Tạp chí Sông Hương - Số 345 (T.11-17)
Tác phẩm mới tháng 11/2017
09:13 | 16/11/2017

MÃI ĐỪNG XA TÔI (Tiểu thuyết), Kazuo Ishiguro, Nxb. Văn Học, Công ty sách Nhã Nam, 2013.

Tác phẩm mới tháng 11/2017

Một trong những tiểu thuyết hay nhất của nhà văn Kazuo Ishiguro, giải Nobel Văn chương 2017, “Mãi đừng xa tôi” được ca ngợi như một tác phẩm nhân bản, buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về giá trị “Người” của chính mình. Câu chuyện mang tính chất giả tưởng, xoay quanh cuộc đời của Kathy, Ruth và Tommy xuất thân từ một ngôi trường đặc biệt: trường nội trú Hailsham. Qua lời kể của nhân vật Kathy, một phụ nữ 31 tuổi, về cuộc đời của cô từ ngày còn là học sinh trong trường nội trú Hailsham cho tới khi trưởng thành, tái hiện một hiện thực đầy ám ảnh, là tiếng kêu đau đớn đến xé lòng về tình yêu và hạnh phúc. Kazuo Ishiguro đã thể hiện một bút pháp êm dịu, đầy chất thơ, đẩy câu chuyện qua những biên giới của cái thực, gieo vào lòng người phút giây phải quay đầu nhìn lại bản thân mình trong quá vãng, rồi bước qua những cánh cửa khác.
 

GIA HUẤN CA TƯỜNG CHÚ (Đạo đức học), Nguyễn Trãi, Ngọc Hồ và Nhất Tâm, Nxb. Hội Nhà văn, Công ty sách Phương Nam, 2017. Tác phẩm là tập sách dạy về đạo lý làm người, giáo dục tình nghĩa cha con, mẹ con, dâu rể, quan hệ thầy trò… Qua đó, thấy được cốt lõi giá trị văn hóa Việt khởi phát từ gia đình, nơi ươm mầm, tạo giống cho những mẫu mực xã hội. Được viết bằng thơ, dễ đọc, dễ nhớ, tuy nhiên, lượng cổ ngữ khá nhiều và sự chú thích của Ngọc Hồ và Nhất Tâm dẫn chúng ta vào sự hiểu biết rõ ràng, minh nghĩa hơn. Hiện còn nhiều sự bàn cãi về tác giả có phải là Nguyễn Trãi hay không, nhưng trên hết giá trị nhân văn của người Việt từ Gia Huấn Ca là điều không thể chối cãi, có ý nghĩa trong mọi thời đại, nhất là cái hiểu, cái dụng của “Đạo Nhà” trong xã hội hiện nay.


HỖN DANH (Tiểu thuyết), Nguyễn Văn Học, Nxb. Hội Nhà văn, 2017. Nguyễn Văn Học là một tác giả trẻ luôn tìm tòi, thể nghiệm đề tài viết. Gần chục tiểu thuyết xuất bản trong những năm qua cho thấy sự lao động nghệ thuật đều đặn, nghiêm túc của một cây bút luôn trăn trở với đời sống xã hội. “Hỗn danh” đi vào sự tha hóa, chạy theo danh vọng hảo của một bộ phận trí thức cấp cao của xã hội, điển hình như giáo sư Mẫn, giới văn nghệ nửa mùa nhà thơ, tiến sĩ Huỳnh Bạch, nữ văn sĩ Buồn Cây Sậy… Với lối kể chuyện gần gũi, mộc mạc, đôi khi giễu nhại sâu cay, “Hỗn danh” hấp dẫn độc giả vì những tình tiết gay cấn, dở người và nhiều lúc chua chát.
 

KHÚC TIÊU ĐỒNG (Hồi ký), Hà Ngại, Nxb. Trẻ, 2014. Hà Ngại là một vị quan dưới thời vua Bảo Đại - vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn. Ông tốt nghiệp trường hậu bổ và được phái đi làm quan ở một số tỉnh Trung bộ, nơi lâu nhất có lẽ là Bình Định. Cuốn hồi ký đã vẽ nên một bức tranh hiện thực sống động về xã hội Việt Nam buổi giao thời chế độ. Những tương tác chính trị của Pháp quốc và chính phủ Nam Triều, những nhân vật lịch sử, sự kiện, đều được Hà Ngại ghi chép cẩn thận qua phong cách và thái độ của người trung lập, Nho thước. Cuốn Hồi ký bổ sung nhiều trang tư liệu quý về Huế và nhiều nhân vật lịch sử còn đó những hồ nghi.  

(TCSH345/11-2017)





 

Các bài mới
Trễ giờ (01/12/2017)
Các bài đã đăng