Tạp chí Sông Hương - Số 347 (T.01-18)
Nguyễn Vỹ, người trí thức nước Việt
14:49 | 23/01/2018

ĐỖ HẢI NINH

Trong công trình Ba thế hệ trí thức người Việt (1862 - 1954), trên cơ sở nghiên cứu về trí thức người Việt từ phương diện xã hội học lịch sử, GS. Trịnh Văn Thảo xếp Nguyễn Vỹ vào thế hệ thứ 3 (thế hệ 1925) trong số 222 nhân vật thuộc ba thế hệ trí thức Việt Nam (1862, 1907 và 1925)(1).

Nguyễn Vỹ, người trí thức nước Việt

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở Quảng Ngãi, Nguyễn Vỹ sớm tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ của thời đại và tham gia tích cực vào đời sống xã hội đương thời bằng hoạt động văn chương và báo chí. Nguyễn Vỹ vốn được biết đến nhiều hơn với tư cách là “thi nhân tiền chiến” bởi xu hướng cách tân thơ táo bạo và giọng thơ riêng lạ (tiêu biểu như bài Sương rơi, Gửi Trương Tửu, được xếp vào những bài thơ hàng đầu của Thơ mới). Ngoài ra, bên cạnh các tiểu luận có tư tưởng chống Nhật như Kẻ thù là Nhật BảnCái họa Nhật Bản, Nguyễn Vỹ góp vào lịch sử văn học Việt Nam những tác phẩm văn xuôi thấm đẫm tinh thần thời đại như các tiểu thuyết Đứa con hoang, Hai thiêng liêng hay các chứng tích/ chứng dẫn thời đại như Tuấn, chàng trai nước Việt Văn thi sĩ tiền chiến. Bài viết sẽ tìm hiểu những giá trị lịch sử và văn chương của cuốn sách Tuấn, chàng trai nước Việt, qua câu chuyện cuộc đời của một cá nhân đóng vai trò nhân chứng thời đại, được tường thuật một cách hấp dẫn, sinh động hướng tới đánh giá, lý giải về tác giả Nguyễn Vỹ trong tư cách một trí thức người Việt ưu thời mẫn thế, dấn thân, luôn quan tâm đến vận mệnh dân tộc.

Tuấn, chàng trai nước Việt là một cuốn sách độc đáo của Nguyễn Vỹ. Với phụ đề Chứng tích thời đại từ 1900 đến 1970, do Tác giả xuất bản và lời đề tặng trân trọng: Tặng Tuổi Trẻ Việt Nam. Tiểu chú về bộ sách cho biết, sách gồm 4 quyển bao gồm ba phần tư thế kỷ XX: Quyển 1: từ 1900 đến 1926, Quyển 2: từ 1927 đến 1945 xuất bản năm 1970, dự kiến Quyển 3, từ 1946 đến 1970, và Quyển 4 từ 1971 trở về sau. Tuy quyển 3 và 4 chưa kịp xuất bản như dự kiến nhưng chỉ với 2 cuốn đầu, tác giả đã dựng lại khá bao quát và chân thực những tư liệu lịch sử, xã hội, văn hóa, chính trị, giáo dục Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Đúng như lời đầu sách tác giả viết: “Với tư cách một nhân chứng vô tư của thời đại, Tuấn thuật lại rất khách quan và chân thật, không màu mè chải chuốt tất cả những biến đổi phi thường ấy”, cuốn sách được trình bày theo trình tự biên niên, bố cục rõ ràng, giản dị, gồm 45 chương, đầu mỗi chương có đề mốc thời gian, tóm lược nội dung, các sự kiện chính. Nguyễn Vỹ làm công việc cần mẫn của một nhà khảo cứu, một chứng nhân lịch sử khi cố gắng ghi chép thu thập số liệu một cách chi tiết, tỉ mỉ về mọi phương diện, từ những chi tiết đời thường, những giai thoại đương thời cho đến các sự kiện lớn của toàn cảnh bức tranh xã hội, nắm bắt từ tâm lý, tư tưởng các giai tầng đến những xu thế xã hội thời bấy giờ. Chẳng hạn, trong Chương 2, 1910 - 1916, những nội dung chính của chương được tóm lược ngay từ đầu:

- Những kẻ nịnh Tây, tâng bốc “Quan lớn Đại Pháp”,

- Trường Quốc học Huế đến năm 1907 mới có kỳ thi Tiểu học đầu tiên

- Trường Nữ học Đồng Khánh Huế mở năm 1917

- Năm 1910 toàn xứ Trung kỳ tổng cộng chỉ có 1595 học sinh

- Chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện. Dân chúng hoảng sợ

- Sài Gòn năm 1910 tổng cộng dân số 70.000 người trong đó chỉ có 40.000 người Việt

- Có chiếc “xe máy” (xe đạp) là “văn minh” nhứt,

- Sài Gòn 1910 chỉ có tất cả 5 chiếc ô tô,

- Thanh niên Sài Gòn mang giày “ma mị”,

- Vụ vua Duy Tân tháng 5 năm 1916, Huế,

- Ảnh hưởng của vua Duy Tân (16 tuổi) đối với thanh niên Việt Nam hồi đó,

- Vụ giặc Đồng Bào năm 1908
.

Sự tóm lược nội dung từng chương một cách khoa học và bài bản, cách chọn lựa những dữ kiện chính một cách tinh tế và giàu chính kiến, mặc dù tác phẩm quay trở lại với bối cảnh xã hội hồi đầu thế kỷ, nhưng những số liệu thống kê và các chi tiết, giai thoại tự thân đã mang sức hấp dẫn chính từ ý nghĩa lịch sử của nó. Tác phẩm được trình bày theo thời gian tuyến tính với mỗi chương là một cột mốc không đồng đều, tùy thuộc tính chất quan trọng của thời điểm lịch sử, (chẳng hạn, chương 12: 1920 - 1924, chương 13: 1925, liên tiếp các chương 14, 15, 16, 17: 1926), tuy vậy, trong nhiều đoạn, câu chuyện vẫn được mở rộng, tiếp nối đến giai đoạn sau 1945, khi đã có một độ lùi thời gian nhất định. Với ý thức phục dựng lịch sử của giai đoạn giao thời nhiều biến động, Nguyễn Vỹ vừa có cái nhìn tổng quát vừa có những quan sát cụ thể và quan trọng hơn, ông đã chọn cách viết uyển chuyển, linh hoạt, khác các công trình biên khảo hay sử học ở chỗ đặt những nhân vật cụ thể như Trần Anh Tuấn, Trần Tuấn (em), Lê Văn Thanh và những tên tuổi trong làng văn nghệ, trong giới chính trị Việt, Pháp với đời sống cá nhân nhiều tình tiết thú vị vào bối cảnh xã hội rộng lớn. Nguyễn Vỹ ý thức về thời ông sống là một thời đại đang chuyển vần dữ dội với những biến cố làm thay đổi tận gốc rễ nền văn hóa, bởi vậy, ông chú ý quan sát và không bỏ sót những điều mắt thấy tai nghe. Thời điểm xuất bản bộ sách vào năm 1970, với một độ lùi thời gian hơn nửa thế kỷ, không thể tránh khỏi sự vênh lệch do “cơ chế khúc xạ của trí nhớ” (Lại Nguyên Ân) nhưng Tuấn, chàng trai nước Việt được khẳng định là tác phẩm “đã làm sống lại không khí lịch sử và phong tục tập quán” của một thời đại đã qua (Nguyễn Huệ Chi)(2). Nhà phê bình Lại Nguyên Ân, mặc dù phát hiện ra một số chi tiết nhầm lẫn của Nguyễn Vỹ nhưng vẫn coi đây là cứ liệu để đối chiếu khi khảo sát đời sống văn nghệ đầu thế kỷ, có khi sự nhầm lẫn của Nguyễn Vỹ lại chính là cơ sở cho những suy luận của ông(3).

Tuấn, chàng trai nước Việt được trần thuật từ ngôi thứ ba, xuyên suốt tác phẩm luôn có một người kể chuyện hàm ẩn, khách quan, đứng cao hơn nhân vật và “biết trước”, tường thuật câu chuyện của Tuấn, theo bước chân của nhân vật Tuấn - “nhân vật điển hình, tiêu biểu những chàng trai Việt Nam sinh trưởng trên đất nước đầu thế kỷ”,… Tuấn là nhân vật “tuy hai mà một, tuy một mà hai” bởi vì nhân vật Trần Anh Tuấn (Tuấn anh, tên thật là Chuột) và em trai Trần Tuấn (Tuấn em tên thật Bọ Hung), không chỉ “giống nhau như đúc, từ cái mặt, cái tay, cái chưn, cho tới bộ đi, bộ đứng, giọng nói, giọng cười” (sic), mà còn đồng điệu ở lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước và chống Pháp. Tuấn (anh) là một trong những đứa trẻ đầu tiên của làng “bị” đi học trường Nhà nước Bảo Hộ, và cũng là người đầu tiên trong tỉnh thi đỗ bằng Thành chung ở trường Quốc học Huế, được bổ dụng làm Thông Phán ở Tòa sứ của tỉnh. Nhờ đó, Tuấn được tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, sớm nhận thức về thân phận người dân mất nước. Tuấn (em), đi học ngay sau khi Tuấn (anh) trở thành Phán Tuấn tiếp tục trở thành đối tượng quan sát và một nhân chứng sống khách quan của người kể chuyện. Vai trò của nhân vật Tuấn (anh) nhằm mở rộng không gian và thời gian kể chuyện, kéo dài sự quan sát về văn hóa, xã hội, giáo dục Việt Nam lùi về phía trước, ngay từ đầu những năm 1900, tạo sự xác tín cho những thông tin của người kể chuyện, Tuấn (anh) cũng đại diện cho lớp trí thức đầu tiên được đào tạo để làm việc cho Nhà nước bảo hộ, sống tại quê nhà, nhưng vẫn âm thầm theo đuổi lý tưởng và bị thực dân Pháp bắt giam. Hai nhân vật Tuấn nối tiếp nhau, nhờ thế mà bao quát được các không gian và nhiều sự kiện khác nhau, mở rộng phạm vi quan sát và gia tăng độ tin cậy (tác giả chỉ phân biệt Phán Tuấn và Tuấn em trong một vài đoạn, còn thông thường chỉ dùng một tên Tuấn, phải chăng đó là ý đồ của Nguyễn Vỹ đồng nhất hai nhân vật thành một nhân vật Tuấn “kép” để tạo dựng mạch tự sự?). Tính khả tín của Tuấn, chàng trai nước Việt còn được thể hiện ở sự tương đồng giữa nhân vật Tuấn với Nguyễn Vỹ khiến không ít người gọi tác phẩm này là hồi ký, hoặc tự truyện của nhà văn. Tuấn - một thanh niên xuất thân nhà nghèo miền Trung nhưng có tinh thần dân tộc, ham hiểu biết và chịu khó đi đó đi đây tìm hiểu. Trong tác phẩm có nhắc đến sự kiện năm 1936, Tuấn làm chủ nhiệm kiêm chủ bút một tờ tuần báo Pháp ngữ chuyên về chính trị xã hội và văn hóa. Do bài viết công kích chế độ thuộc địa ở Pháp và kêu gọi dẹp bỏ triều đình Huế, Tuấn bị Triều đình Huế và phủ Thống sứ Bắc kỳ truy tố ra tòa án Pháp tại Hà Nội. Năm 1942, Tuấn bị bắt vì tư tưởng chống Nhật và bị đày đi an trí tại một nơi rừng thiêng nước độc thuộc huyện Củng Sơn, tỉnh Phú Yên, Trung Kỳ. Những sự kiện chính đáng chú ý từ cuộc đời hoạt động chính trị Tuấn đều trùng hợp với cuộc đời Nguyễn Vỹ. Nhưng khác với Văn thi sĩ tiền chiến có người kể chuyện xưng “tôi” như một cách xác nhận căn cước cá nhân với độc giả một cách công khai và hiện diện với tư cách một người trong cuộc ghi lại những hồi ức văn nghệ và tái dựng chân dung bạn văn, thì trong Tuấn, chàng trai nước Việt, nhân vật không hiện diện trong tư cách văn nghệ sĩ. Cuốn sách có nhiều trang quan sát tình hình văn nghệ nhưng vẫn giữ một khoảng cách trần thuật nhất định khi nhắc đến Thơ mới, trường thơ Bạch Nga nhằm tạo sự đánh giá khách quan: “Tìm đến nguyên nhân chính của sự xuất hiện “trường thơ Bạch Nga”, Tuấn đã nhận thấy, như mọi người, một thông lệ chung ở thời kỳ văn chương bắt đầu phát triển mạnh nhất ở Việt Nam, là hầu hết văn chương An nam hồi đó đều chịu ảnh hưởng của văn chương Pháp (…). Trong lúc Thơ mới Việt Nam ra đời, thoát được khuôn khổ cũ nhưng vẫn còn mò mẫm trong các cuộc thí nghiệm của mỗi nhà thơ, thì thơ Bạch Nga xuất hiện với mục đích rõ rệt là tạo cho thơ mới một nguyên tắc cụ thể về hình thức: dung hòa với cú pháp của thơ Tây, qui chế của thơ Tây vừa phản ánh được tinh thần dân tộc Việt Nam, để diễn đạt tư tưởng Việt Nam mới. (…) Bài Gửi một thi sĩ của nước tôi đăng trong một tuần báo Văn nghệ Hà Nội năm 1936 làm sáng tỏ chủ trương cải cách ấy…”. Ở đây không có sự xác nhận rõ ràng nào về mối liên quan giữa Tuấn và trường thơ Bạch Nga, Tuấn chỉ là một người quan sát khách quan mà thôi. Có thể nhận thấy rằng, trong cuốn sách này, tác giả muốn chú trọng đến vai trò nhân chứng thời đại về nhận thức, tư tưởng chính trị của Tuấn hơn là tư cách văn nghệ sĩ như trong Văn thi sĩ tiền chiến, mặc dù cả hai tác phẩm đều là chứng tích/ chứng dẫn thời đại. Sự xen kẽ thông tin, số liệu, giai thoại và câu chuyện học hành, quá trình nhận thức cũng như sự kiện của cuộc đời Tuấn khiến cho tác phẩm đầy ắp chất liệu hiện thực. Ý thức ghi lại chân thực lịch sử, đem lại những hiểu biết về văn hóa, phong tục,… một cách khách quan chính là ý thức trách nhiệm của một chứng nhân lịch sử muốn được chia sẻ với thế hệ sau. Nguyễn Vỹ đã từng đến với thơ, xuất bản tiểu thuyết và viết cả luận đề chính trị, song với Tuấn, chàng trai nước Việt, ông gọi là “chứng tích thời đại”, và phủ nhận tính hư cấu, “đây không phải một tiểu thuyết. Cũng không phải một ký ức cá nhân”. Bằng lối viết mạch lạc, khúc chiết, nhà văn đã để cho những dữ liệu đời sống đi vào lòng người một cách tự nhiên, gần gũi và dễ hiểu. Với tinh thần trân trọng quá khứ dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm của mỗi con dân đất Việt, Nguyễn Vỹ đã hướng tới mục tiêu quan trọng của bộ sách: “Những thế hệ hôm nay và hậu lai sẽ tìm nơi đây những yếu tố để suy nghiệm về Lịch sử Dân ta”.

Nhưng để có những suy nghiệm như thế, Nguyễn Vỹ đã tạo dựng nên hình ảnh Tuấn, chàng trai nước Việt, nhân vật mang phần nào hình ảnh con người cá nhân ông và cũng là đại diện cho cả một thế hệ thanh niên Việt Nam. Lý lịch, xuất thân của Tuấn không hoàn toàn trùng với Nguyễn Vỹ nhưng tư tưởng, các sự kiện trong cuộc đời hoạt động báo chí và văn nghệ có nhiều điểm tương đồng. Tuấn luôn ý thức về cá nhân và thế hệ của mình với tinh thần, thái độ dấn thân: nhà nghèo nhưng sớm tiếp thu tư tưởng yêu nước, tham gia bãi khóa và bị đuổi học, không có tiền, đi làm cho hãng rượu, dám cãi lại cả chủ Pháp khi ông ta khinh rẻ người Việt, bị đuổi việc, không xu dính túi nhưng vẫn đi thăm thú khắp nơi, gặp gỡ những nhà chí sĩ mà Tuấn ngưỡng mộ như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng,... Bằng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, Tuấn đã tham gia đấu tranh vì lý tưởng và kiên định với chính kiến của mình, do bài viết phản đối chế độ thuộc địa, Tuấn bị phạt 6 tháng tù và 3000 quan tiền, sau đó vì tư tưởng chống Nhật một lần nữa lại bị rơi vào cảnh lao tù. Trong tù Tuấn vẫn không thôi quan tâm đến tình hình trong nước và thế giới, và trước tình cảnh người An nam bị mê hoặc bởi thần chú “Thống chế Pétain” của Pháp, Tuấn “hai tay bị xiềng trong khóa sắt, Tuấn bước vô lao tù, mắt vẫn nhìn thẳng phía trước với lòng tin tưởng rằng hiện tượng phi lý đó sẽ tan như bọt xà phòng”. Ý thức về thời đại và ý thức trách nhiệm của thế hệ mình, nhiều lần trong Tuấn, chàng trai nước Việt, qua lời người kể chuyện khách quan, Nguyễn Vỹ nhắc đến “thế hệ” đầy tinh thần chất vấn, đối thoại: “Thế hệ thanh niên 1920 - 1925 không chú trọng đến vấn đề tình ái cá nhân và không dùng những danh từ “yêu đương”, “ái tình”, “tình yêu” (…). Nhưng nói rằng thời bấy giờ thanh niên không biết yêu lại cũng không đúng, thanh niên nào mà không biết yêu? Chỉ có khác là tình yêu kín đáo, dè dặt, nghĩa là tế nhị hơn”. Ông cũng nhìn vào bối cảnh xã hội, nền giáo dục và sự phát triển kinh tế trong nước và so sánh với các nước trong khu vực để nhận ra thực trạng đáng buồn: những thanh niên được du học chủ yếu là con quan lớn, gia đình thần thế sang Pháp học về văn minh tiến bộ thì ít mà học về ăn chơi xa xỉ thì nhiều, trong khi thanh niên Nhật và Ấn Độ du học bên Âu Tây mà khi thành tài sau mấy năm chuyên cần học hỏi, họ đem về tất cả những khả năng kỹ thuật mới lạ, những bí quyết văn minh khoa học để mở mang kinh tế, kỹ thuật của xứ sở họ, không kém thua các nước Tây phương bao nhiêu”. Nỗi niềm trăn trở của Tuấn, cũng là của Nguyễn Vỹ về đất nước, cho đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Cũng như Nguyễn Vỹ, một người luôn phản biện xã hội, sẵn sàng chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình, thậm chí chịu cảnh lao tù, Tuấn là phản chiếu, là hiện thân của Nguyễn Vỹ - một nhân cách trí thức Việt thế hệ 1925, chịu tác động mạnh mẽ của bối cảnh xã hội, tích cực tham gia cải tạo xã hội bằng báo chí, văn chương và dạy học, dấn thân và chịu những cơn va đập của thời cuộc (tù đày, cái chết, di cư,…). Điểm nhìn của người trần thuật khách quan, khi thì tách riêng, khi thì nhập vào với điểm nhìn của nhân vật Tuấn, cho thấy một sự thống nhất từ tác giả Nguyễn Vỹ - người kể chuyện và nhân vật Tuấn. Đây là lý giải của người kể chuyện khách quan về thế hệ của Tuấn: Thế hệ sinh viên và học sinh Việt Nam từ ngày cụ Phan Bội Châu về nước năm 1925, đến ngày khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng, có thể gọi là thế hệ Nguyễn Thái Học. Mặc dù Tuấn hãy còn là một cậu học sinh quê mùa ngây ngô, nhưng chàng đã bắt đầu lớn lên trong thế hệ đó nên đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của các trào lưu ái quốc đang ngấm ngầm xáo trộn các từng lớp tuổi trẻ, hoặc đã vùng dậy, đã bùng lên, trong các lớp đàn anh”. Đồng thời, điểm nhìn cũng được di chuyển cho nhân vật Tuấn trong các sự kiện cụ thể. Khi nghe tin khởi nghĩa Yên Bái thất bại và Nguyễn Thái học bị bắt, “Tuấn và nhóm học sinh “Hội kín” nhao nhao lo sợ và đau khổ vô cùng. Giả vờ nóng lạnh, Tuấn nằm trên lầu đường Général Bichot, trùm chăn kín mít, âm thầm khóc một mình. Tuấn thấy cả một sự đổ vỡ kinh hoàng, với cảm giác gần như Lịch sử Việt Nam bị đứt đoạn nơi đây, không còn kế tiếp nữa”… Tuấn thay lời Nguyễn Vỹ ký thác tâm sự, tình cảm của cả một thế hệ thanh niên nước Việt trong buổi nước nhà nô lệ. Và theo như Nguyễn Văn Trung: “Người trí thức không phải là người có kiến thức đại học hoặc sau đại học, mà là người có kiến thức chuyên sâu nhờ đọc sách và kinh nghiệm tiếp xúc. Thực ra, điều cốt yếu đáng nói không phải là vốn kiến thức mà là thái độ trí thức đối với các vốn ấy, và, nhất là đối với những vấn đề cuộc sống trước mặt đặt ra”. Tuấn và Nguyễn Vỹ chính là sự nối tiếp hình ảnh kẻ sĩ trong truyền thống văn hóa, văn học phương Đông.

Nguyễn Vỹ - người cũng có thể coi là một trí thức từng trải, với một thời thanh niên sôi nổi đi qua bao biến cố và bão táp của thời cuộc, đã kiên quyết lựa chọn cho mình một con đường riêng, qua việc nhìn lại lịch sử, hoàn toàn có tư cách để “gửi tới những ai đang còn tuổi trẻ”. Nhưng tác giả không xưng “tôi” kể chuyện, không gọi cuốn sách của mình là hồi ký, tự truyện, không đặt ra một nhà tư tưởng Nguyễn Vỹ trực tiếp khuyên bảo, dặn dò thanh niên Việt Nam mà thông qua câu chuyện của một nhân chứng thời đại, với độ gián cách nhất định đã chia sẻ câu chuyện thời đại mình sống một cách khách quan, thành thật, nhờ vậy, Tuấn, chàng trai nước Việt tạo nên hiệu quả thẩm mỹ và tác động sâu sắc tới người đọc thế hệ sau, như một áng văn chương đích thực của thời hiện đại.

Hoàng Mai, tháng 9/2017
Đ.H.N   
(TCSH347/01-2018)

.....................
(1) Trịnh Văn Thảo, Ba thế hệ trí thức người Việt (1862 - 1964), Nguyễn Văn Khánh, Lê Thị Kim Tân… dịch, Nxb. thế giới, H.,2013.
(2) Nguyễn Huệ Chi, Từ điển Văn học (bộ mới). Nxb. Thế giới, H., 2004.
(3) Lại Nguyên Ân, Phan Khôi và cuộc thi quốc sử của báo Thần chung, Sài Gòn, 1929, Nguồn: http://lainguyenan.free.fr/TimLaiDiSan/PhanKhoiVaCuocThi.html  




 

Các bài mới
Mẹ (14/02/2018)
Phố Phái (13/02/2018)
Cõi một (31/01/2018)
Các bài đã đăng