Tạp chí Sông Hương - Số 345 (T.11-17)
Thơ và không thơ
14:51 | 30/11/2017

KHẾ IÊM
   (Kỳ cuối)

VIII. Nhà thơ William Carlos Williams
Phản ứng với Ezra Pound và T. S. Eliot, nhà thơ William Carlos Williams ngược lại, sáng tác loại thơ, ai cũng có thể hiểu được.

Thơ và không thơ
William Carlos Williams năm 1921 - Ảnh: wiki

Ông cho rằng, thơ tập trung vào các sự vật cụ thể, chứ không phải những khái niệm trừu tượng. Bởi vì các vật thể tạo ra những hình ảnh trong tâm trí, từ đó tạo ra ý tưởng, còn những khái niệm trừu tượng thì không, “không có ý tưởng ngoại trừ trong những sự vật” (No ideas but in things). Ông phát hiện ra một hình thức thơ độc đáo của Mỹ, qua ngôn ngữ nói thường ngày, với những câu chuyện xảy ra hàng ngày. Và vì thế, ông là nhà thơ duy nhất đã ảnh hưởng tới mọi trường phái trong suốt thế kỷ 20. Nhiều bài thơ của ông, với những ý tưởng liên tục, ngôn ngữ nói thông thường, có hình dạng không khác gì một thể thơ, dù rằng ông không quan tâm tới luật tắc thơ truyền thống. Thí dụ:


WILLIAM CARLOS WILLIAMS

Peasant wedding

Pour the wine bridegroom
where before you the
bride is enthroned her hair

loose at her temples a head
of ripe wheat is on
the wall beside her the

guests seated at long tables
the bagpipers are ready
there is a hound under

the table the bearded Mayor
is present women in their
starched headgear are

gabbing all but the bride
hands folded in her
lap is awkwardly silent simple

dishes are being served
clabber and what not
from a trestle made of an

unhinged barn door by two
helpers one in a red
coat a spoon in his hatband.


Đám cưới quê

Rót rượu chú rể đâu trước mặt
anh cô dâu được đăng quang tóc
lòa xòa hai bên thái dương cái


nón gắn kết nhánh lúa mì
chín vàng treo trên tường bên cạnh
cô khách ngồi nơi những chiếc bàn


dài những người thổi kèn túi sẵn
sàng con chó dưới gầm bàn ngài
Thị trưởng có râu hiện diện những


người đàn bà mang khăn trùm đầu
hồ cứng nói lép bép trừ cô
dâu ngồi bó gối yên lặng ngượng


nghịu những dĩa thức ăn đơn giản
được phục vụ với sữa chua và
các thứ khác cùng loại từ một


dàn khung làm bằng cánh cửa nhà
kho được tháo rời bởi hai người
phụ việc một mặc áo khoác đỏ


đội chiếc nón có giải băng trên
cắm một chiếc muỗm.



The red wheelbarrow

so much depends
upon

a red wheel
barrow

glazed with rain
water

beside the white
chickens.



Xe cút kít

Quá nhiều thứ tùy
thuộc

chiếc xe cút kít
đỏ

loáng bóng nước
mưa

bên cạnh những con gà
con trắng


Bài thơ chỉ là một câu văn được ngắt ra thành từng dòng cách nhau. Nhưng lại là một bài thơ mang tính cách mạng về hình thức thơ. Nhà thơ John Holland cho rằng, kỹ thuật vắt dòng đã làm cách đọc chậm lại, tạo ra một bài thơ “thiền định”. Bài thơ như một cuộc nổi loạn lặng lẽ, vì tính đơn giản của nó. Hình ảnh tương phản giữa chiếc xe và những con gà con, giữa màu đỏ và trắng bày ra một quang cảnh thực, gây nơi người đọc một cảm xúc bâng khuâng, thân quen nào đó. Trong khi những nhà thơ cùng thời với ông, viết những bài thơ có ý nghĩa hiểm hóc, Williams đã viết những bài thơ thu hút những khoảnh khắc bình thường và những sự vật bình thường, chiếc xe cút kít. Có vẻ như nhà thơ Williams đã hình thành một “thể thơ” riêng cho ông, với nhịp điệu tinh tế của ngôn ngữ nói thông thường. Ý tưởng liền lạc (ở đây chỉ là một đơn vị câu) tạo ra nội dung, tương tác với hình thức, tạo ra hình ảnh, ý nghĩa và cảm xúc. Và như vậy, khi làm thơ với thế giới thực tại, chúng ta có khả năng kết hợp được cả hai bán cầu não. Nhưng để có một Williams thì thật hiếm hoi.

Ảnh hưởng của Walt Whitman với những câu thơ dài và cú pháp song song, Williams với ngôn ngữ đời thường và cuộc sống đời thường (và bất thường), qua Allen Ginsberg, và Beat Generation, đưa thơ tự do tới một chuyển biến khác. Thơ đi sát với đời sống qua những chủ đề tính dục, cần sa, chống chiến tranh nhưng quan trọng hơn, từ hình thức thơ trên giấy bước qua hình thức thơ trình diễn. Thơ tự do một lần nữa làm việc với toàn thể bộ não, đầy cảm xúc, vang dội ra ngoài thế giới, điển hình với bài thơ Howl (Hú) của Allen Ginsberg.

Một ảnh hưởng khác nữa của Williams là những hình thức thơ, giống như bài thơ Đám cưới quê (Peasant wedding), đã ảnh hưởng đến rất nhiều nhà thơ cho cả đến bây giờ, như bài thơ Buổi sáng (Morning) của Frank O’ Hara (thập niên 1960s), hoặc hàng loạt những bài thơ của nhà thơ đương thời Tom Riordan, trông giống như thơ Tân hình thức Việt...



FRANK O’ HARA

Morning

I’ve got to tell you
how I love you always
I think of it on grey
mornings with death

in my mouth the tea
is never hot enough
then and the cigarette
dry the maroon robe

chills me I need you
and look out the window
at the noiseless snow

At night on the dock
the buses glow like
clouds and I am lonely
thinking of flutes

I miss you always
when I go to the beach
the sand is wet with
tears that seem mine

although I never weep
and hold you in my
heart with a very real
humor you’d be proud of

the parking lot is
crowded and I stand
rattling my keys the car
is empty as a bicycle

what are you doing now
where did you eat your
lunch and were there
lots of anchovies it

is difficult to think
of you without me in

the sentence you depress
me when you are alone

Last night the stars
were numerous and today
snow is their calling
card I’ll not be cordial

there is nothing that
distracts me music is
only a crossword puzzle
do you know how it is

when you are the only
passenger if there is a
place further from me
I beg you do not go



Buổi sáng

Tôi phải nói với em
làm sao tôi luôn yêu
em tôi nghĩ về điều
đó vào những buổi sáng

xám với nỗi chết trong
miệng rồi trà chưa bao
giờ đủ nóng và thuốc
lá khô chiếc áo khoác

màu hạt dẻ làm tôi
lạnh tôi cần em và
nhìn tuyết im ắng ngoài
cửa sổ trong đêm nơi

vũng tàu đậu những chiếc
xe buýt rực rỡ như
đám mây và tôi lẻ
loi nghĩ về những ống

sáo tôi luôn mất em
khi tôi ra bãi biển
cát ướt với nước mắt
dường như của tôi mặc

dù tôi chưa bao giờ
khóc và giữ em trong
trái tim tôi với niềm
vui thích em có vẻ

tự hào bãi đậu đông
xe và tôi đứng lúc
lắc chùm chìa khóa chiếc
xe hơi trống trơn như

xe đạp bây giờ em
đang làm gì em ăn
trưa ở đâu và có
nhiều cá trồng không thật

khó nghĩ về em với
không có tôi trong ý
tưởng em làm tôi buồn
phiền khi em ở một

mình đêm qua những vì
sao dày đặc và hôm
nay tuyết là danh thiếp
của chúng tôi không thân

thiết không có gì làm
tôi sao lãng âm nhạc
chỉ là trò đố chữ
em có biết thế nào

khi em là người hành
khách duy nhất nếu đó
là nơi xa hơn nơi
tôi xin em đừng đi.




TOM RIODAN

The car window

shattered into empty
sunflower husks
on the macadam
and inside the bar
a woman spit glass
into a tin ashtray
and told her lover
that neither of them
was ever going to
hit the other again.



Kính cửa xe

bị đập bể trông giống những
vỏ rỗng hạt của hoa hướng
dương trên đường trải nhựa và
bên trong quán rượu một người
đàn bà nhổ chiếc răng gẫy
vào cái gạt tàn bằng thiếc
và bảo người bồ rằng không
một ai trong bọn chúng vào
bất cứ lúc nào được đi
đánh kẻ khác lần nữa.

....................................
Glass: ám chỉ chiếc răng gẫy.



Image the scavenger’s ecstasy

as he lowers himself into the bin
and opens up the first big bag -
this, after a week of mostly slugs
and chewing over last year’s pretty
much worked-over hickory nuts.

Each night he tries the Italian deli’s
door and tonight it was unlocked -
each night he propositions every
girl in the shot-&-beer joint and
tonight every one of them said yes.

He doesn’t need an eternity of bliss.
One single glorious night like this,
and then each night recalling it,
and hoping that it happens again,
is paradise enough for a raccoon.


Hình dung trạng thái ngây ngất của kẻ viết văn dâm ô

khi hắn tự thả mình trong thùng rác
và mở cái bao lớn đầu tiên - điều
này, sau một tuần ăn hầu hết những
con ốc sên và nhai hết những hạt
mại châu héo khô hơi nhiều năm ngoái.

Mỗi đêm hắn thử một cửa hàng Ý
và đêm nay cửa hàng mở cửa - mỗi
đêm hắn gạ gẫm một cô gái ở
quán rượu rẻ tiền và đêm nay mỗi
cô đều đồng ý. Hắn không cần niềm

vui sướng vĩnh cửu. Một tối lẻ loi
huy hoàng như vầy, và để rồi mỗi
đêm nhớ lại, và hy vọng trở lại,
đó là vườn địa đàng đủ cho một
con gấu trúc.


IX. Thơ Tân hình thức Việt

Thơ tự do tiêu biểu cho thơ phương Tây thế kỷ 20, được phát huy cuồng nhiệt với tiêu chí “làm mới” (make it new), qua bao nhiêu phong trào tiền phong, nhưng cuối cùng đã đi đến bờ vực cực đoan, khủng khoảng với thơ ngôn ngữ, thập niên 1980s. Bởi vì, thơ không phải là cách mạng hay ý chí “làm mới”, thơ là sáng tạo. Kinh nghiệm với các nhà thơ Williams và Ginsberg cho thấy, tự thân nhà thơ khó có khả năng nối kết giữa hai bán cầu não khi sáng tác, mà tùy thuộc vào cách làm thơ, cả nội dung lẫn hình thức. Về hình thức, chúng ta thấy những nhạc sĩ viết ca khúc, ca từ thuộc bán cầu não trái, trong khi âm nhạc thuộc bán cầu não phải. Còn nội dung, những bài thơ của Eliot và Levertov, phản ánh thế giới khái niệm của tâm trí, nên không tạo ra được cảm xúc. Trong khi những bài thơ của Williams, Frank O’Hara, và Ginsberg, qua thế giới thực tại, với 5 giác quan, kết hợp được cả ngôn ngữ bên não trái với cảm xúc bên não phải.

Ảnh hưởng từ Ginsberg, Beat Generation, thập niên 1970s, xuất hiện phong trào thơ Lời nói (Spoken Word), là loại thơ truyện kể, được viết ra theo hình thức thơ tự do, dùng để trình diễn. Đến thập niên 1980s, thơ trình diễn trở thành thơ Slam, dùng thi đấu, từ bỏ in ấn, chỉ còn trình diễn và thu vào video. Như vậy, bước qua thế kỷ 21, thơ tự do rơi vào ba khả thể, 1/ Từ bỏ hình thức khó hiểu trên trang giấy, hóa thân thành một loại thơ trình diễn; 2/ Tạo ra hình thức thơ trông giống thơ thể luật nhưng không theo luật tắc của thể luật, diễn đạt ý tưởng liền lạc, như những bài thơ của Frank O’Hara và Tom Riordan nêu trên. 3/ Nối kết giữa thể luật và tự do như trường hợp Annie Finch. Dĩ nhiên, thơ Mỹ với hàng ngàn nhà thơ được đào luyện trong dòng thơ tự do lý trí, hậu hiện đại vẫn còn đó, cùng những cơ chế xuất bản, tạp chí, giải thưởng và những tiêu chí cũ. Bởi khó có thể thay đổi một thói quen nơi những thế hệ trước kia là cấp tiến, bây giờ đã biến thành bảo thủ.

Trở lại với nhà thơ Annie Finch, cũng như Dana Gioia, bà là một nhà thơ tự do trước khi trở thành nhà thơ thể luật, và tham gia phong trào thơ trình diễn. Ngoài những tập thơ, bà còn là tác giả của nhiều tập tiểu luận về thơ, trong đó có cuốn “A Poet’s Craft” (Kỹ năng của nhà thơ), trên 700 trang. Bà cho rằng “thơ thể luật tích hợp cơ thể và tâm trí bằng cách cho phép chúng ta tiếp cận vào vô thức, bán cầu não phải.” Khi những nhà thơ tự do tham gia vào sáng tác thơ thể luật, họ mang phong cách diễn đạt thơ tự do hòa nhập với luật tắc, kết nối hai bán cầu não trong sáng tác. Theo Finch, thơ tự do, sau một thời gian dài, đã làm “mất mát niềm tin, mất mát hồi ức mà thơ cung cấp cho chúng ta.” Nhà thơ Pháp Stéphen Mallarmé trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1891 cho rằng, thơ tự do sẽ sớm trở về thể luật phổ quát, đặc biệt là với dòng thơ Alexandrine 12 âm tiết. Điều này có vẻ đúng với những nhà thơ mà Annie Finch là đại diện. Thêm vào đó, theo một bài viết của nhà thơ Dana Gioia, thơ Mỹ hiện thời đang nổi lên những phong trào thơ đọc, bao gồm thơ Tân hình thức, thơ Slam, thơ Cow Boy, và thơ Jazz.

Thơ muốn có người đọc thì bản chất thơ phải phù hợp với bản chất của con người. Điều này đã thể hiện từ thời xa xưa, nhưng bây giờ khoa não bộ mới khám phá ra. Sáng tạo luôn luôn là điều bí ẩn vì nếu không thì làm sao gọi là sáng tạo. Và khoa não bộ đã giúp chúng ta am hiểu những điều căn bản, phát huy tài năng thiên bẩm của nhà thơ. Như vậy, cách làm thơ của thơ Tân hình thức Việt có đúng với những chức năng sáng tạo trong não bộ không? Thơ thể luật tiếng Anh gồm thơ có vần không vần ở cuối dòng thơ, tuy rằng luật tắc hoàn toàn giống nhau. Thơ Tân hình thức Việt bổ túc thêm cho thơ vần điệu Việt một loại thơ không vần, để dễ chuyển tải tư tưởng, đưa thơ Việt ra ngoài thế giới, và khi chuyển dịch, vẫn giữ được nhịp điệu của thơ. Muốn vậy, tư tưởng phải cân bằng với cảm xúc.

Thơ Tân hình thức Việt “Dùng lại những thể thơ 5, 7, 8 lục bát, tượng trưng cho truyền thống thơ Việt, thu nạp các yếu tố: tính truyện, ngôn ngữ đời thường, vắt dòng từ thơ truyền thống Anh, và kỹ thuật lặp lại từ thơ tự do Mỹ.” Kỹ thuật lặp lại cặp đôi bằng trắc, vừa tạo nhịp điệu, vừa tạo vần ở bất cứ chỗ nào trong bài thơ, trở thành sức mạnh cho thơ Tân hình thức Việt. Nhưng với điều kiện, người làm thơ phải có khả năng phối hợp với các yếu tố khác, cảm xúc và ý tưởng chẳng hạn, để người đọc không nhận ra đó là kỹ thuật. Như vậy, từ khởi đầu, thơ Tân hình thức Việt đã chủ trương nối kết giữa thơ truyền thống và thơ tự do hiện đại, đi xa hơn, giữa thơ tiếng Anh và thơ tiếng Việt, giữa nền văn hóa này và nền văn hóa khác, cũng có nghĩa là nối kết giữa bán cầu não trái và phải trong sáng tác.

Nhưng thơ không thể đổi mới, nếu không thay đổi cả hình thức lẫn nội dung. Vì nội dung là xương sống của bài thơ, ở đây là kiến thức. Như đã đề cập trong bài, theo phái Thực nghiệm, kiến thức đến từ kinh nghiệm và phái Duy lý, kiến thức đến từ bẩm sinh. Kant nối kết lại hai quan niệm và cho rằng kiến thức là cái gì đó được tạo ra bởi tâm trí, bằng cách lọc cảm giác thông qua các công cụ hiểu biết. Kiến thức mênh mông và hiểu biết của con người thì hạn chế. Ngoại trừ một số nhà thơ tiền phong, đa số người làm thơ cả tự do lẫn thể luật chỉ quan tâm tới trò chơi chọn chữ chọn lời, hoặc đơn giản, ghi những suy nghĩ riêng tư xuống trang giấy, ít khi quan tâm tới tư tưởng trong thơ. Thiếu kiến thức, người làm thơ không thể phát hiện những ý tưởng mới trong những biến cố và sự việc thường ngày. Kiến thức và trực giác là sức mạnh trong tâm thức, tiếp cận với thực tại, tạo nên ánh sáng lóe trong nội tâm. Nội dung bài thơ sẽ trở nên nhạt nhẽo nếu ý tưởng nghèo nàn, hoặc có khi người đọc chẳng biết bài thơ muốn nói gì.

Theo Lain McGilchrist, biết một điều gì đó thì không bao giờ đầy đủ, vì nó luôn luôn thay đổi, tiến triển, phát hiện thêm những khía cạnh khác. Sự am hiểu đầu tiên thuộc bán cầu não phải, trong khi chúng ta chờ phát hiện thêm những điều mới kế tiếp, thì sự am hiểu đầu tiên đó lập đi lặp lại thành quen, được ghim xuống trong bán cầu não trái, trở thành cái biết bây giờ. Kiến thức về toàn thể rất sớm trở thành kiến thức của từng phần những gì chúng ta đã biết rồi. Như vậy, để biết một điều gì đến nơi đến chốn, phải là một tiến trình học hỏi lâu dài, và đó mới thật sự là kiến thức, chứ không phải chỉ là những thông tin hay những ý tưởng rải rác, chúng ta tiếp nhận được hàng ngày.

Cuối cùng, qua những nghiên cứu về chức năng não bộ trong sáng tạo, nội dung quen thuộc của thơ, từ trừu tượng, siêu thực và tư duy cần chuyển qua nội dung sinh động của đời sống hiện thực. Như thế, cách diễn đạt lúc nào cũng có thể thay đổi, không bị khuôn sáo, vì đời sống muôn màu muôn vẻ, dễ tạo ra những ánh chớp lóe ra trong nội tâm. Vả lại, thực tại mới chính là trung gian nối kết thơ và người đọc. Mặt khác, khi sáng tác với toàn thể não bộ, kiến thức mà chúng ta đề cập trên, cũng phải bao gồm nhiều nguồn khác nhau, chuyên môn về thơ, dĩ nhiên rồi, còn cần thêm những nhu cầu kiến thức khác, và về đời sống thực tại. Vì đó là cái vốn tư duy nghệ thuật, và là nền tảng tạo nên tác phẩm. Chúng ta thường nghe nói, trước khi hoàn thành một tác phẩm, người nghệ sĩ phải trải qua một thời gian trầm tư rất lâu, nhưng tới khi hứng khởi thì tác phẩm được hoàn tất rất nhanh, đó chính là lúc, ánh sáng lóe ra trong nội tâm.

Một thí dụ cụ thể: khi ý tưởng về chiếc xe đạp hiện ra trong đầu, tôi phải suy nghĩ rất lâu bằng cách, lên Net tìm kiếm thông tin, những câu truyện và cả những bài thơ về chiếc xe đạp, rồi hồi tưởng lại thời còn đi học, chiếc xe đạp gắn bó với tôi từ thời niên thiếu đến lúc trưởng thành. Có điều ngạc nhiên, ngoài những hồi ức, những thông tin tìm được không mấy liên quan tới bài thơ tôi muốn làm. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ mọi khía cạnh về chủ đề bài thơ, và tâm trí sẽ tự loại bỏ những gì không quan trọng. Và cũng phải vài tuần lơ mơ như vậy, cho đến lúc bài thơ hiện ra, tưởng chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Nhưng không phải tất cả các bài thơ đều lâu như vậy. Có bài rất nhanh, chẳng hạn như bài “Mẹ khổ”. Đến đây tôi mới nhận ra, hình ảnh (bán cầu não phải) từ đời sống hiện thực, dù rất bình thường - như chiếc xe đạp hay người mẹ nghèo - một lúc bất ngờ nào đó, khơi dậy những ý tưởng và cảm xúc đã có sẵn ở bên trong chúng ta, và thơ bật ra. Nếu đó gọi là sáng tạo thì quả thật là điều vô cùng bí ẩn. Như vậy, khi biết được những tính năng trong sáng tạo, tính thơ trong một bài thơ, điều đó đủ để mỗi người chúng ta tự nhận biết phải chuẩn bị những gì... sẵn sàng chờ những ánh chớp nội tâm tới. Và quan trọng hơn, hãy cứ để tâm hồn mình thoải mái.


Chiếc xe đạp

Người đàn ông dựa xe đạp
vào vách tường vừa kịp
cơn giông ập xuống mang
theo mưa và mưa và

mưa xóa nhòa biên cương
giữa sáng tối và sự
vật và bụi mờ đẩy
người đàn ông dần dần

lùi lại khoảng cách giữa
tiếng rơi mái hiên và
gió lạnh và chiếc xe
lấn tới lấn tới cho

đến khi những đường cong
vòng tròn những nan hoa
những góc cạnh khảm sâu
vào bức tường đã ố

màu thành bức tranh hiện
thực và người đàn ông
là chiếc bóng phai mờ
và cơn giông và mưa

và biên độ giữa hai
chiều thực tại còn đọng
lại nhiều năm sau đó
trong ký ức người đàn

ông những phút giây lạ
lùng tưởng chừng như câu
chuyện chỉ xảy ra trong
tâm trí.


Thơ Tân hình thức Việt, với ba tuyển tập, Thơ không vần (2006), Thơ kể (2009), Tuyển tập Thơ Tân hình thức Việt (2016), và hai tập tiểu luận, Vũ điệu không vần (2011), Cách làm thơ (2016), đã định hình những sáng tác, và cách làm thơ mang tính cơ bản. Nhưng tại sao cho đến nay, những sáng tác vẫn chỉ dừng lại ở những bước khởi đầu, và không có mấy người tham gia? Thật ra, thơ Tân hình thức không dễ, vì mỗi người làm thơ cần tạo cho mình một phong cách riêng, và mỗi bài thơ phải có nhịp điệu, cảm xúc và tư tưởng khác nhau. Lý do, chúng ta chỉ biết những chức năng của não bộ mới đây, nên chưa vận dụng được khả năng sáng tạo và phối hợp những yếu tố thơ trong bán cầu não phải như tưởng tượng, cảm xúc, trực giác, nhịp điệu, vần... Đồng thời cũng chưa ý thức được tầm quan trọng của kiến thức tư duy nghệ thuật trong việc phát triển nội dung thơ. Một lý do nữa, đa số chúng ta từng sáng tác thơ vần điệu và thơ tự do, trước khi tham gia thơ Tân hình thức. Đối với những nhà thơ đã từng làm thơ vần điệu, họ dễ ý thức được nhạc tính trong thơ, nhưng nếu bị vướng vào nhịp điệu của vần điệu sẽ làm hỏng thơ Tân hình thức. Còn nếu sáng tác bằng cách nghĩ thơ (với bán cầu não trái) của thơ tự do, rồi lặp lại câu chữ một cách máy móc để tạo nhịp điệu, thì không thể gọi là sáng tạo. Bây giờ, bổ túc thêm những thông tin về chức năng não bộ trong sáng tạo, chúng ta hy vọng sẽ có được những nhà thơ Tân hình thức thực sự, kết hợp giữa nghệ thuật thơ và đời sống thực tại, giữa “kiến thức và kinh nghiệm trong tiềm thức”, như ý kiến của Jesper. Cụ thể hơn, thơ khẩn thiết cần một nội dung mới.

Thơ đòi hỏi người làm thơ phải có đam mê. Nhưng ở một thời đại mà đam mê thơ tưởng như đã trở thành xa xỉ, vì có những bộ môn nghệ thuật khác hấp dẫn, với nhiều tài năng hơn, những phương tiện tiên tiến mở ra những cơ hội giao tiếp rộng lớn hơn, Facebook chẳng hạn. Nhưng thơ là một bộ môn đặc biệt, mang tầm văn hóa, làm phong phú đời sống nội tâm, gốc rễ của nền văn minh. Nếu có cách làm thơ đúng, sẽ tạo nên niềm mê hoặc nơi những nhà thơ. Bởi vì, ở thời nào cũng vậy, những nhà thơ có tài, luôn luôn cần những phương tiện để thể hiện tài năng của họ.

Ngày 4 tháng 7, 2017
K.I
(TCSH345/11-2017)






 

Các bài mới
Trễ giờ (01/12/2017)
Các bài đã đăng
Ơn Thầy (20/11/2017)