Tạp chí Sông Hương - Số 346 (T.12-17)
Nghệ thuật xây dựng nhân vật thiếu nhi trong 'Tuổi thơ dữ dội'
15:04 | 21/12/2017

BÙI THANH TRUYỀN

1.
Ngay từ khi mới ra đời, thiên tiểu thuyết dày 800 trang Tuổi thơ dữ dội 1 đã gây tiếng vang lớn. Đây là kết quả của 20 năm lao động miệt mài của Phùng Quán trong nỗ lực phi thường vượt thoát những nghịch cảnh đời riêng để một lòng với lí tưởng sống và viết.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật thiếu nhi trong 'Tuổi thơ dữ dội'
Ảnh: internet

Tác phẩm giàu chất tự truyện này là lăng kính phản ánh thời kì gian khổ nhưng hào hùng của quân dân Thừa Thiên Huế trong kháng chiến chống Pháp. Ký ức mạnh mẽ về bản thân và đồng đội đã thôi thúc nhà văn viết nên một thiên truyện thật đặc sắc và ấn tượng về trẻ em Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Nổi bật nhất, và cũng có sức ám gợi nhất, trong Tuổi thơ dữ dội là chân dung một tập thể “Vệ Quốc Đoàn con nít” được nhìn từ lăng kính của người trong cuộc qua vách ngăn của thời gian. Khắc họa một hình tượng chung cho thế giới nhân vật không phải là việc làm đơn giản bởi sự vượt trội về số lượng và tính đa dạng trong chân dung của họ. Để làm được điều đó, Phùng Quán đã rất dụng công và có nghề khi miêu tả ngoại hình, gọi tên nhân vật cũng như xây dựng tính cách, hành động, tâm lí và hoàn cảnh của từng mảnh đời bé nhỏ. Đó chính là những điểm nhấn đặc sắc khiến cho thiên truyện thực sự lôi cuốn độc giả trong và ngoài nước, khẳng định phong cách, vị thế của nhà văn khi tiếp cận đề tài chiến tranh vốn đã khá quen thuộc và nhiều thành tựu.
 

2.
Ấn tượng đầu tiên ở những con người “hỉ mũi chưa sạch” này là tuổi tác. Hầu hết họ đều trong độ tuổi mười ba, mười bốn, bên cạnh sự ngây thơ, hồn nhiên cũng đã có những biểu hiện rất người lớn. Sinh ra trong chiến tranh nên tuổi thơ của các em thật đáng thương. Với tuổi này, đáng lí các em phải được hưởng niềm vui sướng, hạnh phúc ngày hai buổi đến trường với bao thầy cô, bè bạn, bao trò bắn bi, đánh đáo. Thế nhưng các chiến sĩ nhỏ tuổi ấy lại phải xông pha vào trận mạc và không ít người vĩnh viễn yên ngủ giữa lòng đất mẹ: Mừng, Quỳnh sơn ca, Vịnh sưa, Hiền, Châu sém, Vệ to đầu... Điều đó không khỏi khiến người đọc tự hào, cảm phục pha lẫn niềm tiếc thương vô hạn.

Ngoại hình cũng đóng vai trò khá quan trọng trong việc điển hình hóa nhân vật. Hình hài của các em không chỉ là của cha mẹ sinh ra mà còn là những “biến dị” khi phải sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh. Với bút pháp tả thực, những thành viên trong đội thiếu niên trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân hiện lên thật tội nghiệp, thương tâm. Chiến tranh đã cướp đi của các em những bữa cơm ngon, những chiếc áo đẹp nhưng lại hào phóng “ban tặng” cho họ nào đói rét, nào ghẻ lở, ốm đau,... Em nào cũng hiện lên với tấm thân toàn da bọc xương, ghẻ lở hôi đến nỗi đi xa hàng chục mét đã nghe bốc mùi kinh khủng. Cuộc sống chiến khu thật quá mức chịu đựng đối với những chiến sĩ nhỏ tuổi. Nước da em nào cũng vàng vàng do thiếu ăn, do sốt rét rừng hành hạ. Một bộ áo quần rách tả tơi, một cái bao tải đầy rận rệp... nhưng lại “thủy chung” với các Vệ Quốc Đoàn trẻ con này suốt bao năm tháng “phòng ngự, cầm cự, tổng phản công” của toàn dân tộc. Lời văn giản dị, đầy tình cảm và rất Huế đã góp phần khắc hoạ những khắc nghiệt, tàn nhẫn của chiến tranh hằn lên rõ rệt ở dáng vẻ bên ngoài của từng người. Việc làm này không phải chủ yếu để người đọc cảm thương, ngược lại độc giả càng thấy rõ quyết tâm giết giặc, thà chết không chịu làm nô lệ ẩn sau những tấm thân gầy còm, ghẻ lở.

Việc dùng các định ngữ sau tên gọi để tạo biệt danh cho mỗi người cũng là một đặc sắc nghệ thuật của Phùng Quán. Tư dát, Quỳnh sơn ca, Vệ to đầu, Vịnh sưa, Châu sém, Lượm sứt... - mỗi biệt danh gắn với một đặc điểm nổi bật của nhân vật. Quỳnh sơn ca có giọng hát hay nhất đội, Vịnh sưa có hàm răng thưa như răng voi, Lượm sứt thì cái răng cửa bị sứt... Mỗi em một vẻ khu biệt qua tên riêng của mình. Có những biệt danh chỉ thiên về nhấn mạnh đặc điểm ngoại hình (Vịnh sưa, Lượm sứt, Vệ to đầu, Mừng bộ xương cách trí,...); nhưng cũng có những biệt danh ẩn chứa ý đồ nghệ thuật của nhà văn khi xây dựng tính cách. Chẳng hạn như Kim điệu. Chỉ mới nghe cái tên, người đọc cũng hình dung phần nào tính cách của con người này: điệu đà, đỏm dáng, cốt cách nhà giàu; từ đó sẽ không bất ngờ khi nhận ra bản chất của Kim: thích tiếp cận với những người có chút ít địa vị hòng tìm chỗ nương thân, thích làm em nuôi của các anh chị lớn để được nũng nịu, vòi vĩnh, không chịu nổi cảnh cơ cực của chiến khu dẫn đến phản bội kháng chiến và đồng đội. Quỳnh sơn ca cũng là một biệt danh đầy ấn tượng. “Quỳnh” - một cái tên hoàn toàn “lệch pha” so với những tên gọi quê mùa, cục mịch khác như Mừng, Thúi, Lượm, Tặng, Tư... Cái tên vốn đã đẹp, lại được thêm định từ “sơn ca” càng làm cho Quỳnh đẹp hơn - một vẻ đẹp thanh tao, thánh thiện. Có thể nói Quỳnh sơn ca là một nốt nhạc bất ngờ vang lên thánh thót, vui tươi giữa một bản nhạc trầm buồn với toàn những mảnh đời bất hạnh trong đội thiếu niên trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân.

Ấn tượng sâu sắc và trọn vẹn của người đọc về thế giới nhân vật qua hệ thống biệt danh này là điều khó phủ nhận. Đây cũng là minh chứng cho thấy Phùng Quán rất “sành” tâm lí trẻ thơ. Chỉ những cậu bé nhỏ tuổi mới thực sự thích thú với việc gọi tên bạn mình theo kiểu thân mật và ngộ nghĩnh như thế. Những cái tên quen thuộc gắn liền với từng con người và theo các em sống mãi với thời gian. Đây hẳn là một nét lí thú mà người đọc không thể bỏ qua khi tiếp cận Tuổi thơ dữ dội.

Mỗi người chúng ta ai cũng có hoàn cảnh riêng của mình. Các nhân vật thiếu nhi trong Tuổi thơ dữ dội cũng không ngoại lệ. Từ khắp mọi vùng trên đất Huế mộng mơ, các em tụ về trong đội trinh sát Trần Cao Vân. Mỗi em một hoàn cảnh, nhưng đa số đều có cuộc đời éo le, vất vả như nhau. Dựa vào gia cảnh, ta có thể phân chia họ thành hai nhóm. Một là những người xuất thân từ gia đình thượng lưu, giàu có, được ăn học tử tế; nhóm thứ hai, và cũng là nhóm chiếm đa số, là những em bé mồ côi, nghèo khổ nên phải thất học, lăn lộn mưu sinh từ nhỏ.

Ngòi bút của nhà văn đạt được nhiều thành công hơn cả khi xây dựng chân dung nhân vật thuộc nhóm thứ hai. Phùng Quán đã dành khá nhiều trang viết cảm động kể lại cụ thể hoàn cảnh gia đình của từng chiến sĩ nhỏ: Mừng, Lượm, Vệ to đầu, Hiền, Vịnh sưa... Độc giả càng thấm thía nỗi đau chiến tranh khi chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, mồ côi từ nhỏ, không được học hành đến nơi đến chốn, phải vật lộn với bão giông cuộc đời để đắp đổi qua ngày của các em.

Sớm giác ngộ lí tưởng, nuôi dưỡng tình yêu cách mạng, tình yêu kháng chiến mãnh liệt và lòng căm thù giặc tận độ, không ai trong các em là không tự nguyện và tìm đủ mọi cách để được tham gia, được chính thức đứng vào hàng ngũ cách mạng. Nếu như cách mạng là một dòng sông thì các em là những tia nước nhỏ bé bất ngờ vọt ra từ một kẽ đá, một vết nứt trên thân cây, hoặc trút xuống từ một đài hoa gió thổi nghiêng. Nhưng điều kì thú là những tia nước mỏng manh nhỏ bé ấy đã tự len lỏi hòa vào dòng sông cách mạng hùng vĩ lúc nào không ai hay. Có không ít chiến sĩ nhỏ tuổi nhưng chí lớn, tự nguyện dâng cả tuổi thơ, cả cuộc đời mình để đổi lấy tự do cho dân tộc là con nhà khá giả, được học hành tử tế. Thế nhưng chỉ vì những bài hát cách mạng, những hành động cao đẹp, hiên ngang của Vệ Quốc Đoàn, đoàn quân Nam tiến... họ đã sẵn sàng bỏ lại sau lưng tất cả, không luyến tiếc để đi theo tiếng gọi của hồn thiêng dân tộc. Nhiều em hằng ngày phải bán đậu phụng, bánh mì nóng giòn, đi ở, không hề được học hành vẫn luôn mang trong mình ước mơ trở thành “Vê- Cu-Đê”. Kháng chiến sao có thể từ bỏ, làm ngơ trước những lí tưởng đẹp đẽ của những cậu bé tuổi nhỏ chí lớn. Các em đã được cách mạng đón nhận, trở thành 32 thành viên trong đội thiếu niên trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân.

Chiến tranh luôn là chất thử hữu hiệu đối với nhân cách con người. Đối với những ai có chất “vàng” của lí tưởng, ý chí, niềm tin và nghị lực cách mạng, nó sẽ là lò lửa tôi luyện để họ ngày càng sáng đẹp hơn. Ngược lại, những kẻ lá mặt lá trái, sống vị kỉ, hoang hoải thì ánh lửa quái ác của nó sẽ biến họ thành những vụn than thảm hại. Đặt hai tuyến nhân vật chính diện (đội trinh sát) và phản diện (băng Lép sẹo, Kim điệu,...) cạnh nhau sẽ thấy rõ hơn cảm hứng và ý đồ nghệ thuật của người viết.

Cái tuổi chuyển giao giữa một bên là con nít, một bên là thanh thiếu niên đã làm cho các nhân vật thiếu nhi mang những tính cách, hành động thật đặc biệt. Đó là sự hòa quyện rất độc đáo giữa nét hồn nhiên trẻ thơ với tinh thần chiến đấu rất người lớn.

Nét tính cách trẻ thơ của nhân vật được thể hiện trên nhiều đặc điểm: thơ ngây, hồn nhiên, cả tin, hiếu kì, thích phiêu lưu mạo hiểm, muốn tỏ ra mình là người lớn, đặc biệt là thích thần thánh hóa các thần tượng. Sự ngây thơ, trong sáng cũng gắn liền với trí tưởng tượng phong phú đôi khi khá ngớ ngẩn nhưng tất cả đều rất đáng yêu. Chiến khu trong tưởng tượng của các em khác xa với chiến khu Hòa Mỹ ở trước mặt. Chiến khu - đó là rừng thông vi vu gió ngàn, lấp lánh dòng suối bạc giữa hai bờ lau trắng phau, những chiến sĩ cưỡi ngựa, múa gươm, phi lao như trong cổ tích... Thành công của tác giả là đã sử dụng có chọn lọc nhiều chi tiết tưởng như bình thường nhưng lại thể hiện rõ chất sáng trong đến thánh thiện của các chiến sĩ trinh sát nhỏ tuổi. Chiến tranh với bao mưa bom bão đạn cũng không làm các em ngưng đi tiếng cười giòn tan, vô ưu trẻ nhỏ. Sắp ra chiến trận nhưng tâm hồn vẫn để nơi mấy con dế. Đang mải mê nói chuyện vô Đảng Cộng sản bỗng nhiên thấy hai con gà trống nhà ai đá nhau ngoài ngõ, thế là cả nhóm chạy ùa ra ngay. Mê súng, cảm giác sung sướng khi sờ soạng và sở hữu một quả lựu đạn, một khẩu “côn mười hai”; mê tít “ông già bảy lăm” - niềm tự hào của toàn mặt trận Huế... Những lúc được đội trưởng giao nhiệm vụ, em nào cũng muốn giành phần nặng, phần khổ về mình, không thích làm việc đơn giản, nhẹ nhàng để chứng tỏ ta đây là “Vê-Cu-Đê chính cống”. Chiến tranh gian khổ là vậy nhưng các em vẫn luôn nô đùa, tinh nghịch, chọc ghẹo nhau với giọng điệu rất đỗi hồn nhiên, vô tư lự. Bằng ngôn ngữ mang đậm sắc thái địa phương hòa với một giọng văn biến đổi linh hoạt, khi thì rất “con nít”, khi thì nhẹ nhàng nhưng sâu sắc của một người từng trải, Phùng Quán đã thể hiện rất sinh động tính cách trẻ thơ “tự nhiên nhi nhiên” của những thiếu niên tuổi mười ba, mười bốn, mười lăm ấy.

Bên cạnh thiên tính trẻ, chiến tranh cũng đã tôi luyện cho những thiếu niên nhỏ tuổi tinh thần, bản lĩnh của một người lính trinh sát, một Vệ Quốc Đoàn đúng nghĩa. Trước những tấm gương anh hùng của các cấp chỉ huy và sự hi sinh anh dũng của đồng đội, ý chí, quyết tâm của các chiến sĩ nhỏ càng dâng lên mạnh mẽ. Hình tượng chỉ huy trưởng mặt trận khu C Phùng Đông và hình ảnh Vịnh sưa luôn sống mãi trong lòng các em, trở thành những ngôi sao sáng dẫn dắt, động viên họ ra mặt trận lập nên những chiến công hiển hách. Cuộc đời trinh sát cũng đã hình thành ở các em bản lĩnh sắt đá, sự ngay thẳng, lòng căm ghét bọn phản động đến tột cùng. Nghe tin được ra trận chiến đấu, em nào cũng “mừng rơn”, không ngủ được, đầu óc cứ nghĩ ở đâu xa xôi, mơ ước lập những chiến công vang dội như các anh lớn. Chính vì vậy, khi phải rời mặt trận Huế để lên xê-ca (chiến khu), em nào cũng hụt hẫng, buồn bã, không muốn chia lìa. Rồi khi đã thực sự gắn bó với chiến khu, dù cuộc sống có vất vả, thiếu thốn hàng trăm hàng nghìn lần các em vẫn không rời xê-ca để về với gia đình ở đồng bằng. Lời đề nghị tha thiết được ở lại, được chiến đấu bảo vệ cách mạng của họ khiến người đọc hết sức cảm động. Câu hát “Ra đi, ra đi bảo toàn sông núi - Ra đi, ra đi thà chết không lui...” được các chiến sĩ nhỏ cất lên thật hùng tráng. Hành trang ra tiền tuyến, ngoài ba lô, súng đạn là tinh thần không ngại gian khổ, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Giáp mặt quân thù, em nào cũng hiên ngang lẫm liệt, dũng cảm, đầy mưu trí, nhiều em đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương.

Song hành (và cũng là hệ quả) với những tính cách trên là tình cảm đối với cách mạng, kháng chiến, với nhân dân. Đó còn là tình cảm mà các em đã cùng nhau vun đắp, sẻ chia qua những tháng ngày trường kì kháng chiến: Tình đồng đội, đồng chí, tình bạn, tình cảm yêu mến dành cho các anh chị lớn tuổi... Tuy nhỏ nhưng các chiến sĩ trinh sát luôn thấu hiểu và đồng cảm với tâm tư, nguyện vọng của chỉ huy mình, lo lắng cho trung đoàn trưởng còn có vợ con ở nhà. Tình bạn trong chiến tranh cũng thật cao đẹp. Bốn phương trời cùng về sum họp, các em lúc đầu còn khép mình nhưng rồi đã hòa đồng, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chiến đấu. Tình đồng đội, đồng chí giữa những chiến sĩ nhỏ tuổi biểu hiện bằng những hành động tưởng chừng nhỏ bé nhưng cao đẹp vô cùng: không bỏ bạn lúc khó khăn, tìm bạn trong đêm tối, lo lắng cho bạn khi bị đau chân, cùng nhau tập xiếc, cưỡi ngựa, cùng chia nhau một nắm muối, nắm cơm vắt... Tình cảm lúc sống đã đẹp mà khi bạn hi sinh càng đẹp hơn. Không em nào không nhớ Quỳnh sơn ca, đi qua nơi em ngã xuống ai cũng tưởng như bạn mình đang nằm đó, đi liên lạc nhưng vẫn không quên nhặt những quả ươi bay đem về đặt trên mộ bạn. Bản lĩnh chiến sĩ còn thể hiện sinh động ở tình yêu quê hương, sự gắn bó với mảnh đất Huế mộng mơ nhưng đầy bom đạn. Yêu từ những bữa cơm đạm bạc đến những cây cầu thân thuộc mà hằng ngày các em đi qua. Yêu say sưa tia nắng mai tươi sáng rọi chiếu quê hương, những buổi bình minh trên một vùng quê không yên ả,... Càng yêu mến đồng đội và cách mạng, càng tự hào về quê hương đất nước, các chiến sĩ nhỏ tuổi càng khát khao hòa bình, càng căm thù bọn thực dân Pháp lộng hành, bọn phản quốc trơ trẽn, “hay đá đít dân mình”, ôm nhau “hát xì lô xì la”, bọn Việt gian không biết nhục nhã, cam tâm cúi mình trước quân cướp nước chỉ vì danh vị, tiền bạc. Đó chính là những mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng ý chí quyết tâm tiêu diệt kẻ thù dân tộc, tinh thần sục sôi chiến đấu ở các em.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhà văn đã rất nhạy cảm khi thấu hiểu được tâm tư tình cảm của các chiến sĩ nhỏ, đó là sự khao khát có được tình yêu thương của những người thân trong gia đình. “Phải gánh vác trách nhiệm nặng nề của người chiến sĩ cứu nước, nhưng các đội viên đội trinh sát vẫn còn là những chú bé. Các em thèm khát được yêu thương, vỗ về, chăm chút và thỉnh thoảng được làm nũng với cha, mạ, anh, chị...”. Sự song kết giữa cái cao cả và cái bi tráng khiến chân dung của họ trượt khỏi quỹ đạo thường thấy của bút pháp khắc họa nhân vật trong văn học kháng chiến, làm cho hình tượng các chiến sĩ nhỏ được chân thực hơn, toàn vẹn hơn, giàu sức truyền cảm hơn, và do đó, đẹp đẽ hơn, đáng yêu hơn, “người” hơn. Bằng những chi tiết giàu kịch tính, pha chút dí dỏm, Phùng Quán đã đặt các nhân vật vào những tình huống, hành động cụ thể, qua đó thể hiện bản lĩnh, ý chí của mình. Tính cách trẻ thơ hòa quyện với tinh thần chiến đấu, hi sinh anh dũng là một đặc sắc nghệ thuật để sinh động hóa thế giới hình tượng nhân vật trung tâm của thiên tiểu thuyết giàu âm hưởng sử thi này.

Trên nền chung là hình tựơng các chiến sĩ trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân, mỗi nhân vật thiếu nhi lại nổi bật với một vài tính cách, hành động riêng tạo nên nét điển hình của từng cá thể. Cùng với giọng kể sinh động, hấp dẫn, nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế, sâu sắc, việc lựa chọn một số chi tiết đặc sắc để khu biệt từng người cũng làm cho chân dung những chiến sĩ nhỏ tuổi trong tác phẩm thêm sống động. Nét điển hình thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Có em thì đặc biệt ở hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh gia nhập đội trinh sát, có em độc đáo ở tính cách trẻ thơ hồn nhiên, có em khác người ở bản lĩnh, ý chí chiến đấu, lại có em đặc biệt ở hành động, thái độ đối với những gì mình không ưng ý... Chúng ta khó mà nhầm lẫn Vệ to đầu với Kim điệu hay Tư dát. Không phải vì em có cái đầu to quá cỡ, mà là em đã có một quá khứ không giống ai. Cả nhà chui rúc dưới một gầm cầu sắt, rồi cha, mạ cũng vô tình rời bỏ để em ở lại một mình với đói rách, sợ hãi. Cuộc sống phiêu bạt giang hồ theo đoàn Sơn Đông mãi võ đã khiến Vệ bao phen sống dở chết dở, nhưng cũng nhờ thế mà em đã rèn luyện cho mình lòng can đảm, dũng cảm đến gan lì cùng với tài làm xiếc và phi ngựa. Người đọc sao có thể quên được Quỳnh sơn ca đã gia nhập Vệ Quốc Đoàn chỉ vì những bài hát cách mạng. Dường như Quỳnh sinh ra là để dành cho âm nhạc. Cuộc sống chiến khu gian khổ nhưng em vẫn không quên sáng tác. “Sông Ô Lâu kháng chiến” đã làm rung động bao trái tim đồng đội. Độc giả càng không thể kìm nén sự xúc động chân thành trước cái chết đầy bi phẫn, uất ức của Quỳnh mà kẻ sát nhân mù quáng lại chính là người cha Việt gian của em. Cả đội em nào cũng hồn nhiên ngây thơ nhưng Mừng là ngây thơ hơn cả - “Em trong sáng quá, dại dột quá”. Ngược lại hoàn toàn với Mừng, Bồng da rắn luôn tỏ ra là một người từng trải, biết nhiều, có kinh nghiệm “nếm mùi Việt gian”. Nhưng ở Bồng da rắn, đặc sắc hơn cả là sự thẳng thắn và ghét ra mặt những gì giả dối, phản trắc của em.

Nói đến tính liếng láu, chọc cười thì không ai bằng Tư dát. Trong hoàn cảnh nào, ở đâu, cậu bé cũng có thể khiến cho các bạn ôm bụng cười lăn cười lóc. Nói đến Vịnh sưa, người đọc sao quên được câu nói mà Tư dát dành cho bạn: “Vịnh sưa là kỉ luật sắc gớm lắm”. Trong mọi công việc học tập, công tác, Vịnh sưa đều gương mẫu, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn. Những năm tháng sống cạnh anh chính trị viên đã tôi luyện cho cậu bé tính chu đáo, kỉ luật, tận tụy. Vịnh cũng là người sống có thủy có chung. Điều đó thể hiện rõ qua chi tiết Vịnh luôn mang trên mình chiếc áo trấn thủ của người chính trị viên quá cố - một báu vật của em. Tinh thần chiến đấu và sự hi sinh cao đẹp của Vịnh đã trở thành tấm gương cho bao đồng đội nhỏ tuổi. Không ai có thể quên được tư thế hiên ngang của nhân vật trên khu nhà chọc trời của địch. Em đã không ngã xuống mà vĩnh viễn ra đi giữa bầu trời rực rỡ của thành phố quê hương. Huế mộng mơ đã mãi ôm em vào lòng. Còn về sự thông minh, gan dạ, bản lĩnh của người lính trinh sát thì khó có ai qua mặt Lượm. Với sự nhanh trí, nhạy bén, lòng gan dạ và liều lĩnh, cùng với bản lĩnh của một “cộng sản nòi”, Lượm đã làm người đọc bao phen hồi hộp, lo lắng dõi theo từng bước chân em qua ba lần vượt ngục.

Tình mẫu tử cũng là dấu ấn mà nhân vật Mừng lưu lại trong lòng người đọc. Sự hiếu thảo, lòng thương mẹ của em đã khiến bao bạn bè và các cấp chỉ huy cảm động. Những đoạn văn kể về mẹ của Mừng, những lúc Mừng nhớ mẹ, hành động đấu tranh tâm lí khi về thăm mẹ, hành trình đi tìm thuốc cho mẹ của nhân vật,... như xoáy sâu vào trái tim độc giả, gắn kết linh hồn của tác phẩm, của nhà văn với linh hồn của người đọc. Có thể nói Lượm và Mừng là hai nhân vật mà Phùng Quán dành nhiều tâm huyết hơn cả. Mừng mở đầu và kết thúc tiểu thuyết, còn Lượm chiếm trọn tập hai như một chiếc cầu nối để thiên truyện trở thành một chỉnh thể thống nhất. Nếu như Lượm thông minh, bản lĩnh thì ngược lại, Mừng ngây thơ, dại dột nhất trong đội. Lượm là điểm nhấn để Phùng Quán hướng đến tư tưởng của tác phẩm: “Thà chết không quay lại đời nô lệ!”, còn Mừng chính là hiện thân của tình mẫu tử thiêng liêng, tình bạn cao cả, thủy chung son sắc. Tuy nhiên cái đáng quý ở cả hai cậu bé chính là tấm lòng với kháng chiến, với cách mạng, dù có sa vào vòng vây của giặc, có bị nghi là Việt gian vẫn một lòng trung kiên, như nhất. Trong Tuổi thơ dữ dội, Mừng và Lượm chính là hai tiểu lăng kính đẹp nhất phản chiếu sức mạnh và tầm vóc của dân tộc, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Quan niệm nghệ thuật về con người cùng tình yêu và những ký ức, kỷ niệm tươi mới của Phùng Quán đối với một thời gian nan mà hào hùng, sôi động của quê hương cũng chính là những sợi dây gắn kết thế giới nhân vật trong Tuổi thơ dữ dội. Qua lăng kính trẻ em - chiến sĩ, người viết đã tạo ra nét tương đồng và dị biệt giữa mỗi cá thể cũng như cho toàn bộ hệ thống nhân vật thiếu nhi của mình. Cái riêng hòa trong cái chung nhưng không bị cái chung làm tan biến, nhạt mờ. Ngược lại, những nét chung càng làm nổi bật hơn chân dung của mỗi người. Điều này khiến cho tiểu thuyết thực sự lôi cuốn, hấp dẫn bạn đọc, đặc biệt là lứa tuổi thiếu nhi.

Các nhân vật thiếu nhi trong Tuổi thơ dữ dội chính là hiện thân của Phùng Quán và bạn bè của ông trong những năm chiến đấu chống thực dân Pháp trên mặt trận Huế, vì thế rất chân thực và sống động. Nếu bạn đọc đã từng biết về nhân thân tác giả thì không khó để nhận ra hình ảnh của ông trong một số nhân vật như Lượm, Mừng, Tư dát,... Lượm mồ côi khi mới chưa đầy hai tuổi, cha là một cộng sản chân chính bị giặc bắn chết. Đó chính là bóng dáng của Phùng Quán thuở ấu thơ. Chi tiết Tư dát vứt sách xuống sông Hương để theo đoàn quân Nam Tiến chính là sự liều lĩnh, quyết tâm theo cách mạng của chú bé Phùng Quán 13 tuổi. Đặc biệt trường đoạn Mừng bị nghi là Việt gian, là gián điệp như là hiện thân của cuộc đời ông một thời bị hiểu lầm, chịu nhiều oan ức. Lời minh oan thống thiết của Mừng gợi người đọc nghĩ đến tấm lòng chân thật, thủy chung đến trọn đời với Tổ quốc, quê hương của nhà văn.

3.
Hệ thống nhân vật thiếu nhi chính là linh hồn của Tuổi thơ dữ dội. Đó là phương tiện quan trọng để Phùng Quán gởi gắm ý đồ nghệ thuật và bộc lộ chủ đề tư tưởng cơ bản của tác phẩm. Hình tượng các chiến sĩ nhỏ tuổi là sức mạnh, ý chí, bản lĩnh của một vùng quê, một dân tộc đang bị bom đạn dày xéo. Tình yêu quê hương nảy mầm trên mảnh đất này đã kết nối tâm hồn mỗi bé thơ với hồn thiêng sông núi. Có tình yêu, niềm tin sẽ được nhân lên để rồi chiến thắng luôn thuộc về chính nghĩa. Việc kì công tìm kiếm những thủ pháp đặc sắc trong xây dựng thế giới nhân vật của nhà văn như đã trình bày ở trên đã góp phần mang lại thành công đáng kể cho tiểu thuyết. Dù vậy, đôi lúc ông cũng hơi sa vào lối kể chuyện rườm rà khi khắc họa hoàn cảnh gia đình của một số nhân vật như Vệ to đầu, Mừng, Vịnh sưa hoặc chưa thực sự khai thác chiều sâu tâm lí của họ. Nhìn một cách tổng thể, so với những gì mà Phùng Quán đã làm được bằng cả tài năng và tâm huyết của mình thì những hạn chế đó chỉ là những hạt cát giữa một đại dương mênh mông, kì thú.

B.T.T  
(TCSH346/12-2017)




 

Các bài mới
Trang thơ Adonis (04/01/2018)
Mưa Huế và anh (29/12/2017)
Xóm không chồng (28/12/2017)
Các bài đã đăng