Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-17)
Borges có phải là nhà văn đình đám nhất thế kỷ XX?
09:04 | 07/02/2018

JANE CIABATTARI

Lần đầu tiên đọc tác phẩm của Jorge Luis Borges cũng giống như khi chúng ta phát hiện ra một mẫu tự mới trong bảng chữ cái hay một nốt nhạc mới trên âm giai vậy.

Borges có phải là nhà văn đình đám nhất thế kỷ XX?
Ảnh: internet

Bạn và đôi khi cũng là cộng sự của ông, Adolfo Bioy Casares đã gọi những bài viết của ông là “nơi phục hồi giữa một tiểu luận và một câu chuyện”. Chúng là những câu chuyện được lấp đầy bởi những lời nói đùa cá nhân và những điều bí truyền, giữa việc chép sử và những cước chú mang tính châm biếm. Chúng thường ngắn gọn và đôi khi có những cách bắt đầu khá bất ngờ. Lối sử dụng của Borges về những mê cung, chiếc gương, trò chơi cờ và những câu chuyện trinh thám luôn tạo ra được một khung cảnh phức tạp đầy thông minh, tuy vậy, ngôn ngữ của ông rõ ràng vẫn pha chút mỉa mai. Ông vẽ ra những bối cảnh huyền hoặc nhất bởi những từ ngữ đơn giản, từ đó lôi kéo chúng ta vào trong những nẻo đường quanh co của sự tưởng tượng gần như vô tận của ông.

Tác gia trứ danh William Gibson đã mô tả cảm giác khi lần đầu tiên đọc Tlön, Uqbar, Orbis Tertius của Borges, tác phẩm quay xung quanh một quyển từ điển bách khoa để đi vào một xứ sở không có thật, trong phần giới thiệu về tuyển tập truyện cực ngắn của Borges “Mê cung” (Labyrinths) rằng: “Nếu có một khái niệm phần mềm sẵn đó hẳn là sẽ hữu ích cho tôi, tôi tưởng tượng rằng tôi đã cảm thấy tôi đang đi thụt lùi như thể nó đang cài đặt một thứ gì đó tăng dần theo cấp số mũ, cái mà ngày nay người ta gọi nó như là dải tần.”

Một nửa thế kỷ đã trôi qua, khi tập truyện nổi tiếng của Borges “Hư cấu” (Ficciones) lần đầu tiên được dịch sang tiếng Anh, ông hầu như chưa được biết đến rộng rãi ở bên ngoài khuôn viên văn học Buenos Aires. Ông sinh ra ở thủ đô Argentina vào năm 1899, và tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Pháp trong khoảng những năm 1950. Năm 1961, ông trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới khi những nhà xuất bản tầm cỡ quốc tế đã trao giải Formentor cho ôngnhờ vào thành tựu văn học nổi bật mà ông đã tạo ra. Ông nhận giải cùng với Samuel Beckett (các tác giả khác là Alejo Carpentier, Max Frisch và Henry Miller). Giải thưởng đã kích thích cho những bản dịch tiếng Anh của Ficciones Labyrinths lẫn đem lại danh tiếng cũng như niềm kính mộ to lớn đối với Borges.

Cốt truyện mê cung

Từ lúc bắt đầu sự nghiệp viết văn của mình, ông là một nhà văn đã biết kết hợp được những truyền thống cổ điển và những sử thi của nhiều nền văn hóa khác nhau. Ông đọc những pho di sản tri thức đó một cách cẩn thận. Ở tuổi 55, Borges bị mù, một di chứng từ tình trạng không tốt về mắt nơi người cha mình. Cha của Borges, nói như Donald A Yates, một trong những dịch giả Mỹ đầu tiên của Borges, là “một cây viết thành công ở ngoại biên - ông ấy đã để lại một ít bài thơ, một tiểu thuyết lịch sử kha khá, và bản dịch đầu tiên về thể thơ tứ tuyệt của FitzGerald sang tiếng Tây Ban Nha. Người bà có quốc tịch Anh của Borges đã đọc cho ông nghe về những tác phẩm văn chương kinh điển của xứ sở sương mù. Yates nói “từ một con người hãy còn biết quá ít, ông đã bước sang một thế giới mà ở đó chữ nghĩa hiện ra rất dễ nhận thấy xung quanh ông”.

Là một đứa trẻ, Borges làm thơ và viếng thăm thư viện thường xuyên để đọc những bài tiểu luận dài của các tác giả như Samuel Taylor Coleridge và Thomas De Quincey từ những tập sách của Từ điển Bách khoa Britannica. Ông bỏ ra những năm tháng thiếu niên của mình ở Thụy Sĩ và Tây Ban Nha. Lúc trưởng thành, ông đã làm việc như một người thủ thư và sau đó là quản đốc Thư viện Quốc gia Buenos Aires. Đến năm 1930 ông đã xuất bản 6 quyển sách, 3 trong số đó là thơ và 3 tập tiểu luận. Giữa những năm 1939 - 1940 ông đã viết và đã thực sự ấn hành toàn bộ truyện của mình, từ đó ông trở nên nổi danh.

“Mỗi nhà văn tạo ra những bậc tiền bối của riêng mình”, Borges viết trong một tiểu luận bàn về Kafka. “Tác phẩm của anh ta hiệu chỉnh quan niệm của chúng ta về quá khứ, như nó sẽ hiệu chỉnh tương lai”. Borges chịu ảnh hưởng rất rộng từ Paul Valery đến Arthur Schopenhauer, từ Dante đến Beowulf và Kabballah. Ông đã dịch Walt Whitman, Edgar Allan Poe, James Joyce, William Faulkner, Virginia Woolf, André Gide, Franz Kafka và một số sử thi từ tiếng Anh cổ và tiếng Na-uy cổ. Ông ngưỡng mộ Mark Twain, Robert Louis Stevenson, Lewis Carroll, Joseph Conrad và những câu chuyện của Henry James lẫn Ring Lardner.

Nhà phê bình Marcela Valdes nói “điều mà Borges đã làm là một sự hợp nhất ngoạn mục trong việc phối trộn những thứ nguyên liệu thô - những câu chuyện trinh thám, những câu chuyện khoa học viễn tưởng - với những kết cấu tài tình và chứa đựng những hàm ý triết học. Ông đã yêu quý Buenos Aires, nhưng thế giới mà ông tạo ra ở trong truyện của ông về cơ bản là một thế giới được tạo ra từ một thư viện.”

Những mối bận tâm và những cách tân của Borges được phơi bày một cách hoa mỹ trong tuyển tập truyện ngắn Hư cấu (Ficciones). Ví dụ, ông là người đầu tiên có biệt tài tích hợp nhiều thể loại. Địa đàng quanh co (The Garden of Forking Paths), được kết cấu như một sự dẫn chứng vào năm 1916 bởi tiến sĩ Yu Tsun, một gián điệp người Hoa xuất thân từ đế chế Hung-nô, kẻ “đã từ bỏ tất cả để đến với sách và mê cung, một trò chơi cờ vĩ đại hay một truyện ngụ ngôn, ở đó chủ đề là thời gian” và một câu chuyện trinh thám. Ấn bản xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ của nó có trên tạp chí Ellery Queen Mystery.

Trong câu chuyện đầy kỳ ảo của ông Phế tích vòng tròn (The Circular Ruins), Borges dựng nên một gã phù thủy, kẻ đã tách mình ra ở trong một ngôi đền cổ để mơ về một con người “chỉ xuất hiện trong chốc lát để rồi gây ấn tượng mạnh mẽ lên đời sống của gã”. Một điều kỳ bí điển hình kiểu Borges thường hay xuất hiện: người kể là người đang mơ hay chính anh ta là kẻ được mơ đến?

Những quyển sách kỳ thú

Tập truyện Hư cấu cũng phản ánh hướng tiếp cận độc đáo và mang tính hậu hiện đại của Borges đối với sách vở và tác phẩm. Như ông đã ghi chú vào năm 1941, “Sự kết hợp của những quyển sách kỳ vĩ là một sự kham khổ tột độ và đầy gian nan... Có một cách tốt hơn là để giả vờ rằng những quyển sách ấy đã hiện hữu, và sau đó chúng ta chỉ việc trình bày lại, hay đề ra một lời bình luận về chúng... Có thể hợp lý hơn, vô lý hơn, lười biếng hơn, tôi đã thích viết những ghi chú về những quyển sách tưởng tượng như thế.”

Một trong số những truyện kể thời kỳ đầu của Borges, Tiếp cận Al-Mu’tasim (The Approach to Al- Mu’tasim - 1938), là một bài điểm sách ngắn gọn về một quyển sách không hiện hữu bởi một luật sư người Bombay, kẻ “không có niềm tin vào đức tin đạo Hồi nơi những người cha xứ mình.” Trong câu chuyện điển hình nói đến Pierre Menard, tác giả của Don Quixote, ở đó tác giả tưởng tượng có tên Menard đã hình dung lại câu chuyện ấy từ điểm nhìn của Don Quixote, một quá trình hoàn bị khám phá ra sự tư biện của Borges rằng mỗi quyển sách được làm mới lại liên tục bởi mỗi độc giả. Thư viện Babel (The Library of Babel) trình bày một vũ trụ (được gọi là Thư viện) “đã tạo ra một sự bất định, có lẽ vô tận, với rất nhiều những phòng trưng bày sáu cạnh cùng cửa thông gió khổng lồ ở giữa, được bao quanh bởi những hàng rào rất thấp.”

Borges được coi là cha đẻ của tiểu thuyết Mỹ La-tinh, không có ông tác phẩm của Mario Vargas Llosa, Guillermo Cabrera Infante, Gabriel García Márquez và Carlos Fuentes khó có thể có được. “Sự ảnh hưởng của Borges lên văn học Mỹ La-tinh cũng giống như sự ảnh hưởng của Sherwood Anderson lên tiểu thuyết Mỹ vậy: một sự ảnh hưởng sâu rộng mà cái tên nhà văn đương đại trứ danh cũng rất khó để có thể chạm đến nó” như Valdes nói. “Một vài người trong số họ chịu ảnh hưởng gián tiếp, thông qua các truyện ngắn của Julio Cortázar hay các tiểu thuyết của César Aira hoặc trước tác của Roberto Bolaño. Nét độc đáo được đánh dấu qua rất nhiều tác phẩm của Bolaño, một cảm giác đầy mơ hồ, một sự tiếp nối từ Borges mặc dù Bolaño đã đóng góp vào cuối đời ông.”

Đã mấy thập niên trôi qua kể từ khi Borges qua đời vào năm 1986, sự nổi tiếng của ông vẫn không ngừng gia tăng. “Ngày nay, người ta có thể xem Borges là một nhà văn đình đám nhất thế kỷ XX” - Suzanne Jill Levine, dịch giả và là biên tập viên chính của 5 tập sách kinh điển về Borges của nhà xuất bản Penguin, nói. Tại sao? “Bởi vì ông đã tạo ra một đại lục văn chương mới giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ, giữa châu Âu và châu Mỹ, giữa những thế giới cổ đại và hiện đại. Trong việc tạo ra lối viết độc đáo nhất của ông về thời gian, Borges đã cho chúng ta biết rằng, chẳng có gì là mới mẻ cả, sự sáng tạo là sự tái sáng tạo, tất cả chúng ta là một tâm trí đầy mâu thuẫn, được kết nối với mỗi một người khác và thông qua thời gian lẫn không gian, con người không chỉ là những kẻ làm ra hư cấu mà còn là chính sự hư cấu, mọi thứ mà chúng ta nghĩ hay tri nhận là hư cấu, mọi góc cạnh tri thức đều là hư cấu.”

Và, Levine nói thêm, “thế giới mạng, ở đó toàn bộ không gian và thời gian cùng hiện hữu đồng thời, như thể nó đã được phát hiện ra bởi Borges. Ví dụ, trong câu chuyện nổi tiếng của ông, The Aleph. Ở đó, chữ cái đầu tiên trong bảng mẫu tự của tiếng Do Thái cổ trở thành một điểm trong không gian và thời gian, nó chứa đựng toàn bộ thời gian và vạn vật trong vũ trụ.” Như Borges viết trong câu chuyện, “tôi đã nhìn thấy một khối cầu lóng lánh rất nhỏ mà hầu hết trí thông minh đều không thể hình dung nổi. Lúc đầu, tôi nghĩ nó đang quay tròn; sau đó tôi nhận ra rằng sự chuyển động này là một ảo ảnh được tạo ra bởi một thế giới ma mị mà nó đã giới hạn. Đường kính của Aleph có lẽ nhỏ hơn 1 inch, nhưng toàn bộ không gian mà nó có là không gian có thực và không bị thuyên giảm.”

Người đọc và cũng như người viết liên tục khám phá ra sự tinh tế mới mẻ trong tác phẩm của Borges. Một gia tài thỏa đáng với một con người từng viết “tôi luôn luôn tưởng tượng rằng Thiên đường sẽ là một loại thư viện.”

Tuệ Đan dịch
(Nguồn: http://www.bbc.com)
 
(SHSDB27/12-2017)


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng