởng là sự thật, nắm bắt qua ngôn ngữ, chỉ là ảo tưởng. Nó giống như khi gọi con chó là động vật có vú. Khoa học cho biết con chó là động vật có vú do tính chất vật lý của nó, và chúng ta coi đó là sự thật. Nhưng con chó không nhận thức bản thân nó như một động vật có vú. Đó chỉ là hệ thống phân loại mà chúng ta tạo ra, rồi lâu ngày, cho đó là sự thật. Động vật có vú là ẩn dụ về con chó, ẩn dụ đó chúng ta kéo dài và trở nên vững chắc theo thời gian, và nó đã bị trơ mòn, không còn là ẩn dụ nữa.

Nói cách khác, chúng ta có xu hướng quên đi cách thức tồn tại những khái niệm. Do đó, ngôn ngữ chúng ta sử dụng chỉ là những lời nói dối vô ý thức, bảo vệ cho “cảm giác chân lý” phát triển qua nhiều thế kỷ. Vì thế, ông không tin tưởng vào ngôn ngữ của con người trong chiều hướng tìm kiếm sự thật, mà cần một ngôn ngữ mới, kiến tạo ẩn dụ mới, của con người mới (siêu nhân chăng?) Ông coi con người bình thường chỉ là những sinh vật bất hạnh, mong manh và phù du, và trí tuệ của họ không dẫn xa hơn cuộc sống của họ. Họ tưởng là quan trọng, nhưng chỉ như một con muỗi tự thấy mình là trung tâm. Con người ngạo mạn với kiến thức, nhưng kiến thức chỉ là tập hợp những ảo tưởng, dẫn tới sai lầm.

Nhắc lại điều Nietzsche ngụ ý, mỗi chiếc lá khác với tất cả chiếc lá khác, nhưng khái niệm “lá” thì chiếc nào cũng giống nhau. Khái niệm “lá” là hình ảnh trừu tượng của chiếc lá, hay nói khác, là ẩn dụ của chiếc lá. Như vậy, khi một chữ phù hợp với nhiều sự vật tương tự, nhưng không một sự vật nào trong số đó như nhau, chúng ta có một khái niệm. Chữ không chỉ rõ thực tại cá biệt, chỉ tạo ra khái niệm về thực tại, không hiện hữu trong tự nhiên, ở đây là thực tại trừu tượng. Với Nietzsche, chữ là ẩn dụ và mỗi chữ, ngay tức khắc, trở thành một khái niệm.

Nietzsche hy vọng nghệ thuật và trực giác sẽ là động lực phát hiện ra ngôn ngữ và ẩn dụ mới, Như khẳng định của Shelley về thơ, “vén bức màn che dấu cái đẹp của thế giới, và làm những đối tượng trở thành quen thuộc mặc dù nó không quen thuộc”. Ngôn ngữ biểu hiện tài năng bẩm sinh của con người sáng tạo thẩm mỹ, và nghệ thuật hư cấu mà chúng ta là tác giả, không có gì liên hệ với thế giới kinh nghiệm tồn tại bên ngoài chúng ta. Ông coi sự thật như một chức năng trong phạm vi đặc biệt của ngôn ngữ, và sự thể hiện nghệ thuật không phải chiếc xe của sự thật mà là những chuyến bay từ sự thật.

Những quan điểm của Nietzsche về ngôn ngữ và ẩn dụ được nhấn mạnh lần nữa với nhà thơ Pháp, Stéphane Mallarmé. Ông là một trong bốn nhà thơ Pháp thuộc trường phái Tượng trưng (Symbolism), nửa cuối thế kỷ 19, cùng với Charles Baudelaire, Paul Verlaine, và Arthur Rimbaud. Đa phần thơ ông thuộc thể sonnet (14 dòng, mỗi dòng 12 âm tiết, theo luật thơ Pháp), hầu hết đều khó hiểu, do cú pháp vặn vẹo, sự diễn đạt và hình ảnh tối nghĩa, và dĩ nhiên, khó dịch. Thơ tràn đầy những ám chỉ, ẩn dụ, chơi chữ (word-play), và thường quan tâm tới những âm thanh của chữ hơn là ý nghĩa. Những nhà phê bình, ít khi đồng ý với nhau về cách giải thích thơ ông, và gọi thi pháp của ông là “sự biến mất chấn động” (vibratory disappearance) của thực tại, vào tác phẩm tự đủ và thuần khiết, với cú pháp tu từ đậm đặc, phi chính thống. Cấp tiến hơn, “sự biến mất của nhà thơ, nhường thế chủ động cho chữ”.

Điều này có thể đã gợi hứng cho Roland Barthes, một thế kỷ sau, viết ra tiểu luận “Cái chết của tác giả”. Ông phân biệt nhà văn (writer) và tác giả (author). Nhà văn sáng tác những tác phẩm cổ điển, còn tác giả, viết theo phong cách tiền phong. Tác giả quan tâm tới chữ, không phải những sự vật. Tác giả không tạo ra tác phẩm, họ tạo ra bản văn (text). Một bản văn thật sự là cuộc lễ hội chữ, chú trọng tới âm thanh hơn ý nghĩa. Tác giả đảm trách hình ảnh âm thanh, còn ý nghĩa để nó đảm trách với chính nó. Vai trò người đọc, như một người giải thích bản văn, khám phá ra ý nghĩa.

Trở lại với Mallarmé, trong lời tựa cho tập sách của René Ghil, “Luận thuyết về chữ” (Trease on the Word, 1886), ông nói, mục đích của ông là qua bông hoa thật, ông thấy được bông hoa lý tưởng, một bông hoa chưa bao giờ có trên thế gian. Sự việc này ăn khớp với khái niệm “lá” của Nietzsche. Và trong một bức thư gửi cho họa sĩ Edgar Degas, ông viết “Bài thơ không làm từ ý tưởng, nó làm từ chữ.” Chủ nghĩa Tượng trưng Pháp chấm dứt vào cuối thế kỷ 20, nhưng ảnh hưởng của Mallarmé lan rộng ra nhiều lãnh vực từ văn học (T. S. Eliot, Ezra Pound, Wallace Stevens, James Joyce...), âm nhạc (Claude Debussy, John Cage...), hội họa (Édouard Manet, Paul Gauguin, Auguste Renoir...), triết học (Jacques Lacan, Roland Barthes, Jacques Derrida...).

Ảnh hưởng của Mallarmé chia làm hai nhánh: a/ chủ nghĩa DaDa (1915) và Siêu thực (1920s) Pháp; b/ thơ tự do Mỹ, hiện đại và hậu hiện đại, khởi đầu với chủ nghĩa Hình tượng (Imagism), 1910, do nhà thơ T. S. Eliot và Ezra Pound sáng lập. Tóm lại, Nietzsche và Mallarmé đã báo hiệu đường hướng sáng tác của những phong trào thơ tiền phong thế kỷ 20, với các đặc điểm: tôn vinh chữ, cắt đứt với đời sống hiện thực, và thay thế bằng thực tại khái niệm trừu tượng. Nhưng không chỉ báo hiệu, họ còn tiên đoán về số phận thơ tự do, đặc biệt là thơ Mỹ. Thơ thế kỷ mới sẽ là những bước đi ngược chiều với thế kỷ trước.

III. Ý nghĩ

Chúng ta đã trải qua suốt thế kỷ với thế giới khái niệm trong thơ. Đó là thời gian dài và đủ để thơ bước qua một trải nghiệm mới. Nếu trước kia, ý nghĩ trong thơ đến từ chữ, thì bây giờ, với những khám phá về não bộ trong vài thập niên vừa qua, giúp chúng ta nhận ra, ý nghĩ trong thơ đến từ thế giới thực tại. Như vậy, ý nghĩ của chúng ta làm bằng gì, và vận hành như thế nào? John Assaraf, trong một cuốn sách của ông, trả lời, “Tất cả mọi thứ trong thế giới vật chất được làm từ các nguyên tử. Các nguyên tử được tạo ra từ năng lượng. Năng lượng được tạo ra từ ý thức.” Điều này có nghĩa là vật chất được làm từ các phân tử, các phân tử lại được làm bằng các nguyên tử, các nguyên tử được làm bằng các hạt proton, nơtron và electron, tất cả được làm bằng sự rung động. Như vậy, mọi thứ chung quanh, ngay cả ý nghĩ, chỉ là những tần số rung (vibrational frequence), và khi phân tích tới mức hạ nguyên tử (sub-atomic), chúng ta không thấy vật chất, mà chỉ thuần năng lượng (pure energy). Mọi thứ trong vũ trụ di chuyển và rung động, không lúc nào yên.
 

Bộ não có khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh (neuron) và gấp nhiều lần hơn những glial cell hỗ trợ và bảo vệ những tế bào thần kinh. Một tế bào thần kinh điển hình gồm có một thân tế bào (gọi là soma), chứa nhân tế bào và DNA, những sợi nhánh (dendrites) và một sợi trục (axon). Và cuối sợi trục, có một cấu trúc đặc biệt gọi là khớp nối thần kinh (synapse), với hàng ngàn những nang nhỏ (gọi là vesicles), chứa chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter). Tế bào thần kinh kích thích điện từ, sở hữu và truyền đạt thông tin bằng tín hiệu điện hóa (electro-chemical signalling). Mỗi tế bào thần kinh có thể kết nối với 10 ngàn tế bào khác, tải những tín hiệu cho nhau, và như thế 100 tỉ tế bào có thể tạo thành 1000 tỉ những kết nối. Những kết nối này sản sinh ra ý nghĩ.

Khi hình dung ra điều gì trong đầu, hay khi chúng ta nói chuyện với chính mình, đó là những thời điểm tạo ra ý nghĩ. Ý nghĩ cũng có thể bất thình lình “đập” vào đầu. Trong lúc lái xe, não bộ chúng ta tập trung vào việc lái, quan sát chung quanh, con đường đông hay ít xe, tốc độ, và có khi lắng nghe radio, bất chợt có ý nghĩ gọi điện thoại cho một người bạn, vì đã quá lâu không gặp. Tiềm thức gợi ra tất cả những hồi ức về người bạn này, và hàng loạt những ý nghĩ sau đó. Hoặc là, lúc chúng ta đọc sách, theo một bản tin online, “những photon kết hợp với các mẫu chữ đập vào võng mạc, và năng lượng của chúng kích thích một tín hiệu điện từ trong các tế bào phát hiện ánh sáng (light-detecting cells). Tín hiệu điện từ này như một làn sóng truyền theo sợi trục, khi tới khớp nối thần kinh, nó làm tiết ra chất hóa học dẫn truyền thần kinh (chemical neurotransmitter), thấm qua màng tế bào, vào khe khớp nối giữa những tế bào thần kinh, và được những tế bào khác nhận được qua những sợi nhánh (dendrites). Trong vòng một phần nghìn giây, chớp nhoáng, tín hiệu này lan tới hàng tỉ tế bào thần kinh ở một số khu vực liên kết trong não bộ, và như vậy, chúng ta đã tiếp nhận được những chữ này.”
 

Dr. Paul MacLean gọi bộ não con người là Não ba ngôi (Triune Brain), gồm ba bộ não nhỏ như ba lớp não bao lấy nhau. Não loài có vú (Mammalian brain) bao quanh Não loài bò sát (Reptilian brain), cuối cùng, Neocortex, còn gọi là não tư duy, bao lấy cả hai Não loài có vú và Não bò sát.

Reptilian brain (Não loài bò sát), được phát hiện cách đây 250 triệu năm. Gọi là Não bò sát vì nó không có cảm xúc. Nó có thể cảm thấy đau và trải qua những phản ứng kích thích, nhưng không hiển thị các phản ứng cảm xúc như niềm vui, nỗi buồn... Não bò sát là một phần của tiềm thức, liên quan tới các nhu cầu cơ bản như sống còn, duy trì vật chất, tích trữ, thống trị, và sự truyền giống; chỉ hiểu biết qua hình ảnh, không qua ngôn ngữ. Nó cũng được tìm thấy trong các dạng sống thấp hơn như thằn lằn, cá sấu và chim chóc. Não bò sát bao gồm Brain stem (cuống não) và Cerebellum (não sau). Cuống não bao gồm các Medulla oblongata (hành não), các Pons (cầu não) và Mildbrain (não giữa), đóng vai trò điều phối tín hiệu được gửi từ não đến tủy sống. Cuống não kiểm tra và điều chỉnh hệ thần kinh tự trị; hơi thở, nhịp tim, huyết áp và lưu thông, nhai và nuốt, phản xạ nhìn và nghe, đổ mồ hôi, tiêu hóa, nhiệt độ cơ thể, kích cỡ đồng tử (mắt). Nó ảnh hưởng đến sự tỉnh táo, nếm, hình thành nước bọt, nôn mửa, điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ... Rải rác khắp cuống não, là sự hình thành Dạng lưới Kích hoạt (Reticular Activating System), điều khiển ý thức (phân biệt kích thích quan trọng và không quan trọng).

Não bò sát kiểm soát những cách ứng xử tức thời. Thí dụ, có chiếc xe cắt ngay đầu xe chúng ta, lúc đang chạy, có thể gây tai nạn. Não bò sát ngay tức khắc nhận được tín hiệu nguy hiểm, và Hypothalamus & Pituitary gland (tuyến chứa hóc môn), nằm ở cuống não, liền phóng thích những hormones và các hóa chất khác như noradrenaline, adrenaline và cortisol vào máu, làm chúng ta thở nhanh, máu dồn tới tứ chi, ngực, tim, và gia tăng oxygen tới những khu vực này, tạo khả năng phản ứng, đối đầu (fight-fight).

Mammalian brain (Não loài có vú), còn gọi là Limic system (hệ thống viền) hay Não cảm xúc, được phát hiện cách đây 50 triệu năm, nằm trên cuống não và não sau. Limic system, gồm có Hippocampus (hình cong giống con ngựa), Amygdata (hình quả hạnh), Thalamus, Hypothalamus (nằm ở cuống não). Limic system (tiềm thức) như là cái đệm giữa ý nghĩ (Neocortex) và hành động bản năng (Não bò sát), trong đó, Hippocampus tham gia vào việc lưu trữ bộ nhớ dài hạn, bao gồm tất cả các kiến thức và kinh nghiệm trong quá khứ; Amygdata là trung tâm cảm xúc của não, liên quan đến việc đánh giá tình trạng cảm xúc của các tình huống (ví dụ: hạnh phúc, vui buồn, kinh sợ). Limic system có 2 phần, phần nhận thông tin cảm giác bên trong cơ thể (đói khát, nóng lạnh, đau đớn...). Phần nhận thông tin từ môi trường chung quanh, ngoài cơ thể (nguy hiểm, thực phẩm, vui thú...).

Tín hiệu cảm giác đi vào qua Thalamus, trạm trung tâm của não bộ. Sau đó, được gửi tới Amygdala để đánh giá nguy cơ của tình huống, với cảm xúc kèm theo. Nếu là tín hiệu mang tính đe dọa, nó sẽ được gửi tới Hypothalamus & Pituitary gland (tuyến chứa hóc môn), nằm ở cuống não. Tín hiệu làm cho phân tử Neuropeptides của tế bào thần kinh trong Hypothalamus kích hoạt, phóng thích các loại hormones riêng biệt vào máu, tạo ra cảm xúc. Giống như những hóa chất nhân tạo có ở dạng thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc ngủ, kháng sinh... Nhưng ở đây là những hóa chất do não tạo ra từ ý nghĩ. Tín hiệu cảm giác cũng được tiếp nhận và gửi tới Hippocampus. Tại đây, nếu là những tín hiệu giống với những khái niệm cảm giác tồn trữ trong ký ức, cơ thể sẽ đáp ứng nhanh chóng không cần nhận thức ý thức (conscious awareness).

Và cuối cùng, Neocortex, não tư duy (thinking brain), cách đây 40 ngàn năm và còn tiếp tục phát triển, chiếm 2/3 bộ não. Neocortex tạo tác động điện hóa (electrical and chemical interaction), là trung tâm kiểm soát và hành sử bộ não. Neocortex chia làm bán cầu não phải và trái (left and right hemispheres). Vấn đề của Neocortex là luôn luôn muốn chế ngự những não bên dưới, đặc biệt là cảm xúc (Limic brain), nhưng ít khi thành công. Thí dụ, cảm giác lo sợ sẽ khiến cho Amygdala gửi những tín hiệu khẩn cấp tới mọi phần trong bộ não, báo động chúng ta chống trả hoặc bỏ chạy tức thời, theo bản năng, không cần suy nghĩ.

Ba lớp não kết hợp với nhau qua mạng lưới thần kinh bao quát, kết nối cảm xúc với suy nghĩ và hành động bản năng. Neocortex tạo ra những quyết định có ý thức, tuy nhiên, phần lớn lại tùy thuộc vào tiềm thức và sự thúc đẩy của những thói quen trước kia. Bạn quyết định có ý thức (neocortex) không ăn chocolate tối nay vì chocolate kích thích đau nửa đầu và làm bạn mệt mỏi. Nhưng não tiềm thức (limic system) lại nghĩ: “Mm-m, chocolate có vị rất ngon, mình đã làm việc chăm chỉ cả ngày hôm nay, cũng nên hưởng một chút.” Não tiềm thức thắng. Đối với những người có ý chí mạnh, họ có thể hoãn lại những hành động của tiềm thức. Câu chuyện của tổng thống Abraham Lincoln như sau: Khi ông giận ai đã xúc phạm tới mình, ông thường viết xuống một lá thư để trút nỗi giận trên giấy. Nhưng thay vì gửi lá thư, ông cất vào ngăn kéo, đợi chừng vài ngày, ông lấy ra đọc. Ông nhận thấy sự việc không tồi tệ như lúc đầu ông nghĩ, và trong hầu hết, ông vứt lá thư đi. Trong việc hoãn lại hành động của tiềm thức, cho phép não tư duy làm hành động cuối cùng, thay vì nô lệ cho bản năng và cảm xúc.

Vị ngon của chocolate, qua nhiều lần thưởng thức, đã trở thành thói quen, được ghi nhớ trong tiềm thức. Nhưng làm sao để một ý nghĩ trở thành thói quen? Một ý nghĩ, như một xung động điện năng được gửi qua khe synapse giữa các tế bào thần kinh, tạo ra một dấu vết thông tin, gọi là synaptic dendrite protuberance (DSP), di chuyển từ tế bào này tới tế bào khác. Nếu một ý nghĩ tương tự được lặp lại nhiều lần, những dấu vết chồng chất lên nhau làm thành lối mòn, một thói quen. Theo Jake Heilbrum, “Những năm trước đây, NASA đã tiến hành một thí nghiệm hấp dẫn. Một nhóm các ứng viên phi hành gia được phát cho chiếc kính làm họ lộn ngược tầm nhìn 180 độ về mọi thứ trong lĩnh vực của họ. Các phi hành gia đeo kính 24 giờ một ngày, ngay cả khi ngủ. Họ thật sự nhìn thế giới lộn ngược. Đây là một phần hấp dẫn: sau khoảng 26 - 30 ngày, các phi hành gia nhìn tất cả mọi thứ ngay ngắn như cũ. Các kính không thay đổi, nhưng thế giới đã không còn lộn ngược. Làm sao chuyện này lại xảy ra?” Việc tiếp xúc liên tục để “lĩnh vực của tầm nhìn” này gây ra các kết nối thần kinh mới trong não bộ. Những thí nghiệm này cho thấy, nó phải mất khoảng 30 ngày để tiềm thức thích nghi với sự thay đổi và coi đó là “bình thường.”

Mỗi giây, khoảng 2 triệu bits thông tin cảm giác vào hệ thống trung tâm não bộ (central nervous system). Nhưng tiềm thức chỉ có thể xử lý khoảng 40 ngàn bits dữ liệu trong một giây, như vậy, dữ liệu phải được sắp xếp thành hai loại - quan trọng và không quan trọng. Những dữ liệu (không quan trọng) trái ngược với niềm tin, ý nghĩ và mong đợi của chúng ta, sẽ bị xóa bởi một Dạng Lưới Kích hoạt (Reticular Activating System). RAS ở cuống não, có chức năng như một bộ lọc tâm trí (mental filter) giữa ý thức và tiềm thức. Chúng ta không bao giờ nhìn thấy hình ảnh đầy đủ, thay vào đó, chỉ là cái nhìn thiên vị của chúng ta về thực tại. Nó giống như khi nhìn qua lỗ khóa. Chúng ta có thể nhìn thấy căn phòng thông qua lỗ khóa, nhưng không bao giờ nhìn thấy căn phòng trong toàn bộ. Những thói quen rất khó phá vỡ, tuy nhiên, “khó” không có nghĩa là chúng không thể phá vỡ.

Điều rõ ràng, con người hình thành bởi ý thức và vô thức, ý nghĩ và cảm xúc. Và khi ý nghĩ, được lọc qua bộ lọc tâm trí, căn cứ trên niềm tin tồn trữ trong tiềm thức, hòa trộn với cảm xúc, làm thành thực tại riêng biệt của chúng ta. Những bộ lọc tâm trí, mỗi người hoàn toàn khác nhau, vì những hóa chất dẫn truyền thần kinh, xung động điện năng và DNA tạo nên cá tính mỗi người mỗi khác. Thí dụ, khi nhìn vào những bức tranh của Vincent Van Gogh miêu tả méo mó thực tại, hoặc khi đối diện với một biến cố xảy ra, có người cảm thấy thương tâm, sợ hãi, bất lực... không ai giống ai. Những nhà tư tưởng, qua thời gian, đều cho rằng thực tại (thế giới) chúng ta biết, chỉ là ảo tưởng. Đúng ra, thực tại không phải là ảo tưởng, mà phiên bản thực tại của chúng ta mới là ảo tưởng. Chúng ta nhận biết thực tại không phải tự chính nó hiện hữu, mà qua những gì chúng ta muốn nó hiện hữu.

(Còn nữa, mời xem tiếp ở Sông Hương số 344 tháng 10/2017)  
K.I
(SHSDB26/09-2017)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vọng Khau Chang (16/10/2017)