Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-17)
Về một bài thơ còn sót lại của ông hoàng Thọ Xuân Vương - Nguyễn Phúc Miên Định
10:10 | 05/02/2018

NGUYỄN VĂN CƯƠNG

Thọ Xuân Vương Miên Định (1810 - 1886), tự là Minh Tỉnh, hiệu là Đông Trì, là con trai thứ ba của vua Minh Mạng và bà Gia phi Phạm Thị Tuyết.

Về một bài thơ còn sót lại của ông hoàng Thọ Xuân Vương - Nguyễn Phúc Miên Định
"Phủ Thọ Xuân Vương hiện tọa lạc tại số 209 đường Chi Lăng, phường Phú Cát, thành phố Huế" - Ảnh: internet

Khi Gia phi mất, Vương mới 3 tuổi, được Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu nuôi ở trong cung. Lúc nhỏ yếu đuối nhưng đĩnh ngộ, học ở chái tây điện Cần Chánh, Thế Tổ Cao Hoàng đế thường thấy cắp cặp đi học, càng khuyến khích khen ngợi. Khi lớn tướng mạo đẹp đẽ, tư chất hơn người. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), Vương cùng Hoàng trưởng tử (tức vua Thiệu Trị sau này) được lệnh lập phủ riêng. Ông được lệnh lập phủ ở phía trái kinh thành để tiện việc phụng hầu. Vương vốn tinh thông mọi sách, nổi danh về thơ, càng giỏi về ứng chế. Năm 1842, Vương hộ giá vua Thiệu Trị ra bắc nhận lễ tuyên phong; năm 1865, Vương đổi làm Tả Tôn Chính, rồi được phong Thọ Xuân Quận Vương năm 1874 và đổi thành Thọ Xuân Vương năm 1878. Vua Tự Đức mất (1883), ông sung Hội đồng phụ chính, làm phụ chính thân thần; sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn (1885), ông nhiếp chính một thời gian cho đến vua Đồng Khánh lên ngôi. Ông mất ngày 10 tháng mười năm Bính Tuất (5/11/1886), thụy là Đoan Kháp. Tác phẩm của ông lúc sinh thời gồm: Minh Mạng cung từ, Tỉnh Minh Ái Phương thi tập

1. Giai thoại mắng sứ thần nhà Thanh để giữ gìn quốc thể của Miên Định

Sách Đại Nam liệt truyện có chép lại chuyện năm Thiệu Trị thứ hai (1842), vua ngự giá Bắc tuần làm lễ bang giao, Thọ Xuân Vương Miên Định được sung làm Ngự tiền thân thần. Ngày hành lễ, sứ thần nhà Thanh là Bảo Thanh ngồi trên kiệu đi vào cửa Chu Tước. Như thế là phạm nghi thức điển lễ. Các quan văn võ đứng hai bên rất bất bình nhưng không một ai dám lên tiếng, quan đón tiếp cũng không dám ngăn cản. Thấy nhà vua, Quốc thể bị xúc phạm, Thọ Xuân Vương nổi giận, chỉ vào mặt sứ giả Thanh triều đang ngồi trên kiệu thét lớn: “Nghi thức bang giao không cho phép nhà ngươi ngồi trên kiệu đến trước mặt Hoàng đế Đại Nam. Hãy xuống kiệu ngay lập tức”. Sứ Thanh giật mình, xuống kiệu trong sự lúng túng, xấu hổ. Lễ tất, nhà vua mở yến tiệc khoản đãi, sứ nhà Thanh từ chối, xin lui về công quán nghỉ ngơi. Thấy vậy các quan lấy làm lo lắng. Có người tâu: “Lỗi này là do Thọ Xuân Vương đã lớn tiếng với sứ giả”. Vua Thiệu Trị nói: “Nghi thức điển lễ bang giao đã đưa trước cho sứ nhà Thanh xem. Tại sao sứ Thanh lại phạm tất? Nếu Thọ Xuân Vương không biết tự trọng, sợ nước lớn thì Quốc thể Đại Nam còn ra gì? Sứ Thanh là người có học đáng lẽ phải biết điều đó. Cớ sao sai phạm rồi còn giận dỗi từ chối khoản đãi? Người mình mà không biết trọng Quốc thể của mình trách gì người ngoài? Các khanh nên xét cho kỹ”. Sau lễ sắc phong vua ban khen Thọ Xuân Vương. Trở về Huế nhà vua thưởng cho Thọ Xuân Vương một viên ngọc có khắc 4 chữ đặc dị quyến bưu (sủng ái đặc biệt).

2. Về phủ thờ và bài thơ trong Tỉnh minh Ái Phương thi tập

Phủ Thọ Xuân Vương hiện tọa lạc tại số 209 đường Chi Lăng, phường Phú Cát, thành phố Huế. Phủ được dựng năm 1823, sau cải tạo làm nhà thờ, quy mô khá lớn, ba gian hai chái dài 20m, rộng 15m trong khuôn viên khoảng 20.000m2, nhưng đã sụp đổ hẳn năm 1968 vì bom đạn; đến năm 1991, con cháu dựng vật liệu cũ làm lại tiền đường và chính đường nhỏ ba gian dài 10m, rộng 5m, kiểu cách hiện đại. Phía trước nhà thờ có tấm bia đá khắc bài văn ngự chế của vua Tự Đức tặng ông nhân dịp mừng thọ Vương 70 tuổi với tựa đề “Tứ Thọ Xuân Vương thất thập thọ tự tịnh ca”.

Kiến trúc cũ chỉ còn duy nhất cổng tam quan kiểu cổ lâu ba cửa vòm, xây gạch trát vôi. Phía trước mặt cổng có hàng chữ ngang đề: Thọ Xuân Vương từ môn - Cổng nhà thờ Thọ Xuân Vương) và 2 cặp đối bằng chữ Hán trên trụ biểu. Hai câu đối như sau: cặp thứ nhất: “Dữ tộc đồng hưu, tình điện báo quốc/ Hà thiên tích hựu, phúc mãn diên niên” - Vui cùng dòng tộc, vì nước ra sức gìn giữ/ Ơn trời ban che, phúc mãi đời đời. Cặp thứ hai: “Thị thần nhất đẳng trung cần, danh thắng vạn cổ/ Đế tử tứ triều lịch sự, lộc trọng thiên chung” - Bề tôi trung cần bậc nhất, danh thắng nghìn xưa/ Con vua trải qua bốn triều, hưởng lộc dồi dào.

3. Về Tỉnh Minh Ái Phương thi tập của Miên Định

Theo Thông báo Hán Nôm của TS. Trần Trọng Dương, Khảo sát tình hình văn bản tác phẩm một số tác gia hoàng tộc triều Nguyễn (TBHNH 2009), Viện Hán Nôm có đoạn: “Trong bài viết này, chúng tôi tiến hành khảo sát văn bản của một số tác gia hoàng tộc triều Nguyễn mà từ trước đến nay ít người biết đến, gồm 18 tác giả. Đó là những người có thi tập, có thể đứng riêng thành một tác giả lớn, cũng có thể đó là tác giả chỉ còn để lại một số bài thơ được chép trong một số tuyển thơ. Còn các tác gia nổi tiếng có ít nhiều tác phẩm đã được dịch chú và đã được nghiên cứu như Miên Thẩm, Miên Trinh, Mai Am, Huệ Phố, Minh Mệnh, Tự Đức thì chúng tôi xin được để lại trong một dịp khác.

Trong số 18 tác giả, có 12 tác giả có thi tập, văn tập và trứ tác riêng, bao gồm:
Miên Định, Miên Bửu, Miên Bật, Miên Cư, Miên Ngung, Miên Thanh, Hường Vịnh, Hường Sâm, Hường Y, Miên Tuấn, Ưng Phúc, tổng cộng có 16 tập thơ văn. Tuy nhiên, theo sự tra cứu của chúng tôi (qua [1], [10], [11]), đa số văn bản của các tác phẩm này đã thất truyền, đó là các tập: Minh Mệnh cung từ, Minh Tĩnh ái phương thi tập, Hân nhiên thi tập, Duân Đình thi thảo, Cống thảo viên thi, Di hiên, Hỷ mặc, Trúc Lâm, Đạo nam, Bồ Sơn. Duy có Duân Đình thi thảo của Miên Thanh còn một phần, được chép trong cuốn Đào Trang tập của Hường Vịnh mang tên Duân Đình thi thảo trích lục.

Theo nhà Nghiên cứu Trần Đại Vinh, vào năm 1984, ông đã từng đến nhà thờ này và lúc đó phủ thờ Thọ Xuân Vương vẫn còn lưu giữ tập “Tỉnh Minh Ái Phương thi tập” đang tình trạng mục nát. Hiện nay, tập thơ này đã không còn.

Cổng tam quan - kiến trúc cổ duy nhất còn lại của phủ thờ
Bài thơ “Hữu đề Ái Phương viên” được viết bằng chữ Hán treo đối diện điện thờ


Tuy nhiên tại hệ thống Hoành phi, đối liễn tại phủ thờ, ngoài bức hoành Thọ Xuân Vương từ (Phủ thờ Thọ Xuân Vương) treo chính giữa điện thờ. Chúng tôi phát hiện một bức treo đối diện có tựa đề Hữu đề Ái Phương viên (Đề vườn Ái Phương) bằng chữ Hán. Theo nội dung được dịch từ Bức hoành phi này, chúng tôi xác định đây chính là bài thơ còn lại duy nhất trong tập thơ Tỉnh Minh Ái Phương thi tập. Bài thơ như sau:

Nguyên văn:

東池閱厯几芳春
雅愛風光不厭陳
未忍蓁蕪堙舊勝
翻教整葺闡前因
桃紅柳綠毋多麗
陋屋茅薝有可人
幾幅花田逢雨後
一般眞趣入眸新
(右題愛芳園)

Phiên âm:

Đông trì duyệt lịch kỷ phương xuân
Nhã Ái phong quang bất yêm trần
Vị nhẫn trăn vu nhân cựu thán
Phiên giao chỉnh tập xiển tiền nhân
Đào hồng liễu lục vô đa lệ
Lậu ốc mao chiêm hữu khả nhân
Kỉ bức hoa điền phùng vũ hậu
Nhất ban chân thú nhập mâu tân

Dịch nghĩa:

Đông Trì(1) đã trải qua mấy độ xuân;
Mà phong cảnh vườn Ái Phương(2) vẫn tĩnh lặng xưa cũ.
Không nỡ để cho thắng cảnh cũ trở nên mai một,
Cho nên chỉnh đốn, sửa sang để hiển dương công đức của tiền nhân.
Cây Đào Hồng, cây Liễu xanh tuy không đẹp lắm,
Nhưng gian nhà tranh đơn sơ cũng đủ để làm vui lòng người.
Mấy thửa ruộng hoa sau cơn mưa rào,
Tất cả đều trở thành một thú vui tao nhã và chân thật.

Dịch theo nguyên thể:

Đông Trì đã qua độ mấy xuân;
Nhã Ái vườn xưa lắng bụi trần.
Chớ để cảnh xưa nên tàn tích;
Chỉnh đốn, sửa sang tỏ tiền nhân.
Đào hồng, liễu rũ tuy chưa đẹp;
Chỉ mỗi ngẩn ngơ gian liều gần.
Mấy thửa ruộng hoa vừa điểm lệ;
Cũng là chân thú bậc tao nhân.


Bài thơ Hữu đề Ái Phương viên nằm trong tác phẩm Tỉnh Minh Ái Phương thi tập của Thọ Xuân Vương, một trong những áng thơ còn sót lại trong tập thơ của ông, nội dung bài thơ mang đậm thể tài điền viên sơn thủy có hơi hướng thiền thi. Thiết nghĩ, đây là một tư liệu quý còn sót lại của ông hoàng nổi tiếng Thọ Xuân Vương cần được giới thiệu đến công chúng để chúng ta hiểu hơn và quý trọng những giá trị di sản văn hóa của tiền nhân để lại.

N.V.C
(SHSDB27/12-2017)


....................................
(1) Đông Trì: tên địa danh thời nhà Nguyễn, hiện nay ở địa phận phường Phú Cát, thành phố Huế.
(2) Nhã Ái: tức vườn Ái Phương. Có thể trước khi ngôi phủ được trùng tu lại, nơi đây đã từng tồn tại một danh thắng vườn Ái Phương.




 

Các bài mới
Các bài đã đăng