Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-17)
Chuyên đề Múa cung đình Huế
10:11 | 31/10/2018

Nghệ thuật cung đình nói chung, các vũ khúc cung đình Huế nói riêng là những sản phẩm mang tính kế thừa của các triều đại phong kiến tồn tại hàng nghìn năm, được kết tinh và đi tới sự hoàn mỹ dưới thời nhà Nguyễn.

Chuyên đề Múa cung đình Huế
Ảnh: Văn nghệ Huế

Tuy nhiên, những vũ khúc cung đình cổ đã bị thất truyền rất nhiều, đến đời Nguyễn chỉ còn lại 11 vũ khúc với lời hát hoàn toàn bằng chữ Hán như: Bát dật (Bát dật văn - Bát dật võ), Lục cúng hoa đăng, Tam tinh chúc thọ, Bát tiên hiến thọ, Trình tường tập khánh, Song quang (Đấu chiến thắng Phật), Tứ linh, Nữ tướng xuất quân, Phiến vũ (múa quạt), Tam quốc - Tây du, Lục triệt hoa mã đăng. Các vũ khúc này được trình diễn vào những ngày lễ thánh thọ (sinh nhật hoàng thái hậu), vạn thọ (sinh nhật vua), tiên thọ (sinh nhật hoàng thái phi), thiên xuân (sinh nhật hoàng thái tử), thiên thu (sinh nhật hoàng hậu). Ngoài những lễ kể trên, múa cung đình còn được biểu diễn vào các ngày lễ như: Hưng quốc khánh niệm, tết Nguyên đán, lễ kết hôn của hoàng tử, công chúa hay các dịp tiếp đãi sứ thần ngoại quốc.

Hiện nay, nguồn tư liệu quý giá nhất để khôi phục lại múa cung đình đúng nguyên bản chủ yếu dựa vào con cháu các nghệ nhân, nghệ sĩ đã từng làm diễn viên múa hát cung đình dưới triều Nguyễn và các tư liệu, các văn bản có liên quan đang thất lạc ở các viện bảo tàng trong và ngoài nước.

Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) là đơn vị đang trực tiếp nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng lại các điệu múa cung đình Huế để trình diễn và giới thiệu đến công chúng ngay tại môi trường diễn xướng nguyên thủy - Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội). Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị nghệ thuật từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh đều có xây dựng chương trình biểu diễn Nhã nhạc và múa cung đình để biểu diễn trong các dịp lễ hội tại địa phương cũng như tổ chức các show diễn có bán vé khi du khách có yêu cầu, dù rằng đơn vị nghệ thuật đó không hề có chức năng này. Nếu xét về tính cộng đồng, đây có thể xem là điều tốt đẹp bởi sự ảnh hưởng và lan tỏa của múa cung đình đã được công chúng tiếp nhận. Nếu xét về tính bảo tồn nguyên vẹn, đây là vấn đề đáng để lo âu, bởi sự “sao chép” tùy tiện không dựa trên một cơ sở khoa học nào nên rất dễ dẫn đến “tam sao thất bản”.

Thực hiện chuyên đề “Múa cung đình Huế”, Sông Hương không mong muốn gì hơn là bảo tồn tính nguyên vẹn một cách đúng đắn của một loại hình nghệ thuật. Đây cũng là cách để chúng ta bảo tồn một giá trị di sản của tiền nhân.

Bởi rằng, như ý kiến của một người có trách nhiệm là GS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đại diện của Việt Nam trong Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO: “…việc bảo vệ và phát huy giá trị chưa được quan tâm thỏa đáng, dẫn đến tình trạng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể bị biến dạng và thậm chí còn bị mai một, thất truyền”.

Ban Biên Tập
 
(SHSDB30/09-2018)




 

Các bài đã đăng
Thông điệp (08/11/2017)