Tạp chí Sông Hương - Số 346 (T.12-17)
Chuyên đề PHAN BỘI CHÂU - BẢN LĨNH YÊU NƯỚC
15:10 | 19/12/2017

LTS: Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của chí sĩ Phan Bội Châu, Sông Hương được tiếp cận với bản thảo “Vụ án Phan Bội Châu năm 1925: Hồ sơ thẩm vấn”. Đây là nguồn tư liệu quý, nằm trong tập Bổ di II lần đầu được công bố về vụ án chí sĩ Phan Bội Châu.

Chuyên đề PHAN BỘI CHÂU - BẢN LĨNH YÊU NƯỚC
Ảnh: internet

Qua Hồ sơ thẩm vấn, 1.997 câu hỏi của Hội đồng xét xử của Tòa Đề hình đã làm việc hàng ngày, vào buổi sáng và buổi chiều liên tục thẩm vấn Phan Bội Châu từ ngày 29/8/1925 đến ngày 9/11/1925 cho thấy sự gắt gao, đầy o bế của chính quyền thuộc địa trong việc cố khép tội cụ Phan Bội Châu về những hành động cách mạng, yêu nước và chống lại chính phủ Bảo hộ. Nhiều nhân vật trong Hội đồng Đề hình thay nhau hỏi cung, đưa ra nhiều bằng chứng chống lại cụ Phan Bội Châu do Sở Mật thám và Sở Toàn quyền Đông Dương cung cấp, cho thấy hệ thống mật thám của Pháp đã kỳ công, can thiệp, nắm thông tin từ nhiều nguồn, hòng buộc cụ Phan phải nhận tội. Tuy nhiên, với năng lực phán đoán, sự thông minh, sắc sảo và khả năng nắm bắt tâm lý, xử lý thông tin, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã nhận ra những bẫy chông trong các câu hỏi, bản cung thẩm vấn và lèo lái vấn đề sang những hướng khác khiến Hội đồng Đề hình “chóng mặt” như đi vào đường “dê lộ kỳ”, không nhận được đâu là sự thật, đâu là hư cấu. Cụ đánh lạc hướng, “khai man” để bảo vệ các đồng chí của mình cũng như đại cuộc cách mạng đang lên, bảo toàn sức chiến đấu và ý chí quật cường của dân tộc. Điều cốt yếu, cụ Phan Bội Châu đã thể hiện tinh thần yêu nước của kẻ sĩ, bằng mọi giá phải cứu nguy dân tộc khỏi vòng nô lệ, là minh chứng sự khí khái của một nhà Nho ái quốc, bất khuất trước miệng sói kẻ thù. Cả cuộc đời, sự nghiệp của chí sĩ Phan Bội Châu được soi lại trong Hồ sơ thẩm vấn theo cách nhìn “xử tội” của người Pháp nhưng lại là ngọn đuốc chỉ dẫn thêm nhiều trang tư liệu bị bỏ ngỏ về cuộc đời danh nhân Phan Bội Châu.

Phàm lệ rằng, Hồ sơ thẩm vấn sử dụng nhiều ký hiệu để hỏi cung theo thứ tự và chức trách người thẩm vấn, để tiện tra cứu chúng tôi chỉ chọn 2 nhân xưng là Người thẩm vấn (NTV) và người bị thẩm vấn là cụ Phan Bội Châu (PBC); các đề mục nội dung thẩm vấn là chúng tôi thêm vào và sắp xếp theo thứ tự nhóm nội dung thay vì thứ tự các ngày tháng thẩm vấn.

“Vụ án Phan Bội Châu năm 1925: Hồ sơ thẩm vấn”, Nxb. Thanh Niên, Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây dự kiến sẽ xuất bản vào cuối năm 2017. Đây là tâm huyết sưu tầm công phu cũng như sự hiệu đính và giới thiệu của GS. Chương Thâu, người dành cả đời nghiên cứu về danh nhân Phan Bội Châu với hàng chục công trình có giá trị. Bản dịch thuật nghiêm túc, cẩn trọng của hai dịch giả Đào Hùng và Đặng Công Toại, cũng như sự sao chụp từ thư viện quốc gia Pháp do công cô Nguyễn Phương Ngọc (Pháp) với 440 trang tư liệu đã mang Hồ sơ thẩm vấn đến với người đọc một nội dung toàn vẹn nhất.

Được sự đồng ý của GS. Chương Thâu và sự hợp tác của nhà thơ Đặng Thiên Sơn (BTV, đại diện Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây). Sông Hương chân thành cảm ơn GS. Chương Thâu, các cộng sự và Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây đã tạo điều kiện để Sông Hương tiếp cận bản thảo thực hiện Chuyên đề PHAN BỘI CHÂU - BẢN LĨNH YÊU NƯỚC. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số trích đoạn trong tập hồ sơ quý giá này.

Ban Biên Tập  
(TCSH346/12-2017)




 

Các bài mới
Trang thơ Adonis (04/01/2018)
Mưa Huế và anh (29/12/2017)
Xóm không chồng (28/12/2017)
Các bài đã đăng