Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-17)
Trịnh Hoài Đức và quốc hiệu Việt Nam
09:05 | 14/11/2017

ĐINH VĂN TUẤN

Vào năm 1802 chúa Nguyễn Phúc Ánh chiến thắng Tây Sơn, thống nhất đất nước và lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long.

Trịnh Hoài Đức và quốc hiệu Việt Nam
Tượng Trịnh Hoài Đức trong Văn miếu Trấn Biên (Biên Hòa, Đồng Nai) - Ảnh: wiki

Vua đã sai chánh sứ Lê Quang Định sang nhà Thanh xin cầu phong và đổi quốc hiệu cũ là An Nam thành Nam Việt. Tuy nhiên, vua Gia Khánh nhà Thanh đã nhất quyết không đồng ý vì sợ “Nam Việt” trùng với tên nước của Triệu Đà bao gồm đất Quảng Đông và Quảng Tây và có thể sau này Gia Long viện cớ, động binh đòi lại đất. Sau mấy lần thư từ qua lại, cuối cùng nhà Thanh đã đồng ý với quốc hiệu VIỆT NAM thay cho 2 chữ “Nam Việt”.

Xưa nay, đa số các sử gia, học giả đều mặc nhiên cho là quốc hiệu VIỆT NAM là do Gia Khánh tự ý đảo ngược 2 chữ “Nam Việt” mà thành chứ không phải là chủ ý từ phía Gia Long. Nhưng cách đây gần 60 năm, Nguyễn Triệu1 cho biết: Ở Quảng Tây sứ bộ Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh và Lê Quang Định đã cùng nhau thảo luận và đồng ý muốn đem chữ “Việt Nam” thay cho “Nam Việt”. Triều đình thấy lời tâu của Lê Quang Định hữu lý và hợp với ý của Nguyễn Đăng Sở nên vua Gia Long lấy làm hài lòng. Rất tiếc là Nguyễn Triệu đã không cho biết đã dựa vào tài liệu nào để chứng minh Lê Quang Định và Nguyễn Đăng Sở đều cùng ý kiến về việc đổi 2 chữ “Nam Việt” thành VIỆT NAM. Nên thông tin này tỏ ra thiếu giá trị thuyết phục.

Bài viết này sẽ góp phần thử tìm hiểu xem ai mới là người đề xướng quốc hiệu VIỆT NAM? Tôi đã tìm thấy một số chứng cứ có thể đoán định Trịnh Hoài Đức chính là người đã đề xướng 2 chữ VIỆT NAM thay cho quốc hiệu “Nam Việt” mà Gia Long đã yêu sách.

1. Sự kiện đổi quốc hiệu của vua Gia Long

Về sự kiện vua Gia Long đổi quốc hiệu, tài liệu Việt - Thanh còn lưu lại như sau: Đại Nam thực lục2 cho biết vua Gia Long sai Lê Quang Định sang cầu phong và xin đổi quốc hiệu, trong quốc thư nói, các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày một rộng, bao gồm cả các nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm. Nay đã bình định được toàn cõi Việt, nên khôi phục hiệu cũ để chính danh. Vua Thanh cho rằng chữ Nam Việt giống tên nước cũ của Quảng Đông, Quảng Tây nên không muốn cho. Vua hai ba lần phục thư để biện giải, lại nói nếu vua Thanh không cho thì không chịu phong. Vua Thanh sợ mất lòng nước ta, mới dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước, lấy chữ Việt đặt ở trên để tỏ rằng nước ta nhân đất cũ mà nối được tiếng thơm đời trước, lấy chữ Nam đặt ở dưới để tỏ rằng nước ta mở cõi Nam giao mà chịu mệnh mới, tên xưng chính đại, chữ nghĩa tốt lành, mà phân biệt với tên gọi cũ của Lưỡng Việt ở Trung Quốc. Chỉ dụ của vua Gia Khánh trong Thanh thực lục3 cũng nói rõ, ngày 6 tháng 4 năm 1803 Quân Cơ Đại thần: Tôn Ngọc Đình dâng tấu triệp xin chiếu chỉ về việc tờ bẩm phúc đáp của Nguyễn Phúc Ánh, trong đó cho rằng lời dụ lần trước là ý kiến riêng của Tôn Ngọc Đình nên lần này vẫn thỉnh phong quốc hiệu Nam Việt. Gia Khánh duyệt biểu văn thấy lời và ý rất mềm dẻo, hết sức cung thuận. Nguyễn Ánh xưng rằng nước mình trước kia có đất Việt Thường, nay lấy thêm đất An Nam; không dám quên gốc đã giữ đời nối đời, bèn dùng tên cũ Nam Việt, đấy là tình thực. Gia Khánh lệnh Tôn Ngọc Đình truyền hịch cho Nguyễn Ánh như sau: Viên Quốc trưởng có lòng thành, lần trước cung kính giao nạp sắc ấn trước đây của Nguyễn Quang Toản bỏ lại, cùng trói giải bọn giặc cướp ngoài biển; lại cung kính thỉnh mệnh, nên được soi xét kỹ tấm lòng thành. Việc cầu phong và dâng biểu cống; đặc dụ chấp thuận. Đến việc xin đặt tên nước là Nam Việt, thì nước này trước đây có đất cũ Việt Thường, sau lại được toàn lãnh thổ An Nam; vậy Thiên triều phong quốc hiệu cho dùng hai chữ “Việt Nam”; lấy chữ “Việt” để đằng trước tượng trưng cương vực thời xưa; dùng chữ “Nam” để đằng sau, biểu tượng đất mới được phong; lại còn có nghĩa là phía nam của Bách Việt; không lẫn lộn với tên nước cũ “NamViệt”. Còn theo lời thuật lại của chánh sứ Trịnh Hoài Đức viết trong bài Tự tự của sách Cấn Trai thi tập4 như sau: Đốc phủ Lưỡng Quảng bảo chúng tôi ở tỉnh Quế chờ sứ bộ sau đến rồi cùng tiến kinh và cho rằng trong biểu thỉnh phong có lời xin phong quốc hiệu là Nam Việt, rất giống với hiệu cũ Lưỡng Việt nên sợ bị quân cơ đại thần của Thiên triều quở trách. Tuần phủ Quảng Tây là Tôn Ngọc Đình bắt trả lại nguyên biểu, khiến đổi lại quốc hiệu cũ là An Nam. Nước ta không chịu theo mệnh vì An Nam từng là hiệu cũ. Nên Tuần phủ Tôn Ngọc Đình, Bố chính Công Nga, Án sát Thanh An Thái, ân cần mời sứ bộ, nhiều lần biện giải khúc mắc, khuyên sứ ta nên nhanh chóng sửa biểu văn gửi về tâu. Chúng tôi bày tỏ việc này chẳng phải là việc của người xuất sứ mà do Hoàng thượng quyết định. Việc xin quốc hiệu, bên kia thì muốn theo yêu cầu của họ, nước ta thì không chịu nghe theo. Thư từ qua lại, bàn luận chưa xong. Tổng trấn Bắc Thành đã cho người qua tỉnh Quế thám thính tin tức. Tháng 4 năm 1803, Thiên triều bàn nghị dựa theo tờ biểu sau cùng đã cho phép sứ bộ hoãn lộ trình tiến kinh. Từ đó mới được phong quốc hiệu là Việt Nam, tất cả đã qua bàn nghị điều hòa, tốt đẹp và trọn vẹn đôi bên.

Qua đó có thể thấy rõ thái độ cương quyết của Gia Long không kém Gia Khánh khi thư từ về việc đổi quốc hiệu. Gia Long còn gây áp lực nếu Gia Khánh không đổi quốc hiệu, sẽ không chịu phong. Rất căng thẳng và nan giải. Cuối cùng Gia Khánh đã phải chuẩn nhận yêu sách đổi quốc hiệu của Gia Long, tuy không phải là Nam Việt mà là VIỆT NAM nhưng cũng chứng tỏ sự nhượng bộ của Thiên triều. Lần đầu tiên trong lịch sử các triều đại Việt Nam, vua Gia Long đã dám đối mặt với thiên triều Trung Quốc để công khai xin thay đổi quốc hiệu cũ của các đời trước là An Nam. Có thể nói, trước Gia Long, không một vị vua nào ở các triều đại trước làm được. Đây là một sự khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền độc lập của đất nước ta.

2. Trịnh Hoài Đức và quốc hiệu VIỆT NAM

Tháng 4 năm 1802, Gia Long triệu An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức về kinh nhận chỉ thăng chức Thượng thư Hộ bộ và sắc phong làm chánh sứ sang nhà Thanh tiến cống, cùng đi có 2 phó sứ là Binh bộ Tham tri Tĩnh Viễn hầu Ngô Nhân Tĩnh, Hình bộ Tham tri Uẩn Tài hầu Huỳnh Ngọc Uẩn. Ngày 12 tháng 6, từ cửa biển Thuận An phái đoàn Trịnh Hoài Đức khởi hành đi sứ, đến ngày 1 tháng 7 đoàn sứ đã đến tỉnh Quảng Đông, trình với quan Tổng đốc Lưỡng Quảng là Thượng thư Binh bộ, Thái tử Thái bảo, Hiệp biện đại học sĩ Giác La Cát Khánh để làm tấu dâng. Tháng 10, nhà Thanh có chỉ cho đoàn sứ vào kinh triều kiến. Nhưng vào tháng 11, Tham tri Binh bộ Lê Quang Định được Gia Long phong làm Thượng thư Binh bộ sung làm Chánh sứ, sang Trung Quốc xin phong và đổi quốc hiệu là Nam Việt. Ở Quảng Đông, Trịnh Hoài Đức cũng đã được tin báo về đoàn sứ của Lê Quang Định sắp đến. Đốc phủ Lưỡng Quảng bảo đoàn sứ Trịnh Hoài Đức lưu ở tỉnh Quế chờ sứ bộ sau đến một lượt rồi cùng tiến kinh5. Chính vào lúc này, mùa Đông năm 1802, Trịnh Hoài Đức trong khi chờ sứ bộ Lê Quang Định đã làm ba mươi bài thơ với tựa là Tháng mùa Đông, từ Quảng Đông đi đường thủy sang tỉnh Quảng Tây hội với đoàn sứ thỉnh phong, lên đường tiến kinh, giữa đường cùng hai phó sứ Ngô Nhân Tĩnh, Huỳnh Ngọc Uẩn làm ba mươi bài thơ theo vần Lạp Ông (冬月由 廣東水程往廣西省會請封使取路進京道中吟同吳黃兩副使 次笠翁三十韻). Những bài thơ này được in trong Cấn Trai thi tập (艮齋詩集) của Trịnh Hoài Đức.
 

H.1

Trong đó, ở bài thơ thứ 28 Trịnh Hoài Đức đã làm 2 câu cuối cùng như sau: “擬 酬 二 百 年 孤 望. 皇 化 從 玆 到 越 南” (Để đền đáp nỗi mong chờ từ hai trăm năm trước. Ơn vua từ đây thấm nhuần nước Việt Nam), Trịnh Hoài Đức đã dùng 2 chữ VIỆT NAM 越 南 (H.1)6 để xưng tên đất nước. Đáng chú ý, vào năm 1802 Trịnh Hoài Đức đã dùng 2 chữ VIỆT NAM trước sự kiện nhà Thanh năm 1803 chuẩn nhận quốc hiệu VIỆT NAM là một điều rất khác thường vì vào thời điểm này, ở nước ta, quốc hiệu vẫn thường dùng là Đại Việt, An Nam. Trước khi làm bài thơ này, Trịnh Hoài Đức cũng đã từng dùng đến 2 chữ “Nam Việt” để gọi tên đất nước như trong bài thơ tưởng niệm Ngô Tòng Châu (Cấn Trai thi tập), với 2 câu: “一死歸仁酬 帝眷. 千秋南越振文風” (Thà chịu chết ở Quy Nhơn để báo đáp ơn vua, Ngàn năm (đất nước) Nam Việt được chấn hưng văn phong). Bài thơ không có tựa đề nhưng tác giả đã đề năm Tân Dậu, 1801. Như vậy, không phải 2 chữ “Nam Việt” chỉ xuất hiện khi Gia Long sai sứ sang cầu phong và xin đổi quốc hiệu mới vào năm 1802. Quốc hiệu Nam Việt được Gia Long đặt cho đất nước mới thống nhất, thực ra chỉ là một quốc danh cũ mà các chúa Nguyễn đã từng dùng và được Gia Long cho phục hồi lại.

Như đã dẫn ở trên, Trịnh Hoài Đức nhận được thông tin về sứ bộ Lê Quang Định sắp đến Trung Quốc để cầu phong và xin đổi quốc hiệu là “Nam Việt”, việc này đã gây quan ngại cho Đốc phủ Lưỡng Quảng và khiến Trịnh Hoài Đức lo lắng, băn khoăn. Trong khi chờ đợi sứ bộ Lương Quang Định, Trịnh Hoài Đức đã nghĩ ngợi nhiều về 2 chữ “Nam Việt” và đã xuất ý thành thơ, gửi gắm một gợi ý về sự đảo ngược từ “Nam Việt” thành VIỆT NAM nhằm báo đáp ơn vua: “Để đền đáp nỗi mong chờ từ hai trăm năm trước”. Việc xin đổi quốc hiệu đã diễn ra căng thẳng, giằng co vì nhà Thanh muốn theo yêu cầu của họ, nước ta lại không chịu nghe theo. Nhưng cuối cùng lại bàn nghị điều hòa, trọn vẹn, chứng tỏ không phải quốc hiệu VIỆT NAM chỉ do một bên nhà Thanh quyết định, không phải nhà Thanh tự ý đảo ngược trật tự của 2 chữ Nam Việt nhưng chắc chắn phải có sự gợi ý, đề xướng từ phía các sứ giả Việt và từ triều đình Gia Long. Cũng trong Cấn Trai thi tập, Bài bạt đọc Cấn Trai thi tập 讀艮齋詩集跋 của Cao Huy Diệu7 viết năm 1818, đã khen ngợi Trịnh Hoài Đức như sau: “出而奉使, 水達海程, 陸穿新驛, 委曲於請 封之表, 辨析於稱號之書, 其難中之難又如此” (Ra ngoài thì phụng mệnh đi sứ, đường thủy tiến ra biển cả, đường bộ xuyên qua các trạm dịch, uyển chuyển trong biểu thỉnh phong, biện giải khúc chiết thư xưng quốc hiệu, như thế thật là điều khó trong khó vậy). Đúng ra, nhiệm vụ sang Thanh xin cầu phong và đổi quốc hiệu là của chánh sứ Lê Quang Định, nhưng qua lời của Cao Huy Diệu: “uyển chuyển trong biểu thỉnh phong, biện giải khúc chiết thư xưng quốc hiệu”, rõ ràng Trịnh Hoài Đức - trước đó có nhiệm vụ tiến cống mà thôi - lại đóng một vai trò quan trọng trong việc thương thuyết, hòa giải giữa Việt - Thanh liên quan đến quốc hiệu. Một chứng cứ nữa liên quan đến Trịnh Hoài Đức và quốc hiệu VIỆT NAM đó là trong Thập anh đường thi tập, ở bài thơ Từ Hồ Quảng trở về, giữa đường làm 30 bài thơ 湖 廣 歸 舟 途 中 作 三 十 韻 8, Ngô Nhơn Tĩnh đã từng viết trong bài thứ 23 với 2 câu như sau: “去日旌旗今日節, 字雖 上下亦同名” (Ngày trước mang theo tinh kỳ, ngày nay là cờ tiết, Tuy (Quốc hiệu) chữ trên dưới (khác nhau) nhưng cùng một tên gọi). Bài thơ này Ngô Nhơn Tĩnh làm khoảng đầu năm 1804, khi đoàn sứ hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, nằm trong 30 bài nối tiếp họa thêm lại 30 bài thơ “Tháng mùa Đông, từ Quảng Đông đi đường thủy sang tỉnh Quảng Tây hội với đoàn sứ thỉnh phong, lên đường tiến kinh, giữa đường cùng hai phó sứ Ngô Nhơn Tĩnh, Huỳnh Ngọc Uẩn làm ba mươi bài thơ theo vần Lạp Ông” của Trịnh Hoài Đức đã nêu trên. Có thể xem đây là một lời khen ngợi một cách kín đáo của phó sứ Ngô Nhơn Tĩnh đối với công lao của chánh sứ Trịnh Hoài Đức liên quan đến quốc hiệu VIỆT NAM.

Từ những chứng cứ trên, rất có khả năng chính Trịnh Hoài Đức là người đã đưa ra một giải pháp kịp thời, hợp tình hợp lý với việc đảo ngược trật tự từ 2 chữ “Nam Việt” mà Gia Long đã yêu sách thành 2 chữ VIỆT NAM và dĩ nhiên cũng được Lương Quang Định đồng ý. Đề xướng này được gửi về báo vua Gia Long để nghị triều và được quần thần tán thành, trong đó có Nguyễn Đăng Sở (theo Nguyễn Triệu). Sau đó Gia Long cũng chấp thuận, tuy nhiên vì thể diện một quốc vương nên vua có thể chỉ ngầm ý báo cho Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định thay vua linh hoạt ứng xử để thuyết phục Gia Khánh chuẩn nhận quốc hiệu VIỆT NAM (thay vì nhất định là Nam Việt).

 Mộ Trịnh Hoài Đức trong một con hẽm nhỏ tại TP Biên Hòa - Ảnh: wiki


3. Lời kết

Đầu năm 1804, sứ Thanh là Án sát Quảng Tây Tề Bố Sâm đến Thăng Long để tuyên phong vua Gia Long là “Việt Nam Quốc vương”. Theo Đại Nam thực lục, vua Gia Long ban chiếu định ngày 17 tháng 2, kính cáo Thái miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam. Việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa. Như đã dẫn luận, Trịnh Hoài Đức có thể chính là người đề xướng việc dùng 2 chữ VIỆT NAM thay cho “Nam Việt”, ý kiến này sau đó đã được 2 quốc vương Việt - Thanh đồng thuận. Để kết thúc bài viết này, tôi xin đưa ra một dấu tích về quốc hiệu VIỆT NAM 越 南, lần đầu tiên xuất hiện trước khi Gia Long ban chiếu chính thức đổi quốc hiệu VIỆT NAM và vinh dự này, thật không ngờ lại thuộc về Trịnh Hoài Đức!

H.2

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi sứ, trên đường trở về nước, đi qua Ngô Khê, Hồ Nam, Trung quốc, sứ giả Trịnh Hoài Đức đã làm một bài thơ Đề khắc đá kính ở Ngô Khê (題刻浯溪鏡石) vào ngày Đoan Ngọ năm Quý Hợi 1803, điều đặc biệt là bài thơ này đã được cho khắc vào vách núi ở Ngô Khê theo thư pháp, thủ bút của Trịnh Hoài Đức và vẫn còn đến nay. Trên vách đá đã khắc dòng chữ 越南國 Nước VIỆT NAM, (H.2)9. Quốc hiệu VIỆT NAM 越 南 đã lưu dấu ấn đầu tiên tại đất nước Trung Quốc như một lời khẳng định mạnh mẽ về một quốc gia thống nhất, hoàn toàn độc lập ngang hàng với Thanh triều.

Đ.V.T
(SHSDB26/09-2017)

...............................
1. Nguyễn Triệu, Văn Hóa Nguyệt san số 41, Sài Gòn. 1959  (Xin cảm ơn Facebook Quang Vinh Trần, Nandemo Meiyou. đã chụp giúp tài liệu). Trong bài Tư liệu mới về hành trạng hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở, nguồn Bắc Ninh Online http://baobacninh. com.vn, tác giả Phạm Thuận Thành đã viết: “Theo sách “Kiên Trai hành trạng tự sự” (Kiên Trai là tên hiệu của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở) có viết: “Ta xưng là Nam Việt họ (nhà Thanh) không thuận, vậy xưng là Việt Nam thì tất họ phải nghe. Hoàng thượng cho lời tôi nói là phải, Ngài bèn cho cải là “Việt Nam quốc” mà làm biểu đưa sang Tàu. Vua Tàu bấy giờ là Gia Khánh hoàng đế nhà Thanh ưng thuận ngay” (Dẫn theo Nguyễn Triệu trên báo “Văn hóa nguyệt san” số 41 tháng 6 năm 1959)”. Tôi đã kiểm chứng lại bài báo của Nguyễn Triệu trên VHNS số 41 thì không thấy ông nói gì đến sách “Kiên Trai hành trạng tự sự” cả.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb. Sử học,  Hà Nội, 1963.

3. Hồ Bạch Thảo (dịch), Thanh thực lục - Sử liệu chiến tranh  Thanh - Tây Sơn, Nxb. Hà Nội, 2007.

4. Chen-Ching-Ho (biên tập), Cấn Trai thi tập , Southeast Asia  Studies Section - New Asia Research Institute, Hong Kong. 1962. Xin cảm ơn Facebook Khoái Nhị Trà đã sao chụp và phổ biến tài liệu này.

5. Theo Tự tự của Trịnh Hoài Đức trong Cấn Trai thi tập  (sách đã dẫn).

6. Ảnh sao nguyên bản chữ Hán trong Việt Nam Hán Văn  Yên Hành Văn Hiến Tập Thành (越南漢文燕行文献集成) (toàn bộ 25 quyển) Viện Hán Nôm Hà Nội (cộng tác với Phục Ðán đại học Trung Quốc), Bắc Kinh, Nxb. Phục Ðán đại học 2010. Xin cảm ơn sử gia Nguyễn Duy Chính đã giúp tài liệu này.

7. Lê Quang Trường, Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn  học Hán Nôm Nam bộ (Luận án Tiến sĩ), Trường ĐHKHXH&NV, 2009 (Xin cảm ơn tác giả). Nguồn: http://hocthuat.vn.

8. Lê Quang Trường, Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn  học Hán Nôm Nam bộ (Sđd).

9. Nguyễn Sử, Lịch sử thư pháp Việt Nam, Nxb. Nhã Nam - Thế  Giới, 2017.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thông điệp (08/11/2017)
Thơ dịch (03/11/2017)