Tạp chí Sông Hương - Số 346 (T.12-17)
Một số tư liệu lược trích trong “Hồ sơ thẩm vấn vụ án Phan Bội Châu 1925”
09:12 | 26/12/2017

Thái độ về cuộc Cần Vương

Người thẩm vấn (NTV): Ông có phải là kẻ hâm mộ người anh hùng cuối cùng trong cuộc tử chiến chống người Pháp đó không?

Một số tư liệu lược trích trong “Hồ sơ thẩm vấn vụ án Phan Bội Châu 1925”
Ảnh: internet

Cụ Phan Bội Châu (PBC): Tôi, giống như mọi người An Nam yêu nước khác, chúng tôi nói với các ông rằng, Phan Đình Phùng, khi đi theo vua Hàm Nghi để chống lại quân Pháp, chỉ là thực hiện nghĩa vụ của mình; nhưng đối với những kẻ đã thừa nhận rằng thời đó nền bảo hộ của Pháp đối với An Nam đã được chấp nhận, thì họ sẽ nói rằng cụ Phan làm không đúng lẽ.

NTV: Vậy ông đứng trong loại người nào?

PBC: Thời đó tôi còn quá trẻ để chọn đi theo hay chống lại; nhưng nếu hồi đó tôi đã có tuổi đời mong muốn, tôi sẽ đứng về phía Hàm Nghi.

                                    (29 tháng 8 năm 1925 - Sáng)

Lý do xuất ngoại

NTV: Tại sao ông rời đất nước để sang Tàu?

PBC: Sau khi thi đậu Cử nhân, tôi vào trường Quốc Tử Giám với ý định chuẩn bị thi tiến sĩ, nhưng chủ yếu là học hai hay ba năm để có thể đi làm Tri huyện. Trong thời gian ở Huế, tôi nhận thấy có sự khác biệt rất lớn giữa trình độ tri thức của người Tây với người Nam, cảm giác đó càng được khẳng định trong chuyến đi Nam Kỳ. Tôi hiểu rằng lợi ích của người Pháp cũng như của người Nam là phải xóa bỏ sự khác biệt đó hay ít ra cũng phải làm giảm thiểu. Do đó tôi soạn cuốn sách “Lưu Cầu huyết lệ thư” để bày tỏ ý nguyện của mình về vấn đề đó và đặc biệt là một mặt đòi bãi bỏ giáo dục truyền thống và bỏ các kỳ thi Hương, mặt khác phải thành lập các trường theo mô hình phương Tây. Cảm tưởng của tôi về chủ đề này ngày càng thêm rõ nét trước những điều kiện thảm hại của các kỳ thi, những điều kiện mà tôi biết rất rõ vì tôi đã đóng một vai trò rất tích cực (…). Tôi xin kể cho các ông một sự việc tầm thường, nhưng nó có ảnh hưởng lớn đến quyết định mà tôi sẽ theo. Được chứng kiến việc gọi các thí sinh vào Triều dự thi tiến sĩ, tôi nghe một người Pháp đọc tên các thí sinh, gọi họ là “un cochon”, hai “cochon”1... cho đến chín cochon. Không hiểu từ đó có nghĩa là gì, tôi bèn hỏi một người đồng khoa và họ đã giảng giải cho tôi; sự bất bình của tôi đã lên đến cực điểm vì tôi hiểu người Pháp có sự khinh miệt sâu sắc đối với người bản xứ. Vì tôi không được nhà chức trách Pháp lắng nghe, các quan đã từ chối giúp tôi trong việc này, tôi lập kế hoạch rời đất nước để ra nước ngoài, ở đó tôi có thể viết những công trình nói lên tư tưởng của mình, đồng thời để thoát khỏi mối nhục mà tôi thấy người Nam bị đối xử như vậy. Tôi chọn Trung Quốc và Nhật Bản vì đấy là hai nước mà tôi biết là chữ Hán được thông dụng. Trong chuyến đi đó tôi sử dụng tiền tôi kiếm được trong những lần thi lậu qua các kỳ thi vừa là tiền dạy học cho thanh niên trong nước. Số tiền đó vào khoảng một nghìn một trăm đồng bạc. Đấy là những lý do tôi rời đất nước. Tôi nói thêm là ý tưởng đó không phải đến với tôi chín mười năm sau vào năm 1913 hay 1914 chẳng hạn.

NTV: Không thể chấp nhận rằng ông đã rời bỏ nơi ông sinh ra, gia đình, vợ con, mồ mả cha và bàn thờ tổ tiên, chỉ vì ông đã nghe một người Pháp đếm một “con lợn”, hai “con lợn” khi người An Nam đi qua. Hãy nói cho chúng tôi biết lý do thực sự của việc ra đi của ông.

PBC: Đấy không phải là lý do thật khiến tôi ra đi; chẳng qua đó chỉ là một sự cố đơn giản xác định thêm kế hoạch của tôi; nhưng nguyên nhân thực sự, là sự khinh miệt của người Pháp đối với người bản xứ và việc nhà chức trách Bảo hộ ít chịu sửa đổi nền hành chính bản xứ như nó vốn có từ trước khi người Pháp đặt chân đến, và đặc biệt là trong giáo dục. Khi tôi thấy nước Pháp thiết lập nền bảo hộ trên vương quốc An Nam, tôi nghĩ rằng dưới ảnh hưởng may mắn của chính phủ cộng hòa, sự khốn cùng của nhân dân dưới một chính phủ quân chủ mà chúng tôi đã có cho đến thời đó và sự cai trị của quan lại sẽ kết thúc. Nhân dân nước Nam thời đó có vẻ như là một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi và được những người nước ngoài nghĩa hiệp nuôi dưỡng với mong muốn quan tâm đến tương lai của nó về mặt vật chất cũng như tinh thần. Nhưng sau hai mươi năm bảo hộ, nước Pháp có vẻ như bỏ rơi đứa con nuôi của mình và không quan tâm đến quyền lợi của nó.

NTV: Ông vẫn không trả lời câu hỏi. Tại sao ông ra đi?

PBC: Theo quan điểm của tôi, lý do đó là đủ vì những người có học đã thấy trong các sách vở rằng, đất nước giống như một gia đình. Khi trong gia đình, một thành viên là nạn nhân của sự bất công hay cảm thấy bị đau đớn, thì tất cả các thành viên khác cũng thấy đau khổ. Nhìn thấy đồng bào của tôi bị người Pháp ngược đãi, tôi không thể thờ ơ trước tình trạng đó và vì tôi không thể làm thay đổi, tôi quyết định ra đi để khỏi phải nhìn thấy cảnh tượng đó.

Trước hết tôi trả lời về mục tiêu cá nhân. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến vị trí đứng đầu nước Nam như các ông đã chê trách; vả lại điều đó là không thể đối với tôi, với những phương tiện mà tôi có trong tay, một Cử nhân tầm thường có trong túi 1100 đồng bạc, lại dám đứng đầu nhân dân nước Nam. Như vậy tôi không có một mục tiêu lợi ích cá nhân khi mong muốn sự phát triển và tiến bộ của đất nước; lý do thực sự của việc tôi rời bỏ nước Nam, điều mà tôi đã trình bày với các ông, là để viết những bài góp phần vào sự mở mang trí tuệ cho nhân dân nước Nam. Tuy nhiên có một điểm chính xác: tôi mong muốn nền độc lập của đất nước tôi. Nhưng tôi không muốn giành lại bằng bạo lực và tôi không mong sẽ đạt được trong tương lai gần, nhưng tôi muốn đạt được từ chính nước Pháp khi nhân dân nước Nam được giáo dục đầy đủ để có thể tự mình điều hành. Còn về việc cáo buộc kích động nổi loạn và trung tâm cách mạng mà tôi muốn thành lập ở Đông Dương, đối với tôi là không thể vì tôi ít có ảnh hưởng trong đồng bào tôi và những phương tiện yếu kém mà tôi nắm được. Một khi đã ra nước ngoài thì lại càng khó thực hiện vì tôi đã mất hết liên lạc với đồng bào. Muốn cho người ta nghe mình khi không còn ở tại chỗ đối với tôi là một việc không thể. Còn về việc tôi đã làm với Cường Để, các thông tin của ông đều không chính xác. Khi tôi rời nước Nam, tôi không nói cho Cường Để biết kế hoạch của mình; tôi chỉ đi cùng Tăng Bạt Hổ. Đến Trung Quốc, tôi nhận thấy nước này đã đem lại một sự phát triển mới cho giáo dục rất gần với giáo dục ở phương Tây; bấy giờ tôi nói với Tăng Bạt Hổ: “Khi anh trở về nước, hãy tìm cách tạo thuận lợi cho những thanh niên nào muốn ra nước ngoài học tập”. Bản thân tôi cũng viết ở nước Nam nhằm mục tiêu đó.

NTV: Cho chúng tôi biết chi tiết chuyến đi của ông ra nước ngoài từ khi ông rời khỏi làng: ngày tháng và nơi ra đi, chặng đường đã đi qua, điểm dừng chân và ngày tháng, nơi đến và thời gian?

PBC: Tôi xin thứ lỗi nếu tôi không trả lời được một cách chính xác về thời gian, vì đấy là những việc xảy ra từ lâu, nhưng tôi có thể nói những tháng đã xảy ra những sự kiện chính. Tôi rời gia đình đầu tháng 1 năm Thành Thái thứ 17 (1905), cùng đi có Tăng Bạt Hổ và Nguyễn Điển. Chúng tôi đến Thanh Hóa và dừng lại hai ngày để cho Tăng Bạt Hổ mua quế mà ông ta cần để bán lại bên Tàu. Sau đó chúng tôi đi Nam Định bằng tàu hỏa. Chúng tôi nghỉ lại một ngày ở nhà ông Thông phán Duyệt, bà con của Nguyễn Điển. Anh này sau đó từ biệt chúng tôi để trở về. Tăng Bạt Hổ cùng tôi đến Hà Nội và nghỉ lại một ngày. Chính tại thành phố này mà tôi đã giao cho Tăng Bạt Hổ 300 đồng để giúp đỡ gia đình trong thời gian ông ta đi vắng. Sáng hôm sau chúng tôi đi Hải Phòng; ở đó chúng tôi đi tàu thủy của hãng Messageries Maritimes đến Hồng Gai và dừng lại ở Ngọc Sơn, rồi từ đó chúng tôi lên bộ ở làng Trà Cổ và nghỉ lại một đêm. Hôm sau chúng tôi đi thuyền đến Chúc Sơn, là thị trấn Trung Quốc đầu tiên mà chúng tôi đến thăm, ở đấy có một cái chợ lớn. Chúng tôi ở lại 4 ngày để chờ phương tiện đi lại; sau đó chúng tôi đi Khâm Châu và ở lại 10 ngày để chờ tàu thủy. Tiếp đấy chúng tôi đi Bắc Hải, rồi đi Hồng Kông ba ngày sau. Đến thành phố này, Tăng Bạt Hổ bảo tôi ở lại vài ngày để đi bán quế và kiếm tiền. Tăng Bạt Hổ bán quế được 500 đồng bạc trong vòng năm hay sáu ngày. Chính ở thành phố này mà tôi được biết tên người bạn đồng hành của mình. Anh ta hỏi tôi có muốn gặp Tôn Thất Thuyết không. Tôi trả lời rằng tôi chỉ có ác cảm với nhân vật đó và tôi không muốn gặp ông ta. Được biết Thượng Hải là một thành phố Tàu thú vị hơn cả, tôi quyết định đến đó, tôi cùng đi với Tăng Bạt Hổ. Đến thành phố này, tôi muốn gặp người Tàu là Lương Khải Siêu, nhưng được biết ông ấy đã đi Nhật, tôi cũng biết Lương Khải Siêu là chủ bút tờ Tân Dân tùng báo in ở Hoành Tân (Yokohama), Nhật Bản. Tôi muốn gặp người Tàu này vì nghĩ rằng ông có thể giúp in những bài viết của tôi và giúp tôi sinh sống. Từ khi rời khỏi nhà cho đến khi đến Yokohama, tôi vẫn mặc theo lối ta; nhưng theo lời khuyên của Lương Khải Siêu tôi đã mặc theo lối Tây. Tiền tôi chi tiêu từ khi ra đi vừa để ăn ở vừa để may mặc lên đến 400 đồng; tôi chỉ còn lại 400 đồng, trong đó tôi đưa cho Tăng Bạt Hổ 200 để giúp anh trở về nước. Ở Yokohama, tôi sống tại nhà Lương Khải Siêu, ông tỏ ra hài lòng khi biết tôi là người Nam. Ông ta hỏi tôi nhiều điều về đất nước tôi bằng bút đàm. Để giúp ông biết tình hình, tôi viết cuốn Việt Nam vong quốc sử để đưa ông xem; ông đã tự mình in ra có phát triển thêm những thông tin mà ông đã nắm được. Việc đó xảy ra vào tháng 10 năm Thành Thái thứ 17. Đó là lúc Tăng Bạt Hổ từ biệt tôi để trở về Đông Dương; tôi không thể nói với các ông rằng anh ta về đến nhà vào lúc nào. Trong những cuộc nói chuyện, Lương Khải Siêu hỏi tôi rằng có những người trẻ tuổi nước Nam ra nước ngoài học không, rằng thi Hương có còn tổ chức ở nước Nam không và người ta có tổ chức trường để dạy theo kiểu phương Tây không. Hai câu đầu và câu thứ ba tôi trả lời rằng không, còn câu hai thì nói có. Ông ta nói thêm rằng nhân dân An Nam là một dân tộc thông minh, và đã đến lúc phải vận động thanh niên rời đất nước ra ngoài học tập.

                                    (31 tháng 8 năm 1925 - Chiều)

Cuộc hội kiến với Lương Khải Siêu

NTV: Cuộc gặp đầu tiên của ông với Lương Khải Siêu được thuật lại trong tờ báo nào?

PBC: Trong hai tờ Tân dân tùng báo và tờ Minh thời báo, tờ sau xuất bản ở Thượng Hải.

NTV: Cuộc gặp đó có phải là chủ đề của một cuốn sách hay lời tựa cuốn sách do Lương Khải Siêu viết không?

PBC: Vâng, cuộc nói chuyện đó là chủ đề của một công trình mang tên Việt Nam vong quốc sử. Chính tôi là người đưa chủ đề công trình đó cho Lương Khải Siêu và ông đã phát triển theo tư tưởng cá nhân của ông. Phần lớn công trình đó là tác phẩm của ông ta.

NTV: Ông đã ký tên là gì trong cuốn sách đó?

PBC: Tôi lấy tên là Phan Thị Hán. Trong cuốn sách đó Lương Khải Siêu gọi tôi dưới cái tên Sào Nam Tử. Tôi lấy biệt danh đó ngay khi đến Thượng Hải và tôi được biết dưới cái tên đó. Lương Khải Siêu đã ký tên và viết lời tựa cuốn sách đó.

NTV: Điều mà Lương viết trong lời tựa có phải là sự thật không?

PBC: Theo tôi những điều ông viết trong lời tựa là hơi nói quá. Tôi không thể nói chính xác điểm nào được nói quá, nhưng nó để lại cảm giác là rất quá đáng.

NTV: Ông làm thế nào để nói chuyện với Lương Khải Siêu vì ông không biết tiếng Quảng Đông. Ông đã khai là nói chuyện bằng viết chữ phải không?

PBC: Tôi nói chuyện với Lương Khải Siêu bằng cách viết chữ Hán. Một phần cuộc nói chuyện đó đã được xuất bản trên các tạp chí. Bản viết gốc tôi không biết số phận ra sao, tôi để giấy viết trên bàn, xung quanh chúng tôi có nhiều sinh viên. Về việc Lương Khải Siêu nói quá trong sách, tôi nhớ những điều ông viết ở trang đầu về chuyến đi của tôi và người bạn đường Tăng Bạt Hổ. Về chuyện này Lương Khải Siêu nói về chúng tôi khi đến trình diện như là những người bị dằn vặt vì đau khổ nước mắt dàn dụa, trong khi sự thật thì chúng tôi vui vẻ và tươi cười.

NTV: Có đúng là bản “bút đàm” đó được Nguyễn Cẩm Giàng đem về An Nam và trao lại cho Nam Thịnh không?

PBC: Tôi có biết một người tên là Hải Thần. Không phải Hải Thần cũng không phải người khác đã thuật lại cuộc nói chuyện của tôi với Lương Khải Siêu.

NTV: Kết quả cuộc nói chuyện của ông với Lương Khải Siêu ra sao?

PBC: Sau khi tôi nói chuyện với Lương Khải Siêu, theo tôi biết thì người Nam đầu tiên trở về Đông Dương là Tăng Bạt Hổ.

(…)

NTV: Ông khai rằng cuộc nói chuyện của ông với Lương Khải Siêu không có kết quả gì; ông ta không hứa hẹn gì với ông à?

PBC: Ông ấy không hứa gì với tôi; ông chỉ khuyên tôi nên đưa sinh viên người Nam sang. Lương Khải Siêu có giới thiệu tôi với cựu Bộ trưởng Bộ Quốc dân giáo dục Nhật Bản: Khuyển Dưỡng Nghị.

NTV: Có đúng là khi đến Nhật Bản, ông giả làm phái viên của Chính phủ Nam triều ở Huế không?

PBC: Không.

NTV: Ông có biết Kashiwahara Buntairo không?

PBC: Có, tôi biết ông ấy; ông là giám đốc giáo dục trung học. Chính Khuyển Dưỡng Nghị đã giới thiệu tôi với ông này. Ông ta đã tìm cho tôi công việc văn chương để tôi kiếm sống. Tôi không biết ông ta có mở một hiệp hội ở Thượng Hải không. Tôi có biết hiệp hội “Do Bun Sho in” là một trường trung học. Tôi không nghe nói rằng trường này nhằm mục đích thu hút sinh viên học tiếng Trung Quốc đến Nhật Bản.

NTV: Có phải người ta đưa sinh viên An Nam đến Nhật Bản vào trường đó không?

PBC: Vâng, có 30 đến 40 sinh viên trẻ người Nam được nhận vào trường này. Đó là những sinh viên trong nhóm Cường Để.

NTV: Buntairo đã giới thiệu ông với ai?

PBC: Ông Buntairo chưa hề giới thiệu tôi với ai. Tôi vẫn luôn ở tại Yokohama và những người mà ông vừa nêu lại sống ở Tokyo, Khuyển Dưỡng Nghị và Buntairo. Tôi phải ở Yokohama để giúp Lương Khải Siêu trong việc biên tập tờ báo. Tôi có biết người là Inukai tên gọi là Khuyển Dưỡng Nghị. Tôi không biết tướng Fukushima. Tôi chỉ có liên hệ với những người làm công việc văn chương hay giáo dục.

NTV: Ông cho in “Hải ngoại huyết thư” vào thời kỳ nào?

PBC: Tôi in công trình này vào tháng 2 năm Thân (1908 - Duy Tân thứ 2); tôi không thể nói chính xác thời gian, chuyện đó xảy ra từ lâu rồi, đó chỉ là một công trình ngắn có hai hay ba trang. Công trình này xuất bản dưới cái tên Phan Thị Hán, có thể nó được sinh viên người Nam in ở Thượng Hải hay nơi khác. Tất cả các công trình của tôi không phải do tôi in, mà do các sinh viên trong nhóm của tôi hay nhóm của Cường Để và Nguyễn Thượng Hiền. Vì không có đủ tiền, tôi không thể chi tiêu cho việc in được. Tôi ở lại Nhật Bản từ năm 1905 (tháng 9) đến tháng 2 năm 1908. Tôi rời Nhật Bản khi tờ Tân dân tùng báo được Lương Khải Siêu chuyển về Thượng Hải.

                                    (3 tháng 9 năm 1925 - Chiều)

Về Cường Để

NTV: Thật đáng ngạc nhiên khi tất cả các lời khai vừa đọc cho ông nghe đều nhằm mục đích che dấu cho Cường Để và chỉ nhằm buộc tội ông hay sao?

PBC: Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên; nếu tất cả các nhân chứng đều khai có lợi cho Cường Để thì chính vì họ có nghĩa vụ đối với ông ta vì ông ấy thường giúp đỡ và trả tiền học cho họ.

NTV: Nếu chúng tôi cũng cho ông biết các báo cáo của đại sứ chúng tôi ở Nhật Bản, trước hết là để chứng tỏ rằng ông đã sống những ngày cuối cùng ở nước đó, đối với một kẻ vận động chống Pháp; tiếp đến là để chứng tỏ cho ông biết ông đã xây dựng mưu đồ nhận tiền của đồng bào An Nam ủng hộ cho sự nghiệp của ông, và để phát triển việc du học của sinh viên An Nam sang Nhật Bản, dưới lời hứa hẹn giảo quyệt về sự giúp đỡ tinh thần và ủng hộ vũ khí của Nhật Bản khi cần thiết, trong khi ông biết rằng không thể dựa vào Chính phủ chính thức, bạn của nước Pháp. Ông có gì để nói không?

PBC: Tôi biết rất rõ khi tôi ở Nhật Bản, rằng nước này là bạn của nước Pháp. Cho nên tôi không bao giờ xin họ một sự ủng hộ nào cả để chống lại chính phủ Bảo hộ; làm như vậy là điên rồ về phía tôi.

Nếu tôi muốn chống chính phủ Pháp, thì không phải là đề nghị với nước Nhật, mà là với một nước thù địch với Pháp như nước Đức chẳng hạn, và giống như Cường Để, tôi sẽ sang Bá Linh. Những tin tức do Đại sứ Pháp ở Tokyo đưa ra là kết quả của những báo cáo cảnh sát hay những bài báo do những người viết khi thấy tên tôi có trên các bài viết của Cường Để, nên tưởng rằng tôi chia sẻ ý tưởng với ông ta. Đại sứ Pháp đã bị đưa vào con đường lầm lẫn khi nói về các ý đồ mà ông gán cho tôi.

                                    (18 tháng 9 năm 1925 - Chiều)

NTV: Như vậy thì các sinh viên phải nhờ cậy ai?


PBC: Người nào giữ tiền người đó, vì tôi không tin rằng tôi có đủ tin cậy để họ ký thác. Vả lại sự có mặt của Cường Để ở Nhật Bản là lý do khiến cho họ ra đi, và không phải phần lớn những người Nam đến nước này đều có ý định theo học, mà chủ yếu là để gặp Cường Để, ông ta cho họ thấy khả năng giành lại nước Nam từ tay người Pháp.

NTV: Thật là một sự trùng hợp đáng tiếc cho ông. Ông thừa nhận rằng lá thư “Khuyên thanh niên nước Nam...” của ông đã gây nên cuộc lưu vong của thanh niên An Nam sang Nhật để theo học và theo ông khi Cường Để đến đã xúi giục họ nổi loạn. Mặt khác thật đáng ngạc nhiên, vẫn theo lời khai của ông, rằng ông đã để cho những thanh niên đó chuyển hướng khỏi đường đi và mục đích đã đưa họ tới; để cho họ theo học mà không quan tâm, không hướng dẫn trong việc học, mà chỉ đến thăm họ một hai lần một năm. Vậy mà khi kêu gọi họ đến Nhật Bản, chẳng phải trách nhiệm tinh thần của ông đã được cam kết rõ ràng sao?

PBC: Trong thư “Khuyên thanh niên...” tôi chỉ nói với họ những điều tôi nhận thấy ở Nhật Bản, nghĩa là giáo dục ở nước này cao hơn nhiều những cái họ học trong nước, và tôi nói với họ rằng nếu họ muốn có một trình độ tri thức ngang hàng với thế giới, thì nên đến Nhật Bản theo học; nhưng trong thư đó tôi chưa bao giờ cam kết phải chăm sóc họ cũng như lo cho việc học khi họ đến Nhật Bản. Vả lại họ biết rõ rằng họ phải đến thẳng Tokyo, ở đấy đã có Cường Để, bằng ảnh hưởng của ông sẽ giúp cho họ. Họ chỉ biết đến tôi muộn hơn, khi tôi đến thăm trường Đồng Văn. Sau lần đến thăm đó, một vài người đã đến gặp tôi ở Yokohama. Trong vấn đề du học đó, vai trò của tôi chỉ giới hạn như một người trong gia đình thấy những người bà con khác ốm đau đã khuyên họ tự chữa và mời thầy thuốc đến.

NTV: Sự thật thì để đạt được kế hoạch, ông cần một người có đủ uy tín ở Đông Dương để lôi kéo người An Nam ở miền Bắc và miền Nam... Một mình ông, thì ông không thể quyên góp tiền mà ông cần có. Vì vậy mà ông phải đưa Cường Để lên trước, mà trong suy nghĩ của ông, ông ta chỉ là một công cụ trong tay ông để lôi kéo thanh niên đến với ông. Lý do là đưa họ đi học ở Nhật Bản. Còn lý do che dấu, chỉ thổ lộ với những người trung kiên, đấy là gieo cho họ lòng thù hận chính phủ Bảo hộ và triều đình Huế, bằng sự hứa hẹn một vị trí đặc biệt trong chính phủ tương lai sau khi người Pháp bị đuổi khỏi Đông Dương và một triều đại mới sẽ được dựng lên ở nước Nam?

PBC: Đấy sẽ là sự thật nếu tôi thực sự muốn nổi loạn chống chính phủ Bảo hộ; nhưng tôi không bao giờ có ý định đó; như vậy tôi không thể mượn tên Cường Để và lấy cớ đi học để lôi kéo thanh niên An Nam rời khỏi đất nước theo mục đích mà ông gán cho tôi. Nếu mục đích đó thực sự là của tôi thì tôi sẽ không rời xa Cường Để và người ta sẽ thấy chúng tôi luôn ở bên nhau, dù là khi đi đường hay là khi cư ngụ, vả lại người ta không thể hình dung một cái xác không có hồn. Thế nhưng Cường Để với tôi khi ở nước ngoài luôn luôn sống ở chỗ khác nhau và chúng tôi không bao giờ đi chung với nhau. Mặt khác tôi không có lý do gì để chống lại triều đình hiện tại và tôi không thù ghét gì; tuy nhiên tôi chê trách các vị vua kế nhau trị vì trên ngai vàng đã không làm gì để phát triển tri thức của thần dân và chính vì vậy mà tôi muốn thay đổi chính phủ, vì chắc chắn là tôi mong muốn như vậy, nhưng tôi không muốn đạt được bằng vũ lực, tôi chỉ tin vào chính phủ Bảo hộ là một chính phủ cộng hòa để thực hiện.

                                    (19 tháng 9 năm 1925 - Sáng)

NTV: Chúng tôi nhận thấy, các ông, Phan Bội Châu và Cường Để, thủ lĩnh của đảng phiến loạn An Nam, đã tuân theo chiến thuật truyền thống mà những người Trung Hoa đi trước các ông đã truyền lại. Ông có gì để nói không?


PBC: Tôi chưa bao giờ là thủ lĩnh đảng cách mạng cùng với Cường Để. Nếu Cường Để có những ý tưởng nổi loạn và đã dự tính một chương trình theo hướng đó, thì tôi hoàn toàn không biết.

NTV: Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy trong những bài thơ và tuyên ngôn đầu tiên của ông, ông đã nói rất rõ rằng không nên đi tìm kết quả ngay lập tức và trước khi đánh đòn quyết định, trong đó ông tính có thể lôi kéo tất cả binh sĩ bản xứ, như đã thấy khi xét xử vụ án Gilbert Chiểu và những lời khai mà chúng tôi dẫn ra khi cần, thì thấy cần thiết phải tổ chức theo phương pháp đó một cách kiên trì. Ông có gì để nói không?

PBC: Tôi chưa hề viết thư cũng như tuyên ngôn theo hướng đó; trong những bài viết của mình, tôi chỉ than về tình trạng đáng thương của đất nước tôi, tình trạng do sự lơ là của các vị vua. Tôi không viết bất cứ cái gì theo hướng đó trước khi rời khỏi đất nước và sau khi ra đi. Sau khi rời khỏi nước Nam, tôi không hề có một tí thư từ nào với bất cứ ai về chủ đề này, ngay cả với gia đình tôi; gia đình tôi có thể làm chứng điều đó.

                                    (Tháng 10 năm 1925 - Sáng)

NTV: Ông đổ tội mạnh mẽ cho Cường Để, nhưng những điều hiển nhiên thì ông tranh cãi một cách thảm hại; Cho nên khi đưa ra những lá thư của ông, thì ông tìm cách nói rằng một số phần trong thư ông viết khác?


PBC: Chỉ những người có trí thông minh thật cao mới có thể nói dối, và họ có cách đổ lỗi cho người khác. Còn tôi, tôi không có ý định chứng tỏ mình thông minh trước Hội đồng Đề hình, và tôi chỉ có thể khiến cho các vị tin, vì tôi chắc rằng các vị đã biết hết mọi hành động của tôi. Nếu tôi không nhận những hành động mà họ lên án, chỉ là vì tôi không làm. Vả lại, một tội phạm thực sự thì không thể nói dối.

NTV: Được rồi, chỉ có những kẻ vô tội mới nói dối phải không?

PBC: Những người vô tội không nói dối.

NTV: Những câu trả lời của ông thiếu giọng chân thành, và những người vô tội nêu lên sự kiện mà không bao giờ phản cung?

PBC: Tôi thừa nhận những cái gì chính xác, và tôi không nhận những cái gì sai; những điều mâu thuẫn duy nhất trong những lời khai của tôi là ngày tháng; vì nó liên quan đến những sự kiện cách nhau rất xa, chúng không thể trùng khớp với nhau.

                                    (10 tháng 10 năm 1925 - Sáng)

NTV: Ở Nam Kỳ tiếng tăm (thanh danh) của ông thế nào?


PBC: Tôi được người ta biết vì tôi là người An Nam đầu tiên đi ra nước ngoài.

NTV: Ở Nam Kỳ người ta cũng biết ông dưới tên Sào Nam Tử. Cái tên này không hề có trong tác phẩm, làm sao nó được biết ở Nam Kỳ như một trong các biệt hiệu (bút danh) của ông?

PBC: Vì hai cái tên Sào Nam Tử và Phan Thị Hán thường đặt cạnh nhau trong tác phẩm. Vì Phan Thị Hán là dịch từ Phan Bội Châu.

NTV: Nhằm lợi ích nào mà Nguyễn Thượng Hiền đã viết một cuốn sách cho người Nam Kỳ?

PBC: Vì ông ta được gợi ý bởi Cường Để.

NTV: Vì sao trong tác phẩm này toàn bộ thời gian chỉ nói về ông chứ không phải Cường Để, (người) rất được người Nam Kỳ biết?

PBC: Chính vì như đã nói trong tác phẩm thứ nhất ký tên Cường Để mà tôi là thư ký của ông ta.

NTV: Điều đó không giải thích vì sao trong tác phẩm này, Cường Để độ lượng, hoàn toàn bỏ tên mình mà chỉ đổi tên ông lên trước?

PBC: Bởi vì Cường Để là một người trên tất cả mọi người.

NTV: Giải thích thế không đủ, vì tác phẩm này thực sự là tuyên truyền cho ông?

PBC: Tôi giữ lời khai trước.

                                    (Ngày 12 tháng 10 năm 1925 - Buổi chiều)

Hải lệ huyết thư

NTV: Hãy phân tích bản “Huyết thư” cho chúng tôi?

PBC: Tôi chỉ có thể làm nếu ông cho tôi xem bản các ông có trong tay. Tôi sẽ chỉ ra những đoạn của tôi viết và những đoạn được thêm vào.

NTV: Lúc này chúng tôi thấy là vô ích, vì ông sẽ che dấu những đoạn có phương hại đến ông để chỉ giữ lại những đoạn không gây phiền hà cho ông mà thôi. Chúng tôi yêu cầu ông hãy nhớ lại, và nói lại những trang đã đặt ở văn phòng tòa báo như thế nào?

PBC: Công trình này được viết thành thơ và chỉ gồm có hai hay ba tờ. Nó gồm ba phần; phần thứ nhất là lời than tình cảnh của dân Nam. Phần thứ hai nói về các vị hoàng đế đã kế tiếp nhau ở trên ngai vàng nước Nam, các quan lại của Chính phủ nước Nam không bao giờ quan tâm đến thần dân hay không cai trị theo những điều họ được học. Phần thứ ba chê trách người Nam không quan tâm đến học tập… Công trình kết thúc bằng lời kêu gọi đồng bào thúc đẩy họ hãy học hành.

NTV: Mục đích của ông khi viết những tờ này là gì?

PBC: Mục đích là làm cho mọi người biết tình cảm của tôi về cách cai trị của các vua và quan nước Nam. Tôi viết công trình đó để làm vơi đi những gánh nặng trong lòng.

NTV: Tại sao ông không tự mình cho in những tờ đó để gửi về An Nam, như là phụ trương cho “Khuyên thanh niên”, vì theo ông, “Huyết thư” mà ông soạn là nhằm mục đích kêu gọi người An Nam học hành.

PBC: Tôi không làm vì việc đó có vẻ không tác dụng; trong thư “Khuyên thanh niên” hình như tôi đã nói hết những điều cần nói về việc đó. Còn như “Huyết thư” không bổ sung gì cho cái thứ nhất và chỉ là những lời than về đất nước.

                                    (5 tháng 10 năm 1925 - Chiều)

Công việc viết báo

NTV: Cách đây 2 tháng, chúng tôi có liệt cử các thành tích của ông từ 1905 đến 1918, ông không muốn thừa nhận một điều nào; tuy nhiên trong 8 năm, người ta không sống mà chẳng làm gì cả; vậy hãy nói cho chúng tôi biết theo ông đó là những việc gì, hoạt động của ông trong thời gian đó.

PBC: Tôi có một nghề, tôi làm việc cho một tờ báo và tất cả các tháng tôi viết 2 tác phẩm.

NTV: Nhưng nghề ký giả nhật báo, tại sao ông không làm ở Đông Dương?

PBC: Vì không có tờ báo nào viết bằng chữ Nho (Hán tự).

NTV: Ông đã viết những tác phẩm nào? Vậy ông đã viết 192 tác phẩm trong 8 năm?

PBC: Đúng, khoảng chừng ấy, tôi chỉ có thể kể cho ông một vài cuốn thôi.

NTV: Các tác phẩm ấy giờ ở đâu?

PBC: Các tác phẩm này sau khi sắp xếp đưa Tổng Biên tập duyệt và đưa in rồi đem bán.

NTV: Trên bìa có tên của Tổng Biên tập, bên trong là tên các cộng tác viên, tên tôi và tên vài người khác; tên tôi thay đổi theo các tác phẩm. Vậy, ông có nhiều tên?

PBC: Đúng. Tôi thường ký Trương Văn Dực2.

                                    (Ngày 13 tháng 10 năm 1925 - Buổi chiều)

Việc rời Nhật Bản

NTV: Từ các tin tức và các lời khai mà chúng tôi đã cho ông biết trong buổi thẩm vấn vừa qua, suy ra rằng sau khi bị trục xuất khỏi Nhật Bản, ông đã ở Xiêm?

PBC: Không đúng. Tôi không bao giờ bị trục xuất, tôi chưa bao giờ ở Xiêm (Thái Lan) mà ở Thượng Hải khi rời khỏi đất nước Nhật Bản.

NTV: Ông nói không bị trục xuất, tuy nhiên điều đó có thể suy ra từ các tài liệu mà chúng tôi cho ông xem.

PBC: Tôi nghe.

NTV: Phan Bá Ngọc (phần 50 hồ sơ JA1925) cho chúng tôi biết trong dịp tết An Nam, ông biết Chính phủ Pháp cử các đại diện sang Chính phủ Nhật Bản và gần dịp đó ông đi Băng Cốc?

PBC: Không đúng sự thật. Đấy là đại hư ngôn.

NTV: Ngẫu nhiên có hay không sự dịch sai lầm về vụ trục xuất ông khỏi Nhật Bản?

PBC: Không có sai lầm. Tôi đi khỏi Nhật Bản một cách tự do, không có sự trục xuất nào cả. Tôi không ở chung với Cường Để, biện pháp chống lại ông không áp dụng với tôi.

NTV: Về hình thức, ông bị mời ra khỏi đất nước, không ngờ gì nữa, sắc thái lời khai của ông là đã rời khỏi một cách hồn nhiên; dẫu vậy sự ép buộc đi khỏi nước Nhật được xác nhận bởi bức thư 1329 của Toàn quyền gửi ông Bộ trưởng Bộ thuộc địa (phần 203 hồ sơ I1925)?

PBC: Nếu Toàn quyền đã xác nhận sự kiện này với Bộ trưởng Bộ thuộc địa, thì chính vì thế Chính phủ Nhật Bản đã dùng từ “trục xuất” khi nói về sự ra đi khỏi đất nước này của tôi, nhưng sự thật là tôi chưa bao giờ là đối tượng của một sự trục xuất.

                                    (Ngày 19 tháng 10 năm 1925 - Buổi sáng)

Vấn đề làm cách mạng

NTV: Ông nhận là không biết, luôn luôn cùng một hệ thống đó là một phần của sự thật không phải là sự thật hoàn toàn. Ông nói ông không có hành động trực tiếp trong các sự kiện này, rồi ông lại nói có thể là các bài viết của ông là lý do phát động. Ông giải thích sao?

PBC: Vì nó phục xuất từ các tác phẩm của tôi, rằng tôi muốn đất nước An Nam phải được lấy lại từ tay nước Pháp, mặc dù vấn đề không nói trắng ra, nhưng vì tôi nói đến lòng ái quốc, điều đó cũng đủ xác định cho đồng bào tôi nổi lên chống chính phủ Bảo hộ.

NTV: Từ lời khai này, tất cả các điều ông nói với chúng tôi trước kia về các bài viết của ông là sai và từ đầu chí cuối là một chuỗi dối trá, nên không còn gì để lưu lại nữa?

PBC: Vâng, có thể không phải là tất cả, vì một vài sự kiện thì đúng như đại bộ phận các lời khai trước đây là sai.

NTV: Nói cách khác, ông thừa nhận tất cả sự tuyên truyền bằng ngòi bút của ông chỉ có một mục đích là làm đất nước nổi lên chống lại người Pháp?

PBC: Đúng, tôi thừa nhận sự tuyên truyền này chỉ có một mục đích là giành lại đất nước khỏi sự bảo hộ của người Pháp.

NTV: Ông thừa nhận là tác giả các tập sách tuyên truyền chống Pháp mà chúng tôi đã đưa cho ông xem trong các cuộc thẩm vấn trước đây; và đây là danh mục “Lưu cầu huyết lệ tân thư”, “Khuyến quốc nhân du học văn”, “Hải ngoại huyết thư”, “Việt Nam vong quốc sử”, “Tân Việt Nam”, “Kỷ niệm lục”, “Việt Nam quốc sử khảo”, “Sùng bái giai nhân”, “Phó cáo Lục tỉnh văn”, “Sào Nam tử khuyến chư tăng thư”, “Hà thành liệt sĩ truyện”, “Đại Việt nghĩa liệt sử”, “Viễn Hải quy hồng”, “Trần Đông Phong truyện”, “Cường Để Phó cao văn”, “Á tế Á”?

PBC: Tôi thừa nhận đã viết các tập sau đây: “Lưu cầu huyết lệ tân thư”, “Khuyến quốc nhân du học văn” và tâm huyết nhất của tôi là “Hải ngoại huyết thư”, “Việt Nam vong quốc sử”. Lời nói đầu quá mức và bản dịch mà các ông đưa cho tôi xem không hoàn toàn đúng với nguyên bản tôi viết “Tân Việt Nam”, chính tôi viết “Kỷ niệm lục”, tôi đã xem lại và sửa chữa không phải của tôi, “Huyết thư diễn ca” in lần thứ hai, khi in tôi có biết, nội dung đúng như lần thứ nhất, “Việt Nam quốc sử khảo”, tôi viết nhưng có thêm khoảng một phần mười của Hoàng Trọng Mậu, vả lại lời chú ở dưới bản in, là phần ở dưới vạch in “Sùng bái giai nhân” tôi không biết ai viết và không bận tâm, “Phổ cáo Lục tỉnh văn”, tôi viết với sự gợi ý của Cường Để, “Sào Nam tử khuyến chư tăng thư” không phải của tôi, “Hà thành liệt sĩ truyện” là của Hồng Xương (Nguyễn Thần Hiến), tôi chỉ đọc sau khi in, sách in bí mật, tôi không biết in ở đâu và tôi không gặp lại Nguyễn Thần Hiến từ đó.

                                    (23 tháng Mười năm 1925 - Buổi sáng)


NTV: Vào thời kỳ nào ông bắt đầu hành động chống Pháp?

PBC: Tôi bắt đầu hành động bằng các bài viết của tôi, trước khi rời đất nước, tôi chỉ viết Hải ngoại huyết thư vào cuối năm Quý Dậu 1903.

NTV: Thời kỳ đó, ông nhằm vào ai ở Bắc Kỳ, ở Trung Kỳ và Nam Kỳ, và năm sau đó?

PBC: Thời kỳ đó tôi viết Lưu cầu huyết lệ tân thư, không phải là tác phẩm cách mạng. Tôi chỉ yêu cầu các cải cách. Ở Trung Kỳ, tôi đi gặp Ấm Hàm, Trình Hiền tức Sơn Tẩu, ở Nam Kỳ tìm Trần Nhật Thị nhưng tôi không gặp, ở Bắc Kỳ tôi gặp đốc Định Trạch, Nguyễn Thượng Hiền.

NTV: Thời kỳ đó ông không đi gặp Đề Thám?

PBC: Tôi có đi tìm gặp nhưng không đạt. Đó là vào năm 1904.

NTV: Vào thời điểm nào ông tiếp hợp với các nhà cách mạng Trung Kỳ nhằm thành lập một đảng, những ai đã tham dự vào cuộc họp bàn định việc ông đi ra nước ngoài?

PBC: Những người dự cuộc họp đó là Trần Quý Cáp, Nam Thịnh, Sơn Tẩu, Đặng Tử Kính, Đặng Văn Bá, Đặng Thái Thân, Ấm Võ, Tư Địch. Cuộc họp tổ chức vào hồi tháng 4 năm Giáp Thìn (1904). Có ba thầy tu Công giáo tham dự, họ đã bị kết án, tôi không biết tên họ, cả ba đều ở làng Xã Đoài. Tôi tin là họ đã bị lưu đầy. Tăng Bạt Hổ không tham dự buổi họp. Ấm Hàm và Sơn Tẩu đề cử ông làm người dẫn đường cho tôi. Chính tại cuộc họp này quyết định rằng Cường Để phải xuất dương; quyết định này là do Ấm Võ và Sơn Tẩu gợi ý, với lý do muốn đạt được kết quả cần phải dựa trên một hoàng thân. Đó hoàn toàn trái ngược với các ý kiến của tôi, nhưng tôi phải phục tùng. Ấm Hàm, Ấm Võ chịu trách nhiệm thăm dò ý kiến của Cường Để; vài ngày sau tôi cũng đi theo họ. Cường Để vội vàng chuẩn hứa đề đạt của chúng tôi, nhưng ông ta có ý kiến rằng mình phải là người đầu tiên cho mọi người biết sự hiện tồn của ông ta ở nước ngoài, tìm đến ông ta làm nơi tụ hội.

NTV: Vì các dự kiến của Phan Châu Trinh khác với các dự kiến của ông, vậy ý ông là thế nào?

PBC: Các dự kiến của tôi là chính chúng tôi hành động và bằng vũ lực, nghĩa là nếu các phương tiện của chúng tôi cho phép, sử dụng vũ khí, nếu không bằng các phương tiện hòa bình khác, nhưng dự kiến của tôi nhằm sử dụng vũ lực, trong khi Phan Châu Trinh là đạt được sự độc lập cho đất nước từ chính nước Pháp.

NTV: Cường Để có các dự kiến cá nhân không hay hoàn toàn chịu ảnh hưởng của ông và có thực hiện các dự kiến của ông không?

PBC: Cường Để chỉ nhằm một điều được lên ngai vàng của tổ tiên bằng bất cứ cách nào, và nếu nước Pháp ưng tặng ông ta, ông ta sẽ lặng lẽ trở về đất nước, nhạo báng không tiếc lời về tôi và các ý nghĩ của tôi.

NTV: Kết luận là ông rời An Nam với ý định gây rối loạn để đạt mục đích?

PBC: Trước khi ra đi, tôi không có ý định đấu tranh bằng võ trang với chính phủ Bảo hộ, bắt đầu sang Nhật tôi cũng chưa thế; tôi muốn đạt mục đích bằng hai cách sau đây: 1- Cho đồng bào tôi ra nước ngoài học; 2- Phê phán các hành động của Chính phủ Pháp bằng các bài viết của tôi. Sau này đến 1909, 1910, ý định chống đối bằng vũ khí mới đến với tôi.

NTV: Giải thích các biến cố của 1908 trên khắp Đông Dương thế nào?

PBC: Các biến cố này không nằm trong chương trình của tôi, không phải tôi thúc đẩy sự đầu độc các toán quân.

                                    (23 tháng 10 năm 1925 - Buổi chiều)

Phan Châu Trinh

NTV: Ông gặp Phan Châu Trinh vào thời kỳ nào?

PBC: Tôi không gặp lại ông ta kể từ khi ông ta đi khỏi Nhật Bản. Tôi đi theo ông ta đến tận Hồng Kông. Tôi không gặp lại ông ta nữa.

NTV: Phan Châu Trinh vì duyên cớ gì đến gặp ông ngay lập tức ở Nhật Bản?

PBC: Trước khi tôi đi ra nước ngoài, Phan Châu Trinh và tôi có cùng ý tưởng: phải phát triển trí tuệ của dân tộc An Nam và nền độc lập của vương quốc An Nam. Vì tôi đi không báo trước cho ông biết, ông ta vội vàng đến gặp tôi ở Nhật Bản để có tin tức về sự phối trí mà chúng tôi phải nắm được để thực hiện dự định của chúng tôi. Sau khi trao đổi quan điểm, chúng tôi còn đồng ý với nhau, có thể ông ta cho rằng sự có mặt của ông ta ở Nhật Bản là không cần thiết và ông ta lại đi vào tháng 5 hay tháng 6 năm Bính Ngọ. Sau khi gặp Cường Để ở Tokyo, chúng tôi đi Yokohama, tại đây chúng tôi trao đổi quan điểm rồi tôi theo ông ta đến tận Hồng Kông.

NTV: Trước khi đi ông đã đàm thoại với Phan Châu Trinh. Hãy nhắc lại cho chúng tôi nghe các cuộc đàm thoại đó?

PBC: Trước khi đi khỏi Đông Dương, tôi có nhiều cuộc đàm thoại với Phan Châu Trinh, khi đó tôi luôn luôn ở Huế. Cả hai chúng tôi đều muốn phát triển kinh tế đất nước cũng như những tiến bộ về trí tuệ của dân chúng: Phan Châu Trinh cổ vũ thành lập các trường ở Đông Dương, đồng thời gửi các sinh viên trẻ An Nam sang Pháp với sự đồng thuận của chính phủ Bảo hộ, phần tôi, tôi chỉ muốn thành lập nhiều trường ở Đông Dương và tôi vẫn chưa có dự định dấy loạn chống Chính phủ Bảo hộ. Các ý kiến của Phan Châu Trinh gặp ý kiến của tôi về điểm này và chúng tôi đều hiềm kỵ nền quân chủ (…). Vào tháng 9 hay tháng 10 năm Giáp Thìn (1904), tôi nói với ông: Đề đạt với Chính phủ Bảo hộ là vô ích. Ông hỏi tôi lý do. Tôi nói, vì tôi đã thử đề nghị đều không đi đến đâu cả, khi đó ông dự kiến đi Quảng Nam, nhưng trước đó, ông đến thăm tôi ở trường làng Lưu Diễn. Tại đây tôi nói chuyện với ông về dự định rời đất nước, nhưng ông không nói rõ thời gian thực hiện, ông không nói rõ nơi về nghỉ để chuẩn bị thực hiện vì lý do là tôi vẫn chưa có một quyết định nào về quan điểm này. Khi đó ông trở về Quảng Nam, và vào cuối năm, tôi trở lại làng quê ở Nghệ An, chuẩn bị ra đi và không gặp lại ông nữa.

                                    (24 tháng 10 năm 1925 - Buổi chiều)

Việt Nam Quang Phục hội

NTV: Quang phục Hội đã in những lời thề. Ông nói sao?

PBC: Đúng, có bản in những lời thề của Quang phục Hội như các hội Trung Quốc, người ta tham gia vào đó phục vụ đất nước An Nam sao cho trở thành nước Cộng hòa.

NTV: Nhưng trong thời gian tồn tại ngắn ngủi, hội đã hoạt động sôi nổi, đã có thể tuyển mộ hội viên, in lời thề, các lời tuyên bố, làm cho bên ngoài biết tiếng và khá nổi vào năm 1915, sự tồn tại của hội còn biểu thị mà chúng tôi đã tỏ rõ với ông.

PBC: Đúng là hội chỉ hoạt động 2 tháng, vì không có tiền, tiền giấy phát hành không ai nhận; nếu năm 1915 người ta còn nói về hội này là sai. Hội có mục đích lôi cuốn các phần tử Trung Quốc và người ta để các điều lệ trong tủ thuốc để các người có thể biết đầu tiên. Người ta muốn có sự giúp đỡ của Trung Quốc về người và tiền để đuổi những người Pháp, phục hưng đất nước, thành lập nước Cộng hòa.

NTV: Muốn đuổi những người Pháp, lúc đó ông dùng những phương tiện nào?

PBC: Mục đích của Hội là có được nhiều tiền, nhiều người, nhiều vũ khí để đuổi người Pháp.

NTV: Ông không nói chính xác trong lời thề có điều gì?

PBC: Tôi bảo lưu rằng tôi không còn nhớ nữa?

NTV: Lời thề in bằng chữ gì?

PBC: Bằng chữ Nho. Sau này người ta có biên soạn sang chữ Quốc ngữ hay không tôi không biết. …

NTV: Ông không học bắn súng révolver (súng lục)?

PBC: Mọi người tham gia quân đội Trung Quốc học cách sử dụng súng, tôi thì không, tôi dùng ngòi bút của tôi. Tôi không bao giờ có révolver, không bao giờ học cách sử dụng một thứ vũ khí nào? Vũ khí duy nhất của tôi là sự thuyết phục và tôi chỉ dùng vũ lực khi cần thiết.

NTV: Tùy thời trong cần thiết, ông chưa bao giờ đi đến dùng révolver?

PBC: Trong trường hợp cần thiết tôi sử dụng súng, nhưng cho đến ngày này tôi vẫn chưa học cách sử dụng. Tôi chưa sờ đến révolver, đến súng, đến gươm, vũ khí duy nhất mà tôi sử dụng là cây bút lông.

                                    (Ngày 28 tháng 10 năm 1925 - Buổi sáng)

NTV: Chúng tôi đã nói với ông là cá nhân ông không tham dự vào tất cả các việc này, nhưng ông chịu trách nhiệm đã truyền bá tư tưởng mà các sự kiện này là sự thực hiện. Việc biến mất của vị cướp nổi tiếng xảy ra một cách rất đúng lúc, ít tuần trước chiến dịch khủng bố mà ông phát động ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ?

PBC: Nếu các ông khẳng định rằng các tư tưởng chống Pháp của tôi là nguyên nhân của chiến dịch khủng bố năm 1913 ở Bắc Kỳ và ở Nam Kỳ, tôi không thể kháng nghị được. Nhưng tôi đề nghị các ông cân nhắc rằng, các người hành động không theo các lệnh của tôi vì lời khuyên duy nhất của tôi đối với các đảng viên là học tập. Tôi chỉ muốn yêu cầu chính phủ Pháp trả nền độc lập cho An Nam, vì lẽ sự học vấn mà tôi đã tạo dựng cho người An Nam xuất dương. Nói cách khác, vì nhiều người An Nam đã được học hành, An Nam phải được độc lập.

                        (30 tháng 10 năm 1925 - Buổi chiều)  

(TCSH346/12-2017)

---------------
1. Cochon: tiếng Pháp là con lợn, tiếng mắng chửi hoặc khinh mạt người khác (ND).
2. Trương Văn Dực là một bút danh của Phan Bội Châu, có thể viết thành Tr. Văn Đức như ở trong phiếu  




 

Các bài mới
Trang thơ Adonis (04/01/2018)
Mưa Huế và anh (29/12/2017)
Xóm không chồng (28/12/2017)
Các bài đã đăng